Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

100 câu hỏi thường gặp về Tân Hiến Pháp

Dưới đây là 100 câu hỏi thường gặp về Tân Hiến Pháp hay còn gọi là Hiến Pháp 7 của Đại Việt Dân Quốc. Để đọc toàn văn bản hiến pháp mới dành cho nhân dân Việt Nam. Các bạn có thể tới trang www.hienphapvietnam.org để đọc toàn văn.


Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng. Cánh Hữu và cánh Tả sai lầm ở những điểm nào (3)

Tháng 6 27, 2013

Jerry Z. Muller
Trần Ngọc Cư dịch
Gia đình và vốn con người
Trong môi trường toàn cầu hóa, tài chính hóa, hậu công nghiệp ngày nay, vốn con người là quan trọng hơn bao giờ hết trong việc quyết định những cơ may trong đời. Điều này  khiến vai trò của gia đình trở nên quan trọng hơn cũng bởi vì, các nguồn lực do gia đình truyền lại cho con cái có xu thế định đoạt rất nhiều cho sự thành công ở nhà trường và nơi làm việc, như phát hiện luôn lặp lại của mọi thế hệ các nhà nghiên cứu xã hội và khiến họ tiu nghỉu. Như chuyên gia kinh tế Friedrich Hayek đã vạch ra nửa thế kỷ trước trong cuốn The Constitution of Liberty (Hiến pháp của Tự do), trở ngại chính cho sự bình đẳng về cơ hội là ta không thể tìm được một cơ chế tốt hơn để thay thế những vị phụ huynh thông minh hay những gia đình biết bồi dưỡng tình cảm và văn hóa cho con cái. Theo một nghiên cứu gần đây của hai nhà kinh tế Pedro Carneiro và James Heckman, “Những khác biệt về trình độ kỹ năng nhận thức (cognitive skills) và các kỹ năng không thuộc phạm vi nhận thức (noncognitve skills) xuất hiện sớm trong đời người và tồn tại mãi. Có chăng là, học vấn chỉ đào sâu thêm những khác biệt đầu đời này mà thôi”.
Vốn di truyền nằm dưới nhiều dạng thức khác nhau: cơ cấu gien (genetics), sự nuôi dưỡng trước và sau khi đứa trẻ sinh ra, và các định hướng văn hóa được truyền đạt trong gia đình. Hẳn nhiên, tiền bạc cũng quan trọng, nhưng thường không quan trọng bằng những yếu tố gần như không liên quan đến tiền bạc này. (Sự hiện hữu nổi bật của sách báo trong một hộ gia đình là dấu hiệu con cái đạt điểm cao ở học đường, chứ không phải là lợi tức của gia đình đó.) Qua thời gian, nếu xã hội được tổ chức dựa vào chế độ nhân tài, vốn di truyền gia đình và phần thưởng thị trường sẽ có có xu thế gắn bó với nhau.
Những cha mẹ có học vấn thường có khuynh hướng đầu tư thêm thì giờ và năng lực cho việc chăm sóc con cái, thậm chí khi cả cha lẫn mẹ đều bận việc ở sở làm. Và những gia đình có vốn con người phong phú có khả năng sử dụng hiệu quả hơn những phương tiện giáo dục cải tiến mà chủ nghĩa tư bản đương đại cống hiến (chẳng hạn tiềm năng bồi dưỡng tri thức qua Internet) đồng thời chống lại những cạm bẫy tiềm ẩn (như xem TV và chơi các trò chơi vi tính).
Điều này ảnh hưởng đến khả năng của trẻ em trong việc vận dụng nền giáo dục chính thức ở nhà trường, một nền giáo dục ít ra cũng có tiềm năng ngày càng mở rộng để đón tiếp mọi người, bất chấp địa vị kinh tế hay sắc tộc. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có 6,4 % trẻ em Mỹ hoàn tất bậc trung học, và chỉ một trong 400 người tiếp tục lên đại học. Như vậy, thời bấy giờ một bộ phận dân chúng rất đông đảo có khả năng trí óc, nhưng không có cơ hội, để theo đuổi các bằng cấp cao. Ngày nay, tỉ lệ học sinh Mỹ hoàn tất bậc trung học là khoảng 75% (xuống từ đỉnh cao 80% năm 1960), và khoảng 40% thanh niên đăng ký theo học đại học.
Tờ The Economist gần đây đã nhai lại một quan niệm lỗi thời: “Trong một xã hội có cơ hội đồng đều rộng rãi, địa vị của cha mẹ trên thang lợi tức sẽ không mấy ảnh hưởng đến nấc thang lợi tức của con cái họ về sau”. Nhưng sự thật là, càng có cơ hội đồng đều do cơ chế tạo ra bao nhiêu, thì các di sản thuộc vốn con người của gia đình lại càng quan trọng bấy nhiêu. Như nhà khoa học chính trị Edward Banfield nhận xét một thế hệ trước đây trong cuốn The Unheavenly City Revisited [một tác phẩm xét lại các vấn đề đô thị Mỹ, ND], “Toàn bộ nền giáo dục luôn ưu đãi trẻ em thuộc giai cấp trung lưu hoặc thượng lưu, vì thuộc về giai cấp trung lưu hay thượng lưu có nghĩa là hưởng được những phẩm chất tốt đẹp giúp cho việc học tập đặc biệt dễ dàng”. Những cải tiến về phẩm chất trường học có thể cải thiện thành quả giáo dục nói chung, nhưng chúng có xu thế làm gia tăng, chứ không giảm bớt, khoảng cách thành đạt giữa con em xuất thân từ những gia đình có vốn con người chênh lệch nhau. Những nghiên cứu gần đây với mục đích chứng minh rằng tại Hoa Kỳ ngày nay sự thăng tiến xã hội giữa các thế hệ (intergenerational mobility) ít diễn ra hơn so với trong quá khứ (hay so với tại một số quốc gia châu Âu), đã không thấy được rằng sự kiện này thật ra có thể là sản phẩm trớ trêu của nỗ lực gia tăng bình đẳng về cơ hội qua nhiều thế hệ. Và trong khía cạnh này, có thể Hoa Kỳ chỉ là nước dẫn đầu trong các xu thế cũng hiện diện tại các nước tư bản tiên tiến khác.
Thành đạt khác nhau giữa các nhóm xã hội
Gia đình không phải là cơ chế xã hội duy nhất có một ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển vốn con người (human capital) và đối với sự thành công nhiên hậu trong thị trường; các nhóm cộng đồng, như các cộng đồng tôn giáo, chủng tộc và dân tộc cũng có một ảnh hưởng tương tự. Trong cuốn sách xuất bản năm 1905, The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism (Luân lý Tin lành và Tinh thần Tư bản chủ nghĩa), nhà xã hội học Max Weber nhận xét rằng trong các khu vực tôn giáo khác nhau, người Tin lành làm kinh tế giỏi hơn người Công giáo, và người theo Giáo phái Calvin (Calvinists) thành công hơn người theo Giáo phái Luther (Lutherans). Weber đưa ra một một lý giải mang tính văn hóa cho sự khác biệt này, một sự khác biệt có gốc rễ trong những khuynh hướng tâm lý do các đức tin khác nhau này tạo ra. Vài năm sau, trong cuốn The Jews and Modern Capitalism (Người Do Thái và Chủ nghĩa Tư bản Hiện đại), Werner Sombart, người đồng thời với Weber, đưa ra một lý giải khác hơn cho sự thành công của các nhóm khác nhau, bằng cách một phần dựa vào các khuynh hướng văn hóa và một phần dựa vào các khuynh hướng chủng tộc. Và đến năm 1927, Schumpeter, một đồng nghiệp trẻ hơn của họ đã đặt tựa đề cho một bài tiểu luận quan trọng là “Giai cấp xã hội trong một môi trường thuần chủng (ethnically homogeneous)”, vì ông đinh ninh rằng trong một bối cảnh hợp chủng, các mức độ thành đạt thay đổi theo từng sắc dân, chứ không chỉ theo giai cấp xã hội mà thôi.
Những lý giải được đưa ra cho những mô hình nói trên là không quan trọng bằng thực tế là, mức thành đạt khác nhau giữa các nhóm vẫn là một đặc điểm bất diệt trong lịch sử của chế độ tư bản, và những chênh lệch này vẫn tiếp tục tồn tại ngày nay. Tại Hoa Kỳ đương đại, chẳng hạn, người châu Á (đặc biệt khi không kể đến các sắc dân hải đảo Thái Bình Dương) có xu thế thành đạt hơn người da trắng bản xứ (non-Hispanic whites), người da trắng bản xứ lại thành đạt hơn người da trắng gốc châu Mỹ La tinh (Hispanic whites), người châu Mỹ La tinh lại thành đạt hơn người Mỹ gốc châu Phi [người da đen]. Đây là sự thật dù ta nhìn vào sự thành đạt về học vấn, vào lợi tức, hay nhìn vào các loại hình gia đình, như các trường hợp sinh con ngoại hôn chẳng hạn.
Những quốc gia Tây Âu (và nhất là những quốc gia Bắc Âu), với những trình độ bình đẳng kinh tế còn cao hơn Mỹ nhiều, thông thường là những nước có những khối dân thuần chủng hơn Mỹ. Khi những đợt dân nhập cư gần đây làm cho nhiều nước tiên tiến hậu công nghiệp giảm bớt tính thuần chủng so với trước, chúng cũng có vẻ phân hoá giai cấp theo các đường ranh cộng đồng, với một số nhóm dân nhập cư biểu hiện những mô hình thành công hơn khối dân cư hiện hữu từ trước và một số nhóm khác lại ít thành công hơn. Tại Vương quốc Anh chẳng hạn, con cái những người Trung Hoa và người Ấn Độ nhập cư thường thành công hơn dân bản xứ, trong khi con cái của người da đen từ vùng Ca-ri-bê (Caribbean blacks) và người Pakistan thường thua kém hơn. Tại Pháp, con cái của người Việt Nam nhập cư thường thành công hơn con cái người bản xứ, và con cái của các sắc dân Bắc Phi lại thua kém hơn. Tại Israel, con cái của người Nga nhập cư thường thành công hơn người bản xứ, trong khi con cái của những người nhập cư từ Ethiopia lại thua kém hơn. Tại Canada, con cái người Trung Hoa và người Ấn Độ thường thành công hơn con cái dân bản xứ, trong khi con cái của dân nhập cư từ vùng Ca-ri-bê và châu Mỹ La tinh lại thua kém hơn. Phần lớn sự chênh lệnh trong mức độ thành công này có thể được giải thích bằng thành phần giai cấp và quá trình đào tạo khác nhau của các nhóm nhập cư ngay tại cố quốc của họ. Nhưng vì bản thân những cộng đồng nhập cư này đã đóng vai trò là nơi cưu mang vốn con người, những mô hình về sự thành đạt này có khả năng và vẫn còn tồn tại qua thời gian và không gian.
Trong trường hợp Hoa Kỳ, chính sách di trú của nước này đã đóng một một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong việc làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, vì tính năng động kinh tế, sự cởi mở văn hóa, và địa thế của nước Mỹ có xu thế thu hút một số người tài giỏi và thông minh nhất thế giới lẫn một số người ít học nhất thế giới. Sự thể này đã nâng chóp bu của thang kinh tế lên cao và hạ phần dưới cùng xuống thấp hơn nữa.
Tại sao giáo dục không phải là một phương thuốc chữa trị mọi thứ bệnh
Sự nhìn nhận ngày càng rộng lớn về tình trạng bất bình đẳng và phân hóa giai cấp xã hội đang gia tăng tại các nước hậu công nghiệp đương nhiên đã đưa đến các cuộc thảo luận về những điều có thể thực hiện để đối phó vấn đề này. Trong bối cảnh của Hoa Kỳ, câu trả lời đến từ hầu hết mọi thành phần xã hội thật là đơn giản: giáo dục.
Một chủ đề của lập luận này tập trung vào giáo dục đại học. Theo đó, hiện nay có một khoảng cách đang gia tăng về những cơ may trong đời giữa những người tốt nghiệp đại học và những người không tốt nghiệp, và vì thế cần phải có càng nhiều người vào đại học càng tốt. Đáng tiếc là, mặc dù một tỉ lệ người Mỹ cao hơn trước đang theo đuổi bậc đại học, nhưng họ không nhất thiết học hỏi nhiều hơn. Một con số ngày càng đông đảo không đủ khả năng học tập ở bậc đại học, nhiều người phải rời ghế nhà trường trước khi hoàn tất học vị, và nhiều người khác nhận những bằng cấp chỉ phản ánh những tiêu chuẩn thấp hơn trình độ mà người ta thường cho là một bằng đại học phải có.
Trong khi đó, mức chênh lệch đáng kể nhất trong sự thành tựu ở học đường diễn ra sớm hơn bậc đại học, được biểu hiện trong tỉ lệ hoàn tất bậc trung học, và những chênh lệnh quan trọng trong thành tích học tập (giữa các giai cấp xã hội khác nhau và giữa các sắc tộc khác nhau) còn xuất hiện sớm hơn, ngay từ cấp tiểu học. Do đó, một chủ đề thứ hai của cuộc tranh luận giáo dục tập trung vào bậc tiểu học và trung học. Những phương thức chữa trị được đề xuất ở đây gồm có: cung cấp thêm tiền cho các trường học, cho phụ huynh nhiều lựa chọn hơn, kiểm tra bài vở của học sinh thường xuyên hơn, và cải thiện hiệu năng của giáo viên. Thậm chí nếu một số hoặc toàn bộ các biện pháp này là đáng mong muốn vì những lý do khác đi nữa, không một biện pháp nào chứng tỏ đã giảm bớt khoảng cách giữa các học sinh và giữa các nhóm xã hội – vì bản thân nền giáo dục chính thức ở nhà trường (official schooling) đóng một vai trò tương đối nhỏ bé trong việc tạo ra hoặc duy trì các khoảng cách thành đạt (achievement gaps).
Thật ra những khoảng cách này có nguồn gốc trong những mức vốn con người khác nhau (different levels of human capital) mà trẻ em thừa hưởng khi chúng bắt đầu đi học – điều này đã dẫn đến một chủ đề thứ ba của cuộc tranh luận giáo dục, tập trung vào việc chăm sóc tuổi thơ ấu của trẻ em sớm hơn và tích cực hơn. Những đề xuất ở đây thường dẫn đến việc đưa trẻ em ra khỏi môi trường gia đình và đặt chúng vào những bối cảnh mang tính cơ chế (institutional settings) càng dài thời gian càng tốt (như chương trình Head Start, Early Head Start /cho trẻ em đi học sớm) hay thậm chí cố gắng tái xã hội hoá toàn bộ những khu dân sinh (như trong dự án Khu vực của Trẻ em Harlem/the Harlem Children’s Zone project). Có một số trường hợp thành công riêng lẻ với những chương trình này, nhưng không ai biết chắc là chúng có thể được nhân rộng trên một qui mô lớn hơn không. Nhiều chương trình cho thấy kết quả ngắn hạn về khả năng nhận thức, nhưng hầu hết những thành quả này có xu thế mai một qua thời gian, và những thành quả còn sót lại thường là không đáng kể. Có một điều khả tín hơn là, những chương trình này giúp trẻ em trau dồi các kỹ năng không thuộc lãnh vực nhận thức (noncognitive skills [như các đức tính]) và những đặc điểm nhân cách có thể dẫn đến thành công kinh tế tương lai – nhưng với một cái giá và nỗ lực đầu tư đáng kể, vì phải sử dụng các nguồn lực được rút tỉa từ những bộ phận thành công hơn trong xã hội (và như thế làm suy yếu các nguồn lực mà họ có thể sử dụng để đầu tư) hay các nguồn lực được chuyển từ các dự án tiềm năng khác.
Vì tất cả những lý do trên, tình trạng bất bình đẳng trong các xã hội tư bản tiên tiến dường như vừa gia tăng vừa không tránh khỏi, chí ít trong giai đoạn hiện nay. Thật vậy, một trong những khám phá chắc chắn nhất của ngành nghiên cứu khoa học xã hội đương đại là, một khi sự cách biệt giữa các gia đình có lợi tức cao và những gia đình có lợi tức thấp gia tăng, thì những cách biệt trong sự thành đạt về học vấn và công ăn việc làm giữa con cái họ lại càng gia tăng hơn nữa.
Phải làm gì?
Chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn tiếp tục tạo ra những lợi ích ngoạn mục và những cơ hội ngày càng to lớn hơn cho việc tự trau dồi và phát triển bản thân. Nhưng hơn bao giờ hết, những mặt tốt của nó đang đi cùng với những mặt xấu, đặc biệt là việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế. Như Marx và Engels đã nhận xét chính xác, điều làm cho chủ nghĩa tư bản khác với các hệ thống xã hội và kinh tế khác là nó “thường xuyên cách mạng hóa việc sản xuất, gây xáo trộn liên tục cho mọi tình huống xã hội, [và] mang lại tình trạng bấp bênh và dao động triền miên”.
Vào cuối thế kỷ 18, nhà nghiên cứu và thực hành môn kinh tế chính trị vĩ đại nhất nước Mỹ, Alexander Hamilton, đã có một số nhận xét sâu sắc về tính hàm hồ tất yếu (inevitable ambiguity) của chính sách công trong một thế giới đầy lực hủy diệt sáng tạo (a world of creative destruction):
Cái thân phận mà Thượng đế đã quan phòng vĩnh viễn cho con người là, mỗi điều tốt lành mà con người được thụ hưởng đều bị pha trộn với nhiều điều xấu xa, mọi suối nguồn hoan lạc là ngọn nguồn của thương đau – ngoại trừ một điều là Đức hạnh, điều tốt lành duy nhất không bị pha chế được phép tồn tại trong Thân phận hữu hạn của con người… Người làm chính trị đích thực… sẽ hỗ trợ những cơ chế và kế hoạch nàocó xu thế tạo hạnh phúc cho đồng loại, phù hợp với khuynh hướng tự nhiên của họ là gia tăng gấp bội nguồn hạnh phúc cá nhân và gia tăng các nguồn tài nguyên và sức mạnh quốc gia – cố gắng đưa vào mỗi trường hợp tất cả những thành tố có thể được sử dụng để vạch ra các biện pháp ngăn ngừa và chỉnh sửa cái ác vốn luôn luôn đi đôi với những ân sủng thế gian.
Bây giờ cũng như vào thời đó, vấn đề trước mắt chỉ là làm thế nào để duy trì những ân sủng thế gian của chủ nghĩa tư bản đồng thời vạch ra các biện pháp ngăn ngừa và chỉnh sửa đối với những điều ác vốn luôn luôn đi đôi với những ân sủng ấy.
Một liều thuốc tiềm năng để chữa trị các vấn đề bất bình đẳng và bất an kinh tế giản dị là tái phân phối lợi tức từ chóp bu xuống tận đáy của nền kinh tế. Tuy nhiên, phương thức này có hai khuyết điểm. Khuyết điểm thứ nhất là, qua thời gian, chính các thế lực đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng sẽ xác lập lại thế lực của mình; việc này đòi hỏi tái phân phối lợi tức thêm nữa, hay tái phân phối mạnh mẽ hơn. Khuyết điểm thứ hai là vào một thời điểm nào đó, việc tái phân phối lợi tức sẽ tạo ra bất mãn sâu sắc và cản trở các động cơ tăng trưởng kinh tế. Một mức độ nào đó của việc tái phân phối lợi tức thông qua đánh thuế, sau các kết toán thị trường, là điều có thể thực hiện và cần thiết, nhưng mức độ lý tưởng là bao nhiêu thì đây là vấn đề chắc chắn sẽ bị tranh cãi gay gắt, và dù con số có nhiều bao nhiêu đi nữa, việc tái phân phối lợi tức sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề cơ bản.
Phương thuốc thứ hai, sử dụng chính sách chính phủ để thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân và giữa các nhóm xã hội bằng cách đưa chính sách ưu đãi cho những thành phần làm ăn thất bát, có lẽ còn tồi tệ hại hơn cả chính cơn bệnh. Dù bất cứ ích lợi được viện dẫn là gì đi nữa, những phần thưởng được ủy thác cho một số loại công dân nhất định chắc chắn tạo ra một cảm thức bất công trong phần còn lại của xã hội. Nghiêm trọng hơn nữa là cái giá phải trả cho những phần thưởng này nếu xét về hiệu năng kinh tế, vì theo định nghĩa, chúng sẽ đưa những cá nhân thiếu khả năng lên những địa vị mà họ sẽ không thể vươn tới nếu chỉ dựa vào tài năng của mình. Tương tự như thế, những chính sách cấm đoán việc sử dụng tiêu chuẩn tài năng (meritocratic criteria) trong giáo dục, trong việc thu dụng nhân viên, và cung cấp tín dụng – chỉ vì những tiêu chuẩn này có “tác động chênh lệch” lên số phận của nhiều cộng đồng khác nhau hoặc vì chúng làm gia tăng hậu quả bất bất bình đẳng xã hội – chắc chắn sẽ làm suy giảm phẩm chất của hệ thống giáo dục, lực lượng lao động, và cả nền kinh tế.
Một phương án chữa trị thứ ba, khuyến khích đổi mới kinh tế liên tục để làm lợi cho mọi người, có nhiều hứa hẹn hơn hai phương án trên. Sự kết hợp giữa Internet và các cách mạng điện toán hiện nay có thể được ví với việc khám phá ra điện, một khám phá đã tạo điều kiện cho gần như vô số hoạt động khác, đã chuyển hóa xã hội nói chung trong nhiều cung cách không ai tiên đoán được. Trong số những thành quả khác, Internet đã cực kỳ nhanh chóng gia tăng tốc độ của kiến thức, một yếu tố chủ yếu trong việc tăng trưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa chí ít kể từ thế kỷ 18. Thêm vào đó, các viễn ảnh của các ngành khác dù còn nằm trong thời kỳ ấu trĩ, như công nghệ sinh học (biotechnology), sinh tin học (bioinformatics), và công nghệ nanô (nanotechnology), cũng như các viễn ảnh về tăng trưởng kinh tế tương lai và sự cải thiện đang diễn ra của đời sống con người, đều có vẻ sáng sủa một cách hợp lý. Tuy nhiên, thậm chí cả sự đổi mới liên tục lẫn sự phục hồi tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không loại bỏ hay thậm chí giảm bớt một cách đáng kể tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế, vì sự khác biệt giữa các cá nhân, giữa các gia đình, và giữa các tập thể sẽ vẫn cứ ảnh hưởng đến sự phát triển vốn con người (human capital) và sự thành đạt nghề nghiệp.
Do đó, muốn cho chủ nghĩa tư bản tiếp tục giữ được tính chính đáng và đáp ứng được nguyện vọng của các bộ phận dân chúng nói chung – kể cả những thành phần hạ lưu và trung lưu trên nấc thang kinh tế xã hội, cũng như những thành phần thượng lưu gần chóp bu, kẻ thua cũng như người thắng – các mạng lưới an toàn do chính phủ lập ra nhằm giúp giảm bớt tình trạng bất an kinh tế, xoa dịu những nhức nhối do thất bại trong thị trường và giúp duy trì cơ hội đồng đều cho mọi người, cần phải được duy trì và được hồi sinh. Những chương trình này đã hiện hữu tại hầu hết các nước trong thế giới tư bản tiên tiến, kể cả Hoa Kỳ, và vì thế cánh Hữu cần phải chấp nhận rằng chúng đang đáp ứng một mục đích không thể thiếu và phải được duy trì chứ không nên cắt bỏ – rằng những chi phí của chính phủ về phúc lợi xã hội là một cách đối phó thích hợp với một số đặc điểm có vấn đề nội tại trong chủ nghĩa tư bản, chứ không phải là một “con quái vật” cần phải “bỏ đói”.
Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, những biện pháp như an sinh xã hội (Social Security), bảo hiểm thất nghiệp (unemployment insurance), phiếu mua thực phẩm dành cho người nghèo (food stamps), tín chỉ giảm thuế lợi tức (the Earned Income Tax Credit), chế độ y tế cho người nghỉ hưu (Medicare), chế độ y tế cho người già hay người tàn tật (Medicaid), và việc nới rộng bảo hiểm do Đạo luật Cải tổ Y tế (the Affordable Care Act [hay Obamacare]) đã giúp đỡ và xoa dịu trước hết những người kém thành công hay không thể tham dự vào nền kinh tế hiện nay. Cắt giảm phạm vi trợ cấp của những chương trình này là một hành vi thiếu nhân ái trong khi tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế đang gia tăng. Và nếu không vì gì khác chăng nữa, thì chính tinh thần vị kỷ sáng suốt (the enlightened self-interest) của những ai đã hưởng lợi nhiều nhất trong một xã hội mang tính năng động tư bản chủ nghĩa chắc chắn sẽ giúp họ nhận ra rằng, nếu không chịu từ bỏ một số thành quả thị trường của mình để đạt được sự ổn định xã hội và kinh tế liên tục, thì đó là một thái độ dại dột. Các chương trình phúc lợi của chính phủ cần phải cải tổ cấu trúc, nhưng cánh Hữu phải chấp nhận rằng một nhà nước phúc lợi rộng lượng hợp lý sẽ còn tồn tại mãi, và tồn tại vì những lý do hết sức hợp lý.
Về phần mình, cánh Tả cần phải tỉnh táo đối diện với thực tế là, những toan tính táo bạo nhằm xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng có thể vừa là quá tốn kém vừa là vô ích. Chính sự thành công của những nỗ lực trong quá khứ nhằm gia tăng sự bình đẳng về cơ hội – như mở rộng cánh cửa giáo dục và cấm hẳn mọi hình thức phân biệt đối xử – mang ý nghĩa là, trong các xã hội tư bản tiên tiến ngày nay, những vựa tiềm năng to lớn và riêng rẽ chưa được khai thác càng ngày càng trở nên hiếm hoi. Vì vậy, việc đưa thêm nhiều biện pháp hơn nữa để cải thiện sự bình đẳng có thể khó đạt được thành quả như các biện pháp đã sử dụng trước đây, trong khi sự tốn kém lại to lớn hơn nhiều. Và nếu những biện pháp này dẫn đến việc lấy mất nguồn lực của những thành phần xã hội có vốn con người phong phú hơn để đưa sang những thành phần thiếu loại vốn này, hoặc không đếm xỉa đến các tiêu chuẩn thành đạt và tài năng, thì chúng sẽ cản trở tính năng động và đà tăng trưởng kinh tế, vốn là nền tảng cho nhà nước phúc lợi hiện nay đứng vững.
Như vậy, thách thức đối với chính sách của chính phủ trong thế giới tư bản tiên tiến là làm thế nào để duy trì một mức độ năng động kinh tế nhằm cung ứng các lợi ích ngày càng to lớn cho tất cả mọi người, đồng thời có thể chi trả những chương trình phúc lợi xã hội cần thiết nhằm làm cho đời sống của người dân dễ thở hơn trong tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày càng gia tăng. Các quốc gia khác nhau sẽ đối phó thách thức này bằng những đường lối khác nhau, vì mỗi quốc gia có những ưu tiên, những truyền thống, có diện tích, và những đặc tính dân số và kinh tế khác nhau. (Một trong những ảo tưởng của thời đại là nghĩ rằng trong vấn đề chính sách của chính phủ, các quốc gia có thể tùy tiện vay mượn mô hình của nhau.) Nhưng một khởi điểm hữu ích có lẽ là, phải từ bỏ cả loại chính trị đặc quyền đặc lợi (the politics of priviledge) lẫn loại chính trị sách động hận thù (the politics of resentment), để chấp nhận một quan điểm rõ ràng về những gì chủ nghĩa tư bản thực sự có liên quan, chứ không mang thái độ lý tưởng hóa của những người sùng bái chủ nghĩa này và thái độ phỉ báng của những người đả kích nó.
_________
Jerry Z. Muller là Giáo sư Sử học tại Catholic University of America và là tác giả cuốn The Mind and the Market: Capitalism in Western Thought (Trí tuệ và Thị trường: Chủ nghĩa Tư bản trong Tư tưởng phương Tây).
Nguồn: Jerry Z. Muller, “Capitalism and Inequality. What the Right and the Left Get Wrong”. Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra

Chủ nghĩa tư bản và tình trạng bất bình đẳng. Cánh Hữu và cánh Tả sai lầm ở những điểm nào (2)

Tháng 6 26, 2013

Jerry Z. Muller

Trần Ngọc Cư dịch


Đời sống trong nền kinh tế hậu công nghiệp

Đối với nhân loại nói chung, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là một thời kỳ tiến bộ ngoạn mục, một phần không nhỏ nhờ vào sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu. Tiến trình tự do hóa kinh tế (economic liberalization) tại Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, và các nước khác trong thế giới đang phát triển đã cho phép hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực và tiến lên giai cấp trung lưu. Trong khi đó, người tiêu thụ tại các nước tư bản tiên tiến hơn, như Hoa Kỳ chẳng hạn, đã và đang được hưởng sự giảm giá cực lớn của nhiều mặt hàng, từ quần áo đến máy truyền hình, và có thể mua sắm cả một biển hàng hóa mới mẻ, những thứ đã biến đổi cuộc đời họ.

Nhưng đáng chú ý hơn cả có lẽ là những biến đổi trong các phương tiện trau dồi kiến thức bản thân (self-cultivation). Như nhà kinh tế Tyler Cowen nhận xét, phần lớn thành quả của những phát triển gần đây “nằm trong đầu và trong những chiếc laptop của chúng ta nhiều hơn nằm trong khu vực kinh tế sinh ra doanh thu”. Do đó, “phần lớn giá trị của Internet được cảm nhận ở mức độ cá nhân và vì thế không bao giờ xuất hiện trong những số liệu chỉ năng suất”. Nhiều cuộc trình diễn âm nhạc vĩ đại của thế kỷ 20, đủ mọi thể loại, có thể được thưởng thức miễn phí trên YouTube. Nhiều bộ phim xuất sắc của thế kỷ 20, mà ngày trước chỉ thỉnh thoảng mới được trình chiếu tại các trung tâm nghệ thuật ở một vài vùng đô thị lớn, bây giờ có thể được xem bởi bất cứ ai vào bất cứ lúc nào với một lệ phí hàng tháng rất thấp. Chẳng bao lâu nữa, thư viện của các đại học lớn sẽ mở cửa trực tuyến cho toàn thế giới; và tiếp theo đó, những cơ hội chưa từng có trong việc phát triển đời sống cá nhân sẽ diễn ra.

Tuy nhiên, tất cả sự tiến bộ này vẫn bị ám ảnh bởi hai đặc điểm bất diệt của chủ nghĩa tư bản: đó là, tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế. Ngay từ năm 1973, nhà xã hội học Daniel Bell đã nhận xét rằng trong thế giới tư bản tiên tiến, tri thức, khoa học, và công nghệ đang thúc đẩy một cuộc chuyển đổi sang cái mà ông gọi là “xã hội hậu công nghiệp (postindustrial society)”. Cũng như ngành chế tạo hàng hoá trước đó đã thay thế nông nghiệp làm nguồn thu dụng nhân công chính, ông lý luận, khu vực dịch vụ (the service sector) hiện đang thay thế khu vực chế tạo. Trong một nền kinh tế tri thức hậu công nghiệp, việc sản xuất các mặt hàng chế tạo dựa trên đầu vào công nghệ (technological inputs) nhiều hơn  dựa vào kỹ năng của những công nhân thực sự xây dựng và lắp ráp sản phẩm. Điều này ngụ ý một sự suy giảm nhu cầu đối với các công nhân nhà máy có kỹ năng (skilled) và bán kỹ năng (semiskilled) và sự xuống cấp về giá trị kinh tế của họ – cũng như trước đó đã có sự suy giảm nhu cầu đối với người làm nghề nông và sự xuống cấp giá trị của họ. Trong một nền kinh tế hậu công nghiệp, những kỹ năng được đòi hỏi gồm tri thức khoa học kỹ thuật và khả năng sử dụng thông tin. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ thông tin ào ạt diễn ra trong nền kinh tế trong vài thập kỷ gần đây chỉ càng thúc đẩy mạnh mẽ những xu thế này.

Một ảnh hưởng nghiêm trọng do sự trỗi dậy của nền kinh tế hậu công nghiệp liên quan đến địa vị và vai trò của nam giới và nữ giới. Lợi thế tương đối của nam giới trong các nền kinh tế tiền công nghiệp và công nghiệp (preindustrial and industrial economies) phần lớn nằm ở sức mạnh thể lực lớn hơn của họ – một điều mà bây giờ ngày càng ít cần đến. Trái lại, nữ giới hoặc do cấu tạo sinh học hoặc qua giao tiếp xã hội, có được một lợi thế tương đối về kỹ năng ứng xử và trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), những đức tính ngày càng trở nên quan trọng trong một nền kinh tế hướng tới dịch vụ hơn là hướng tới sản xuất vật dụng. Bộ phận kinh tế mà người phụ nữ có thể tham gia đã mở rộng, và lao động của họ đã trở nên có giá trị hơn trước – điều này ngụ ý rằng, nếu họ dùng thì giờ cho việc nội trợ thì họ sẽ mất đi những khả năng thuận lợi trong lực lượng lao động được trả lương. Điều đó dẫn đến sự thay thế ngày càng phổ biến các hộ gia đình chồng đi kiếm cơm-vợ lo nội trợ (male breadwinner-female homemaker households) bằng hộ gia đình có hai nguồn thu nhập (dual-income households). Những người ủng hộ cũng như những người đả kích việc thu dụng phụ nữ vào nền kinh tế được trả lương có xu thế nhấn mạnh quá đáng vai trò của các cuộc tranh đấu ý thức hệ về nữ quyền trong sự thay đổi này, trong khi đánh giá quá thấp vai trò của những thay đổi trong bản chất của tiến trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Việc tái triển khai lao động phụ nữ ra khỏi hộ gia đình được thể hiện một phần nhờ sự xuất hiện của những hàng hoá mới, những hàng hóa đã cắt giảm thì giờ lao động cần thiết trong gia đình (như máy giặt, máy sấy, máy rửa chén, bình nóng lạnh, máy hút bụi, lò vi sóng). Chính việc dành nhiều thì giờ hơn cho hoạt động thị trường đã làm nảy sinh nhu cầu mới đối với những mặt hàng tiêu thụ trong gia đình ít đòi hỏi công sức (như thức ăn gói sẵn và làm sẵn), đồng thời thúc đẩy sự bành trướng của việc ăn nhà hàng và thức ăn nhanh. Và điều này đã dẫn đến tiến trình thương phẩm hóa dịch vụ chăm sóc (the commodifiation of care) – khi trẻ em, người cao niên, và người tàn tật ngày càng được chăm sóc không phải bởi người thân, mà bởi những người được trả lương.

Xu thế người phụ nữ được học hành nhiều hơn và thành đạt hơn trong nghề nghiệp đi đôi với việc thay đổi chuẩn mực xã hội trong việc lựa chọn người hôn phối. Trong thời đại hôn nhân với mô hình chồng kiếm cơm-vợ lo việc nhà, người phụ nữ có khuynh hướng coi trọng khả năng kiếm tiền trong việc lựa chọn người hôn phối. Về phần mình, người đàn ông đánh giá những khả năng nội trợ của người vợ tương lai cao hơn những thành đạt nghề nghiệp của họ. Không phải là chuyện bất thường khi đàn ông hay đàn bà lấy một người có cùng trình độ trí thức, nhưng vào thời đó đàn bà có xu thế lấy đàn ông có trình độ giáo dục và thành đạt kinh tế cao hơn mình. Khi kinh tế chuyển từ một nền kinh tế công nghiệp sang một nền kinh tế dịch vụ và thông tin hậu công nghiệp, phụ nữ đã sánh vai cùng nam giới trong nỗ lực giành sự công nhận xã hội qua các công việc được trả lương, do đó một cặp vợ chồng cần mẫn tiêu biểu hiện nay ngày càng là hai người đồng đẳng (peers), với trình độ giáo dục ngang hàng hơn trước và mức thành đạt kinh tế tương đương hơn trước – một tiến trình được gọi là “assortative mating” [“trao duyên phải lứa, gieo cầu đúng nơi”- Kiều].

Tình trạng bất bình đẳng trên đà gia tăng

Những xu thế xã hội hậu công nghiệp này đã tác động đáng kể lên tình trạng bất bình đẳng hiện nay. Nếu thu nhập gia đình tăng lên gấp đôi ở mỗi nấc thang kinh tế, thì tổng số thu nhập của những gia đình ở những nấc thang cao hơn chắc chắn tăng nhanh hơn tổng số thu nhập của những gia đình ở những nấc thang bên dưới. Nhưng đối với một bộ phận đáng kể những hộ gia đình ở phần dưới của chiếc thang, thu nhập gia đình không thể nào tăng gấp đôi được – vì khi lương tương đối của phụ nữ được tăng lên và lương tương đối của giới nam công nhân ít học bị giảm sút, thì giới đàn ông này bị coi là càng ngày càng khó lấy vợ. Thông thường, những hạn chế về vốn con người (human capital) khiến những người đàn ông này khó kiếm được việc làm và biến họ trở thành những đối tượng ít được mong muốn. Và những đặc điểm nhân cách của những người đàn ông thất nghiệp kinh niên đôi khi cũng xuống cấp theo. Với đồng lương càng kém cỏi mang về cho gia đình, những người đàn ông này càng bị coi là ít cần thiết – một phần vì ngày nay đàn bà có thể trông cậy vào những trợ cấp của nhà nước phúc lợi như một nguồn thu nhập độc lập phụ trội, dù ít ỏi bao nhiêu chăng nữa.

Tại Hoa Kỳ, một trong những phát triển nổi bật nhất của các thập kỷ gần đây là tiến trình giai cấp hóa các mô hình hôn nhân giữa các tầng lớp và các nhóm sắc tộc khác nhau trong xã hội. Khi luật ly dị được nới lỏng vào những năm 1960, tỉ lệ ly dị đã gia tăng trong mọi tầng lớp xã hội. Nhưng vào khoảng thập niên 1980, một mô hình mới đã xuất hiện: tỉ lệ ly dị bắt đầu giảm trong những bộ phận dân chúng có học, trong khi tỉ lệ ly dị trong những bộ phận dân số thiếu học vẫn tiếp tục tăng. Hơn nữa, những người có học và khá giả thường có khả năng lấy vợ lấy chồng hơn, trong khi những người thiếu học ít có khả năng này. Vì gia đình đóng vai trò là nơi tạo ra vốn con người, những xu thế trên có hậu quả nghiêm trọng lây lan sang tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em được cả cha lẫn mẹ nuôi dạy trong một cuộc hôn nhân không gián đoạn có khả năng phát triển tinh thần kỷ luật và lòng tự tin hơn, để chuẩn bị cho những thành công trong đời, trong khi trẻ em – và nhất là con trai – được nuôi trong các hộ gia đình chỉ có một người cha hay mẹ đơn chiếc (hay, tồi tệ hơn nữa, những hộ gia đình với một người mẹ có những quan hệ tạm bợ) thường chịu rủi ro nhận lãnh những hậu quả xấu cao hơn.

Tất cả sự thể này đã và đang diễn ra trong một thời kỳ mà cơ hội đồng đều trong việc tiếp cận giáo dục và tiến trình phân cấp (stratification) các phần thưởng kinh tế thị trường đang gia tăng – cả hai diễn biến này đã nâng cao tầm quan trọng của vốn con người. Một yếu tố của vốn con người là khả năng nhận thức (cognitive ability): sự nhanh trí, khả năng suy luận và áp dụng các mô hình rút từ kinh nghiệm, và khả năng đối phó với tính phức tạp trí tuệ. Một yếu tố khác là nhân cách và các kỹ năng xã hội: tinh thần kỷ luật, đức tính kiên trì, và tinh thần trách nhiệm [còn được gọi là noncognitive skills, ND]. Yếu tố thứ ba là kiến thức thực có (actual knowledge). Tất cả những yếu tố này của vốn con người đang ngày càng trở nên tối quan trọng cho sự thành công trong thị trường hậu công nghiệp. Như nhà kinh tế Brink Lindsey nhận xét trong cuốn sách gần đây của ông, Human Capitalism (Chủ nghĩa tư bản nhân văn), từ năm 1973 đến năm 2001, tăng trưởng lợi tức trung bình hàng năm là 0,3% cho những người thuộc 1/5 thấp nhất trong bản phân phối lợi tức Hoa Kỳ, so với 0,8% cho những người thuộc 1/5 ở giữa và 1,8% cho những người thuộc 1/5 cao nhất trong bản phân phối. Những mô hình khá tương tự cũng chiếm lĩnh tại nhiều nền kinh tế tiên tiến khác.

Tiến trình toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân gây ra, nhưng nó góp phần đẩy mạnh mô hình bất bình đẳng ngày càng tăng về phân phối lợi tức tương ứng với vốn con người nêu trên Chuyên gia kinh tế Michael Spence đã phân biệt hàng hoá và dịch vụ “mậu dịch” (tradable), tức những thứ có thể xuất khẩu và nhập khẩu dễ dàng, và những hàng hóa và dịch vụ “phi mậu dịch” (untradable), tức những thứ không thể xuất nhập khẩu. Ngày càng nhiều, những hàng hóa và dịch vụ mậu dịch được nhập vào các xã hội tư bản tiên tiến từ các xã hội tư bản kém tiên tiến, là nơi giá lao động thấp hơn. Khi các hàng chế tạo và các dịch vụ thông dụng được đưa ra sản xuất ở nước ngoài (outsourced) thì đồng lương công nhân thiếu tay nghề và thiếu học tại các xã hội tư bản tiên tiến sẽ xuống thấp hơn nữa, trừ phi những người này có thể tìm được việc làm khấm khá trong khu vực hàng hóa-dịch vụ không thể xuất nhập khẩu (the untradable sector).

Tác động của tài chính hiện đại

Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng kinh tế hiện đang gia tăng đã trở nên nghiêm trọng hơn do chính nỗi bất an và lo lắng cũng đang gia tăng của những người ở nấc thang kinh tế cao hơn. Một xu thế ảnh hưởng đến vấn đề này là tiến trình tài chính hóa nền kinh tế, chủ yếu diễn ra tại Mỹ, hiện đang tạo ra cái mà nhà kinh tế Hyman Minsky mệnh danh là “chủ nghĩa tư bản quản lý tiền” (money manager capitalism) và được chuyên gia tài chính Alfred Rappaport gọi là “chủ nghĩa tư bản môi giới” (agency capitalism).

Đến tận thập niên 1980, tài chính tuy là một yếu tố cần thiết nhưng hạn chế trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Việc mua bán cổ phiếu (thị trường chứng khoán) gồm các nhà đầu tư cá nhân, lớn hoặc nhỏ, bỏ tiền của chính mình vào cổ phần các công ty mà họ tin là có viễn ảnh dài hạn tốt đẹp. Vốn đầu tư thời bấy giờ cũng có thể xuất phát từ các ngân hàng đầu tư chính của Wall Street hay của các nước khác; đây là những công ty tư nhân trong đó tiền của người hùn vốn có thể chịu rủi ro mất mát. Tất cả điều này bắt đầu thay đổi khi các quỹ vốn chung lớn hơn được đem ra đầu tư và được các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp (professional money managers) chứ không do bản thân các chủ vốn ấy triển khai trên thị trường.

Một nguồn vốn mới mẻ thuộc loại này là các quĩ hưu trí (pension funds). Trong những thập kỷ hậu chiến, khi các công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ ra đời từ Thế chiến II như là những tập đoàn có sức mạnh độc quyền (oligopolies) ít gặp cạnh tranh và có thị trường to lớn bành trướng ở bên trong cũng như bên ngoài nước Mỹ, lợi nhuận và viễn ảnh tương lai của những công ty này đã cho phép chúng cung ứng cho nhân viên của mình những chương trình hưu trí trong đó quyền lợi công nhân được qui định rõ ràng và công ty gánh chịu mọi rủi ro. Nhưng, từ thập niên 1970, vì môi trường kinh tế Hoa Kỳ trở nên giầu cạnh tranh hơn trước, lợi nhuận của các tập đoàn cũng trở nên bấp bênh hơn, và các công ty (cũng như nhiều tổ chức trong khu vực công) cố gắng chuyển hướng sự rủi ro bằng cách đặt các quỹ hưu trí vào tay các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, tức những chuyên gia được người ta kỳ vọng sẽ tạo ra lợi nhuận đáng kể. Lợi tức hưu trí của nhân viên không còn tùy thuộc vào lợi nhuận của các công ty họ từng phục vụ mà tùy thuộc vào số phận của các quỹ hưu trí.

Một nguồn vốn mới mẻ khác là các quỹ tài trợ (emdowments) cho các đại học và các tổ chức phi lợi nhuận thời gian đầu nhờ quyên góp (donations) mà phát triển, nhưng càng ngày người ta càng kỳ vọng chúng sẽ tăng trưởng hơn nữa nhờ thành tích của việc đầu tư chúng vào thị trường. Và còn có một nguồn vốn mới mẻ hơn nữa phát xuất từ các cá nhân và chính phủ trong thế giới đang phát triển, nơi mà sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, kết hợp với một xu thế tiết kiệm cao và một ước muốn bỏ vốn vào các dự án đầu tư tương đối an toàn, đã dẫn đến những luồng tiền to lớn chảy vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Được thúc đẩy một phần bởi những cơ hội mới mẻ này, các ngân hàng đầu tư truyền thống của Wall Street đã tự biến mình thành những tập đoàn có cổ phần được mua bán công khai trên sàn giao dịch – nghĩa là, những ngân hàng này bắt đầu đầu tư không những với ngân quỹ của chính mình mà còn với tiền của người khác – và ràng buộc tiền thưởng dành cho các đối tác và nhân viên của mình vào lợi nhuận hàng năm. Tất cả sự kiện này đã tạo ra một hệ thống tài chính cạnh tranh cao độ, bị khống chế bởi những nhà quản lý đầu tư có khả năng điều động những lượng vốn hùn hạp to lớn, và thù lao của họ tùy thuộc vào khả năng mang lại thành tích vượt trội hơn những người cùng địa vị. Cơ cấu tưởng thưởng trong môi trường này đã thúc đẩy các nhà quản lý quỹ đầu tư cố gắng tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn (maximize short-term returns), và sức ép này đã phần nào đổ xuống lãnh đạo các tập đoàn. Khung thời gian bị thu hẹp đã tạo ra một cám dỗ là phải thúc đẩy lợi nhuận trước mắt, bất chấp cả những đầu tư dài hạn, dù đó là lãnh vực nghiên cứu phát triển (research and development) hay đó là việc cải thiện các kỹ năng của lực lượng lao động trong một công ty. Đối với cả giới quản lý lẫn nhân viên, hậu quả của nỗ lực đầu tư này là một tình trạng xáo trộn thường xuyên làm gia tăng khả năng mất việc và bất an kinh tế.

Một nền kinh tế tư bản tiên tiến hẳn nhiên cần đến một khu vực tài chính rộng lớn. Một phần của điều đó là việc đơn giản nới rộng sự phân công lao động: giao các quyết định liên quan đến đầu tư cho các chuyên gia có nghĩa là cho phép phần còn lại trong dân chúng có được không gian trí tuệ (the mental space) để theo đuổi những gì mà họ thành thạo hơn hay quan tâm nhiều hơn. Tính phức tạp ngày càng gia tăng của các nền kinh tế tư bản ngụ ý rằng doanh nhân và lãnh đạo các tập đoàn cần đến người giúp đỡ trong việc quyết định thời điểm và phương cách gây vốn. Và các công ty quản lý đầu tư (private equity firms) mà quyền lợi gắn liền với sự gia tăng giá trị thực (real value) của các hãng mà chúng đầu tư, đóng vai trò chủ yếu trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề này, vốn là mối bận tâm chính đáng của các nhà tài chính, thường đưa đến những hậu quả quan trọng, và muốn xử lý chúng thì phải cần đến thông minh, cần mẫn, và động lực. Vì thế, chẳng phải là một điều đáng ngạc nhiên hay là một điều ngoài ý muốn khi các chuyên gia trong lãnh vực này được trả lương rất hậu. Nhưng dù những lợi ích và giá trị xã hội liên lũy của nó là gì đi nữa, tiến trình tài chính hóa xã hội (the financialization of society) vẫn mang lại một số hậu quả đáng tiếc, cả trong việc gia tăng tình trạng bất bình đẳng bằng cách nâng cấp giới chóp bu trên chiếc thang kinh tế (thông qua những phần thưởng phi thường mà giới quản lý tài chính nhận được), lẫn trong việc gia tăng tình trạng bất an kinh tế cho những thành phần ở nấc thang thấp hơn (thông qua việc tập trung cao độ vào thành tích kinh tế ngắn hạn mà phải loại bỏ các quan tâm dài hạn khác).
(Còn 1 kì)
__________________
Jerry Z. Muller là Giáo sư Sử học tại Catholic University of America và là tác giả cuốn The Mind and the Market: Capitalism in Western Thought (Trí tuệ và Thị trường: Chủ nghĩa Tư bản trong Tư tưởng phương Tây).
Nguồn: Jerry Z. Muller, “Capitalism and Inequality. What the Right and the Left Get Wrong”. Foreign Affairs, tháng Ba/tháng Tư 2013
Bản tiếng Việt © 2013 Trần Ngọc Cư & pro&contra

Thẩm định Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan: tính pháp lý và sự hợp lý

Tháng 8 1, 2013

Lê Tuấn Huy
Về chuyên môn, sơ bộ, một số khía cạnh của Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã được TS. Vũ Thị Phương Anh nêu ra trong bài “Về nhóm Mở miệng và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism)”, và có thêm ý kiến qua cuộc phỏng vấn của RFA [i]. Về pháp lý, nhà văn Phạm Xuân Nguyên đã nêu quan điểm tại báo Pháp luật TP. HCM.
Thật ra, việc Đỗ Thị Thoan bị cắt hợp đồng, PGS, TS. Nguyễn Thị Bình bị cách chức có thể được những người ra quyết định biện minh “hợp lý” bằng cách viện dẫn thẩm quyền nội bộ và lý do chuyên môn nào đó ít nhiều không liên quan, mà lời của người ngoài chỉ được tiếp nhận một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng khi ta kêu gọi nếu có “thẩm định” Luận văn thì phải đúng mực về mặt khoa học (vấn đề giữa hai hội đồng) và pháp lý (về trình tự và chứng lý), là đã rơi vào cái bẫy mà những người muốn tiêu diệt nó đang tìm cách giăng ra để hợp lý hóa cho việc làm ấy.
Thực tế, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sỹ nào.
Văn bản pháp lý hiện hành liên quan đến học vị Thạc sỹ là Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai 2011. Theo đó, chỉ có thẩm quyền về việc thẩm định kết quả tuyển sinh (Điều 19), chứ không có thẩm quyền về việc thẩm định kết quả chấm luận văn hay thẩm định hội đồng chấm luận văn.
Điều 26 của Quy chế này đã bao hàm toàn bộ vấn đề đánh giá một luận văn. Nội dung đó, chỉ có các vấn đề về thành lập hội đồng đánh giá luận văn, nhóm họp hội đồng và tiêu chí về kết quả của luận văn. Ngoài ra, hoàn toàn không có một điều nào, khoản nào, ý nào cho phép lập hội đồng thẩm định để đánh giá lại một luận văn đã có kết quả đánh giá.
Cách duy nhất để có thể chặn lại một luận văn là bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học (Điều 25, khoản 4, điểm c), nhưng điều này chỉ thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đưa luận văn ra đánh giá, chứ không phải để tái thẩm.
Kể cả những nội dung về thanh tra, kiểm tra (Điều 30), và khiếu nại, tố cáo (Điều 31) cũng không thể vận dụng được để làm công việc đó. Trong nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền thanh tra, kiểm tra (Điều 30, khoản 2), chữ “quản lý đào tạo” mang nội hàm của công việc quản lý hành chính đối với học viên và chương trình đào tạo (việc chấp hành quy chế đào tạo, xét điều kiện thỏa mãn để đưa luận văn ra bảo vệ, điều tiết chương trình, điều động giảng viên, xét gia hạn thời gian bảo vệ luận văn, khen thưởng, kỷ luật…), mà không bao hàm việc đánh giá kết quả luận văn, vốn là công việc khoa học độc lập và cụ thể của mỗi hội đồng chấm luận văn (và đã được quy định trọn trong Điều 26).
Như vậy, việc lập hội đồng thẩm định Luận văn của Đỗ Thị Thoan – nếu có – là phi pháp.
Phải chăng đây là sơ hở của pháp luật, do những người làm Quy chế đã không lường hết tình huống?
Không phải như thế. Đơn giản là, về điểm này, Quy chế đã được xây dựng phù hợp với đặc trưng của giáo dục sau đại học.
Khác giáo dục phổ thông – cấp phổ cập kiến thức cơ bản, khác với giáo dục đại học – cấp truyền thụ kiến thức và phương pháp chuyên môn, giáo dục sau đại học truyền đạt kiến thức và phương pháp nghiên cứu chuyên sâu. Về chuyên môn, khác biệt giữa bậc thạc sỹ và tiến sỹ là ở bậc sau, tiêu chí là cái mới về mặt khoa học cùng với giá trị lý thuyết (lý luận) và thực tiễn của nó, trong khi ở bậc trước chỉ chú trọng vào phương pháp nghiên cứu, sự riêng biệt về ý tưởng cùng với tính hệ thống và logic về nội dung và trình bày.
Do khác biệt đó mà ở cấp phổ thông, học sinh có thể làm bài giống nhau, một đề có đáp án chung tất cả, ai có chức năng và chung bộ môn, chung phạm vi đều có thể chấm bài. Do có chuẩn định về nội dung, thẩm quyền về chấm phúc khảo, phúc tra được đặt ra. (Tất nhiên, giữa hệ thống giáo dục thiên về áp nội dung với hệ thống thiên về mở nội dung, những điều vừa nói có biến thiên.)
Đến bậc đại học, trọng tâm là hướng dẫn để sinh viên tự trang bị kiến thức và nhắm vào một hệ thống kiến thức mở, nên dù vẫn còn chuyện sinh viên làm bài tương đối như nhau, thì mức độ độc lập của người học và người đánh giá đã có, bởi vậy việc phúc khảo và phúc tra không còn là thẩm quyền cố định.
Ở bậc sau đại học, sự giống nhau dù vô ý hay cố ý đều bị xem là đạo văn, và là tiêu chí (cấm) tuyệt đối duy nhất về nội dung. Ngoài ra, người làm luận văn, người hướng dẫn, người phản biện, người chấm, người nhận xét luận văn, với tư cách những người nghiên cứu khoa học độc lập, hoàn toàn có quyền độc lập nhau về quan điểm, phương pháp (miễn có nền tảng phương pháp luận phù hợp) trong trình bày và đánh giá. Không có chuẩn pháp lý hay giáo (dục) lý về nội dung cho các luận văn vốn đã khác biệt nhau. Cho nên, chỉ có hội đồng chấm luận văn lần hai dành cho học viên không đạt ở lần bảo vệ đầu, chứ không cần có hội đồng phúc khảo cho luận văn đã có kết quả không đạt. Lần bảo vệ sau mà vẫn không đạt, theo quy chế, học viên không có quyền trình bày luận văn lần thứ ba. Do đó – xuất phát từ tính độc lập nghiên cứu khoa học của học viên, tính độc lập của hội đồng chấm (từng) luận văn, và từ quy trình quyết định trực tiếp đối với kết quả việc bảo vệ luận văn – càng không cần gì đến hội đồng phúc tra.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sau đại học không phải là hoạt động tư pháp mà cần đến thẩm quyền phúc thẩm hay tái thẩm của cấp cao hơn khi học viên hay thành viên hội đồng chấm luận văn chống lại kết quả đã chấm (giống như hai bên bị hại – bị cáo, nguyên đơn – bị đơn có thể chống lại phán quyết). Cũng vậy, nghiên cứu sau đại học không nhằm bảo vệ công lý tư pháp mà cần đến thẩm quyền giám đốc thẩm khi có những bên bất kỳ “phát hiện tình tiết mới” và yêu cầu trình tự xử lý mới từ đầu.
Các bên thứ ba – không phải học viên, không phải thành viên hội đồng chấm luận văn – có thể có thẩm quyền công luận, thẩm quyền khoa học trong việc nhận xét nội dung và phương pháp, nhưng không có thẩm quyền khoa học trong việc phán xét kết quả, càng không có thẩm quyền pháp lý trong việc định đoạt hay thúc đẩy định đoạt kết quả chấm luận văn.
Những người chống đối, với tư cách thành viên của xã hội dân sự, có thể phản bác từng điểm một của luận văn, có thể tập hợp lại, ra tuyên bố phủ nhận nội dung của nó, nhưng đó quyết không phải là quan điểm quyết định hay có thẩm quyền quyết định đối với kết quả luận văn [ii].
Tất nhiên, trong một xã hội cai trị bằng sắc lệnh dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp (từ luật định giới hạn lại hiến pháp, rồi nghị quyết, nghị định, thông tư, công văn, cho đến cả thư tay), thì việc ban hành thông tư khác thay cho thông tư đang có hiệu lực về đào tạo thạc sỹ, mở đường hợp pháp hóa việc tiêu diệt Luận văn của Đỗ Thị Thoan và diệt cả từ trong trứng nước những luận văn theo hướng độc lập trong tương lai, là việc làm hết sức dễ dàng. Nhưng mong rằng tất cả những người liên quan hãy cân nhắc những điều sau đây:
1. Đối với Thạc sỹ Đỗ Thị Thoan và Phó giáo sư Nguyễn Thị Bình, nếu vào lúc cần thiết mà không tự vệ khoa học trên cơ sở pháp lý cho phép, để phủ nhận bất cứ thẩm quyền phi pháp và phi lý nào đối với mình, thì đó không chỉ là cái nhược về khoa học vì không biết bảo vệ những gì tâm đắc của chính mình, mà có thể còn tạo tiền lệ cho việc đầu hàng của giới nghiên cứu trong môi trường hàn lâm khi có sự xâm phạm từ bên ngoài.
2. Đối với giới khoa bảng, nếu im lặng để chấp nhận sự thay đổi theo hướng tước bỏ quyền bất khả xâm phạm của việc đánh giá kết quả khoa học trong đào tạo, xin các vị hãy thử hình dung một tương lai không xa, là bên cạnh các hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ sẽ là những “hội đồng giám sát (của) nhân dân” hoặc “hội đồng tư vấn (của) nhân dân” mà thành viên sẽ là đại diện của quân đội nhân dân, công an nhân dân, lão làng nhân dân, đoàn thể nhân dân, và cả địa phương nhân dân; hoặc có thể, họ sẽ là thành phần chính thức trong cơ cấu của hội đồng chấm luận văn của các vị.
3. Đối với những người làm chính sách giáo dục, nếu có thay quy chế để cho phép quyền phúc tra, thẩm tra đối với kết quả luận văn, xin đừng quên một điều hợp lý gắn liền, là phải quy định công khai hóa tất cả luận văn thạc sỹ, tiến sỹ từ thời điểm 10, 15 năm qua (thời gian mà Việt Nam đã hóa siêu rồng trong đào tạo sau đại học), để toàn bộ nhân dân có thể thực thi quyền yêu cầu “giám đốc tra” đối với luận văn của bất cứ ai.
4. Đối với các nhà lãnh đạo, nếu muốn khoa học phủ phục trước chính trị, thì xin trước hết ôn lại hai bài học sau đây ở nơi từng là đất nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất:
Thứ nhất là một trường hợp trong khoa học tự nhiên. Đó là sự thao túng tư tưởng hệ đối với sinh học ở Liên Xô cho đến tận giữa những năm 1960. Nhà sinh học Trofim Lysenko (1898-1976) được sự đồng tình của giới lãnh đạo, đã kiên quyết phủ nhận thuyết di truyền học Mendel-Morgan, khăng khăng về cuộc đấu tranh ý thức hệ của sinh học [iii]. Hậu quả của việc cưỡng bức khoa học quỳ gối, là trong khi các ngành vật lý, hóa học, thiên văn Xô Viết có độ phát triển ngang tầm Phương Tây, thì các ngành thuộc sinh học như di truyền học, sinh nông học, sinh y học, sinh dược học cho đến tận thời nước Nga ngày nay vẫn chưa bắt kịp kẻ thù ý thức hệ khi xưa.
Thứ hai là chính ngay trường hợp của khoa học lý luận. Nó phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ đạo chủ quan về ý thức hệ khi xây dựng triết lý về một chủ nghĩa xã hội đã ở giai đoạn phát triển hoàn thiện, chuẩn bị tiến vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản, mà hậu quả là không có sự báo động của lý luận khoa học về một xã hội trì trệ mọi mặt, và vực thẳm mà nó sắp rơi xuống thay cho thiên đường “đáng lý” phải bay lên.
Quay về Việt Nam, gần gũi với vấn đề ở đây, xin các vị thử nghĩ xem, văn học phải quy buộc vào cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đạt được thành quả nhân loại nào không, dù chỉ so với người anh em cùng ý thức hệ cận kề?
29-30/07/2013
© 2013 Lê Tuấn Huy & pro&contra


[i] Một trình bày ít nhiều có tính chuyên môn khác, là bài “Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật…” của PGS, TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Tuy nhiên, với nhận định mang thái độ miệt thị ngay từ đầu, rằng “Trong cái mớ xô bồ lý thuyết từ Âu – Mỹ dội vào, ảnh hưởng vào nước ta…”, thì tác giả này đã thiếu ngay đến cả năng lực khách quan tối thiểu. Đó là chưa kể, ở cuối bài, dù ông kêu gọi rằng những người có “vai trò liên đới trách nhiệm” của luận văn này “cần được nhìn nhận thấu đáo, có lý, có tình” thì đó chỉ là [cách đề xuất xử lý cả về hành chính lẫn chính trị] theo “Luật Công chức và theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng”. Đó cũng là chưa kể ông đã cố tình đánh lộn sòng, từ việc hiển nhiên là thơ của nhóm Mở Miệng tuyệt đối không thể nào xuất hiện trên các kênh “chính thống”, lại trở thành “họ không dám xuất hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, photocopy, tự xuất bản theo kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất bản Samizdat”.
[ii] Cần nói thêm, Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan không phải là văn học mà là nghiên cứu khoa học về văn học (dẫu là văn học bên lề), nên không phải là đối tượng cho những người phê bình theo kiểu đọc văn, đọc thơ rồi khen chê về văn phong, hình tượng, giá trị tư tưởng của tác phẩm.
[iii] Gần gũi với đề tài sinh học, có thể tìm đọc cuốn Những vấn đề triết học của y học (Nxb Khoa Học, HN, 1966), là tài liệu dịch của Liên Xô, ta sẽ thấy buồn cười vì những lý lẽ ý thức hệ kỳ quặc của những phê phán về sự duy tâm và siêu hình trong y học, vì những yêu cầu về nhận thức luận và biện chứng trong chẩn đoán…

“Hoa địa ngục” và Đảng, Bác, Mác-Lê


Tháng 10 5, 2012

Phạm Hồng Sơn
Ông Nguyễn Chí Thiện, sinh năm 1939 tại Hà Nội, tác giả của tập thơ nổi tiếng Hoa địa ngục vừa qua đời ngày 02/10/2012 tại nước Mỹ. Những dòng sau đây xin được thay cho lời cầu nguyện tốt đẹp nhất tới linh hồn người quá cố và những bạn hữu, thân nhân và những người yêu quí ông.
Kể cả sau này khi thời thế đã thay đổi và Hoa địa ngục được xuất bản chính thức ở Việt Nam thì có thể vẫn có nhiều độc giả không thiện cảm với những từ ngữ thường quá bộc trực, cay đắng hay mang tính chửi thẳng của tác phẩm này. Nhưng nếu đặt những cảm xúc hoặc những hình thức thể hiện sang một bên thì không thể không thừa nhận Hoa địa ngục đã dám phê phán ba yếu tố – ba vấn đề – mà cho đến tận bây giờ không phải ai cũng nhận ra hoặc dám đụng đến, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường được gọi là “Bác” và chủ nghĩa Marx-Lenin.
Ngay năm 1959, trước khi vào tù lần thứ nhất và khi mới chỉ chớm tuổi 20, Hoa địa ngục[i] đã chĩa sự phê phán không úp mở vào đúng Đảng:
“Tôi thường đi qua phố
Có anh chàng mù, mắt như hai cái lỗ
Kính chẳng đeo, mồm thời xệch méo
Ngậm vào tiêu, cổ nổi gân lên
Dốc tàn hơi thổi đứt đoạn như rên
Mấy bài hát lăng nhăng ca ngợi Đảng
Đã mang lại Ấm no và Ánh sáng!”
(“Tôi thường đi qua”, 1959)
và bản chất gieo rắc cái ác của Đảng:
“Trên mảnh đất, Đảng gieo mầm tội lỗi!
Trong lành cũng phải tanh hôi!
Trẻ con chưa nứt mắt đã tù rồi!
Bạo lực đi về rất vội! “
(“Trên mảnh đất”, 1964)
Càng về sau, qua những lần tù càng dài thêm, sự phê phán và nhận thức về bản chất Đảng lại càng sâu hơn và, dĩ nhiên, gay gắt hơn:
“Không ai kêu nổi một lời
Mồm dân Đảng khóa đã mười mấy năm!”
(“Gửi Bertrand Russel”, 1968)
“Đảng bắt câm, bắt nói, bắt khóc, bắt cười
Bắt đói, bắt làm, hé răng oán thán
Là tù ngục mục xương độc đoán
Phải chăng đó giá công lao huyết hãn
Mấy ngàn ngày đánh Pháp những năm xưa”
(“Đồng lầy”, 1972)
“Đảng thực chất chỉ là Đảng cướp
Dựng triều đình mông muội giữa Văn minh
Sống tạm thời nhờ thủ đoạn yêu tinh,
Nhờ súng đạn Tàu, Nga, bắt bớ.”
(“Đảng”, 1973)
Và đây, Hoa địa ngục phác lên một hình ảnh toàn trị thu nhỏ của Đảng, kiểm soát hết các nhân quyền cơ bản:
“Nhà văn nhà báo
Nhà giáo nhà thơ
Nhà thờ nhà chùa
Đều sợ đều thua
Nhà tù – nhà Vua!
Chớ đùa với Đảng!”
(“Nhà văn”, 1980)
Còn về “Bác”, Hoa địa ngục đã đề cập nhiều lần trong nhiều giai đoạn khác nhau nhưng có thể nói bài “Không có gì quí hơn độc lập tự do” là bài điển hình cho cái nhìn tổng quát nhưng xuyên thấu qua mọi lớp vỏ tuyên truyền về Hồ Chí Minh hay của chính Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nếu vẫn thành kiến về những đại từ nhân xưng như “thằng”, “nó”, “con” thì có thể có hơi khó khăn để đồng cảm được với sự bộc trực, tinh ý của Hoa địa ngục lúc mới có 29 tuổi:
“Không có gì quý hơn độc lập tự do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu
Lúc rụi vào Tàu, lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh
Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học lối hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vợi hết thanh niên
đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật Tàu co
Tiếp nhiên liệu gây mồi cho nó
Súng, Tăng, Tên lửa, Tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?
Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi cải cách đã đem tù, đem bắn
Độ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!

Mọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nó
Tự do, không thời hạn đi tù!
Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù
Vì ai cũng đói món nhục nhằn cắn răng tạm nuốt
Hiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốt.
Đất nó thầm câm cũng chẳng được tha
Tất cả phải thành loa
Sa sả đêm ngày ngợi ca nó và Đảng nó
Đó là thứ tự do không có gì quý hơn của nó !
Ôi, Độc lập, Tự do !
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Đất Bắc mắc lừa mất vào tay nó
Nhưng nay mà vẫn có người mơ hồ nghe nó…”
(“Không có gì quí hơn độc lập tự do”, 1968)
Và chỉ bằng hai câu thôi, Hoa địa ngục đã có thể tóm gọn “Bác”:
“Bác Hồ chúng ta
Kịch gia xuất sắc”
(“Tên hề”, 1971)
Về chủ nghĩa Marx-Lenin tức chủ nghĩa cộng sản, điều đáng ngạc nhiên nếu không muốn nói là kinh ngạc, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo thông tin, tuổi đời còn rất trẻ và chắc chắn không có nhiều thời gian để đi học hay tự đọc, vì đã phải liên tục đi tù, nhưng Hoa địa ngục ngay lúc chưa đầy 25 tuổi đã nhận ra sai lầm rất chính trị:
“Cuộc đời tôi có nhiều lầm lẫn
Lầm nơi, lầm lúc, lầm người
Nhưng cái lầm to uổng phí cả đời
Là đã ngốc nghe và tin Cộng sản!”
(“Mỗi lầm lỡ”, 1963)
Dường như năm tháng tù đày triền miên lại làm cho Hoa địa ngục nhận thức sâu hơn chủ nghĩa Marx-Lenin về sự bất tương thích và hệ lụy của nó đối với dân tộc:
“Học thuyết Mác, một linh hồn u ám
Không gốc rễ gì trên mảnh đất ông cha
Mấy chục năm phá nước, phá nhà.”
(“Đồng lầy”, 1972)
Và đây Hoa địa ngục đã nói về chủ nghĩa Marx cách đây gần 40 năm mà lại gần giống như những gì ai đó mới lần đầu lên tiếng gần đây:
“Chủ nghĩa Mác chỉ là không tưởng
Trái với bản chất con người, reo rắc tai ương

Nếu cứ ngu si ôm mãi chủ nghĩa này
Nếu cứ thẳng tay bóp mãi dạ dầy
Đất nước nở mặt nở mày làm sao được nữa!
Dân tộc ta phải quăng ngay nó vào bếp lửa
Nồi cơm mới có thể mong đầy
Tự do, no ấm mới sum vầy”
(“Chủ nghĩa Mác”, 1984)
Có thể nói, so với tuổi đời của bản thân, Hoa địa ngục đã nhận thức được rất sớm và cũng dám phê phán bác bỏ rất sớm, mặc dù không hệ thống, về ba trụ cột chính của quyền lực cộng sản tại Việt Nam: Đảng, Bác, Marx-Lenin.
Nếu nhìn lại “Nhân văn-Giai phẩm” và “Xét lại chống Đảng”, những hoạt động và biến cố xảy ra gần trước và sau so với Hoa địa ngục, trong ánh sáng nhận thức về ba trụ cột đó thì lại thấy nhận thức của Hoa địa ngục còn sớm cả so với thời đại nữa. Trong “Nhân văn-Giai phẩm” đã có những tiếng nói, bài viết và thái độ bất ưng, phê phán sâu sắc về sự chà đạp nhân quyền cơ bản hay vấn đề pháp trị của Đảng và có thể có cả những phê phán ẩn dụ về lãnh tụ nữa nhưng tất cả vẫn còn hoàn toàn trên tinh thần chấp nhận Đảng, tránh xa vấn đề “Bác” và không hề đề cập đến Marx-Lenin. Ở “Xét lại chống Đảng” cũng tương tự, chỉ là không đồng ý với chính sách của Đảng lúc đó, còn về chủ nghĩa Marx-Lenin, Hồ Chí Minh và Đảng đều vẫn được tôn trọng – tinh thần này gần như vẫn được các cựu thành viên của các biến cố đó giữ nguyên cho đến tận gần cuối những năm 1990.
Nhìn lại bối cảnh khắc nghiệt, tăm tối của Hoa địa ngục cách đây gần nửa thế kỷ và thực trạng hôm nay còn rất nhiều bậc trí giả vẫn tự coi Đảng, Bác là những thứ húy kỵ, lại càng thấy cái ghê gớm nhất, đáng kính phục nhất của Hoa địa ngục: không phải là bản lĩnh tù đày, kiên gan trong cô đơn hay trường thơ tố cáo in trong trí nhớ, mà là sự nhìn ra sớm, nhìn thấy triệt để nhưng lại không giấu mọi người về cái Ác rất to lớn – cái Ác ở tầm quốc gia, dân tộc.
Hoa địa ngục đương nhiên phải chia tay trần thế nhưng chắc chắn không bao giờ phải đi về địa ngục.
© 2012 pro&contra

[i] Các bài thơ trích dẫn ở đây đến từ hai nguồn: Hoa địa ngục, Thơ Nguyễn Chí Thiện

BẦU TRỰC TIẾP CHỦ TỊCH XÃ: DÂN VÀ QUAN ĐỀU...LỢI?

Đinh Thế Hưng
Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật
Nguồn: Tuần Việt Nam,
đăng ngày 22/8/2013,
truy cập đường link gốc tại đây
 
Dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tăng thêm quyền lực cho ông ta. Bởi lẽ nó làm tăng tính chính danh cho chủ tịch và hệ quả logic là tăng thêm quyền lực và hiệu quả quản lý, điều hành.


Chính quyền địa phương tổ chức như thế nào đang là vấn đề "rối" nhất trong việc soạn thảo Hiến pháp sửa đổi khi mà thực tiễn thực hiện quyền lực Nhà nước ở địa phương thời gian qua đang đặt ra hàng loạt vấn đề đòi hỏi giải quyết.
Nhiều người cho rằng Hiến pháp sửa đổi về chính quyền địa phương chưa đạt yêu cầu và chưa cho thấy đột phá. Nhưng dân bầu trực tiếp chủ tịch xã là bước đột phá trong việc cải cách chính quyền địa phương?


Nhìn từ lịch sử

Làng xã Việt Nam luôn đem đến cho người ta nhiều điều thú vị khi nhìn nhận nó ở tất cả các phương diện, trong đó có việc tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước. Trong nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam ngay cả thời Bắc thuộc, thì làng xã vẫn có sự độc lập tương đối với chính quyền trung ương.
Nói cách khác chính quyền phong kiến ở trung ương dù mạnh đến đâu cũng có sự "dè chừng" nhất định khi can thiệp vào công việc của làng xã.
Điều ngạc nhiên đầu tiên đó là những người đứng đầu cấp làng, xã đều do dân trực tiếp bầu và bầu trong số cư dân của làng xã đó chứ không do quan trên bổ nhiệm và từ nơi khác.
Điều này có thể lý giải bởi đặc điểm làng xã Việt Nam. Đó là đơn vị lãnh thổ có đầy đủ yếu tố để độc lập. Làng xã có cơ sở kinh tế- ruộng đất làng. Có luật lệ riêng, đó là các lệ làng hương ước mà phép vua cũng phải thua. Có ranh giới rõ ràng, đó là các lũy tre làng. Có không gian sinh hoạt văn hóa riêng là các đình làng, bến nước, chợ và chằng chịt các quan hệ về dòng họ
Nếu gạt bỏ những hạn chế mang tính lịch sử, chính trị thì việc quản lý làng xã thời phong kiến cũng như xử lý mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, có thể để lại nhiều kinh nghiệm hay cho hôm nay.


{keywords}
Ảnh minh họa


Cái lợi của dân chủ trực tiếp

Có một quy luật trong việc thực hiện quyền lực. Đó là ở đâu, khi nào một chức vụ nào đó trong bộ máy công quyền do dân trực tiếp bầu, thì chức vụ đó đem đến quyền lực mạnh hơn so với bầu gián tiếp. Điều này có thể minh chứng bằng việc so sánh chế định Tổng thống Hoa Kỳ với các tổng thống không do dân bầu trực tiếp.
Chính vì vậy, dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tăng thêm quyền lực cho ông ta. Bởi lẽ nó làm tăng tính chính danh cho chủ tịch và hệ quả logic là tăng thêm quyền lực và hiệu quả quản lý, điều hành. Khi được dân trực tiếp và tự nguyện trao gửi quyền lực thì tất nhiên việc họ tuân thủ quyền lực đó cũng tự giác hơn. Rất thuận lợi cho lãnh đạo và điều hành của chủ tịch xã
Đồng thời dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ tạo điều kiện cho dân chúng trực tiếp thể hiện ý chí trong việc lựa chọn người đứng đầu. Thường thì dân lựa chọn ít khi sai. Nếu có sai họ sẽ có cơ hội sửa sai bằng chế độ nhiệm kỳ chủ tịch xã, bằng hàng loạt các cơ chế giám sát trực tiếp cũng như gián tiếp.
Nhìn một cách trực quan, các cụ ngày xưa chỉ cần một ông lý trưởng, vài ông phó lý, chục ông trương tuần....mà quan lý một xã răm rắp theo kỷ cương. Trong khi đó, chính quyền cấp xã hiện nay tương đối nhiều người, sao dân vẫn kêu? Đó bởi số lượng hay chất lượng? Hay là cả hai?
Chúng ta thừa nhận hiệu quả của dân chủ trực tiếp và không thực hiện được dân chủ trực tiếp ở cấp cao hơn vì nhiều lý do. Nhưng trong phạm vi một xã, người dân hoàn toàn có đủ thông tin và đủ sức trực tiếp người đứng đầu hàng xã.

Còn đó những băn khoăn

Vướng mắc đầu tiên khiến nhiều người băn khoăn, đó chính là để dân bầu chủ tịch xã sẽ rất có thể vi phạm nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước. Đó là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Ý Đảng và lòng dân gặp nhau, nhưng không thể không đề phòng có độ vênh nào đó. Bởi lẽ không loại trừ trường hợp người dân bầu một ông không phải trong cấp ủy, thậm chí không phải là đảng viên làm chủ tịch thì giải quyết thế nào giữa một bên là nguyên tắc một bên là sự lựa chọn của nhân dân?
Thứ hai, đó là để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ phải minh định mối quan hệ giữa cấp xã và cấp trên xã xung quanh cái ghế của ông chủ tịch. Dân bầu thì dân có quyền miễn nhiệm hay cấp trên có quyền đó khi ông chủ tịch không xứng đáng? Giả sử có xung đột quan điểm thì giải quuyết thế  thế nào? Bên cạnh đó dân bầu trực tiếp chủ tịch xã sẽ có những hạn chế của dân chủ trực tiếp nói chung đó là- số đông vẫn có thể sai.

Gợi mở những giải pháp

Lịch sử có một ông vua vì muốn tập trung quyền lực vào nhà nước trung ương đã ra sức "công phá" vào lũy tre làng. Đó là ông cua Lê Thánh Tông mà ngày nay, khi nhắc đến công cuộc này, người ta gọi là cải cách Lê Thánh Tông.
Để hạn chế quyền lực cấp xã, vua Lê Thánh Tông đã có hàng loạt cải cách mềm dẻo mà kiên quyết như: Vẫn để xã bầu trực tiếp lý trưởng nhưng phải theo tiêu chuẩn của nhà nước. Làng có thể lập hương ước hay lệ làng nhưng không trái luật của vua.....
Điều này cũng đã được thể hiện trong... đề án của Bộ Nội vụ về việc dân bầu chủ tịch xã, bằng những giải pháp cụ  thể, được trình Quốc hội đã khá lâu. Ví dụ cũng quy định cụ thể tiêu chuẩn ứng cử, cũng xác định mối quan hệ giữa chủ tịch xã và hội đồng nhân dân và cơ quan cấp trên....
Theo chúng tôi đây là đề án khá hay nếu chúng ta khởi động lại việc để dân bầu chủ tịch xã.
Dân chủ trực tiếp là bước tiến về sinh hoạt đời sống cộng đồng. Nhưng muốn thành công, việc thực hiện chủ trương này cần nhiều điều kiện, từ quyết tâm chính trị đến cơ chế pháp lý và tổ chức thực hiện, đặc biệt là cơ sở Hiến định. Để tránh tình trạng vi hiến mà lâu nay chúng ta vẫn mắc phải, ví như làm thí điểm những việc Hiến pháp không quy định, như thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện phường.
Thực hiện dân chủ trực tiếp nói chung và bầu trực tiếp chủ tịch xã nói riêng, chắc chắn sẽ thành công khi Nhà nước tin ở dân!

Tư tưởng Hồ Chí Minh qua Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Véc-xây và bản Hiến pháp 1946

LTS Dân trí) - Nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Dân trí xin đăng bài viết của CTV Minh Tuấn (từ Tokyo, Nhật Bản) tìm hiểu những nét tương đồng giữa Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Véc-xây (năm 1919) và Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946), từ đó thấy được một điểm nhất quán hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.



Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc năm 1918. Ngày 28 tháng 6 năm 1919, các nước thắng trận và bại trận đã họp Hội nghị tại Versailles, Pháp, để ký kết các hòa ước chính thức, cũng như phân chia các quyền lợi cho các nước thắng trận. 
Các nước thắng trận bao gồm Anh, Pháp, Nga, Ytalia, Mỹ. Các nước bại trận bao gồm Đức, Áo - Hungary, và Thổ Nhĩ Kỳ.  
Tại Hội nghị Versailles này, bên cạnh các đoàn đại biểu chính thức, còn có đại diện các dân tộc bị áp bức, đến dự Hội nghị để yêu cầu độc lập và tự do cho dân tộc mình, như đại diện cho người Aixơlen, người Ấn Độ, người Triều Tiên, người Arập… Khi đó người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, đã tự tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pa-ri, và tại các tỉnh ở Pháp. Ông Nguyễn Ái Quốc đã đến Hội nghị Versailles với danh nghĩa đại diện cho tổ chức này.

Tại Hội nghị Versailles, ông Nguyễn Ái Quốc đã phát cho các đại biểu dự Hội nghị “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Versailles”. “Bản yêu sách” này bao gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam.

“Bản yêu sách” nổi tiếng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc  gửi Hội nghị Versaillé năm 1919 đó, bao gồm 8 điểm là:

1- Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
2- Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất.
3- Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
4-Tự do lập hội và tự do hội họp.
5-Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài.
6-Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh.
7-Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp.
8-Phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ”.

Sau “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hội nghị Versailles, lần đầu tiên dư luận ở Pháp, và ở Việt Nam biết đến cái tên Nguyễn Ái Quốc, một thanh niên Việt Nam trẻ tuổi đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Và cũng từ đó, mật thám Pháp bắt đầu để ý, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của ông Nguyễn Ái Quốc. Bởi vì, với Nhà nước thực dân độc tài, phản dân chủ, thì mọi tiếng nói đòi tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam đều bị coi là nguy hiểm cho Nhà nước thực dân.

Nhưng tất cả những yêu sách ôn hòa đó của Nhóm người Việt Nam yêu nước của ông Nguyễn Ái Quốc đều không được Chính phủ Pháp, cũng như các nước trong Hội nghị Versailles quan tâm, để ý. Từ đó, ông Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận quan trọng rằng không thể trông cậy vào các nước khác, “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.

Bây giờ nhìn lại Bản yêu sách 8 điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Versailles năm 1919, chúng ta thấy rằng tư tưởng của Bác Hồ về một thể chế tôn trọng những quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho người dân được hình thành từ rất sớm. Khi đó Bác Hồ mới 29 tuổi, và mới sang Pháp được 8 năm. Trong số các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, thì Bác Hồ là người duy nhất sống ở nước ngoài tới 30 năm.

Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, tại bến Nhà Rồng, Sài Gòn, và chỉ đến năm 1941 mới trở về nước, để lãnh đạo Đảng, nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Bởi vậy Bác là người hiểu rất rõ những hạn chế, xấu xa của chế độ tư bản, thực dân, nhưng đồng thời Bác cũng hiểu được rất rõ các giá trị của nền văn minh phương Tây, của chế độ tự do, dân chủ phương Tây.

Chính bởi vậy, vào năm 1946, khi Bác Hồ chỉ đạo soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bản Hiến pháp 1946 đó chứa đựng rất nhiều giá trị tiến bộ của nền dân chủ phương Tây. Bác Hồ đã lãnh đạo Đảng và nhân dân Việt Nam đánh đuổi thực dân, nhưng những giá trị của nền văn minh phương Tây, thì cần phải khiêm tốn học hỏi. Đó chính là tính biện chứng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Điều 10 của Hiến pháp 1946 qui định: “Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận. - Tự do xuất bản. - Tự do tổ chức và hội họp. - Tự do tín ngưỡng. - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Nội dung của điều 10 này rất giống một phần nội dung 8 điểm mà Bác Hồ đã gửi Hội nghị Versailles cách năm 1946 đó 27 năm.

Hiện nay trong cả nước đang dấy lên phong trào “lao động, học tập gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là phong trào rất hay, rất cần thiết, nhưng theo tôi thiển nghĩ thì chưa đủ. Bởi vì đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là một nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một diểm nhất quán và hết sức quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh là về xây dựng một Nhà nước công bộc của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Trong thư “Gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện, và làng” tháng 10 năm 1945, Bác Hồ viết “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”. Như vậy, Bác Hồ hiểu rất rõ độc lập cũng chỉ là phương tiện để thực hiện tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tự do, hạnh phúc cho nhân dân mới là mục đích của nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.

Chừng nào còn có kẻ đánh bạc cả triệu đôla, nhưng cả triệu người dân còn thiếu thốn nhiều bề, chừng nào còn có cán bộ hách dịch, xếch mé với dân, không làm tròn trách nhiệm là công bộc của dân, chừng nào người dân còn chịu oan khuất, phải đi khiếu kiện kêu cầu công lý, chừng nào bộ máy hành chính còn hành dân, thì chừng đó, tư tưởng Hồ Chí Minh còn chưa được quán triệt trở thành hành động trong thực tế.

Bây giờ nhìn lại Bản yêu sách 8 điểm của Bác Hồ cách đây gần 100 năm, và bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, chúng ta thấy rõ tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng một thể chế tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân.

Từ đó chúng ta thấy rõ rằng cần phải từ phong trào lao động, học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, nâng cao lên thành phong trào học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước công bộc của dân.


Minh Tuấn
(Từ Tokyo, Nhật Bản)

http://vi.wikipedia.org/wiki/Y%C3%AAu_s%C3%A1ch_c%E1%BB%A7a_nh%C3%A2n_d%C3%A2n_An_Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh qua Bản yêu sách gửi đến Hội nghị Véc-xây và bản Hiến pháp 1946 10 9 5501