Nhà mặt phố, bố chủ tịch phường
Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013
Khi sự giàu có đi kèm với nỗi buồn và hổ thẹn
16:28
Hoàng Phong Nhã
No comments
Không phải tất cả, nhưng nhiều
người ước mong giàu có, chả vậy mà mỗi khi năm mới đến, người ta vẫn
chúc nhau mạnh khỏe, giàu có, ... Khi thắp nén hương thờ phụng thần phật
và tổ tiên, người Việt không quên cầu mong đấng linh thiêng phù hộ cho
mình được mạnh khỏe, ... và giàu có.
Nhà mặt phố, bố chủ tịch phường
Rõ ràng, giàu có là mong ước chính đáng của con người.
Song, gần đây một số nghiên cứu điều tra
xã hội học nhận xét rằng tâm lý "ghét người giàu" đang hình thành ở
những nước như Trung Quốc, Nga và Việt Nam v.v... như một nghịch lý.
Tờ China Daily đăng một khảo sát điều tra gần đây do Viện Khoa hoc Xã hội Zhejiang cho thấy "96% công chúng nói họ căm ghét người giàu."
Yu Jianrong, Giám đốc Trung tâm Nghiên
cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), thừa nhận rằng "sự căm
ghét đối với các quan chức, người giàu có đang trở thành một trạng thái
tâm lý (mentality) ở Trung Quốc."
Tương tự như vậy, người giàu ở Nga bị
căm ghét vì "chỉ sau vài năm họ trở nên vô cùng giàu có mà ở những nước
văn minh phương Tây phải mất hàng thế kỷ".
Nếu các nhà xã hội học ở Việt Nam làm điều tra chính thức, không biết liệu kết quả có khác Nga và Trung Quốc hay không?
Trong khi đó, những tỷ phú như Bill
Gates, Steve Jobs, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg, ... cũng chỉ
chiếm một tỉ lệ nhỏ trong xã hội, không những không bị xã hội Mỹ thù
ghét mà còn được ... ngưỡng mộ. Đơn giản, vì họ trở nên giàu có bằng
chính lao động của mình một cách minh bạch chứ không bằng con đường
mafia và trộm cắp.
Vậy, ngoài phản ứng tự nhiên "giàu ghen,
khó ghét" có từ xa xưa, rõ ràng có những căn nguyên khác do những
nghịch lý trong xã hội hiện tại. Tâm lý đó ngày nay không chỉ gồm có sự
ganh ghét và còn chứa cả sự khinh bỉ, chủ yếu nhằm vào một số ít người
bỗng nhiên trở nên "siêu giàu chỉ sau một đêm" bằng những cách ... rất
bất bình thường.
Thế nào là giàu hay nghèo khác nhau rất
xa giữa các quốc gia. Ở thế kỷ trước, mơ ước về vật chất của người miền
Bắc những năm 1970- 80 khiêm tốn lắm. Nó đã được khái quát hóa một cách
hài hước bằng '10 yêu': "Một yêu anh có may-ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn
dần/ Ba yêu ..."
"Mười yêu" của thời hiện đại chắc chắn
khác rất xa. Trong con mắt của những tay gian hùng thời nay, ai có hai,
ba biệt thự chưa được coi là giàu. Trong khi với khá nhiều người, sở hữu
chiếc xe Camry đã là sang thì những tay "đại gia" chỉ coi nó
là "giẻ rách". "Mười yêu" không chỉ dừng lại ở vật chất mà dần chuyển
hướng đến quyền lực và chủ nghĩa thân quen, gia đình trị: "Nhà mặt phố/
Bố chủ tịch phường/ Chị ngoại thương..."
Sự cách biệt giầu - nghèo theo hướng tiêu cực
Xã hội nào vào thời nào cũng có kẻ giầu, người nghèo như một hiện tượng tất yếu.
Tuy nhiên, loài người đã phân loại sự phân hóa là tiêu cực và phân hóa tích cực.
Ai lao động tích cực, sáng tạo, và có
hiệu suất cao sẽ là người giầu có. Ngược lại ai lười biếng, kém năng lực
sẽ nghèo hơn. Sự phân hóa giầu- nghèo như thế là tích cực, nó khiến
người nghèo phải nỗ lực vươn lên.
Còn ai kẻ kém cỏi về năng lực, lười
biếng, thì lại giầu lên vùn vụt. Ngược lại ai chăm chỉ lao động, có năng
lực, thì lại nghèo. Sự phân hóa này được cho là tiêu cực, nó thủ tiêu
mọi cố gắng, sức sáng tạo của xã hội.
Sự phân hóa giàu- nghèo tiêu cực có từ
thời bao cấp, thời mà người ta tưởng rằng cái nghèo được cào bằng. Ngày
đó, kẻ giàu có vẫn là những kẻ có đặc quyền đặc lợi. Sự bất công này
cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra bất mãn trong xã hội
dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Xô viết, như được bàn trong loạt bài trên
Thời Nay - một ấn phẩm của báo Nhân Dân.
Sự cộng sinh của sinh vật cấp thấp
Ngày nay, khoảng cách giàu nghèo càng
rộng và theo hướng tiêu cực. Song, người đang được hưởng thành quả lao
động, không phải là những người lao động cần cù và học hành tử tế hay
những người từng đóng góp xương máu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không cần phải làm thống kê ta cũng có
thể thấy người Việt bằng trí tuệ, lao động chân chính cộng với chút may
mắn mà trở nên giàu có là rất hiếm hoi. Những kẻ giàu 'kinh khủng' hiện
nay không thể giàu như thế, nếu không có sự câu kết của hoạt động mafia
kiểu các quốc gia như Nga, Trung Quốc, ...
Vẫn theo báo cáo trên tờ China Daily nói trên,
70% số người Trung Quốc được hỏi cho rằng khoảng cách giàu nghèo ngày
càng tăng bất chấp khẩu hiệu "xã hội hài hòa". Một số trở nên giàu có
bằng sự trả giá của người nghèo thông qua ăn cướp của công nhờ các "mối
quan hệ chính trị".
Carl Thayer, GS nghiên cứu về Việt Nam nhận xét rằng: "Không ai ở đây có được tài sản lớn mà không có quan hệ mật thiết với các thành viên đầy quyền lực ..."
Cũng từ đó nạn chảy máu chất xám ngày càng gia tăng vì nơi đây hình như không cần chất xám.
Lối sống sa đọa: Biểu hiện của sự giàu bất minh
Tài sản do trộm cướp được một cách dễ
dàng khiến bọn trộm cắp ăn chơi sa đọa theo cách của những tên bạo chúa
mông muội. Cách chơi của bọn tội phạm PMU-18 là một trong muôn vàn ví
dụ.
Bọn này có lẽ đã học cách 'chơi' của mấy
chú I-van giàu xổi, "đốt" €86.000 (trên 2 tỉ đồng Việt Nam) chỉ trong
một đêm ở câu lạc bộ Billionaire, Sardinia. Người dân tại những khu nghỉ
mát như bờ Địa Trung Hải này hay Cote d'Azur phải ngỡ ngàng khi thấy
mấy chú trọc phú Nga bỗng tự nhiên nhét vào ngực mấy cô phục vụ một nắm
đô-la và cười khả ố. Họ ngỡ ngàng vì chưa bao giờ thấy tỷ phú phương Tây
ném tiền đi như thế cả.
Đành rằng ai có tiền thì người đó tiêu
theo ý thích. Nhưng tiêu tiền kiểu như thế hay như rước một con chó bằng
30 xe Mercedes ở Trung Quốc hay rước dâu ở phố núi nghèo Việt Nam ...
đúng là kiểu trọc phú.
Nếu tiền đó kiếm bằng trí tuệ hay mồ hôi nước mắt, bọn họ đã không làm như thế.
Trong khi trẻ em đu dây cáp đi học vì
không có tiền bắc cầu qua sông thì quan chức bỏ tiền tỷ trong những buổi
đánh bạc. Những quan tham đốn mạt còn cố tình bòn rút tiền cứu trợ của
người nghèo.
"Ăn cắp ăn trộm thành phật thành tiên, ..." là một nửa của ngạn ngữ trong tiếng Việt nói lên cái nghịch lý của cuộc sống.
Chính những nghịch lý và sự bất công nói trên giải thích tại sao người giàu bị khinh ghét.
Trong một xã hội có đạo lý, người nghèo
nên xấu hổ. Ngược lại, trong xã hội vô đạo lý, kẻ phải xấu hổ lại không
phải là người nghèo.
Một nhà báo viết: "Từ khi ông Đặng Tiểu
Bình tuyên bố 'làm giàu là vinh quang', một số ít người đã giàu lên một
cách đê tiện." Nhận xét đó hẳn không chỉ dành cho Trung Quốc.
PHƯƠNG NGUYỄN (TUẦN VIỆT NAM)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét