I. Nguồn gốc
1. Thế giới trung cổ
Lịch sử châu Âu có một thời kỳ được gọi là thời đại Trung Cổ (Middle Ages). Ðây là giai đoạn bắt đầu từ sự sụp đổ của đế quốc La Mã ở phương Ðông tới thời Phục Hưng, kéo dài trong khoảng một ngàn năm (k.500-k.1500 sau C.N.)
Thiên ý là tối thượng
Theo lý thuyết, thế giới Trung Cổ là một thế giới mật thiết và thân thiện. Thiên Chúa hằng sống, siêu việt và có mặt khắp mọi nơi; ngài sẵn sàng bảo vệ và chăm sóc dân ngài. Ðức Giêsu đã vạch rõ rằng nếu không có ý định của Cha trên trời thì một con chim sẻ cũng không rơi xuống đất, đồng thời nhấn mạnh con người quan trọng hơn chim sẻ bội phần. Tín đồ Kitô giáo được bảo đảm về sự hiện diện thiêng liêng ấy, và có thể lấy cảm hứng từ lời thánh vịnh của dân Do Thái rằng: "Thượng đế hằng sống là nơi tôi ẩn náu dưới cánh tay kéo dài vô biên vô tận của Ngài".
Thiên Chúa, Ðấng tạo hóa, Ðấng Phán xét, Ðấng Cứu độ và cũng là Ðấng Quan phòng và Bằng hữu của con người. Người Kitô giáo đã có thể biết rằng: "Vạn vật muôn đời cùng nhau thao tác vì tình yêu Thiên Chúa". Và thậm chí cả những lúc con người không thể nào hiểu thấu những thảm kịch riêng tư đang làm mình đớn đau sầu muộn, nó vẫn có thể cảm thấy mình được ủi an nhờ lời hứa ấy. Không có gì xảy ra mà không có mục đích, hay còn gọi là cứu cánh. Trong sự bảo đảm ấy, con người có khả năng chịu đựng mọi sự.
Con người dâng hiến và cai quản
Cũng học thuyết ấy bảo đảm rằng Thiên Chúa đang chuyển động trong thiên nhiên và lịch sử, để hoàn thành các cứu cánh của ngài, để thành tựu Nước Thiên Chúa. Trong Nước Trời âáy, cừu non an lành nằm bên cạnh sư tử và các nước không còn gây cảnh binh đao. Thượng đế là một thực tại có mặt và sống động "gần hơn hơi thở, kề hơn chân tay". Không một ai có thể đi lệch ra ngoài sự có mặt của ngài; cũng không một ai bị buộc phải đơn độc đối mặt với những thảm họa trong đời sống và cái chết.
Khái niệm ấy biến thế giới thành chốn nhiệt tình đền đáp, cho con người niềm hy vọng và gợi cho thấy rằng cuộc sống của nó có ý nghĩa trọng đại. Con người là đỉnh điểm của cuộc sáng thế, có nghĩa vụ hiến mình cho Thiên Chúa, đấng đã tạo dựng nó theo hình ảnh của chính ngài. Và bên dưới ngài, trong trật tự của thiên nhiên, con người có thể cai quản mọi nơi, và mọi vật được tạo ra vì phúc lợi của con người.
Ðó là thế giới của thời Trung cổ. Thế giới ấy sắp bị tàn phá bởi nhiều người trong nền khoa học mới, bắt đầu với Galileo.
2. Tác động của nền khoa học mới
Chẳng cần Thượng đế nữa
Khi nhà toán học và thiên văn học *Pierre Simon Laplace (1749-1827) thông báo với Ðại đế Napoléon (1769-1821) rằng mình không cần tới giả thuyết có Thượng đế để cắt nghĩa vũ trụ vật lý (the physical universe), ông đã diễn tả trong câu nói cô đọng ấy các hàm ý của nền khoa học mới.
Quả thật nền khoa học mới làm phong phú thêm kho tàng tri thức của loài người về thế giới tự nhiên, tạo khả năng cải thiện số phận của con người và cho con người cảm giác mới về quyền năng bằng các máy móc mới mà giờ đây nó có khả năng chế tạo. Thế nhưng đối với nhiều người, những sở đắc tân tiến ấy chỉ là trống rỗng nếu chúng cướp đi của con người nhận thức tinh thần và trải nghiệm tâm linh.
Thế giới của ngẫu nhiên và vô tình
Một thế giới chịu sự thống trị của các định luật cứng nhắc, không cho phép sự can thiệp của bất cứ quyền năng nào, kể cả quyền năng của Thượng đế. Và một thế giới thao tác một cách mù lòa không thể tán thưởng ý tưởng về một mục đích sau cùng hoặc cứu cánh tối hậu. Thiên nhiên chuyển động mù lòa, không có bất cứ chuỗi giá trị nào, không có bất cứ quan tâm nào tới cuộc sống con người hoặc các cứu cánh. Thế giới đó thao tác một cách tàn nhẫn, khủng khiếp, thể hiện những nội hàm trong khuôn mẫu quan hệ nhân quả của chính nó.
Trong thế giới đó, không có quyền năng can thiệp mật thiết nào sẵn sàng đáp ứng khi có lời kêu cầu, không có bàn tay thân thiện nào đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề của cuộc sinh tồn hoặc uốn nắn dòng chảy của các biến cố để cho con người được hưởng phúc lợi lớn lao và cao cả hơn. Y hệt thế giới trong tâm tưởng của các triết gia cổ đại Hi Lạp, vạn vật xảy ra do bởi ngẫu nhiên, và thế giới tiến bước trong lãnh đạm với mọi sự mọi vật, ngoại trừ ảnh hưởng chủ động của các yêu cầu của chính nó, không thể lay chuyển và chẳng chút mũi lòng.
3. Những xung khắc trong thế kỷ 19
Lý trí và chứng cớ
Hai quan điểm về thế giới, một mang bản sắc Aristotle và một mang bản sắc Newton, lâm vào tình thế xung khắc nhau kịch liệt khi cuộc chiến giữa khoa học và tôn giáo lan rộng và bốc lên cao độ.
Rõ ràng quan điểm Aristotle được người đời ưa chuộng vì nó làm cho con người có thể chịu đựng cuộc đời và cho con người niềm hy vọng. Nhưng đối với nhà khoa học thì không thể quyết định chân lý của một ý tưởng bằng sự thỏa mãn cảm xúc. Phải phán đoán nó bằng lý trí. Pháp đình độc nhất có thẩm quyền tra xét là chứng cớ. Và về mặt chứng cớ, dường như khái niệm mang bản sắc Newton vượt trội và áp đảo.
Chúng ta có thể rút gọn vấn đề này thành những từ ngữ đơn giản nhất của nó, và dành chỗ ưu tiên cho quan điểm vừa đáp ứng đủ các yêu cầu phải có chứng cớ hợp lý vừa cung cấp các giải đáp cho những thắc mắc của loài người về thế giới của nó.
Máy móc chủ nghĩa độc chiếm
Khoa học mang bản sắc Aristotle hoàn toàn không đề cập tới sự vén lộ những bí mật của thiên nhiên, khiến cho các nhà khoa học lệch hướng chú ý vào những vấn đề không thích đáng. Khoa học mang bản sắc Newton diễu hành hết chiến thắng này tới khải hoàn khác; nó vén lộ các nguyên nhân của vạn vật và cho con người khả năng kiểm soát thiên nhiên. Khoa học Newton triển khai kỹ thuật tra vấn, đưa ra lời hứa hẹn sẽ giải quyết hết thảy các vấn đề của vũ trụ.
Sự thành công của những kỹ thuật mới mẻ ấy hàm chứa trong tự thân chúng khái niệm mang tính máy móc chủ nghĩa (a mechanistic conception) về vũ trụ vì khoa học kỹ thuật chỉ có ý nghĩa khi chúng được dự kiến trong một vũ trụ ở đó vạn vật là kết quả của những tiến trình vật lý và hóa học. Như thế, thời thế kỷ 19, đối với kẻ tra vấn có trí óc phóng khoáng, dường như chỉ duy nhất có một chọn lựa lương thiện cho mình, đó là chủ nghĩa máy móc (mechanism), đôi khi còn được dịch sang tiếng Việt là cơ chế chủ nghĩa.
II. Các nguyên lý của chủ nghĩa máy móc
1. Giải thích thiên nhiên
Kiểm soát và cất bỏ
Nền khoa học mới tận tụy tìm cách cắt nghĩa mọi biến cố theo khía cạnh tự nhiên của chúng. Rõ ràng con người có thể quả quyết rằng chiến tranh, bệnh tật và nghèo đói là do Thượng đế gởi tới để thử thách đức tin của dân ngài, hoặc để khiến cho người tội lỗi phải ăn năn hối cải, nhưng những thông tin kiểu đó không cho loài người niềm hy vọng cất bỏ các điều kiện khốn quẩn.
Nếu có thể chứng minh rằng chúng là những hiện tượng tự nhiên, phát sinh từ những điều kiện tự nhiên, lúc đó, theo người máy móc chủ nghĩa, có thể dùng tri thức ấy để kiểm soát hoặc cất bỏ các điều kiện đó. Lịch sử y học là bằng chứng đầy xúc động cho hiệu quả của lối tiếp cận mang tính tự nhiên chủ nghĩa (naturalism).
Thượng đế quả thật muốn gì
Vì Thượng đế – theo định nghĩa về ngài – có khả năng làm mọi điều nên không cách gì có thể nhận biết ngài có quả thật làm điều đó hay không. Người máy móc chủ nghĩa lập luận rằng nếu Thượng đế có thể làm cho con người đau yếu hoặc mạnh khỏe theo thánh ý của ngài, thì không cách gì có thể khẳng định rằng ngài có quyền năng hay không.
Nếu chúng ta cầu nguyện cho một người bệnh, người đó có thể lành bệnh hoặc không thể qua khỏi. Dù khỏi hay không khỏi, trong cả hai trường hợp ấy cũng không thể chứng minh hoạt động của Thượng đế, vì có thể ngài có ý muốn đáp ứng lời cầu nguyện, cũng có thể ngài có ý muốn không đáp ứng lời cầu nguyện.
Giáo hội Kitô dạy rằng Thượng đế sẽ bảo vệ dân ngài. Nhiều người của Thiên Chúa đã và đang chịu đau khổ mà không nhận được sự can thiệp thiêng liêng nào nhân danh họ. Và sự kiện ấy không được đánh giá như là phủ định sự chăm sóc của Thượng đế.
Kiểm tra để xác minh
Từ quan điểm đức tin đó, phải giả dụ rằng trong các cứu cánh khôn dò của Thượng đế, những người ấy chịu đau khổ thì tốt hơn. Lối giải thích đó chưa bao giờ được kiểm chứng chân lý của nó bởi một cuộc thí nghiệm mang tính quyết định. Cũng chưa bao giờ thiết lập một cuộc thí nghiệm như thế.
Mặt khác, nếu nhà khoa học quả quyết rằng thuốc pê-nê-xi-lin sẽ chữa khỏi một loại bệnh nhất định, thì có thể thiết lập một cuộc thí nghiệm có tính xác định để kiểm tra chân lý của lời tuyên bố đó. Nếu trong những điều kiện thích đáng, thuốc pê-nê-xi-lin không chữa trị được như thế, lời tuyên bố đó bị bác bỏ vì thiếu cơ sở.
Nguyên lý thứ nhất
Chính do bởi khoa học có khả năng cung cấp những cuộc thí nghiệm có tính xác định nên người ta phân biệt nó với các hình thức tra vấn khác; và người ta cực kỳ tin tưởng vào thẩm quyền quyết định của nó. Ðồng thời khả năng ấy chỉ có ý nghĩa khi giả định rằng các biến cố đều có thể được giải thích theo khía cạnh tự nhiên của chúng. Ðó là nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa máy móc.
2. Tính tác động của nhân quả
Không do bởi sức mạnh ngoại tại
Ðối với người máy móc chủ nghĩa, tính khả thi của lối giải thích theo khía cạnh tự nhiên đòi hỏi phải cất bỏ những giới hạn dành cho lối cắt nghĩa quan hệ nhân quả mang tính tác động (efficient causality), hoặc hiệu ứng.
Ta phải giả định rằng mỗi biến cố tự nhiên đều phát sinh từ những điều kiện tự nhiên đi liền trước nó và quyết định nó. Nếu chúng ta cho rằng có một quyền năng ngoại tại (an external power) nào đó làm biến đổi dòng chảy của các biến cố theo một cứu cánh ngoại tại (an external purpose) nào đó khiến cho ta không thể nào tiên đoán, thì chính lời quả quyết ấy tàn phá toàn bộ ý tưởng của khoa học.
Nhân nào quả đó
Vạn vật phải thao tác đúng như nó bị quyết định bởi các nguyên nhân của nó, khiến cho nó phải thao tác đúng y như thế, vì có sự "thiết yếu kết liên nhau" giữa nguyên nhân và kết quả. Khi tảng đá lăn xuống theo một triền dốc bằng phẳng, ta có khả năng tiên đoán đường lăn, vận tốc và chỗ dừng lại của nó, và ta cung cấp tri thức về mọi điều kiện liên hệ và về các định luật khoa học thích đáng với hoàn cảnh ấy.
Không có khả năng xảy tới kết quả nào khác ngoài cái kết quả tiềm ẩn trong các điều kiện có tính quyết định ấy. Cái đúng với tảng đá ấy phải đúng với hết thảy các hiện tượng tự nhiên. Không có lối nào thoát ra khỏi các định luật bất đi bất dịch của thiên nhiên.
Tiên đoán sai là vì mình
Ðôi khi ta khó có thể khẳng định hết thảy các điều kiện, vì thế, khả năng tiên đoán bị giới hạn. Người ta thường kể chuyện, như một cảnh giác tượng trưng, rằng một con bướm vẫy cánh ở Brazil có thể gây ra "hiệu ứng cánh bướm", truyền động thành cơn bão lớn tại một nơi rất xa xôi nào khác, làm thay đổi khí hậu toàn cầu.
Gặp trường hợp đó, nhà khoa học phải giả định sở dĩ như thế là do bởi sự ngu dốt của mình hoặc vì mình không thực hiện một ngoại lệ đối với qui luật của chủ nghĩa tất định tổng quát (the general determinism). Ðộng thái của con người là một thí dụ cho hoạt động rất phức tạp trong đó ta không thể nào hiểu hết mọi thành tố đang điều kiện hóa nó và rất khó tiên đoán.
Có lẽ khoa tâm lý học (the science of psychology) nên tìm cách cởi bỏ sự ngu dốt của chúng ta trong lãnh vực ấy. Thuyết *duy động thái (behaviourism) cố gắng làm công việc đó bằng cách giảm thiểu toàn bộ động thái thành các phản ứng và các phản xạ bị điều kiện hóa (conditionned reflexes). Thuyết ấy cho rằng nếu khảo sát và am hiểu đầy đủ mọi hành động của con người, ta có thể giải thích chúng bằng những kích thích và những phản ứng.
Freud và Hobbes
Sigmund Freud nỗ lực chứng minh làm thế nào có thể giải thích động thái bất thường của một người theo khía cạnh tự nhiên hoặc khía cạnh máy móc. Cả hai hệ thống ấy – tự nhiên chủ nghĩa và máy móc chủ nghĩa – đều đặt cơ sở trên niềm xác tín rằng có khả năng dự báo động thái của con người; và chúng phủ định khả năng quyết định của con người như một hành động tự do trong việc chọn lựa các phương thế hành động mà không hoàn toàn bị chướng ngại nào cản trở.
Thomas Hobbes nêu ý kiến rằng cái được chúng ta gọi là ý chí, thật ra chỉ là sự xung khắc giữa những mong muốn tự nhiên và các đối thủ của chúng. Vì chúng ta không thể tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng và liên tục về cách thế hành động, nên phải có một trong các mong muốn tự nhiên thắng thế; nó ca khúc khải hoàn và quyết định động thái của chúng ta.
Nguyên lý thứ hai
Từ bên ngoài nhìn vào vấn đề, chúng ta có khuynh hướng thông giải động thái của chúng ta là có tính tự do, trong khi đó theo người máy móc chủ nghĩa, nếu thông giải thích đáng động thái, ta sẽ thấy rằng nó bị quyết định bởi một mong muốn mạnh mẽ hơn trong số các mong muốn đang xung khắc nhau.
Theo họ, trong vũ trụ hoàn toàn không có tự do và không có gì không đã được quyết định. Mọi biến cố phải được giải thích bằng tính tác động (hiệu ứng) của quan hệ nhân quả. Ðó là nguyên lý cốt tủy thứ hai của chủ nghĩa máy móc.
3. Không uyển chuyển
Có khả năng dự báo
Vì mọi giải thích đều có tính tự nhiên và mọi động thái đều đã được quyết định, hệ quả là dòng chảy tương lai của vũ trụ và của mọi biến cố trong vũ tru, về mặt lý thuyết,ï đều có thể dự báo. Luận cứ ấy đã và đang được kiến lập trong thiên văn học (astronomy), nơi con người có thể tiên đoán các cuộc nhật thực, nguyệt thực với độ chính xác lạ thường. Ðịnh luật khoa học thể hiện tương quan bất biến giữa các biến cố ấy tới độ bất cứ sự sửa đổi nào trong biến cố này sẽ đi kèm theo sự sửa đổi có thể dự báo trong biến cố kia.
Laplace phát huy định luật ấy lên tới cực điểm kết luận của nó khi ông lập luận rằng, vào bất cứ lúc nào, tri thức đầy đủ về thế giới có thể làm cho con người có khả năng dự báo toàn bộ quá trình diễn biến của vũ trụ trong tương lai, một cách không sai lầm. Chúng ta có thể giả dụ mình có khả năng làm thay đổi dòng chảy của các biến cố, nhưng giả dụ như thế dứt khoát là không đúng.
Hoặc giả, chúng ta có thể tin rằng có Ðấng siêu nhiên có khả năng sửa đổi dòng chảy của các biến cố, nhưng tin như thế là mê tín. Dù có thêm luận cứ nào khác bên cạnh giả định và niềm tin vừa kể, thì hết thảy các lập trường kiểu đó đều sai lầm, vì ta có thể vạch rõ ra rằng nếu chúng đúng thì khoa học phải vừa trật vừa bất khả thi.
Khoa học và máy móc chủ nghĩa
Khoa học mang bản sắc Newton không thể thao tác nếu không đặt căn bản trên máy móc chủ nghĩa. Hình ảnh của thế giới cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai được Bertrand Russell trình bày trong cuốn A Free Man’s Workship (Sự thờ phượng của con người tự do, 1976) chỉ là một câu chuyện về khoa học mang bản sắc Newton được khuếch đại. Mọi sự đều bị các sức mạnh tự nhiên kiểm soát.
Ngày nay, chúng ta đã biết rằng thế giới này hiện hữu rất lâu trước thời điểm con người xuất hiện, và có lẽ nó sẽ tiếp tục hiện hữu rất lâu sau khi con người biến mất. Chừng nào còn liên quan tới thế giới này, chừng đó con người vẫn còn không thuộc về quan tâm và sở thích cá biệt của nó. Thế giới này sẽ tồn tại sau khi con người đi qua, như thể chưa bao giờ có con người ở đó. Con người không là gì cả mà chỉ là một tiến trình đang biểu lộ và đang trôi qua của các sức mạnh tự nhiên, chúng thao tác không theo chương trình nào và cũng chẳng có cứu cánh nào.
Nguyên lý thứ ba
Ðối với người theo phái Newton, vũ trụ là sự hợp thành của các phân tử vật chất, gắn bó nhau theo cách có thể diễn đạt bằng những định luật bất biến (invariable laws). Và như thế, những điều kiện giống nhau phải sản sinh những kết quả giống nhau. Y hệt mọi cơ phận của một bộ máy, chúng chỉ thao tác như đã được định hướng bởi hoạt động của các cơ phận khác và không thể lệch khỏi sự bố trí ấy, các biến cố trong vũ trụ cũng đã bị quyết định một cách khắc nghiệt như thế.
Trật tự của vũ trụ là kết quả của sự nối tiếp có tính nhân quả (causal sequence). Nó là tiến trình đang biểu lộ của những tương quan tự nhiên giữa các biến cố, và chỉ thế thôi, không hơn không kém. Nó không là đối tượng cho bất cứ sự sửa đổi hoặc điều chỉnh nào. Ðây là nguyên lý thứ ba của máy móc chủ nghĩa.
Ứng dụng về mặt xã hội
Khi mới bắt đầu có ngành khoa học xã hội, người ta đã giả định rằng chúng chỉ đáng được gọi là khoa học nếu chúng đi theo khuôn mẫu của vật lý học và hóa học cùng các nguyên lý tổng quát vừa kể của chủ nghĩa máy móc. Ðôi khi có vẻ như thể nhiều nhà xã hội học bảo lưu khái niệm ấy. Khi người ta lập luận rằng tình trạng thiếu nhi phạm pháp chỉ là hậu quả của các hoàn cảnh xã hội nhất định như nghèo khổ, gia đình đổ vỡ hôn nhân, thiếu phương tiện giải trí hoặc thiếu các sân chơi, v.v., nghĩa là họ đã làm nổi bật thuyết máy móc chủ nghĩa.
Khi người ta quả quyết rằng việc giải tỏa các khu nhà ổ chuột, mở rộng giáo dục và phân phối công bằng sự thịnh vượng sẽ xóa bỏ hết thảy những bất công xã hội và mang lại một hệ thống xã hội lý tưởng, thì bóng ma của thuyết máy móc chủ nghĩa đang ám ảnh lối thông giải ấy về động thái của con người. Rất có thể lập trường đó chính xác. Tuy nhiên, ở đây ta chỉ đề cập tới hàm ý của nó.
Hệ luận của máy móc chủ nghĩa
Nếu giả định ấy thiết yếu cho khoa học và được chứng minh là đúng bởi các kết quả của khoa học, lúc đó, chúng ta phải sử dụng những thuật ngữ mang tính máy móc chủ nghĩa để giải thích thế giới. Do đó, chúng ta phải bác bỏ ý tưởng về một Thượng đế có thể can thiệp vào các hoàn cảnh tự nhiên để sửa đổi dòng chảy của các biến cố.
Chúng ta cũng phải phủ định việc con người sở hữu tự do ý chí, cái làm cho nó có khả năng chọn lựa giữa các phương thế hành động khác nhau một thái độ hoặc một tác phong mà không ai có thể đoán đúng. Chúng ta cũng phải buông bỏ khả năng con người có thể cải tạo xã hội để mang xã hội ngày càng tới gần hơn khát vọng của tâm hồn, bằng một hình thức nào đó của guồng máy xã hội, thí dụ xã hội chủ nghĩa hoặc dân chủ xã hội chủ nghĩa, v.v. Tương lai luôn luôn tiềm ẩn trong hiện tại, và cả Thượng đế lẫn con người đều không thể nào sửa đổi cái phải hiện hữu đúng như nó đang là.
III. Phê phán chủ nghĩa máy móc
1. Ðối lập và giới hạn
Bên tuyến đối lập
Thuyết máy móc chủ nghĩa kết hợp một cách tự nhiên với các định lý có cơ sở vật lý học và hóa học của khoa học mang bản sắc Newton. Vào cuối thế kỷ 18, nó đặt căn bản trên các định lý ấy, và thuở đó dường như nó là kết luận độc nhất mở ra cho những người thông minh và am hiểu.
Nhiều người, trong số đó có nhiều thi sĩ, giáo sĩ và triết gia, không đành lòng chấp nhận thuyết đó. Những người như thi sĩ Anh *William Wordsworth (1770-1850) và Hồng y giáo chủ *John Henry Newman (1801-1890) tấn công nó bằng cách bác bỏ các cơ sở của nó. Họ giả định có các nguồn khác của chân lý, thí dụ "tâm linh trong tự nhiên" (spirit in nature) hoặc "chấp thuận cảm tính" (emotional assent), và không chịu buông bỏ khái niệm một vũ trụ thân thiện, có cứu cánh và hoàn toàn dựa vào chứng cớ khoa học.
Các triết gia như Kant cảm thấy sức mạnh của chứng cớ khoa học; ông tìm cách tránh né các hàm ý của máy móc chủ nghĩa bằng cách đặt ra giới hạn cho phạm vi của tri thức khoa học.
Thế giới thành hai của Kant
Như chúng ta từng thấy, Kant đã đánh giá thế giới tự nhiên là sự pha trộn không gỡ nổi của các cảm giác hỗn độn và các nguyên lý về trật tự. Vì khoa học chỉ quan tâm tới thế giới trật tự nên tri thức của nó bị giới hạn vào cái thế giới xuất hiện theo vẻ bên ngoài, và các qui tắc mang tính máy móc chủ nghĩa của khoa học chỉ là sự diễn đạt các nguyên lý trật tự tiên nghiệm (a priori), thí dụ quan hệ nhân quả.
Không thể cho rằng phát biểu khoa học là để ứng dụng vào cái thế giới như nó thật sự đang là; cũng không thể xem bất cứ qui tắc mang tính máy móc chủ nghĩa nào có thể áp dụng vào bản ngã (the self), vì bản ngã là nguồn của các nguyên lý về trật tự, nên nó không thể nào là đối tượng của chúng. Do đó bằng việc chia thế giới thành hai, một có tính bản chất hoặc bản thể (noumenal world) và một có tính hiện tượng (phenomenal world), Kant tìm cách hòa giải khoa học và đạo đức, chủ nghĩa máy móc và tự do.
Tìm nguyên lý giải thích khác
Có một phương cách đối lập với chủ nghĩa máy móc là chứng minh rằng có những lãnh vực của kinh nghiệm không là và không thể nào được giải thích bằng các nguyên lý của máy móc chủ nghĩa. Trong thế kỷ 19, những kẻ đối lập với chủ nghĩa duy vật máy móc (materialistic mechanism) nhấn mạnh ba lãnh vực khác: đạo đức, tôn giáo và tâm trí, mà ở đó các giải thích vật lý dường như không thỏa đáng. Ở nơi nào nguyên lý giải thích này không thỏa đáng, ta có thể đi tìm nguyên lý giải thích khác cho thích đáng.
Nếu thiết lập được điều đó, nó cũng mang hàm ý một cuộc đình chiến giữa khoa học và một số hình thức giải thích khác, đồng thời giới hạn mỗi bên vào phạm vi riêng biệt của mình trong khi bảo lưu một không gian xứng đáng cho những thông giải thêm nữa của con người. Thậm chí chủ trương ấy còn có thể lưu giữ một không gian cho khái niệm về bản tính và hoạt động của Thượng đế.
2. Ðạo đức
Xét lại đạo đức
Nếu chủ nghĩa máy móc chính xác và có thể ứng dụng nó một cách phổ quát, lúc đó đương nhiên đạo đức không có tính khả thi hoặc ta phải tái phát biểu ý nghĩa của đạo đức.
Ðạo đức là một thực tế kinh nghiệm. Mọi người đều nhận biết ý nghĩa của ràng buộc đạo đức, một sự ràng buộc con người phải chọn cái thiện. Ðiều đó được diễn tả trong từ ngữ "phải", mà ta có thể dùng nó như một dấu hiệu đặc trưng của một tình trạng có đạo đức. Từ ngữ "phải" và từ ngữ đi kèm với nó là "hổ thẹn" và "hối hận", chỉ có ý nghĩa hợp qui cách (legitimate) nếu loài người có quyền chọn lựa để hành động theo cách này hoặc cách nọ.
Chúng ta chỉ cảm thấy hổ thẹn hoặc hối hận ít nhiều về một hành động của mình trong quá khứ, hoặc tự trách mình đã không làm điều đáng phải làm ngay khi trong thâm tâm mình có sức mạnh để làm điều ấy hoặc làm điều ngược lại.
Không tự do không đạo đức
Ðạo đức là một thực tế; nó được diễn đạt bằng sự bắt buộc, và nó liên quan tới sự tự do chọn lựa giữa các cách thế hành động khác nhau, này hoặc nọ. Không thể nào có sự chọn lựa đó trong một vũ trụ mang tính máy móc chủ nghĩa, nơi bạn chỉ có thể là "cái bạn đang là", và "mọi sự đang là" đều đã bị quyết định "phải là như thế".
Trong vũ trụ mang tính máy móc chủ nghĩa ấy, người tốt không thể được ca ngợi vì sự thiện của họ, và người xấu không thể bị khiển trách vì sự ác của họ, bởi lẽ chẳng người nào chịu trách nhiệm về hành động của mình. Không thể có đạo đức nếu không có tự do chọn lựa, và không thể có tự do chọn lựa trong một vũ trụ máy móc chủ nghĩa. Vì thế, người ta lập luận rằng máy móc chủ nghĩa không có khả năng giải thích đạo đức.
3. Tôn giáo
Tôn giáo không có ý nghĩa
Trong một vũ trụ máy móc chủ nghĩa, tôn giáo chẳng có chút ý nghĩa nào. Tôn giáo là một trong các thực tế lan tỏa nhất của kinh nghiệm. Dù có thể khoác những hình thức khác nhau, tôn giáo quả thật, một cách tổng quát, liên quan tới ý tưởng về Thượng đế, đấng can thiệp vào dòng chảy của các biến cố vì phúc lợi của những kẻ tin vào ngài.
Dù tôn giáo ở phương Ðông hay phương Tây, tiềm tàng trong dân gian hay có định chế vững chắc, thờ phượng Thượng đế, thí dụ Thiên Chúa giáo, hay không cụ thể minh danh ngài, thí dụ Phật giáo. Trong vũ trụ máy móc chủ nghĩa, không có sự biện minh cho một khái niệm như thế. Thế giới ấy vỏn vẹn chỉ có vật chất chuyển động một cách mù lòa theo những nguyên nhân có tính sản sinh hoặc phát sinh, và chẳng chỗ nào có chứng cớ về một Ðấng tối cao nào đó.
Thượng đế toàn năng
Trong khi ao ước bảo tồn tôn giáo của mình và tìm cách chứng minh đức tin của mình, người tôn giáo có thể lập luận rằng ít nhất phải có lời giải thích về khởi thủy của vạn vật; và Thượng đế được thừa nhận là Ðấng Sáng thế, kẻ khởi đầu cho toàn bộ cấu trúc vật lý này. Nhưng Thượng đế chỉ là Ðấng Tạo hóa mà thôi thì không đủ làm mãn nguyện nỗi thôi thúc tôn giáo.
Ngang đây có thể mở một ngoặc đơn. Trong chủ đề này, nổi bật quan điểm của người Phật giáo được hiểu như một ngoại lệ. Phật giáo không đặt vấn đề cụ thể về Thượng đế hiện hữu hay không hiện hữu. Ðối với Ðức Phật, bấn cứ vấn đề nào không liên quan tới khổ não, kể cả vũ trụ quan, cũng chỉ làm chúng sinh xao lãng. Con người phải đặt trọng tâm mọi nỗ lực của nó vào vấn đề nhìn cho rõ căn nguyên khổ não của mình và tự mình diệt khổ não. Người Phật giáo sống thân tâm an lạc không phải vì sở đắc được cái này cái nọ, mà đơn giản chỉ vì lòng không còn khổ.
Trở lại với người máy móc chủ nghĩa, do bởi họ nhìn thế giới là đối tượng của những qui luật bất di bất dịch nên họ thấy không cách gì sửa đổi nó, và nhất thiết Thượng đế phải không có mặt trong cái gọi là cuộc sáng thế của ngài. Và ngài cũng không có khả năng hành động bất cứ điều gì trong cuộc tạo hóa và trong thế giới đó. Lời kêu cầu của những kẻ đi theo ngài có thể tới tai ngài, nhưng ngài phải bỏ nó ở ngoài tai hoặc phải đứng yên, bất động nhìn dân ngài bị đè bẹp dưới các sức mạnh mà ngài không kiểm soát chúng.
Khoa học không tôn giáo
Một nhà khoa học, với tư cách là nhà khoa học, không quan tâm tới câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ vì y không xem đó là câu hỏi có thể trả lời. Y cũng không thấy việc trả lời câu hỏi ấy có thể đưa tới tác động nào, nghĩa là hoặc làm thay đổi chút nào thế giới tự nhiên, hoặc làm cho chóng vánh hơn công tác thực nghiệm của y. Trong vũ trụ máy móc chủ nghĩa, nếu có tôn giáo thì đó là một thứ tôn giáo xanh xao thiếu máu.
Những kẻ chống đối máy móc chủ nghĩa trả đũa rằng tôn giáo là một kinh nghiệm thật sự trong đó con người ý thức sự có mặt của Thượng đế, được bảo đảm về sự có mặt của ngài và được an ủi. Thượng đế không là một Ðấng Tạo hóa vắng mặt và bất lực mà là một thực tại hướng dẫn, ủi an và muôn đời hiện diện. Tiến trình sáng thế của Thượng đế vẫn đang diễn ra, càng lúc càng tốt đẹp hơn. Và vì chủ nghĩa máy móc không có khả năng giải thích tôn giáo nên nó bị giới hạn trong các giải thích "máy móc và khô khan" của nó.
4. Tâm trí
Hoạt động tinh thần và vật chất
Tuy chủ nghĩa máy móc không bị buộc phải liên kết với chủ nghĩa duy vật (materialism) nhưng nó cực kỳ thoải mái trong cuộc liên minh này. Bởi thế người máy móc chủ nghĩa có khuynh hướng thông giải các hiện tượng tâm thần (mental phenomena) bằng những thuật ngữ có tính vật chất.
Ðối với người máy móc chủ nghĩa, hoạt động tinh thần là một hình thức thao tác trong não bộ, giống như một tổng đài điều phối điện thoại, nơi các thông điệp được truyền đi qua một dây thần kinh được móc nối với những dây thần kinh khác, hoặc là vấn đề hoạt động có tính hóa học hoặc cái gì đó thuộc về tự nhiên.
Vì hoạt động tinh thần là một thực tế nên phải giải thích nó theo khía cạnh tự nhiên. Với người máy móc chủ nghĩa, hoạt động ấy không thể do bản thể tinh thần cung cấp, mà phải được giảm thiểu thành một hoạt động vật chất, đang thao tác theo định luật nhân quả.
Còn về ý tưởng trừu tượng
Những kẻ chống đối thuyết duy máy móc quả quyết rằng nói như thế không bao giờ có thể là một thông giải thích đáng các hiện tượng tinh thần. Ta có thể qui các ý tưởng đơn giản cho cảm xúc, như Hobbes đã làm, thế nhưng kẻ nào có thể truy tầm dấu vết của các ý tưởng cực kỳ trừu tượng của toán học trong sự thao tác mù lòa của các phân tử vật chất?
Con người có khả năng tập tành trong tâm trí nó một phong cách cư xử có hạnh kiểm mà không cần phải thao diễn nó ra bằng các hoạt động thể lý thật sự, và thậm chí có thể thấy trước, nếm trải trước những gì sẽ theo sau các hành động thể lý nhất định. Ta có thể chứng thực cho điều đó bằng các minh họa về tự kỷ ám thị, quán tưởng, thần giao cách cảm, mơ mộng, thiền định, v.v. Thật khó có thể qui những hiện tượng đó cho hóa học.
Ý tưởng tự nó có ý nghĩa
Ý tưởng không đơn giản chỉ là hình ảnh của các đối tượng ngoại tại, chúng cũng có ý nghĩa của chính chúng. Một ý tưởng chỉ tới, hoặc ngụ ý cái gì đó khác với bản thân nó. Trong số những ý tưởng của chúng ta, có các ý tưởng về chân, thiện, mỹ. Thật không cách gì chứng minh làm thế nào chúng có thể phát sinh từ hành động thuần túy vật lý học và hóa học.
Nếu nói rằng các tác phẩm của Newton, Plato, Shakespeare, Nguyễn Trải, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, v.v. chỉ là kết quả hoạt động mù lòa của nguyên tử đang chuyển động không ngừng dưới tác động hiệu ứng của quan hệ nhân quả mà không có bất cứ kế hoạch hoặc cứu cánh nào, thì hình như "hơi bị phi lý".
IV. Thuyết tiến hóa và chủ nghĩa máy móc
1. Quá trình hình thành
Phải có câu trả lời
Vật lý học và hóa học, hai ngành khoa học khống chế thuở mới bắt đầu thế kỷ 19, bị thôi thúc phải phản biện các ý kiến chống đối ấy. Nhà khoa học tin cả những nơi y có thể không thấy, và y giả định có thể đưa ra lời giải thích có tính tự nhiên cho các hiện tượng ấy một khi có thêm tri thức. Ðức tin ấy của nhà khoa học có vẻ được biện minh bởi thuyết tiến hóa do nhà vạn vật học người Anh Charles Darwin (1809-1882) trình bày một cách chi tiết, vì từ một lập trường khoa học khác, nó cống hiến câu trả lời có vẻ hợp lý cho các vấn đề đạo đức, tôn giáo và tâm trí vừa đề cập ở trên.
Giờ đây, việc khoa học tìm được câu trả lời cho mọi vấn đề của vũ trụ, hoặc đang thẳng tiến trên con đường giải thích, ngày càng trở thành niềm hy vọng có cơ sở, và biện hộ cho thiện cảm lạc quan của những người như Ernst Haeckel, kẻ xem sự phản đối chủ nghĩa máy móc như là tàn tích của mê tín và ngu dốt.
Manh nha từ cổ đại
Theo Darwin, thuyết tiến hóa không mới mẻ. Thuởû thế kỷ 6 trước C.N., Anaximander đã giải thích sự xuất hiện của các vỏ sò tìm được sâu trong nội địa bằng giả thuyết rằng mặt đất từng có thời hoàn toàn ngập nước. Vị triết gia Hi Lạp ấy phỏng đoán rằng khi nước rút hết, một số sinh vật tự tái điều chỉnh với môi trường mới bằng cách lập thành các cơ quan thích nghi. Những hình thức đa dạng của các sinh vật, như chúng ta biết, phát sinh từ những nguồn gốc khiêm tốn. Aristotle biến ý tưởng về triển khai ấy thành tâm điểm học thuyết của ông, dù nó bị giới hạn trong vòng những chủng loại không biến đổi.
Vào thế kỷ 18, Kant đề xuất các giả thuyết liên quan tới tinh vân để cung cấp lời giải thích có tính tự nhiên cho các thiên thể. Hegel biến các ý tưởng về quá trình diễn tiến (tiến trình, process) thành tâm điểm của triết học vào lúc bắt đầu thế kỷ 19. Nếu thuyết tiến hóa chỉ có nghĩa là triển khai hoặc tiến trình mà thôi thì ta có thể nói một cách trung thực rằng nó không xuất phát từ Darwin.
Ðóng góp của Darwin
Ðiều Darwin đã làm là biến các lý thuyết có tính suy tưởng về tiến hóa thành qui mô và đạt tiêu chuẩn khoa học bằng cách sưu tập một số lượng rất lớn những thí dụ thực nghiệm (empirical instances) làm thành kiểu mẫu hỗ trợ cho các ý tưởng lý đoán ấy.
Có lẽõ đánh giá thích đáng nhất về sự đóng góp của Darwin là, vào lúc bắt đầu thế kỷ 19, ý tưởng về thuyết tiến hóa đã quen thuộc; nhiều người tìm cách chứng minh nó tới độ tích lũy được nhiều sự kiện khoa học gợi tới một sự giải thích như thế nhưng định hướng của nó không rõ ràng; các lý thuyết đương thời hoặc quá tưởng tượng hoặc quá suy tưởng, cho tới khi Darwin viết cuốn sách kinh điển của ông.
2. Lamarck
Sửa đổi theo môi trường
Vào lúc bắt đầu thế kỷ 19, *Jean Pierre Lamarck (1744-1829), người được xem là nhà lý thuyết tiến hóa tiền Darwin, tiến hành một nỗ lực trang trọng và tiên khởi nhằm cung cấp lý thuyết cho cuộc tiến hóa. Nhà vạn vật học người Pháp ấy giả định rằng mỗi sinh vật khi bị đặt vào một môi trường sống, tự nó phải thích nghi nếu nó hy vọng được sống sót. Chừng nào môi trường vật lý ấy còn kéo dài một cách hợp lý và không biến đổi, chừng đó vẫn chưa có vấn đề vì sinh vật đã được trang bị để đáp ứng các đòi hỏi của môi trường ấy.
Khi môi trường biến đổi mạnh mẽ, sinh vật cũng phải biến đổi theo hoặc bị diệt vong. Ðiều thiết yếu là phải giả định rằng sinh vật đó có khát vọng sinh tồn và có năng lực sửa đổi cấu trúc hoặc tập quán của nó để đáp ứng được hoàn cảnh mới. Căn cứ vào sự kết hợp của nỗ lực và khát vọng, ta có thể giải thích cuộc tiến hóa của các sinh vật.
Khát khao và rán sức
Hươu cao cổ từng có thời tầm vóc không khác con ngựa ngày nay bao nhiêu. Tuy thế, nó cần thực phẩm là lá của một loại cây nhất định. Thuở đó, có rất nhiều loại cây ấy, sum suê lá tới độ hươu cao cổ có thể thỏa mãn nhu cầu của nó bằng cách thoải mái ăn lá ở những cành thấp. Rồi xảy tới một chuỗi hạn hán làm chết rất nhiều cây và giảm số lượng lá. Chẳng bao lâu sau, lá ở các cành thấp cũng thưa thớt dần, không đủ cung cấp cho hươu. Ðể sống sót, hươu phải ăn lá ở những cành cao hơn. Hươu có khát vọng sinh tồn và phải đem hết nỗ lực cần thiết ra mà tự sửa đổi cấu trúc của nó, do đó cần cổ của nó duỗi dài.
Lối cắt nghĩa ấy đủ để giải thích những biến đổi trong các con hươu cao cổ nguyên thủy nhưng không thể giải thích sự kiện những con hươu cao cổ ngày nay, lúc mới chào đời, cổ cũng đã dài sẵn. Ðiều thiết yếu là phải bổ sung vào lời giải thích đó một giả định rằng các đặc điểm đạt được ấy qua di truyền khiến hậu duệ bẩm sinh sở hữu cái chỉ được tổ tiên của chúng sở đắc bằng nỗ lực.
Xét theo quan điểm khoa học, lý thuyết ấy xem ra có nhiều thiếu sót. Sự giải thích bằng khát vọng và nỗ lực đã loại trừ mọi khả năng làm thí nghiệm để có thể quyết định giá trị của giả thuyết ấy. Giả thuyết về di truyền các đặc điểm đã đạt không được đánh giá một cách tổng quát là đúng vì nó liên quan tới giả định có thể di truyền sự sửa đổi các tế bào của cơ thể.
Không hẳn máy móc chủ nghĩa
Nhà sinh vật học người Ðức *Friedrich Weismann (1834-1914) đã chứng minh rằng sự di truyền bị giới hạn trong các tế bào mầm. Do đó, nếu tôi bị cụt tay hay mất một con mắt, những biến đổi trong cơ thể của tôi sẽ không bị lưu truyền cho con cháu của tôi. Những khác biệt trong di truyền tùy thuộc vào những biến đổi trong tế bào mầm. Quan điểm này ngày nay được chứng thực bởi các khám phá về DNA (Acid deoxyribonucleic) và gene di truyền.
Dù thuyết của Lamarck có vẻ như cắt nghĩa có tính tự nhiên nhưng nó không là lời cắt nghĩa mang tính máy móc chủ nghĩa, vì nó quả quyết rằng khả năng của hành động sửa đổi cấu trúc vật lý là do bởi hoạt động có tính cứu cánh. Lý thuyết của Darwin được đánh giá ưu việt vì nó giải thích hết thảy những biến đổi bằng cách viện dẫn nghiêm ngặt tính hiệu ứng của quan hệ nhân quả và ăn khớp với lược đồ mang tính máy móc chủ nghĩa.
Phương pháp khoa học
Bằng tinh thần khoa học chân chính, Darwin tiếp cận vấn đề tiến hóa. Ông sưu tập một khối lượng dữ liệu rất lớn, từ chuyến đi theo con tàu H.M.S. Beagle lần đầu tiên năm 1828. Kế đó, ông tiến hành thí nghiệm với cây cối và chim bồ câu. Trước khi kết thúc lý thuyết chung quyết của mình, Darwin lại đề ra nhiều giả thuyết khác nhau rồi lần lượt bác bỏ chúng vì chúng không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khoa học.
Ðối với Darwin, vấn đề là đưa ra lý thuyết và bằng cách thức giản dị nhất, giải thích về mặt tự nhiên sự giống nhau trong cấu trúc giữa các động vật khác nhau, thí dụ giữa ngựa và người. Ông cũng giải thích các vật hóa thạch, biểu hiện các hình thức của cuộc sống không còn hiện hữu và ảnh hưởng hiển nhiên của môi trường lên sinh vật.
Cảm hứng và mục đích
Các chuyến đi trên con tàu H.M.S Beagle, kết thúc năm 1831, cho Darwin thấy rằng có vài chủng loại được phân bố một cách tổng quát và rằng các chủng loại có khuynh hướng tách ra, đi theo những hướng khác nhau rồi ngày càng cách xa nhau đáng kể do bởi khoảng cách địa lý hoặc sống trong những môi trường khác nhau.
Lý thuyết về cuộc tạo hóa đặc biệt (special creation), theo kiểu sáng thế, không thể giải thích hiện tượng ấy nếu không được bổ túc bằng các giả thuyết khác. Vì khoa học thiên về lối giải thích theo khía cạnh tự nhiên nên Darwin tự thấy mình có công tác cung cấp lời giải thích kiểu đó để cắt nghĩa những gì có thể quan sát, đồng thời gom chung mọi hiện tượng vào một nguyên lý giải thích duy nhất.
Darwin manh nha các ý tưởng đầu tiên cho lý thuyết của mình khi ông đọc cuốn An Essay on the Principle of Population (Một tiểu luận về nguyên tắc dân số, 1798) của kinh tế gia người Anh *Thomas R. Malthus (1766-1834). Trong sách đó, Malthus vạch ra rằng sinh vật gia tăng theo cấp số nhân so với mức gia tăng thực phẩm thiên nhiên cung cấp cho chúng. Nếu vô lượng hậu duệ của cá hồi, ruồi và chuột vẫn tiếp tục sống đủ số, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ làm kiệt quệ nguồn dinh dưỡng tự nhiên của chúng.
Sự chọn lọc tự nhiên
Theo Malthus, thiên nhiên hào phóng việc sinh con đẻ cháu nhưng keo kiệt về thực phẩm. Sự kiện ấy dẫn tới cuộc tranh đấu giành các phương tiện sinh tồn, Darwin xem lập luận đó là chìa khóa thứ nhất dùng để thông giải thiên nhiên. Vì dù cho chỉ quan sát một cách tình cờ, ta cũng thấy thiên nhiên đẫm máu với nanh cùng vuốt. Sinh vật đánh giết nhau vì thực phẩm khiến một số có thể sống sót và nhiều con phải chết.
Darwin cũng ghi nhận rằng dù có thể giống với bố mẹ, các hậu duệ không bao giờ giống hệt. Mỗi đứa con có dấu hiệu nào đó phân biệt với bố mẹ của nó. Ở đây, chúng ta có được chìa khóa thứ hai của cuộc tiến hóa, đó là sự biến dị (variations).
Rõ ràng rằng những biến dị phát sinh từ các nguyên nhân tự nhiên và rằng trong đó có một số biến dị hữu dụng để sống sót, trong khi một số biến dị khác lại làm thương tổn. Trong cuộc vật lộn tranh giành thực phẩm, biến dị nào cung cấp lợi thế thì khiến cho sinh vật sở hữu nó có khả năng sống sót. Chìa khóa của "chọn lọc tự nhiên" (natural selection) hẳn là sự xảy ra các biến dị, cung cấp cho những sinh vật sở hữu chúng thế thượng phong trong cuộc chiến đấu ấy.
Chỉ những biến dị nào tạo ngay lợi thế mới được sinh vật ấy sở hữu. Do đó, Darwin chấp nhận lý thuyết về kế thừa những đặc điểm đã được tiền bối sở đắc. Ðiều ấy có nghĩa rằng các biến dị được lưu truyền cho hậu duệ. Giả sử có một biến dị nào đó không những đưa tới thành quả trong cuộc chiến đấu mà còn hữu ích cho sự hợp quần, hậu duệ cũng sẽ được chia sẻ cái biến dị nguyên thủy ấy.
Sự chọn lọc và rồi khác biệt nhau tùy thuộc vào những biến dị thêm nữa về sau. Khi thời gian chín muồi, những tích lũy các biến dị khiến lớp hậu duệ lâu đời rất khác với các tổ tông nguyên thủy của chúng, và có thể gọi chúng một cách thích đáng là các chủng loại mới. Vì thế, tác phẩm kinh điển của Darwin xuất bản năm 1859 có nhan đề là On the Origin of Species (Bàn về nguồn gốc các chủng loại).
Tiến hóa và tạo hóa
Công trình ấy là một bản báo cáo rất đại cương về một trong các lý thuyết có tính cách mạng nhất trong lịch sử khoa học. Nó dự tính trình bày phương cách các khuynh hướng mang tính tự nhiên chủ nghĩa (the naturalistic tendencies) trong khoa học đang chuyển động hướng tới việc bác bỏ lời giải thích siêu nhiên – thí dụ, có tính Kinh Thánh – về khoảnh khắc tạo hóa nguyên thủy (original creation) – thí dụ, do một lời phán đầy uy quyền của Thượng đế, đấng Sáng thế – trong đó hết thảy các chủng loại được tạo ra trong sự khác biệt và riêng biệt nhau một cách không thể sửa đổi.
Lý thuyết Darwin có dự tính giải thích các chủng loại khác nhau đang sống, từ những khởi đầu rất khiêm tốn, không theo kế hoạch nào hoặc không có cứu cánh nào, nhưng chỉ với tình trạng bị điều kiện hóa của các biến dị vốn xảy ra từ các điều kiện phát sinh một cách tự nhiên. So với các lý thuyết đương thời, lý thuyết của Darwin đưa ra lời giải thích có vẻ hợp lý hơn rất nhiều và giản dị hơn rất nhiều về nguồn gốc, bản tính và phát triển của các chủng loại khác nhau.
Phân biệt thầy và trò
Thuyết tiến hóa của Darwin sở dĩ được dành một chỗ giới thiệu tương đối rộng trong cuốn sách triết học này là chỉ để trình bày cách thức khoa học tìm thấy câu trả lời có tính tự nhiên cho các vấn đề được đặt ra bởi các hiện tượng như đạo đức, tôn giáo và tâm trí, nhằm làm cho trọn vẹn khuôn mẫu tổng quát (the general pattern) của chủ nghĩa máy móc.
Giống như phải dứt khoát phân biệt Newton với những kẻ theo Newton, đôi khi ta cũng phải phân biệt Darwin với những kẻ theo Darwin. Các đệ tử của Darwin thỉnh thoảng cổ vũ cho một lập trường quyết liệt hơn sư phụ đối với ba chủ đề chúng ta vừa nêu, đó là đạo đức, tôn giáo và tâm trí. Vì ưu tiên quan tâm tới loại lập trường do chủ nghĩa máy móc đưa ra, nên chúng ta sẽ chỉ ứng xử với vấn đề ấy thay vì đề cập chi tiết sự phân biệt giữa thầy và trò.
4. Tiến hóa của sự sống
Nguồn gốc vũ trụ
Khởi đi từ vụ nổ Big Bang 15 tỉ năm trước – có nhà khoa học bảo chính xác là 13.7 tỉ năm – vũ trụ bắt đầu bước vào mùa xuân. Từ nhất điểm tế vi nổ bùng, vũ trụ bắt đầu trương ra, bắt đầu có không gian và thời gian, và nay vẫn đang trong thời trương nở. Khi hết độ trương, vũ trụ hoặc giữ được thăng bằng theo nguyên trạng hoặc cuốn mình trở về nhất điểm hố đen (black hole), thì đó là điều khoa học đang nỗ lực khám phá.
Cho tới nay, chúng ta biết địa cầu là một hành tinh trong thái dương hệ này, thành hình khoảng 4.6 tỉ năm trước, với tâm điểm là Mặt trời. Ban đầu, địa cầu là một quả cầu bằng đá, nóng đỏ rực nên không thể có sự sống. Phải chờ đến hơn hai tỷ năm sau, trái đất mới nguội dần. Những vùng có chất lỏng biến hóa dần thành biển với chất nước như ngày nay, và mới bắt đầu có những sinh vật sơ khai. Ðây cũng là lúc các vật chết như đá trở thành những vật sống hay động vật, nghĩa là những vật biết di chuyển và có những đặc tính của sự sống theo như mô tả của các nhà khoa học ngày nay.
Nguồn gốc sự sống
Sự sống đến từ vũ trụ và các sinh vật trong đó có con người phát sinh từ đại dương. Môn sinh hóa (biochemistry) đã dẫn dắt chúng ta tìm hiểu phản ứng từ những chất vô cơ cho ra chất hữu cơ với một tổ chức cực kỳ vi diệu. Khoảng 3.5 tỉ năm trước, khi trái đất đã có bầu khí quyển, các phân tử trong biển sơ khai "tiền sinh học" có thể đã tự hơp thành một loạt những phân tử hữu cơ thật đơn giản, chẳng hạn chất adenine, một trong bốn chất tạo thành RNA và DNA, những viên gạch đắp thành chất protein của sinh vật.
Khoa học ngày nay tìm thấy những hợp chất hữu cơ ấy ngay cả trong vũ trụ, trên các sao chỗi, các vẫn thạch và trong các đám tinh vân chưa "chín muồi" để biến thành thái dương hệ như thái dương hệ của chúng ta. Trong khoảng thời gian 900 triệu năm đầu kể từ khi mới thành hình, và vẫn còn là quả cầu rực lửa, trái đất bị các cuộc "oanh tạc" của các sao chỗi, các vẫn thạch, thiên thạch khổng lồ của vũ trụ, bắn chất hữu cơ vào trái đất.
Những khám phá mới nhất trong năm 2004, với sự thám hiểm của các phi thuyền không gian tự động bay trong thái dương hệ và các khảo sát về những mảnh vẫn thạch tìm thấy chìm sâu trong lòng đất đã cho thấy có những chất hữu cơ bắn vào trái đất, tạo ra sự sống.
Nguồn gốc con người
Hết thảy các sinh vật, trong đó có con người, đều có chung một thủy tổ sống ở biển. Ðiểm này, Trang Tử đã nói đúng trong Nam hoa kinh, lưu hành khoảng 22 thế kỷ trước. Phần lớn các dạng sinh vật đa tế bào đầu tiên xuất hiện ở biển 900 triệu năm trước nay chỉ còn một ít xương cốt hóa thạch, thế nhưng các nhà khoa học vẫn nỗ lực tìm kiếm những vật còn sống.
Theo tuần báo Discover số tháng 11 năm 2004, nhà khoa học Claus Nielsen, giáo sư môn phôi học tiến hóa của động vật không xương sống tại Ðại học Bảo tàng Ðộng vật học ở Copenhagen, Ðan Mạch, trình bày trong cuốn sách của ông có nhan đề Animal Evolution: Interrelationships of the Living Phyla (Tiến hóa động vật: quan hệ hỗ tương của các hệ đang sống, 2001) về những gì ông sưu tầm được và lập danh sách một loạt những sinh vật đã có từ thuở xa xưa ấy mà nay còn sống.
Từ danh sách đó, Nielsen chọn ra một sinh vật đã có từ thuở nguyên sơ nhất trong quá khứ. Tổ tiên xa thăm thẳm nhất của con người là một loại bọt biển (sponge) sống gom lại thành những khối trông giống như đóa bông cải (súp-lơ). Ðây là thủy tổ của mọi loại cá tôm hay mọi hải sản, kể cả thuồng luồng ba ba và những biến dạng bò lên đất liền trong hàng trăm triệu năm, trong đó có loài người.
Vật lý học cho chúng ta biết nền tảng của mọi vật chất, kể cả sinh vật, là nguyên tử. Hóa học cho thấy các nguyên tử hợp thành một cơ cấu gọi là phân tử. Và môn sinh vật học cho biết có những phân tử rất phức tạp, hợp thành các vi bào, và các vi bào hợp thành các tế bào. Những sinh vật đầu tiên sinh ra ở biển đều là những sinh vật đơn tế bào ở dạng thật đơn giản. Phức tạp hơn nữa, các tế bào họp thành những mô, loài người là sinh vật có cấu trúc tế bào tinh vi nhất.
Từ thú vật thành nhân vật
Theo hóa học tiền sinh học, có thể ghi nhận tổng quát các thời điểm tiến hóa của loài động vật như sau:
1. Khoảng 300 triệu năm trước, trên trái đất các động vật xuất hiện chỉ là loài bò sát;
2. Khoảng 100 triệu năm sau đó, xuất hiện loài có vú;
3. Khoảng 65 triệu năm trước đây, loài khủng long (dinasaur) biến mất mau lẹ, nhường chỗ cho sự nở rộ của muôn loài cầm thú.
Từ đó, để tiến hóa thành loài người, theo khoa khảo cổ nhân chủng học thì:
1. Khoảng 7 triệu năm trước, phát triển mạnh loài gọi là "primate" có hình dạng giống loài khỉ sơ khai. Ðã tìm thấy di tích và xương cốt của loài này;
2. Khoảng 2 triệu năm trước, hình dạng primate còn bao gồm một loạt những loài có thể là "dạng người" (hominid); chúng có thể đứng thẳng và di chuyển bằng hai chân thay vì dùng cả bốn chân như những loài có vú khác. Loài hominid gồm các loại khỉ lớn nhỏ, vượn, đười ươi, hắc tinh tinh, và cả một loại gần giống như người nên có thể gọi là "dã nhân" trong đó một phần còn lại như ngày nay và một phần khác đã bị tiêu diệt;
3. Khoảng 2 triệu năm trước, giống dã nhân (homo) có một loại là homo habilis có hai chân hai tay dài hơn các loại hominid. Khác nhất là bàn tay đã khéo léo biết dùng cục đá làm dụng cụ;
4. Khoảng 1.75 triệu năm trước, trong các loại homo habilis nhỏ bé, đã có một loại lớn hơn gọi là homo erectus phát triển mạnh, có khả năng đứng thẳng lâu hơn và bước đi vững vàng hơn; có thể coi đây là tiền thân của loại homo sapien, thủy tổ loài người;
5. Khoảng 300 ngàn năm trước, các loại dã nhân khác dần dần bị tiêu diệt chỉ còn loại homo sapien biết sử dụng những dụng cụ làm bằng đá tinh vi hơn, có bộ óc lớn hơn các loài homo khác, và phát triển thêm nữa;
6. Khoảng 90 ngàn năm trước, loại homo sapien mới xứng đáng được gọi là người tiền sử vì lúc đó, các vị thủy tổ của chúng ta mới có hình dạng giống như loài người ngày nay.
7. Khoảng 50 ngàn năm trước, con người đã có những bùng nổ phi thường về kỹ thuật và văn hóa. Ta biết được nhờ đào thấy các vật dụng như đồ trang sức có chạm khắc, xương thú vật mài nhọn gắn vào đầu gậy làm vũ khí và nhiều loại vật dụng khác. Mấy chục năm trước đây, còn tìm thấy trong các hang động sâu ở Pháp có những hình con ma-mút, con tê giác có lông dài mượt vẽõ trên đá của người tiền sử khoảng 32 ngàn năm trước.
Lộ trình di cư của loài người
Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh đã tóm tắt trong cuốn Những mùa xuân trở lại, trang 95, rằng theo khoa học, các loài homo habits và homo erectus đều có gốc gác ở châu Phi. Trong khoảng thời gian từ 1.7 triệu năm trước, họ bắt đầu di dân sang Trung Ðông rồi từ đó tản mát phần lớn qua phía Ðông về phía châu Á, chỉ có một phần nhỏ tiến về phía Tây Bắc qua châu Âu.
Trong khoảng thời gian trên 1 triệu rưỡi năm, các loài homo vừa tản mát đi các nơi lại vừa tiến hóa rất mau lẹ nên đã từ "dã nhân" họ thành người thật, giống như ngày nay. Tại Trung Hoa, người ta tìm thấy xương hóa thạch của loài homo erecrus sống khoảng từ 300,000 to 500,000 năm trước trong hang động, nay là Bắc Kinh, nên được gọi là Peking Man (Người Bác Kinh) và đã biết dùng lửa.
Tháng 8 năm 2003, báo chí khoa học loan tin các nhà khảo cổ tìm thấy xương cốt của loài homo erectus tại Cộâng hòa Georgia, gần Hắc Hải, phía trên Thổ Nhĩ Kỳ, cũng trên đường di cư của các tiền bối "dã nhân" đi về phía châu Á. Các xương này thuộc loại dã nhân sống vào khoảng hai triệu năm trước, chứng tỏ các cuộc di cư có thể đã có nhiều đợt sớm hơn. Và nếu xét theo di tích các vật dụng đào được, có thể ngoài giống homo erectus còn có các giống dã nhân khác.
Vấn đề đặt ra là trong số các loài dã nhân, tại sao chỉ có một loài tiến hóa thành người, và cái gì đã giúp cho sự tiến hóa đó. Trong lộ đồ từ thú vật sang nhân vật, loài người có cấu trúc tinh vi nhất. Có giả thuyết khoa học cho rằng sở dĩ loài người sống sót và phát triển như ngày nay là nhờ có những bộ phận trong cơ thể như não bộ, tứ chi, có khả năng tự vệ, đào tẩu, và thích nghi, hiểu theo nghĩa của thuyết tiến hóa "kẻ thích ứng nhất thì sống sót" (Survival of the fittnest).
5. Tiến hóa của tâm trí
Duy tâm và duy vật
Những người theo Aristostle nêu ý kiến rằng tâm trí thì khác với thể xác, và ngay cả Descartes, quan điểm ấy cũng được ông duy trì để lập thành sự phân biệt rõ ràng và dứt khoát. Ông ứng xử với thể xác và tâm trí như đang hiện hữu hai bản thể khác nhau, không có đặc điểm chung và không thể trực tiếp tác động lên nhau.
Quan điểm ấy làm phát sinh vô số vấn đề về nhận thức mà đối với chúng dường như không thể nào có câu trả lời. Người duy vật chủ nghĩa gạt bỏ sự tách đôi ấy; họ phủ định bất cứ dị biệt có tính bản thể nào giữa tâm trí và thể xác bằng cách giảm thiểu hoạt động tinh thần thành có tính vật lý: tâm trí là não bộ hoặc liên quan tới não bộ.
Theo lập trường ấy, trí tuệ không là đặc quyền của con người; ta có thể thấy nó trong các động vật thấp hơn con người và nó cũng có thể cho ta thấy một sự phát triển hoặc tiến hóa theo đường thẳng tuyến tính. Ðiều này được nhận ra rõ ràng nhất trong liên quan tới sự phát triển hệ thần kinh.
Phát triển qua biến dị
Có thể lần tìm dấu vết cuộc tiến hóa của hệ thần kinh từ những khởi đầu rất đơn giản trong quá trình hình thành bộ não khiến nó càng ngày càng thích đáng hơn. Con người sở hữu bộ não phát triển cao nhất trong hết thảy các sinh vật hữu cơ, và khả năng suy tư của con người có liên quan tới thực tế đó.
Phải giải thích sự phát triển hệ thần kinh và não trong liên quan tới những biến dị tự nhiên, có giá trị cho cuộc sinh tồn, vì chúng cung cấp cho sở hữu chủ của chúng khả năng chiến đấu để sống sót. Não được phát triển qua những biến dị phi kế hoạch và phi hướng dẫn. Chính nhờ não mà có khả năng suy nghĩ.
Nhờ bộ não tối ưu của mình mà loài người sống sót trong khi các sinh vật khác mạnh hơn, nhanh hơn, được trang bị tốt hơn với nanh cùng vuốt, vẫn bị tiêu vong. Thực tế của não không đòi hỏi bất cứ lời giải thích siêu nhiên nào mà có thể giải thích nó bằng các nguyên tắc tổng quát của cuộc tiến hóa tự nhiên của hệ thần kinh và não.
6. Tiến hóa của đạo đức
Nhu cầu của xã hội
Khi đàm luận về vấn đề đạo đức và tôn giáo, chúng ta cần phải đi quá bên kia cuộc tiến hóa của cá nhân để tới cuộc tiến hóa của xã hội, nhưng cả hai cũng bao hàm các nguyên lý tổng quát giống y như nhau.
Ðể xã hội tồn tại, con người phải có khả năng giải quyết các vấn đề của nó. Khi đối mặt với những nguy cơ hăm dọa cuộc sinh tồn của mình, xã hội thử nghiệm các hình thức đạo đức nhất định. Chừng nào các hình thức hạnh kiểm ấy còn có giá trị cho cuộc sinh tồn của tập thể, chừng đó chúng vẫn được xã hội bảo lưu như những qui tắc tiếp nhân xử thế.
Chúng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thí dụ phong tục tập quán, và chẳng bao lâu chúng sở hữu thẩm quyền khiến cho bất cứ động thái lệch lạc nào cũng bị xem là có tính hăm dọa đối với xã hội và là một biểu lộ vô đạo đức. Ðiều ấy có thể minh họa bằng cuộc tranh chấp thời nào cũng có giữa các thế hệ khác nhau về những hình thức động thái thích đáng, vì dường như thế hệ lớn tuổi thường cho rằng thế hệ trẻ tuổi là suy đồi và vô luân.
Cũng có những sửa đổi
Theo quan điểm ấy, không thể thông giải các luật lệ đạo đức, thí dụ Mười điều răn của Thiên Chúa giáo hay Bát chánh đạo của Phật giáo, như những mạc khải thiêng liêng, mà chỉ là những khuôn mẫu động thái (patterns of behaviour), hay tác phong kiểu mẫu, được triển khai trong một hoàn cảnh lịch sử và đạt được thành quả rất cao. Bằng việc lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các qui tắc đạo đức ấy tiếp nhận một quyền năng không phải lúc nào cũng nhất quán với các nguồn gốc nguyên thủy của chúng.
Về mặt tự nhiên và lịch sử, sự kiện ấy cắt nghĩa lý do tại sao xã hội nào cũng chấp nhận các qui tắc đạo đức, đồng thời người ta đưa ra lời giải thích những khác biệt trong các định chuẩn đạo đức của các xã hội khác nhau. Không bao giờ có việc lưu truyền mà hoàn toàn không bị biến dị, do đó, đương nhiên có những sửa đổi trong khái niệm về thiện ác, về cái gì là tốt và cái gì là xấu. Các xã hội khác nhau, với những bối cảnh lịch sử khác nhau, sẽ có những qui tắc khác nhau do bởi khác nhau về truyền thống.
Vấn đề lương tâm
Có thể đưa ra cách giải thích tương tự cho chữ "phải" mà nhiều người cho rằng nó có vẻ là một từ ngữ có đặc điểm đạo đức và nó chỉ tới nguồn gốc siêu nhiên của sự ràng buộc đạo đức. Dường như một trong các đặc điểm của con người là nhu cầu hợp quần, khát vọng được làm thành viên của một xã hội, cộng đoàn; điều ấy trong tự nó có liên quan tới ý tưởng về sự ràng buộc.
Do đó, chừng nào sự ràng buộc ấy còn tập trung trong lương tâm, chừng đó vẫn có thể giải thích nó như là ảnh hưởng của các khái niệm có tính truyền thống hoặc ảnh hưởng của giáo dục. Một số nhà tâm lý học thông giải rằng lương tâm chỉ là tiếng nói của xã hội liên quan tới động thái đã được chấp nhận và được dạy dỗ trong gia đình, học đường và các cơ sở tôn giáo.
7. Tiến hóa của tôn giáo
Từ sợ hãi và ma thuật
Cũng giống như vấn đề đạo đức, có thể giải thích tôn giáo theo khía cạnh lịch sử. Tuy vẫn lưu hành nhiều ý kiến khác nhau về các gốc rễ thật sự của tôn giáo nhưng chúng ta có thể minh họa thái độ tổng quát của chủ nghĩa máy móc bằng lời gợi ý rằng tôn giáo bắt đầu trong sợ hãi hoặc ma thuật.
Theo thuyết duy máy móc, loài người tìm cách khám phá những nguyên nhân tác động để giải thích các biến cố kinh hoàng xảy ra trong cuộc sống. Thoạt đầu, những giải thích ấy hoàn toàn mê tín, liên quan tới thần linh hay ma quỉ. Dần dà các ý tưởng đó được trau chuốt đưa tới kết quả là con người tạo ra những hình thức tương hợp hơn với lý trí và trí tuệ càng ngày càng tăng trưởng của nó.
Một trường hợp tiêu biểu
Quá trình ấy đôi khi cũng được minh họa bằng cuộc tiến hóa trong truyền thống Do Thái. Trong tư tưởng Do Thái thuở ban sơ, Thượng đế có thể xuống vườn Ðịa đàng đi dạo và chuyện trò với A-đam và E-va trong gió nhẹ chiều hôm. Tuy thế, vào thời *Mô-se, không ai có thể bằng mắt thường của mình nhìn thấy mặt của Thượng đế mà sau đó còn sống. Vì khao khát muốn thấy Thượng đế, Mô-se phải ở lại trong một cái hang cho tới khi Thượng đế đi ngang mới có thể nhìn, nhưng cũng chỉ thấy lưng của ngài. Ðấy là kể theo Kinh thánh Cựu Ước.
Những mô tả hữu hình kiểu đó càng ngày càng bị loại bỏ cho tới khi trong tư tưởng Do Thái về sau và trong Kinh thánh Tân Ước, Thượng đế được xác định đặc điểm như Thần minh. Trong tư tưởng Do Thái thuở ban sơ, được trình bày trong Cựu Ước, ta thấy tương đối rõ ràng rằng Thượng đế chỉ được xem là một vị Thần của bộ lạc, kẻ tháp tùng dân ngài khi lâm trận và bảo đảm rằng họ sẽ chiến thắng nếu họ trung thành với ngài. Ngài cũng sẽ làm cho họ bại trận nếu họ quay lưng lại với những lời khuyên bảo dạy dỗ của ngài.
Các ngôn sứ (prophet) Do Thái – trước đây thường gọi là tiên tri – về sau đạt tới khái niệm rộng rãi hơn về một Thượng đế phổ quát, nhưng mãi tới khi Ðức Giêsu xuất hiện thì tính chất phổ quát của Thượng đế mới được khẳng định với một ý nghĩa duy nhất, không thể mập mờ. Sự việc ấy được dùng như một minh họa cho cái mà người theo thuyết tiến hóa quả quyết là thực chất của tôn giáo nói chung.
Thượng đế là tạo phẩm
Do đó, người máy móc chủ nghĩa cũng quả quyết rằng Thượng đế là sáng tạo phẩm của con người và rằng tính chất thỏa đáng của khái niệm ấy biến hóa theo với sự tiến bộ được con người tạo ra trong quá trình phát triển một khái niệm có lý tính về vũ trụ.
Với cuộc khải hoàn của Darwin, chủ nghĩa máy móc dường như chiến thắng thuở đó. Tâm trí, đạo đức và tôn giáo có thể được giải thích theo khía cạnh tự nhiên. Ðiều thiết yếu duy nhất là cần có sự đồng ý với các nhà duy vật chủ nghĩa rằng ý-chí-tự-do (free-will) là một hư cấu được thiết lập ở quá bên kia vấn nạn của thuyết duy máy móc về bản tính của vũ trụ.
V. Suy tàn của thuyết Darwin
và chủ nghĩa máy móc
1. Cuộc tái xét duyệt
Buông bỏ hoặc sửa đổi
Nhà khoa học chân chính sẽ không bám chặt một lý thuyết khi có chứng cớ cho thấy nó không nhất quán hoặc không thích đáng. Sự phát triển của sinh vật học (biology), một hệ luận từ công trình của Darwin, mang ra ánh sáng nhiều hiện tượng không thể nào hiểu nếu chỉ dựa vào các nguyên tắc của Darwin.
Ðiều đó không có nghĩa là phải buông bỏ lý thuyết của Darwin hoặc phải xét lại nó. Một số nhà khoa học hiện đại nghĩ rằng chỉ cần sửa đổi thuyết Darwin là đủ; một số người khác cho rằng nhất thiết phải đề ra các lý thuyết khác. Cũng không ít kẻ nghĩ rằng hãy cứ tạm thời để yên đó vì không thể loại bỏ trường hợp một lý thuyết có thể phải đợi thời gian rất lâu sau mới sưu tầm thêm được chứng cớ để tái xác nhận nó.
Thực tế, dù bị phản bác hay được biện minh, ảnh hưởng của Darwin không bao giờ mất hẳn. Tuy thế, những nghiên cứu sâu xa hơn đã và đang mang ra ánh sáng các sự kiện mà đối với giới khoa học và triết học, dường như đòi hỏi một cách thông giải hoàn toàn khác. Trong các năm giữa thế kỷ 20, sự thay đổi quan điểm này đã gieo rắc lòng hoài nghi sâu đậm thuyết duy máy móc khiến cho nó cũng phải hoặc bị buông bỏ hoặc chịu nhiều sửa đổi tới độ hình thức nguyên thủy của nó không còn được chấp nhận.
Chừng nào chủ nghĩa máy móc còn hàm chứa sự nhất thiết kết liên nhau và sự nối kết có thể dự báo giữa các thành tố, chừng đó phạm vi thẩm tra mới mẻ do cuộc nghiên cứu hạt nhân mở ra vẫn không thể nói là hậu thuẫn cho các nguyên lý của chủ nghĩa máy móc.
Chỉ tiên đoán đặc thù
Sự dự báo của hoạt động điện tử trong các cuộc ném bom, các chương trình điện toán, vệ tinh truyền thông hoặc viễn thám, các cuộc du hành của phi thuyền cùng phi hành gia không gian, hoặc thả máy móc thăm dò xuống sao Hỏa, chụp hình sao Thủy, v.v. chắc chắn đã mang tính thống kê, thế nhưng vẫn không hoàn toàn thoát khỏi tính riêng rẽ. Cũng một cách thức như thế, các bản xác suốt tuổi thọ có thể dự báo con số người ta sẽ qua đời trong một thời kỳ đã định nhưng không thể chỉ rõ đó là những người nào.
Ta cũng không nhất thiết phải nhảy sang phía đối lập để quả quyết rằng các thuyết phi máy móc (nonmechanism) đã chiến thắng. Môt thời gian ngắn sau khi nhà vật lý lý thuyết người Ðức *Werner Heisenberg (1901-1976) tuyên bố nguyên lý của ông về tính chất phi tất định (principle of indeterminacy), một sự quả quyết rằng những dự báo về các electron (điện tử) thể hiện một động thái vừa phải và không riêng rẽ, một số triết gia và khoa học gia lấy đó như một bằng chứng cho thấy rằng, về mặt nền tảng, vũ trụ mang tính phi tất định chủ nghĩa.
Ðiều xảy ra ấy nằm ngoài dự tính. Nó chỉ là phủ định các bảng hạng mục khắc nghiệt không chấp nhận ngoại lệ do chủ nghĩa máy móc lập thành khi áp dụng chúng vào các hiện tượng của vũ trụ.
2. Marx và Hegel
Chỉ là tiến trình hay phát triển
Phải xem thái độ mới ấy của khoa học như là cái gì đó hoàn toàn mới mẻ. Trong thế kỷ 19, những kẻ đối lập với chủ nghĩa máy móc không chỉ ở trong hàng ngũ thi sĩ và giáo sĩ. Dưới ảnh hưởng của Hegel, hai nhà duy vật chủ nghĩa Karl Marx và *Engels (1820-1895) bác bỏ chủ nghĩa máy móc như một nguyên lý có giá trị dùng để thông giải.
Ðối với họ, thuyết tiến hóa của Darwin dường như gợi tới ý tưởng về tiến trình hoặc phát triển chứ không phải là sự cấu thành đơn thuần (mere composition) như chủ nghĩa máy móc đòi hỏi.
Ðơn giản và ấu trỉ
Biện chứng pháp của Hegel mà Marx chấp nhận, gieo nghi ngờ lên bất cứ khái niệm nào về phát triển theo một đường thẳng (tuyến tính) từ cái đơn giản tới cái phức tạp như triết gia tiến hóa người Anh *Herbert Spencer (1820-1903) đề nghị. Thay vào đó, nó nhấn mạnh một khuôn mẫu có tính chu kỳ hoặc xoắn ốc (a cyclic or spiral pattern).
Ngay từ lúc bắt đầu, chủ nghĩa Marx đã xác định lập trường là đối lập với chủ nghĩa máy móc mà dường như đối với Marx và Engels, nó quá đơn giản và ấu trỉ.
3. Người duy tâm chủ nghĩa
Vai trò của toàn bộ hệ thống
Sau Darwin, lập trường của người theo chủ nghĩa duy tâm (idealism) không hoàn toàn rõ rệt. Vì về mặt cốt tủy, chủ nghĩa duy tâm là một hệ thống chiết trung; nó đan kết hết thảy các khái niệm thành một khuôn mẫu tổng thể, nên nó không thể bác bỏ những khám phá của khoa học cho dẫu nó đánh giá chúng là không thỏa đáng cho một giải thích có tính toàn bộ.
Bosanquet đặt ra khuôn mẫu đó khi ông quả quyết nếu chủ nghĩa máy móc có thể chứng minh một cách khoa học rằng nó phải được thông giải như một chủ nghĩa máy móc của một hệ thống (the mechanism of a system). Cũng như ngữ cảnh quyết định ý nghĩa của một câu văn, toàn bộ hệ thống quyết định bản tính và chức năng của các thành phần của nó. Nếu đó là những gì chủ nghĩa máy móc có ý nói, người ta phải chấp nhận nó.
Tuy nhiên, rõ ràng khái niệm về hệ thống đã khiến cho việc dự báo trở thành bất khả thi hoặc chỉ là hên xui may rủi. Vì các hệ thống chuyển động hướng tới các cấp độ mới dưới tác động của mâu thuẫn hoặc bất thỏa đáng nên không thể nào dự báo bản tính của các cấp độ mới ấy một cách chi tiết hoặc chính xác.
Tính chiết giảm của khoa học
Có lẽ cách tốt nhất là Bosanquet và các nhà duy tâm chủ nghĩa nào đồng ý với ông hãy xem khoa học có tính chiết giảm theo ý nghĩa nó phải bỏ sót để am hiểu, và vì nội dung bị chiết giảm như thế nên nó buộc lòng phải thao tác với các hạng mục giải thích thấp hơn. Lúc ấy, họ sẵn lòng thừa nhận rằng có thể chấp nhận chủ nghĩa máy móc ở cấp bậc đó,, nhưng không thể chấp nhận nó như một nguyên lý giải thích thích hợp ở cấp bậc triết học.
Sự phân chia không chút hào hứng đó về công tác của khoa học và triết học giải thích nhiều điều hiểu lầm của chủ nghĩa duy tâm. Trong khi thông giải tinh thần tổng quát của phong trào ấy, và trong khi thông giải các nguyên tắc của nó dưới ánh sáng của các khái niệm khoa học hiện đại, ta nên thẳng thắn nói rằng chủ nghĩa duy tâm, trong khi nhấn mạnh bản tính có hệ thống của thực tại, không cách gì cảm thấy mãn nguyện với chủ nghĩa máy móc đơn giản.
4. Triết học tiến trình
Tiến công trực diện
Các triết gia theo triết học tiến trình hiện đại (modern progress philosophy) tiến hành cuộc tấn công chủ nghĩa máy móc một cách trực diện nhất. Bergson, như chúng ta sẽ thấy trong chương kế, đã phát động cuộc tiến công chống lại khái niệm đó, không một chút xót thương. Vị triết gia Pháp ấy cho rằng nó bất xứng với các khám phá của khoa học và trái ngược với mọi thông giải thích đáng về thực tại.
Bảo thủ và đơn giản
Bergson quả quyết rằng nếu chủ nghĩa duy vật máy móc (mechanistic materialism) đúng, lúc đó toàn bộ khuôn mẫu phát triển được phô diễn một cách hoàn toàn khác với những gì đã được cung cấp. Trong chuỗi diễn tiến các biến cố lịch sử, chủ nghĩa máy móc không cho phép có bất cứ cái gì mới lạ hoặc không thể dự báo. Nếu điều đó đúng, lúc ấy, theo Bergson, bất cứ cái gì xảy ra lúc này cũng đều phải có mặt ngay từ thuở "tạo thiên lập đia"!
Cũng theo Bergson, rõ ràng sự đơn giản của các giai đoạn về trước đã và đang được thay thế bằng sự phức tạp của các giai đoạn về sau, nhưng do bởi giả định cơ bản của chủ nghĩa máy móc nên không thể có cái gì mới mẻ ngoại trừ những sắp xếp kiểu khác của các cái đã có sẵn ở đó. Ðối với Bergson, một khái niệm như thế dường như đã làm cho chủ nghĩa máy móc không đúng với thực tế và không thể xem đó như một nguyên lý giải thích có tính khoa học.
Vô bằng và bất khả thi
Whitehead cũng bác bỏ chủ nghĩa duy vật máy móc. Nhấn mạnh tới hệ thống (system) hay quan hệ hữu cơ (organism) như trong chủ nghĩa duy tâm, ông tạo ra khái niệm về một thế giới được sản sinh qua sự đơn thuần cấu thành của những phân tử vật chất (material particles) liên quan nhau một cách ngoại tại theo những qui luật cứng nhắc của sự quá đơn giản hóa (oversimplification).
Ðối với Whitehead, dường như "các lý thuyết phạm trù" hiện đại (modern "field-theories") biến lý thuyết phân tử vật chất thành không thể chứng minh và các lý thuyết cấu thành về phát triển thành bất khả thi. Các biến cố là sự phô diễn của tiến trình, của tương quan có tính hệ thống. Chủ nghĩa máy móc chỉ có thể hàm ý ảnh hưởng quyết định của một hệ thống gồm các phần tử của nó. Hoàn toàn không có khả năng dự báo đầy đủ hoặc không mang tính chất tất định chủ nghĩa khắc nghiệt.
5. Khoa học không thiết định
Ðạo của vật lý
Khởi đi từ khoa học thực nghiệm, các nhà khoa học tưởng sẽ cung ứng đầy đủ lời giải đáp về thế giới tự nhiên. Niềm tự tin ấy hầu như vững mạnh thêm nhờ những người thực chứng luận lý đang ra sức gạt bỏ siêu hình học. Các khoa học gia mang bản sắc Newton và các triết gia thuộc truyền thống ấy bị điều kiện hóa trong những tri thức được gọi là khoa học thiết trí (establiahed science), và do đó, thâm tâm họ vẫn xem những suy tưởngsiêu hình học là hoang tưởng.
Thế rồi, sang nửa sau thế kỷ 20, giới khoa học gia bàng hoàng nhận thấy những cái được gọi là luật thiên nhiên, luật vật lý đó mỗi lúc lại đưa họ tới những manh mối khác nữa trong đó các nguyên lý của chủ nghĩa máy móc không thể nào giải thích đầy đủ. Họ bị đẩy vào một cảnh giới bí ẩn của thế giới khoa học, ngày càng dày đặc những khó hiểu, có tính huyền diệu.
Người tổng kết cho trạng thái ấy, kèm theo những nhận thức mới là Fritjof Capra (1939- ), người Mỹ gốc Áo, giáo sư ngành vật lý tại các đại học và các viện nghiên cứu nổi tiếng ở Hoa Kỳ và Anh. Ôâng tốt nghiệp tiến sĩ vật lý thuần lý thuyết, của Ðại học Vienna; sau đó, chuyên nghiên cứu về vật lý hạt cơ bản (particle physics) và lý thuyết về các hệ thống (systems theory).
Năm 1975, xuất hiện cuốn Ðạo của vật lý của Capra, với nhan đề đầy dủ là The Tao of Physics: An Exploration of the Parallels Between Modern Physics and Eastern Mysticism (Ðạo của vật lý, một thăm dò những điểm giống nhau giữa vật lý học hiện đại và huyền học Ðông phương) do Nhà xuất bản Shambhala của Ðại học Berkeley, Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, sách đã được tái bản 43 lần bằng 23 thứ tiếng. Bản tiếng Việt do Nguyễn Tường Bách chuyển ngữ với nhan đề "Ðạo của vật lý. Một khám phá mới về sự tương đồng giữa vật lý hiện đại & Ðạo học Phương Ðông", Nhà xuất bản Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh năm 1999.
Từ khoa học tới triết học
Theo Capra, nền vật lý hiện đại của thế kỷ 20 có đặc trưng là cuộc truy tầm nguồn gốc nguyên sơ của vật chất. Từ đó đã tìm ta những "hạt cơ bản" mà về mặt tối hậu, chúng đã cấu thành nguyên tử. Thế nhưng, khi mở ra được cánh cửa, hãy cứ tạm gọi là sau cùng, để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý bỗng phát hiện rằng dường như vật chất không được tạo thành bởi những hạt cứng nhắc, mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác.
Vì thế, hầu như vật chất không có tính đối nghịch nhau. Nó vừa liên tục vừa phi liên tục, thoắt biến thoắt hiện; và tùy vào người quan sát mà xuất hiện. Những tính chất lạ lùng đó đưa vật lý hiện đại vào thẳng cửa ngõ của triết học, đặc biệt của huyền học học. Nền vật lý học hiện đại vừa đồng thuận và thông giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đặt ra những vấn nạn lớn cho loài người mà các nhà huyền học thuở xưa đã đúc kết. Và kỳ lạ thay, những phát hiện của nền vật lý hiện đại không khác bao nhiêu so với những kết luận của các hiền giả cổ đại. (Xem Ðại cương triết học Ðông phương).
Sáu tiêu chuẩn tư duy mới
Trong Phụ lục được viết 15 năm sau khi cuốn The Tao of Physics xuất bản lần đầu, Capra đề ra các tiêu chuẩn cho khuôn mẫu mới trong tư duy khoa học. Ðó là:
1. Một khi am hiểu cái cá biệt (đặc thù) thì sẽ am hiểu nguyên lý và sự vận động của cái tổng quát (phổ quát);
2. Thay quan niệm về cấu trúc cơ bản chủ nghĩa bằng quan niệm về tiến trình trong đó mỗi cấu trúc chỉ là dạng xuất hiện của một tiến trình cơ bản;
3. Không thể nói tới thiên nhiên mà không đồng thời nói tới bản thân ta;
4. Nhận thức khoa học như một mạng lưới, không đặt căn bản trên một nền tảng cố định nào;
5. Chuyển dịch từ mô tả chính xác qua mô tả gần đúng;
6. Chuyển dịch từ chức năng giúp con người ngự trị và kiểm soát thiên nhiên sang hỗ trợ con người có thái độ sống hợp tác và bất bạo động.
VI. Tóm lược
Thật không đáng ngạc nhiên khi thấy đối với các nhà tư tưởng hôm nay, chủ nghĩa máy móc đã bị bác bỏ vì tính ấu trĩ của nó. Tuy thế, vẫn còn nhiều người cảm thấy rằng đối với khoa học và triết học, cách tiếp cận tốt nhất là sử dụng một hình thức nào đó của chủ nghĩa máy móc. Có những người khác, và dường như là đa số, quả quyết rằng tri thức khoa học hiện đại có liên hệ tới việc thông giải các hiện tượng tự nhiên bằng các bản hạng mục khác với các bảng của chủ nghĩa máy móc.
Ðiều đó không có nghĩa các nhà tư tưởng ấy quay lưng lại với khái niệm ấu trĩ mang tính cứu cánh luận (naive teleological conception) và thay thế một lập trường có tính lịch sử bằng một cái khác. Ðúng hơn, nó chỉ cho thấy rằng các nhà tư tưởng hiện đại đang vật lộn với vấn đề quyết định một lối tiếp cận thích đáng, đúng với những sự kiện đã được khoa học kiến lập, và đồng thời giải thích thỏa đáng nhất các hiện tượng mà không một hệ thống mang tính máy móc chủ nghĩa nào có khả năng làm việc đó.n
Nguyễn Ước
0 nhận xét:
Đăng nhận xét