Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014
Chính sách của Trung Quốc đối với tranh chấp Biển Đông từ 2007 đến 2012
07:42
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tác giả: Đỗ Thanh Hải & Nguyễn Thùy Linh*
Tháng 11/2002 tại Phnôm Pênh, các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, mở ra hy vọng mới về khả năng quản lý xung đột, thúc đẩy hợp tác, và về sự hình thành cơ sở chính trị pháp lý mới nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Tuyên bố này về cơ bản giúp xoa dịu căng thẳng giữa các quốc gia liên quan sau tranh chấp Vành Khăn, góp phần ổn định tình hình Biển Đông trong suốt bốn năm sau đó. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2007 đến nay, tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng và nóng bỏng hơn với một số va chạm xảy ra liên quan đến xác lập và bảo vệ chủ quyền, khai thác và bảo tồn tài nguyên biển, và tranh cãi gay gắt trên các diễn đàn ngoại giao khu vực. Đỉnh cao là việc vấn đề Biển Đông được đưa ra tại Hội nghị ARF 17 (Hà Nội), trong đó 11 trong tổng số 28 nước tham dự hội nghị thể hiện quan ngại về những diễn biến mới ở Biển Đông, đặc biệt là thái độ cứng rắn và hành động quyết liệt từ phía Trung Quốc. Việc tranh chấp Biển Đông được đưa ra thảo luận tại ARF là một sự kiện mang tính lịch sử của Diễn đàn này.
Bài viết này tìm cách giải mã những căng thẳng ở khu vực Biển Đông từ khía cạnh chính sách và động thái của Trung Quốc. Là quốc gia mạnh nhất trong số các bên tranh chấp, hành vi của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất quyết định “nhiệt độ” của tranh chấp này, và từ giai đoạn 2007-2008 các động thái của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Bài viết sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi sau: Một là, Trung Quốc đã có những điều chỉnh gì trong xử lý tranh chấp Biển Đông trong thời gian qua và liệu đó có phải là nguyên nhân chính tạo ra những căng thẳng ở vùng biển này? Hai là, hành động của Trung Quốc bắt nguồn từ những thay đổi trong tư duy chiến lược và chính sách hay chỉ là những phản ứng nhất thời đối với hành động của các quốc gia khác và những chuyển biến trong môi trường chiến lược? Ba là, các quốc gia khác nhìn nhận và phản ứng thế nào với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua?
Nhìn lại hành động của Trung Quốc tại Biển Đông từ 2007 đến nay
Từ đầu năm 2007 đến giữa 2010, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp để củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách, và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền ở Biển Đông, phê phán hành vi của các quốc gia khác cùng với việc nhấn mạnh thái độ kiềm chế và hành vi tự vệ của Trung Quốc. Tiếp theo Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp (1992)[1], Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998)[2], Trung Quốc đi thêm một bước nhằm thiết lập cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo tranh chấp. Ngày 3/7/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa).[3] Hành động này dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối chống Trung Quốc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (tháng 6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa). Tháng 11/2012, Trung Quốc cho in đường lưỡi bò lên mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử mới cấp cho công dân nước này.[4] Động thái trên cho thấy Bắc Kinh từng bước nội luật hóa, tăng cường ý thức của người dân về yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý.
Trên thực địa, trong các nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát, Trung Quốc liên tục ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác bất chấp các hoạt động đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.Thứ nhất, Trung Quốc tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam. Từ giữa năm 2007, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối và gây sức ép về dự án xây dựng đường ống khí đốt do tập đoàn BP của Anh thực hiện. Tháng 6/2007, trước áp lực của Trung Quốc, BP đã phải quyết định ngừng một dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam (lô 5.2 nằm giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Việt Nam khoảng 370 km).[5] Tháng 7/2008, giới ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ liên tiếp phản đối Exxon Mobil và công khai đe dọa trả đũa công việc kinh doanh của công ty này ở Trung Quốc đại lục nếu công ty hợp tác với Petro Vietnam trong các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.[6] Trong khi đó, ngày 24/11/2008, theo hãng tin Bloomberg, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 90 – 116 hải lý. Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.[7]
Kể từ khi công bố đường lưỡi bò trong công hàm gửi Liên Hợp quốc 5/2009, Trung Quốc tăng cường các hoạt động trấn áp các quốc gia khác, qua đó nhằm khẳng định yêu sách đường lưỡi bò. Một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra như việc tàu Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam trong tháng 6 và tháng 11/2011. Cũng trong tháng 6/2011, tàu Trung Quốc buộc tàu thăm dò của Philipin phải rút ra khỏi Bãi Cỏ rong (Reed Bank).[8] Để trả đũa việc Việt Nam thong qua Luật Biển, ngày 23/6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công khai mời thầu 9 lô dầu khí có tổng diện tích là 160.129,38km2. Các lô này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi gần nhất cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 13 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 60 hải lý, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí. Petrovietnam phản đối việc CNOOC mời thầu, cho rằng hành động này đi ngược với UNCLOS 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế.[9]
Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông vào mùa đánh bắt cao điểm. Trong năm 2009 và 2010, Trung Quốc kéo dài lệnh cấm đánh bắt lên ba tháng, từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Tám, mùa đánh bắt cao điểm của ngư dân Việt Nam. Trong một sự vụ nghiêm trọng, tàu hải quân Trung Quốc ngày 9/7/2007 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350km. Trong nhiều trường hợp, tàu ngư chính và tuần duyên của Trung Quốc cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tầu cá của Việt Nam.[10] Trong một số sự vụ khác, các lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào các biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt.[11] Ngư dân Phi-lip-pin và Ma-lay-xi-a cũng chịu chung các tình cảnh tương tự.[12] Đặc biệt, tháng 11/2012, Bắc Kinh đã sửa đổi quyết định và cho phép tỉnh Hải Nam khám xét và trục xuất tàu thuyền trong vùng nước có yêu sách. Với bước đi trên, Bắc Kinh đang âm mưu biến thành phố này thành tiền đồn quân sự mang ý nghĩa chiến lược. Vì thế, Nhật báo Phương Nam đã đánh giá đảo Phú Lâm sẽ đóng vai trò “trung tâm chính trị, quân sự” trong tham vọng thâu tóm Hoàng Sa và Trường Sa mà Bắc Kinh đang theo đuổi.[13]
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, và các hoạt động tuần tra, bắt giữ, và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Gary Li, một chuyên gia về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc thực sự nhằm tạo ra quyền cai quản trên thực tế [de facto jurisdiction], và tiền lệ lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền.[14]
Quan chức Trung Quốc tuyên bố mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ nguồn cá, ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, có ba điểm đáng chú ý trong lệnh cấm đánh bắt hàng năm của Trung Quốc. Một là, lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong đường đứt khúc chín đoạn mà các nước khác bác bỏ, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và các nước khác. Hai là, thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không thảm khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác. Ba là, Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi, hăm dọa ngư dân các nước. Lyle Goldstein, một nhà nghiên cứu của Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, chỉ ra đó là cách Trung Quốc sử dụng các tàu dân sự để phát huy sức mạnh mềm, nhưng cũng nhằm củng cố các yêu sách về lãnh thổ biển rộng lớn của Trung Quốc. Giáo sư Carlyle A. Thayer thì cho rằng “việc sử dụng các tàu tuần ngư là một chiến thuật tuyệt vời bởi chúng không phải là tàu chiến, chúng được sơn với màu trắng chứ không phải màu xám, nhưng chắc chắn, chúng được trang bị tận răng”.[15] Vấn đề ở đây là những hành động như vậy hoàn toàn đi ngược lại những cam kết của Trung Quốc được ghi trong Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông năm 2002.
Thứ ba, không chỉ hăm dọa, xua đuổi, và bắt bớ tàu bè của các quốc gia khác, Trung Quốc còn công khai xác định phạm vi ảnh hưởng chiến lược. Đô đốc Timothy Keating, chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo ngày 18/12/2008 tại Washington, đã đề cập đến ý định của Trung Quốc chia Thái Bình Dương làm đôi, theo đó, Hải quân Hoa Kỳ sẽ giới hạn sự hiện diện của mình về phía đông Hawaii và Hải quân Trung Quốc sẽ kiểm soát từ phía tây đảo Haiwaii.[16] Tháng 3/2009, một số tàu của Trung Quốc đã đụng độ với tàu khảo sát Impeccable của Hải quân Mỹ tại vùng biển cách đảo Hải Nam 75 dặm. Trong tháng 6/2009, một tàu ngầm của Trung Quốc đã va chạm với thiết bị định vị kéo theo sau tàu khu trục Hải quân Mỹ. Phản ứng của Mỹ tỏ ra khá ôn hòa khi tuyên bố vụ va chạm là do vô ý. Nhưng phía Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sau sự kiện tàu Impeccable rằng các tàu Mỹ cần phải xin phép trước khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Ngày 26/8/2010, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, chính quyền Trung Quốc thông báo họ đã sử dụng tàu lặn nhỏ có người lái cắm cờ tại đáy Biển Đông ở độ sâu 3.759m.[17] Dù phía Trung Quốc không nói rõ vị trí cắm cờ của tàu ở đâu và nó có vào vùng biển tranh chấp hay không, hành động mập mờ đó của Trung Quốc dường như ngụ ý biểu dương sự tiến bộ của Hải quân Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển. Các nước liên quan không thể không nghi ngại của về động thái đó của Trung Quốc.
Thứ tư, để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2008, một vệ tinh thương mại phát hiện Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Trong số ra ngày 15/04/2008, tạp chí Jane’s Intelligence Review của Anh đã phân tích các tấm ảnh vệ tinh nói trên trong bài viết mang tựa đề “Tiết lộ bí mật về Tam Á, căn cứ hải quân nguyên tử mới của TQ”. Theo chuyên gia phân tích Richard D. Fisher Junior, tác giả bài báo, thì Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tầu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân. Tháng 12/2007, Hải quân Trung Quốc đã đưa chiếc tàu ngầm nguyên tử 094 đầu tiên của họ về căn cứ này. Hàng không mẫu hạm hay các loại tàu khác có khả năng tung lực lượng tác chiến đi xa cũng có thể đặt bản doanh tại Tam Á.[18]
Theo giáo sư Carlyle A. Thayer, thì tương quan lực lượng quân sự ở vùng Biển Đông và Thái Bình Dương có khả năng thay đổi một khi công trình được Bắc Kinh hoàn tất. Với căn cứ này, Trung Quốc tăng cường sức mạnh để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu qua eo biển Ma-lắc-ca và, và phát triển các khả năng hậu cần cho lực lượng hải quân triển khai ở Biển Đông. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng mở rộng sân bay ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, củng cố căn cứ quân sự ở Bãi Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa với hệ thống radar cảnh báo sớm, duy trì sự hiện diện liên tục tại Bãi đá ngầm Vành Khăn ngoài khơi bờ biển phía Tây của Phi-lip-pin.[19] Cũng cần phải nói thêm, không chỉ có Trung Quốc, các quốc gia khác trong tranh chấp cũng có các hành động củng cố sự chiếm giữ của họ.
Điều đáng nói hơn, khi căn cứ hải quân Tam Á hoàn tất, cục diện chiến lược sẽ có những chuyển biến quan trọng vì cơ sở này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc vươn xuống Biển Đông và vươn ra Thái Bình Dương. Một phần căn cứ xây ngầm dưới lòng đất gây khó khăn cho việc theo dõi. Tầu ngầm nguyên tử Trung Quốc sẽ có điều kiện tuần tra và tấn công từ những vị trí khó phát hiện sâu dưới lòng biển ngoài khơi Hải Nam nếu Bắc Kinh phát triển được năng lực tác chiến cần thiết. Hiện thời, người ta chưa rõ là bao nhiêu trong số năm chiếc tầu ngầm nguyên tử của Trung Quốc sẽ đặt bản doanh tại Tam Á. Các hoạt động xây dựng hiện nay chứng tỏ rằng Tam Á sẽ trở thành một căn cứ quân sự trọng yếu với nhiều tác động trên cán cân lực lượng trong khu vực. Trung Quốc có thể lưu trữ tại đấy một phần đáng kể các loại tên lửa răn đe hạt nhân phóng đi từ tầu ngầm.[20]
Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, nơi đơn vị 96166 thuộc Lực lượng Hỏa tiễn thứ hai của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đóng quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 2000 km, bao trùm cả khu vực Đài Loan cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[21]
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục phản đối yêu sách của các quốc gia khác cùng với các nỗ lực nhằm đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp. Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc (UNCLOS) quy định ngày 13/5/2009 là hạn chót để các nước Vào ngày 6/5, Ma-lay-xia và Việt Nam nộp bản đề xuất chung và ngày hôm sau, Việt Nam nộp một tuyên bố riêng.[22] Ngay lập tức, Trung Quốc phản đối nhưng không nộp văn bản công khai. Theo quy định của Ủy ban Ranh giới thì những yêu cầu bị phản đối sẽ không thể được xem xét. Trung Quốc đã tư liệu hóa những yêu sách biển của mình bằng việc đính kèm một bản đồ vẽ “đường đứt khúc chín đoạn” (hay đường lưỡi bò) tạo thành một chữ U bao vây lấy toàn bộ Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai yêu sách này và điều đáng nói là không có một bản đồ nào được đính kèm với những tuyên bố quan trọng như Tuyên bố về lãnh hải (1958), Tuyên bố về lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải (1992), Tuyên bố về đường cơ sở để xác định lãnh hải, và Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[23]
Trung Quốc tiếp tục kiên định lập trường giải quyết tranh chấp với từng nước ASEAN và không muốn các nước chia sẻ thông tin về các cuộc đàm phán liên quan tới Biển Đông giữa từng nước với Trung Quốc.[24] Trung Quốc đã sử dụng khái niệm “quyền lợi cốt lõi” liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ khi đề cập đến Đài Loan và Tây Tạng. Trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước, quan chức Bắc Kinh tuyên bố với quan chức Mỹ rằng họ coi Biển Đông thuộc phạm vi “lợi ích cốt lõi” của họ, một động thái càng làm tăng những mối lo ngại về động cơ của Trung Quốc sau những diễn biến gần đây nhất.
Tại Hội nghị ARF Hà Nội tháng 7/2010, dường như bất ngờ trước việc Ngoại trưởng Mỹ Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích thiết thực ở Biển Đông[25], Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã có những lời lẽ mạnh mẽ nhằm phản đối sự can dự của các cường quốc bên ngoài và cho rằng đối thoại song phương là phương thức hiệu quả duy nhất để giải quyết tranh chấp. Sau họp diễn đàn ARF 17 tại Hà Nội, trong một thông cáo đăng trên mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói: “Nếu Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương, sẽ chỉ khiến cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn và giải pháp sẽ khó khăn hơn… Thực tiễn quốc tế cho thấy cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đó là các bên liên quan đàm phán song phương trực tiếp”. Bên cạnh đó, báo chí Trung Quốc có một chiến dịch phê phán mạnh mẽ Việt Nam và Mỹ “thông đồng” với mục tiêu quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Thậm chí, nhiều tờ báo còn cho rằng Việt Nam tìm cách liên minh với Mỹ để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.[26]Theo giới phân tích, thái độ sẵn sàng can dự của Hoa Kỳ, kèm theo với chủ trương quốc tế hóa và đa phương hóa hồ sơ Biển Đông đã đi ngược lại với chủ trương của Trung Quốc, muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương nhằm dễ bề gây sức ép lên các nước nhỏ và yếu hơn mình và tránh được sự nhòm ngó của quốc tế.[27]
Sau Hội nghị ARF tháng 7/2010, tình hình Biển Đông ổn định trở lại do Trung Quốc hạn chế các hoạt động cản phá các bên yêu sách khác tại Biển Đông. Trung Quốc chấp nhận cùng ASEAN thảo luận việc thực thi DOC và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, đến giữa năm 2011, căng thẳng trở lại. Trung Quốc tỏ ra quyết liệt, hung hăng hơn trong việc xử lý các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, không chỉ đối với các đảo, vùng biển ở Biển Đông mà đối với tranh chấp đảo Senkaku với Nhật Bản và tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ. Không chỉ có các nước ASEAN mà cả Nhật Bản, Ấn Độ đều bày tỏ lo ngại về các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Quan trọng hơn, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn, thách thức hơn và sẵn sàng áp dụng các biện pháp trả đũa chính trị, kinh tế trong việc xử lý các sự vụ va chạm xảy ra. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chuối từ Philippine khi tranh cãi về bãi cạn Scabourough Shoal (Trăng Khuyết) tháng 5/2012 và hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản để buộc nước này phải thả thuyền trưởng tàu Mân Tấn 5179 mà lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bắt giữ tháng 9/2012. Những diễn biến như vậy đặt ra câu hỏi về bản chất và động cơ của các hành vi quyết đoán của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ nói chung và các tranh chấp ở Biển Đông nói riêng.
Đằng sau cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc đối với các tranh chấp Biển Đông
Dễ nhìn thấy rằng tuyên bố và hành động của Trung Quốc đối với Biển Đông trong thời gian từ 2007 trở lại đây có yếu tố tiếp biến chính sách giai đoạn trước. Sự tiếp biến thể hiện ở trong hình thức sử dụng tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, triển khai các hoạt động thăm dò, chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, phản đối quốc tế hóa, trong khi đó chủ động khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng lại phản đối hành động thăm dò và khai thác của các quốc gia khác trong phạm vi đường đứt khúc chín đoạn, đơn phương áp đặt lệnh cấm bắt cá, ngăn cản và bắt giữ tàu thuyền và ngư dân của các quốc gia khác hoạt động tại vùng biển, tiến hành các hoạt động nhằm củng cố các công trình dân sự và quân sự của Trung Quốc tại các đảo đã chiếm đóng… Các quan chức và học giả Trung Quốc tiếp tục cổ súy, vận động các quốc gia tranh chấp khác ủng hộ chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở những vùng biển nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các bên tranh chấp khác. Bắc Kinh một mặt viện dẫn DOC để phản đối hành động của các nước khác ở Biển Đông, nhưng mặt khác không hề có một nỗ lực nào thúc đẩy quá trình thực hiện một cách có kiểm chứng văn kiện chính trị này.
Theo Joshua Kurlantzick, trong những năm đầu của thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã ít đả động đến tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông, trong khi đẩy mạnh thực hiện cuộc tấn công quyến rũ bằng “sức mạnh mềm”, phát triển mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, và kể cả an ninh gần gũi với các quốc gia Đông Nam Á. Thế nhưng từ 2007 đến nay, cách tiếp cận “mềm mỏng” đó dường như đã bị bỏ qua.[28]Bên cạnh việc vừa tiếp tục các tranh cãi về chủ quyền, vừa chủ động đàm phán song phương, Bắc Kinh đồng thời đẩy mạnh xây dựng lực lượng hải quân tác chiến, tranh thủ mọi cơ hội biểu dương sức mạnh, phớt lờ việc thực hiện DOC và đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát thực tế trên các vùng biển mà Trung Quốc yếu sách chủ quyền theo hướng chính thức, khẳng định và thách thức hơn. Hành động của Trung Quốc mang tính chủ động, tự tin hơn, một mặt khoanh vùng và phát huy ảnh hưởng ở Biển Đông, ngăn chặn ảnh hưởng, sự can dự của các nước lớn khác, mặt khác sử dụng “nắm đấm thép bọc nhung” để hăm dọa các bên khác trong tranh chấp. Trung Quốc nhiều lần tỏ ý sẵn sàng sử dụng quân đội giải quyết các đụng độ trên biển, tăng cường các hoạt động nghề cá trên Biển Đông (có kế hoạch cải hoán các tàu quân sự thành tàu ngư chính và đã điều ba tàu ngư chính để hỗ trợ, trong đó có tàu Ngư chính 3111 là tàu hiện đại và có tốc độ nhanh nhất của Trung Quốc hiện nay).
Điều đáng chú ý là trong thời gian này, các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khác cũng tiếp tục có các động thái củng cố cơ sở hạ tầng, tuyên truyền về yêu sách chủ quyền, đẩy mạnh tuần tra, trinh sát trên biển… Có thể kể đến việc Đài Loan đã hoàn thành công trình đường băng trên đảo Ba Bình, cựu Tổng thống Trần Thủy Biển ra thăm đảo và nêu “Đề xướng Nam Sa”. Trong 2008, Philippin từng bước hoàn tất các thủ tục nội bộ để thông qua Dự luật về đường cơ sở mới, và ngày 10/3/2009, Tổng thống nước này ký ban hành Luật đường cơ sở mới của CH Philippin (RA9522) trong đó quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Philippin. Malaysia khẳng định yêu sách chủ quyền đối với quần đỏa Trường Sa bằng chuyến thăm của PTT kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (ngày 12/8/2008) và của Thủ tướng nước này (ngày 05/03/2009) đến đảo đá Hoa Lau. Hay việc Việt Nam và Malaysia nộp Báo cáo chung về Ranh giới ngoài Thềm lục địa cho khu vực phía nam Biển Đông và Việt Nam nộp Báo cáo riêng cho khu vực biển phía Bắc tháng 5/2009. Đối với Trung Quốc, đây là hành động có toàn tính của Việt Nam và Malaysia nhằm quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam trong đó tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực trạng đó đặt ra câu hỏi: Thái độ cứng rắn và hành động quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông từ 2007 đến nay là kết quả của (i) việc điều chỉnh chủ động trong chính sách và chiến lược biển của Trung Quốc nhằm đặt Biển Đông vào vòng kiểm soát, hay đó chỉ là (ii) những phản ứng của Trung Quốc đối với động thái của các quốc gia khác trong tranh chấp, hay (iii) là “động thái ném đá dò đường”, phép thử đối với phản ứng của các quốc gia khác, hay chỉ là (iv) hành động vượt quá thẩm quyền, có tính nhất thời của các lực lượng hải quân hoặc tuần duyên của Trung Quốc? Đáng chú ý là, trong các cuộc trao đổi gần đây với học giả Việt Nam, các nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nói chung, và với các tranh chấp ở Biển Đông không hề thay đổi, rằng có sự hiểu nhầm hay thổi phồng từ phía báo chí Phương Tây.
Diễn biến ủng hộ cho lập luận thứ hai là việc Trung Quốc công khai “đường lưỡi bò” để phản đối báo cáo về ranh giới ngoài của thềm lục địa của Việt Nam và Ma-lay-xia (2009). Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa các hành động khác của các quốc gia khác và sự hung hăng bất thường của Trung Quốc từ cuối năm 2007 đến nay. Khả năng thứ tư vẫn còn để ngỏ bởi Trung Quốc chưa bao giờ công khai quy trình hoạch định chính sách và chính trị nội bộ của họ. Trong phát biểu của mình tại Hội thảo quốc tế lần II về Biên Đông, học giả Leszek Buszynski bày tỏ lo ngại về sự không minh bạch trong quá trình ra quyết sách trong chính trị nội bộ của Trung Quốc, thế áp đảo của phe quân sự trong nền chính trị ở Bắc Kinh, và ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.[29] Nghiên cứu của International Crisis Group về Biển Đông cho thấy có cạnh tranh về vai trò và ngân sách giữa 9 cơ quan chấp pháp hải dương của Trung Quốc[30]. Sự thiếu lãnh đạo nhất quán từ trung ương và thiếu phối hợp giữa “chín con rồng nhỏ” này khiến cho tình hình Biển Đông trở nên bất ổn.[31] Khả năng thứ ba có thể được loại bỏ vì hành động của Trung Quốc có vẻ ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn bất chấp sự phản đối, nghi ngại của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu xem xét hành động của Trung Quốc ở Biển Đông theo góc nhìn lịch sử và phân tích những hành động này trong bối cảnh cụ thể của chính trị nội bộ Trung Quốc và cục diện khu vực từ 2007 đến nay cho thấy khả năng thứ nhất (i) hợp lý hơn cả. Lý do đơn giản là các biện pháp mà Trung Quốc triển khai có cường độ mạnh và thái độ quyết liệt “bất bình thường”, có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều lực lượng, và được đưa tin, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều dấu hiệu cho thấy với sức mạnh kinh tế và quân sự tăng lên nhanh chóng, Trung Quốc đang phấn đấu vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu trong đó coi Biển Đông vừa là mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ hải quân chiến lược và nằm trong phạm vi ảnh hưởng sống còn của Trung Quốc, vừa là cửa ngõ chiến lược để đi ra thế giới. Thêm nữa, sự mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra đồng thời với thái độ và hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, mở rộng hoạt động của hải quân Trung Quốc ở biển E-den… Việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở mọi hướng, phát triển các khả năng chống thâm nhập để đẩy các lực lượng Mỹ ra xa hơn chuỗi đảo thứ nhất cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng khu vực ảnh hưởng chiến lược của mình.
Bằng chứng rõ rệt nhất là giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc “đánh tiếng” nâng cấp Biển Đông trở thành khu vực “lợi ích cốt lõi”[32] (hạch tâm quyền lợi) của Trung Quốc.[33] Theo tin tức báo chí quốc tế, Trung Quốc lần đầu tiên coi vấn đề Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” trong chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steinberge vào tháng 3/2010. Tuy từ đó đến nay, chưa thấy lãnh đạo Trung Quốc có phát biểu công khai nói Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và học giả Trung Quốc tham dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần hai cũng khẳng định điều này[34], nhưng khi báo chí trong và ngoài Trung Quốc rầm rộ đưa tin[35], các kênh nhà nước của Trung Quốc cũng không có phản đối hay đính chính chính thức. Liệu điều đó có hàm ý rằng giới lãnh đạo và tinh hoa chính trị của Trung Quốc ngầm ủng hộ một quan niệm như vậy?
Ngụ ý chính sách đó của việc quan chức Trung Quốc mập mờ phổ biến khái niệm lợi ích quốc gia cốt lõi đối với Biển Đông là Bắc Kinh sẽ không cho phép thảo luận hay đặt vấn đề đối với những chính sách của họ và có lẽ sẽ đẩy lùi sự hiện diện của quân đội của các cường quốc khác ở ngoài khơi mạnh hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo những công ty dầu lửa của Hoa Kỳ không được tham gia những thỏa thuận thăm dò hỗn hợp ở biển Đông với Việt Nam. Và cũng có tin là họ đã nói với các quốc gia Đông Nam Á không thảo luận những vấn đề liên quan đến biển Đông với nhau.[36]Việc Trung Quốc có ý duy trì khái niệm mơ hồ về lợi ích cốt lõi có thể khiến các nước trong tranh chấp lo sợ: (i) có phải Bắc Kinh vừa tạo không gian để áp dụng tiêu chuẩn kép, một mặt đòi các cường quốc khác tuân thủ cái gốc là vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, mặt khác lại duy trì đòi hỏi phi lý về đường lưỡi bò đối với các nước trong tranh chấp trực tiếp; (ii) liệu có phải Bắc Kinh tạo tâm lý răn đe dùng vũ lực, ép các nước liên quan chấp nhận giải pháp gác tranh chấp, cùng khai thác có lợi cho Trung Quốc.
Không thể phủ nhận Trung Quốc có những lợi ích hữu hình quan trọng ở Biển Đông như: (i) đường biển quan trọng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế: số lượng dầu nhập khẩu chiếm 50% nhu cầu trong nước, trong đó 70% số dầu nhập khẩu này phải vận chuyển qua Biển Đông; (ii) các nguồn tài nguyên biển, trong đó quan trọng nhất là dầu khí và hải sản để phục vụ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thái độ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ 2007 đến nay cho thấy, giới chính trị – quân sự Bắc Kinh nhìn nhận Biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược. Theo đó, Biển Đông là không gian lợi ích sống còn, là cửa ngõ để tiến xuống khu vực Đông Nam Á, và vươnxa hơn trở thành cường quốc đại dương. Một loạt hành động như trên trong thời gian gần đây có thể được hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đặt toàn bộ Biển Ðông dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, không chỉ để bảo vệ quyền lợi về dầu lửa và tài nguyên biển của họ, mà còn vì lý do chiến lược và quân sự, chẳng hạn như để ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp nào của lực lượng Mỹ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Đài Loan.[37]
Mong muốn kiểm soát Biển Đông, biến khu vực này trở thành “ao nhà” ngày càng trở nên rõ ràng qua nhiều tuyên bố, biện pháp và hành động mạnh bạo có tính áp đặt, khiêu khích và hung hăng nhằm khẳng định chủ quyền pháp lý đồng thời khả năng kiểm soát biển trên thực tế. Tuy nhiên, Biển Đông còn có ý nghĩa là khu vực ảnh hưởng sống còn, và là cửa ngõ chiến lược đầu tiên để Trung Quốc đi ra thế giới. Việc các lực lượng quân sự của Trung Quốc mạnh dạn chặn các tàu của Mỹ, thử phản ứng của Mỹ với đề nghị ý chia khu vực ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, đe dọa và bắt bớ các tàu thuyền của các nước tranh chấp, xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Tam Á là những minh chứng rõ ràng về quan niệm của giới chính trị và quân sự Bắc Kinh về tầm quan trọng của Biển Đông và tương lai của vùng biển này trong chiến lược cường quốc của Trung Quốc.
Sự điều chỉnh cách tiếp cận của Trung Quốc là nguyên nhân cơ bản khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp khác trở nên căng thẳng. Sau năm năm ra đời, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN không đủ để ngăn tranh chấp Biển Đông ngày càng nóng và trở thành nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình và ổn định ở khu vực và tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc vẫn chưa đủ sức mạnh chính trị và quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông và không muốn căng thẳng biến thành bất ổn, xung đột quân sự. Do đó, lãnh đạo Trung Quốc luôn trấn an các nước trong khu vực và kêu gọi cần phải có hòa bình, ổn định, và hợp tác. Tại buổi họp báo sáng 06/01/2010 ở Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường nói rằng, “chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán. Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất.”[38] Thông điệp “giữ đại cục” này cũng được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc trao đổi giữa học giả Trung Quốc và Việt Nam, với lập luận Trung Quốc còn phải đối phó với nhiều khó khăn trong nội bộ của nước này, đặc biệt là các vấn đề phát triển và xã hội.
Nghịch lý là, Trung Quốc trước hết sử dụng luận điểm “ giữ đại cục” để trấn an các nước vừa và nhỏ trong khu vực, trong khi tiếp tục duy trì sự mập mờ trong chính sách an ninh biển và sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để giành thế chủ động và quyền kiểm soát thực tế ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle A. Thayer cho rằng Trung Quốc đang cố tình theo đuổi một chính sách mập mờ có tính toán trong vấn đề này và sẽ trì hoãn việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau cho đến thời điểm mà Bắc Kinh cảm thấy thích hợp.[39]Thứ hai, đó là chiến thuật “salami”, thực hiện chính sách “lấn dần từng bước”, đảm bảo đạt được sự kiểm soát tình hình, mà không làm cho các nước yêu sách cùng dư luận quốc tế phản ứng thái quá. Bắc Kinh luôn kết hợp cứng và mềm, sẵn sàng đàm phán khi cần thiết, nhưng cũng sẵn sàng vứt bỏ “cam kết” khi cần. Thứ ba, Trung Quốc kiên trì đàm phán song phương, phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa. Theo cách đó, Trung Quốc có thể “chia để trị” và luôn duy trì được thế áp đảo đối với đối phương. Ít có khả năng Trung Quốc tham gia các cơ chế an ninh hợp tác, nơi đó Trung Quốc phải chấp nhận vị thế và lợi ích ngang bằng với các quốc gia khác.
Các nhân tố tác động đến điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông
Để hiểu được động cơ đằng sau những thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, cần phải đặt chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong mối liên hệ với những diễn biến mới trong bối cảnh quốc tế, chính trị nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là gắn nó với chiến lược an ninh- đối ngoại của Bắc Kinh hiện nay. Có thể nhận định, điều chỉnh chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong thay đổi chiến lược an ninh và đối ngoại của Bắc Kinh trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều nhân tố mới.
Thay đổi cơ bản nhất trong môi trường chiến lược quốc tế là việc sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng mạnh làm cho khoảng cách kinh tế, quân sự, và quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thu hẹp, cho cán cân quyền lực kinh tế và quân sự chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ vượt Đức và Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong lúc đó Mỹ suy yếu tương đối sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, gặp khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Một phần nguồn lực kinh tế được đầu tư để hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là hải quân. Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nhận định rằng ý đồ chiến lược đằng sau sự phát triển các khả năng quân sự mới của Trung Quốc dường như tập trung vào lực lượng hải quân Mỹ và căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này của thế giới.[40]
Thực lực kinh tế hùng mạnh, đặc biệt là kho dự trữ ngoại hối to lớn và vị thế hang đầu trong nền thương mại quốc tế, cho phép Trung Quốc có khả năng tác động mạnh đến kinh tế thế giới, không những thoát khỏi thế phụ thuộc vào Mỹ để phát triển [under US shadow] mà còn đưa siêu cường này vào một tình thế “phụ thuộc sống còn về kinh tế” [mutually economic destruction][41]. Đó là lý do tại sao, Trung Quốc ngày càng tỏ ra tự tin, ngạo mạn, không còn “giấu mình chờ thời”, mà chủ động phô diễn sức mạnh về quân sự và sẵn sàng nói không với Mỹ trên nhiều vấn đề. Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để thay đổi luật chơi, gạt bỏ vai trò chủ đạo của Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc là một đầu tầu kinh tế, là một bên chủ yếu nắm giữ chìa khóa đối với nhiều vấn đề chính trị tại khu vực và đang muốn chứng tỏ vai trò là cường quốc quân sự châu Á duy nhất tại Đông Á, thách thức vai trò siêu cường của Mỹ ở khu vực.
Lợi dụng việc Mỹ sa lầy trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, bối rối trong cách ứng phó với Bắc Triều Tiên và I-ran, bận rộn xử lý vấn đề Israel và Palestine, Trung Quốc tìm cách từng bước lấn lướt Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Từ 2002 đến 2007, Trung Quốc phát huy ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á qua các cơ chế ASEAN + 1, ASEAN + 3, Cấp cao Đông Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải … để đối trọng với hệ thống an ninh “trục và nan hoa” của Mỹ. Tháng 3/2003, Trung Quốc tham gia TAC và cùng với ASEAN thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á thông qua các kênh song phương. Tháng 4/2005, Trung Quốc và In-đô-nê-xia ký tuyên bố chung về xây dựng quan hệ đối tác chiến luợc. Tháng 4/2006, Trung Quốc và Căm-pu-chia thông qua Chương trình Đối tác Hợp tác Toàn diện. Tháng 5/2007, Trung Quốc và Thái Lan ký Chương trình Hành động cho Hợp tác Chiến lược. Ngoài ra còn có một loạt các thỏa thuận hợp tác an ninh song phương giữa Trung Quốc với Ma-lay-si-a, Việt Nam, Bru-nây, Sing-ga-po, Phi-lip-pin và Lào. Từ 2002 đến 2008, Trung Quốc và 10 nước ASEAN trao đổi 124 đoàn quan chức quốc phòng cao cấp cùng với các hoạt động tham vấn thường xuyên với 10 nước này.[42] Bằng cách đó, Trung Quốc đã nâng cao vai trò và vị thế của họ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương một cách tương đối so với vai trò và vị thế của Mỹ và Nhật Bản.
Ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện hai mục tiêu cơ bản xuyên suốt của mình là (i) duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế, cơ sở cho tính chính đáng của Đảng Cộng sản, và (ii) ngăn chặn các làn sóng bạo loạn, ly khai trong các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở các vùng biên cương. Quá trình đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị buộc các nhà lãnh đạo thực dụng của Trung Quốc phải tìm kiếm các cơ sở chính đáng mới ở chủ nghĩa dân tộc. Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện họ lãnh đạo dân tộc để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, từ Tây Tạng, Tân Cương đến Đài Loan và Biển Nam Hải. Bên cạnh đó, con bài chủ nghĩa dân tộc đã đuợc sử dụng tương đối thành công khi Trung Quốc phải đối mặt với các thế lực thù địch từ bên ngoài, ví dụ như trong việc Bắc Kinh phản đối Mỹ và Phương Tây trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào Tây Tạng, Tân Cương, và Đài Loan, bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc trong Thế vận hội Olympic 2008, và gần đây nhất là bảo vệ tàu và ngư dân Trung Quốc bị Nhật Bản bắt.[43] Đáng chú ý, một học giả Mỹ phát hiện ra một thực tế rằng các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa tin nhanh, và tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ về vấn đề tranh chấp biển đảo, trong khi đưa tin mờ nhạt về các tranh chấp biên giới trên bộ, và nhận định đó có thể là một sách lược để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc và lấy đó là cơ sở để duy trì tính chính đáng của chính quyền cộng sản.
Thứ hai, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dựa trên việc trợ giúp các doanh nghiệp của Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, để thỏa mãn một đại công xưởng tăng trưởng mạnh mẽ và không ngừng, Trung Quốc cần một lượng tài nguyên khổng lồ. Chính quyền cộng sản sử dụng triệt để các công cụ chính trị và kinh tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc vươn ra mạnh mẽ để giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược, từ Mỹ La Tinh đến Châu Phi đến Trung Đông và các khu vực xung quanh Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc gạt Mỹ và phương Tây ra khỏi Sudan và nhiều nước Châu Phi và Mỹ La Tinh khác để giành được các hợp đồng khai thác tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó, nguồn tài nguyên ở Biển Đông, cả dầu mỏ và nguồn cá (đã được báo chí Trung Quốc thổi phồng) là một “miếng mồi” không thể bỏ qua. Thứ ba, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cũng chịu sự ảnh hưởng của cạnh tranh giữa các lực lượng, phe phái chính trị trong nội bộ Trung Quốc. Thứ tư, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng tìm cách duy trì vai trò lãnh đạo của họ thông qua việc cổ vũ tinh thần dân tộc, khôi phục bá quyền độc tôn của Trung Quốc ở Đông Á.
Chính sách đối với Biển Đông của Trung Quốc cần được xem xét trong tổng thể chiến lược an ninh và phát triển của nước này nhằm vươn lên thành một cường quốc toàn cầu (global power). Chứng kiến sự vươn ra mạnh mẽ của Trung Quốc, một học giả nhận xét rằng “sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là một phần của kế hoạch bành trướng tổng thể, bao gồm “bành trướng cứng” như bành trướng trên biển, trên đất liền, và bành trướng mềm như tăng cường hiện diện ở tất cả các nơi có tiềm năng lợi ích về tài nguyên, dầu mỏ, địa chính trị, v.v., cho Trung Quốc”.[44] Mong muốn trở thành cường quốc toàn cầu của Trung Quốc đã bộc lộ từ thời Mao Trạch Đông, khi Bắc Kinh tự coi mình là lãnh tụ của các nước thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh với hai siêu cường và các nước công nghiệp phát triển. Định hướng chiến lược này, tuy nâng Trung Quốc lên hàng một cường quốc trung gian giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng lại không thể giúp Trung Quốc có được nguồn vốn và công nghệ cần thiết để phát triển kinh tế. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc chuyển sang mục tiêu chiến lược “bốn hiện đại hóa”, đồng thời áp dụng phương châm “giấu mình chờ thời”. Ước vọng toàn cầu được giấu đi, kìm nén, không được cụ thể hóa, chỉ nói chung chung là phấn đấu cho một trật tự thế giới công bằng, dân chủ và “đa cực hóa”. Sau một phần tư thế kỷ “cải cách khai phóng”, Trung Quốc đã từ một nước nghèo nàn lạc hậu vươn lên thành một nước công nghiệp hóa mới, trở thành một đầu tàu tăng trưởng của thế giới, với tổng sản phẩm xã hội đứng thứ 4 thế giới (2006) và một viễn cảnh sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới sau nửa thế kỷ tiếp theo. Những điều này một mặt khiến nhiều nước, nhất là Mỹ, lo ngại Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng của họ, mặt khác cũng khiến bản thân Trung Quốc khó lòng kiềm chế trong việc bày tỏ tham vọng. Một biểu hiện của việc thiếu kiềm chế là Trung Quốc cố sức tự đưa người vào vũ trụ trong khi thu nhập quốc dân đầu người vẫn còn ở mức nghèo (hơn 1000 đôla), một việc làm mà nhiều nước phát triển cao có khả năng cũng không đầu tư vì nặng tính khoa trương nhiều hơn là hiệu quả kinh tế. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đưa ra thuyết “trỗi dậy hòa bình” nhằm biện minh cho sự vươn lên vị thế một cường quốc thế giới. Khái niệm này sau một thời gian thử nghiệm đã được thay thế bằng cụm từ nhẹ hàng hơn là “phát triển hòa bình”. Dù Trung Quốc đã hết sức cẩn trọng trong ngôn từ, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy, dù không dễ dàng vạch ra, tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.[45]
Kể từ 2007, chiến lược “giấu mình chờ thời” hay “ngoại giao hài hòa” nhường chỗ cho chiến lược an ninh và đối ngoại mang tính khẳng định hơn, chủ động và quyết liệt hơn. Về an ninh, nội dung cốt lõi của chiến lược này là xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng biển trọng yếu, đảm bảo an ninh cho các hoạt động giao thương của Trung Quốc. Có nhận định cho rằng Trung Quốc đang xây dựng vành đai an ninh “chuỗi ngọc trai” kết nối các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Biển Đông Trung Hoa (Trung Quốc gọi tắt là Đông Hải) và Biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của Trung Quốc trải rộng từ Hải Nam tới Trung Đông, chuỗi ngọc trai sẽ giống như như một vành đai bao quanh rất nhiều đất liền châu Á. Những khu vực này chính là lợi ích an ninh quốc gia mà Trung Quốc tin là sống còn với cả sứ mệnh bảo vệ vùng biển cũng như chi phối châu Á – Thái Bình Dương.[46]
Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng chiến lược “hải dương xanh” và chuyển từ “phòng ngự biển gần”, sang phát triển theo hướng “hải quân viễn dương”. Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay để tăng cường phạm vi hoạt động, phát triển các loại tên lửa tấn công loại tàu này. Cùng lúc đó, hải quân Trung Quốc vươn ra xa hơn. Tháng 12/2008, hải quân Trung Quốc điều động ba chiến hạm tới vùng biển Somali, tham gia hoạt động hộ tống tàu thuyền qua lại vùng biển này; tiếp đó hai tàu thăm dò hải dương của Trung Quốc đã phá vỡ sự phong tỏa của Nhật Bản, tiến sâu vào vùng biển phụ cận đảo Điếu Ngư, thực hiện khảo sát, khiến Nhật Bản bị bất ngờ. Trung Quốc biểu dương sức mạnh hải quân – tháng 4/2009. Về kinh tế, Trung Quốc cần chạy đua để giành giật các nguồn tài nguyên chiến lược. Ảnh hưởng của Trung Quốc vươn đến Châu Phi, Châu Đại dương và Mỹ La Tinh để tìm các nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu để duy trì nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần đa dạng hóa các nguồn cung dầu lửa. Có lẽ vì lý do đó mà Bắc Kinh ngày càng quyết liệt và mạnh bạo hơn trong hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, kiểm soát và ngăn chặn hoạt động của các quốc gia khác ở vùng biển này.
Phản ứng của các nước và cục diện an ninh mới ở Biển Đông sau ARF 17
Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2010, nhiều ý kiến cho rằng chính sự hung hăng của Trung Quốc đã làm cho tranh chấp Biển Đông được quốc tế hóa và dẫn đến sự can dự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.[47] Trong vài thập kỷ qua, những lời chỉ trích Mỹ xem nhẹ Đông Nam Á khá phổ biến. Ngoại trừ các cường quốc chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington rất ít quan tâm đến phần còn lại của toàn vùng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh chính trị và kinh tế đã thuyết phục chính quyền Obama chuyển hướng và tăng cường lực lượng ở Đông Á-Thái Bình Dương bất chấp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu gây ra. Các quan chức Mỹ công khai chiến lược “xoay trục” (pivot) hay “tái cân bằng” (rebalancing), triển khai một cách đồng bộ các giải pháp chiến lược, chính trị và kinh tế để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố đến năm 2020, 60% số tàu chiến của Mỹ thường trực ở Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phát triển học thuyết “Chiến tranh Không-Biển (Sea-Air Battle) nhằm đối phó với các hệ thống chống thâm nhập (AD/A2) của Trung Quốc.[48] Về ngoại giao, Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống ở Đông Á đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN. Các quan chức Mỹ có mặt thường xuyên hơn ở khu vực. Về kinh tế, chính quyền Obama nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc đứng bên ngoài. Nhiều học giả bày tỏ lo ngại rằng cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ sẽ là một nhân tố quyết định cục diện chiến lược ở khu vực trong tương lai và xu hướng phát triển của tranh chấp.[49]
Thái độ mới đây của Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận các quy định và cách xử sự hiện hành trong khu vực được thể hiện vào lúc Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của họ khắp bốn phương trời. Từ lâu trước khi đạt đến tư thế hiện nay, uy tín và giá trị ngoại giao của Trung Quốc đã dựa trên đường lối chung sống hòa bình và trợ giúp Đông Nam Á. Đối với Trung Quốc, bất kỳ một tranh chấp, dù là một vụ cãi cọ nhỏ với khu vực vào khi ấy, đều có thể làm hoen ố hình ảnh của Bắc Kinh trong tư cách người bạn của thế giới đang phát triển.[50] Theo đuổi những gì mà Trung Quốc đã làm, cũng với tâm niệm lấy ASEAN làm trọng tâm, từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, Mỹ đã cải thiện được chỗ đứng của mình trong khối vốn lâu nay vẫn nghi ngờ ý định của Washington. Việc Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) 2009 và cử đại sứ đến ASEAN đã thay đổi lề lối can dự của Mỹ và mở ra cho nước này một con đường mới để can thiệp vào các vấn đề chính trị, an ninh của khu vực.
Mỹ ngày càng quan tâm đến Biển Đông và coi đây là một cơ hội để khôi phục ảnh hưởng và giành lại vai trò chủ đạo ở Đông Á. Ngày 15/72009, Tiểu ban về Đông Á và Quan hệ Thái Bình Dương của Ủy ban về Ngoại giao của Thượng viện Mỹ tổ chức cuộc điều trần về “các vấn đề lãnh hải và tranh chấp chủ quyền ở Đông Á. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội tuyên bố rằng Mỹ có “lợi ích chiến lược” trong việc chứng kiến các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thông qua “tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền”. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate đã bày tỏ quan điểm ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các nỗ lực đa phương, hòa bình và phù hợp với luật quốc tế.[51] Sự hung hăng của Trung Quốc đã góp phần đẩy Mỹ và Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn. Mỹ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng tại Hà Nội ngày 19/8 và được đánh giá là một điểm bước ngoặt trong các mối quan hệ giữa hai cựu thù. Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia nhận định: “Sự hiếu chiến về quân sự của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương và Biển Đông tạo ra một động lực để tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Cả hai nước có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc hay bất kỳ nước nào thống trị các tuyến đường biển thương mại cũng như thực thi tuyên bố chủ quyền bằng áp lực. Việt Nam coi sự hiện diện của Mỹ như hàng rào chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc”.[52]
Nhật Bản cũng nhìn Trung Quốc bằng con mắt nghi ngại hơn nhiều. Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 10/9/2010 nhắc đến những vụ trực thăng của Trung Quốc bay quá gần các chiến hạm Nhật, vụ các tàu ngầm và khu trục hạm Trung Quốc được nhìn thấy gần đảo Okinotori vào tháng 4 vừa qua. Đó là chưa kể vụ một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc xâm nhập hải phận Nhật Bản vào tháng 11/2004. Bản báo cáo này trách Bắc Kinh là đã không nói rõ về những dự án hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Vào tháng ba vừa qua, Trung Quốc cho biết sẽ tăng ngân sách quân sự năm nay thêm 7,5% lên thành 77,9 tỷ đôla, nhưng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng chi phí quân sự của Bắc Kinh đã vượt quá 150 tỷ đôla từ năm 2009, nếu tính cả các khoản chi tiêu không được ghi trong ngân sách chính thức. Theo Bộ Quốc phòng Nhật, sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc và những hoạt động quân sự của nước này là vấn đề đang gây quan ngại cho khu vực và cộng đồng quốc tế, kể cả Nhật Bản.[53] Sách trắng Quốc phòng Nhật năm 2013 tỏ rõ sự lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và tố cáo Trung Quốc đang tìm mọi cách để thay đổi nguyên trạng.[54]
Chính sách mập mờ và những hành động đơn phương và mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm các nước trong khu vực thêm nghi ngờ chiến lược “phát triển hòa bình” và “ngoại giao hài hòa” của Bắc Kinh.[55] Nhiều nước ASEAN nhìn nhận an ninh Đông Nam Á và an ninh quốc gia của họ bị đe dọa trước quá trình hiện đại quân sự nhanh chóng một cách thiếu minh bạch của Trung Quốc.[56] Tình huống tiến thoái lưỡng nan về an ninh xảy ra ở khu vực và kết quả là chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á tăng vọt. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom “chuyên chở vũ khí đến Đông Nam Á gần như tăng gấp đôi trong giai đoạn 2005-2009 so với giai đoạn 2000-2004. Số lượng vũ khí mà Ma-lay-xi-a mua tăng 722% trong giai đoạn 2005-2009 so với giai đoạn 2000-2004, Sing-ga-po tăng 146% và In-đô-nê-xi-a 84%.[57] Điều đáng nói là các nước ASEAN đều không muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, không muốn các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa họ và Trung Quốc. Cái mà họ cần là một Trung Quốc thực sự phát triển hòa bình, có thái độ hợp tác và có trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã chủ động giảm thiểu rủi ro (hedging) bằng cách tìm kiếm sự bảo đảm của các cường quốc bên ngoài khu vực.
Phản ứng với thái độ và hành động của Trung Quốc cũng thể hiện trên các diễn đàn ngoại giao. Kể từ tháng 7/2010, tình hình khu vực Biển Đông chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với những đặc trưng mới của một trong những điểm nóng trong quan hệ chính trị và an ninh quốc tế. Những yếu tố tạo nên sự thay đổi đã manh nha từ năm 2009, nhưng chính Diễn đàn An ninh khu vực ARF 17 tại Hà Nội đã là điểm mốc đánh dấu bước ngoặt này, với việc Mỹ khẳng định trở lại khu vực Đông Nam Á và có lợi ích quốc gia trong các vấn đề liên quan đến hàng hải và an ninh ở Đông Á. Có thể nói ARF 17 hé mở khuynh hướng khu vực hóa, quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông, hoặc ít nhất thì tranh chấp Biển Đông cũng đã bắt đầu trở thành một trong những chủ đề thời sự nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lân đầu tiên, an ninh ở khu vực Biển Đông đã được công khai tranh luận ở tại một diễn đàn đa phương với sự tham dự của 27 quốc gia.[58] Tiếp đó, ngày 8/7/2010, Phái đoàn thường trực của In-đô-nê-xia tại Liên hợp quốc đã có công hàm phản đối công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc về cái gọi là bản đồ yêu sách hình chữ U (hay đường đứt khúc 9 đoạn) trong Biển Đông “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.[59]
Sau ARF 17, rõ ràng an ninh ở Biển Đông là một hệ thống đa tầng nấc và đa vấn đề với đa đối tượng. Ở đây, có các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ xảy ra giữa hai nước trong khu vực, ví dụ như tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước liên quan. Bên cạnh đó, cũng có các vấn đề quốc tế liên quan đến các quốc gia bên ngoài khu vực như vấn đề an toàn và an ninh hàng hải qua các vùng biển quốc tế. Cùng với các tranh chấp về chủ quyền, còn có các vấn đề phát triển nghề cá và bảo vệ tài nguyên biển, chống các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ và cứu nạn … liên quan đến các nước ven bờ, Trung Quốc và các nước ASEAN. Giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tuyên bố này đã không được thực thi trong suốt thời gian qua. Hiện tại, quan chức của các nước đang bàn thảo vấn đề thực thi Tuyên bố và đàm phán khả năng ký kết một bộ luật ứng xử (COC) ở Biển Đông có tính ràng buộc cao hơn. Ngày càng nhiều nước trên thế giới quan tâm hợp tác và mong muốn hiện diện trong khu vực này, tạo ra các lợi ích đan xen và cạnh tranh ở Biển Đông. Đây chính là hệ quả trào lưu thế giới ngày càng trở nên phẳng và phải đối đầu với nhiều thách thức toàn cầu: khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, cấm sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, quyền con người và chống khủng bố, chống cướp biển. Tất cả các quốc gia càng ngày càng phụ thuộc vào nhau. Hội nhập và sự phát triển hòa bình của mỗi quốc gia phụ thuộc vào an ninh khu vực và thế giới và ngược lại, không quốc gia nào có thể tách khỏi luật chơi chung.[60]
Tóm lại,sự căng thẳng của vấn dề Biển Đông cần được xem xét trong tổng thể lợi ích và các mối quan tâm của các nước liên quan, trước hết là các nước trong khu vực, Trung Quốc, Mỹ và các nước có liên quan khác. Những mối quan tâm đặc biệt hơn cả gồm : sự quan ngại về tham vọng của Trung Quốc, những nguy cơ về an ninh, tranh chấp trên biển, những bất đồng xung quanh hồ sơ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên về vụ chìm tàu Cheonan và về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và các bất đồng về kinh tế- thương mại,v.v. Ở một góc độ nào đó, Trung Quốc cũng phải cân nhắc trước khả năng bị cô lập và chịu sức ép của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Có không ít ý kiến rằng Trung Quốc nên tỏ ra bớt độc đoán và nghạo mạn, có thái độ hòa giải hơn. Thời báo Hoàn cầu ngày 27/7 có đoạn: “Trung Quốc phải tránh mở rộng vô tận những lợi ích sống còn của mình. Một cường quốc cũng có thể nhượng bộ về lãnh thổ, mà như vậy không có nghĩa là phải chịu hy sinh”. Thế giới đang hướng về Biển Đông để kiểm nghiệm xem, liệu Trung Quốc có thực sự “phát triển hòa bình”?
—————
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.
[1] Luật này quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
[2] Luật này một lần nữa chính thức thể hiện quan điểm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà họ thường gọi là “vùng nước phụ cận”.
[3] Việt Nam lên tiếng về Trường Sa, BBC Tiếng Việt, ngày 07/12/2007.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/12/071203_viet_china_spratlys.shtml
[4] Phản đối Trung Quốc đưa ‘đường lưỡi bò” vào hộ chiếu, Vnexpress, 22/11/2012, xem tại: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-doi-trung-quoc-dua-duong-luoi-bo-vao-ho-chieu-2392751.html
[5] BP ngừng thăm dò ở Trường Sa, BBC Tiếng Việt, ngày 14/06/2007
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/06/070614_bp_china.shtml
[6] Greg Torode, ‘Tussle for Oil in the South China Sea’, South China Morning Post, 20 July 2008.
[7] Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát đảo Tri Tôn, Báo CA TP HCM, ngày 05/08/2010, xem tại: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=127115.
[8] Xem Ian Storey, “China and the Philippines: Implications of the Reed Bank Incident”, China Brief, vol. 11, no. 8, Jamestown Foundation, 6 May 2011
[9] “PetroViệt Nam phản đối CNOOC của Trung Quốc gọi thầu phi pháp”, Petrotimes, ngày 28/82013,xem tại https://www.ptsc.com.vn/vie/layout/set/print/TTSK/DK/PVN/PetroVietnam-ph-n-d-i-CNOOC-c-a-Trung-Qu-c-g-i-th-u-phi-phap
[10] Hanoi protests China fishing ban, BBC June 8, 2009, xem tại: http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/8089654.stm; “Controversial Chinese Ban affects more Vietnamese Fishing Vessels, Thanh Nien News 5/6/2009, “Fishmen Intimidated and Harrassed by Chinese Patrol Boats”, Thanh Nien News, 8/6/2009.
[11] Xem: Phản đối Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, Tuổi trẻ, 15/12/2009, tại http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/353329/Phan-doi-Trung-Quoc-bat-giu-ngu-dan-VN.html, Trung Quốc lại bắt giữ ngư dân Việt Nam, BBC Việt ngữ, 28/3/2010, tại: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100328_viet_fishermen.shtml, và Ngư dân Việt Nam lại bị Trung Quốc bắt giữ, Vnexpress, ngày 7/5/2010, xem tại: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/05/3BA1B97A/
[12] Greg Torode, China ban on fishing as tension runs high, South China Morning Post, 16/5/2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/china_ban_on_fishing_SCMP.htm
[13] “Âm mưu Tam Sa của Trung Quốc”, Thanh Niên, ngày 28/8/2013, tại địa chỉ (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120703/am-muu-tam-sa-cua-trung-quoc.aspx
[14] Xem Greg Torode, China ban on fishing as tension runs high.
[15] Tlđd.
[16] Linh Huơng, Hải quân Trung Quốc và dự tính “chia đôi Thái Bình Dương, Tuần Vietnamnet, 28/2/2009, xem tại: http://www.tuanvietnam.net/hai-quan-trung-quoc-va-du-tinh-chia-doi-thai-binh-duong
[17] Trung Quốc cắm cờ ở dưới đáy Biển Đông, Thanh Niên, ngày 28/8/2010, xem tại: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201035/20100828003929.aspx, ngày 11/10/2010.
[18]“Căn cứ hải quân Tam Á: Chủ bài trong chiến lược khống chế biển Đông,” RFI, 15/09/2008, xem tại: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/101/article_34.asp, xem ngày 1/9/2010.
[19] Carlyle A. Thayer, The United States and Chinese Assertiveness in the South China Sea, Security Challenge, Vol.6, No.2, 2010, tr.73.
[20] Căn cứ hải quân Tam Á: Chủ bài trong chiến lược khống chế biển Đông, RFI, 15/09/2008, xem tại: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/101/article_34.asp, xem ngày 1/9/2010.
[21] Minnie Chan and Greg Torode, PLA opens Guangdong missile base; South China Sea in range, South China Morning Post, August 7, 2010 Saturday, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/pla_opens_guangdong_missile_base.htm
[22] Xem: http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm và http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm, xem ngày 9/9/2010.
[23] Carlyle A.Thayer, Những diễn biến gần đây ở Biển Đông : Hệ lụy đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, Trong : Đặng Đình Quý (cb), Biển Đông : Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, NXB Thế Giới, Hà Nội, tr. 160.
[24] Foreign Minister warns South China Sea issue, http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-07/26/content_11046544.htm, xem ngày 10/9/2010.
[25] Ngày 23/7/2010, tại Diễn đàn An ninh Khu vực, bà Clinton đã tuyên bố rằng‘’Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông”. Lo ngại về tác hại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa 6 nước trong vùng là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines, Ngoại trưởng Mỹ xác định là việc giải quyết tranh chấp Biển Đông là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ”.
[26] Giới phân tích Bắc Kinh coi tập trận Mỹ – Việt là chống lại Trung Quốc, RFI, ngày 12/8/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100812-gioi-phan-tich-bac-kinh-coi-tap-tran-my-viet-la-chong-lai-trung-quoc, ngày 19/9/2010.
[27] Trung Quốc chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, RFI, ngày 25/7/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100725-trung-quoc-chong-viec-quoc-te-hoa-tranh-chap-bien-dong, ngày 19/9/2010.
[28] Joshua Kurlantzick, Avoiding a Tempest in the South China Sea, Expert Brief, Council on Foreign Relations, September 2, 2010, xem tại: http://www.cfr.org/china/avoiding-tempest-south-china-sea/p22858
[29] Leszek Buszynski, Rising Tensions in the South China and Implications for Regional Security, Tham luận tại Hội thảo quốc tế: “Biển Đồng: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở khu vực”, Tháng 11/2010, Hồ Chí Minh.
[30] Đó là Cục Quản lý Ngư nghiệp, Cơ quan Giám sát Biển, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, Bộ Ngoại giao, các công ty dầu khí, Cảnh sát biển, Cục Quản lý An toàn Biển, Cục Quản lý Hải dương Quốc gia
[31]
[32] Một thuật ngữ mà nước này thường dùng trong quá khứ để đề cập đến Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương.
[33] Cary Huang, A bolder China asserts ‘core’ interests – but will it act?, South China Morning Post, August 12, 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/china_asserts_core_interest.htm,
[34] GS. Tô Hạo khẳng định tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Tp Hồ Chí Minh (11/2010): Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” trong các tài liệu chính thức.
[35] Các báo China Daily, Global Times, và một số tạp chí của Trung Quốc đều có tin bài của học giả Trung Quốc nêu nội dung này. Báo China Daily ngày 30/7 đăng bài của Ai Yang nhấn mạnh “Nam Hải là một trong những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tạp chí Thế giới Tri thức (thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc) số ngày 16/8, đăng bài của học giả Trung Quốc khẳng định tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã nêu rõ với phía Mỹ, Nam Hải liên quan đến “lợi ích cốt lõi” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
[36] Joshua Kurlandtzick, Avoiding a Tempeset in the South China Sea, Expert Brief on Council on Foreign Relations Website, September 2, 2010, retrieved on October 10, 2010 at http://www.cfr.org/publication/22858/avoiding_a_tempest_in_the_south_china_sea.html
[37] Trọng Nghĩa, Nhìn từ Nhật Bản: Phải buộc Trung Quốc đàm phán đa phương về Biển Đông, RFI, ngày 11/10/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100827-nhin-tu-nhat-ban-phai-buoc-trung-quoc-dam-phan-da-phuong-ve-bien-dong
[38] Chờ điều kiện chín muồi để giải quyết tranh chấp Biển Đông, VNN phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, xem tại http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/ ngày 11/9/2010.
[39] Peter J. Brown, Calculated ambiguity in the South China Sea, Asian Times, December 8, 2009, retrieved at: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KL08Ae01.html on October 10, 2010.
[40] Đô đóc Admiral Michael Mullen, ‘Remarks and Q&A at the Navy League Sea-Air-Space Exposition, Gaylor National Resort and Conference Center, National Harbour, Maryland, May 4, 2009.
[41] Ian Bremmer, China vs American: Fight for the Century, Prospect, March 22, 2010, xem tại: http://www.prospectmagazine.co.uk/2010/03/china-vs-america-fight-of-the-century/
[42] Xem thêm: Carlyle A.Thayer, Southeast Asia: Pattern of Security Cooperation, Australian Strategic Policy Institute – ASPI, September 2010, trang 49-51.
[43] Xem thêm: Suishen Zhao, Chinese Nationalism and Approaches toward East Asian Regional Cooperation, International Institutions and Global Governance Program, Japan Studies Program, Paper at Council on Foreign Relations, December 2009.
[44] Giáp Văn Dương, Việt Nam 2008: Mười hai bài toán lớn, Bài viết cho Hội thảo Nhìn lại Việt Nam năm 2008, tr. 13, xem tại: http://hoithao.viet-studies.info/2009_GVDuong.pdf
[45] Vũ Hồng Lâm, “Thế giới đa cực: Cấu hình quyền lực thế giới đương đại”, Tham luận tại Hội thảo Dân chủ và Phát triển, Berkeley, California Mỹ, 28-29/7/2006.
[46] http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Trung-Quoc-voi-tu-tuong-chi-phoi-hang-hai-the-gioi-907938/
[47] Ý kiến của các học giả tại Hồi thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 2, Hồ Chí Minh 11/2010.
[48] Ely Ratner, Rebalancing to Asia with an Insecure China, The Washington Quarterly, Vol.36, No.2, tr.25-6.
[49] Mark Valencia, Bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tại Hồ Chí Minh, tháng 11/2010.
[50] http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100826-my-sat-canh-voi-asean-buoc-trung-quoc-thay-doi-luat-choi
[51] Robert Gate, Remark at the 9th IISS Asia Security Summit, The Shangri-La Dialogue, June 2010, http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2010/plenary-session-speeches/first-plenary-session/robert-gates/
[52] Mark Tran, Vietnam, unlikely US ally, The Guardian, 31/8/2010, xem tại: http://www.guardian.co.uk/commentisfree/cifamerica/2010/aug/31/vietnam-us-military-china, ngày 13/12/2010.
[53] http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100910-nhat-lo-ngai-ve-phat-trien-quan-su-cua-trung-quoc
[54] Ben Schreer, “Feeling Edgy: Japan’s New Defense White Paper, ASPI Paper, July 2013, xem tại: http://www.aspistrategist.org.au/feeling-edgy-japans-new-defence-white-paper/
[55] Evam A.Feigenbaum, “China’s rise and the Contested Commons”, CRF, August 13, 2010, xem tại: http://blogs.cfr.org/asia/2010/08/13/chinas-rise-and-the-contested-commons/
[56] Daljit Singh, “South China Sea tensions hurt Southeast Asian Security”, Strait Times, 16 August 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/south_china_sea_tensions_hurt_security.htm
[57] Carlyle A.Thayer, “Southeast Asia: Pattern of Security Cooperation”, tlđd, tr. 8-10.
[58] “South China Sea: First test for regional body”, The Straits Times (Singapore), August 10, 2010 Tuesday, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/south_china_sea_StraitsTimes_editorial.htm and “ASEAN shows sudden revole against Beijing”, South China Morning Post, August 6, 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/asean_shows_sudden_resolve.htm
[59] http://vietnamnet.vn/chinhtri/201007/Indonesia-phan-doi-duong-luoi-bo-cua-Trung-Quoc-924999/
[60]Việt Long, “Biển Đông: Sao phải quốc tế hóa một vấn đề quốc tế », Tuan Vietnamnet, ngày 08/09/2010.
Tháng 11/2002 tại Phnôm Pênh, các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, mở ra hy vọng mới về khả năng quản lý xung đột, thúc đẩy hợp tác, và về sự hình thành cơ sở chính trị pháp lý mới nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Tuyên bố này về cơ bản giúp xoa dịu căng thẳng giữa các quốc gia liên quan sau tranh chấp Vành Khăn, góp phần ổn định tình hình Biển Đông trong suốt bốn năm sau đó. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2007 đến nay, tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng và nóng bỏng hơn với một số va chạm xảy ra liên quan đến xác lập và bảo vệ chủ quyền, khai thác và bảo tồn tài nguyên biển, và tranh cãi gay gắt trên các diễn đàn ngoại giao khu vực. Đỉnh cao là việc vấn đề Biển Đông được đưa ra tại Hội nghị ARF 17 (Hà Nội), trong đó 11 trong tổng số 28 nước tham dự hội nghị thể hiện quan ngại về những diễn biến mới ở Biển Đông, đặc biệt là thái độ cứng rắn và hành động quyết liệt từ phía Trung Quốc. Việc tranh chấp Biển Đông được đưa ra thảo luận tại ARF là một sự kiện mang tính lịch sử của Diễn đàn này.
Bài viết này tìm cách giải mã những căng thẳng ở khu vực Biển Đông từ khía cạnh chính sách và động thái của Trung Quốc. Là quốc gia mạnh nhất trong số các bên tranh chấp, hành vi của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất quyết định “nhiệt độ” của tranh chấp này, và từ giai đoạn 2007-2008 các động thái của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn. Bài viết sẽ tìm cách trả lời các câu hỏi sau: Một là, Trung Quốc đã có những điều chỉnh gì trong xử lý tranh chấp Biển Đông trong thời gian qua và liệu đó có phải là nguyên nhân chính tạo ra những căng thẳng ở vùng biển này? Hai là, hành động của Trung Quốc bắt nguồn từ những thay đổi trong tư duy chiến lược và chính sách hay chỉ là những phản ứng nhất thời đối với hành động của các quốc gia khác và những chuyển biến trong môi trường chiến lược? Ba là, các quốc gia khác nhìn nhận và phản ứng thế nào với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian vừa qua?
Nhìn lại hành động của Trung Quốc tại Biển Đông từ 2007 đến nay
Từ đầu năm 2007 đến giữa 2010, Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp để củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách, và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền ở Biển Đông, phê phán hành vi của các quốc gia khác cùng với việc nhấn mạnh thái độ kiềm chế và hành vi tự vệ của Trung Quốc. Tiếp theo Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp (1992)[1], Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998)[2], Trung Quốc đi thêm một bước nhằm thiết lập cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo tranh chấp. Ngày 3/7/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa).[3] Hành động này dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối chống Trung Quốc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (tháng 6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa). Tháng 11/2012, Trung Quốc cho in đường lưỡi bò lên mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử mới cấp cho công dân nước này.[4] Động thái trên cho thấy Bắc Kinh từng bước nội luật hóa, tăng cường ý thức của người dân về yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý.
Trên thực địa, trong các nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát, Trung Quốc liên tục ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác bất chấp các hoạt động đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.Thứ nhất, Trung Quốc tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam. Từ giữa năm 2007, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối và gây sức ép về dự án xây dựng đường ống khí đốt do tập đoàn BP của Anh thực hiện. Tháng 6/2007, trước áp lực của Trung Quốc, BP đã phải quyết định ngừng một dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam (lô 5.2 nằm giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Việt Nam khoảng 370 km).[5] Tháng 7/2008, giới ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ liên tiếp phản đối Exxon Mobil và công khai đe dọa trả đũa công việc kinh doanh của công ty này ở Trung Quốc đại lục nếu công ty hợp tác với Petro Vietnam trong các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.[6] Trong khi đó, ngày 24/11/2008, theo hãng tin Bloomberg, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 90 – 116 hải lý. Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.[7]
Kể từ khi công bố đường lưỡi bò trong công hàm gửi Liên Hợp quốc 5/2009, Trung Quốc tăng cường các hoạt động trấn áp các quốc gia khác, qua đó nhằm khẳng định yêu sách đường lưỡi bò. Một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra như việc tàu Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam trong tháng 6 và tháng 11/2011. Cũng trong tháng 6/2011, tàu Trung Quốc buộc tàu thăm dò của Philipin phải rút ra khỏi Bãi Cỏ rong (Reed Bank).[8] Để trả đũa việc Việt Nam thong qua Luật Biển, ngày 23/6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công khai mời thầu 9 lô dầu khí có tổng diện tích là 160.129,38km2. Các lô này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi gần nhất cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 13 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 60 hải lý, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí. Petrovietnam phản đối việc CNOOC mời thầu, cho rằng hành động này đi ngược với UNCLOS 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế.[9]
Thứ hai, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông vào mùa đánh bắt cao điểm. Trong năm 2009 và 2010, Trung Quốc kéo dài lệnh cấm đánh bắt lên ba tháng, từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Tám, mùa đánh bắt cao điểm của ngư dân Việt Nam. Trong một sự vụ nghiêm trọng, tàu hải quân Trung Quốc ngày 9/7/2007 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350km. Trong nhiều trường hợp, tàu ngư chính và tuần duyên của Trung Quốc cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tầu cá của Việt Nam.[10] Trong một số sự vụ khác, các lực lượng của Trung Quốc đã bắt giữ các tàu cá và ngư dân vào tránh bão trong quần đảo Hoàng Sa, bắt họ ký vào các biên bản thừa nhận vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và buộc gia đình họ phải nộp tiền phạt.[11] Ngư dân Phi-lip-pin và Ma-lay-xi-a cũng chịu chung các tình cảnh tương tự.[12] Đặc biệt, tháng 11/2012, Bắc Kinh đã sửa đổi quyết định và cho phép tỉnh Hải Nam khám xét và trục xuất tàu thuyền trong vùng nước có yêu sách. Với bước đi trên, Bắc Kinh đang âm mưu biến thành phố này thành tiền đồn quân sự mang ý nghĩa chiến lược. Vì thế, Nhật báo Phương Nam đã đánh giá đảo Phú Lâm sẽ đóng vai trò “trung tâm chính trị, quân sự” trong tham vọng thâu tóm Hoàng Sa và Trường Sa mà Bắc Kinh đang theo đuổi.[13]
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, và các hoạt động tuần tra, bắt giữ, và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Gary Li, một chuyên gia về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc thực sự nhằm tạo ra quyền cai quản trên thực tế [de facto jurisdiction], và tiền lệ lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền.[14]
Quan chức Trung Quốc tuyên bố mục đích của lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ nguồn cá, ngăn chặn đánh bắt cá trái phép và bảo vệ ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, có ba điểm đáng chú ý trong lệnh cấm đánh bắt hàng năm của Trung Quốc. Một là, lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong đường đứt khúc chín đoạn mà các nước khác bác bỏ, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và các nước khác. Hai là, thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không thảm khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác. Ba là, Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi, hăm dọa ngư dân các nước. Lyle Goldstein, một nhà nghiên cứu của Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, chỉ ra đó là cách Trung Quốc sử dụng các tàu dân sự để phát huy sức mạnh mềm, nhưng cũng nhằm củng cố các yêu sách về lãnh thổ biển rộng lớn của Trung Quốc. Giáo sư Carlyle A. Thayer thì cho rằng “việc sử dụng các tàu tuần ngư là một chiến thuật tuyệt vời bởi chúng không phải là tàu chiến, chúng được sơn với màu trắng chứ không phải màu xám, nhưng chắc chắn, chúng được trang bị tận răng”.[15] Vấn đề ở đây là những hành động như vậy hoàn toàn đi ngược lại những cam kết của Trung Quốc được ghi trong Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông năm 2002.
Thứ ba, không chỉ hăm dọa, xua đuổi, và bắt bớ tàu bè của các quốc gia khác, Trung Quốc còn công khai xác định phạm vi ảnh hưởng chiến lược. Đô đốc Timothy Keating, chỉ huy trưởng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, trong cuộc họp báo ngày 18/12/2008 tại Washington, đã đề cập đến ý định của Trung Quốc chia Thái Bình Dương làm đôi, theo đó, Hải quân Hoa Kỳ sẽ giới hạn sự hiện diện của mình về phía đông Hawaii và Hải quân Trung Quốc sẽ kiểm soát từ phía tây đảo Haiwaii.[16] Tháng 3/2009, một số tàu của Trung Quốc đã đụng độ với tàu khảo sát Impeccable của Hải quân Mỹ tại vùng biển cách đảo Hải Nam 75 dặm. Trong tháng 6/2009, một tàu ngầm của Trung Quốc đã va chạm với thiết bị định vị kéo theo sau tàu khu trục Hải quân Mỹ. Phản ứng của Mỹ tỏ ra khá ôn hòa khi tuyên bố vụ va chạm là do vô ý. Nhưng phía Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sau sự kiện tàu Impeccable rằng các tàu Mỹ cần phải xin phép trước khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Ngày 26/8/2010, ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, chính quyền Trung Quốc thông báo họ đã sử dụng tàu lặn nhỏ có người lái cắm cờ tại đáy Biển Đông ở độ sâu 3.759m.[17] Dù phía Trung Quốc không nói rõ vị trí cắm cờ của tàu ở đâu và nó có vào vùng biển tranh chấp hay không, hành động mập mờ đó của Trung Quốc dường như ngụ ý biểu dương sự tiến bộ của Hải quân Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển. Các nước liên quan không thể không nghi ngại của về động thái đó của Trung Quốc.
Thứ tư, để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2008, một vệ tinh thương mại phát hiện Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở Tam Á trên đảo Hải Nam. Trong số ra ngày 15/04/2008, tạp chí Jane’s Intelligence Review của Anh đã phân tích các tấm ảnh vệ tinh nói trên trong bài viết mang tựa đề “Tiết lộ bí mật về Tam Á, căn cứ hải quân nguyên tử mới của TQ”. Theo chuyên gia phân tích Richard D. Fisher Junior, tác giả bài báo, thì Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tầu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của Trung Quốc, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân. Tháng 12/2007, Hải quân Trung Quốc đã đưa chiếc tàu ngầm nguyên tử 094 đầu tiên của họ về căn cứ này. Hàng không mẫu hạm hay các loại tàu khác có khả năng tung lực lượng tác chiến đi xa cũng có thể đặt bản doanh tại Tam Á.[18]
Theo giáo sư Carlyle A. Thayer, thì tương quan lực lượng quân sự ở vùng Biển Đông và Thái Bình Dương có khả năng thay đổi một khi công trình được Bắc Kinh hoàn tất. Với căn cứ này, Trung Quốc tăng cường sức mạnh để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông, bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu qua eo biển Ma-lắc-ca và, và phát triển các khả năng hậu cần cho lực lượng hải quân triển khai ở Biển Đông. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng mở rộng sân bay ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, củng cố căn cứ quân sự ở Bãi Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa với hệ thống radar cảnh báo sớm, duy trì sự hiện diện liên tục tại Bãi đá ngầm Vành Khăn ngoài khơi bờ biển phía Tây của Phi-lip-pin.[19] Cũng cần phải nói thêm, không chỉ có Trung Quốc, các quốc gia khác trong tranh chấp cũng có các hành động củng cố sự chiếm giữ của họ.
Điều đáng nói hơn, khi căn cứ hải quân Tam Á hoàn tất, cục diện chiến lược sẽ có những chuyển biến quan trọng vì cơ sở này sẽ cho phép quân đội Trung Quốc vươn xuống Biển Đông và vươn ra Thái Bình Dương. Một phần căn cứ xây ngầm dưới lòng đất gây khó khăn cho việc theo dõi. Tầu ngầm nguyên tử Trung Quốc sẽ có điều kiện tuần tra và tấn công từ những vị trí khó phát hiện sâu dưới lòng biển ngoài khơi Hải Nam nếu Bắc Kinh phát triển được năng lực tác chiến cần thiết. Hiện thời, người ta chưa rõ là bao nhiêu trong số năm chiếc tầu ngầm nguyên tử của Trung Quốc sẽ đặt bản doanh tại Tam Á. Các hoạt động xây dựng hiện nay chứng tỏ rằng Tam Á sẽ trở thành một căn cứ quân sự trọng yếu với nhiều tác động trên cán cân lực lượng trong khu vực. Trung Quốc có thể lưu trữ tại đấy một phần đáng kể các loại tên lửa răn đe hạt nhân phóng đi từ tầu ngầm.[20]
Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, nơi đơn vị 96166 thuộc Lực lượng Hỏa tiễn thứ hai của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đóng quân. Các chuyên gia quân sự cho rằng căn cứ này sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa tầm xa CJ-10. Cả hai loại này đều có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu trong phạm vi 2000 km, bao trùm cả khu vực Đài Loan cũng như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[21]
Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục phản đối yêu sách của các quốc gia khác cùng với các nỗ lực nhằm đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp. Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc (UNCLOS) quy định ngày 13/5/2009 là hạn chót để các nước Vào ngày 6/5, Ma-lay-xia và Việt Nam nộp bản đề xuất chung và ngày hôm sau, Việt Nam nộp một tuyên bố riêng.[22] Ngay lập tức, Trung Quốc phản đối nhưng không nộp văn bản công khai. Theo quy định của Ủy ban Ranh giới thì những yêu cầu bị phản đối sẽ không thể được xem xét. Trung Quốc đã tư liệu hóa những yêu sách biển của mình bằng việc đính kèm một bản đồ vẽ “đường đứt khúc chín đoạn” (hay đường lưỡi bò) tạo thành một chữ U bao vây lấy toàn bộ Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai yêu sách này và điều đáng nói là không có một bản đồ nào được đính kèm với những tuyên bố quan trọng như Tuyên bố về lãnh hải (1958), Tuyên bố về lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải (1992), Tuyên bố về đường cơ sở để xác định lãnh hải, và Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[23]
Trung Quốc tiếp tục kiên định lập trường giải quyết tranh chấp với từng nước ASEAN và không muốn các nước chia sẻ thông tin về các cuộc đàm phán liên quan tới Biển Đông giữa từng nước với Trung Quốc.[24] Trung Quốc đã sử dụng khái niệm “quyền lợi cốt lõi” liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ khi đề cập đến Đài Loan và Tây Tạng. Trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước, quan chức Bắc Kinh tuyên bố với quan chức Mỹ rằng họ coi Biển Đông thuộc phạm vi “lợi ích cốt lõi” của họ, một động thái càng làm tăng những mối lo ngại về động cơ của Trung Quốc sau những diễn biến gần đây nhất.
Tại Hội nghị ARF Hà Nội tháng 7/2010, dường như bất ngờ trước việc Ngoại trưởng Mỹ Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích thiết thực ở Biển Đông[25], Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã có những lời lẽ mạnh mẽ nhằm phản đối sự can dự của các cường quốc bên ngoài và cho rằng đối thoại song phương là phương thức hiệu quả duy nhất để giải quyết tranh chấp. Sau họp diễn đàn ARF 17 tại Hà Nội, trong một thông cáo đăng trên mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói: “Nếu Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế hoặc đa phương, sẽ chỉ khiến cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn và giải pháp sẽ khó khăn hơn… Thực tiễn quốc tế cho thấy cách tốt nhất để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đó là các bên liên quan đàm phán song phương trực tiếp”. Bên cạnh đó, báo chí Trung Quốc có một chiến dịch phê phán mạnh mẽ Việt Nam và Mỹ “thông đồng” với mục tiêu quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Thậm chí, nhiều tờ báo còn cho rằng Việt Nam tìm cách liên minh với Mỹ để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.[26]Theo giới phân tích, thái độ sẵn sàng can dự của Hoa Kỳ, kèm theo với chủ trương quốc tế hóa và đa phương hóa hồ sơ Biển Đông đã đi ngược lại với chủ trương của Trung Quốc, muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương nhằm dễ bề gây sức ép lên các nước nhỏ và yếu hơn mình và tránh được sự nhòm ngó của quốc tế.[27]
Sau Hội nghị ARF tháng 7/2010, tình hình Biển Đông ổn định trở lại do Trung Quốc hạn chế các hoạt động cản phá các bên yêu sách khác tại Biển Đông. Trung Quốc chấp nhận cùng ASEAN thảo luận việc thực thi DOC và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, đến giữa năm 2011, căng thẳng trở lại. Trung Quốc tỏ ra quyết liệt, hung hăng hơn trong việc xử lý các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, không chỉ đối với các đảo, vùng biển ở Biển Đông mà đối với tranh chấp đảo Senkaku với Nhật Bản và tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ. Không chỉ có các nước ASEAN mà cả Nhật Bản, Ấn Độ đều bày tỏ lo ngại về các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Quan trọng hơn, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn, thách thức hơn và sẵn sàng áp dụng các biện pháp trả đũa chính trị, kinh tế trong việc xử lý các sự vụ va chạm xảy ra. Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chuối từ Philippine khi tranh cãi về bãi cạn Scabourough Shoal (Trăng Khuyết) tháng 5/2012 và hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản để buộc nước này phải thả thuyền trưởng tàu Mân Tấn 5179 mà lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật bắt giữ tháng 9/2012. Những diễn biến như vậy đặt ra câu hỏi về bản chất và động cơ của các hành vi quyết đoán của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ nói chung và các tranh chấp ở Biển Đông nói riêng.
Đằng sau cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc đối với các tranh chấp Biển Đông
Dễ nhìn thấy rằng tuyên bố và hành động của Trung Quốc đối với Biển Đông trong thời gian từ 2007 trở lại đây có yếu tố tiếp biến chính sách giai đoạn trước. Sự tiếp biến thể hiện ở trong hình thức sử dụng tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, triển khai các hoạt động thăm dò, chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, phản đối quốc tế hóa, trong khi đó chủ động khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng lại phản đối hành động thăm dò và khai thác của các quốc gia khác trong phạm vi đường đứt khúc chín đoạn, đơn phương áp đặt lệnh cấm bắt cá, ngăn cản và bắt giữ tàu thuyền và ngư dân của các quốc gia khác hoạt động tại vùng biển, tiến hành các hoạt động nhằm củng cố các công trình dân sự và quân sự của Trung Quốc tại các đảo đã chiếm đóng… Các quan chức và học giả Trung Quốc tiếp tục cổ súy, vận động các quốc gia tranh chấp khác ủng hộ chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở những vùng biển nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các bên tranh chấp khác. Bắc Kinh một mặt viện dẫn DOC để phản đối hành động của các nước khác ở Biển Đông, nhưng mặt khác không hề có một nỗ lực nào thúc đẩy quá trình thực hiện một cách có kiểm chứng văn kiện chính trị này.
Theo Joshua Kurlantzick, trong những năm đầu của thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã ít đả động đến tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông, trong khi đẩy mạnh thực hiện cuộc tấn công quyến rũ bằng “sức mạnh mềm”, phát triển mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, và kể cả an ninh gần gũi với các quốc gia Đông Nam Á. Thế nhưng từ 2007 đến nay, cách tiếp cận “mềm mỏng” đó dường như đã bị bỏ qua.[28]Bên cạnh việc vừa tiếp tục các tranh cãi về chủ quyền, vừa chủ động đàm phán song phương, Bắc Kinh đồng thời đẩy mạnh xây dựng lực lượng hải quân tác chiến, tranh thủ mọi cơ hội biểu dương sức mạnh, phớt lờ việc thực hiện DOC và đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát thực tế trên các vùng biển mà Trung Quốc yếu sách chủ quyền theo hướng chính thức, khẳng định và thách thức hơn. Hành động của Trung Quốc mang tính chủ động, tự tin hơn, một mặt khoanh vùng và phát huy ảnh hưởng ở Biển Đông, ngăn chặn ảnh hưởng, sự can dự của các nước lớn khác, mặt khác sử dụng “nắm đấm thép bọc nhung” để hăm dọa các bên khác trong tranh chấp. Trung Quốc nhiều lần tỏ ý sẵn sàng sử dụng quân đội giải quyết các đụng độ trên biển, tăng cường các hoạt động nghề cá trên Biển Đông (có kế hoạch cải hoán các tàu quân sự thành tàu ngư chính và đã điều ba tàu ngư chính để hỗ trợ, trong đó có tàu Ngư chính 3111 là tàu hiện đại và có tốc độ nhanh nhất của Trung Quốc hiện nay).
Điều đáng chú ý là trong thời gian này, các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khác cũng tiếp tục có các động thái củng cố cơ sở hạ tầng, tuyên truyền về yêu sách chủ quyền, đẩy mạnh tuần tra, trinh sát trên biển… Có thể kể đến việc Đài Loan đã hoàn thành công trình đường băng trên đảo Ba Bình, cựu Tổng thống Trần Thủy Biển ra thăm đảo và nêu “Đề xướng Nam Sa”. Trong 2008, Philippin từng bước hoàn tất các thủ tục nội bộ để thông qua Dự luật về đường cơ sở mới, và ngày 10/3/2009, Tổng thống nước này ký ban hành Luật đường cơ sở mới của CH Philippin (RA9522) trong đó quy thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Philippin. Malaysia khẳng định yêu sách chủ quyền đối với quần đỏa Trường Sa bằng chuyến thăm của PTT kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (ngày 12/8/2008) và của Thủ tướng nước này (ngày 05/03/2009) đến đảo đá Hoa Lau. Hay việc Việt Nam và Malaysia nộp Báo cáo chung về Ranh giới ngoài Thềm lục địa cho khu vực phía nam Biển Đông và Việt Nam nộp Báo cáo riêng cho khu vực biển phía Bắc tháng 5/2009. Đối với Trung Quốc, đây là hành động có toàn tính của Việt Nam và Malaysia nhằm quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam trong đó tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực trạng đó đặt ra câu hỏi: Thái độ cứng rắn và hành động quyết liệt của Trung Quốc tại Biển Đông từ 2007 đến nay là kết quả của (i) việc điều chỉnh chủ động trong chính sách và chiến lược biển của Trung Quốc nhằm đặt Biển Đông vào vòng kiểm soát, hay đó chỉ là (ii) những phản ứng của Trung Quốc đối với động thái của các quốc gia khác trong tranh chấp, hay (iii) là “động thái ném đá dò đường”, phép thử đối với phản ứng của các quốc gia khác, hay chỉ là (iv) hành động vượt quá thẩm quyền, có tính nhất thời của các lực lượng hải quân hoặc tuần duyên của Trung Quốc? Đáng chú ý là, trong các cuộc trao đổi gần đây với học giả Việt Nam, các nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nói chung, và với các tranh chấp ở Biển Đông không hề thay đổi, rằng có sự hiểu nhầm hay thổi phồng từ phía báo chí Phương Tây.
Diễn biến ủng hộ cho lập luận thứ hai là việc Trung Quốc công khai “đường lưỡi bò” để phản đối báo cáo về ranh giới ngoài của thềm lục địa của Việt Nam và Ma-lay-xia (2009). Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa các hành động khác của các quốc gia khác và sự hung hăng bất thường của Trung Quốc từ cuối năm 2007 đến nay. Khả năng thứ tư vẫn còn để ngỏ bởi Trung Quốc chưa bao giờ công khai quy trình hoạch định chính sách và chính trị nội bộ của họ. Trong phát biểu của mình tại Hội thảo quốc tế lần II về Biên Đông, học giả Leszek Buszynski bày tỏ lo ngại về sự không minh bạch trong quá trình ra quyết sách trong chính trị nội bộ của Trung Quốc, thế áp đảo của phe quân sự trong nền chính trị ở Bắc Kinh, và ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.[29] Nghiên cứu của International Crisis Group về Biển Đông cho thấy có cạnh tranh về vai trò và ngân sách giữa 9 cơ quan chấp pháp hải dương của Trung Quốc[30]. Sự thiếu lãnh đạo nhất quán từ trung ương và thiếu phối hợp giữa “chín con rồng nhỏ” này khiến cho tình hình Biển Đông trở nên bất ổn.[31] Khả năng thứ ba có thể được loại bỏ vì hành động của Trung Quốc có vẻ ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn bất chấp sự phản đối, nghi ngại của cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu xem xét hành động của Trung Quốc ở Biển Đông theo góc nhìn lịch sử và phân tích những hành động này trong bối cảnh cụ thể của chính trị nội bộ Trung Quốc và cục diện khu vực từ 2007 đến nay cho thấy khả năng thứ nhất (i) hợp lý hơn cả. Lý do đơn giản là các biện pháp mà Trung Quốc triển khai có cường độ mạnh và thái độ quyết liệt “bất bình thường”, có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều lực lượng, và được đưa tin, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều dấu hiệu cho thấy với sức mạnh kinh tế và quân sự tăng lên nhanh chóng, Trung Quốc đang phấn đấu vươn lên trở thành một cường quốc toàn cầu trong đó coi Biển Đông vừa là mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ hải quân chiến lược và nằm trong phạm vi ảnh hưởng sống còn của Trung Quốc, vừa là cửa ngõ chiến lược để đi ra thế giới. Thêm nữa, sự mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra đồng thời với thái độ và hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, mở rộng hoạt động của hải quân Trung Quốc ở biển E-den… Việc Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở mọi hướng, phát triển các khả năng chống thâm nhập để đẩy các lực lượng Mỹ ra xa hơn chuỗi đảo thứ nhất cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng khu vực ảnh hưởng chiến lược của mình.
Bằng chứng rõ rệt nhất là giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc “đánh tiếng” nâng cấp Biển Đông trở thành khu vực “lợi ích cốt lõi”[32] (hạch tâm quyền lợi) của Trung Quốc.[33] Theo tin tức báo chí quốc tế, Trung Quốc lần đầu tiên coi vấn đề Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” trong chuyến thăm Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steinberge vào tháng 3/2010. Tuy từ đó đến nay, chưa thấy lãnh đạo Trung Quốc có phát biểu công khai nói Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” và học giả Trung Quốc tham dự Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần hai cũng khẳng định điều này[34], nhưng khi báo chí trong và ngoài Trung Quốc rầm rộ đưa tin[35], các kênh nhà nước của Trung Quốc cũng không có phản đối hay đính chính chính thức. Liệu điều đó có hàm ý rằng giới lãnh đạo và tinh hoa chính trị của Trung Quốc ngầm ủng hộ một quan niệm như vậy?
Ngụ ý chính sách đó của việc quan chức Trung Quốc mập mờ phổ biến khái niệm lợi ích quốc gia cốt lõi đối với Biển Đông là Bắc Kinh sẽ không cho phép thảo luận hay đặt vấn đề đối với những chính sách của họ và có lẽ sẽ đẩy lùi sự hiện diện của quân đội của các cường quốc khác ở ngoài khơi mạnh hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã cảnh báo những công ty dầu lửa của Hoa Kỳ không được tham gia những thỏa thuận thăm dò hỗn hợp ở biển Đông với Việt Nam. Và cũng có tin là họ đã nói với các quốc gia Đông Nam Á không thảo luận những vấn đề liên quan đến biển Đông với nhau.[36]Việc Trung Quốc có ý duy trì khái niệm mơ hồ về lợi ích cốt lõi có thể khiến các nước trong tranh chấp lo sợ: (i) có phải Bắc Kinh vừa tạo không gian để áp dụng tiêu chuẩn kép, một mặt đòi các cường quốc khác tuân thủ cái gốc là vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, mặt khác lại duy trì đòi hỏi phi lý về đường lưỡi bò đối với các nước trong tranh chấp trực tiếp; (ii) liệu có phải Bắc Kinh tạo tâm lý răn đe dùng vũ lực, ép các nước liên quan chấp nhận giải pháp gác tranh chấp, cùng khai thác có lợi cho Trung Quốc.
Không thể phủ nhận Trung Quốc có những lợi ích hữu hình quan trọng ở Biển Đông như: (i) đường biển quan trọng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế: số lượng dầu nhập khẩu chiếm 50% nhu cầu trong nước, trong đó 70% số dầu nhập khẩu này phải vận chuyển qua Biển Đông; (ii) các nguồn tài nguyên biển, trong đó quan trọng nhất là dầu khí và hải sản để phục vụ cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thái độ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông từ 2007 đến nay cho thấy, giới chính trị – quân sự Bắc Kinh nhìn nhận Biển Đông chủ yếu ở góc độ địa chính trị và địa chiến lược. Theo đó, Biển Đông là không gian lợi ích sống còn, là cửa ngõ để tiến xuống khu vực Đông Nam Á, và vươnxa hơn trở thành cường quốc đại dương. Một loạt hành động như trên trong thời gian gần đây có thể được hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đặt toàn bộ Biển Ðông dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, không chỉ để bảo vệ quyền lợi về dầu lửa và tài nguyên biển của họ, mà còn vì lý do chiến lược và quân sự, chẳng hạn như để ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp nào của lực lượng Mỹ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Đài Loan.[37]
Mong muốn kiểm soát Biển Đông, biến khu vực này trở thành “ao nhà” ngày càng trở nên rõ ràng qua nhiều tuyên bố, biện pháp và hành động mạnh bạo có tính áp đặt, khiêu khích và hung hăng nhằm khẳng định chủ quyền pháp lý đồng thời khả năng kiểm soát biển trên thực tế. Tuy nhiên, Biển Đông còn có ý nghĩa là khu vực ảnh hưởng sống còn, và là cửa ngõ chiến lược đầu tiên để Trung Quốc đi ra thế giới. Việc các lực lượng quân sự của Trung Quốc mạnh dạn chặn các tàu của Mỹ, thử phản ứng của Mỹ với đề nghị ý chia khu vực ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, đe dọa và bắt bớ các tàu thuyền của các nước tranh chấp, xây dựng căn cứ tàu ngầm chiến lược ở Tam Á là những minh chứng rõ ràng về quan niệm của giới chính trị và quân sự Bắc Kinh về tầm quan trọng của Biển Đông và tương lai của vùng biển này trong chiến lược cường quốc của Trung Quốc.
Sự điều chỉnh cách tiếp cận của Trung Quốc là nguyên nhân cơ bản khiến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp khác trở nên căng thẳng. Sau năm năm ra đời, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN không đủ để ngăn tranh chấp Biển Đông ngày càng nóng và trở thành nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình và ổn định ở khu vực và tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc vẫn chưa đủ sức mạnh chính trị và quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông và không muốn căng thẳng biến thành bất ổn, xung đột quân sự. Do đó, lãnh đạo Trung Quốc luôn trấn an các nước trong khu vực và kêu gọi cần phải có hòa bình, ổn định, và hợp tác. Tại buổi họp báo sáng 06/01/2010 ở Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường nói rằng, “chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán. Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất.”[38] Thông điệp “giữ đại cục” này cũng được nhắc đi nhắc lại trong nhiều cuộc trao đổi giữa học giả Trung Quốc và Việt Nam, với lập luận Trung Quốc còn phải đối phó với nhiều khó khăn trong nội bộ của nước này, đặc biệt là các vấn đề phát triển và xã hội.
Nghịch lý là, Trung Quốc trước hết sử dụng luận điểm “ giữ đại cục” để trấn an các nước vừa và nhỏ trong khu vực, trong khi tiếp tục duy trì sự mập mờ trong chính sách an ninh biển và sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để giành thế chủ động và quyền kiểm soát thực tế ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle A. Thayer cho rằng Trung Quốc đang cố tình theo đuổi một chính sách mập mờ có tính toán trong vấn đề này và sẽ trì hoãn việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau cho đến thời điểm mà Bắc Kinh cảm thấy thích hợp.[39]Thứ hai, đó là chiến thuật “salami”, thực hiện chính sách “lấn dần từng bước”, đảm bảo đạt được sự kiểm soát tình hình, mà không làm cho các nước yêu sách cùng dư luận quốc tế phản ứng thái quá. Bắc Kinh luôn kết hợp cứng và mềm, sẵn sàng đàm phán khi cần thiết, nhưng cũng sẵn sàng vứt bỏ “cam kết” khi cần. Thứ ba, Trung Quốc kiên trì đàm phán song phương, phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa. Theo cách đó, Trung Quốc có thể “chia để trị” và luôn duy trì được thế áp đảo đối với đối phương. Ít có khả năng Trung Quốc tham gia các cơ chế an ninh hợp tác, nơi đó Trung Quốc phải chấp nhận vị thế và lợi ích ngang bằng với các quốc gia khác.
Các nhân tố tác động đến điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông
Để hiểu được động cơ đằng sau những thay đổi trong cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, cần phải đặt chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong mối liên hệ với những diễn biến mới trong bối cảnh quốc tế, chính trị nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là gắn nó với chiến lược an ninh- đối ngoại của Bắc Kinh hiện nay. Có thể nhận định, điều chỉnh chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong thay đổi chiến lược an ninh và đối ngoại của Bắc Kinh trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều nhân tố mới.
Thay đổi cơ bản nhất trong môi trường chiến lược quốc tế là việc sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc tăng mạnh làm cho khoảng cách kinh tế, quân sự, và quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng thu hẹp, cho cán cân quyền lực kinh tế và quân sự chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ vượt Đức và Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong lúc đó Mỹ suy yếu tương đối sau cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, gặp khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Một phần nguồn lực kinh tế được đầu tư để hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là hải quân. Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nhận định rằng ý đồ chiến lược đằng sau sự phát triển các khả năng quân sự mới của Trung Quốc dường như tập trung vào lực lượng hải quân Mỹ và căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này của thế giới.[40]
Thực lực kinh tế hùng mạnh, đặc biệt là kho dự trữ ngoại hối to lớn và vị thế hang đầu trong nền thương mại quốc tế, cho phép Trung Quốc có khả năng tác động mạnh đến kinh tế thế giới, không những thoát khỏi thế phụ thuộc vào Mỹ để phát triển [under US shadow] mà còn đưa siêu cường này vào một tình thế “phụ thuộc sống còn về kinh tế” [mutually economic destruction][41]. Đó là lý do tại sao, Trung Quốc ngày càng tỏ ra tự tin, ngạo mạn, không còn “giấu mình chờ thời”, mà chủ động phô diễn sức mạnh về quân sự và sẵn sàng nói không với Mỹ trên nhiều vấn đề. Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để thay đổi luật chơi, gạt bỏ vai trò chủ đạo của Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc là một đầu tầu kinh tế, là một bên chủ yếu nắm giữ chìa khóa đối với nhiều vấn đề chính trị tại khu vực và đang muốn chứng tỏ vai trò là cường quốc quân sự châu Á duy nhất tại Đông Á, thách thức vai trò siêu cường của Mỹ ở khu vực.
Lợi dụng việc Mỹ sa lầy trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, bối rối trong cách ứng phó với Bắc Triều Tiên và I-ran, bận rộn xử lý vấn đề Israel và Palestine, Trung Quốc tìm cách từng bước lấn lướt Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Từ 2002 đến 2007, Trung Quốc phát huy ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á qua các cơ chế ASEAN + 1, ASEAN + 3, Cấp cao Đông Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải … để đối trọng với hệ thống an ninh “trục và nan hoa” của Mỹ. Tháng 3/2003, Trung Quốc tham gia TAC và cùng với ASEAN thông qua Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á thông qua các kênh song phương. Tháng 4/2005, Trung Quốc và In-đô-nê-xia ký tuyên bố chung về xây dựng quan hệ đối tác chiến luợc. Tháng 4/2006, Trung Quốc và Căm-pu-chia thông qua Chương trình Đối tác Hợp tác Toàn diện. Tháng 5/2007, Trung Quốc và Thái Lan ký Chương trình Hành động cho Hợp tác Chiến lược. Ngoài ra còn có một loạt các thỏa thuận hợp tác an ninh song phương giữa Trung Quốc với Ma-lay-si-a, Việt Nam, Bru-nây, Sing-ga-po, Phi-lip-pin và Lào. Từ 2002 đến 2008, Trung Quốc và 10 nước ASEAN trao đổi 124 đoàn quan chức quốc phòng cao cấp cùng với các hoạt động tham vấn thường xuyên với 10 nước này.[42] Bằng cách đó, Trung Quốc đã nâng cao vai trò và vị thế của họ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương một cách tương đối so với vai trò và vị thế của Mỹ và Nhật Bản.
Ở trong nước, chính quyền Bắc Kinh ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện hai mục tiêu cơ bản xuyên suốt của mình là (i) duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế, cơ sở cho tính chính đáng của Đảng Cộng sản, và (ii) ngăn chặn các làn sóng bạo loạn, ly khai trong các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở các vùng biên cương. Quá trình đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị buộc các nhà lãnh đạo thực dụng của Trung Quốc phải tìm kiếm các cơ sở chính đáng mới ở chủ nghĩa dân tộc. Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện họ lãnh đạo dân tộc để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, từ Tây Tạng, Tân Cương đến Đài Loan và Biển Nam Hải. Bên cạnh đó, con bài chủ nghĩa dân tộc đã đuợc sử dụng tương đối thành công khi Trung Quốc phải đối mặt với các thế lực thù địch từ bên ngoài, ví dụ như trong việc Bắc Kinh phản đối Mỹ và Phương Tây trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào Tây Tạng, Tân Cương, và Đài Loan, bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc trong Thế vận hội Olympic 2008, và gần đây nhất là bảo vệ tàu và ngư dân Trung Quốc bị Nhật Bản bắt.[43] Đáng chú ý, một học giả Mỹ phát hiện ra một thực tế rằng các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa tin nhanh, và tuyên truyền rộng rãi, mạnh mẽ về vấn đề tranh chấp biển đảo, trong khi đưa tin mờ nhạt về các tranh chấp biên giới trên bộ, và nhận định đó có thể là một sách lược để nuôi dưỡng tinh thần dân tộc và lấy đó là cơ sở để duy trì tính chính đáng của chính quyền cộng sản.
Thứ hai, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng dựa trên việc trợ giúp các doanh nghiệp của Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, để thỏa mãn một đại công xưởng tăng trưởng mạnh mẽ và không ngừng, Trung Quốc cần một lượng tài nguyên khổng lồ. Chính quyền cộng sản sử dụng triệt để các công cụ chính trị và kinh tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Trung Quốc vươn ra mạnh mẽ để giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược, từ Mỹ La Tinh đến Châu Phi đến Trung Đông và các khu vực xung quanh Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc gạt Mỹ và phương Tây ra khỏi Sudan và nhiều nước Châu Phi và Mỹ La Tinh khác để giành được các hợp đồng khai thác tài nguyên thô. Trong bối cảnh đó, nguồn tài nguyên ở Biển Đông, cả dầu mỏ và nguồn cá (đã được báo chí Trung Quốc thổi phồng) là một “miếng mồi” không thể bỏ qua. Thứ ba, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cũng chịu sự ảnh hưởng của cạnh tranh giữa các lực lượng, phe phái chính trị trong nội bộ Trung Quốc. Thứ tư, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng tìm cách duy trì vai trò lãnh đạo của họ thông qua việc cổ vũ tinh thần dân tộc, khôi phục bá quyền độc tôn của Trung Quốc ở Đông Á.
Chính sách đối với Biển Đông của Trung Quốc cần được xem xét trong tổng thể chiến lược an ninh và phát triển của nước này nhằm vươn lên thành một cường quốc toàn cầu (global power). Chứng kiến sự vươn ra mạnh mẽ của Trung Quốc, một học giả nhận xét rằng “sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là một phần của kế hoạch bành trướng tổng thể, bao gồm “bành trướng cứng” như bành trướng trên biển, trên đất liền, và bành trướng mềm như tăng cường hiện diện ở tất cả các nơi có tiềm năng lợi ích về tài nguyên, dầu mỏ, địa chính trị, v.v., cho Trung Quốc”.[44] Mong muốn trở thành cường quốc toàn cầu của Trung Quốc đã bộc lộ từ thời Mao Trạch Đông, khi Bắc Kinh tự coi mình là lãnh tụ của các nước thế giới thứ ba trong cuộc đấu tranh với hai siêu cường và các nước công nghiệp phát triển. Định hướng chiến lược này, tuy nâng Trung Quốc lên hàng một cường quốc trung gian giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng lại không thể giúp Trung Quốc có được nguồn vốn và công nghệ cần thiết để phát triển kinh tế. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc chuyển sang mục tiêu chiến lược “bốn hiện đại hóa”, đồng thời áp dụng phương châm “giấu mình chờ thời”. Ước vọng toàn cầu được giấu đi, kìm nén, không được cụ thể hóa, chỉ nói chung chung là phấn đấu cho một trật tự thế giới công bằng, dân chủ và “đa cực hóa”. Sau một phần tư thế kỷ “cải cách khai phóng”, Trung Quốc đã từ một nước nghèo nàn lạc hậu vươn lên thành một nước công nghiệp hóa mới, trở thành một đầu tàu tăng trưởng của thế giới, với tổng sản phẩm xã hội đứng thứ 4 thế giới (2006) và một viễn cảnh sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới sau nửa thế kỷ tiếp theo. Những điều này một mặt khiến nhiều nước, nhất là Mỹ, lo ngại Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng của họ, mặt khác cũng khiến bản thân Trung Quốc khó lòng kiềm chế trong việc bày tỏ tham vọng. Một biểu hiện của việc thiếu kiềm chế là Trung Quốc cố sức tự đưa người vào vũ trụ trong khi thu nhập quốc dân đầu người vẫn còn ở mức nghèo (hơn 1000 đôla), một việc làm mà nhiều nước phát triển cao có khả năng cũng không đầu tư vì nặng tính khoa trương nhiều hơn là hiệu quả kinh tế. Cũng trong giai đoạn này, Trung Quốc đưa ra thuyết “trỗi dậy hòa bình” nhằm biện minh cho sự vươn lên vị thế một cường quốc thế giới. Khái niệm này sau một thời gian thử nghiệm đã được thay thế bằng cụm từ nhẹ hàng hơn là “phát triển hòa bình”. Dù Trung Quốc đã hết sức cẩn trọng trong ngôn từ, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy, dù không dễ dàng vạch ra, tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.[45]
Kể từ 2007, chiến lược “giấu mình chờ thời” hay “ngoại giao hài hòa” nhường chỗ cho chiến lược an ninh và đối ngoại mang tính khẳng định hơn, chủ động và quyết liệt hơn. Về an ninh, nội dung cốt lõi của chiến lược này là xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường quyền kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng biển trọng yếu, đảm bảo an ninh cho các hoạt động giao thương của Trung Quốc. Có nhận định cho rằng Trung Quốc đang xây dựng vành đai an ninh “chuỗi ngọc trai” kết nối các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Biển Đông Trung Hoa (Trung Quốc gọi tắt là Đông Hải) và Biển Nhật Bản cùng với các đảo và những cơ sở cầu cảng khác của Trung Quốc trải rộng từ Hải Nam tới Trung Đông, chuỗi ngọc trai sẽ giống như như một vành đai bao quanh rất nhiều đất liền châu Á. Những khu vực này chính là lợi ích an ninh quốc gia mà Trung Quốc tin là sống còn với cả sứ mệnh bảo vệ vùng biển cũng như chi phối châu Á – Thái Bình Dương.[46]
Bên cạnh đó, Trung Quốc xây dựng chiến lược “hải dương xanh” và chuyển từ “phòng ngự biển gần”, sang phát triển theo hướng “hải quân viễn dương”. Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng tàu sân bay để tăng cường phạm vi hoạt động, phát triển các loại tên lửa tấn công loại tàu này. Cùng lúc đó, hải quân Trung Quốc vươn ra xa hơn. Tháng 12/2008, hải quân Trung Quốc điều động ba chiến hạm tới vùng biển Somali, tham gia hoạt động hộ tống tàu thuyền qua lại vùng biển này; tiếp đó hai tàu thăm dò hải dương của Trung Quốc đã phá vỡ sự phong tỏa của Nhật Bản, tiến sâu vào vùng biển phụ cận đảo Điếu Ngư, thực hiện khảo sát, khiến Nhật Bản bị bất ngờ. Trung Quốc biểu dương sức mạnh hải quân – tháng 4/2009. Về kinh tế, Trung Quốc cần chạy đua để giành giật các nguồn tài nguyên chiến lược. Ảnh hưởng của Trung Quốc vươn đến Châu Phi, Châu Đại dương và Mỹ La Tinh để tìm các nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu để duy trì nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần đa dạng hóa các nguồn cung dầu lửa. Có lẽ vì lý do đó mà Bắc Kinh ngày càng quyết liệt và mạnh bạo hơn trong hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, kiểm soát và ngăn chặn hoạt động của các quốc gia khác ở vùng biển này.
Phản ứng của các nước và cục diện an ninh mới ở Biển Đông sau ARF 17
Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11/2010, nhiều ý kiến cho rằng chính sự hung hăng của Trung Quốc đã làm cho tranh chấp Biển Đông được quốc tế hóa và dẫn đến sự can dự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.[47] Trong vài thập kỷ qua, những lời chỉ trích Mỹ xem nhẹ Đông Nam Á khá phổ biến. Ngoại trừ các cường quốc chủ chốt như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington rất ít quan tâm đến phần còn lại của toàn vùng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sức mạnh chính trị và kinh tế đã thuyết phục chính quyền Obama chuyển hướng và tăng cường lực lượng ở Đông Á-Thái Bình Dương bất chấp khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu gây ra. Các quan chức Mỹ công khai chiến lược “xoay trục” (pivot) hay “tái cân bằng” (rebalancing), triển khai một cách đồng bộ các giải pháp chiến lược, chính trị và kinh tế để tăng cường ảnh hưởng ở khu vực. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố đến năm 2020, 60% số tàu chiến của Mỹ thường trực ở Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phát triển học thuyết “Chiến tranh Không-Biển (Sea-Air Battle) nhằm đối phó với các hệ thống chống thâm nhập (AD/A2) của Trung Quốc.[48] Về ngoại giao, Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống ở Đông Á đồng thời đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN. Các quan chức Mỹ có mặt thường xuyên hơn ở khu vực. Về kinh tế, chính quyền Obama nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Trung Quốc đứng bên ngoài. Nhiều học giả bày tỏ lo ngại rằng cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ sẽ là một nhân tố quyết định cục diện chiến lược ở khu vực trong tương lai và xu hướng phát triển của tranh chấp.[49]
Thái độ mới đây của Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận các quy định và cách xử sự hiện hành trong khu vực được thể hiện vào lúc Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của họ khắp bốn phương trời. Từ lâu trước khi đạt đến tư thế hiện nay, uy tín và giá trị ngoại giao của Trung Quốc đã dựa trên đường lối chung sống hòa bình và trợ giúp Đông Nam Á. Đối với Trung Quốc, bất kỳ một tranh chấp, dù là một vụ cãi cọ nhỏ với khu vực vào khi ấy, đều có thể làm hoen ố hình ảnh của Bắc Kinh trong tư cách người bạn của thế giới đang phát triển.[50] Theo đuổi những gì mà Trung Quốc đã làm, cũng với tâm niệm lấy ASEAN làm trọng tâm, từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, Mỹ đã cải thiện được chỗ đứng của mình trong khối vốn lâu nay vẫn nghi ngờ ý định của Washington. Việc Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) 2009 và cử đại sứ đến ASEAN đã thay đổi lề lối can dự của Mỹ và mở ra cho nước này một con đường mới để can thiệp vào các vấn đề chính trị, an ninh của khu vực.
Mỹ ngày càng quan tâm đến Biển Đông và coi đây là một cơ hội để khôi phục ảnh hưởng và giành lại vai trò chủ đạo ở Đông Á. Ngày 15/72009, Tiểu ban về Đông Á và Quan hệ Thái Bình Dương của Ủy ban về Ngoại giao của Thượng viện Mỹ tổ chức cuộc điều trần về “các vấn đề lãnh hải và tranh chấp chủ quyền ở Đông Á. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tham dự Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội tuyên bố rằng Mỹ có “lợi ích chiến lược” trong việc chứng kiến các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết thông qua “tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền”. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate đã bày tỏ quan điểm ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các nỗ lực đa phương, hòa bình và phù hợp với luật quốc tế.[51] Sự hung hăng của Trung Quốc đã góp phần đẩy Mỹ và Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn. Mỹ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng tại Hà Nội ngày 19/8 và được đánh giá là một điểm bước ngoặt trong các mối quan hệ giữa hai cựu thù. Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Ôxtrâylia nhận định: “Sự hiếu chiến về quân sự của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương và Biển Đông tạo ra một động lực để tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Việt. Cả hai nước có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc hay bất kỳ nước nào thống trị các tuyến đường biển thương mại cũng như thực thi tuyên bố chủ quyền bằng áp lực. Việt Nam coi sự hiện diện của Mỹ như hàng rào chống lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc”.[52]
Nhật Bản cũng nhìn Trung Quốc bằng con mắt nghi ngại hơn nhiều. Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 10/9/2010 nhắc đến những vụ trực thăng của Trung Quốc bay quá gần các chiến hạm Nhật, vụ các tàu ngầm và khu trục hạm Trung Quốc được nhìn thấy gần đảo Okinotori vào tháng 4 vừa qua. Đó là chưa kể vụ một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc xâm nhập hải phận Nhật Bản vào tháng 11/2004. Bản báo cáo này trách Bắc Kinh là đã không nói rõ về những dự án hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Vào tháng ba vừa qua, Trung Quốc cho biết sẽ tăng ngân sách quân sự năm nay thêm 7,5% lên thành 77,9 tỷ đôla, nhưng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tổng chi phí quân sự của Bắc Kinh đã vượt quá 150 tỷ đôla từ năm 2009, nếu tính cả các khoản chi tiêu không được ghi trong ngân sách chính thức. Theo Bộ Quốc phòng Nhật, sự thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc và những hoạt động quân sự của nước này là vấn đề đang gây quan ngại cho khu vực và cộng đồng quốc tế, kể cả Nhật Bản.[53] Sách trắng Quốc phòng Nhật năm 2013 tỏ rõ sự lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và tố cáo Trung Quốc đang tìm mọi cách để thay đổi nguyên trạng.[54]
Chính sách mập mờ và những hành động đơn phương và mạnh bạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm các nước trong khu vực thêm nghi ngờ chiến lược “phát triển hòa bình” và “ngoại giao hài hòa” của Bắc Kinh.[55] Nhiều nước ASEAN nhìn nhận an ninh Đông Nam Á và an ninh quốc gia của họ bị đe dọa trước quá trình hiện đại quân sự nhanh chóng một cách thiếu minh bạch của Trung Quốc.[56] Tình huống tiến thoái lưỡng nan về an ninh xảy ra ở khu vực và kết quả là chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á tăng vọt. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom “chuyên chở vũ khí đến Đông Nam Á gần như tăng gấp đôi trong giai đoạn 2005-2009 so với giai đoạn 2000-2004. Số lượng vũ khí mà Ma-lay-xi-a mua tăng 722% trong giai đoạn 2005-2009 so với giai đoạn 2000-2004, Sing-ga-po tăng 146% và In-đô-nê-xi-a 84%.[57] Điều đáng nói là các nước ASEAN đều không muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, không muốn các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa họ và Trung Quốc. Cái mà họ cần là một Trung Quốc thực sự phát triển hòa bình, có thái độ hợp tác và có trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã chủ động giảm thiểu rủi ro (hedging) bằng cách tìm kiếm sự bảo đảm của các cường quốc bên ngoài khu vực.
Phản ứng với thái độ và hành động của Trung Quốc cũng thể hiện trên các diễn đàn ngoại giao. Kể từ tháng 7/2010, tình hình khu vực Biển Đông chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với những đặc trưng mới của một trong những điểm nóng trong quan hệ chính trị và an ninh quốc tế. Những yếu tố tạo nên sự thay đổi đã manh nha từ năm 2009, nhưng chính Diễn đàn An ninh khu vực ARF 17 tại Hà Nội đã là điểm mốc đánh dấu bước ngoặt này, với việc Mỹ khẳng định trở lại khu vực Đông Nam Á và có lợi ích quốc gia trong các vấn đề liên quan đến hàng hải và an ninh ở Đông Á. Có thể nói ARF 17 hé mở khuynh hướng khu vực hóa, quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông, hoặc ít nhất thì tranh chấp Biển Đông cũng đã bắt đầu trở thành một trong những chủ đề thời sự nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lân đầu tiên, an ninh ở khu vực Biển Đông đã được công khai tranh luận ở tại một diễn đàn đa phương với sự tham dự của 27 quốc gia.[58] Tiếp đó, ngày 8/7/2010, Phái đoàn thường trực của In-đô-nê-xia tại Liên hợp quốc đã có công hàm phản đối công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc về cái gọi là bản đồ yêu sách hình chữ U (hay đường đứt khúc 9 đoạn) trong Biển Đông “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.[59]
Sau ARF 17, rõ ràng an ninh ở Biển Đông là một hệ thống đa tầng nấc và đa vấn đề với đa đối tượng. Ở đây, có các vấn đề tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ xảy ra giữa hai nước trong khu vực, ví dụ như tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và các vùng nước liên quan. Bên cạnh đó, cũng có các vấn đề quốc tế liên quan đến các quốc gia bên ngoài khu vực như vấn đề an toàn và an ninh hàng hải qua các vùng biển quốc tế. Cùng với các tranh chấp về chủ quyền, còn có các vấn đề phát triển nghề cá và bảo vệ tài nguyên biển, chống các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ và cứu nạn … liên quan đến các nước ven bờ, Trung Quốc và các nước ASEAN. Giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tuyên bố này đã không được thực thi trong suốt thời gian qua. Hiện tại, quan chức của các nước đang bàn thảo vấn đề thực thi Tuyên bố và đàm phán khả năng ký kết một bộ luật ứng xử (COC) ở Biển Đông có tính ràng buộc cao hơn. Ngày càng nhiều nước trên thế giới quan tâm hợp tác và mong muốn hiện diện trong khu vực này, tạo ra các lợi ích đan xen và cạnh tranh ở Biển Đông. Đây chính là hệ quả trào lưu thế giới ngày càng trở nên phẳng và phải đối đầu với nhiều thách thức toàn cầu: khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, cấm sử dụng và phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, quyền con người và chống khủng bố, chống cướp biển. Tất cả các quốc gia càng ngày càng phụ thuộc vào nhau. Hội nhập và sự phát triển hòa bình của mỗi quốc gia phụ thuộc vào an ninh khu vực và thế giới và ngược lại, không quốc gia nào có thể tách khỏi luật chơi chung.[60]
Tóm lại,sự căng thẳng của vấn dề Biển Đông cần được xem xét trong tổng thể lợi ích và các mối quan tâm của các nước liên quan, trước hết là các nước trong khu vực, Trung Quốc, Mỹ và các nước có liên quan khác. Những mối quan tâm đặc biệt hơn cả gồm : sự quan ngại về tham vọng của Trung Quốc, những nguy cơ về an ninh, tranh chấp trên biển, những bất đồng xung quanh hồ sơ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên về vụ chìm tàu Cheonan và về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và các bất đồng về kinh tế- thương mại,v.v. Ở một góc độ nào đó, Trung Quốc cũng phải cân nhắc trước khả năng bị cô lập và chịu sức ép của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Có không ít ý kiến rằng Trung Quốc nên tỏ ra bớt độc đoán và nghạo mạn, có thái độ hòa giải hơn. Thời báo Hoàn cầu ngày 27/7 có đoạn: “Trung Quốc phải tránh mở rộng vô tận những lợi ích sống còn của mình. Một cường quốc cũng có thể nhượng bộ về lãnh thổ, mà như vậy không có nghĩa là phải chịu hy sinh”. Thế giới đang hướng về Biển Đông để kiểm nghiệm xem, liệu Trung Quốc có thực sự “phát triển hòa bình”?
—————
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.
[1] Luật này quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
[2] Luật này một lần nữa chính thức thể hiện quan điểm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà họ thường gọi là “vùng nước phụ cận”.
[3] Việt Nam lên tiếng về Trường Sa, BBC Tiếng Việt, ngày 07/12/2007.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/12/071203_viet_china_spratlys.shtml
[4] Phản đối Trung Quốc đưa ‘đường lưỡi bò” vào hộ chiếu, Vnexpress, 22/11/2012, xem tại: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-doi-trung-quoc-dua-duong-luoi-bo-vao-ho-chieu-2392751.html
[5] BP ngừng thăm dò ở Trường Sa, BBC Tiếng Việt, ngày 14/06/2007
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/06/070614_bp_china.shtml
[6] Greg Torode, ‘Tussle for Oil in the South China Sea’, South China Morning Post, 20 July 2008.
[7] Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát đảo Tri Tôn, Báo CA TP HCM, ngày 05/08/2010, xem tại: http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=127115.
[8] Xem Ian Storey, “China and the Philippines: Implications of the Reed Bank Incident”, China Brief, vol. 11, no. 8, Jamestown Foundation, 6 May 2011
[9] “PetroViệt Nam phản đối CNOOC của Trung Quốc gọi thầu phi pháp”, Petrotimes, ngày 28/82013,xem tại https://www.ptsc.com.vn/vie/layout/set/print/TTSK/DK/PVN/PetroVietnam-ph-n-d-i-CNOOC-c-a-Trung-Qu-c-g-i-th-u-phi-phap
[10] Hanoi protests China fishing ban, BBC June 8, 2009, xem tại: http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/8089654.stm; “Controversial Chinese Ban affects more Vietnamese Fishing Vessels, Thanh Nien News 5/6/2009, “Fishmen Intimidated and Harrassed by Chinese Patrol Boats”, Thanh Nien News, 8/6/2009.
[11] Xem: Phản đối Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, Tuổi trẻ, 15/12/2009, tại http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/353329/Phan-doi-Trung-Quoc-bat-giu-ngu-dan-VN.html, Trung Quốc lại bắt giữ ngư dân Việt Nam, BBC Việt ngữ, 28/3/2010, tại: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100328_viet_fishermen.shtml, và Ngư dân Việt Nam lại bị Trung Quốc bắt giữ, Vnexpress, ngày 7/5/2010, xem tại: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/05/3BA1B97A/
[12] Greg Torode, China ban on fishing as tension runs high, South China Morning Post, 16/5/2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/china_ban_on_fishing_SCMP.htm
[13] “Âm mưu Tam Sa của Trung Quốc”, Thanh Niên, ngày 28/8/2013, tại địa chỉ (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120703/am-muu-tam-sa-cua-trung-quoc.aspx
[14] Xem Greg Torode, China ban on fishing as tension runs high.
[15] Tlđd.
[16] Linh Huơng, Hải quân Trung Quốc và dự tính “chia đôi Thái Bình Dương, Tuần Vietnamnet, 28/2/2009, xem tại: http://www.tuanvietnam.net/hai-quan-trung-quoc-va-du-tinh-chia-doi-thai-binh-duong
[17] Trung Quốc cắm cờ ở dưới đáy Biển Đông, Thanh Niên, ngày 28/8/2010, xem tại: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201035/20100828003929.aspx, ngày 11/10/2010.
[18]“Căn cứ hải quân Tam Á: Chủ bài trong chiến lược khống chế biển Đông,” RFI, 15/09/2008, xem tại: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/101/article_34.asp, xem ngày 1/9/2010.
[19] Carlyle A. Thayer, The United States and Chinese Assertiveness in the South China Sea, Security Challenge, Vol.6, No.2, 2010, tr.73.
[20] Căn cứ hải quân Tam Á: Chủ bài trong chiến lược khống chế biển Đông, RFI, 15/09/2008, xem tại: http://www.rfi.fr/actuvi/articles/101/article_34.asp, xem ngày 1/9/2010.
[21] Minnie Chan and Greg Torode, PLA opens Guangdong missile base; South China Sea in range, South China Morning Post, August 7, 2010 Saturday, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/pla_opens_guangdong_missile_base.htm
[22] Xem: http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm và http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm, xem ngày 9/9/2010.
[23] Carlyle A.Thayer, Những diễn biến gần đây ở Biển Đông : Hệ lụy đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, Trong : Đặng Đình Quý (cb), Biển Đông : Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực, NXB Thế Giới, Hà Nội, tr. 160.
[24] Foreign Minister warns South China Sea issue, http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-07/26/content_11046544.htm, xem ngày 10/9/2010.
[25] Ngày 23/7/2010, tại Diễn đàn An ninh Khu vực, bà Clinton đã tuyên bố rằng‘’Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông”. Lo ngại về tác hại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa 6 nước trong vùng là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines, Ngoại trưởng Mỹ xác định là việc giải quyết tranh chấp Biển Đông là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ”.
[26] Giới phân tích Bắc Kinh coi tập trận Mỹ – Việt là chống lại Trung Quốc, RFI, ngày 12/8/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100812-gioi-phan-tich-bac-kinh-coi-tap-tran-my-viet-la-chong-lai-trung-quoc, ngày 19/9/2010.
[27] Trung Quốc chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, RFI, ngày 25/7/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100725-trung-quoc-chong-viec-quoc-te-hoa-tranh-chap-bien-dong, ngày 19/9/2010.
[28] Joshua Kurlantzick, Avoiding a Tempest in the South China Sea, Expert Brief, Council on Foreign Relations, September 2, 2010, xem tại: http://www.cfr.org/china/avoiding-tempest-south-china-sea/p22858
[29] Leszek Buszynski, Rising Tensions in the South China and Implications for Regional Security, Tham luận tại Hội thảo quốc tế: “Biển Đồng: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở khu vực”, Tháng 11/2010, Hồ Chí Minh.
[30] Đó là Cục Quản lý Ngư nghiệp, Cơ quan Giám sát Biển, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, Bộ Ngoại giao, các công ty dầu khí, Cảnh sát biển, Cục Quản lý An toàn Biển, Cục Quản lý Hải dương Quốc gia
[31]
[32] Một thuật ngữ mà nước này thường dùng trong quá khứ để đề cập đến Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương.
[33] Cary Huang, A bolder China asserts ‘core’ interests – but will it act?, South China Morning Post, August 12, 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/china_asserts_core_interest.htm,
[34] GS. Tô Hạo khẳng định tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông tại Tp Hồ Chí Minh (11/2010): Trung Quốc chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” trong các tài liệu chính thức.
[35] Các báo China Daily, Global Times, và một số tạp chí của Trung Quốc đều có tin bài của học giả Trung Quốc nêu nội dung này. Báo China Daily ngày 30/7 đăng bài của Ai Yang nhấn mạnh “Nam Hải là một trong những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tạp chí Thế giới Tri thức (thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc) số ngày 16/8, đăng bài của học giả Trung Quốc khẳng định tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã nêu rõ với phía Mỹ, Nam Hải liên quan đến “lợi ích cốt lõi” về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
[36] Joshua Kurlandtzick, Avoiding a Tempeset in the South China Sea, Expert Brief on Council on Foreign Relations Website, September 2, 2010, retrieved on October 10, 2010 at http://www.cfr.org/publication/22858/avoiding_a_tempest_in_the_south_china_sea.html
[37] Trọng Nghĩa, Nhìn từ Nhật Bản: Phải buộc Trung Quốc đàm phán đa phương về Biển Đông, RFI, ngày 11/10/2010, xem tại: http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100827-nhin-tu-nhat-ban-phai-buoc-trung-quoc-dam-phan-da-phuong-ve-bien-dong
[38] Chờ điều kiện chín muồi để giải quyết tranh chấp Biển Đông, VNN phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, xem tại http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/ ngày 11/9/2010.
[39] Peter J. Brown, Calculated ambiguity in the South China Sea, Asian Times, December 8, 2009, retrieved at: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KL08Ae01.html on October 10, 2010.
[40] Đô đóc Admiral Michael Mullen, ‘Remarks and Q&A at the Navy League Sea-Air-Space Exposition, Gaylor National Resort and Conference Center, National Harbour, Maryland, May 4, 2009.
[41] Ian Bremmer, China vs American: Fight for the Century, Prospect, March 22, 2010, xem tại: http://www.prospectmagazine.co.uk/2010/03/china-vs-america-fight-of-the-century/
[42] Xem thêm: Carlyle A.Thayer, Southeast Asia: Pattern of Security Cooperation, Australian Strategic Policy Institute – ASPI, September 2010, trang 49-51.
[43] Xem thêm: Suishen Zhao, Chinese Nationalism and Approaches toward East Asian Regional Cooperation, International Institutions and Global Governance Program, Japan Studies Program, Paper at Council on Foreign Relations, December 2009.
[44] Giáp Văn Dương, Việt Nam 2008: Mười hai bài toán lớn, Bài viết cho Hội thảo Nhìn lại Việt Nam năm 2008, tr. 13, xem tại: http://hoithao.viet-studies.info/2009_GVDuong.pdf
[45] Vũ Hồng Lâm, “Thế giới đa cực: Cấu hình quyền lực thế giới đương đại”, Tham luận tại Hội thảo Dân chủ và Phát triển, Berkeley, California Mỹ, 28-29/7/2006.
[46] http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201005/Trung-Quoc-voi-tu-tuong-chi-phoi-hang-hai-the-gioi-907938/
[47] Ý kiến của các học giả tại Hồi thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 2, Hồ Chí Minh 11/2010.
[48] Ely Ratner, Rebalancing to Asia with an Insecure China, The Washington Quarterly, Vol.36, No.2, tr.25-6.
[49] Mark Valencia, Bài tham luận tại Hội thảo Quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” tại Hồ Chí Minh, tháng 11/2010.
[50] http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100826-my-sat-canh-voi-asean-buoc-trung-quoc-thay-doi-luat-choi
[51] Robert Gate, Remark at the 9th IISS Asia Security Summit, The Shangri-La Dialogue, June 2010, http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2010/plenary-session-speeches/first-plenary-session/robert-gates/
[52] Mark Tran, Vietnam, unlikely US ally, The Guardian, 31/8/2010, xem tại: http://www.guardian.co.uk/commentisfree/cifamerica/2010/aug/31/vietnam-us-military-china, ngày 13/12/2010.
[53] http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100910-nhat-lo-ngai-ve-phat-trien-quan-su-cua-trung-quoc
[54] Ben Schreer, “Feeling Edgy: Japan’s New Defense White Paper, ASPI Paper, July 2013, xem tại: http://www.aspistrategist.org.au/feeling-edgy-japans-new-defence-white-paper/
[55] Evam A.Feigenbaum, “China’s rise and the Contested Commons”, CRF, August 13, 2010, xem tại: http://blogs.cfr.org/asia/2010/08/13/chinas-rise-and-the-contested-commons/
[56] Daljit Singh, “South China Sea tensions hurt Southeast Asian Security”, Strait Times, 16 August 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/south_china_sea_tensions_hurt_security.htm
[57] Carlyle A.Thayer, “Southeast Asia: Pattern of Security Cooperation”, tlđd, tr. 8-10.
[58] “South China Sea: First test for regional body”, The Straits Times (Singapore), August 10, 2010 Tuesday, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/south_china_sea_StraitsTimes_editorial.htm and “ASEAN shows sudden revole against Beijing”, South China Morning Post, August 6, 2010, xem tại: http://www.viet-studies.info/kinhte/asean_shows_sudden_resolve.htm
[59] http://vietnamnet.vn/chinhtri/201007/Indonesia-phan-doi-duong-luoi-bo-cua-Trung-Quoc-924999/
[60]Việt Long, “Biển Đông: Sao phải quốc tế hóa một vấn đề quốc tế », Tuan Vietnamnet, ngày 08/09/2010.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét