Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Lý giải sự suy giảm của các cuộc chiến tranh lớn


Nguồn: Mueller, John (2006). “Accounting for the Waning of Major War,” in Raimo Vayrynen, ed., The Waning of Major War: Theories and Debates (London and New York: Routledge), pp. 64-79.
Biên dịch: Nguyễn Thị Tâm | Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương
Khoảng đầu năm 1989 tôi đã xuất bản cuốn sách Rút lui khỏi ngày tận thế: Sự lỗi thời của Chiến tranh nói về các cuộc chiến tranh giữa các nước phát triển. Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và ngoại giao – Michael Howard đã phê bình quyển sách này với một thái độ hết sức hoài nghi về luận điểm chính của nó, đồng thời đưa ra một lời khuyên hữu ích rằng “người đọc cẩn trọng sẽ kiểm tra xem hầm tránh bom của mình có còn sử dụng được không”. Nhưng sau đó, vào năm 1991, chính Michael Horward đã nói “có khả năng các cuộc chiến tranh theo nghĩa là những xung đột vũ trang lớn giữa các xã hội có trình độ phát triển cao sẽ không tái diễn, và một khuôn khổ ổn định cho trật tự thế giới sẽ được hình thành một cách vững chắc”.[i]
Hai năm sau đó, nhà sử học đồng thời là nhà phân tích quân sự John Keegan đã kết luận trong tác phẩm Lịch sử Chiến tranh rằng loại hình chiến tranh chủ yếu mà ông nghiên cứu có thể đang ở giai đoạn cáo chung:
Sau khi dành cả đời nghiên cứu về vấn đề này, tiếp xúc với những người trong cuộc, đi thăm nhiều điểm chiến sự và theo dõi các tác động của chiến tranh thì theo tôi, chiến tranh dường như không còn là một phương tiện đáng mong muốn hay hiệu quả, chứ chưa nói là hợp lý, để con người giải quyết các bất đồng của mình.[ii]
Vào cuối thế kỷ 20, Mary Kaldor cho rằng “sự tàn bạo của các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia có thể đã trở thành dĩ vãng” và trước thềm thế kỉ mới, Robert Jervis kết luận rằng chiến tranh giữa các cường quốc “sẽ không xảy ra trong tương lai” hay theo cách diễn đạt của Jeffrey Record thì chiến tranh có thể “biến mất hoàn toàn”.[iii]
Từ đó đến nay, thế giới dường như vẫn tiếp tục, thậm chí còn tăng tốc công cuộc rút lui khỏi ngày tận thế – một từ đã bắt đầu mang hàm ý khá lạ trong hơn 15 năm qua. Và, mặc dù có hơi chủ quan nhưng chẳng còn ai quan tâm đến việc bảo quản những hầm tránh bom của mình nữa.
Không chỉ các quốc gia phát triển đã tránh được chiến tranh với nhau trong suốt thời kì Chiến tranh lạnh mà thực ra có rất ít các cuộc chiến tranh trên bình diện quốc tế dưới bất kỳ hình thức nào từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ có một ngoại lệ thực sự đáng chú ý từ năm 1975 (và đây cũng là một ngoại lệ quan trọng), đó là cuộc chiến đẫm máu giữa Iran và Iraq kéo dài từ năm 1980 đến năm 1988. Ngoài ra, mặc dù xung đột vũ trang giữa chính phủ Israel và quân nổi dậy Palestine vẫn diễn ra thường xuyên nhưng từ sau năm 1973 đến nay, không có quốc gia Arập hay Hồi giáo nào muốn xung đột leo thang thành chiến tranh quốc tế bằng cách gửi binh lính trực tiếp tham chiến. Đồng thời, các cuộc nội chiến, chiến tranh thực dân và chiến tranh ý thức hệ dường như cũng trong quá trình suy giảm.
Thái độ đối với chiến tranh đang thay đổi
Theo tôi, hiện tượng đáng chú ý này chủ yếu bắt nguồn từ việc thái độ đối với giá trị và tính hiệu quả của chiến tranh đã thay đổi, đặc biệt là trong thế kỷ vừa qua, và điểm mấu chốt của hiện tượng này nằm ở ý đồ của những nhà truyền bá tư tưởng. Một sự thất vọng sâu sắc đối với chiến tranh đã xuất hiện ở châu Âu vào thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều này không phải bởi cuộc chiến đó hết sức tàn phá và hao tốn của cải mà mà là vì thành công của những nhà truyền bá tư tưởng của phong trào phản chiến trước cuộc đại chiến thế giới này. Họ đã đưa ra một lập luận vào thời điểm đó được coi là mới mẻ rằng chiến tranh, mà theo ý họ chủ yếu là chiến tranh giữa các nước phát triển, phải bị loại bỏ.[iv] Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra ở châu Âu gần như do Adolf Hitler một tay gây ra bởi lẽ bối cảnh lịch sử lúc đó không cho thấy sự cần thiết phải có một cuộc chiến trên lục địa khác ở khu vực này và các nước lớn cũng không có mâu thuẫn dẫn tới xung đột. Nguyên nhân của Chiến tranh Lạnh, theo tôi, chủ yếu là do sự sùng bái ý thức hệ về bạo lực cách mạng và chiến tranh giai cấp quốc tế của những người theo chủ nghĩa Cộng sản và điều này được coi là sự bành trướng đe dọa nền dân chủ tư bản phương Tây. Tuy nhiên, mặc dù có mâu thuẫn quyết liệt về ý thức hệ giữa thế giới Cộng sản và phi Cộng sản và cho dù đã xảy ra cuộc chiến tranh đại diện ở Triều Tiên – cuộc chiến đã khiến người ta mãi mãi mất lòng tin vào thăm dò quân sự hạn chế như là một kỹ thuật thúc đẩy cách mạng, một cuộc chiến tranh lớn chưa bao giờ thực sự nằm trong tính toán của các bên.[v]
Trong phần lớn tiến trình lịch sử, chiến tranh được chấp nhận như một quy luật tự nhiên, không thể tránh được và thường là đáng mong muốn của xã hội loài người. Tuy nhiên, trong thế kỷ qua, dường như chiến tranh dang dần đánh mất sự chấp nhận tự nhiên đó và đang trở nên lỗi thời giống như chế độ nô lệ hay các cuộc đấu tay đôi trước đó. Đặc biệt, trong khi chiến tranh theo nghĩa vật chất vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, thì dường như chiến tranh lớn – chiến tranh giữa các nước phát triển – đang ngày càng khó xảy ra hơn khi mà các nước này nắm được vận mệnh của chính mình và quyết định rằng chiến tranh không nên/ không nhất thiết là một phần trong mối quan hệ của họ. Hiện nay, chiến tranh giữa các cựu thù trong thế giới phát triển, chẳng hạn như giữa Pháp và Đức đã trở thành một sự vô lý không thể tưởng tượng được – thậm chí không phải là một lựa chọn có lý trí, và nếu cuộc chiến này có xảy ra thì cũng sẽ bị bác bỏ không phải vì đó là điều không khôn ngoan mà là vì nó hết sức ngớ ngẩn.[vi]
Sự giảm tàn hiển nhiên của chiến tranh, hoặc ít nhất là của những loại hình chiến tranh phổ biến nhất, có thể là một phần của xu hướng lớn hơn, tách biệt với sự chấp nhận một số hình thức giết người có chủ ý, ít nhất là trong thế giới phát triển. Ví dụ như tục giết trẻ sơ sinh để làm vật hiến tế đã giảm đi trong những thế kỷ qua, điều mà theo Barbara Ehrenreich đã từng là “tập quán phổ biến trong nhiều nền văn hóa khác nhau, từ các bộ tộc nhỏ đến các nền văn minh đô thị vĩ đại”.[vii] Một hiện tượng mới hơn đã được David Garfield tóm lược lại như sau:
Hiện tại mặc dù không hoàn toàn đồng thuận với nhau nhưng vẫn có có một sự nhất trí tương đối giữa các nhà sử học rằng thời kì từ năm 1700 đến nay đã chứng kiến sự thay đổi trong thái độ đối với bạo lực, sự ác cảm tăng lên đối với tất cả các thể loại tội ác, và sự xuất hiện của một hệ thống quan điểm mới làm thay đổi bản chất của các mối quan hệ và lối hành xử giữa con người với nhau.[viii]
Trước hết, rõ ràng là việc thực thi công lý một cách phi chính thức – do các đội dân phòng, các nhóm phân biệt chủng tộc hay các nhóm vũ trang – đã giảm đi. Các hình thức tử hình từng được chấp nhận trước đây như để giải quyết những mối thù truyền kiếp hay nợ máu nhìn chung cũng ít xuất hiện hơn trong nhiều nền văn hóa. Donald Horowitz cũng ghi nhận sự suy giảm rõ nét và có lẽ là có liên quan đến nhau của những cuộc bạo động chết người ở phương Tây.[ix] Các cuộc đấu tay đôi từng diễn ra thường xuyên trong một số tầng lớp xã hội nhất định cũng đã trở nên lạc hậu. Việc kết án tử hình những kẻ giết người cũng đã được xóa bỏ ở hầu hết các nước phát triển, và sự tra tấn thể xác từng rất phổ biến cũng đã ngừng được áp dụng. Cuối cùng, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giết người hay việc sử dụng bạo lực với con người nói chung phổ biến hơn ở những thế kỉ trước, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.[x]
Những lý giải khác cho sự suy giảm của chiến tranh
Khi nhấn mạnh vào sự thay đổi thái độ đối với chiến tranh để giải thích sự suy giảm của nó, tôi đồng ý với nhận xét của Robert Dahl rằng:
Do bận tâm đối với sự vững chắc của lý thuyết và không hài lòng với “sự mềm dẻo” của các mô tả, khái quát và lý giải lịch sử, hầu hết các nhà khoa học xã hội đã quay lưng lại với sự vận động mang tính lịch sử của các ý tưởng. Kết quả là, các lý thuyết của họ, dù “vững chắc” đến đâu, cũng đã bỏ sót một biến số mang tính lý giải quan trọng và thường dẫn tới những giản hóa luận ngây thơ.[xi]
Theo Dahl, vì niềm tin và tư tưởng thường là “một biến số độc lập chủ yếu”, việc lờ đi những thay đổi trong tư tưởng, ý thức hệ và thái độ đồng nghĩa với việc bỏ qua những điều quan trọng. Nghĩa là, các tư tưởng luôn để lại những hậu quả.[xii]
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số cách lý giải khác cho sự suy giảm của chiến tranh. Một vài quan điểm trong số này nhấn mạnh ảnh hưởng của công nghệ, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, số khác nhấn mạnh tác động của phát triển kinh tế, chi phí chiến tranh tăng lên, sự trỗi dậy của thể chế dân chủ, gia tăng thương mại quốc tế hay là vai trò của các thể chế quốc tế.
Vũ khí hạt nhân
Trong quá trình đi tìm lời giải thích cho bước ngoặt không gắn với sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử – sự biến mất tuyệt đối vô tiền khoáng hậu của các cuộc chiến tranh lớn trong nửa thế kỉ qua – nhiều nhà phân tích đã chỉ ra nguyên nhân chính là phát minh ngẫu nhiên về vũ khí hạt nhân vào năm 1945 và nhấn mạnh vào sự khiếp sợ đặc biệt mà nó mang lại.[xiii] Những phân tích này áp dụng cái được gọi là “giả định phản thực tiễn của Churchill”, một giả định ghi nhận sự xuất hiện của một “nghịch lý kỳ lạ” và một “sự châm biếm tuyệt vời” từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, theo đó vũ khí hạt nhân bao phủ “một khu vực nguy hiểm chết người” với hậu quả tiềm tàng rằng “an toàn sẽ trở thành mầm mống khủng bố đáng sợ, và sự sinh tồn trở thành anh em sinh đôi của sự hủy diệt”.[xiv] Nói một cách ngắn gọn súc tích và ít trau chuốt hơn, giả định phản thực tiễn của Churchill cho rằng nếu vũ khí hạt nhân không được phát minh ra thì khó mà tránh khỏi thảm họa. Có nghĩa là những người điều hành thế giới sau năm 1945 về cơ bản là quá bất cẩn và quá xem thường tính mạng con người, chỉ thích lao vào xung đột, quá bạo ngược, quá háo hức với sự tận diệt, quá kém cỏi, và/hoặc là ngớ ngẩn đến mức không thể tránh không đâm đầu vào hoặc bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lớn khi mà theo dự đoán của họ, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra chắc cũng chỉ bằng sự hủy diệt thảm khốc mà họ vừa trải qua trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì vậy những người căm ghét chiến tranh có lẽ nên nghe theo lời khuyên của Kenneth Waltz và “cám ơn sự phù hộ của vũ khí hạt nhân” hay, theo Elspeth Rostow thì vũ khí hạt nhân xứng đáng giành được giải Nobel hòa bình.[xv]
Tôi nghĩ lập luận ngược lại giả thuyết của Churchill có vẻ hợp lý hơn. Nghĩa là, giả sử vũ khí nhạt nhân không được phát minh ra thì lịch sử của thế giới có lẽ sẽ diễn ra giống như nó đã từng diễn ra.[xvi] Nói một cách cụ thể là vũ khí hạt nhân và khả năng tàn phá của nó không nhất thiết đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới từ năm 1945 quá lo ngại sự lặp lại của những điều đã diễn ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai (hoặc của Chiến tranh thế giới thứ nhất). Suy cho cùng, phần lớn các nhân vật này chính là những người trực tiếp lãnh đạo hoặc truyền nhân của những người đã cố gắng một cách tuyệt vọng, điên cuồng, thống thiết và cuối cùng là bất thành trong việc ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ làm như vậy một phần do sợ hãi – đúng hơn là do họ cảm thấy không thoải mái khi phát hiện ra rằng một cuộc đại chiến khác có thể sẽ còn tệ hơn Chiến tranh thế giới thứ nhất.[xvii] Tôi không hiểu nổi bằng cách nào mà những con người với nhận thức như vậy, vừa trải qua những sự kiện sống động và kinh hoàng như vậy lại trở thành những người, nói nhẹ nhất thì là bất cẩn, mà nặng lời nhất thì là háo hức muốn lặp lại sự thảm khốc đó. Nhưng thực chất đó chính là những gì mà giả định phản thực tiễn của Churchill muốn chúng ta tin.
Và bên cạnh đó cũng có thêm một vài yếu tố quan trọng gây nên sự thoái trào của chiến tranh. Thế giới từ năm 1945 được lãnh đạo bởi những người chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và nhìn chung thì họ hài lòng với nguyên trạng lãnh thổ. Hơn thế nữa, mặc dù ý thức hệ Cộng sản – yếu tố gây lo ngại nhất trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh – chọn đường lối bạo lực, nó thực ra lại nhấn mạnh vào cách mạng nội khối và trong nước chứ không hẳn là một cuộc xâm lược vượt ra ngoài biên giới quốc gia, và đồng thời cũng phải kể đến sự nhấn mạnh vào sách lược đầy thận trọng của Lenin.
Tất nhiên những lập luận này không nhằm phủ nhận rằng việc hoạch định một cuộc chiến tranh hạt nhân là quá kinh khủng và ghê gớm đối với trí óc, đặc biệt là tốc độ phá hủy trên quy mô lớn khủng khiếp của nó. Và tôi cũng không phủ nhận rằng những nhà hoạch định chính sách trong cả giai đoạn khủng hoảng và không khủng hoảng đều nhận thức rõ về những thảm họa mà chiến tranh hạt nhân có thể gây ra. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng sự khủng khiếp của việc lặp lại Chiến tranh thế giới thứ hai cũng để lại ấn tượng không kém và những người lãnh đạo thực chất đang bằng lòng với hiện trạng của thế giới sẽ cố gắng đấu tranh để tránh bất kỳ điều gì mà họ cảm thấy có thể dẫn đến thảm họa. Một cú nhảy từ cửa sổ tầng thứ 50 của một tòa nhà có lẽ sẽ đáng sợ hơn là một cú nhảy từ tầng 5, nhưng bất kì ai thấy rằng cuộc sống này đáng sống, dù chỉ ở mức tối thiểu, sẽ không muốn làm bất cứ hành động nào nói trên.[xviii]
Tuy nhiên, trong khi hình ảnh những đám mây hình nấm không nhất thiết khiến các nhà lãnh đạo thế giới từ sau năm 1945 phải thận trọng về một cuộc đại chiến, có những hoàn cảnh giả định khác trong đó việc sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tỏ ra hữu ích – ví dụ như sự xuất hiện một kẻ cuồng tín may mắn, khôn khéo, liều lĩnh và hung bạo khác như Hitler. Hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp vũ khí hạt nhân có thể làm nên sự khác biệt. Ví dụ như Iraq có thể đã không tấn công Iran vào năm 1980 hoặc Kuwait năm 1990 nếu như hai nước này có vũ khí hạt nhân để đáp trả. Lập luận ở đây không phải là phủ nhận việc vũ khí hạt nhân có thể tạo nên sự khác biệt, nhưng sự tồn tại của nó chưa hẳn cần thiết để tạo nền hòa bình lâu dài mà các nước phát triển đã được hưởng hơn một nửa thế kỷ qua.
Phát triển kinh tế và cách mạng công nghiệp
Trong nỗ lực đánh giá sự trỗi dậy của tinh thần chống chiến tranh trong thế giới phát triển, Michael Howard xem sự phát triển kinh tế như một nhân tố. Ông nhận xét rằng tại một thời điểm, các nước phát triển đã từng được tổ chức thành “xã hội của các chiến binh”, trong đó chiến tranh được xem là “số phận cao cả nhất của loài người”. Nhưng ông cho rằng điều này đã bị thay đổi bởi quá trình công nghiệp hóa khi nó “cuối cùng đã sản sinh ra một xã hội không chuộng chiến tranh mà tập trung vào sự thịnh vượng về vật chất hơn là những bản anh hùng ca”.[xix]
Vấn đề chính của lý luận này, mà có vẻ Howard cũng nhận ra, là tiến trình công nghiệp hóa có quá trình rất phức tạp lắt léo. Giai đoạn giữa 1750 và 1900, các nước phát triển đã trải qua cuộc cách mạng công nghiệp, sự phát triển vượt bậc của kinh tế, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu, sự tiến bộ đáng kể của giao thông và truyền thông, tỉ lệ người biết chữ tăng nhanh, và sự lớn mạnh của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này khuyến khích một số người từ bỏ tinh thần chiến tranh, thì đồng thời nó dường như cũng khiến một số người lại càng yêu thích chiến tranh hơn. Chính Horward đã theo dấu sự tồn tại dai dẳng, thậm chí là trỗi dậy, của tinh thần quân phiệt khi nó kết hợp với làn sóng dân tộc bành trướng chủ nghĩa trong giai đoạn châu Âu tiến hành công nghiệp hóa ở thế kỷ 19. Như vậy công nghiệp hóa có thể tác động đến chủ nghĩa hiếu chiến cũng nhiều như ảnh hưởng của nó lên chủ nghĩa hòa bình. Howard chưa bao giờ thật sự lý giải bằng cách nào hay tại sao quá trình công nghiệp hóa lại chắc chắn dẫn đến tinh thần phản chiến. Thay vào đó, nỗi kinh hoàng và các cuộc tàn sát gắn liền với quá trình công nghiệp hóa lại được ông quy vào “những vấn đề ngày càng lớn của xã hội công nghiệp”.[xx]
Phí tổn cho chiến tranh ngày càng tăng
Carl Kaysen đã kết luận rằng chiến tranh quân sự đang trở nên lỗi thời, và ông đã phát triển một luận điểm tương tự với Howard, nhưng chi tiết hóa hơn về tiến trình, đặc biệt là về khía cạnh kinh tế của nó. Ông lý luận rằng “trong phần lớn lịch sử nhân loại, xã hội được cơ cấu theo định hướng chiến tranh mang lại lợi ích cho người chiến thắng, cả về mặt kinh tế lẫn chính trị”. Tuy nhiên “những biến đổi sâu sắc … mà cuộc Cách mạng Công nghiệp mang lại đã thay đổi các giá trị trong tính toán đó”, dẫn đến việc lợi ích tiềm năng của chiến tranh giảm đi, trong khi phí tổn tiềm năng tăng lên.[xxi] Kaysen có xu hướng giảm thiểu những phí tổn kinh tế của chiến tranh trước kỷ nguyên hiện đại, nhưng rất nhiều nghiên cứu cho thấy chi phí này là đặc biệt cao cho cả người thắng và kẻ thua. Dù sao thì khái niệm “chiến thắng phải trả giá đắt” cũng đã xuất hiện từ cuộc chiến năm 279 Trước Công nguyên.
Theo Frederick Đại đế, nước Phổ đã mất 1/9 dân số trong Cuộc chiến 7 năm, một tỉ lệ cao hơn hẳn tổn thất của bất kỳ quốc gia nào tham chiến trong các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20. Dân số Đức giảm khoảng 15 – 20% trong Cuộc chiến 30 năm, và theo như Kalevi Holsti tính toán, “xét trên số thương vong trực tiếp và gián tiếp, theo tỉ lệ của dân số” thì đó là cuộc xung đột vũ trang mang tính tàn phá lớn nhất của Châu Âu.[xxii] Lawrence Keeley dẫn chứng rằng các cuộc chiến cổ xưa thậm chí còn có tỉ lệ chết chóc cao hơn cả một trong hai cuộc Chiến tranh thế giới.[xxiii] Rất nhiều cuộc chiến tại châu Âu trước đây kéo dài đến khi các bên tham chiến đều cạn kiệt về kinh tế mới thôi. Phân tích của Richard Kaeuper về những tác động của hàng thập kỷ chiến tranh trong cuối thời trung đại đã ghi nhận tình trạng kiệt quệ về tài sản, các ngân hàng phá sản, thương mại đình trệ, dân số suy giảm trên diện rộng, các khu đất trồng trọt biến mất, sản xuất sụt giảm, thu nhập xuống thấp, hệ thống tiền tệ và tín dụng trì trệ, đầu cơ tích trữ vàng, và xuất hiện các loại thuế (kèm theo sự nhũng nhiễu) để sung quỹ cho chiến tranh. Cuộc chiến 30 năm đã kéo nền kinh tế Đức đi lùi hàng thế kỷ, Cuộc chiến 7 năm đưa Áo vào tình trạng gần như phá sản, trong khi nhiều cuộc chiến tranh cổ đại về cơ bản đã phá hủy toàn bộ các xã hội. Hơn nữa, các cuộc nội chiến thường là sự tiến hành chủ nghĩa bạo ngược một cách có tổ chức, nó phá hủy cả hai phía, và nhiều cuộc chiến tranh cổ đại về cơ bản đã xóa bỏ toàn bộ xã hội. Thật ra, theo Keeley, bởi vì các phí tổn chiến tranh là quá cao đối với các xã hội cổ đại, do đó chiến tranh lẽ ra phải ít xảy ra giữa họ hơn là giữa các nhà nước và đế chế, nhưng có vẻ sự việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại.[xxiv]
Mặt khác, trong vòng vài năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hầu hết các quốc gia tham chiến về căn bản đã phục hồi về mặt kinh tế: năm 1929, kinh tế Đức đã hoàn toàn phục hồi như giai đoạn trước cuộc chiến, trong khi nền kinh tế Pháp đã tăng 38% so với trước chiến tranh. Không những thế, nước Đức đã phục hồi nền kinh tế từ những tàn phá của Chiến tranh thế giới thứ hai trong vòng 5 năm, trong khi Nhật Bản – vốn nghèo hơn, và thậm chí còn bị tàn phá nặng nề hơn trong cuộc chiến đó, đã phục hồi trong vòng chưa đến 10 năm. Trong số những người chiến thắng, Chiến tranh thế giới thứ hai chắc chắn là một mối lợi kinh tế cho Mỹ (và số thương vong mà quốc gia này gánh chịu, theo tỉ lệ phần trăm với dân số, là rất nhỏ so với số thương vong trong bao nhiêu cuộc chiến trước đó). Không chỉ từ lâu được biết đến với sức tàn phá kinh khủng, thậm chí là hủy diệt, mà nhiều người còn tin rằng những cuộc chiến tranh khủng khiếp hơn những gì được biến đến. Thật ra, nhìn chung thì các câu chuyện chiến tranh thường phóng đại quy mô tàn phá và thương vong. Ví dụ, một truyền thuyết thịnh hành hàng thế kỷ sau Cuộc chiến 30 năm kể rằng Đức đã mất 75% dân số trong cuộc chiến đó.[xxv] Tuy nhiên, những niềm tin và trải nghiệm đó chưa bao giờ gây ra một sự hoang mang trên diện rộng về chiến tranh như một thể chế, hay khuyến khích các nhu cầu hiệu quả và có tổ chức về việc loại bỏ chiến tranh. Thay vào đó, chiến tranh tiếp tục được chấp nhận như một cách thức giải quyết xung đột thông thường.
Alan Milward nhận định “Câu hỏi có ý nghĩa nhất là liệu chi phí chiến tranh có ngốn mất một tỷ lệ ngày càng lớn trong Tổng sản lượng quốc gia ngày càng tăng của các nước tham chiến hay không. Với tư cách là một lựa chọn kinh tế, chiến tranh, tính toán theo cách này, không thể hiện xu hướng gia tăng về phí tổn một cách rõ ràng và lâu dài.”[xxvi] Hơn nữa, theo luận điểm của Howard, vấn đề là sự bành trướng mạnh mẽ về phát triển kinh tế ở châu Âu thế kỷ 19 không chỉ kèm theo xu hướng hòa bình (suy cho cùng), mà còn có khát khao đầy lãng mạn về quá trình thanh lọc của chiến tranh.


Chú thích
[i] M. Howard, “A Death Knell for War?”, New York Times Book Review
[ii] John Keegan, A History of Warfare(New York: Alfred A. Knopf : Distributed by Random House, Inc., 1993).
[iii] Mary Kaldor, New and Old Wars : Organized Violence in a Global Era(Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1999)., p.5; R. Jervis, “Theories of War in an Era of Leading Power Peace”, American Political Science Review, 96 (2002), p.1; J. Record, “Collapsed Countries, Casualty Dread, and the New American Way of War”, Parameters, Summer (2002), p.6. Xem thêm M. Mandelbaum, “Is Major War Obsolete?” Survival, 40, 4 (1998-9), pp. 20-38; M. Mandelbaum, The Ideas That Conquered the World: Peace, Democracy, and Free Markets in the Twenty-first Century (New York: Public Affairs, 2002); P. Johnson, “Another 50 Years of Peace?” Wall Street Journal, 9May 1955; A. Mack, “Civial War: Academic Research and the Policy Community”, Journal of Peace Research, 39, 5 (2002), p. 523.
[iv] Xem J. Mueller, Quiet Cataclysm: Reflections on Recent Transformation of World Politics (New York: HarperCollins, 1995), ch. 9.
[v] Xem Mueller, Retreat from Doomsday: The Obsolescence of Major War (New York: Basic Books, 1989), chs. 3-9. Về Hitler, xem thêm J. Mueller, The Remnants of War (Ithaca: Cornell University Press,2004), pp. 54-65.
[vi] Xem Mueller, Retreat from Doomsday, pp. 240-4.
[vii] B. Ehrenreich, Blood Rites: Origins and History of the Passions of War (New York: Metropolitan, 1997), p. 61. Xem thêm R.C. Forsberg, “Socially-Sanctioned and Non-Sanctioned Violence: On the Role of Moral Beliefs in Causing and Preventing War and Other Forms of Large Group Violence”, in R. Stanley (ed.) Gewalt und Konflict in Einer Globalizierten Welt: Festschrift fur Ulrich Albrecht (Wiebaden: Westdeuscher Verlag, 2001).
[viii] D. Garfield, Punishment and Modern Society: A Study in Social theory (Chicago: University of Chicago Press, 1990), p.232.
[ix] D.L. Horowitz, The Deadly Ethnic Riot (Berkeley: University of California Press, 2001), pp. 560-5.
[x] Về án tử hình, xem Garfield, Punishment and Modern Society, pp. 225-9. Về xu hướng án giết người, xem J.B Given, Society and Homicide in Thirteenth Century in England (Standford: Stanford University Press, 1977); T.R. Gurr, “Historical Trends in Violent Crime: A critical Review of the Evidence”, Crime and Justice, 3 (1981), pp. 295-353; Garfield, Punishment and Modern Society, pp 230-1; L.H. Keeley, War Before Civilization: The Myth of the Peaceful Savage (New York: Oxford University Press, 1996), p.118; C.Tilly, The Politics of Collective Violence (New York: Cambridge University Press, 2003), pp. 60-1. Đấu súng tay đôi không còn phổ biến vì nó được xem như một dạng hành vi kỳ quặc, chứ không phải vì có các hình thức giải quyết xung đột ưu việt hơn. Xem Mueller, Retreat from Doomsday, p. 10.
[xi] R.A. Dahl, Polyarchy (New Haven, Yale University Press, 1971), pp.182-3, 188.
[xii] Ibid. Xem thêm A. Wendt, Social Theory of International Relations (New York: Cambridge University Press, 1999), ch. 3.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét