Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Bàn về chiến lược phát triển và làm giàu của quốc gia

Một cộng đồng dân tộc giàu mạnh thực sự phải giàu mạnh bằng chính sự làm giàu chân chính của mỗi thành viên. Muốn vậy phải có một chiến lược quốc gia đúng đắn về phát triển và làm giàu.
Kết quả tăng trưởng kinh tế thường được đo lường bằng sự gia tăng khối lượng sản phẩm và dịch vụ được tạo ra bởi người dân của một vùng lãnh thổ (GNP - Tổng sản lượng quốc dân) hay bởi tất cả cư dân bao gồm cả người nước ngoài cư trú tại vùng lãnh thổ đó (GDP - Tổng sản lượng nội địa) trong một thời điểm nhất định, thường là một năm.
Sự tăng trưởng đó được xem là sự giàu có tăng thêm mỗi năm của một cộng đồng, thí dụ một quốc gia hay một thành phố. Và vì sự gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ có phần đối ứng tương đương là thu nhập, người ta cũng có thể dựa vào kết quả đó để tính mức thu nhập bình quân đầu người tăng thêm trong năm của mỗi cư dân trong cộng đồng, bằng cách chia GNP cho số dân của cộng đồng đó. Phép tính này khá đơn giản, tuy nhiên có thể dẫn đến hiểu lầm là sự giàu có tăng thêm của toàn thể cộng đồng là kết quả tổng cộng của sự giàu có tăng thêm của mỗi cá nhân trong cộng đồng, trong khi trên thực tế, sự giàu lên của cộng đồng được tính bằng tốc độ tăng trưởng của GNP hằng năm có những ảnh hưởng khác biệt, tích cực hay tiêu cực, đối với thu nhập và tài sản của mỗi cá nhân hay nhóm cá nhân thành viên của cộng đồng. Hiện tượng so le đó tạo nên một trong những khác biệt giữa trạng thái được gọi là tăng trưởng kinh tế và trạng thái được gọi là phát triển kinh tế, và các nhà phân tích kinh tế đã chỉ ra rằng ở nhiều nước dù nền kinh tế có tăng trưởng nhưng không có phát triển vì chất lượng tăng trưởng quá thấp.
Tổng sản lượng quốc dân (GNP) của một nước theo số liệu thống kê có thể tăng đều mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người (GNP per capita) cũng tăng theo, không có nghĩa là mỗi người dân trong quốc gia đó sẽ giàu lên theo cùng một tỷ lệ. Rất nhiều kết quả nghiên cứu tại các nền kinh tế đã phát triển hay đang phát triển cho thấy rằng tại nhiều nước, mặc dù tổng sản lượng quốc dân GNP tăng đều mỗi năm và thu nhập bình quân đầu người được ghi nhận theo kết quả thống kê là tăng, vẫn có nhiều người, nhiều hộ gia đình, nhiều khu vực - phổ biến là khu vực nông thôn - bị nghèo đi. Số người này ngày càng chiếm đa số, thường được gọi là đa số kém ưu đãi, là nhóm người được thừa hưởng ít nhất các kết quả của tăng trưởng kinh tế.
Tình trạng nghèo đi này được nhìn nhận theo hai cách. Về mặt tương đối, tuy mức thu nhập và tài sản danh nghĩa được tính bằng tiền của một bộ phận thuộc nhóm kém ưu đãi hiện nay có khá hơn trước đây so với chính họ, nhưng tốc độ khá lên của họ lại chậm hơn rất nhiều so với các nhóm thu nhập khác, do đó trong tương quan so sánh động, nhóm này vẫn bị nghèo đi vì cuối cùng, lạm phát sẽ hút mất phần chênh lệch danh nghĩa của họ. Về mặt tuyệt đối, còn có một bộ phận khác kém may mắn hơn lâm vào hoàn cảnh thực sự nghèo hơn chính họ trước đây - thu nhập ít hơn, tài sản giảm hơn - do nhiều lý do: công việc làm ăn thất bại dẫn tới phá sản, con cái đông hơn khiến thu nhập bình quân của gia đình giảm thấp, con cái không được ăn học do đó không tìm được việc làm, ruộng đất canh tác giảm dần do tiến trình đô thị hóa... Hệ quả của quá trình nghèo đi theo cả hai cách tương đối và tuyệt đối của đa số kém ưu đãi trong cộng đồng là khoảng cách giàu nghèo giữa họ và những nhóm khác ngày càng mở rộng ra, được thấy rõ nhất là giữa nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, vì tổng thu nhập quốc dân thực sự có tăng lên trên tiến trình tăng trưởng kinh tế, do đó ở đầu bên kia - những nhóm được ưu đãi - sẽ có những người cảm thấy mình giàu lên nhanh chóng do nhiều nguyên nhân khác nhau: do nhận được cơ hội tốt hơn để có công việc tốt hơn với thu nhập cao hơn, do hưởng được những đặc quyền đặc lợi về kinh tế, do thành công đặc biệt trong kinh doanh nhờ vào tài năng, may mắn hay những mối quan hệ tốt, do tiêu cực và tham nhũng... Tình trạng giàu lên và nghèo đi của hai nhóm ở hai đầu của dân số sẽ làm thay đổi tác phong của đường cong về phân phối lợi tức trong cộng đồng theo hướng ngày càng bất bình đẳng hơn và làm cho hệ số Gini ngày càng lớn hơn. Chẳng hạn, hệ số Gini (biểu thị bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) của Việt Nam hiện nay đã từ 0,35 của thập niên trước đây tiến đến mức trên 0,4, một mức đáng báo động về hiện tượng phân phối bất bình đẳng thu nhập, tuy rằng nước ta từng được Ngân hàng Thế giới ca ngợi là quốc gia có các chương trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Như vậy, những số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế chung không chắc phản ánh trung thực tình trạng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người hay mỗi nhóm người trong cộng đồng xã hội. Không ai có thể phủ nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp chúng ta trong vòng hai mươi năm nay, giúp nước ta từ một nước thiếu ăn thành một quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản, như gạo, cà phê, hạt tiêu... Tuy nhiên, đại bộ phận nông dân vẫn nghèo, nông thôn vẫn kém phát triển, chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục tại nông thôn vẫn kém, trình độ dân trí tại nông thôn vẫn thấp. Vì sao? Vì nông dân và khu vực nông thôn chỉ nhận được phần ít nhất các thành quả mà họ đạt được trong sản xuất, khiến tốc độ giàu lên của họ chậm hơn và do đó khả năng tái đầu tư để tăng năng suất trong nông nghiệp và cải thiện cuộc sống ở nông thôn ít hơn.
Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp thị ngày 10-12-2012, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nhận xét: "Phát triển nông nghiệp thời gian qua có vấn đề... Cuộc cách mạng lúa thần nông bắt đầu sau Đổi mới mang lại thành công... giúp (nước ta) trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng... chẳng thấy tiến triển để nâng cao đời sống dân trí, kiến thức cộng đồng nông dân... Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tệ nạn xã hội hoành hành, (nông dân) mất đất là ba vấn đề nhức nhối của bức tranh nông thôn".
Tăng sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng năng suất lao động là những yếu tố cơ bản quyết định cho việc làm giàu của mỗi người, mỗi doanh nghiệp. Sự gia tăng này cũng đồng thời đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế, tức sự giàu lên của cộng đồng. Gắn kết được sự giàu lên của cá nhân và sự giàu lên của cộng đồng một cách hài hòa và hiệu quả không chỉ là mục tiêu lý tưởng của chính sách kinh tế mà còn của những chương trình cải cách chính trị xã hội. Đây được xem là một sự phát triển win-win, mọi người đều được hưởng phần xứng đáng căn cứ vào sự đóng góp hiệu quả của mình vào sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, do những bất cập về chính sách, không thiếu hiện tượng giàu lên nhanh của cá nhân, của các nhóm lợi ích không đưa đến sự giàu lên của cộng đồng mà có khi còn ngược lại.
Chẳng hạn, trong quá trình hình thành bong bóng của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vừa qua, một số người giàu lên nhanh chóng do tranh thủ được thời cơ có một không hai này, nhưng sự giàu có nhanh của họ không đem lại sự tăng trưởng nhanh tương ứng của GNP, vì đó chỉ là kết quả của trò chơi tổng bằng không (zero-sum game), giá trị tài sản tăng lên của họ trong một thời điểm ngang bằng số tài sản mất đi của những người khác trong thời điểm đó, hoặc bằng với số tài sản họ sẽ mất đi sau này khi bong bóng vỡ. Cũng vậy, những người tích trữ tài sản dưới hình thức vàng miếng trong thời gian qua cũng thấy giá trị tài sản của họ tăng nhanh chóng mặt, nhưng họ đã không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế, nếu không nói rằng đó là một sự đóng góp âm. Ngoài ra, những hiện tượng giàu lên âm thầm do tiêu cực và tham nhũng chẳng những không giúp ích cho cộng đồng, mà còn có thể làm mất đi một nguồn vốn đầu tư lớn của quốc gia nếu những tài sản này được biến thành ngoại tệ chuyển ra cất giấu tại nước ngoài.
Một cộng đồng dân tộc giàu mạnh thực sự phải giàu mạnh bằng chính sự làm giàu chân chính của mỗi thành viên. Muốn vậy phải có một chiến lược quốc gia đúng đắn về phát triển và làm giàu. Năng suất lao động của mỗi thành viên sẽ không thể tăng nếu cộng đồng không có một hệ thống giáo dục chất lượng tốt và phổ cập, cung cấp cơ hội học tập đồng đều cho mỗi công dân, khuyến khích phát triển những tài năng ưu tú của quốc gia và xây dựng một lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ không thể tăng cường nếu không có một môi trường cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền đặc lợi nhằm chọn lọc những doanh nghiệp giỏi hơn, sử dụng các nguồn lực quốc gia tốt hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn. Sản lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ sẽ không thể tăng lên nếu không có một môi trường đầu tư lành mạnh, một hệ thống luật pháp khuyến khích và bảo vệ hoạt động đầu tư của công dân, một chính sách công nghệ tốt, một chính sách tín dụng hỗ trợ tích cực và một chính sách thuế khoán dưỡng sức dân.
Đó là một cộng đồng khuyến khích những người giỏi làm giàu và chia sẻ những thành quả đó cho những thành viên kém cỏi hơn qua một mạng lưới an sinh xã hội tốt đẹp và công bằng. Một cộng đồng mang lại niềm tin và sự lạc quan vào tương lai của mỗi thành viên bằng cách cung cấp cho họ nhiều cơ hội chọn lựa hơn, nhiều động lực hơn để thực hiện những ước vọng và hy vọng cho một cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn.
HUỲNH BỬU SƠN (DOANH NHÂN SÀI GÒN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét