Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013
John Stuart Mill - nhà tư tưởng của thời đại cải cách
23:42
Hoàng Phong Nhã
No comments
John Stuart Mill là nhà triết
học và kinh tế người Anh, một nhà tư tưởng lỗi lạc của thời đại cải cách
xã hội thế kỷ 19. Ông là một nhân vật chuyển tiếp quan trọng trong kinh
tế học.
Xét trên một số phương diện, ông thuộc
về trường phái cổ điển bao gồm Smith, Malthus và Ricardo, nhưng trên
những phương diện khác, ông là vị tiền bối quan trọng của trường phái
cận biên bắt đầu nổi lên vào cuối thế kỷ XIX.
Cuộc đời và sự nghiệp
John Stuart Mill sinh ngày 20/5/1806 ở
Pentonville, London. Là con trai cả của nhà sử học, kinh tế và triết học
James Mill, John được bố dạy học với một chương trình nghiêm khắc. Lên 8
tuổi, cậu đã đọc Các truyện ngụ ngôn Hy Lạp của Aesop, Cuộc viễn chinh (Anabasis)
của Xenophon và toàn bộ các tác phẩm của Herodotus. Cậu đã làm quen với
các tác phẩm của nhà văn trào phúng Lucian, nhà lịch sử triết học
Diogenes Laertius, nhà văn Isocrates và 6 hội thoại của Plato. Ngoài ra,
John cũng đọc say sưa nhiều tác phẩm lịch sử bằng tiếng Anh. Cũng ngay
từ khi 8 tuổi, cậu đã bắt đầu học tiếng Latin, hình học Euclid, đại số
và dạy học cho các em trong gia đình. Lĩnh vực quan tâm chính của cậu là
lịch sử, tuy nhiên cậu đã học qua tất cả các tác giả Hi Lạp và La Mã
thường được dạy ở trường, năm 10 tuổi, cậu đã đọc được các tác phẩm của
Plato và Demosthenes một cách dễ dàng. Năm 12 tuổi, cậu bắt đầu nghiên
cứu kỹ lưỡng logic Triết học kinh viện đồng thời đọc các luận thuyết
logic của Aristote. Trong những năm tiếp theo, cậu bắt đầu học kinh tế
chính trị, nghiên cứu các tác phẩm của Adam Smith và David Ricardo. Trên
thực tế, cậu bé John chịu ảnh hưởng nhiều của người cha, điều này đã
khiến cậu luôn bị mâu thuẫn, cậu đã phải trải qua một tuổi thơ không
hạnh phúc vì những ràng buộc tư tưởng và sự phát triển tư duy thiếu tự
nhiên.
Từ 5/1820 đến 7/1821, Mill sống ở Pháp,
học tiếng Pháp, hóa học, thực vật học và toán học nâng cao. Khi trở về,
năm 1821, anh bắt đầu học tâm lý học và luật La Mã. Năm 1828, Mill trở
thành trợ lý thanh tra của văn phòng India House. Trong 20 năm, từ 1836
đến 1856, Mill đảm trách mối quan hệ của công ty Đông Ấn với các bang Ấn
Độ, và năm 1856, Mill trở thành trưởng văn phòng thanh tra.
Các bài viết của Mill về "Linh hồn của Thời đại" trên tờ Người thanh tra
vào những năm 1930-1931 đã mở đầu cho sự nghiệp viết báo nổi tiếng của
ông. Năm 1832-1833, ông đóng góp nhiều bài luận cho các tờ Tait's Magazine, The Jurist, và Monthly Repository. Năm 1835, Mill làm biên tập cho tờ The London Review. Tờ báo này sáp nhập với The Westminster năm 1836 và Mill tiếp tục làm biên tập cho đến 1840. Sau 1840, ông xuất bản một số bài báo quan trọng trên The Edinburgh Review.
Trong những năm này, Mill cũng đã viết các tác phẩm lớn mang tính hệ
thống logic và kinh tế chính trị. Mill đã phần nào chịu ảnh hưởng của
nhà triết học thực chứng người Pháp Auguste Comte, nhưng chắc chắn là,
cảm hứng chính đã đến từ nhà vật lý học và toán học Isaac Newton. Ông đã
nhận thấy rằng, logic mới không đối nghịch một cách đơn giản với logic
cũ. Trong một vài năm, ông đã tìm kiếm những giải nghĩa cho sự tương
đồng giữa hai logic này nhưng không có kết quả. Cuối cùng, năm 1837, khi
đọc Triết học của Khoa học Quy nạp của William Whewell và đọc lại tác phẩm Mở đầu về Nghiên cứu Triết học Tự nhiên
của John F.W. Herschel, Mill đã thấy được con đường rõ ràng để thành
lập các phương pháp nghiên cứu khoa học và sáp nhập logic mới vào logic
cũ như một sự bổ sung. Tác phẩm nổi tiếng Hệ thống Logic, gồm hai tập,
được xuất bản năm 1843. Cuốn sách của ông là sự nỗ lực xây dựng một hệ
thống logic cho các khoa học nhân văn dựa trên sự giải thích nhân quả,
nó bao quát cả lịch sử, tâm lý học, và xã hội học.
Quá trình nghiên cứu kinh tế chính trị
của Mill được chính bản thân ông chia thành ba giai đoạn. Năm 1844, ông
xuất bản tác phẩm Bàn về những vấn đề phức tạp của Kinh tế Chính trị,
một số bài luận trong đó là những lời giải cho các bài toán chuyên môn
rắc rối, như sự phân chia lợi ích của thương mại quốc tế, ảnh hưởng của
tiêu dùng đối với sản xuất, việc định nghĩa lao động năng suất và không
năng suất, các mối liên hệ chính xác giữa lợi nhuận và tiền công. Ở đây,
Mill tỏ ra là một người kế tục xuất sắc David Ricardo, đưa ra những
nhận định chính xác hơn và rút ra những hệ quả sâu sắc hơn. Trong giai
đoạn thứ hai, tính độc lập và sáng tạo trở nên rõ ràng hơn trong tác
phẩm Những Nguyên lý của Kinh tế Chính trị, xuất bản năm 1848.
Cũng vào thời gian đó, Mill đang ủng hộ việc xây dựng hình thức sở hữu
nông dân, một giải pháp cho sự nghèo đói và bất ổn ở Ireland. Mill tin
rằng, vấn đề xã hội cũng quan trọng như vấn đề chính trị. Ông không thừa
nhận chế độ sở hữu, ông đã phân tách các vấn đề của sản xuất và phân
phối. Mill cũng không chấp nhận một hình thức phân phối mà thường xuyên
đẩy các tầng lớp lao động vào một cuộc sống khốn khó, thậm chí là đói
kém.
Trong suốt bảy năm sau khi lập gia đình,
Mill bị cuốn vào công việc của công ty Đông Ấn, và đây là thời kỳ mà
ông xuất bản ít tác phẩm nhất. Năm 1858, công ty bị giải thể, Mill được
mời vào một ghế trong hội đồng mới nhưng ông đã từ chối và về nghỉ với
số tiền hưu 1500 bảng. Sau khi vợ mất, ông dành phần lớn quãng đời còn
lại ở Saint-Véran, gần Avignon, Pháp.
Các tác phẩm nổi tiếng như Bàn về Tự do và Những suy nghĩ về cải cách Nghị viện
đều được xuất bản năm 1859. Trong tác phẩm Những xem xét về Chính thể
Đại nghị (1861), ông đã hệ thống hóa các quan điểm được trình bày trong
nhiều bài báo và tiểu luận. Thuyết vị lợi của Mill là một cố
gắng để trả lời những quan điểm chống lại lý thuyết đạo đức của ông và
cũng để loại bỏ những sự hiểu sai về nó.
Mill đã không bao giờ từ bỏ niềm vui lao
động cũng như sự nhiệt tình quan tâm đến các vấn đề của xã hội con
người. Các bài luận trong Luận án (1875) tập bốn của ông nói về
tài sản, về đất đai, về lao động, về các vấn đề siêu hình học và tâm lý
học, chúng được viết cho tờ Fortnightly Review trong giai đoạn
sự nghiệp nghị trường ngắn ngủi của ông. Năm 1867, Mill là một trong
những người sáng lập tổ chức giành quyền bầu cử đầu tiên của phụ nữ, năm
1869, ông xuất bản tác phẩm Sự Khuất phục của Phụ nữ (viết năm
1861), một tuyên ngôn kinh điển về quyền bầu cử của phụ nữ. Hoạt động
xã hội cuối cùng của ông liên quan đến sự ra đời của Tổ chức Cải cách Sở
hữu Đất đai. Cuốn Tự thuật và Ba bài luận về Tôn giáo
được xuất bản sau khi ông mất. Mill đã qua đời ở Avignon ngày 8/5/1873.
Một tượng đồng đúc chân dung ông được dựng lên trên đường đê sông
Thames ở London.
Giá trị tư tưởng và tầm ảnh hưởng
Mill cố gắng tìm ra con đường dung hòa
giữa Smith và Malthus. Smith nhìn nhận xã hội trở nên giàu có hơn nhờ
vào tự do buôn bán, đổi mới kỹ thuật, phân công lao động và đầu tư tư
bản. Tuy nhiên, Malthus lại nhìn nhận tăng trưởng kinh tế bị giới hạn
bởi sức ép của con người lên một nguồn lực cố định. Mill cho rằng cả hai
nguồn lực này cùng hoạt động một lúc. Thay vì dự đoán kết quả cuối cùng
từ những lực lượng mâu thuẫn này, Mill đưa ra một số kịch bản cho tương
lai:
- Kịch bản thứ nhất hơi giống với
Malthus – đó là dân số tăng nhanh hơn tư bản và công nghệ có thể làm
tăng sản lượng. Trong trường hợp này, kểt quả sẽ là tiền công thấp hơn
và lợi nhuận cao hơn. Mức sống của người công nhân bình thường buộc phải
giảm xuống.
- Kịch bản thứ hai gần với phân tích của
Smith – đó là tích lũy tư bản tăng nhanh hơn tốc độ tăng dân số. Ở đây
tiền công thực tế tăng, do vậy làm cho người công nhân trung bình trở
nên giàu có hơn.
- Trong kịch bản thứ ba, tư bản và dân
số tăng cùng tỷ lệ nhưng công nghệ ổn định một cách không tương đối. Vì
cung và cầu về lao động tăng cùng một tỷ lệ nên sẽ không có thay đổi
trong mức tiền công thực tế. Nhưng vì công nghệ không tiến bộ, nên đất
đai kém màu mỡ hơn sẽ được sử dụng để đảm bảo lương thực cho số dân đang
tăng lên. Điều này làm tăng chi phí sản xuất. Khi giá lương thực và địa
tô tăng, lợi nhuận sẽ phải giảm xuống. Về cơ bản, đây là kết cục theo
Ricardo.
- Thứ tư, Mill lưu ý rằng tiến bộ công
nghệ có thể tiến triển nhanh hơn tốc độ tăng của tư bản và dân số. Điều
này làm cho việc canh tác dễ dàng hơn, giảm tiền công và địa tô. Kết quả
là lợi nhuận tăng lên và nền kinh tế trở nên thịnh vượng hơn.
Mill cho rằng kịch bản thứ 3 có khả năng
xảy ra nhất trong số tất cả các khả năng có thể xảy ra trong tương lai.
Sống vào giữa cuộc Cách mạng Công nghiệp, và không thấy được những tiến
bộ công nghệ lâu dài và đồng bộ, nên Mill tin rằng tiến bộ kỹ thuật một
lúc nào đó sẽ kết thúc. Khi điều này xảy ra, tích lũy tư bản và tăng
trưởng kinh tế cũng kết thúc, giống như Ricardo đã dự đoán.
Mill đưa lý thuyết cổ điển đến sự hoàn thiện theo những con đường khác. Một vấn đề chưa trả lời được trong lý thuyết lợi thế so sánh là
phần thu được từ thương mại quốc tế sẽ được chia như thế nào giữa các
nước. Mill giải thích rằng hầu hết phần thu được từ thương mại sẽ thuộc
về nước có cầu thấp hơn và có độ co giãn về cầu lớn hơn. Nếu cầu là co
giãn thì một sự thay đổi về giá sẽ tạo ra sự thay đổi về lượng hàng được
tiêu dùng. Tuy nhiên nếu cầu không co giãn, người tiêu dùng sẽ không bị
ảnh hưởng nhiều do biến động giá. Ví dụ, nếu nước Mỹ có ít nhu cầu về ô
tô Nhật hơn và có thể dễ dàng sống mà không cần ô tô Nhật, trong khi đó
người Nhật lại rất thích đồ ăn Mỹ, như vậy lợi ích thương mại sẽ thuộc
về Mỹ. Nước Mỹ sẽ bán lương thực cho Nhật với giá cao và mua ô tô của
Nhật với giá rẻ. Tuy nhiên nếu người Mỹ ưa chuộng ô tô của Nhật và không
thể mua được ở nơi khác, trong khi đó người Nhật lại tìm ra nguồn lương
thực khác, khi đó hầu hết lợi ích thu được từ thương mại sẽ thuộc về
Nhật. Trong trường hợp này, cầu cao và không co giãn về ô tô ở Mỹ khiến
người Mỹ trả giá cao cho ô tô Nhật và cầu thấp, không co giãn ở Nhật
khiến người Nhật mua được lương thực Mỹ với giá rẻ.
Những đóng góp to lớn nhất của Mill vào
kinh tế học không phải là sự mở rộng phân tích kinh tế học cổ điển, mà
là những lối tư duy mới của ông. Ông là nhà kinh tế đầu tiên nói về cung và cầu
dưới dạng biểu bảng hay những mối quan hệ. Mill nhận ra rằng lượng hàng
hóa thay đổi tùy theo giá cả. Khi giá cả tăng các hãng sẽ bán lượng
hàng lớn hơn ra thị trường và khi giá cả giảm, người tiêu dùng sẽ mua
lượng hàng hóa nhiều hơn.
Mill cũng là người đầu tiên xây dựng khái niệm chi phí cơ hội.
Mọi hành động của con người đều liên quan đến sự từ bỏ cơ hội hay kỹ
năng làm một việc gì đó khác. Chi phí cơ hội của bất kỳ hành động nào
cũng bao gồm chi phí tài chính và phi tài chính. Quyết định đi học cua
một người nào đó sẽ đòi hỏi phải chi tiêu cho học phí, sách vở và những
thứ khác. Có những chi phí cơ hội liên quan vì có những thứ hàng hóa
khác người đó không thể mua vì đã mua dịch vụ giáo dục, cơ hội tiêu dùng
đó mất đi. Nhưng có những chi phí khác nữa, khi đi học người đó không
kiếm được tiền. Do vậy, người đó đã từ bỏ thu nhập mà đáng lẽ có thể
kiếm được nếu không đi học. Tổng chi phí cơ hội của việc đi học bao gồm
cả tiền bỏ ra để đi học và tiền công bị mất do việc đi học.
Cuối cùng, Mill thảo luận về giới hạn
của những hạn chế của xã hội và Nhà nước đối với tự do cá nhân. Mill lập
luận rằng Nhà nước và xã hội chỉ có quyền hạn chế tự do cá nhân đến mức
độ không để cá nhân này làm hại đến cá nhân khác. Trái với Smith, người
ủng hộ thị trường tự do vì nó tối đa hóa đời
sống vật chất, đối với Mill, thị trường tự do là tốt đẹp vì nó cho phép
mỗi cá nhân được phát triển tối đa. Ông cũng ủng hộ sự bình đẳng cho phụ
nữ trên nền tảng của sự phát triển tự do cá nhân. Bằng cách để phụ nữ
cạnh tranh với nam giới trong công việc và các vị trí khác, xã hội có
thể được lợi do có những con người ưu việt nhất trong mọi vị trí.
Công trình của Mill bao gồm rất nhiều
mảng khác nhau: lý thuyết, chính sách, kinh tế học lao động, thương mại
quốc tế và lý thuyết chính trị.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét