Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014
Lenore Ealy – Chính sách giáo dục có phải là chính sách kinh tế?
07:06
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm
Nguyên Trường dịch
Khi chính quyền trung ương tuyên bố rằng nó thay thế hoàn
toàn sự hợp tác tự nguyện của những người quan tâm chính thì đó là nó tự lừa
dối mình hay muốn lừa dối bạn.
Alexis de Tocqueville
Giáo dục Mĩ thất bại?
Một thành viên Ủy
ban Giáo dục bang (Indiana State Board of Education) vừa khẳng định niềm tin
của ông ta rằng “chính sách giáo dục là chính sách kinh tế.”
“Không có những trường học đẳng cấp quốc tế, chúng ta không
thể lôi kéo được nhân tài và CÔNG VIỆC về Indiana”, ông Gordon Hendry viết trên tờ Indianapolis Star
như thế. Ý kiến của ông Hendry cũng là thế giới quan đang
giữ thế thượng phong của các nhà lập chính sách hiện nay. Nó cũng còn có thể
làm cho chúng ta nghĩ rằng vì sao cải cách giáo dục tiếp tục đòi phải chi NHIỀU
HƠN mà kết quả đạt được lại ít hơn.
Nói
chung, không ai bác bỏ được sự kiện là hệ thống giáo dục của chính phủ trên
khắp nước Mỹ đang gặp thất bại. So sánh trên bình diện quốc tế cho thấy sinh
viên Mỹ đang tụt hậu so với các sinh viên các nước khác. Đánh giá trên bình
diện quốc gia cho thấy vẫn có khoảng cách trong thành tích học tập giữa các
nhóm kinh tế-xã hội cũng như giữa các nhóm sắc tộc khác nhau. Những người sử
dụng lao động nhận thấy rằng thanh niên chưa sẵn sàng tham gia lực lượng lao
động nếu không được đào tạo thêm. Các trường cao đẳng nhận thấy rằng ngày càng
có nhiều sinh viên chưa được chuẩn bị cho việc theo học đại học và cần phải có
các môn học nhằm khắc phục hậu quả. Các giáo viên đứng lớp đang bị chôn vùi
dưới hàng đống những thủ tục hành chính quan liêu và sự soi xét của các phương
tiện truyền thông; họ cảm thấy khó mà duy trì được niềm đam mê dạy học của mình.
Phụ huynh và học sinh không hài lòng vì nhiều lý do, và ngày càng có nhiều
người tìm kiếm những trường học thanh bình, trật tự, hữu hảo và hiệu quả hơn.
Chúng ta đang sống với tiếng thở dài tập thể của sự tuyệt
vọng, được ngắt quãng bởi những cuộc tranh cãi đầy giận dữ về những đề xuất
khác nhau về công cuộc cải cách, từ việc chọn trường cho đến phong trào Tiêu
chuẩn Cốt lõi (Common Core standards movement). Nhưng, dù biết bao nhiêu tiền
thuế, vốn liếng chính trị và mực đã được đổ vào những VẤN ĐỀ của cải cách giáo
dục và cải tiến trường học, chúng ta đã KHÔNG nêu ra câu hỏi căn bản: Giáo dục vì ai?
Giáo dục vì ai:
Vì cá nhân hay vì nhà nước?
Nếu
không có sự rõ ràng về vấn đề này thì tất cả các nỗ lực cải cách đều chỉ là những
chuyện tầm phào, còn đất nước thì khánh kiệt.
Nếu
chúng ta muốn duy trì quyền tự do của chế độ tự quản được thể hiện trong hệ thống
liên bang Mỹ thì một lần nữa chúng ta phải trở thành những người có khả năng
thực hiện và bảo vệ quyền tự do đó. Vai trò của giáo dục là quan trọng trong việc
hình thành một dân tộc tự do đến mức không thể không làm rõ những giới hạn của
hành động của Nhà nước đối với tất cả các cấp học. Để làm như vậy, chúng ta
phải tìm hiểu rất nhiều câu hỏi, tức là những câu hỏi nâng tầm chú ý của chúng
ta khỏi những trận cãi vã về chính sách hiện nay và nhen nhóm lại một cuộc đối
thoại rộng hơn, cuộc đối thoại ở tầm hiến
pháp về câu hỏi chúng ta là ai và chúng ta mong muốn trở thành những người
như thế nào.
Thế hệ lập quốc công nhận tầm quan trọng ở tầm hiến pháp của
giáo dục trong việc hình thành những con người có khả năng tự quản, nhưng đã để
cho cộng đồng địa phương và các bang nhiều quyền hạn trong việc tìm phương tiện
và nội dung của việc dạy và học. Pháp lệnh năm 1787 (The Northwest Ordinance), đặt NỀN MÓNG cho sự hỗ trợ giáo dục của chính phủ và thể hiện
sự quan tâm chính của chính phủ trong lĩnh vực giáo dục - không đề cập đến tầm
quan trọng của việc học trong những thuật ngữ kinh tế học nhưng đã chỉ thị rằng
“tôn giáo, đạo đức và kiến thức là cần thiết cho việc quản lí hiệu quả và hạnh
phúc của nhân dân, các trường học và các phương tiện giáo dục sẽ luôn luôn được
khuyến khích”.
Trong thế kỷ XIX những người thuộc đảng Whig (một đảng chính
trị ở Mĩ, sau này giải tán, một số đảng viên tham gia vào đảng Cộng hòa – ND), do
những nhà cải cách như Horace Mann đứng đầu, nắm quyền kiểm soát nhiều hơn
trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là khi giáo dục bắt buộc có thể dùng làm
phương tiện nhằm tiêm nhiễm những giá trị và tập tục của người da trắng, người Anglo-Saxon,
đạo Tin Lành (WASP) cho những người nhập cư mới đến bến bờ nước Mỹ. Đến cuối
thế kỷ XIX, với niềm tin rằng các trường công lập phải tiếp tục bảo vệ trung
tâm đạo đức và văn hóa dựa trên giá trị của WASP đã làm cho hầu hết các bang
thông qua “Tu chính án Blaine”, tức là tu chính án tìm cách ngăn cấm việc sử
dụng QŨY giáo dục của nhà nước cho các trường tôn giáo địa phương, đặc biệt là các
trường Công giáo.
Những nhà cải cách tiến bộ (Progressive reformers)
đầu thế kỷ XX cũng giữ vai trò là
người bảo hộ đồng bào của mình. Chính sách giáo dục và chính sách kinh tế được
thu về một mối khi họ làm cho trường học Mỹ thích ứng với quá trình công nghiệp
hóa nền kinh tế. Áp dụng những công cụ mới của quản lí theo “khoa học” nhằm
kiểm soát xã hội phản ánh niềm tin ngày càng tăng rằng vận dụng những phương
pháp khoa học nhằm quản lí xã hội đã tập quyền hóa là việc làm cần thiết để xã
hội tốt đẹp hơn. Như John Dewey nói: “Lập kế hoạch cho xã hội đã được tổ chức, thực
hiện nó nhằm tạo ra một trật tự, trong đó các ngành công nghiệp và tài chính được
xã hội quản lí nhân danh các thiết chế chuyên cung cấp cơ sở vật chất cho việc
giải phóng và sự phát triển về mặt văn hóa của các cá nhân, đấy là phương pháp
hoạt động xã hội duy nhất mà chủ nghĩa tự do có thể dùng nhằm đạt được mục tiêu
mà nó tuyên xưng”.
Những ông vua
cởi truồng
Xã hội của những người tự do không thể là xã hội, trong đó
nhà nước hành chính quan lieu giám sát mọi tiểu tiết của cuộc sống của chúng ta,
từ khi còn nằm nôi cho đến lúc chết. Mặc cho những tiếng nói phản đối – thí dụ
như những lời phản đối trên trang mạng The FREEMAN kể từ khi mạng này được
thành lập - các trường công lập của chúng ta tiếp tục được mài dũa như là những
công cụ của chế độ chuyên ôn hòa.
Hiện nay, các nhà cải cách giáo dục ngày càng coi con em chúng
ta như là phương tiện để nuôi cỗ máy kinh tế. Các nhà lãnh đạo của các tập đoàn
toàn cầu, các “chuyên gia” giáo dục và các nhà lãnh đạo chính trị, đã đánh mất quan
niệm về mục tiêu đúng đắn của giáo dục, họ đang khuyến khích một chương trình
đào tạo thống nhất trên cả nước, được đánh giá bằng những kì thi được ăn cả ngã
về không. Quá nhiều thời gian đã trôi qua đủ để cho chúng ta nhận ra rằng những
kẻ muốn làm hoàng đế của tâm hồn – những kẻ săn đuổi xã hội không tưởng, trong
đó tất cả trẻ em đều có thể trở thành SINH VIÊN hoặc sẵn sàng ĐI LÀM ở độ tuổi
18 – là những ông vua cởi truồng.
Chính sách kinh tế không phải là chính sách giáo dục. Nền giáo
dục Mỹ đã bị suy giảm về chất lượng vì chỉ đóng vai trò là trợ giúp cho tăng
trưởng kinh tế. Chính sách kinh tế tốt không chỉ là chính sách giáo dục, chính
sách kinh tế nên tập trung vào các vấn đề như giữ cho ĐỒNG TIỀN vững chắc và ổn
định, hạn chế chi tiêu của chính phủ và nợ công, chấm dứt chủ nghĩa tư bản ô dù
và từ bỏ những qui định độc đoán, trưng thu và thu hồi, tức là những chính sách
làm tiêu tan ước muốn kinh doanh và và tạo ra công ăn việc làm.
Giáo dục có thể
thúc đẩy kinh tế thịnh vượng hay không? Có, nhưng chỉ khi nó nhận ra những giới
hạn của hoạt động của nhà nước đối với quá trình phát triển đạo đức của cá nhân
và tạo điều kiện cho công việc dạy và học theo đuổi mục đích thật sự của nó: Giúp
trẻ em phát triển thành những người đàn ông hay phụ nữ có khả năng theo đuổi
cuộc sống riêng của mình một cách có trách nhiệm.
Chính sách giáo dục
có phải là chính sách kinh tế hay không? Có, nhưng chỉ khi chúng ta tin rằng
người lao động hoặc người nộp thuế là chủ nhân ông của chính mình. Trong tác
phẩm Towards a Philosophy of
Education, Charlotte Mason,
một nhà sư phạm người Anh thế kỷ XIX, nhận xét rằng:
chúng
ta học chậm bởi vì chúng ta đã để ông thần hiệu quả vào trong góc nhỏ trong đền
thờ riêng của mình, nơi mà tính cách cá nhân phải làm chủ. Chúng ta tự gây ra
khó khăn cho mình khi lo lắng về lợi ích của người thanh niên đối với xã hội.
Đối với lợi ích của chính anh ta, anh phải là người như thế nào và làm gì cho
chính mình, thì tại sao, và điều gì gây ra rắc rối? Bởi vì, chúng ta nói rằng,
nếu chúng ta giúp anh ta kiếm sống thì chúng ta cũng giúp anh ta phục vụ nhân
quần và chúng ta có thể làm được gì cho cá nhân anh ta? Chúng ta quên là có
chép rằng, “Loài người sống chẳng những chỉ nhờ bánh thôi đâu, Song cũng nhờ mọi
lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời nữa” (Tin Lành theo Ma-Thi-Ơ 4.4, Tân Ước –
ND) - dù được nói như một chân lý của tôn giáo, một bài thơ, một bức tranh, một
phát kiến khoa học hay sáng tác văn học; thì người ta vẫn sống bằng những điều
đó và đời sống tinh thần thể hiện trong những thứ đó.
Chúng ta không phải không có những biển chỉ đường trong việc
tái kiểm tra niềm tin của chúng ta rằng mục đích của giáo dục chỉ là thịnh
vượng về mặt kinh tế. William von Humboldt, một tác gia vĩ đại theo trường phái
tự do cổ điển, người đã giúp xây dựng chính sách giáo dục của nước Phổ, đã hiểu
rõ những nguy hiểm của việc coi đứa trẻ là chỉ đơn giản là một tài sản của nhà
nước. Ông nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục và sự tế nhị của việc Nhà
nước tham gia công tác quản lý giáo dục. “Mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và
các công dân có thể chấm dứt hoàn toàn nếu con người bị hy sinh cho các công
dân,” Humboldt cảnh báo như thế trong tác phẩm The Limits of State Action. Ông
viết tiếp:
Cho
dù có thể tránh được những hậu quả của sự bất hòa, thì mục tiêu mà đoàn thể
những con người trong xã hội dự định vẫn sẽ bị hi sinh. Từ đó tôi rút ra kết
luận rằng sự phát triển tự do nhất bản chất của con người - càng ít bị nhắm tới
nghĩa vụ của công dân thì càng tốt - phải luôn luôn được coi là quan trọng nhất.
Người được tự do phát triển như vậy nên gắn bó với nhà nước; còn nhà nước thì
cần phải dùng thước đo của anh ta để kiểm tra lại mình. Chỉ thông qua một cuộc
đấu tranh như thế thì tôi mới có thể tự tin mà hi vọng là sẽ có một sự cải
thiện thực sự hiến pháp quốc gia, và xua đi tất cả nỗi sợ hãi về ảnh hưởng tiêu
cực của các tổ chức dân sự đối với bản chất của con người.
Nói
cách khác, cá nhân đi trước dân tộc và nhà nước. Làm ngược lại và biến nhà nước
thành người giám hộ của người dân, là bỏ quên mục đích của cả tự do lẫn học
tập.
Học vì tự do
Tiến
vào những lĩnh vực mới, người Mỹ đang khám phá nhiều biện mới trong việc giáo
dục con cái của họ, từ dạy học tại nhà đến các hợp tác xã giáo dục, từ các
trường tư thục mới đến các trường học tự quản (charter schools - nhà nước tài
trợ nhưng hoạt động độc lập với nhà nước - ND). Nhưng mặt khác, các nhà lãnh
đạo giáo dục của chúng ta tiếp tục câu chuyện ngày càng gây khó khăn cho tương
lai của tự do. Coi chính sách giáo dục như chính sách kinh tế đã làm chúng ta rơi
vào những cuộc tranh cãi chính trị có tính cách chia rẽ. Một bên là những người
không thoát ra khỏi được những di sản của phương pháp sư phạm tiên tiến (Progressive
pedagogy) và nền chính trị công đoàn; còn bên kia là những người coi giáo dục trước
hết là khuôn đúc ra những người lao động và người đóng thuế. Khi hai bên tìm
thấy tiếng nói hoặc lợi ích kinh tế chung, ví dụ như liên minh nhằm thực hiện “đánh
nhanh thắng nhanh” Tiêu chuẩn Cốt lõi (Common Core State Standards) được cả hai
bên chấp nhận thì tình hình có thể còn tồi tệ hơn.
Đối với những người còn lại trong chúng ta, tức là những
người còn giữ được một ít ý niệm mơ hồ về người tự do nghĩa là gì hay những
người nhớ tình yêu của việc học tức là cái đã truyền cảm hứng để họ muốn đi dạy,
chúng ta phải nhận ra rằng đây có thể là thời khắc của những ý kiến đối chọi
nhau. Muốn tiến lên, chúng ta phải tìm được tiếng nói chung. Nơi bắt đầu tốt nhất
là giả định rằng học là vì tự do, và rằng những đứa trẻ con học yêu kiến thức
hơn điểm kiểm tra và những người coi trường học của họ là địa điểm của cộng
đồng và các mối liên kết chứ không phải là chiến trường sẽ dễ dàng sử dụng
quyền tự do của mình mà vẫn tôn trọng trật tự hiến pháp của chúng ta, vẫn thúc
đẩy thịnh vượng của con người, và tạo ra sự thịnh vượng cho nhiều người.
Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét