Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ TÁC PHẨM “BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG”


 

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

 

Tác phẩm Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của Giáo Hoàng John Paul II làm tôi suy tư không ít. Lý do là tôi không muốn làm gì bất kính đối với Giáo Hoàng. Ai cũng biết nay Ngài là một vị lãnh đạo gần 1 tỉ người Công giáo, và đã lãnh đạo một giáo đoàn đông như vậy rất là vững vàng và cứng rắn. Ngài được báo Times đăng hình vào bìa báo 12 lần trong 16 năm nay. Quyển sách nói trên của Ngài hiện nay bán chạy nhất trong 20 quốc gia. Ngài đi công du riêng ở Ý là 119 lần, và đi công du khắp thiên hạ đến nay là 63 lần. Ngài rất được thế giới và báo chí kính trọng.

Tôi có cả hai bản Anh và Việt, và tôi đọc cũng khá kỹ càng. Đọc xong quả tình tôi thấy hơi thất vọng, vì sách ngài thật ra không có gì cao siêu. Ngài trả lời các câu hỏi rất khéo léo. Vittorio Messori đặt ra những câu hỏi thật quái ác. Ngài trả lời mà thành ra không trả lời gì. Thật là tài tình. Ngài đọc nhiều, và viện dẫn nhiều thánh hiền, nhiều thông điệp. Thành thử nhiều khi không biết chân ý Ngài ra sao.

Xin viện dẫn một thí dụ: Nơi chương 8, Vittorio Messori đặt câu hỏi rõ ràng rằng: Việc Đức Kitô hy tế nhằm cứu chuộc nhân loại có cần thiết không? Trong câu trả lời Ngài toàn bàn về lịch sử Tư Tưởng Âu Châu từ Descartes đến Newton, và cho biết phong trào này đã loại trừ Thượng Đế ra khỏi “tri thức khách quan của thế giới” v.v… và Ngài không hề đã động tới câu hỏi trên.

Tiện đây tôi cũng xin góp ý rằng bản dịch tiếng Việt cũng không được xuất sắc mấy, ngoài ra còn nhiều đoạn dịch sai. Ví dụ: trang 75, dịch: “Ngược lại vấn đề Thiên Chúa bị phỉ báng và khước từ trong sinh hoạt trí thức như vậy là một vấn đề chủ yếu,” mà nguyên văn là: “It was crucible, however that such a God be expelled from the world.” (tr.53) (Tuy nhiên, một Thượng Đế như vậy cần phải loại bỏ ra khỏi thế giới này), thì tôi thấy bản dịch có vẽ phức tạp và không lột được hết ý nguyên văn. Ví dụ chữ Modern immanentism (chủ nghĩa nội tại) mà dịch là Duy lý chủ nghĩa thiết tưởng không đúng. Hoặc chữ God  of the deists mà dịch là Thiên Chúa của các thần minh thì chắc chắn là không đúng v.v…

 

Bài Ngài bình luận về đạo Phật, theo tôi Ngài đưa ra bốn ý tưởng sau :

1.      Nhận định và phê bình Phật giáo. 

2.      Lịch sử khoa huyền học Công giáo, và Phật giáo có thể đem nhập hội được vào nhóm này.

3.      Cần chấp nhận gian trần này và phát huy nó, vì Chúa muốn thế.

4.      Bàn về phong trào Thời đại mới (New Age) do nhóm Giác Ngộ (Gnostics) gây nên.

Trước hết là nhận định và phê phán Phật giáo:

Theo tôi Phật giáo rất là đơn giản: Con người cần đi sâu vào nội tâm,  mà tìm cho ra con đường giải thoát. Phải nhận ra rằng khổ đau của con người là do Tham, Sân, Si, do Vô Minh gây ra. Và lăn lộn trong vòng Vô Minh, sân hận đó chính là bị đọa đày trong cảnh vô thường, luân hồi đau khổ. Phải dùng tuệ giác mới thoát ra khỏi vùng luân hồi sinh tử khổ đau đó, mới mong tìm được trường sinh bất tử, tìm ra được Niết Bàn. 

Giáo Hoàng không cần biết gì là Vô Thường, Vô Ngã, không cần biết cái gì là Trường Sinh vĩnh cửu, nên chỉ trong ít hàng là xổ toẹt đạo Phật, và cho đó là một giáo lý tiêu cực, trốn tránh sự đời. Nơi tr.40, Ngài viết: “Nhãn quan của Phúc Âm không dành một khoảng trống nào cho bất cứ một thứ niết bàn nào, một thờ ơ nào, một nhẫn nhục nào”.

Thực ra Phật giáo có bao giờ xin Ngài cho một chỗ đứng nào đâu? Nơi tr.105, Ngài lại nói tương tự:

Phật giáo theo nhận định rộng rãi là một hệ thống không đề cập đến Thượng Đế hay Trời đất (Vô Thần). Chúng ta không giải thoát chính mình khỏi sự dữ nhờ chính sự thiện đến từ Thiên Chúa; chúng ta chỉ giải thoát chính mình qua việc tách rời khỏi thế giới vô thường. Hành động tách rời không phải là sự thông hiệp với Thiên Chúa, nhưng Niết Bàn chỉ là tình trạng hoàn toàn thờ ơ trước thế giới. Ơn cứu độ trên tất cả là sự giải thoát khỏi sự dữ, bằng cách hoàn toàn tách biệt với thế giới huyễn tượng chính là nguồn sự dữ (sinh, lão, bệnh, tử). Đó chính là cao điểm của diễn trình tâm linh trong Phật giáo.

Tôi thấy luận điệu của Ngài có nhiều sơ hở. Trước hết Phật giáo đề cao sự hiểu biết về con người, và khuyên mọi người tìm cho ra chân tướng của mình, tìm cho ra Phật tính của mình, chẳng lẽ điều đó là sai trái hay sao, chẳng lẽ cần Thượng Đế xen vào hay sao.

Phật giáo cho rằng vũ trụ này có 2 thành phần: Một là cốt lõi bất biến, (Niết bàn, Chân Như môn), hai là các hiện tượng biến thiên vô thường vô định bên ngoài (Luân Hồi, Sinh diệt môn). Phải rũ bỏ mọi biến thiên mới tìm lại được cái Bất biến bên trong. Như vậy là Niết Bàn nằm sẵn trong Luân Hồi. Nếu Niết Bàn là trường sinh, vĩnh cửu thì Thượng Đế cũng trường sinh, vĩnh cửu, và Ngài đã ở sẵn trong ta như lời Thánh John of the Cross đã nói: “Tâm điểm linh hồn con người là Thượng Đế.”

Tẩy rửa tâm hồn như vậy chính là gột rửa hết mọi biến thiên vô thường, vô định để tìm ra bộ mặt chân thật và siêu tuyệt của con người. Chẳng lẽ nói thế là sai trái hay sao? Chính Ngài đã cho biết Ngài say mê John of the Cross, chẳng lẽ Ngài không biết những tư tưởng trên hay sao.

Trong khi bàn về Phật giáo Ngài luôn dùng hai chữ Thiện Ác, chẳng lẽ Ngài không biết Phật giáo đề cao siêu suất trên Thiện Ác và lên tới Bất Nhị Pháp Môn (Advaita) hay sao? Cho nên, đọc những lời Ngài bình về Phật giáo, tôi có cảm tưởng như Ngài hầu như không hiểu gì về Phật giáo. Có thể là tôi không hiểu nổi Ngài chăng? Ta cũng không nên đòi hỏi Ngài quá nhiều, và những gì Ngài sai sót chung quy là tại người chưa nghiên cứu sâu xa mà thôi. Vả lại đại diện Ngài cũng đã xin lỗi Phật giáo rồi mà, chúng ta còn trách cứ Ngài làm chi?

Thứ hai là Ngài bàn về lịch sử khoa huyền học Công Giáo và cho rằng Phật giáo có thể hội nhập vào khoa trên. Ngài đi từ các nhà Huyền học Bắc Âu như Eckhart, Tauler, Suso, đến các nhà huyền học Tây Ban Nha như John of the Cross , như Teresa of Avila, đến các nhà thần học Kinh Viện như Thomas Aquinas, và đến các vị hiển thánh cận kim như Vincent de Paul, như Gioan Bosco, v.v…

Theo tôi điều đó không sai. Cái sai của Ngài là nói rằng: Khoa thần bí Carmelo này khởi đầu chính ở điểm mà những suy tư của Đức Phật dừng lại, và những chỉ dẫn tâm linh của Ngài. (tr.106). Câu nói trên hoàn toàn là vô căn cứ. Ngài làm sao biết được tư tưởng John of the Cross , và của Đức Phật mà biết tư tưởng nào ngừng ở đâu và bắt đầu từ đâu.

Thứ ba, Ngài cho rằng phải can thiệp vào chuyện đời, phải có mối tương quan tích cực đối với thế giới, và Ngài cho rằng Công Giáo đã đóng góp vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay (tr.107).

Tôi nhận thấy rằng chạy ra bên ngoài để lo chuyện đời không phải là chuyện của những người đạo cao đức cả, vì họ là những người chuyên hướng về nội tâm để tìm những điều cao siêu. Chuyện đời phải để cho người thế lo, chứ đó không phải là chuyện của Giáo Hội.

Thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu đã viết :

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương…

Tôi nhận thấy Giáo Hội Công Giáo đã ngăn cản tiến bộ khoa học thì đúng hơn. Tập Kỷ Yếu Syllabus mà Giáo Hoàng Puis IX (1846 - 78) ra ngày Dec. 8, 1864 có ghi lại những sai lầm của thời đại mới, và cho đến mãi những năm sau Vatican II (1963 -1965), Giáo Hội vẫn còn mang tiếng là thù địch của Khoa Học.

Lecomte du Nouy viết: Kinh nghiệm cho thấy có nhiều giáo hữu đau lòng vì những mâu thuẫn tưởng tượng giữa tâm thần và lý trí họ, giữa tín ngưỡng và khoa học. (xem Nguyễn Văn Thọ, Lecomte du Nouy và học thuyết Viễn Đích, tr.292) ; (xem thêm Tại sao không theo Đạo Chúa, tr.129 - 131) .

Tuy nhiên, Ngài chủ trương phải liên tục dấn thân để biến đổi và hoàn thiện trần gian (tr.107), và thế giới này đã được giải thoát và thay hình đổi dạng để tiến tới viên mãn (Gaudium and Spes). (tr.108) Thực là một tư tưởng hết sức mới lạ đối với tôi, vì xưa nay Giáo Hội thường dạy thế gian này là chốn khách đầy, là thung lũng lệ châu, chứ đâu có dạy về Thuyết Tiến Hóa là vũ trụ này sẽ đi đến thành toàn. Mà làm sao vũ trụ này sẽ đi đến thành toàn được vì chính Chúa Giêsu và các tông đồ đã tiên tri là ngày thế mạt đã gần kề (Mat. 24; 26-32; Marc 13; 24-32; Luc 20; 25-32; I Peter 3; 7; I Thessa. 4; 15; Rev. 22; 10-13) và chắc chắn là Giáo Hoàng không thể chối cãi được chuyện này.

Hơn nữa Ngài cũng đã quên khuấy những lời Chúa Giêsu phán rõ như đèn là “Nước ta không phải là nước thế gian” (John. 18; 36), hay “được lợi lãi cả thế gian mà là lỗ vốn mất linh hồn thì được lợi ích gì ?” (Mat. 16; 26) hay lời Chúa trách bà Martha (Luc. 10; 41): “Martha,  Martha, người lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Cần thì ít thôi, hay một điều thôi.”

Ngài trách Phật giáo là tiêu cực, không chịu dấn thân vào đời, nhưng xưa nay tôi chưa thấy chính quyền nào đã chê Phật tử là không chịu đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Thật ra con người xưa nay đã chịu định luật là “Trẻ đi ra, già đi vô”, “trẻ lo đời, già lo đạo” có vậy mọi sự mới được hẳn hoi.

Cuối cùng Ngài bàn về Thời đại mới và môn phái Giác Ngộ. Quả thật môn phái Giác Ngộ đang được sống lại ngay trên đất Mỹ này. Ví dụ như ở Los Angeles có trụ sở Sophia Gnostic Center, do Stephen  Hoeller đứng đầu. Tôi ghi lại vài nét chính yếu của môn phái này:

1.      Họ muốn đi tìm lại Bản lai diện mục của con người. Họ viết : Giác ngộ là tìm hiểu chính mình, xem mình trước kia là ai, và bây giờ là ai, để có thể tìm lại con người trước kia của mình.

2.      Họ là những người đi tìm thần linh nội tại trong tâm hồn, tìm cho ra Vô Cùng trong dạ. Họ tin rằng những điều ta hay biết là những gì hời hợt bên ngoài, nhưng trong ta còn có cái gì kỳ bí dạy ta tại sao bị khổ sở trong thế giới này, hãy quên nó đi, và hãy trở về quê cũ trong những miền ánh sáng xa xăm. Môn phái này cho rằng Thần Linh nội tại đã tìm ẩn trong lòng con người, và nếu gặp chân sư thì Thần Linh nội tại có thể trở nên sống động.

3.      Họ tin rằng con người có Tiểu Ngã và Đại Ngã.

Họ đi tìm bản thể rốt ráo của con người. Họ không theo ai, ngoài ánh sáng tâm linh trong lòng họ, họ không tin vào đấng Cứu Thế nào ngoài sức mạnh tâm linh họ. Họ không muốn trở thành tín hữu Tôn Giáo suông, nhưng còn muốn trở thành đấng Christ. Như vậy thì tôn chỉ của môn phái này cũng na ná như của thánh hiền Huyền đồng Thiên Chúa giáo, nhưng xem ra Giáo Hoàng không mấy ưa họ.

Như Giáo Hoàng đã nói: Từ Descastes tới nay, đã có một “chuyển hướng triết học rộng lớn lấy con người làm trung tâm điểm vũ trụ” (tr.72). Và chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa “duy lý chủ nghĩa và chủ quan chủ nghĩa tân thời”. (tr.73). Tôi mạn phép nói lộn lại cho dễ hiểu hơn. Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa Chủ quan chủ nghĩa (Subjectivism) và Thần linh nội tại chủ nghĩa (Immanentism). Nói thế, không ai hiểu. Xin giảng thêm như sau: Triết học Âu Châu xưa nay chỉ chủ trương hướng ngoại (extraversion or extroversion), cho nên ai nói chuyện nội quan, quán chiếu, hay nhìn vào nội tâm (Introspection) thì cho đó là cái nhìn chủ quan (subjective), không khách quan (objective) và không đáng tin cậy. Nhưng triết học Âu Châu nghĩ vậy là lầm. Con người phải biết nội quan, quán chiếu rồi ra mới tìm ra được Thần Linh Nội Tại trong mình. Một triết gia mà không biết thế nào là nội quan, quán chiếu, thì không đáng gọi là triết gia.

Và Giáo Hoàng cho đó là một nguyên nhân làm cho con người xa dần Giáo hội (tr.73-74). Tôi thấy nhận xét của Giáo Hoàng rất đúng. Và trong tương lai nhất định là “Con người sẽ đi sâu vào nội tâm để mà tìm Đạo tìm Trời”, sẽ không còn cần thiết những lễ nghi hình thức bên ngoài nữa. Nên nếu Giáo Hội không chuyển mình kịp, không thay đổi giáo điều để thích nghi với hoàn cảnh mới, thì trong tương lai nhân loại sẽ còn xa rời Giáo Hội nhiều hơn nữa. Lý do là vì Giáo Hội Công Truyền không mang lại cho Con Người một chiều kích sâu xa về tâm hồn, điều mà chỉ có các thánh hiền huyền học mới làm được.

Năm 1989, tôi đã bàn về vấn đề này trong bài “Ra đời vào đạo”. Tôi xin trích ra đây một đoạn như sau: Càng ngày tôi càng trông tỏ hai nẻo đường, mà nhân loại bắt buộc phải băng qua.

1- Nẻo đường hướng ngoại, để thích ứng với hoàn cảnh. (Từ bé đến 35 tuổi).

2- Nẻo đường hướng nội, để tiến hóa, để đắc Đạo, phối Thiên. (Từ 35 tuổi trở đi).

- Nẻo đường 1, tôi gọi là Âm Lộ, vì càng ngày càng trở nên hôn trầm, ám muội (từ quẻ Cấn đến quẻ Khôn).

- Nẻo đường 2, tôi gọi là Dương Lộ, là nẻo tiến về phía tâm linh, đưa đến sáng láng, và giải thoát con người (từ quẻ Phục đến quẻ Kiền).

Nẻo đường hướng ngoại, trớ trêu thay, lại là nẻo đường của các đạo giáo Công truyền trên thế giới.

Phẩm chất của các đạo giáo này là phẩm chất ngoại tại: Thượng Thần ngoại tại, chân lý ngoại tại, lề luật ngoại tại, quyền uy ngoại tại, thưởng phạt ngoại tại, đền đài, miếu mạo ngoại tại, kinh sách ngoại tại. Những người bước chân vào con đường này, dần dần bị cấm suy, cấm nghĩ, cấm so sánh, càng ngày càng bị “Viễn cách chỉ huy” (remotely controlled), và dần dà trở thành những hình nộm trên sân khấu đời… mang danh Đi Đạo, mà suốt đời chẳng biết thế nào Đạo.

Con người được lồng vào trong những khuôn sáo mà xã hội đã tạo dựng nên. Những khuôn sáo này chính là chiếc giường cố định của Procrustes. Ai lùn, ai ngắn thì sẽ kéo cho xương khớp lìa tan, miễn là phải vừa với khổ giường; ai dài, ai lớn thì chặt bớt đi cho ngắn lại. Đi vào con đường này chỉ thấy toàn là kỷ luật, còn tự do, hạnh phúc chỉ là những danh từ hảo, hữu danh, vô thực.

Những đạo giáo công truyền này hết sức khác biệt nhau nhưng đều được giảng dạy cho con người từ khi còn tấm bé. Chính vì đối tượng của chúng là Con Người Ấu Trĩ nên dĩ nhiên chúng cũng rất ấu trĩ. Suy cho cùng, chúng cũng có ích cho nhân loại, vì chúng đóng góp nhiều vào công cuộc giữ gìn an ninh trật tự xã hội, giúp con người đối xử hẳn hoi với con người, ít là trên hình thức bên ngoài, và theo tầm nhìn lối nghĩ của các Giáo Hội. Các đạo giáo Công Truyền nói trên chỉ dạy phải thờ Trời, thờ Chúa, thờ Allah, thờ Phật, và cho rằng con người chỉ làm được công chuyện như vậy mà thôi.

Con đường thứ hai là con đường hướng nội, là con đường đem lại an bình tâm hồn thật sự, và giải thoát thật sự. Ấn Độ xưa đã gọi giải thoát là Yoga, Moksa, Kriya Yoga và ngày nay người ta gọi là self-Realization, hay God Realization (Thực hiện Tự Tánh, Thực Hiện Thượng Đế) v.v… Phẩm chất của đạo giáo Mật truyền này - một NỘI GIÁO DUY NHẤT CỦA NHÂN QUẦN - là Thần Linh nội tại, chân lý nội tại, lề luật nội tại, quyền uy nội tại, thưởng phạt nội tại, kinh sách nội tại, đền đài miếu mạo nội tại. Thần Linh nội tại chính là Căn Nguyên con người; kinh sách, lề luật chính là Lương Tâm con người. Tất cả đều là thiên nhiên, vĩnh cửu. Đền đài chính là thân tâm con người.

Con người được khuyến khích suy tư, khuyến khích tìm cầu, khuyến khích thoát khỏi những gì tù túng, trói buộc con người. Nó có mục đích giúp con người vươn vượt lên trên thân phận con người, trở thành thần linh, ngay từ khi còn ở gian trần này, hưởng hạnh phúc tâm linh, ngay từ khi ở gian trần  này. Thực vậy, muốn biết mình có chứng đạo hay không, chỉ cần kiểm điểm xem mình có được hạnh phúc thật sự hay không, con người mình có quang minh chính đại hay không, có hồn nhiên, tiêu sái hay không.

Vì nó không đòi hỏi con người phải sống cố định theo khuôn khổ gian trần nào mà chỉ đòi hỏi phát huy những khả năng vô biên sẵn có nơi mình, thực hiện tinh hoa còn tiềm ẩn nơi mình, nên con người càng ngày càng thấy mình có thể triển đương tiến hóa vô tận. Loại đạo giáo này dành cho những tao nhân, mặc khách, những tâm hồn cao siêu, khoáng đạt.

Con người thường tìm ra được NỘI GIÁO này lúc đầu đã hoa râm, lúc tuổi đã 35-40 và thường có may mắn là gặp được Chân Sư chỉ dạy. Nó có mục đích dạy người thành Thần, thành Phật, thành Trời chứ không dạy lạy Trời, lạy Phật, vì trong tương lai mai hậu con người sẽ tiến tới địa vị khả kính trên.
Trên đây, Giáo Hoàng cho biết hiện nay nhân loại đang đứng trên ngưỡng cửa Chủ quan chủ nghĩa (Subjectivism) và Nội Tại chủ nghĩa (Immanentism) (tr.75), và thấy rằng vì thế mà nhân loại đang rời khỏi KiTô giáo. Đó là một nhận xét vô cùng tinh tế: Nhân loại ngày nay thực tình đang muốn  đi sâu vào tâm hồn để tìm ra thần linh nội tại trong tâm. Như vậy mới thực là Nước Trời ở trong anh em (Luc 17;21). Mong rằng Ngài không chê trào lưu tư tưởng mới này, chẳng những thế còn đóng góp cho nó phát triển.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét