Đối với mỗi người Việt, ít nhất
một lần trong đời đã nghe câu chuyện các thầy bói mù xem voi. Mỗi thầy
chỉ sờ được một phần của con voi nhưng ai cũng cho mình đúng.
Dựa vào triết lý trong câu chuyện này,
có thể thấy được phần nào các yếu tố nằm sau sự xáo trộn tâm lý của
công chúng cũng như các quan điểm trái chiều về các vấn đề kinh tế trong
thời gian qua.
Trên thực tế, để hiểu được một nền kinh tế thì cần có đủ hai yếu tố:
(1) nắm được những nguyên tắc hay quy luật vận động của một nền kinh tế nói chung;
(2) có đầy đủ những thông tin liên quan đến nền kinh tế cụ thể.
Nhưng do không có đủ hai yếu tố nêu
trên, nên “con voi” thường được vẽ theo cách hiểu và lượng thông tin mà
mỗi người có được. Đối với những trường hợp số đông có cách hiểu giống
nhau tạo ra tâm lý đám đông mà trong kinh tế học gọi là tâm lý bầy đàn.
Ví dụ khi có tin đồn một ngân hàng nào
đó đang khó khăn cộng với một số dấu hiệu theo suy diễn có vẻ hợp lý làm
mọi người đổ xô đến ngân hàng rút tiền. Kết quả là ngân hàng này vỡ nợ
và dẫn đến đổ vỡ dây chuyền toàn hệ thống, trong khi chưa hẳn ngân hàng
này đã có vấn đề. Điều này, trên thực tế, đã xảy ra ở VN.
Vấn đề tâm lý đám đông và sự dao động
của mỗi người càng dễ xảy ra hơn trong bối cảnh thông tin không đầy đủ
và các quy luật vận hành của một nền kinh tế nói chung chưa được hiểu
rõ. Hơn thế, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu chính sách của Nhà nước
hay những công bố của những người có thẩm quyền không nhất quán và mâu
thuẫn với nhau.
Tìm cách để mọi người, nhất là những nhà
hoạch định chính sách, có thể nhận ra hình thù thực tế của “con voi” là
yếu tố vô cùng quan trọng. Lúc này, kiến thức và thông tin cần phải
được giải quyết tốt thông qua các giải pháp sau.
Thứ nhất, một nền kinh tế chỉ có thể vận
hành trôi chảy nếu từng cấu phần của nó như: tài chính công, tiền tệ...
được vận hành tốt và những mối liên hệ được giải quyết hợp lý. Muốn có
điều này thì cần phải giao trách nhiệm, giới hạn phạm vi cũng như quyền
hành một cách rõ ràng để các cơ quan nhà nước không những không lấn sân
nhau mà còn có thể phối hợp với nhau.
Thứ hai, tìm hiểu kỹ hơn về kinh tế thị
trường (ít nhất tập trung vào các đối tượng chọn lọc trong điều kiện
nguồn lực có hạn) là việc cần làm trước khi thêm vào các cấu phần khác.
Bởi những lập luận sai căn bản như: giảm lãi suất để giảm lạm phát, giảm
giá đồng tiền không giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu,
hay tính lượng vàng trong nền kinh tế vào GDP... còn khá phổ biến.
Thứ ba, thông tin là một trong những yếu
tố then chốt của việc hoạch định các chính sách. Nếu không có một hệ
thống thông tin nhanh nhạy và có độ tin cậy cao thì rất khó để có được
những chính sách tốt, dẫn dắt công chúng có cái nhìn chân thực nhưng
tích cực về nền kinh tế.
Tóm lại, nhằm tránh được những tác động
tiêu cực gây xáo trộn tâm lý trong công chúng là việc cung cấp kịp thời
và chính xác các thông tin cần thiết, song song với việc đưa ra được các
chính sách công rõ ràng, nhất quán và không mâu thuẫn nhau. Dài hơn một
chút là việc truyền thông kinh tế cần đi vào thực chất hơn để giúp
nhiều người có thể hiểu được những quy luật vận hành căn bản nhất của
kinh tế thị trường, cùng với việc xây dựng một hệ thống thu thập và cung
cấp thông tin kịp thời và chính xác, làm cơ sở cho việc hoạch định và
thực thi chính sách.
HUỲNH THẾ DU (THANH NIÊN ONLINE)
Posted in: Kinh Tế
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét