Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013
Vụ xử án một giáo viên dạy văn
17:46
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tháng 7 21, 2013
Nguyễn Mạnh Tường
Trong đoạn
trích sau đây, luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) thuật lại lời đối
đáp giữa chánh án và bị cáo ở một vụ xử án mà ông cho là “quái lạ duy nhất được biết trong lịch sử ngành tư pháp văn minh ngày nay“. Theo lời kể của ông, “sau
khi tiếp quản Hà Nội, các lãnh đạo cao cấp đã ra lệnh để tòa kết án một
giáo sư dạy văn đã đầu độc tâm hồn sinh viên vì đã giảng dạy tác phẩm
có tên là ‘Nỗi cô đơn’ (L’Isolement) của nhà văn người Pháp Lamartine“.
Vị quan tòa này đồng thời là Tổng Thư kí Đảng Xã hội, phân bộ Hà Nội,
ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bị cáo là
một giảng viên đại học tại Hà Nội, không đi theo kháng chiến. Ông bị
tuyên án 4 năm tù. Đó là năm 1954.
Sáu mươi năm sau, không ai ở Việt Nam có thể bị tống giam vì giảng dạy Lamartine nữa. Đuổi một luận văn thạc sĩ về một nhóm thơ ngoài luồng
khỏi môi trường hàn lâm chính thống là thành tích oanh liệt nhất mà các
vị chánh án văn chương thời nay có thể đạt được. Dù sự ngu xuẩn và giáo
điều thời nay vẫn giống hệt sự ngu xuẩn và giáo điều thời xưa, tôi tin
rằng chính các vị này cũng không muốn bánh xe lịch sử quay lùi.
Phạm Thị Hoài
_____________
Chánh án: Bị cáo! Ông
có nhận thấy là ông có tội là đã dạy cho thanh niên của chúng ta một
loại triết lý đầy thê lương, mất niềm tin, bi quan, trong khi Đảng Cộng
sản của chúng ta được giao phó trách nhiệm tuyên truyền cho sự lạc quan,
hy vọng và vui sống?
Bị cáo: Thưa ngài chánh
án, làm sao tôi biết được là Đảng Cộng sản đang dạy về một cuộc sống
đầy niềm vui, hy vọng và lạc quan? Theo chỗ tôi biết, những người làm
việc cho chế độ cũ được chính phủ kháng chiến giữ lại làm việc chưa bao
giờ học hay đọc bất kỳ ở đâu là Đảng Cộng sản đã dạy những điều như thế.
Ngay cả nếu điều đó có thật, tôi cũng ngại rằng một nền giáo dục như
thế khó mà đạt được kết quả. Thực vậy, lãnh vực cảm xúc không phải là
đối tượng nằm trong phạm vi quyền hạn của thế quyền. Những gì xảy ra
trong nội tâm của con người nó không biết về những qui luật về logic và
lý lẽ, những ràng buộc về luật lệ, công lý và ngay cả về đạo đức. Một
cảm xúc được hình thành, lớn lên, tàn phai rồi biến mất hay tự mình biến
thể tùy theo những thôi thúc, kích động hay những tác động bởi thế giới
bên ngoài và tùy theo cá tính chủ quan của con người trong một nền luân
lý, nếu tôi có thể nói thêm về nó, là có liên quan đến con người khi
mỗi người thu nhận hay gạt bỏ những gì đến từ môi trường chung quanh
theo cách riêng của họ. Đây là lãnh vực mà quyền lực muốn áp dụng những
điều răn dạy để chứng minh niềm kiêu hãnh của mình thì cũng sẽ buông tay
chịu thua. Nhà chính trị có thể mong muốn mang lại cho nhân dân hy
vọng, niềm lạc quan và vui sống. Nhưng việc làm không đi đôi với lời
nói, nếu những thực tiễn không đi theo những lý thuyết trừu tượng thì
chẳng có chuyện gì xảy ra ngoại trừ chuyện làm phù thuỷ bắt ma! Hy vọng
không thể có nếu không có lý do nào để hy vọng và cũng chẳng có gì để mà
hy vọng. Lạc quan và vui sống sẽ thấm vào lòng người khi mà ở đâu cũng
có trật tự xã hội và phồn vinh, có tối thiểu tự do và có những quyền mà
một xã hội loài người văn minh đòi hỏi phải có. Người ta có thể thành
điên khùng như lão Don Quichotte khi bị tay Dulchinée mặt mày nhăn nheo,
miệng mồm không một chiếc răng lừa phỉnh. Một người trí thức, nhỏ nhoi
như tôi, không thể chấp nhận theo đường lối của Đảng Cộng sản, một đường
lối tạo dựng bằng hy vọng, lạc quan và vui sống. Nó chỉ là một điều
mong muốn mà sự thành công là tùy thuộc Đảng Cộng sản. Lời buộc tội duy
nhất đưa tôi tới trước vòng móng ngựa ô nhục này không có một cơ sở nào
đứng vững. Tôi cho rằng tôi không có tội là đã làm hại đến một đường lối
chính trị mà nói một cách bình thường và đúng đắn là không hiện diện.
Ngoài ra, tôi sẽ rất vui nếu được biết là dựa trên điều khoản nào của
luật pháp, những điều mà chưa bao giờ có, để các ông kết án tôi trước
toà?
Chánh án: Chúng ta đừng
chơi nhau trên chữ nghĩa, ném vào nhau những điều này nọ của bộ Luật
Hình sự. Sự việc đã hiển nhiên. Có hay không có việc ông giảng dạy cho
sinh viên tác phẩm Cô đơn (L’Isolement) của tác giả Lamartine
và ca tụng nhà thơ này? Có hay không có việc ông tán tụng những vần thơ
chán chường, mất hy vọng và bi quan yếm thế và hậu quả là đầu độc tâm
hồn của giới trẻ đã nghe theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản của chúng ta
mà đứng lên muôn người như một để xây dựng lại nền Tự do, Độc lập và Tự
hào Dân tộc?
Bị cáo: Thưa ngài, tôi
không học luật, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng đều hiểu là muốn
kết án ai đều phải dựa vào một hay nhiều điều Luật Hình sự định rõ tính
chất và những điều kiện để cấu thành tội. Hơn nữa họ cũng biết là chính
trị và luật là hai lãnh vực không giống nhau, giống như ước mơ và sự
thật. Mơ ước là điều cho phép nhà chính trị làm khi mà những việc làm
của họ là nhắm tới tương lai, nhưng luật là được xây dựng vững chắc trên
những cơ bản vững chắc, của hiện tại và cụ thể vì nó hoạt động trong
hiện tại để mà duy trì và xây dựng nên một xã hội phù hợp với ước vọng
của mọi người. Mọi lẫn lộn giữa mơ và thực, giống như trường hợp giữa
chính trị và luật, là một bước nhảy lùi về quá khứ hàng thế kỷ.
Lời buộc tội giờ đây có chút thay đổi.
Tôi không phê phán đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản, nhưng tôi ca
tụng một nhà thơ mơ mộng, biện hộ cho tư tưởng chán chường, thất vọng và
bi quan, tôi tự nhắc với tôi là người trí thức có tiếng tăm không làm
chuyện ca tụng bất cứ ai, biện hộ cho bất cứ người nào. Hai từ ngữ đó
phải được lấy ra khỏi trong mọi lời lẽ buộc tội: đó là một sự lạc đề
không đúng với ý nghĩa chính thức của hai từ đó. Có thể nói một cách
chính đáng, đây là một hành động hạ nhục và xúc phạm đến lòng tự trọng
của người trí thức. Ngay khi đang lúc tán dương, người trí thức tự kềm
chế mình để không bị bất ngờ vì tán dương rởm và luôn luôn giữ một sự dè
dặt nào đó. Nụ cười và thái độ quỳ lạy không nằm trong nghề của họ, mà
làm vũ khí của những người đã bán rẻ lòng tự trọng để chắt mót được
những lợi lộc tồi tàn. Tôi xin nhắc lại: tôi không tán dương một ai,
ngay cả đó là người được mọi người ca tụng. Tôi không đứng ra bào chữa
cho một chủ thuyết nào, ngay cả khi có hàng triệu người theo nó và ca
tụng nó. Không, tôi chỉ phân tích, giải thích, cố gắng làm cho sinh viên
hiểu cái trạng thái tình cảm mà không một kẻ độc tài nào, không một chế
độ độc tài nào có thể xoá bỏ, khi mà tác phẩm ấy đã có mặt hơn một thế
kỷ nay. Chính trị có thể thực hiện quyền lực của mình ở hiện tại, đôi
khi trong tương lai, nhưng cũng phải chấp nhận là đối với quá khứ thì
không thể làm được gì.
Vì vậy tình cảm mơ mộng, một trạng thái
của tâm hồn, là chuyện đã có từ lâu, nếu ngài cho phép tôi có ý kiến, là
mọi người đều có thể chứng minh đó là một điều chân thành, con người ai
cũng liên tục mơ mộng cho đến một tuổi nào đó và trong một hoàn cảnh
sống nào đó. Chỉ có những người cộng sản lão đời, những người khắc khổ
không còn nước mắt mới cho rằng không thể có những giọt nước mắt khốn
cùng của loài người, để tự nâng mình thành một loại siêu nhân.
Thưa ngài, tôi không tự biện hộ cho tôi,
tôi chỉ làm công việc trả lời sự kết án của ngài. Tôi đã biết trước số
phận của tôi: không có người nào bị Toà án Nhân dân xử mà bước ra khỏi
đó để về nhà. Tôi có thể nghe buổi xét xử. Tôi có thể đơn giản nhận tội
và nhờ sự khoan hồng của Đảng Cộng sản, và với những cố gắng cá nhân,
tôi hứa rằng tôi sẽ không từ bỏ một nỗ lực nào nhằm cải thiện và làm
trong sạch những suy nghĩ của tôi để đi đúng đường lối của Đảng Cộng
sản. Nhưng tôi mong mỏi rằng, ít nhất một lần, tiếng nói trung chính của
người trí thức được nghe đến, để cho những thế hệ ngày nay và mai sau
hiểu chính xác thế nào là một nền công lý cách mạng.
Nguồn: Trích phần II (“Mỏm đá Tarpéienne”), chương 2 (“Ông quan tòa Việt Nam”) trong cuốn hồi kí Kẻ bị mất phép thông công của luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997), nguyên bản tiếng Pháp Un Excommunié. Hanoi: 1954-1991: Procès d’un intellectuel, do Nguyễn Quốc Vỹ dịch và đăng trên Thông luận năm 2009.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét