Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Tiếng vọng từ các xã hội truyền thống

Tiếng nói của các xã hội truyền thống vô cùng quan trọng bởi vì chúng nhắc nhở chúng ta rằng thực sự vẫn có những sự thay thế, các cách khác để định hướng con người trong không gian xã hội, tinh thần và sinh thái.
Bài viết của Wade Davis (sinh năm 1953) - nhà nhân loại học người Canada, lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Harvard về ngành thực vật dân tộc học (ethnobotany). Cuốn sách Into The Silence: The Great Wat, Mallory and the Conquest of Everest của ông đoạt giải thưởng Samuel Johnson cho thể loại phi hư cấu năm 2012.
Ngành nhân loại học ra đời từ một mô hình tiến hóa, trong đó các học giả thế kỷ 19 như Lewis Henry Morgan và Herbert Spencer, người đặt ra cụm từ “kẻ sống sót phù hợp nhất” (survival of the fittest), hình dung các xã hội như là những giai đoạn trong thang bậc của sự tiến bộ, từ hoang dã qua man rợ đến văn minh.
Theo kết quả của họ, từng pha phát triển ấy của con người đều tương liên với các phát minh công nghệ đặc thù. Lửa, gốm và cung tên đánh dấu thời kỳ hoang dã. Chăn nuôi, nông nghiệp và nghề đúc kim loại đưa chúng ta bước vào thời man rợ. Kỹ năng đọc viết đưa đến thời văn minh. Người ta giả định rằng mọi xã hội đều phát triển qua cùng những giai đoạn ấy và theo cùng thứ tự ấy. Mỗi nền văn hóa được xem là một bảo tàng sống, ở đó các xã hội riêng rẽ đại diện cho từng mô-men tiến hóa được đón lấy đúng lúc, và mỗi xã hội là một giai đoạn trên chiếc thang được hình dung dẫn đến văn minh. Kéo theo đó là niềm tin nhiệt thành vào thời Victoria rằng các xã hội tiến bộ có nghĩa vụ hỗ trợ kẻ đi sau, khai hóa những xã hội hoang dã, một trách nhiệm đạo đức làm phát sinh nhu cầu xây dựng đế chế.
Điều lạ lùng là người thách thức và kịp thời phá bỏ quan niệm chính thống này lại là một nhà vật lý. Franz Boas, được đào tạo ở Đức trước Einstein một thế hệ, ban đầu chọn đề tài đặc tính quang học của nước, nhưng suốt quá trình làm luận văn tiến sĩ ông bị vướng mắc bởi các vấn đề về nhận thức nên sau đó chuyển mối quan tâm sang lĩnh vực này. Những học giả xuất sắc nhất thế kỷ 19 thường có xu hướng lập dị như vậy: truy vấn lĩnh vực này rồi chuyển sang lĩnh vực khác. Bản chất việc biết là gì? Ai quyết định điều gì là được biết? Boas dần quan tâm đến việc làm sao các đức tin và xác tín thoạt trông ngẫu nhiên lại hội tụ vào một thứ gọi là “văn hóa”, một thuật ngữ mà ông là người đầu tiên đề xướng như là một cốt lõi tham chiếu, một xuất phát điểm hữu ích về mặt tri thức.
Đi trước thời đại mình, Boas tin rằng mọi cộng đồng xã hội riêng biệt, mọi nhóm người được phân biệt nhờ ngôn ngữ hay khuynh hướng thích nghi, đều là một lát cắt độc nhất của di sản và triển vọng của con người. Ông trở thành học giả đầu tiên khám phá, theo một cách thực sự cởi mở và trung lập, việc làm thế nào các nhận thức về xã hội của con người được hình thành, và làm thế nào những thành viên của các xã hội riêng biệt bị ràng buộc cách họ nhìn và diễn dịch thế giới. Boas yêu cầu các sinh viên của mình làm nghiên cứu về địa phương nào phải dùng ngôn ngữ của địa phương ấy và tham dự sâu sát vào đời sống thường nhật của bộ tộc mà họ nghiên cứu. Mọi nỗ lực chung quy là để hiểu cách nhìn của các dân tộc khác, để học cách họ tri nhận thế giới và tìm hiểu tận gốc các suy nghĩ của họ. Lối tiếp cận như vậy đòi hỏi sự sẵn sàng bước lùi ra khỏi những hạn chế có từ các định kiến và thành kiến của mỗi người.
Lối đi theo hướng dân tộc ký này, phát sinh từ quan niệm tính tương đối trong văn hóa, là một xuất phát điểm cấp tiến, một lối đi độc đạo như thuyết tương đối của Einstein trong vật lý. Nó trở thành khám phá trọng tâm của ngành nhân loại học hiện đại. Các nền văn hóa không tồn tại theo một nghĩa tuyệt đối nào cả; mỗi nền văn hóa chỉ là một mô hình của thực tại, là kết quả của một tập hợp riêng các lựa chọn về trí óc và tinh thần có từ nhiều thế hệ trước đó. Mục tiêu của nhà nhân loại học không chỉ là giải mã “cái khác” xa lạ, mà còn nắm bắt được sự kỳ thú của các khả thể văn hóa riêng biệt và mới lạ, để chúng ta có thể trau dồi hiểu biết của mình về bản chất con người và có thể giải phóng mình khỏi chứng cận thị văn hóa, một sự chuyên quyền khu biệt ám ảnh nhân loại kể từ khi ký ức được khai sinh.
Boas sống cho đến khi nhìn thấy các ý tưởng của mình dẫn lối cho ngành nhân học xã hội, nhưng phải hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, ngành di truyền học hiện đại mới chứng minh được các trực cảm của ông là đúng. Các nghiên cứu về bộ gene người cho thấy tính di truyền của con người là một thể liên tục đơn nhất. Chủng loài chỉ là sự hư cấu. Chúng ta đều là những mảnh vải được cắt ra từ cùng bộ quần áo gene, đều là con cháu của một nhóm nhỏ những người bước ra từ Phi châu khoảng 60.000 năm trước, và trong cuộc hành trình kéo dài 40.000 năm khoảng 2.500 thế hệ đã đưa tinh thần con người đến mọi ngõ ngách có thể cư trú.
Theo đó, Boas tin rằng mọi nền văn hóa về bản chất chia sẻ cùng một sự sắc bén về trí óc, cùng trí khôn bẩm sinh như nhau. Phải chăng thứ khả năng và tiềm năng trí óc này được sử dụng để làm ra các phát minh khoa học kỳ vĩ (như những thành tựu lớn lao trong lịch sử phương Tây), hay là chúng được vận dụng trong việc tháo gỡ cuộn chỉ phức tạp của ký ức vốn gắn liền với một huyền thoại (chẳng hạn, với người bản địa ở Úc châu), đó chỉ đơn giản là vấn đề của sự lựa chọn, định hướng, của các cách nhìn thích nghi và các ưu tiên văn hóa. Trong lịch sử của văn hóa, không có cấp bậc của sự tiến bộ, không có chiếc thang theo kiểu thuyết tiến hóa Darwin xã hội [Social Darwinism - chỉ trường phái áp dụng thuyết tiến hóa Darwin cho xã hội loài người] dẫn tới thành công. Quan niệm thời Victoria về hoang dã và văn minh, trong đó xã hội công nghiệp châu Âu nằm ngạo nghễ trên đỉnh chiếc kim tự tháp tiến bộ có đáy là các xã hội “nguyên thủy”, đã bị mất tín nhiệm hoàn toàn. Nó bị giới khoa học chế nhạo, bị coi là quan niệm thực dân và phân biệt chủng tộc, nó ấu trĩ đối với chúng ta hôm nay cũng như đức tin của các mục sư thế kỷ 19 rằng Trái đất này mới chỉ 6.000 năm tuổi.
Không thể coi các “dân tộc khác” của thế giới là những mô hình thất bại trong quá trình hướng tới sự hiện đại; chưa kể có thể chính chúng ta mới là những cố gắng thất bại. Họ là những biểu hiện phi thường về trí tưởng tượng và tâm can con người, là lời đáp phi thường cho một câu hỏi nền tảng: việc làm con người và được sống có ý nghĩa như thế nào? Trả lời câu hỏi này, các nền văn hóa trên thế giới đáp lại bằng 7.000 thứ giọng khác nhau, và các câu trả lời ấy tạo nên cái kho nhân loại của chúng ta, để ứng xử với tất cả thách thức mà chúng ta sẽ chạm trán với tư cách là một loài trong cuộc hành trình không bao giờ kết này.
Tuy nhiên, người ta phải đi ngược lại cơ sở này khi xem xét các tác phẩm đại chúng nhưng gây tranh cãi của Jared Diamond, một học giả được mỗi nơi mô tả mỗi khác: nhà địa lý sinh vật học, nhà sinh học về tiến hóa, nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu chim, nhà sinh lý học. Trong Súng, Vi trùng và Thép, Diamond tìm cách giải quyết cái ông cho là câu hỏi hóc búa. Tại sao một số nền văn hóa như của chúng ta [tức người “văn minh”] tiến đến chỗ vượt trội về công nghệ, kinh tế và chính trị, trong khi các dân tộc khác như người bản địa Úc châu thì không? Bỏ qua các quan niệm về chủng loài, trí khôn, những khác biệt bẩm sinh về sinh học, ông đưa ra lời lý giải về môi trường và địa lý. Các nền văn minh phát triển được ra đời ở nơi môi trường cho phép trồng trọt, cho phép tạo ra thặng dư và phát triển dân số, dẫn tới sự tập trung hóa chính trị và phân tầng xã hội. Điều đó không có gì bất ngờ.
Trong Sụp đổ [Collapse (2005)], Diamond quay trở lại với thuyết quyết định do môi trường [environmental determinism] khi ông đặt ra câu hỏi tại sao và làm thế nào các nền văn minh vĩ đại kết thúc. Đưa ra chuyện kể về giới tự nhiên ở Đảo Easter, ông cho rằng các nền văn hóa sụp đổ khi con người không thể vượt qua được các thử thách của tự nhiên, khi họ bạc đãi tài nguyên thiên nhiên, và trên hết là mù quáng trượt ra khỏi điểm bất khả quy hồi.
Không có gì đáng tranh cãi trong cuốn sách, ngoại trừ việc các lý lẽ tỏ ra hời hợt, và chính đặc điểm này trong các tác phẩm của Diamond làm cho các nhà nhân loại học rối trí. Tiền đề trước tiên của Súng, Vi trùng và Thép [Guns, Germs, and Steel (1997)] là một hệ thống cấp bậc của sự tiến bộ tồn tại trong địa hạt văn hóa, với các thước đo thành công đơn thuần mang tính vật chất và công nghệ; câu đố hóc búa là việc xác định tại làm sao phương Tây rốt cuộc vươn lên ngự trị ở đỉnh. Đặt ra câu hỏi này, Diamond lại trở về với một quan niệm từ thế kỷ 19 mà ngành nhân loại học hiện đại đã bác bỏ từ nền tảng. Thắng lợi của chủ nghĩa duy vật thế tục có thể chính là sự tự phụ của tính hiện đại, nhưng thắng lợi này đóng vai trò rất nhỏ trong việc khám phá ra bản chất của văn hóa hay giải thích sự đa dạng và phức tạp của văn hóa.
Hãy xem kiến giải của Diamond về người bản địa Úc châu [từ đây tác giả gọi đơn giản là người Bản địa] trong Súng, Vi trùng và Thép. Để giải thích cho nền văn hóa về vật chất đơn giản của họ, sự thất bại của họ trong việc phát triển chữ viết hay nông nghiệp, ông hào hứng bác bỏ các quan niệm về chủng loài, ông cho rằng không có mối tương liên giữa trí khôn và năng lực về công nghệ. Tuy vậy khi tìm kiếm lời giải thích về sinh thái học và khí hậu cho sự phát triển đời sống của họ, ông tin chắc vào tính nguyên thủy từ bản chất của họ, cũng như những kẻ thực dân châu Âu trước đây không chịu tin rằng các thổ dân cũng là con người. Ở Diamond dường như không tồn tại suy nghĩ rằng, hàng trăm bộ lạc riêng biệt ở Úc chỉ đơn giản là đại diện cho những cách sống khác nhau và là hiện thân các kết quả của một tập hợp duy nhất những lựa chọn về trí óc và tinh thần.
Thực ra, như nhà nhân loại học W. E. H. Stanner từ lâu đã nhận thấy, cách nhìn riêng của người thổ dân là một trong những trải nghiệm vĩ đại nhất của suy nghĩ con người. Thay vì đưa ra các phát kiến công nghệ, họ phát minh ra một ma trận các ghép nối, một mạng rối rắm các mối quan hệ xã hội dựa trên hơn 100 mối quan hệ họ hàng. Nếu như họ không tuân theo quan niệm về tiến bộ của người châu Âu, thì đó không phải vì họ là những kẻ hoang dã như những người thực dân giả định, mà bởi vì trong vũ trụ trí óc của họ, được chưng cất trong triết lý họ sùng bái - gọi là Giấc mơ (Dreaming) - không có cái gọi là quan niệm về sự tiến bộ tuyến tính, không có ý thức về một khả thể hay hứa hẹn về sự đổi thay. Không có quan niệm về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Không có một thổ ngữ hay phương ngữ nào trong hàng trăm thứ tiếng của người Bản địa có từ dành riêng cho thời gian. Toàn bộ mục đích của nhân loại không phải là để chứng minh bất cứ điều gì, mà là tham dự vào các hoạt động lễ bái và nghi thức được xem là cốt yếu cho việc gìn giữ thế giới chính xác như nó là vào thời điểm khai sinh. Thử tưởng tượng, nếu tất thảy niềm đam mê về trí óc và khoa học của phương Tây từ thuở khai thiên lập địa đều chỉ tập trung vào việc giữ cho vườn Địa đàng chính xác như là khi Adam và Eve có cuộc đối thoại định mệnh, thì sẽ như thế nào?
Rõ ràng, nếu như “loài” của chúng ta đi theo con đường của người Bản địa, chúng ta sẽ chẳng thể đưa được người lên mặt trăng. Nhưng mặt khác, nếu như Giấc mơ trở thành một ý chí quảng đại, chúng ta hôm nay sẽ không phải trông thấy những hệ quả của sự biến đổi khí hậu và các quá trình công nghiệp đe dọa các điều kiện duy trì sự sống ở hành tinh này.
Việc Jared Diamond không hiểu được rằng văn hóa cư ngụ trong địa hạt của các ý tưởng, và chúng không chỉ là kết quả riêng của các yếu tố thời tiết hay môi trường, có lẽ là một lý do dẫn đến các giới hạn cho quyển sách mới của ông, Thế giới cho đến hôm qua [The World Until Yesterday (2012)], trong đó ông tìm cách xác định xem chúng ta trong thế giới hiện đại có thể học được gì từ các xã hội truyền thống.
Ông bắt đầu bằng cách lựa chọn hữu ý chín đề tài để đào sâu, giới hạn ngay từ đầu phạm vi khai thác của mình. Ông khảo sát cách thổ dân nuôi dạy con, đối đãi người già, giải quyết các xung đột và quản lý rủi ro. Ông chú ý đến những lợi ích của việc đa ngôn ngữ và cách ăn uống có lợi cho sức khoẻ. Ông dành hai chương để nói về những mối nguy hiển hiện trong đời sống của thổ dân, kéo theo một chương về tôn giáo, vì “nguồn gốc của mối đe dọa mà chúng ta vẫn tìm kiếm xưa nay có thể liên quan đến các nguồn gốc của tôn giáo”. Từ một số chủ đề này - chẳng hạn việc nuôi dạy trẻ con - ông rút ra các bài học có thể được áp dụng vào “đời sống cá nhân của chúng ta”. Cách đối đãi người già cả, lối sống lành mạnh và việc lớn lên trong môi trường đa ngôn ngữ đã không chỉ đưa ra “các mô hình cho cá nhân, mà còn các chính sách mà xã hội chúng ta nói chung có thể tiếp thu”. Việc bàn luận để giải quyết các vấn đề tranh cãi, rốt cuộc đưa ra “các chính sách cho xã hội chúng ta nói chung”.
Diamond cho thấy việc ông làm xuất sắc nhất là đưa ra những dấu mốc trong thời gian ông đi khảo sát ở New Guinea, nơi có hơn 1.000 ngôn ngữ, cũng là nơi mà các thành tựu của ông như là một học giả và nhà tự nhiên học thực sự đáng được ghi nhận. Những câu chuyện về thời gian ông sống giữa những người Dani, thời gian ông nghiên cứu chim, những cuộc gặp ngẫu nhiên của ông khi thì ở nhà ga sân bay khi thì ở những cộng đồng hẻo lánh nhất, đều hài hước và sâu sắc. Các quan sát của ông trong bất cứ lúc nào cũng đều nguyên bản và thường là thông thái. Tuy vậy những bài học ông rút ra từ việc xem xét chung chung về văn hóa là những phần nhàm chán và chủ quan nhất. Chúng ta có thể bỏ qua cho việc ông kết luận rằng các xã hội truyền thống chẳng dạy được gì cho chúng ta ngoài việc nên ăn uống lành mạnh, chăm sóc tử tế cho ông bà cũng như con cái, học một ngôn ngữ thứ hai, tìm kiếm sự hòa giải thay vì trả thù nhau trong việc đâm đơn li dị, và ăn bớt mặn.
Nói đơn giản, đụng đến vấn đề văn hóa, Diamond không có được cơ sở vững vàng. Trong Thế giới cho đến hôm qua, ông dẫn chiếu đến 39 xã hội thổ dân, 10 trong số đó từ New Guinea, 7 từ Úc, và phần còn lại rải rác khắp thế giới. Diamond không có luận điểm của một nhà dân tộc học, và hầu hết các kết luận cũng như quan sát của ông đều rút ra từ trải nghiệm cá nhân với những người khuân vác thuộc tộc người Dani từng hỗ trợ ông khi ông nghiên cứu chim ở New Guinea. Trải nghiệm của ông với những thổ dân bên ngoài New Guinea đều hạn hẹp, cũng như kiến thức của ông về lý thuyết nhân loại học; thư mục tham khảo của Thế giới cho đến hôm qua khá sơ sài. Một cuốn sách đầy hứa hẹn hóa ra lại là một bản trích yếu những thứ ông cho là hiển nhiên, một tác phẩm về dân tộc học đơn thuần qua giai thoại.
Các xã hội truyền thống tồn tại không phải để giúp chúng ta chạy chữa cuộc đời mình giống như cách chúng ta mô phỏng một vài tập quán văn hóa của họ. Họ nhắc nhở rằng cách sống của chúng ta không phải là duy nhất. Một đứa trẻ được nuôi lớn ở dãy Andes tin rằng ngọn núi là vị thần hộ vệ sẽ có một mối quan hệ với thế giới tự nhiên khác hẳn với đứa trẻ được nuôi dạy ở Mỹ tin rằng ngọn núi là đống đá trơ ì chờ đến ngày được phá ra làm mỏ. Dùng tất thảy trí khôn từng cho phép chúng ta đưa người lên mặt trăng và áp dụng nó vào việc hiểu biển cả, thứ ta có được là Polynesia. Phật giáo Tây Tạng đúc kết 2.500 năm kinh nghiệm quan sát được để hiểu bản chất của tâm trí. Một lạt ma từng nhận xét rằng, người Tây Tạng không tin là người Mỹ đã lên mặt trăng, nhưng người Mỹ làm được. Ông nói thêm, người Mỹ có thể không tin rằng người Tây Tạng có thể đạt được sự khai sáng (hay giác ngộ) chỉ trong một đời người, nhưng quả thực người Tây Tạng làm được.
Tiếng nói của các xã hội truyền thống vô cùng quan trọng bởi vì chúng nhắc nhở chúng ta rằng thực sự vẫn có những sự thay thế, các cách khác để định hướng con người trong không gian xã hội, tinh thần và sinh thái. Như vậy không phải để ngây thơ đề nghị chúng ta bác bỏ mọi thứ và tìm cách bắt chước những cách thức của các xã hội không-phải-công-nghiệp, hay tước mất của một nền văn hóa nào đó quyền hưởng lợi từ thành tựu công nghệ. Hiểu như vậy để chúng ta có niềm hứng khởi và thích ứng với sự thật rằng con đường chúng ta đã đi không phải là lựa chọn duy nhất, vì vậy số phận chúng ta không phải là bia đá bất di bất dịch tạo ra từ tập hợp các lựa chọn được thực nghiệm chứng minh là thiếu khôn ngoan. Chính sự hiện diện của các nền văn hóa đa dạng trên thế giới là bằng chứng cho sự điên rồ của những kẻ nói rằng chúng ta không thể thay đổi cách thức nền tảng mà nhờ đó chúng ta sinh sống trong thế giới này, trong khi tất cả đều biết rằng chúng ta chắc chắn sẽ phải thay đổi. Riêng Jared Diamond, một nhà sinh học bảo tồn [conservationist] nhân văn và dấn thân, thì không thoát ra được cách nghĩ đó.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG / THE GUARDIAN

Khi sự giàu có đi kèm với nỗi buồn và hổ thẹn

Không phải tất cả, nhưng nhiều người ước mong giàu có, chả vậy mà mỗi khi năm mới đến, người ta vẫn chúc nhau mạnh khỏe, giàu có, ... Khi thắp nén hương thờ phụng thần phật và tổ tiên, người Việt không quên cầu mong đấng linh thiêng phù hộ cho mình được mạnh khỏe, ... và giàu có.


Nhà mặt phố, bố chủ tịch phường
Rõ ràng, giàu có là mong ước chính đáng của con người.
Song, gần đây một số nghiên cứu điều tra xã hội học nhận xét rằng tâm lý "ghét người giàu" đang hình thành ở những nước như Trung Quốc, Nga và Việt Nam v.v... như một nghịch lý.
Tờ China Daily đăng một khảo sát điều tra gần đây do Viện Khoa hoc Xã hội Zhejiang cho thấy "96% công chúng nói họ căm ghét người giàu."
Yu Jianrong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), thừa nhận rằng "sự căm ghét đối với các quan chức, người giàu có đang trở thành một trạng thái tâm lý (mentality) ở Trung Quốc."
Tương tự như vậy, người giàu ở Nga bị căm ghét vì "chỉ sau vài năm họ trở nên vô cùng giàu có mà ở những nước văn minh phương Tây phải mất hàng thế kỷ".
Nếu các nhà xã hội học ở Việt Nam làm điều tra chính thức, không biết liệu kết quả có khác Nga và Trung Quốc hay không?
Trong khi đó, những tỷ phú như Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg, ... cũng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong xã hội, không những không bị xã hội Mỹ thù ghét mà còn được ... ngưỡng mộ. Đơn giản, vì họ trở nên giàu có bằng chính lao động của mình một cách minh bạch chứ không bằng con đường mafia và trộm cắp.
Vậy, ngoài phản ứng tự nhiên "giàu ghen, khó ghét" có từ xa xưa, rõ ràng có những căn nguyên khác do những nghịch lý trong xã hội hiện tại. Tâm lý đó ngày nay không chỉ gồm có sự ganh ghét và còn chứa cả sự khinh bỉ, chủ yếu nhằm vào một số ít người bỗng nhiên trở nên "siêu giàu chỉ sau một đêm" bằng những cách ... rất bất bình thường.
Thế nào là giàu hay nghèo khác nhau rất xa giữa các quốc gia. Ở thế kỷ trước, mơ ước về vật chất của người miền Bắc những năm 1970- 80 khiêm tốn lắm. Nó đã được khái quát hóa một cách hài hước bằng '10 yêu': "Một yêu anh có may-ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu ..."
"Mười yêu" của thời hiện đại chắc chắn khác rất xa. Trong con mắt của những tay gian hùng thời nay, ai có hai, ba biệt thự chưa được coi là giàu. Trong khi với khá nhiều người, sở hữu chiếc xe Camry đã là sang thì những tay "đại gia" chỉ coi nó là "giẻ rách". "Mười yêu" không chỉ dừng lại ở vật chất mà dần chuyển hướng đến quyền lực và chủ nghĩa thân quen, gia đình trị: "Nhà mặt phố/ Bố chủ tịch phường/ Chị ngoại thương..."
Sự cách biệt giầu - nghèo theo hướng tiêu cực
Xã hội nào vào thời nào cũng có kẻ giầu, người nghèo như một hiện tượng tất yếu.
Tuy nhiên, loài người đã phân loại sự phân hóa là tiêu cực và phân hóa tích cực.
Ai lao động tích cực, sáng tạo, và có hiệu suất cao sẽ là người giầu có. Ngược lại ai lười biếng, kém năng lực sẽ nghèo hơn. Sự phân hóa giầu- nghèo như thế là tích cực, nó khiến người nghèo phải nỗ lực vươn lên.
Còn ai kẻ kém cỏi về năng lực, lười biếng, thì lại giầu lên vùn vụt. Ngược lại ai chăm chỉ lao động, có năng lực, thì lại nghèo. Sự phân hóa này được cho là tiêu cực, nó thủ tiêu mọi cố gắng, sức sáng tạo của xã hội.
Sự phân hóa giàu- nghèo tiêu cực có từ thời bao cấp, thời mà người ta tưởng rằng cái nghèo được cào bằng. Ngày đó, kẻ giàu có vẫn là những kẻ có đặc quyền đặc lợi. Sự bất công này cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra bất mãn trong xã hội dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Xô viết, như được bàn trong loạt bài trên Thời Nay - một ấn phẩm của báo Nhân Dân.
Sự cộng sinh của sinh vật cấp thấp
Ngày nay, khoảng cách giàu nghèo càng rộng và theo hướng tiêu cực. Song, người đang được hưởng thành quả lao động, không phải là những người lao động cần cù và học hành tử tế hay những người từng đóng góp xương máu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không cần phải làm thống kê ta cũng có thể thấy người Việt bằng trí tuệ, lao động chân chính cộng với chút may mắn mà trở nên giàu có là rất hiếm hoi. Những kẻ giàu 'kinh khủng' hiện nay không thể giàu như thế, nếu không có sự câu kết của hoạt động mafia kiểu các quốc gia như Nga, Trung Quốc, ...
Vẫn theo báo cáo trên tờ China Daily nói trên, 70% số người Trung Quốc được hỏi cho rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng bất chấp khẩu hiệu "xã hội hài hòa". Một số trở nên giàu có bằng sự trả giá của người nghèo thông qua ăn cướp của công nhờ các "mối quan hệ chính trị".
Carl Thayer, GS nghiên cứu về Việt Nam nhận xét rằng: "Không ai ở đây có được tài sản lớn mà không có quan hệ mật thiết với các thành viên đầy quyền lực ..."
Cũng từ đó nạn chảy máu chất xám ngày càng gia tăng vì nơi đây hình như không cần chất xám.
Lối sống sa đọa: Biểu hiện của sự giàu bất minh
Tài sản do trộm cướp được một cách dễ dàng khiến bọn trộm cắp ăn chơi sa đọa theo cách của những tên bạo chúa mông muội. Cách chơi của bọn tội phạm PMU-18 là một trong muôn vàn ví dụ.
Bọn này có lẽ đã học cách 'chơi' của mấy chú I-van giàu xổi, "đốt" €86.000 (trên 2 tỉ đồng Việt Nam) chỉ trong một đêm ở câu lạc bộ Billionaire, Sardinia. Người dân tại những khu nghỉ mát như bờ Địa Trung Hải này hay Cote d'Azur phải ngỡ ngàng khi thấy mấy chú trọc phú Nga bỗng tự nhiên nhét vào ngực mấy cô phục vụ một nắm đô-la và cười khả ố. Họ ngỡ ngàng vì chưa bao giờ thấy tỷ phú phương Tây ném tiền đi như thế cả.
Đành rằng ai có tiền thì người đó tiêu theo ý thích. Nhưng tiêu tiền kiểu như thế hay như rước một con chó bằng 30 xe Mercedes ở Trung Quốc hay rước dâu ở phố núi nghèo Việt Nam ... đúng là kiểu trọc phú.
Nếu tiền đó kiếm bằng trí tuệ hay mồ hôi nước mắt, bọn họ đã không làm như thế.
Trong khi trẻ em đu dây cáp đi học vì không có tiền bắc cầu qua sông thì quan chức bỏ tiền tỷ trong những buổi đánh bạc. Những quan tham đốn mạt còn cố tình bòn rút tiền cứu trợ của người nghèo.
"Ăn cắp ăn trộm thành phật thành tiên, ..." là một nửa của ngạn ngữ trong tiếng Việt nói lên cái nghịch lý của cuộc sống.
Chính những nghịch lý và sự bất công nói trên giải thích tại sao người giàu bị khinh ghét.
Trong một xã hội có đạo lý, người nghèo nên xấu hổ. Ngược lại, trong xã hội vô đạo lý, kẻ phải xấu hổ lại không phải là người nghèo.
Một nhà báo viết: "Từ khi ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố 'làm giàu là vinh quang', một số ít người đã giàu lên một cách đê tiện." Nhận xét đó hẳn không chỉ dành cho Trung Quốc.
PHƯƠNG NGUYỄN (TUẦN VIỆT NAM)

Câu Chuyện Thiên Linh Chuỗi Trong Kinh Tế Thị Trường




Russell Roberts
Một hôm tôi có chuyện  phải đem mấy tờ hoá đơn cần thiết cho vụ khai thuế tới cho chuyên viên kế toán cuả tôi. Ông ta ở tận St. Louis, mà hạn chót khai thuế ngày 15 tháng Tư lại sắp tới rồi và mấy cái giấy tờ này mà để mất là có chuyện chứ không phải chơi. Để cho ông kế toán viên có dư thời giờ làm việc, tôi muốn xấp hoá đơn này được giao tới cửa nhà ông ta ngay buổi sáng hôm sau.
Vậy thì tôi phải làm gì? Toan tính đầu tiên của tôi là vọt lên một chuyến bay rồi tự tay giao phong bì cho ông kế toán viên là yên chí lớn nhất. Nhưng làm kiểu này thì mắc mỏ quá. Và lại tốn bao nhiêu là thời giờ.
Tôi đã chọn phương cách tốt đẹp thứ nhì. Tôi đi ngay ra phi trường kiếm một người hành khách cũng có việc đi St. Louis. Tôi giải thích cặn kẽ cho bà hiểu rằng chuyện đưa mấy tấm hóa đơn này cho kế toán viên của tôi ngay sáng ngày hôm sau là chuyện tối quan trọng. Cũng may, bà này coi có vẻ lịch sự tử tế. Bà nói rất sẵn lòng giúp tôi. Tôi dán kín phong bì thư lại, và bà ta hứa là sẽ không mở thư ra coi sau khi tôi rời khỏi phi trường.
Có lẽ tôi thật là ngây thơ. Có ngu lắm mới tin một người lạ, giao cho người ta một vật tối ư quan trọng đối với mình, nhưng mà bà đó có vẻ thực thà lắm cơ. Bà nhoẻn miệng cười hoài, nhưng đáng lẽ tôi phải nên hiểu là quân trộm cướp rành nghề cũng có thể học cách cười kiểu đó chứ.
Tôi cảm thấy hơi "lạnh cẳng" khi bà thú thật rằng chắc bà không thể tự mình đem giao lá thư đó được. Bà kẹt công chuyện suốt buổi sáng ngày hôm ấy. Nhưng bà hứa sẽ tìm người khác giao dùm tôi lá thư. Tôi chắc hơi ngây thơ, nhưng chưa tới nỗi ngu. Đưa thư từ kiểu này ớn quá. Tôi chẳng thể nào thấy được mặt mũi mấy người nào đó hứa sẽ giúp tôi? Làm sao mà biết họ có thành thật giống như bà này? Hay là ít nhất tôi nên nói chuyện với họ trên điện thọai?
Bà tử tế nói không sao đâu mà. Bà cam đoan mấy người này cũng tử tế giống bà vậy- loại người không bao giờ mở thư của người khác ra coi. Loại người không ăn cắp số thẻ tín dụng in trên mấy tờ hoá đơn của tôi. Loại người không vứt toẹt cái phong bì gửi gấm đi để khỏi mất công đem giao chi cho phiền phức. Thật đấy, bà  ta nói, mọi chuyện rồi sẽ êm ru. Vả lại, bà ấy cũng chẳng thể nào tiên đoán xác quyết ai trong số bạn quen của bà có thể giúp được nên tôi chỉ có cách ráng hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Chuyện kể nghe thật là điên, nhưng mà lúc đó tôi gấp gáp lắm rồi. Chẳng có cách nào khác để giao lá thư cho kịp. Tôi đã không có sự chọn lựa nào khác.
Tôi đưa tiền cho bà tử tế. Bà ấy chẳng chối từ. Không chừng bà đã từng làm chuyện này nhiều lần rồi.
Tôi ngủ ngon lành tối hôm đó. Tôi thường luôn tin rằng người ta nói chung ai cũng tốt cả.
Thế còn bạn thì sao? Bạn cảm thấy thế nào tối hôm đó, biết rằng cái phong bì tối quan trọng cho vận mệnh của bạn nằm trong tay những người lạ huơ lạ hoắc, những người bạn chưa hề gặp, những người mà bạn chẳng biết sự thành thật hay ẩu tả của họ ra làm sao.
Có lẽ tôi đã nên âu lo nhiều hơn thế. Tôi đưa cho bả bao nhiêu tiền nhỉ. Đưa rẻ mạt hơn cái giá đáng lẽ phải trả nếu tôi tự tay giao phong bì thư -19 đồng đô la. Bà ta đòi có bấy nhiêu thôi mà. Thật ra, nếu bà thực sự giữ lời hứa và giao phong bì thư tận tay ông kế toán viên, chắc là tôi lại có một câu chuyện để kể suốt đời, đấy.
Thật ra, tôi đã không nghĩ đi nghĩ lại chút nào cả. Tôi  đặt lòng tin nơi người đàn bà xa lạ gặp ở phi trường đó. Tôi chưa hề gặp bà ta bao giờ trong đời. Nhưng tôi cảm thấy một cách nào đó, bà ta đã khiến tôi tin.
Mà bà ấy làm thiệt. Tôi gọi ông kế toán viên của tôi ngay sáng hôm sau, đúng ngay tróc, ông ấy nhận đưọc thư của tôi vài phút truớc 10 giờ sáng.
Phép lạ ư? Một điều may mắn cho tôi chăng? Hay là một bài học có nguy cơ khiến tôi trở  thành một kẻ ngây thơ tin tuởng ở những người lạ?
Chẳng điều nào đúng cả... Lòng tin của tôi chẳng phải là một phép lạ, hay là một điều may mắn lạ lùng. Và tôi cũng chẳng ngây thơ như bạn nghĩ đâu. 
Cái người lạ mà tôi tin tuởng  trao hết những bí mật tài chánh của tôi đang đứng đằng sau một quầy hàng của công ty FedEx[1] và mặc đồng phục của công ty.
Việc bạn cần, được làm xong một cái rụp, phải không? Bạn đi vô một chi nhánh FedEx, đưa 19 đồng cho một người bạn chưa từng gặp, xong rồi khơi khơi bưóc ra với một cõi lòng phơi phới không lo lắng, biết rằng món đồ của bạn sẽ được chuyển tới nơi vào 10 giờ sáng ngày hôm sau.
Tôi không bao giờ nghi ngờ rằng người đàn bà đứng đằng sau quầy hàng ấy có thể mở phong bì thư ra để biết tôi gửi những gì  trong đó hay để táy máy xem cho vui. Tôi đã không hề lo ngại rằng bất cứ ông nào, bà nào đụng tay vào cái phong bì  ấy cũng có thể mở ra xem. Tôi đã không lo rằng cả đống người có cơ  hội đụng vào cái phong bì thư của tôi sẽ xăm xoi coi vật bên trong có đáng để ăn trộm không.
Tôi cũng không hề âu lo một giây nào rằng một trong những người có cơ hội cầm vào cái phong bì thư của tôi có thể cho rằng đem giao nó tận tay thì thật là phiền phức quá, vứt  quách đi là xong.
Toàn là những người lạ hoắc tôi chưa bao giờ gặp. Biết dùng chữ nào xác đáng nhất để diễn tả sự hồn nhiên không chút âu lo của tôi? Sự tin tưởng? Niềm tin? Tín nhiệm? Không hiểu nguồn cơn sự yên chí lớn của tôi phát khởi từ đâu khi tôi bỏ lại sau lưng cái phong bì thư đó?
Chẳng phải là sự tin tưởng. Một lô người nối hàng dài chuyền tay nhau cái phong bì thư của tôi, và không có cách nào phỏng vấn từng người để coi họ có đáng tin hay không. Vậy làm sao mà tôi có thể tin tưởng họ được? Tôi chưa bao giờ thấy mặt mấy người đó. Và cũng sẽ chẳng bao giờ gặp họ. Người đàn bà đứng sau quầy hàng trông có vẻ tử tế. Tôi đã phần nào cảm thấy tin đưọc bà ấy. Nhưng thật là sai lầm nếu dùng chữ "tin tưởng" ấy để nói về những người đồng nghiệp của bà đã đem giao phong bì thư của tôi tới St. Louis một cách an toàn. Tôi không thể nói rằng tôi đã tin tưởng những người ấy. Tôi đã chẳng mảy may biết gì về họ.
Vậy thì dựa vào niềm tin? Nghe có vẻ mơ hồ quá. Nói dựa vào niềm tin chẳng qua là bạn đã từng dùng dịch vụ FedEx và biết chắc rằng công ty này luôn luôn làm tròn nhiệm vụ giao phó. Có một chút niềm tin theo kiểu này. Nhưng mà tôi cũng đã không hề âu lo ngay lần đầu tiên tôi dùng dịch vụ FedEx cơ mà.
Tín nhiệm có lẽ là chữ dùng đúng nhất. Sự tín nhiệm này đến từ sự thông hiểu thế nào là sự phân công trong một nền kinh tế thị trường. Ông Hayek gọi đó là một sự nối dài mối dây hợp tác giữa người với người trong xã hội.
Bạn có thể thấy nền kinh tế thị trường hữu hiệu thế nào nếu bạn thử  so sánh đối chiếu FedEx với một hệ thống làm việc khác, như kiểu bạn tìm một người lạ hoắc lạ huơ ở phi trường, coi bộ dạng khá thành thật, đứng đâu đó gần cổng vào sân bay trên đường đi St Louis. Đây, nói với người lạ ấy. Cầm lấy tiền đây và phong bì thư này. Và đừng có lo lắng gì cả nếu ông/bà cần có người khác tiếp tay để có thể giao phong bì thư này vào mấy dặm cuối chót. Cứ đem phong thư đến một phần đường thôi, rồi đưa thư và chút tiền cho người kế tiếp, tin tưởng rằng  mỗi người kế  tiếp đều hứa sẽ giữ hệ thống dây chuyền ấy không gián đoạn.
Ai dám cho rằng sự tín nhiệm liều mạng này sẽ thành công?
Vậy thì FedEx có gì đặc biệt khác các hệ thống khác? Nhìn ở bề mặt phiếm diện thì chẳng có gì khác cả. Tôi mong và  tin rằng một cách nào đó, đám người lạ ấy sẽ giữ lời hứa và đem giao phong bì thư giùm tôi. Nhưng thực tế lại khác hẳn.
Khi  tôi dùng dịch vụ FedEx, đám người lạ ấy sẽ chịu hậu quả nếu họ không giữ lời hứa với tôi. Có sự kiểm soát vòng tròn thưởng người làm tốt và phạt kẻ dối trá hay thất bại không làm xong việc. Sự kiểm soát vòng tròn này khiến mọi người đều có trách nhiệm về việc mình làm.
FedEx luôn muốn mướn những người thành thật dễ mến, những người thường cười vui vẻ khi bạn nói chuyện với họ. FedEx đuổi những người ăn cắp hay là cứ làm mất hàng do khách gửi hoài. Hệ thống FedEx đề  cao và  tưởng thưởng những người làm việc giỏi. Và sao mà FedEx cố gắng quá mức vậy? Một trong những lý do là họ muốn giữ danh tiếng của công ty. Nhưng tại sao FedEx phải cố sức giữ gìn danh tiếng của công ty làm gì? Cạnh tranh là một trong nhiều câu trả lời. Nhưng mà còn nhiều câu trả lời khác hơn thế nữa.
Dù FedEx có những biện pháp kiểm soát khiến cho nhân viên của họ phải thành thật, những biện pháp này chỉ có hiệu quả tốt nhất khi người ta cảm thấy tội lỗi khi ăn cắp hoặc lười biếng. Như thế, liệu có phải chế độ tư bản hoạt động tốt nhất khi con người thực thà từ bản chất, hay là chế độ tư bản góp phần tạo nên những đức tính nơi con người khiến cho guồng máy thị trường vận hành tốt đẹp? Câu trả lời có lẽ là cả hai.
Hệ thống phân công này chạy ngon lành đến độ chúng ta hiếm khi để ý tới hoặc trân quý sự hữu hiệu của nó. Nhân viên FedEx luôn vui vẻ tươi cười sau quầy chờ tôi mang bọc hàng hay bì thư tới gửi đi St Louis. Một người không quen biết giao báo tới cửa nhà tôi đều đặn mỗi buổi sáng. Tôi không hề biết ông hay bà ta mặt ngang mũi dọc ra làm sao. Bao nhiêu người lạ chế xe cho tôi đi, dệt quần áo cho tôi mặc, và làm thuốc trụ sinh chữa cho vợ tôi bệnh sưng phổi mùa đông vừa qua. Một hàng một dẫy những người lạ cùng nhau làm việc trong một phòng thí nghiệm ở một thành phố nào đó đã phát minh ra món thuốc trụ sinh ấy.
Chúng ta chẳng mấy khi để tâm suy nghĩ về điều này. Một cách  tự nhiên chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào những người chúng ta không hề gặp và chẳng thể kiểm soát sự thành thật, đáng tin cậy, hay cách làm việc hữu hiệu của họ. Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, sự nối dài mối dây hợp tác giữa người với người này đáp ứng sự mong đợi của chúng ta rằng những sản phẩm và dịch vụ  luôn luôn có sẵn ở đó chờ khi chúng ta cần đến.
Chúng ta hiểu vai trò của sự cạnh tranh trong sự duy trì hệ thống thương mại này. Có được  sự chọn lựa  giúp ta có trách nhiệm và nâng cao giá phải trả cho sự thất bại. Nhưng chúng ta thường không thể hiểu hay không để ý tới sự hợp tác hữu hiệu giữa những người xa lạ nhau nhưng hành vi tương hợp của họ trong và ngoài phạm vi công ty của họ đã phục vụ chúng ta như thế nào.
Lạ lùng làm sao, sự trông cậy vào những người xa lạ lại tốt hơn sự trông cậy nơi bạn bè. Chúng ta không có đủ bạn hữu làm việc cho ta nếu ta muốn hưởng mức sống đầy những nhu cầu cần được thỏa mãn về vật chất lẫn tinh thần. Trông cậy vào bạn bè hay gia đình sẽ hạ thấp mức sống của chúng ta xuống mức lúc nào cũng cần được trợ giúp. Tự làm lấy hết mọi thứ để sống còn là đi trên con đường đưa tới nghèo khổ bần cùng.
Trông nhờ vào kẻ lạ làm việc cho mình cũng khiến cho bạn bè được chuyên tâm vào chuyện làm bạn với ta mà thôi và được làm những gì bạn hữu làm cho nhau một cách tốt đẹp nhất. Tôi không muốn mua một bờ vai bán ở quầy hàng với giá  rẻ mạt để dựa vào đó mà khóc. Tôi muốn bằng hữu và gia đình làm những điều đó vì họ yêu thương tôi. Và bạn bè cùng gia đình tôi có nhiều thời giờ hơn để chia sẻ vui buồn với tôi chính là nhờ ở mối dây nối dài sự hợp tác giữa người với người trong chốn thị trường mua bán đó, và khiến tôi không trông mong bạn bè và gia đình phải may quần áo cho tôi mặc hay là lắp ráp một cái xe hơi cho tôi đi.
Trông nhờ vào kẻ lạ còn tạo nên một mạng lưới diệu kỳ của sự cộng tác mà chính nó là nền kinh tế thị trường. Một thế giới mà sự phân công và chuyên ngành-kết quả của sự buôn bán trao đổi cộng với niềm tin được củng cố bởi vòng tròn kiểm soát của giá cả, lợi nhuận, và sự cạnh tranh--khiến tôi có thể gửi được một gói hàng từ Washington tới St Louis với giá tiền bằng khoảng một giờ làm việc của một công nhân Mỹ hạng trung bình.
Có 19 đô la thôi mà mua được biết bao nhiêu sự yên tâm tin tưởng. Và sự hợp tác kỳ diệu này thành công mặc dù đa số chúng ta không cảm nhận và không biết nó làm việc ra sao. Nhưng biết trân quí sự kỳ diệu ấy cũng có thể giúp ta ghi nhớ giá trị của hệ thống giá cả và lợi nhuận nối kết tạo nên kinh tế thị trường.
© Học Viện Công Dân 2009
Nguồn: http://www.hoover.org/publications/digest/2939501.html
 
 

[1] FedEx là công ty giao hàng viễn liên quốc tế và quốc nội của Mỹ, trụ sở trung ương tại thành phố Memphis, tiểu bang Tennessee. Công ty này có dịch vụ giao hàng đến tận nơi trong vòng 24 giờ.

Một Ngụ ngôn về Tổn Phí Cơ hội


Michael Munger

3 tháng 4, 2006
Có một buổi nhạc hội. Ban nhạc Green Way sắp ghé thành phố này. Muốn được nghe ban nhạc Green Way chơi nhạc sống các ca khúc tuyệt vời trong dĩa nhạc American Dolt, bạn phải sắp hàng, cắm lều qua đêm chờ mua vé. Bạn tới phòng bán vé khoảng nửa đêm, nhưng không thể ngủ được vì chung quanh quá ồn ào. Cuối cùng, bạn cũng thiếp đi. Giấc ngủ tưởng chừng chỉ được vài phút khi bạn bị đánh thức bởi tiếng kéo cửa mở phòng bán vé, lúc đó là tám giờ sáng. Dưới ánh nắng chói lọi, bạn nhận ra số người xếp hàng đông hơn là bạn nghĩ. Có tới cả mấy ngàn người. Rất có thể bạn không mua nổi vé, dù đã bỏ công trực cả đêm.
Sau ba giờ đồng hồ, hàng người trườn gần về cửa sổ phòng vé. Bên trong lồng kính, bạn trông thấy người bán thu tiền và giao vé. Bạn càng cảm thấy lo lắng. Nỗi lo có nguyên nhân: lại có tiếng vang từ cửa sổ phòng bán vé, lần này do cánh cửa bị đóng sầm xuống. Hết vé? THẬT HẾT VÉ! Thôi rồi. Cô đào của bạn mong đợi tấm vé này bao nhiêu. Cô nàng mê tít ban nhạc Green Way mà.
Nay lẻ loi quay bước về nhà, bạn cúi đầu chán nản. Đột nhiên, nghe tiếng huyên náo bên kia đường. Xem ra đám người trong hàng đầu sáng nay chẳng phải là người hâm mộ ban nhạc Green Way gì cả! Họ mua vé chỉ để bán ngay lại cho người khác. Và họ đang bận rộn rao bán ồn ào. Hết xẩy - có lẽ vẫn gặp may.
Băng nhanh qua đường, bạn nhập vô đám đông bao quanh những "người bán lại"(gọi một cách lịch sự). Nhưng bạn không biết tai mình nghe có đúng không: "Ba trăm đô một vé, cha nội. Trả tiền mặt."
Càng khó tin hơn khi vẫn có người sẵn sàng trả 300 đồng một vé. Phải nghĩ lại xem nên hay không nên cái đã. Theo luật tại tiểu bang của bạn, việc "đầu cơ" vé coi văn nghệ là hợp pháp. Thêm đó, đối với bạn chyện đầu cơ cũng chẳng có gì trái với lương tâm. Tiền dành giụm có được 600 đủ trả hai vé. Vé nào cũng đồng hạng, không có ghế thượng hạng.
Nhưng rồi bạn lại nghĩ đến tổn phí cơ hội, cái tổn phí cơ hội to tát.[i] Nhớ lại hồi học lớp kinh tế, ông thầy dạy rằng tổn phí cơ hội có dính dáng tới việc được cái này thì mất cái kia. Nói cách khác, tổn phí bỏ ra để thực hiện một việc chính là tất cả các số việc khác mà bạn không thể thực hiện được nữa.
Sáu trăm đồng quả là một tổn phí cao. Bạn không tiếc số tiền cho mấy, nhưng nếu tiêu tới 600 đô la, bạn có thể mua tất cả mọi dĩa nhạc mà ban Green Way đã thu thanh, kiêm luôn máy Mp3 để nghe nhạc. Rồi vẫn dư tiền rủ bạn bè đi vũ trường nghe nhạc của ban Green Way mỗi tối thứ sáu trong cả tháng. (Chắc chắn là những vũ trường chơi nhạc của Green Way, vì hiện nay mọi nơi toàn chỉ chơi nhạc này, đặc biệt là bản ca ngợi sinh thái học, "Nader of Suburbia")
Điểm cốt yếu là tiền không phải là tổn phí toàn bộ của bất cứ hoạt động nào. Tổn phí chính thực là cái mà bạn phải từ bỏ: chi tiền cho việc X tức là bạn không còn số tiền ấy để chi cho việc Y. Do đó, tổn phí thực sự của X là ... Y. Một số nhà kinh tế học cho rằng tiền chỉ là "tấm màn" che giấu thực chất rằng giá tiền là thước đo sự khan hiếm có tính cách tương đối của hàng hóa.
Nếu bạn đi dự buổi nhạc hội, bạn sẽ không có 10 cái CD nhạc, với giá $20 một dĩa, một máy X-pod Mp3 đáng giá $250, và $150 tiền mua nước giải khát tại vũ trường. Tất cả mọi thứ ấy đánh đổi với chỉ một đại nhạc hội dài hai tiếng đồng hồ. Suy đi nghĩ lại, bạn lắc đầu. Không đáng tí nào.
Quyết định xong, bạn định hướng về nhà, mặt chảy dài. Đi bộ khoảng hai mươi ngã tư đường, bạn nhìn thấy một phong bì nhàu nát nằm cách lề đường một tí. Mặt ngoài phong bì trống trơn.
Lượm phong bì lên, cảm giác là lạ, tim đập nhanh. Xé phong bì ra ... bên trong là hai tấm vé nhạc hội Green Way! Hết xẩy!
Tiếp theo ... cảm giác tội lỗi. Hai vé này không phải của bạn. Nhưng bạn lại nghĩ, giả như cái phong bì này bay ra từ cửa sổ xe hơi và người đánh mất nó hiện đã đi xa lắc rồi thì sao? Có thể chính họ cũng chưa biết đã mất vé, cơ mà.
Thế nhưng, bạn vẫn chờ gần một tiếng đồng hồ. Mỗi khi có xe đi ngang, bạn nín hơi, toàn thân chỉ có tim thót đập. Không chiếc xe nào chậm lại, và không bộ hành nào đến kiếm phong bì. Bạn chật vật lắm mới đưa phong bì lên hỏi, "Có ai đánh rơi cái này không?" Vả lại trong nhạc hội, chỗ ngồi như nhau nên sẽ chẳng thể xác nhận chủ quyền đích thực của hai tấm vé. Vé này thuộc về bạn, công bằng và thẳng thắn.
Xong, bạn báo tin vui cho cô bồ qua điện thoại di động.
Hết chuyện.
Bây giờ, đây là vấn đề: Thế nào? Anh hay chị có đi nghe nhạc hội không, và nếu có, thì tại sao? Hãy giả sử anh hoặc chị là người "khôn ngoan" về mặt tài chính.
Tôi dùng ngụ ngôn này (một phần là chuyện có thật về đại nhạc hội của ca sĩ Bruce Springsteen) làm một câu hỏi trong đề thi học kỳ hai cho môn Kinh Tế Học Vi Mô tại Đại Học Dartmouth vào năm 1986. Tôi cho rằng đề thi dễ. Sinh viên của tôi tại Dartmouth thông minh nhanh trí, và chắc chắn là biết rõ định nghĩa của Tổn Phí Cơ Hội. Trên thực tế, họ hiểu Tổn Phí Cơ Hội rất rành.
Thế mà hơn nửa lớp trượt câu hỏi này; một số sinh viên giải đáp hoàn toàn sai. Chúng ta hãy thử xem các anh/chị định điện thoại báo tin như thế nào với bạn trai hay bạn gái của mình, kể cả số điểm tôi chấm cho mỗi lời giải.
Cách trả lời thứ nhất: "Anh có vé chùa! Mình đi nghe đại nhạc hội Green Way!"
Điểm: F
Anh/chị trả lời trật rồi; về học lại. Vé đâu phải của chùa, không mất tiền. Nhớ kỹ, bạn không ngại bán lại vé với giá cắt cổ, đầu cơ vé là chuyện hợp pháp, và bạn biết là có thể bán được với giá $300 một vé. Thêm đó. sau khi suy nghĩ kỹ, bạn đã thấy rằng buổi nhạc hội không đáng cái tổn phí cơ hội với giá $300 một ghế. Tổn phí cơ hội của việc tham dự nhạc hội vẫn là $600, cho dù bạn lượm được vé bên lề đường.
Cách trả lời thứ hai: "Mình đi mua vài CD nhạc, mua luôn máy Mp3, rồi tối đi chơi. Anh vừa lượm được $600!"
Điểm: B+
Bạn đã giản dị hóa thái quá vế bên kia của vấn đề. Nên nhớ, bạn còn phải đi bộ hai mươi ngã tư đường để trở về lại chỗ bán vé, rồi rao bán. Và nếu bạn bán đi hai cái vé, bạn phải giải thích lý do với bồ của mình. Giữ hay bán, thật ra không bên nào hiển nhiên hơn bên nào.
Cách trả lời thứ ba: "Em ơi, mình sẽ đi nghe nhạc hội Green Way! Anh lượm được hai vé, tương đương như lượm được $600, trừ đi $50 chi phí giao dịch để bán vé lại cho người khác (đi bộ ngược lại chỗ bán vé, rao hàng, v.v.) Thành ra vé thiệt chỉ tốn có $550 thôi. Tính ra là có lời do vé lượm được, vậy em được đi nghe nhạc.
Điểm: A+
Trúng phóc.
Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về thang điểm của tôi. Giả thiết một sinh viên đề cập đến kết quả lợi tức thu nhập, và chi phí giao dịch, và rồi vẫn quyết định không đi nghe nhạc, thì lời giải đó cũng được điểm A+. Ngược lại, luận giải rằng "Anh được vé chùa! Mình đi nghe nhạc hội!" là luôn luôn sai, hoàn toàn sai, sai một cách dã man.
Thế mà hơn nửa số sinh viên của tôi đưa giải đáp "Vé chùa! Mình đi!" [Với kết quả này], Tôi quả thật là một giáo sư tồi trong môn kinh tế học.

Tổn Phí Cơ Hội Không phải là điều ta thường nghĩ

Tôi than vãn về kết quả đề thi với các bạn đồng nghiệp. Những đồng nghiệp kinh tế gia nghe chuyện tôi kể không lấy làm ngạc nhiên. "Người ta không hiểu tổn phí cơ hội. Nói đúng ra, người ta không hiểu rất nhiều những khái niệm xem chừng đơn giản trong ngành kinh tế học. Vì thế chúng ta nên nghiên cứu thêm về kinh tế học." Tôi không chắc quan niệm này đúng. Nó khiến tôi nhớ đến lời bình phẩm của Bill Niskanen về Ludwig von Mises (1971).[ii] Niskanen lập luận rằng nhiều người, trong đó có cả von Mises, đã quá lạc quan khi kết luận dựa trên "một niềm hy vọng, mà nay nhìn lại thấy ngây thơ làm sao, là một sự giáo dục đại chúng về kinh tế học sẽ làm cho quần chúng bớt ủng hộ bộ máy chính quyền cồng kềnh cùng với kết quả của nó là một nền hành chính thư lại."
 Niskanen không nghĩ rằng kinh tế học lại hiển nhiên như vậy, ít nhất là không hiển nhiên như thế đối với đa số quần chúng.
Thay vào đó, câu trả lời hình như đơn giản hơn: người ta tình thật không suy nghĩ theo lối này, cho dù bạn cố gắng chỉ dạy cho họ đường lối suy nghĩ theo kinh tế học. Bằng chứng là lời giải thích của tôi không thuyết phục được đa số người nghe. Và nhiều đồng nghiệp khác ngành cho rằng cái lý luận xem chừng hiển nhiên trong khía cạnh kinh tế học đã sai trong thực tế ngay từ đầu, ít ra thì nó cũng mô tả sai về cách hành xử của con người. "Dĩ nhiên người ta chọn đi nghe nhạc hội; nếu anh tìm được vé chùa, mà lại không dẫn bạn gái đi nghe, thì coi như đôi bên chia tay là cái chắc! Đừng tính kỹ quá!"
Anthony de Jasay viết một bài khá thú vị cho Econlib,[iii] mô tả tầm quan trọng của việc phân tích. Jasay nhắc lại lời khuyến cáo của Frédéric Bastiat rằng cần chú trọng vào tổn phí cơ hội: "Khi ta có ấn tượng tốt với các tác động cụ thể và ta chưa biết nhận ra các tác động vô hình, ta sẽ theo đuổi các thói quen xấu xa, không những vì khuynh hướng tự nhiên, mà còn vì cố ý."
Nói cho công bằng, cũng có một số tài liệu Tâm Lý Học và Kinh Tế Học bàn rằng ta thường không nghĩ đến tổn phí cơ hội theo như dự đoán thông lệ trong ngành Kinh Tế Học. Xem ra ta đánh giá thu nhập khác với tổn thất; có vé mà không dùng là bỏ phí, khác với sự chọn lựa nên hay không nên bỏ tiền ra mua vé. Cho dù giá trị của thu nhập và tổn thất thật vốn bằng nhau ($600, trong trường hợp này), ta coi sự kiện này không liên hệ. Lối suy nghĩ này liên quan đến "công trình nghiên cứu về kinh nghiệm bản thân và thành kiến" của khoa tâm lý suy luận (do Kahnermann, Tversky, và các người khác trình bày). Thành kiến này, mang tên "hiệu ứng hàng đã có," dựa trên kinh nghiệm rằng ta đánh giá vật ta đang có cao hơn vật ta chưa mua hoặc thu được, cho dù vật đó là cùng một thứ và đáng cùng một giá.
Nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy được thuyết phục. Có lẽ người ta hiểu sai. (Nói cho công bằng, Kahnemann và Tversky cũng nghĩ sự chọn lựa theo kiểu này là "sai," theo cách nhìn dựa trên lý trí, nên tôi cũng không bất đồng ý kiến với họ trong những trường hợp quan trọng). Mong người ta sẽ hiểu đúng khái niệm này cũng giống như là có niềm hy vọng, "gần như ngây thơ khi nhìn lại," rằng công dân đều được giáo dục về căn bản kinh tế. Trên các chuyến bay, tôi đưa ra câu hỏi về tổn phí cơ hội với các hành khách khác, hoặc hỏi những tham dự viên trong các hội nghị. Họ rõ ràng chia làm hai phe, ngay cả sau khi nghe tôi giải thích câu trả lời "đúng." Vấn đề tương tự luôn xảy ra tại những trận banh bóng rổ tại đại học Duke, nơi tôi giảng dạy. Giá vé xem bóng rổ tại sân Cameron Indoor là $40. Thế nhưng đa số trận, vé bán được giá cao hơn nhiều. Vài trận, thí dụ trận đội Duke đấu đội UNC, giá vé đầu cơ vượt hơn $1000. Trong năm 2006, vé bán tới khoảng $2500. Do đó, khi ban giáo sư xin tôi (trưỏng khoa) cho tăng lương vào cuối năm, tôi sẽ nhắc nhở rằng họ không cần thêm tiền vì họ giàu quá rồi.
 "Ông nói thế là thế nào?" họ hỏi.
Tôi trả lời, "Thì quý vị mua nổi $2500 một vé đi xem bóng rổ. Quý vị phải giàu lắm."
Họ đưa tôi xem cái vé. "$40! Là vé $40 đó!"
Câu trả lời của tôi ? "Thế thì thế này. Tôi có $50. Ông chịu bán vé đó cho tôi không ? Theo ông nói thì vé có $40 thôi."
Cho tới nay, tôi vẫn chưa mua được vé nào theo lối ấy, kể cả từ những người nói với tôi rằng tổn phi cơ hội là một khái niệm ngu xuẩn.
-------------

Tài Liệu Tham Khảo

Bastiat, Frederic. 1848. "What is Seen and Not Seen."
Buchanan, James. 2001. Cost and Choice: The Collected Works of James M. Buchanan. Indianapolis: Liberty Fund.
Caplan, Bryan. "Mises and Bastiat on How Democracy Goes Wrong, Part I"
___________. "Mises and Bastiat on How Democracy Goes Wrong, Part II"
De Jasay, Anthony. 2002. "The Seen and the Unseen: The Costly Mistake of Ignoring Opportunity Cost."
Mises, Ludwig von. 1944/1969. Bureaucracy.
Niskanen, William. 1971. Bureaucracy and Representative Government. Chicago: Aldine-Atherton.
Tversky, A. and D. Kahneman. 1992. Advances in Prospect Theory: Cumulative Representation of Uncertainty. Journal of Risk and Uncertainty 5: 297-323.

Michael Munger là Trưởng  Phân Khoa Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Duke
Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2006/Mungeropportunitycost.html
© Học Viện Công Dân 2010
 

[i] Định nghĩa: Tổn Phí Cơ Hội (David R. Henderson, Bách Khoa Kinh Tế Học Rút Ngắn): Khi các nhà kinh tế học đề cập đến "tổn phí cơ hội" của một tiềm lực kinh tế, họ muốn nói về giá trị của phương cách tốt nhất để thế chỗ cho cái tiềm lực ấy. Ví dụ, nếu bạn bỏ thì giờ và tiền đi xem một cuộn phim, bạn không thể dành khoảng thời gian ấy để đọc sách nữa, và bạn cũng không còn số tiền ấy để chi tiêu vào việc khác. Nếu đọc sách là việc bạn thích làm nhất thay vì xem phim, thì tổn phí cơ hội của việc xem phim chính là tiền vé phim cộng với niềm vui thú bạn đã phải bỏ đi khi không chọn đọc sách.
[ii] Trích từ Guồng Máy Quan Liêu, bài của Ludgwig von Mises:
Dù muốn hay không, ta phải nhìn nhận rằng mọi vấn đề chính trị thời nay, thực ra, đều mang tính chất kinh tế mà nếu ta không nắm vững lý thuyết kinh tế, ta không thể thấu hiểu chúng. Chỉ người rành rẽ những vấn đề chính của kinh tế học mới có thể tạo được quan điểm độc lập về các vấn đề liên quan. Tất cả mọi người khác chỉ biết lập lại những gì họ lượm lặt được. Họ là mồi ngon cho bọn mị dân ngu si khoác lác.
Tính cả tin của họ là mối đe dọa trầm trọng nhất cho sự bảo tồn nền dân chủ và văn minh Tây phương. Bổn phận đầu tiên của người công dân của một cộng đồng dân chủ là giáo dục chính mình nhằm đạt được kiến thức để giải quyết mọi sự vụ công dân. Quyền công dân không phải là đặc ân, mà là bổn phận và trách nhiệm đạo đức. Người đi bầu như thể một quan chức; với chức vị tối cao bao hàm một nghĩa vụ cao nhất. Một người công dân miệt mài trong nghiên cứu khoa học hoặc đi theo lời gọi của nghệ thuật có thể biện lẽ hoàn cảnh làm nhẹ tội cho họ khi không làm tròn nhiệm vụ tự đào tạo này. Có lẽ những người ấy đúng khi họ lấy cớ rằng họ phải thi hành các nhiệm vụ khác quan trọng hơn. Thế nhưng tất cả người khôn ngoan còn lại không những vô tích sự mà còn gây hại, khi họ sao lãng việc tự học để hoàn thành bổn phận bỏ phiếu, một chức năng tối thượng. (Xem thêm tiểu luận gồm hai phần của Bryan Caplan, "Mises và Bastiat luận về Nền Dân Chủ đi lầm đường như thế nào", đối chiếu quan điểm của Mises với ý kiến của Bastiat về vấn đề dân chủ và am hiểu kinh tế: Phần I, Phần II.)
[iii] Trích Anthony de Jasay, "Hữu Hình và Vô Hình: Sai Lầm Tốn Kém Khi Quên Đi Tổn Phí Cơ Hội".
Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất mà chính sách của nhà nước thường có khuynh hướng thiếu sót khi xét đến tổn phí cơ hội là biện hộ "những gì thấy được". Bastiat bất đồng với nhà thơ và nhà cách mạng Lamartine về việc tài trợ cho nghệ thuật và ca kịch. Dùng công quỹ trợ cấp để duy trì sinh hoạt nghệ thuật là mục tiêu thích đáng, bao gồm tạo việc cho họa sĩ, kịch sĩ và những nghệ nhân, tuy nhiên Lamartine chỉ nhìn thấy những gì được bảo tồn. Ông ta không nhận ra tổn phí cơ hội của chính sách ấy, đó là nguồn trợ cấp dành cho nghệ thuật có thể được dùng cho mục tiêu khác mà người dân chọn làm thay vì cái mục tiêu do nhà nước xui khiến họ lựa bằng cách tài trợ cho mục tiêu ấy. Bastiat không bàn tới ý kiến sản xuất "hàng khuyến dụng" mặc cho dân chúng muốn mua chúng hay không. Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng quảng bá nghệ thuật chỉ đạt mục đích khi giảm bớt chi tiêu các mặt khác -- một tổn thất ta không nhìn thấy được. Không thể nào, ông lưu ý, đẩy mạnh mọi thứ bằng cách hy sinh mọi thứ còn lại. Ý tưởng này phản ánh định nghĩa nổi tiếng của ông cho chữ nhà nước, "một thực thể giả tạo mà trong đó mọi người mưu sinh bằng cách sống bám người khác." (Bastiat trên mạng, đoạn 1.69-1.73.).

Kinh tế vi mô - Độ co giãn của cầu



Định nghĩa độ co giãn:
Độ co giãn đo lường sự nhạy cảm của người tiêu dùng, biểu hiện qua sự thay đổi lượng cầu khi giá hàng hóa, thu nhập của người tiêu dùng, giá của các hàng hóa có liên quan thay đổi.
Do đó, độ co giãn của cầu có thể chia ra làm ba loại:
- Độ co giãn của cầu theo giá.
- Độ co giãn của cầu theo thu nhập.
         -Độ co giãn chéo của cầu theo giá.
1. Độ co giãn của cầu theo giá
Khái niệm
Độ co giãn đo lường sự nhạy cảm của người tiêu dùng, biểu hiện qua sự thay đổi lượng cầu khi giá hàng hóa thay đổi.
Độ co giãn là tỷ lệ % thay đổi trong lượng cầu khi P sản phẩm thay đổi 1% với điều kiện các yếu tố khác không đổi.
Công thức tính độ co giãn của cầu theo giá


Ví dụ


Cho hàm cầu là Q = 100 – 7P. Tính độ co giãn của cầu tại mức giá P = 10.


 Khi P = 10 thì Q = 30.


 Theo công thức độ co giãn điểm:


ED = P/Q x (DQ/ DP) = 10/30 x (-7) = - 2,33


Sự thay đổi độ co giãn trên đường cầu





- ED < 0 (do quan hệ giữa P và Q là nghịch biến)


- ED không có đơn vị tính


- ED < -1 cầu co giãn nhiều


- ED > -1 cầu co giãn ít


- ED = -1 cầu co giãn một đơn vị


- ED = - ∞ cầu co giãn hoàn toàn (nằm ngang)


- ED = 0 cầu hoàn toàn không co giãn (thẳng đng)


Khi di chuyển xuống dưới đường cầu, đ co giãn càng giảm


 

Những nhân tố chính ảnh hưởng đến ED
Tính thay thế của hàng hóa
- Thời gian
- Tỷ phần chi tiêu của hàng hóa trong thu nhập
- Vị trí của mức giá trên đường cầu
- Tính chất của hàng hóa
2. Độ co giãn của cầu đối với thu nhập
Độ co giãn của cầu theo thu nhập là % thay đổi của lượng cầu  khi thu nhập thay đổi 1 % ( các yếu tố khác không đổi)
                  EI = %ΔQ/%ΔI
         Hoặc  EI = ΔQ/ ΔI x I/Q
Tính chất của EI
- EI < 0 : Hàng cấp thấp
         - EI > 0 : Hàng thông thường
- EI < 1 : Hàng thiết yếu
- EI > 1 : Hàng cao cấp
3. Độ co giãn chéo của cầu theo giá
Độ co giãn chéo của cầu theo giá là % thay đổi của lượng cầu mặt hàng này khi giá của mặt hàng kia thay đổi 1% (với điều kiện các yếu tố khác không đổi).
EXY = %ΔQx/%ΔPY
Hoặc    EXY = ΔQX/ΔPY x PY/QX
- EXY = 0 : hai mặt hàng không liên quan
- EXY < 0 : X và Y bổ sung cho nhau
- EXY > 0 : X và Y thay thế cho nhau

Kinh tế vi mô - Ý nghĩa thực tiễn của cung- cầu



1. Đ co giãn và doanh thu
Tổng doanh thu  = giá x lượng
Hàm doanh thu TR = P x Q
Doanh thu biên được xác định
MR= dTR(Q)/dQ= TR’(Q)
 MR = P’(Q) x Q +P
Phương trình trên biểu thị mối quan hệ giữa doanh thu, độ co giãn và doanh thu biên. Nếu cầu co giãn hoàn toàn (đường cầu nằm ngang) thì doanh thu biên trùng với đường cầu. Trong trường hợp đường cầu dốc xuống thì doanh thu biên nhỏ hơn giá. Khi đó, đường doanh thu biên nằm dưới đường cầu
Như biểu đồ cho thấy, tổng doanh thu tăng khi tăng lượng (và giá giảm) trong vùng cầu co giãn. Tổng doanh thu giảm khi tăng lượng (và giảm giá) trong vùng cầu kém co giãn. Tổng doanh thu đạt cực đại khi và chỉ khi cầu co giãn đơn vị.
Theo như suy luận ở trên, chúng ta thấy rằng giá giảm sẽ dẫn đến:
- tăng tổng doanh thu khi cầu co giãn,
- doanh thu không đổi khi cầu co giãn đơn vị và
- doanh thu giảm khi cầu kém co giãn. Tương tự như vậy, giá tăng sẽ dẫn đến:
- giảm doanh thu khi cầu co giãn,
- doanh thu không đổi khi cầu co giãn đơn vị và
- doanh thu tăng khi cầu kém co giãn.
Điều này có nghĩa là để tối đa hóa doanh thu, doanh nghiệp sẽ sản xuất tại mức sản lượng, mà ở đó cầu co giãn đơn vị. Trong trường hợp, mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải doanh thu, thì khi đó mức sản xuất tối ưu phải được xem xét trên cả phương diện doanh thu và chi phí.

2. Sự can thiệp trực tiếp của chính phủ

2.1.Sự can thiệp trực tiếp
Giá trần (hay giá tối đa - Pmax)
- Thp hơn giá cân bng.
- QS < QD : Thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa.
- Sử dụng hình thức xếp hàng hoặc hình thức định lượng, tem phiếu.
- Chính phủ cần cung lượng hàng hóa thiếu hụt nếu muốn Pmax có hiệu lực.
- Nếu Chính phủ không hỗ trợ sẽ xuất hiện thị trường chợ đen, Pmax bị vô hiệu hóa. 
Giá sàn (hay giá tối thiểu - Pmin )
- Cao hơn giá cân bằng.
- QS > QD : Dư thừa hàng hóa.
- Chính phủ cần mua hết lượng hàng hóa dư thừa nếu muốn Pmin có hiệu lực.
- Nếu Chính phủ không mua hết lượng hàng hóa thừa, Pmin bị vô hiệu hóa

2.2. Sự can thiệp gián tiếp
Đánh  thuế
Khi không có thuế (chẳng hạn, thuế đơn vị) thì mức giá mà người tiêu dùng trả (PD) bằng với mức giá mà người bán nhận được (PS) và bằng với giá cân bằng thị trường P0.
Khi có thuế (t) thì mối quan hệ giữa giá mà người tiêu dùng trả (PD) và người bán nhận được (PS) thông qua phương trình sau:
PD = PS + t
Trong đó,
ΔPD = PD - P0   : là mức thuế người mua chịu.
ΔPS  = P0  - PS : là mức thuế người bán chịu.
Tổng mức thuế mà người mua và bán chịu bằng với mức thuế đơn vị ΔPD + ΔPS  = t
Mối quan hệ này cũng chỉ ra rằng khi có thuế sẽ làm dịch chuyển đường cung sang trái và điểm cân bằng mới được xác lập thỏa mãn phương trình trên. Mối quan hệ này có thể minh họa thông qua biểu đồ dưới đây.
Người tiêu dùng hay người sản xuất phải chịu khoản thuế phụ thuộc vào độ co giãn tương đối của cung và cầu. Người sản xuất sẽ gánh chịu phần lớn khoản thuế nếu cầu co giãn nhiều so với cung ( ED /ES lớn). Ngược lại, người tiêu dùng sẽ gánh chịu phần lớn khoản thuế nếu cầu ít co giãn so với cung ( ED /ES nhỏ).
Phần thuế chuyển vào giá có thể tính theo công thức
                            t x ES / ( ED + ES)        
Một số trường hợp đặc biệt
Đường cầu hoàn toàn co giãn theo giá, thuế không làm tăng giá thị trường.
Kết quả: Nhà sản xuất chịu toàn bộ thuế
Đường cung hoàn toàn co giãn theo giá, giá thị trường tăng đúng bằng mức thuế.
Kết quả: Người tiêu dùng chịu toàn bộ thuế

Đường cầu hoàn toàn không co giãn theo giá,  giá thị trường tăng đúng bằng mức thuế.
Kết quả: Người tiêu dùng chịu toàn bộ thuế

Đường cung hoàn toàn không co giãn theo giá, thuế không làm tăng giá thị trường.
Kết quả: Nhà sản xuất chịu toàn bộ thuế
 
Trợ cấp
* Trợ cấp có thể xem như một khoản thuế âm.
* Trợ cấp là một hình thức hỗ trợ cho sản xuất hay tiêu dùng.
Đường cầu hoàn toàn co giãn theo giá, trợ cấp không làm giảm giá thị trường
Đường cầu hoàn toàn không co giãn theo giá,  giá thị trường giảm đúng bằng mức trợ cấp

Khủng hoảng tài chính là gì, các dấu hiệu nhận biết?

Khủng hoảng tài chính là sự thất bại của một hay một số nhân tố của nền kinh tế trong việc đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ, bổn phận tài chính của mình.
Dấu hiệu của Khủng hoảng tài chính là:

+ Các NHTM không hoàn trả được các khoản tiền gửi của người gửi tiền.
+ Các khách hàng vay vốn , gồm cả khách hàng được xếp loại A cũng không thể hoàn trả đầy đủ các khoản vay cho ngân hàng.
+ Chính phủ từ bỏ chế độ tỷ giá hối đoái cố định.

Một số nguyên nhân của việc không thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán là do gặp phải vấn đề thanh khoản, khả năng thanh toán hoặc do cố tình chiếm dụng vốn vì điều này có thể có lợi ở khía cạnh nào đó. Tình trạng mất khả năng thanh toán bắt nguồn từ các vụ phá sản, kinh doanh thua lỗ và các vấn đề về chi tiêu của Chính phủ. Bản thân Chính phủ cũng gặp khó khăn trong việc tìm tài trợ khi gặp khó khăn về thanh toán do những kỳ vọng không sáng sủa mặc dù trong điều kiện bình thường nền kinh tế hoàn toàn có khả năng chi trả. Sự mất khả năng thanh toán thường có tính dây chuyền. Vì vậy, khủng hoảng tài chính là điều không mong muốn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, có một sự tương quan giữa nỗ lực nhằm tự do hoá các thị trường tài chính và số lượng các cuộc khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng tài chính thường đi kèm với những nỗ lực nhằm tự do hoá thị trường tài chính. Vậy tự do hoá tài chính có nhất thiết dẫn đến khủng hoảng tài chính và việc xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính có thể là một lý do phản đối việc bãi bỏ các quy định và tự do hoá tài khoản vốn.

Thành phần chính của các cuộc khủng hoảng tài chính là các thông tin không đối xứng. Thông tin không đối xứng có vai trò chính yếu trong các giao dịch tài chính. Nó đưa người vay tới những hành vi cơ hội nguy hiểm và là mầm mống cho những kỳ vọng xấu của người cho vay về người đi vay. Thông tin không cân xứng khiến cho người đi vay và người gửi tiền do họ khó khăn trong việc phân biệt giữa vấn đề thanh khoản và tình trạng mất khả năng thanh toán, qua đó dẫn đến việc người sở hữu bán đi những tài sản bằng ngoại tệ của nước gặp khó khăn. Vì vậy, để hạn chế những thông tin không đối xứng thì hai bên đi vay và cho vay cần có càng nhiều thông tin càng tố về nhau thông qua những câu hỏi và người cho vay hỏi người đi vay để tránh sự lựa chọn bất lợi cho nhà đầu tư.

Vậy những gì cần làm để giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính?

Trước hết. chúng ta phải giải toả được những hoảng sợ về thanh khoản, về tính lỏng bằng 2 chiến lược là cung cấp thanh khoản cho thị trường và thuyết phục các thành viên thị trường rằng họ không cần phải ngay lập tức bán đi các tài sản của mình. Để thị trường yên tâm thì cần có một cơ chế bảo hiểm tiền gửi hoạt động tốt.

Người đóng vai trò là cho vay cuối cùng là Ngân hàng trung ương sẽ cung cấp thanh khoản cho thị trường và để thị trường tự phân bổ, điều tiết lượng thanh khoản đó. Khi đó, côn cụ chính sách tiền tệ gián tiếp hữu hiệu giúp NHTW cho vay là nghiệp vụ thị trường mở với các giao dịch mua bán lại tín phiếu Kho bạc do Chính phủ phát hành. Ngoài công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp là cho vay trên nghiệp vụ thị trường mở, cho vay trực tiếp với lãi suất phạt.

Thứ hai, NHTW ở tình thế rất khó khăn do phải bảo vệ tỷ giá trong khi thị trường cho rằng cuối cùng thì việc bảo vệ tỷ giá không quan trọng bằng các mục tiêu vĩ mô và đến một lúc nào đó thì đồng tiền sẽ giảm giá.

Phải chăng để ngăn chặn khủng hoảng tài chính thì hạn chế các dòng vốn? Tuy nhiên, thuế và các hạn chế khác có thể không khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn và có khi còn làm trầm trọng thêm tình hình.Việc cần làm là giải quyết khủng hoảng thanh toán để hạn chế thiệt hại bằng cách: loại bỏ những không chắc chắn của nhà đầu tư về tính trong sạch của các thể chế cá nhân. Thêm vào đó, buộc các thể chế này phải xử lý những vấn đề về tài sản của mình như định giá thấp… và bán cho cơ quan cơ cấu lại nợ của Chính phủ. Điều này làm tăng tính lỏng và giảm bớt khó khăn cho người cho vay – ngân hàng. Tuy nhiên, để giải quyết khủng hoảng tài chính triệt để thì cần phải ngăn chặn nó bằng cơ chế giám sát, thanh tra và các công cụ, kỹ thuật thích hợp.
Theo DANKETOAN.COM