1. Những chủ thuyết của việc sửa đổi
Hiến pháp ở Mỹ
Người Mỹ không tin vào
khả năng có một bản hiến pháp hoàn hảo, trường tồn vượt thời gian. Niềm tin này
có lẽ khởi nguồn từ những ý tưởng của các tác giả viết về chính quyền của Đảng
Whig1 gồm các nhà các cải cách hiến pháp từ giữa thế
kỷ 18 như James Burgh, John Cartwright, cũng như các triết gia về chính quyền
theo khuynh hướng cộng hòa vào thế kỷ 17, đặc biệt là Algernon Sidney2, người đã
từng tuyên bố: “Nếu con người không buộc phải sống trong các hang động và các
hốc cây, phải ăn những quả dầu, phải ở trần, thì tại sao họ phải vĩnh viễn sống
dưới một hình thức chính quyền mà cha ông họ đã dựng nên vào một thời kỳ đã
qua” (Các luận thuyết về chính quyền). Vị Tổng thống Mỹ đầu tiên George
Washington, trong một bức thư gửi cho người cháu trai là Bushord, hai tháng sau
khi Hội nghị lập hiến Philadephia kết thúc, đã viết: “Những người bạn nhiệt
tình nhất và những người ủng hộ nhất đối với bản Hiến pháp cũng không nghĩ rằng
nó không có một sai lầm nào”3. Có lẽ người Mỹ ủng hộ mạnh mẽ nhất với với việc
cải cách hiến pháp là Tổng thống Jefferson. Điểm đặc trưng trong tư tưởng hiến
pháp của Jefferson, làm cho tư tưởng của ông khác với những người đương thời,
là sự ủng hộ rất nhiệt tình đối với việc thay đổi hiến pháp, kể cả ở cấp tiểu
bang lẫn cấp quốc gia4. Những triết lý về việc sửa đổi hiến pháp của ông được trích
dẫn một cách rộng rãi trong các nghiên cứu về sửa đổi hiến pháp Mỹ. Người ta
thường trích dẫn lại những lời này trong một bức thư mà Jefferson viết năm 1861
tuyên bố với Samuel Kercheval vai trò của ông đối với vấn đề thay đổi hiến
pháp: “Một số người nhìn hiến pháp với một lòng sùng đạo quá mức, và tưởng rằng
hiến pháp là một ánh hào quang của sự thỏa thuận, sợ không dám đụng vào chúng5. Họ gán cho
các bậc tiền bối sự thông thái hơn con người, và nghĩ rằng những gì họ làm
không thể sửa đổi… Tôi đương nhiên là không ủng hộ việc thay đổi luật và hiến
pháp một cách thường xuyên và thiếu kinh nghiệm… Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, luật
và các định chế phải song hành với sự phát triển của trí tuệ con người. Khi trí
tuệ con người trở nên phát triển hơn, sáng suốt hơn, khi xuất hiện những khám
phá mới, sự thật mới được phơi bày, cách cư xử và quan niệm thay đổi cùng với
sự thay đổi của hoàn cảnh, các định chế cũng phải tiến bộ theo… Mỗi thế hệ đều
độc lập như những thế hệ đi trước… Vậy thì họ cũng phải có quyền, như các thế
hệ trước, chọn cho mình một mô hình chính quyền mà họ tin rằng sẽ đem lại một
cách tốt nhất hạnh phúc của riêng họ”6.
Tư tưởng hiến pháp của
Jefferson gợi mở những cơ sở duy lý của việc sửa đổi hiến pháp ở Mỹ. Các nghiên
cứu hiến pháp ở Mỹ về sau cụ thể hơn những lý do về mặt lý thuyết của việc sửa
đổi hiến pháp. Tại sao hiến pháp phải được sửa đổi?
Học thuyết chủ quyền nhân
dân được coi là cơ sở quan trọng của việc sửa đổi hiến pháp. Như được đề cập
trong bức thư của Jefferson, người dân trong các thế hệ khác nhau phải có quyền
lựa chọn mô hình chính quyền cho mình. Điều này cần phải truy nguyên đến học
thuyết về chủ quyền nhân dân của John Locke được phát triển trong danh tác
“Luận thuyết thứ hai về chính quyền”. Ban đầu, người Mỹ coi học thuyết chủ
quyền nhân dân như một tảng nền lý thuyết để lập quốc7, rồi sau đó là cơ sở để xây
dựng hiến pháp, và sau đó nữa, việc sửa đổi hiến pháp cũng dựa trên học thuyết
này. Mặc dù tư tưởng chủ quyền nhân dân đã được người Mỹ nhận thức rõ rệt từ
năm 1776 (thông qua Tuyên ngôn Độc lập), sự áp dụng học thuyết này để xây dựng
nên các thể chế chính quyền chỉ diễn ra ở các thập kỷ tiếp theo. Dần dần, người
ta nhận ra rằng học thuyết chủ quyền nhân dân đòi hỏi hiến pháp phải được soạn
thảo bởi một đại hội phổ thông do dân chúng bầu, chứ không phải là một cơ quan
lập pháp thường, và sau đó được phê chuẩn theo một quy trình thể hiện sự chấp
thuận của dân chúng - lý tưởng nhất là thông qua trưng cầu dân ý. Điều này đã
được ứng dụng trong việc ban hành Hiến pháp của tiểu bang Massachusetts năm
1780 và hiến pháp của tiểu bang New Hampshire năm 1784. Sau đó, cho đến thế kỷ
19, hình thức trưng cầu dân ý trở thành một tiêu chuẩn để lập hiến ở các tiểu
bang8.
Người Mỹ nhanh chóng kết luận rằng: nếu một bản hiến pháp dựa vào sự ưng thuận
của dân chúng, thì người dân cũng có thể thay thế nó bằng một bản hiến pháp
khác. John Locke cho rằng dân chúng có quyền thay đổi chính quyền khi chính
quyền xâm hại đến hạnh phúc của dân chúng đến mức xã hội dân sự phải trở về
trạng thái tự nhiên. Người Mỹ đã đi xa hơn tư tưởng của Locke khi định chế hóa
quyền thay đổi hiến pháp của xã hội dân sự. Điều này không chỉ gồm có việc thay
đổi một hiến pháp mới mà còn gồm cả việc sửa đổi một cách chính thức hiến pháp
đó9.
Như vậy, việc sửa đổi
hiến pháp được gắn với hạnh phúc của những con người đang sống dưới hình thức
chính quyền mà hiến pháp đó điều tiết. Những thế hệ đang sống phải có quyền
điều chỉnh những gì mà cha ông họ đã xác lập theo một cách thức đem lại hạnh
phúc cho họ.
Trong một bức thư viết
cho Madison, Jefferson đã đưa ra một lý thuyết quan trọng làm cơ sở cho sự ủng
hộ của mình đối với việc thay đổi hiến pháp. Đó là lý thuyết “chủ quyền của thế
hệ hiện tại”. Lý thuyết này được thể hiện qua một văn thức đặc biệt trong bức
thư: “Trái đất thuộc về những người đang sống”. Một câu hỏi cơ bản mà Jefferson
đặt ra trong bức thư gửi cho Madison là: “ Một thế hệ có quyền ràng buộc một
thế hệ khác không?” Jefferson bắt đầu với một nguyên lý hiển nhiên là: “Hoa lợi
trên trái đất thuộc về những người đang sống”. Người chết không có quyền và
quyền lợi đối với nó. Bất cứ quyền và quyền lợi mà một người có trong khi sống
cũng sẽ chấm dứt sau cái chết của anh ta. Lấy quyền tài sản của một cá nhân làm
ví dụ, Jefferson cho rằng quyền và quyền lợi của một thế hệ cũng tương tự như
vậy: “Điều gì đúng với mỗi thành viên riêng rẽ của một xã hội thì cũng đúng với
họ như một tổng thể vì quyền của tổng thể không thể là gì khác hơn là tổng số
quyền của các cá nhân”. Điều đó có nghĩa, trái đất thuộc về thế hệ đang sống.
Tiêu chuẩn để đo lường đời sống của một thế hệ nhất định là triển vọng sống của
đa số những người ở độ tuổi cao nhất vào thời điểm mà một hợp đồng (hiến pháp,
luật) được xác lập. Jefferson tính toán rằng, 19 năm là khoảng thời gian sống
trung bình của một thế hệ. Những lập luận trên là cơ sở cho quan niệm về sửa
đổi hiến pháp. “Không một xã hội nào có thể làm ra một hiến pháp vĩnh hiễn hay
một đạo luật bất diệt”, “ Trái đất luôn thuộc về những người đang sống. Hiến
pháp và luật của những thế hệ cha ông họ mất đi cùng với sự mất đi của những
người đã đem lại cho chúng sự sống”. Jefferson kết luận: “Mọi hiến pháp và mọi
luật sẽ tự nhiên mất hiệu lực vào thời điểm cuối cùng của 19 năm tồn tại. Nếu
nó hiệu lực lâu hơn, nó là một sự áp đặt, không phải là quyền”10.
Tóm lại, người Mỹ quan
niệm hiến pháp phải được sửa đổi vì đó là quyền của thế hệ đang tồn tại: họ
được quyền điều chỉnh mô hình chính quyền sao cho có thể đem lại hạnh phúc cho
họ. Một mô hình chính quyền đã được xác lập từ thế hệ trước nếu không được điều
chỉnh sẽ là một áp đặt đối với thế hệ đang sống. Như vậy, đối với vấn đề sửa
đổi hiến pháp ở Mỹ, lý thuyết chủ quyền nhân dân đã dẫn đến lý thuyết “chủ
quyền của thế hệ hiện tại.”
2. Quy trình sửa đổi hiến
pháp ở Mỹ
Quy trình sửa đổi Hiến
pháp liên bang ở Mỹ được quy định trong điều V của Hiến pháp như sau: “Khi hai
phần ba thành viên của hai Viện đều xét thấy cần thiết sẽ đưa ra những điều sửa
đổi đối với Hiến pháp, hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba
các bang, sẽ triệu tập một Hội nghị để đề xuất những điều sửa đổi; trong cả hai
trường hợp, các điều khoản sửa đổi Hiến pháp đều có hiệu lực như một bộ phận của
Hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang,
hoặc bởi Đại hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do Quốc
hội đề nghị với điều kiện là không một điều sửa đổi nào có thể được đề xuất
trước năm 1808 theo một cách thức ảnh hưởng đến đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9
của Điều 1; và không một bang nào, nếu bản thân không đồng ý, lại có thể bị
tước đoạt quyền bỏ phiếu bình đẳng trong Thượng Viện”.
2.1. Sáng quyền tu chính
hiến pháp
Hiến pháp Mỹ dự trù hai
chủ thể có sáng quyền tu chính hiến pháp là Quốc hội liên bang và Hội nghị hiến
pháp.
Quốc hội liên bang được
đề xuất sửa đổi hiến pháp. Khi đề xuất sửa đổi hiến pháp, cần phải có sự đồng ý
của 2/3 tổng số thành viên có mặt theo túc số hành động của hai viện Quốc hội,
chứ không phải 2/3 tất cả các thành viên của Quốc hội. Việc bỏ phiếu với tỉ lệ
2/3 chỉ áp dụng đối với việc thông qua văn bản cuối cùng về đề nghị sửa đổi.
Như vậy, bản đề nghị sửa đổi có thể được sửa đổi bằng một cuộc bỏ phiếu đa số,
nhưng tỉ lệ 2/3 là cần thiết khi một viện bỏ phiếu lần cuối cùng đồng ý với bản
đề nghị sửa đổi của viện kia11.
Khi Quốc hội trình đề
nghị sửa đổi hiến pháp, Quốc hội không phải đang thực thi quyền lập pháp thông
thường. Vì vậy, đề nghị sửa đổi hiến pháp của Quốc hội không cần sự chấp nhận
của Tổng thống, và cũng không bị ảnh hưởng bởi quyền phủ quyết của Tổng thống.
Tòa án tối cao liên bang đã đưa ra phán quyết về vấn đề này trong vụ Hollingsworth
v.Virgina. Tòa án đã giải thích: Đề nghị sửa đổi hiến pháp không cần phải
đưa cho Tổng thống. Hiến pháp chỉ yêu cầu Tổng thống ký vào các đạo luật
thường. Hành động của Quốc hội trong việc đề nghị sửa đổi hiến pháp là một hành
động có tính hiến pháp chứ không phải là ban hành một đạo luật thường12.
Hiến pháp Mỹ không đặt ra
những giới hạn của quyền đề nghị sửa đổi hiến pháp của Quốc hội, trừ một giới
hạn là các tiểu bang không bị tước quyền bình đẳng trong Thượng viện khi không
đồng ý với nội dung sửa đổi hiến pháp. Tòa án tối cao liên bang đã cho rằng
điều V của Hiến pháp có khuynh hướng trao cho Quốc hội một quyền lực rộng lớn
trong việc đề nghị sửa đổi hiến pháp. Khi đệ trình đề nghị sửa đổi hiến pháp,
Quốc hội không cần phải tuyên bố rõ ràng việc sửa đổi hiến pháp là cần thiết vì
một nghị quyết chung giữa hai viện đủ để cho thấy rằng sửa đổi hiến pháp là cần
thiết13.
Hiến pháp Mỹ cũng quy
định rằng, Quốc hội, khi có yêu cầu của cơ quan lập pháp của 2/3 các bang, “sẽ”
triệu tập một Hội nghị để sửa đổi hiến pháp. Tòa án tối cao giải thích rằng
“sẽ” có nghĩa là “phải”. Nhiệm vụ của Quốc hội là phải triệu tập một Hội nghị
như vậy. Nhưng Quốc hội có quyền quyết định trong điều kiện như thế nào thì
Quốc hội phải thực hiện nghĩa vụ đó, việc tổ chức Hội nghị có hợp lý hay không,
khi nào số lượng các bang đủ đề yêu cầu triệu tập Hội nghị14.
Mặc
dù hiến pháp tạo ra hai con đường hình thành sáng quyền tu chính hiến pháp là
Quốc hội và Đại hội hiến pháp nhưng trên thực tế, tất cả các tu chính án hiến
pháp Mỹ đều do Quốc hội đề xuất. Chưa có một sửa đổi hiến pháp nào được thông
qua trên cơ sở sáng quyền tu chính của Đại hội hiến pháp. Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là Hiến pháp đã dự trù ra một con đường tu chính thứ hai vô
nghĩa. Theo giải thích của Akhil Reed Amar, giáo sư luật hiến pháp danh tiếng
của Trường Luật Yale, việc hiến pháp dự trù hình thức Đại hội hiến pháp đệ
trình đề nghị sửa đổi hiến pháp có ý nghĩa ngăn cản không để cho Quốc hội có
quyền tự quyết đối với những cải cách hiến pháp cần thiết để giới hạn quyền lực
của Quốc hội. Một Đại hội hiến pháp được triệu tập trên cơ sở đề nghị của 2/3
cơ quan lập pháp của các bang có quyền đệ trình đề nghị sửa đổi hiến pháp có
nghĩa việc sửa đổi hiến pháp không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của Quốc hội
liên bang15.
2.2. Phê chuẩn sửa đổi
hiến pháp
Hiến pháp Mỹ dự trù hai
hình thức phê chuẩn hiến pháp là phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ¾ các
bang; hoặc phê chuẩn bởi Đại hội hiến pháp của ¾ các bang. Như vậy, trong cả
hai trường hợp, sửa đổi hiến pháp phải được sự đồng ý của ¾ các bang. Trong cả
hai trường hợp, việc sửa đổi hiến pháp được xem xét cẩn trọng bởi người đại
diện của dân chúng (cơ quan lập pháp bang hoặc Hội nghị hiến pháp). Với cách
thức như vậy, tiếng nói của dân chúng được phản ánh trong việc sửa đổi hiến
pháp.
Việc phê chuẩn của cơ
quan lập pháp bang đối với việc sửa đổi hiến pháp không phải là một hành vi lập
pháp theo nghĩa thông thường của từ này. Nó là sự thể hiện sự đồng thuận của
bang đối với dự án sửa đổi hiến pháp. Chức năng của cơ quan lập pháp bang trong
việc phê chuẩn hiến pháp là một chức năng liên bang16. Các học giả luật hiến pháp Mỹ lưu ý
rằng, khi các bang phê chuẩn sửa đổi hiến pháp liên bang, họ hành động một cách
đặt biệt, như một Cơ quan Liên bang. Quyền lực của họ trong việc phê chuẩn hiến
pháp bắt nguồn từ nguồn lực liên bang17. Vì Hiến pháp liên bang trao cho họ quyền này
và quyết định của họ có giá trị ràng buộc đối với toàn liên bang.
Khi
dự trù một hình thức thứ hai để phê chuẩn hiến pháp là Đại hội hiến pháp của ¾
các bang, Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể Đại hội này sẽ được triệu tập và
thành lập như thế nào. Vì không có luật của liên bang quy định về vấn đề này,
các bang phải tự quy định. Có bang, luật pháp quy định rằng các đại biểu phải
được bầu từ những đơn vị khác nhau trong nội bộ bang. Các đại biểu đó không tập
hợp thành những nhóm lớn có tổ chức, không được bầu theo đảng phái, bởi vì nếu
như thế cử tri sẽ thể hiện sự lựa chọn của mình bằng cách loại bỏ nhóm đối lập.
Nhưng, có bang lại quy định cử tri sẽ bỏ phiếu cho một nhóm đại biểu18. Như vậy, việc lựa chọn các
đại biểu tham gia Đại hội hiến pháp tùy thuộc vào pháp luật của từng bang.
Hiến pháp Mỹ có thể được
sửa đổi dưới hình thức trưng cầu dân ý không? Có nghĩa là thay vì dự thảo sửa
đổi hiến pháp được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của bang, nó có thể được phê
chuẩn bởi một cuộc trưng cầu dân ý ở các bang hay không? Vấn đề này đã phải
được phán quyết tại Tòa án tối cao liên bang trong vụ Hawke v.Smith.
Tòa án giải thích rằng quyền lập pháp của bang xuất phát từ nhân dân của bang
nhưng quyền phê chuẩn dự thảo sửa đổi hiến pháp liên bang của bang lại xuất
phát từ Hiến pháp liên bang. Hành động phê chuẩn bởi các bang do Hiến pháp quy
định, điều mà các bang và nhân dân các bang đã đồng ý. Phương pháp phê chuẩn
tùy thuộc vào sự lựa chọn của Quốc hội. Việc xác định phương pháp phê chuẩn là
việc thực thi quyền lực của quốc gia được quy định bởi Hiến pháp liên bang.
Ngôn ngữ trong điều V của Hiến pháp đã rõ ràng. Tòa án, cũng như các cơ quan
lập pháp của quốc gia, của các bang không có chức năng thay đổi phương pháp sửa
đổi hiến pháp mà Hiến pháp đã ấn định19.
Một vấn đề liên quan đến
việc phê chuẩn sửa đổi hiến pháp là thời hạn phê chuẩn. Hiến pháp không ấn định
thời hạn phê chuẩn hiến pháp20. Tuy nhiên, vấn đề này đã phần nào được giải
quyết trong vụ án Dillon v. Gloss. Trong vụ án này, Tòa án tối cao
liên bang đã cho rằng việc phê chuẩn phải tương thích với yêu cầu số lượng các
bang để phản ánh ý chí của nhân dân. Vì vậy, phê chuẩn phải được tiến hành
trong một “thời gian hợp lý” sau khi đệ trình đề nghị sửa đổi hiến pháp. Tòa án
cho rằng, Hiến pháp đã trao cho Quốc hội một quyền lực rộng lớn trong việc đệ
trình sửa đổi hiến pháp, và vì vậy, thời gian 7 năm cho việc phê chuẩn là hợp
lý21.
Quy trình sửa đổi hiến
pháp được ấn định trong Hiến pháp liên bang Mỹ không phải là sự sáng tạo riêng
biệt của các đại biểu ở Philadelphia vào năm 1787. Trước đó, các tiểu bang mới
giành được độc lập của Mỹ đã có hiến pháp và cũng đã thử nghiệm những hình thức
sửa đổi hiến pháp khác nhau. Trong đó, có những hiến pháp tiểu bang đã quy định
những hình thức sửa đổi hiến pháp tiến bộ, mà sau này được kế thừa trong Hiến
pháp của liên bang. Đó là hiến pháp của ba tiểu bang Masachusettes,
Pennsylvania, và New Hampshire.
Giáo sư Amar cho rằng, hệ
thống sửa đổi hiến pháp được quy định trong Hiến pháp liên bang đã kết hợp được
những ưu điểm và bỏ qua những khiếm khuyết của các điều khoản về sửa đổi hiến
pháp trong hiến pháp của các tiểu bang. Thứ nhất, để bảo đảm những giới hạn
quan trọng của nhân dân đối với quyền lực của Quốc hội, Hiến pháp đã sáng suốt
không cho phép Quốc hội đơn phương thay đổi các giới hạn đó. Bằng cách này,
Điều V của Hiến pháp đã đặt hiến pháp lên một vị trí tối cao so với các đạo
luật thường của Quốc hội. Quốc hội bị đặt ra ngoài quá trình phê chuẩn hiến
pháp, một điều có ý nghĩa ngăn cản những ý đồ tự điều chỉnh quyền lực hiến định
của Quốc hội. Hơn nữa, để chống lại một Hội nghị liên bang độc tài có thể tự
tôn mình làm bá chủ, Điều V quy định nếu và khi được triệu tập, Hội nghị đó chỉ
được đệ trình đề nghị sửa đổi hiến pháp, còn sự phê chuẩn được tiến hành độc
lập. Ngoài ra, để tránh rủi ro là các cơ quan lập pháp của tiểu bang tự cản trở
những cải cách cần thiết để giới hạn quyền lực của họ hoặc bổ sung quyền cho
chính phủ trung ương, Điều V đã cho phép Quốc hội bỏ qua những cơ quan này bằng
việc ủng hộ các Hội nghị phê chuẩn đặc biệt ở các tiểu bang. Cuối cùng, để cho
phép quốc gia có thể phản ứng được với những khủng hoảng bất cứ khi nào nó xảy
ra, Điều V không đặt ra thời gian giới hạn đối với quy trình sửa đổi (tuy
nhiên, viêc buôn bán nô lệ bên bờ kia Đại Tây Dương được miễn trừ khỏi việc sửa
đổi hiến pháp cho đến năm 1808)22.
Tuy nhiên, những điều đó
không có nghĩa quy trình sửa đổi hiến pháp Mỹ là hoàn hảo. Các học giả Mỹ đã
chỉ ra những hạn chế trong Điều V của Hiến pháp Mỹ về quy trình tu chính hiến
pháp. Một trong những hạn chế lớn nhất là giới hạn sửa đổi hiến pháp. Đặt biệt,
giáo sư Amar đặt ra hàng loạt những câu hỏi: Bản thân điều V có thể là đối
tượng của việc sửa đổi không? Nếu không, tại sao điều V không nói gì? Có những
điều cốt yếu của Hiến pháp không thể sửa đổi được không? Ví dụ, chính thể cộng
hòa có thể được sửa đổi không? Một vấn đề cũng gây quan ngại là vấn đề trưng
cầu dân ý khi sửa đổi hiến pháp. Giáo sư Amar đặt ra vấn đề: nếu đa số người Mỹ
yêu cầu triệu tập một Hội nghị hiến pháp, Quốc hội có nhiệm vụ phải đáp ứng
không? Quốc hội hoặc Hội nghị hiến pháp có thể đưa dự án sửa đổi cho toàn thể
dân chúng Mỹ bỏ phiếu trực tiếp dưới hình thức một hội nghị phê chuẩn toàn quốc
hoặc trưng cầu dân ý toàn quốc?23 Nếu tham
chiếu với nhiều hiến pháp của các nước Châu Âu, những điểm trên là nhược điểm
trong quy trình sửa đổi hiến pháp Mỹ. Nhiều hiến pháp Châu Âu thường đặt ra
những giới hạn đối với việc tu chính hiến pháp như không được sửa đổi chính thể
và chính điều khoản quy định về việc sửa đổi hiến pháp. Ngoài ra, tôn trọng
triệt để thuyết chủ quyền nhân dân, nhiều hiến pháp Châu Âu quy định trưng cầu
dân ý như một thủ tục bắt buộc để thông qua hiến pháp.
(Kỳ sau đăng tiếp)
(1) Đảng Whig, tiền thân của Đảng tự do ở
Anh, phát triển từ cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19.
(2) Algernon Sidney (1623-1783), một nhà
chính trị, một lý thuyết gia về chính trị người Anh, tác giả của “Các luận
thuyết về chính quyền”, một tác phẩm được Jefferson đánh giá cao như một nghiên
cứu chính yếu về chính quyền.
(3) Sanford Levinson. Our undemocratic
Constitution ( New York: Oxford
University press, 2006), pp.21.
(4) David N.Mayer. The constitutional
thought of Thomas Jefferson (Virgina: University of Virgina press, 1994),
pp.296.
(5) Ở Mỹ, trong buổi đầu của nền cộng hòa,
6 trên 13 hiến pháp của các tiểu bang được viết như “những hiến chương bất
diệt” và không có quy định về sửa đổi hiến pháp.
Ở Việt Nam, có vị học giả ví hiến pháp như “bàn thờ”. Đáp lại một cách hài
hước, một vị học giả khác cho rằng “bàn thờ” cũng phải được lau chùi hàng năm
trước những ngày Tết.
(6) Sanford Levinson. Our
undemocratic Constitution ( New York:
Oxford University press, 2006), pp.IX.
(7) Đoạn đầu trong Tuyên ngôn Độc lập của
Jefferson phản ánh rõ điều này qua văn thức: “Rằng để đảm bảo cho những quyền
lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lợi
chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế
chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi
hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới…” Trích lại từ: Vũ
Đình Hòe. Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2005,
tr.231.
(8) Cho đến nay, 48/50 tiểu bang ở Mỹ quy
định trưng cầu dân ý như một quy trình bắt buộc của việc sửa đổi hiến pháp.
(9) Donald S.Lutz. “Toward a theory of
constitutional amendment,” American Political Science Review. Vol. 88, No. 2
June 1994, pp.355-356.
(10) David N.Mayer. The constitutional
thought of Thomas Jefferson (Virgina: University of Virgina press, 1994),
pp.304
(11) Westel
W.Willoughby. Principles of the Constitutional law of the United States (New
York: Baker, Voorhis & Co press, 1933), pp. 247
(12)
Joseph F.Menez, John R.Vile. Summaries of leading cases
on the Constitution (Rowman & Littlefield Publisher press, 2004), pp.190..
(13) American
Jurisprudence, Volume 16, Conflict of law to Constitutional law ( West Group,
1998) pp.360.
(14) American
Jurisprudence, Volume 16, Conflict of law to Constitutional law ( West Group,
1998) pp.360.
(15) Akhil Reed Amar.
America’s Constitution- A Biography (New York: Random House press, 2005),
pp.290.
(16) American Jurisprudence, Volume 16,
Conflict of law to Constitutional law (West Group, 1998) pp.361.
(17) Westel W.Willoughby. Principles of the
Constitutional law of the United States (New York: Baker, Voorhis & Co
press, 1933), pp. 213.
(18) American Jurisprudence, Volume 16,
Conflict of law to Constitutional law ( West Group, 1998) pp.362.
(19)
Joseph F.Menez, John R.Vile.
Summaries of leading cases on the Constitution (Rowman & Littlefield
Publisher press, 2004), pp.192-193.
(20) Tu chính án thứ 27 của Hiến pháp Mỹ
được ban hành sau 202 năm đề xuất.
(21) Joseph F.Menez, John R.Vile. Summaries of leading
cases on the Constitution (Rowman & Littlefield Publisher press, 2004),
pp.194.
|
Bùi Ngọc Sơn - Khoa Luật, Đại học
Quốc gia Hà nội
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét