Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014
Hiệp ước Basel và khả năng xử lý các ngân hàng lớn
19:30
Hoàng Phong Nhã
No comments
Sau nỗ lực của các thành viên Ủy ban Basel về giám sát
ngân hàng, các qui định Basel 3 được ban hành vào tháng 12/2010. Mục
tiêu cơ bản là tăng cường quản lý và quản trị rủi ro, nâng cao tính minh
bạch của các ngân hàng, có thể đối phó với khó khăn kinh tế và tài
chính toàn cầu. Phiên bản của Basel 3 không có gì thay đổi so với Basel 1
và Basel 2, nhưng các qui định nghiêm ngặt hơn, với trọng tâm là xử lý
các vấn đề về quản lý rủi ro trong khu vực ngân hàng, giúp các ngân hàng
tránh được các cú sốc tài chính và khủng hoảng trong tương lai.
Qui định Basel 3 yêu cầu các ngân hàng duy trì lượng
vốn cấp 2 (cổ phần thường) là 4,5% (qui định tại Basel 2 là 2%), và vốn
cấp 1 là 6% (qui định tại Basel 2 là 4%). Thêm vào đó, Basel 3 đưa ra
(giới thiệu) các nguồn vốn bổ sung (gọi là vốn đệm) nhằm bảo toàn nguồn
vốn của ngân hàng và ngăn chặn biến động của chu kỳ kinh tế. Trong đó,
tỉ lệ vốn đệm bắt buộc để bảo toàn nguồn vốn ngân hàng (mandatory
capital conservation buffer) là 2,5%, phần vốn bổ sung để ngăn chặn biến
động của chu kỳ kinh tế sẽ do các nước đề ra và có thể lên đến 2,5%
trong thời kỳ tăng trưởng tín dụng quá cao. Ngoài ra, Basel 3 đưa ra tỉ
lệ đòn bẩy tối thiểu và 2 tỉ lệ thanh khoản bắt buộc.
Kết quả đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính
2008 cho thấy, giá trị của nhiều tài sản giảm nhanh hơn so với trước
đây, nên Basel 3 đã đưa ra tỉ lệ đòn bẩy nhằm tránh tình trạng lạm dụng
quá mức các đòn bẩy tài chính, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống. Tỉ lệ
đòn bẩy tương ứng với tỉ lệ vốn trên tài sản, được tính toán bằng cách
chia vốn cấp 1 cho tổng tài sản hợp nhất trung bình của ngân hàng, dự
kiến là trên 3%, tỉ lệ này sẽ được thử nghiệm trước khi tỉ lệ thanh
khoản bắt buộc được chính thức áp dụng vào tháng 01/2018.
Các rối loạn trên thị trường tài chính 2007-2009 cho
thấy, tầm quan trọng của tính thanh khoản đối với sự hoạt động bình
thường của hệ thống tài chính. Vì thế, Basel 3 đã thiết lập khung khổ về
quản lý rủi ro thanh khoản, gồm tỉ lệ thanh khoản an toàn (liquidity
coverage ratio) và tỉ lệ quĩ bình ổn ròng (net stable funding ratio). Tỉ
lệ thanh khoản an toàn yêu cầu các ngân hàng phải duy trì đủ tài sản
chất lượng cao, có thể chuyển ngay sang tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ
tài chính bất thường trong vòng 30 ngày. Tỉ lệ quĩ bình ổn ròng yêu cầu
các ngân hàng phải có sẵn nguồn tài chính dưới dạng quĩ bình ổn để có
thể đối phó với thời kỳ khó khăn tối thiểu là 1 năm, tỉ lệ này được tính
bằng tỉ lệ giữa lượng quĩ bình ổn thực tế (available amount of stable
funding) và lượng quĩ bình ổn bắt buộc (required amount of stable
funding), giá trị của tỉ lệ này phải lớn hơn hoặc bằng 1. Các qui định
về quản lý rủi ro thanh khoản sẽ được hình thành dần, để có thể đưa vào
áp dụng chính thức từ năm 2015 (đối với tỉ lệ thanh khoản an toàn) và
năm 2018 (đối với tỉ lệ quĩ bình ổn ròng).
So với Basel 2, các khái niệm và định nghĩa về vốn tại
Basel 3 được qui định chặt chẽ hơn. Theo đó, các nước sẽ đề ra các tỉ lệ
cụ thể đối với từng loại vốn tùy theo qui mô của hệ thống ngân hàng.
Như vậy, tỉ lệ vốn tối thiểu có thể lên đến 13,5%, nếu áp dụng đầy đủ
thì có thể lên đến 15,5% (vốn cấp 1 là 8,5%, vốn cấp 2 là 7%).
Mục tiêu của việc bắt buộc các ngân hàng phải duy trì
lượng vốn khá lớn là giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào các gói cứu
trợ trong khủng hoảng, đặc biệt là các ngân hàng lớn. Cụ thể là, các
ngân hàng sẽ phụ thuộc đáng kể vào nguồn vốn đóng góp của các cổ đông,
nên dường như sẽ không còn mạnh dạn làm liều như trước đây, khi phần lớn
hoạt động ngân hàng dựa vào nguồn tiền gửi, trái phiếu và tiền thuế.
Tất nhiên, các ngân hàng không đồng tình với ý tưởng
tăng các tỉ lệ vốn cao hơn vì nó sẽ giảm khả năng tạo tiền từ nguồn vốn
ban đầu. Tỉ lệ vốn tăng cao sẽ làm tăng chi phí hoạt động và các ngân
hàng sẽ thắt chặt điều kiện cho vay, tăng trưởng tín dụng đối với nền
kinh tế sẽ giảm. Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Ngân hàng hối đoái
Mỹ, tăng tỉ lệ vốn thêm 3% sẽ làm GDP giảm trên 2%. Theo ước tính của
OECD, việc áp dụng Basel 3 sẽ giảm GDP hàng năm khoảng 0,05-0,15%, basel
3 cũng bị phê phán là tác động tiêu cực đến tính ổn định của hệ thống
tài chính, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ do phải tăng vốn dự phòng đối
với các khoản cho vay dựa trên tài sản cầm cố và cho vay đối với các
doanh nghiệp nhỏ. Một số ý kiến cho rằng, Basel 3 không thể điều chỉnh
được các ngân hàng do sự điều chỉnh không thích hợp (không đủ) đã gây ra
khủng hoảng.
Nhiều nhà kinh tế học đã bác bỏ kết quả nghiên cứu này
và cho rằng, tăng vốn sẽ giúp làm tăng năng lực và tính an toàn của khu
vực ngân hàng, về bản chất là không làm tăng chi phí xã hội.
Cho tới nay, vấn đề cho phép phá sản các ngân hàng quá
lớn tiếp tục là chủ đề chính, thậm chí nhiều chuyên gia tài chính hàng
đầu trên thế giới vẫn khẳng định, không dễ dàng cho phép một ngân hàng
lớn phá sản, thậm chí phải tiếp tục hỗ trợ trong trường hợp cần thiết,
mặc dù tính an toàn của nhiều ngân hàng lớn không hơn gì các ngân hàng
nhỏ.
Để đảm bảo khủng hoảng trong tương lai sẽ không buộc
các chính phủ phải can thiệp, các nhà điều chỉnh quốc tế đã yêu cầu các
ngân hàng lớn phải đi tiên phong trong việc áp dụng các qui định Basel 3
và hạn chế cho vay, không sử dụng tiền gửi ngắn hạn để cho vay dài hạn
(nguyên nhân cơ bản khiến tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ vào tháng
9/2008), các chính phủ phải có hành động toàn cầu hơn là chỉ cứu vớt đơn
thuần.
Hiện nay, một số nước phát triển hàng đầu đang nghiên
cứu áp dụng các qui định Basel 3 vào quản lý hệ thống ngân hàng trong
nước, đặc biệt là đối với các ngân hàng lớn. Trong đó, các qui định mới
(về đòn bẩy, thanh khoản) sẽ được áp dụng thử nghiệm trước khi có thể áp
dụng chính thức vào thực tế. Trong quá trình thử nghiệm, sẽ có những
điều chỉnh nhất định theo hướng giảm nhẹ một số qui định trong Basel 3
và gia hạn thêm thời gian thực hiện
0 nhận xét:
Đăng nhận xét