TS Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức) |
Đầu năm nay, nhằm bảo đảm sức mạnh lâu dài của liên minh tiền tệ và kinh tế EU, các bộ trưởng tài chính EU quyết định, từ 1/7/2012, đưa ESM vào hoạt động thay thế EFSF, đòi hỏi cả 17 nước thành viên phải ký kết. ESM với vốn điều lệ 700 tỷ Euro, trong đó 80 tỷ Euro đóng trực tiếp, có chức năng cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tài chính hoặc mua trái phiếu cho những quốc gia khu vực đồng Euro có nguy cơ mất khả năng thanh toán, nếu họ cam kết thực hiện đầy đủ các điều kìện khắc phục nguy cơ đó. ESM được điều hành bởi một hội đồng gồm bộ trưởng các nước thành viên; quyết định cấp tín dụng khẩn cấp sẽ được thông qua theo nguyên tắc đạt tối thiểu 85% số phiếu biểu quyết tính theo tỷ lệ góp vốn.
Dự luật tham gia Hiệp định ESM, được Chính phủ Đức thông qua đầu tháng 3, với mức góp vốn 27,1 tỷ Euro và nhận bảo lãnh 168,3 tỷ Euro. Sau 3 tháng tranh cãi sôi sục chính trường, cuối tháng 6/2012, dự luật được cả Hạ viện lẫn Thượng viện Đức thông qua quá bán. Nhưng được thông qua, không có nghĩa luật tham gia ESM đúng100%, chắc chắn thành công, người dân chỉ việc an hưởng không cần phải suy nghĩ liệu có bị liên can gì hay không, mà chỉ là một phương án lựa chọn theo số đông, trong khi rủi ro tài chính khó nói chắc trước, hậu họa phải gánh rốt cuộc vẫn không ai khác ngoài người dân, nên họ không thể yên, ý kiến đối lập cứ sôi sục chính trường lo ngại hậu hoạ ESM sẽ mang tới cho nước Đức rủi ro tài chính không thể lường được và vi phạm quyền Quốc hội quyết định ngân sách.
Một khi lợi ích, thỉnh nguyện của một hoặc một bộ phận người dân không được cả chính phủ lẫn quốc hội đáp ứng, thì nguyên lý mọi công dân đều đồng chủ nhân đất nước và bình đằng trước pháp luật phải mở cho họ con đường giải quyết pháp lý, nếu không bất ổn xã hội và chính trị sẽ tích tụ, bằng cách viện tới Tòa Bảo hiến có chức năng ra phán quyết về các văn bản pháp lý do chính phủ và quốc hội thông qua có tuân thủ hay không Hiến pháp vốn được coi là thước đo, chuẩn mực, quy tắc xử sự, giới hạn pháp lý nhà nước được phép làm.
Chỉ trong 10 ngày, các đơn kiện khẩn cấp dồn dập gửi tới Tòa Bảo hiến đòi ra án quyết tạm thời yêu cầu Tổng thống dừng phê chuẩn chờ Tòa xét xử chính thức, gồm đơn của đoàn đảng Linke trong Quốc hội và của riêng một nghị sỹ đảng này, của một nghị sỹ đảng liên minh cầm quyền CSU, của Hiệp hội Tăng cường dân chủ (Mehr Demokratie) đã thu thập được tới 37.000 chữ ký công dân do một Cựu Bộ trưởng Tư pháp Liên bang đảm trách, của năm giáo sư kinh tế Đức nổi tiếng, và của các công dân, đòi Đức không ký Hiệp định ESM. Nghị trường nóng bỏng tới mức, dù Quốc hội Đức được một tháng ngừng hoạt động để nghị sỹ nghỉ phép năm trong một tháng hè, họ cũng bị yêu cầu chọn chỗ nghỉ gần nhất để có thể triệu tập họp bất thường; Chủ tịch Quốc hội Đức lưu ý nửa hài hước: Xin các ngài đừng tắm biển quá xa và hành lý phải luôn túc trực sẵn sàng. Cả nước Đức thấp thỏm, uy tín chính trị đảng cầm quyền bấp bênh cho tới ngày 12/9 vừa qua mới được khẳng định khi Tòa Bảo hiến công bố án quyết.
Bản án dài tới 26.637 chữ, (trong khi Hiến pháp Đức chỉ dài 21.898 chữ), tới 317 lần xuống dòng, do 8 thẩm phán ký, sau chừng 80 ngày nghiên cứu, để lập luận đi đến 2 quyết định: 1- Bác bỏ các đơn kiện khẩn cấp của các nguyên đơn. 2- Tuy nhiên, Đức chỉ được phép ký Hiệp định ESM, khi về mặt luật pháp quốc tế phải thoả mãn được hai điều kiện cho nước Đức: - Chỉ tham gia ở giới hạn 190 tỷ Euro, (trong khi điều §25 Hiệp định ESM đòi tự động nâng giới hạn đóng góp của mỗi nước một khi những nước khác không thể đóng góp nổi chẳng hạn). Ràng buộc trên nhằm cho phép nước Đức rút lại trách nhiệm, trong trường hợp Quỹ ESM rơi vào tình huống đổ thêm vào bao nhiêu tiền cũng không đủ. Tuy nhiên nước Đức vẫn có thể tham gia ESM vượt quá giới hạn trên, với điều kiện được Quốc hội Đức thông qua qúa bán, tức Quốc hội phải giám sát được hoạt động nhân sự phía Đức nằm trong ESM. - Để bảo đảm quyền giám sát đó, các quy định về quyền miễn trừ và trách nhiệm giữ bí mật nghề nghiệp của nhân sự ESM (phía Đức) không được cản trở trách nhiệm họ phải báo cáo đầy đủ với Thượng và Hạ viện Đức.
Đức là nước duy nhất trong số 17 nước tham gia, chưa ký Hiệp định ESM, nên phán quyết của Tòa Bảo hiến được Chủ tịch đảng CDU, Thủ tướng Đức, bà Merkel, đón nhận hồ hởi, coi đây là “một ngày sáng sủa của nước Đức và của châu Âu“. Chủ tịch đảng FDP, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Rösler cho đó là “một bước đi quan trọng bình ổn đồng Euro“, Chủ tịch đảng SPD đối lập đánh giá là “một tin tốt đẹp cho hàng triệu người lao động“. Đảng đối lập Linke, nguyên đơn trong vụ kiện, tỏ rõ thất vọng, coi phán quyết Tòa là “giờ phút chào đời của đứa con chung nợ nần“. Còn Nghị viện châu Âu tiếp nhận án quyết đúng lúc đang phiên họp ở Straßburg, tất cả vỗ tay nhiệt liệt.
Hiến pháp là thước đo các văn bản luật, tuy nhiên nó không có khả năng tự đo, phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của đoàn thẩm phán Tòa Bảo hiến; mức độ họ cầm thước đúng sai được phản ảnh ở tỷ lệ ủng hộ của dân chúng, bởi suy cho cùng, Tòa Bảo hiến cũng chỉ là công cụ phục vụ cho lợi ích của người dân, lợi ích đó chính là thước đo cao nhất đối với bất cứ quyết sách nào dù của toà án, hay quốc hội, chính phủ.
Theo kết qủa thăm dò dư luận N24-Emnid-Umfrage, án quyết được 46% người trả lời đánh giá đúng, 35% sai. Tuy nhiên chỉ có 35% cho rằng Tòa phán quyết thuần túy trên góc độ pháp lý, tức dựa vào chuẩn mực Hiến pháp, tới 42% cho rằng Tòa không muốn bác bỏ ESM chỉ vì lo ngại khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nghĩa là bị ảnh hưởng chính trị, vi phạm chức năng độc lập của Tòa án.
Còn nhà luật học nổi tiếng Đức, Herbert von Arnim thì đặt câu hỏi cảm thán, “cuối cùng mọi vấn đề được Tòa đặt vào tay nghị sỹ, nhưng liệu những bàn tay đó có bảo đảm tốt ?“. Rốt cuộc dù sức mạnh Tòa án Bảo hiến tới đâu, Quốc hội, Chính phủ có mạnh tới cỡ nào, thì nó cũng chỉ là phương tiện, không thể để phó mặc, người dân vẫn phải đóng vai trò chủ nhân bằng chính kiến và tiếng nói của mình; thời đại này, không một cơ quan nhà nước, toà án nào thay được vai trò đó của họ!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét