Tháng 7 2, 2012
Phạm Hồng Sơn
Ngọn cờ chống ngoại xâm
Trong tác phẩm nghiên cứu về Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Vietnamese Communism 1925-1945 (Chủ
nghĩa Cộng sản Việt Nam 1925-1945), khi đánh giá về thành công của
ĐCSVN trong việc giành được độc quyền về quyền lực trên toàn cõi Việt
Nam kể từ mùa Xuân năm 1975, tác giả Huỳnh Kim Khánh có nhận xét: “Thành
công đó, nghịch lý thay, lại phần lớn là do những nỗ lực của người Pháp
và Hoa Kỳ muốn dập tắt phong trào cộng sản ở Việt Nam.”[1]
Nhận xét này có thể làm nhiều người, nhất là người nước ngoài, ngạc
nhiên nhưng chắc chắn đây không phải là phát hiện mới mẻ đối với bản
thân ĐCSVN.
Nhìn lại quá trình phát triển của ĐCSVN
cho đến nay có thể nói ĐCSVN là tổ chức chính trị đã thao túng hoàn toàn
ngọn cờ chống ngoại xâm cho mục đích đoạt được quyền lãnh đạo độc tôn.
Chúng ta thử cùng nhau xem lại một số sự kiện và văn kiện của Đảng hay
do Đảng chỉ đạo để thấy được sự “thao túng” đó đã diễn ra như thế nào.
Trong Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ được công bố rộng rãi vào tháng 10/1941, Mặt trận Việt Minh đã kêu gọi: “…
Hỡi tất thảy các từng lớp đồng bào, hãy mau mau đoàn kết thống nhất
chung quanh bản chương trình trên đây để đánh Pháp đuổi Nhật giành lại
quyền độc lập cho nước Việt Nam…”[2]
Trong Thư kêu gọi Tổng Khởi nghĩa vào tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh đã viết: “Hỡi
đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn
quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta… Tiến lên!
Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên.”[3]
Nhưng khi thấy việc để cho quân xâm lược
Pháp quay trở lại Việt Nam sẽ có lợi cho việc duy trì quyền lực độc
tôn, trong đó có việc dễ dàng loại bỏ được các đảng phái đối lập, ĐCSVN
đã nhất quyết ký một Tạm ước với Pháp vào ngày 06/03/1946
bất chấp sự phản đối hay nghi ngại của nhiều người. Và để làm các đảng
viên hiểu rõ về mục đích của bản Tạm ước đó, ngày 03/03/1946 ĐCSVN đã ra
một chỉ thị nội bộ như sau: “Bên trong về chính trị, hồi tháng 8
năm ngoái, dân tộc ta thống nhất hơn, các chính đảng đối lập không có
hoặc có mà không dám công nhiên phản đối. Bây giờ bọn đối lập Việt Nam
Quốc dân Đảng, đệ tam sư đoàn Việt gian thân Pháp dựa vào sức ngoài hoạt
động chia rẽ. Hồi tháng 8 ta lợi dụng được sự mâu thuẫn chia rẽ giữa
Tàu và Pháp. Bây giờ mâu thuẫn ấy đã tạm hòa hoãn… Chủ trương “đánh đến
cùng” lúc này không những làm cho ta cô lập và thực lực tiêu hao, lại vô
tình sửa soạn cho bọn Nguyễn Hải Thần nhảy lên địa vị “chuyên quyền”…”[4]
Nhưng sau khi các đảng phái đối lập đã
bị ĐCSVN tiêu diệt hoặc bị truy đuổi ra nước ngoài gần hết và khi chỉ
còn đối mặt với sự uy hiếp của Pháp thì ĐCSVN lại kêu gọi:
“Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả,
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi
đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!… Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh
đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.”[5]
Bản Hiến pháp năm 1946, được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946, với lời nói đầu có những câu như thế này: “… Sau
hơn tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức
của chính sách thực dân, đồng thời gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã
bước sang một quãng đường mới…”[6]
Đặc biệt, trong 70 điều của bản Hiến pháp này không có một từ nào nhắc
đến hay nói gì về vai trò, công lao của bất kỳ một cá nhân, đảng phái
hay tổ chức chính trị nào.
Nhưng sau khi đã giành được toàn quyền
trên miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra và trở thành một thành viên trong
Khối Xã hội Chủ nghĩa, ĐCSVN đã thay bản Hiến pháp năm 1946 bằng một
Hiến pháp mới (1959) với những lời mở đầu như sau: “Từ năm 1930,
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng Lao động
Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới. Cuộc đấu
tranh bền bỉ đầy gian khổ và hy sinh dũng cảm của nhân dân ta chống ách
thống trị của đế quốc và phong kiến đã giành được thắng lợi vĩ đại…
Nhưng đế quốc Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức lại gây chiến tranh xâm lược
hòng cướp nước ta và bắt nhân dân ta làm nô lệ một lần nữa. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và Chính phủ nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên
đánh giặc cứu nước… Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt
Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh,
toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nhất
định sẽ giành được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà.”[7]
Trên cơ sở tâm lý dân tộc rất nhạy cảm,
dễ thành kiến với sự hiện diện của binh lính nước ngoài, tháng 9 năm
1960 trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III, ĐCSVN đã ra một nghị
quyết phát động một cuộc chiến chống ngoại xâm mới – bao hàm cả quyết
tâm lật đổ một nhà nước khác của người Việt (một chế độ chính trị đồng
minh với Mỹ và đối lập với ĐCSVN) tại miền Nam, nghị quyết đó có đoạn: “Giải
phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực
hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.”[8]
Công cuộc “giải phóng miền Nam” đó còn nhằm một mục đích lớn hơn nữa, như Hồ Chí Minh đã xác định: “Cách
mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình dân chủ, xã hội chủ
nghĩa trên thế giới… Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của
chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á, ra sức góp phần tăng cường lực lượng của
phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.”[9]
ĐCSVN đã thực hiện thắng lợi công cuộc “giải phóng miền Nam” vào ngày 30/04/1975. Và đây là cảm nghĩ của một người miền Nam[10] đã hết sức ủng cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đó, trong những ngày ngay sau “giải phóng”: “Tôi
bắt đầu cảm thấy sự tuyệt vọng ứ lên, cảm giác còn kinh khủng hơn cả
lúc tôi mới phát hiện ra tính hai mặt của Đảng trong quan hệ với chúng
tôi trong bao năm trời trước đó. Bây giờ tôi thực sự mới biết được một
cách cụ thể Đảng kiểm soát miền Nam như thế nào… Chỉ trong một năm đầu
sau ngày giải phóng, có khoảng 300.000 người bị bắt đi, con số này chỉ
tính đối với những người là sĩ quan, viên chức chính quyền hay lãnh đạo
đảng phái…“Ít nhất dưới chế độ ông Diệm, ông Thiệu, bọn ăn cắp ăn trộm
vẫn còn liêm sỉ. Còn người của Đảng bây giờ chả từ cái gì mà họ nhìn
thấy.”, “Phải chăng đuổi người Mỹ đi là sáng suốt? Bây giờ chúng ta lại ở
trong sự o ép của người Nga. Ít nhất khi người Mỹ ở đây chúng ta còn có
cái mà ăn. Bây giờ có gì? Tình đoàn kết quốc tế ư?””[11]
Năm 1980, khi vừa xảy ra xung đột đẫm
máu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSVN đã
cho làm lại hiến pháp với những câu đầu tiên đã được sửa lại như thế
này: “Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do
Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đi con đường của Cách mạng
tháng Mười Nga, nhân dân ta đã lần lượt chiến thắng bọn đế quốc Nhật,
Pháp, Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân… nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm
lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát huy truyền thống vẻ
vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành thắng lợi oanh liệt trong hai
cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Campuchia ở biên
giới Tây-Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo
vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”[12]
Tuy nhiên, sau cuộc gặp Thành Đô năm 1991, lời nói đầu của Hiến pháp 1992 (và bản sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã không còn một từ nào nói hay ám chỉ đến “bọn bá quyền Trung Quốc” nữa, nhưng Đảng vẫn không quên nhấn mạnh: “Từ
năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ
Chí Minh sáng lập và rèn luyện… nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục
chiến đấu, với sự giúp đỡ quí báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các
nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, lập nên những chiến công
oanh liệt, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và
đế quốc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng
dân tộc, dân chủ nhân dân.”[13]
Có thể nói từ cuộc gặp Thành Đô trở đi Đảng đã dành cho “bọn bá quyền Trung Quốc” một đối xử hết sức nhân văn và cao thượng, không chỉ hoàn toàn “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”mà còn kỳ công tẩy xóa cả những dấu tích liên quan tới”thắng lợi oanh liệt chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc”.
Nhưng đó không phải là cách ứng xử mà Đảng dành cho những người Việt
không cùng quan điểm hay cho kẻ thù cũ của Đảng hoặc cho lực lượng xâm
lược đến từ phương Tây.
Trong bản Cương lĩnh và Điều lệ của
ĐCSVN vừa được thông qua tại Đại hội XI tháng Một năm 2011, ngay từ dòng
đầu tiên đã có những câu khẳng định lại công lao của Đảng trong công
cuộc chống ngoại xâm: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam
do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta
tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài… đập tan ách thống trị của
thực dân, phong kiến… giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.“[14] Và Đảng cũng không quên nhắc đến việc phải “chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”[15].
Nhưng chắc chắn các chữ “ngoại xâm” hay “thù địch” mà Đảng nêu trong
hai văn kiện có tính nền tảng đó không thể bao gồm chính quyền cộng sản
Trung Quốc – người “bạn vàng bốn tốt” của Đảng và cũng là chính quyền
đang liên tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam – vì bản
cương lĩnh mới mẻ đó đã dứt khoát khẳng định: “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản.”[16]
Như vậy, kể từ Hội nghị Trung ương 08
vào tháng Năm 1941 tại hang Pắc Bó với việc quyết định thành lập Mặt
trận Việt Minh để tập hợp, thâu tóm các lực lượng trong nhân dân, Đảng
(lúc đó còn mang tên là ĐCS Đông Dương) đã luôn giương cao ngọn cờ chống
ngoại xâm và từ đó tới nay Đảng không chỉ chưa bao giờ quên ngọn cờ đó
mà còn luôn gắn chặt sự nghiệp chống ngoại xâm lẫy lừng của dân tộc vào
vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng. Không những thế Đảng còn tiến thêm
một bước nữa là tự giành lấy quyền xác định, điều chỉnh cho quốc gia nào
trên thế giới là “ngoại xâm”, là “kẻ thù không đội trời chung” hay là
“bạn vàng” của toàn dân tộc bất kể chính quyền hay quốc gia đó là thân
thiện, hữu ích hay thù địch, bất lợi cho sự tồn vong của dân tộc, sự
toàn vẹn của chủ quyền đất nước.
Sự độc tôn quyền lực vĩnh viễn
Quá trình phát triển của ĐCSVN suốt từ
năm 1941 tới nay cũng cho thấy, về đối ngoại, Đảng đã có một sách lược
khá uyển chuyển, linh hoạt, kể cả phải nhượng bộ, thay thù thành bạn hay
đổi bạn thành thù với các chính phủ hay lực lượng nước ngoài, nhưng
chưa bao giờ thấy Đảng có biểu hiện nghĩ đến hay dao động trong việc hợp
tác, chia sẻ với người Việt có chính kiến khác Đảng trong việc lãnh đạo
đất nước kể từ khi Đảng nắm được hoàn toàn quyền lực[17]. Chúng ta cùng điểm qua vài sự kiện và một số dữ liệu:
Suốt quãng thời gian từ năm 1944 đến
khoảng thời gian sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, khi tiếp
xúc với các lực lượng Đồng Minh (Mỹ, Anh, Nga, Trung Hoa Dân quốc) người
của Mặt trận Việt Minh (tức ĐCSVN) luôn thuyết phục các đối tác quốc tế
công nhận Việt Minh là tổ chức chính trị duy nhất đại diện cho người
Việt Nam[18] bất chấp sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị và các nhóm chống Pháp, kháng Nhật khác của người Việt Nam lúc đó[19].
Ngày 07/10/1945, khoảng một tháng sau khi tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời, báo Cờ Giải Phóng
(một cơ quan ngôn luận của ĐCSVN lúc đó) số 23, đã có bài viết với nhan
đề “Phải triệt ngay bọn Tơ-Rốt-Skít”. Sau khi đả phá và kết tội bằng
những ngôn từ chủ quan, hằn học, Cờ Giải Phóng kết luận: “Muốn tránh cho cách mạng những thất bại đáng tiếc, đồng bào ta không thể không kiên quyết tẩy trừ bọn tơ-rốt-skít.”[20] Và không lâu sau đó ông Tạ Thu Thâu, thủ lĩnh của phái “Tơ-Rốt-Skít” Việt
Nam (Đệ Tứ Cộng sản, một nhánh khác của những người theo chủ nghĩa cộng
sản nhưng khác với Việt Minh), đã bị chết một cách bí ẩn – trùng hợp
với những gì mà Hồ Chí Minh đã dằn mạnh sau đó: “Tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt.”[21]
Không chỉ quyết giành và giữ bằng được
quyền lãnh đạo độc tôn, ĐCSVN còn tự xác định phải trở thành một tổ chức
thống soái – đứng trên, bao trùm và chi phối mọi hoạt động của cá nhân
và xã hội.
Trong một tài liệu với đầu đề Vấn đề Đảng viết vào khoảng năm 1941, ĐCSVN đã xác quyết rất rõ: “Đảng
là hình thức tổ chức cao hơn hết. a. Sự khác nhau giữa tổ chức đảng và
hội quần chúng: Đảng là trung tâm điểm chỉ huy, hội quần chúng là những
dây chuyền.”[22]
Chính Hồ Chí Minh- lãnh tụ của ĐCSVN –
cũng nói đến tính chất tối cao của Đảng như thế, nhưng bằng những ngôn
từ dung dị, cụ thể hơn: “Đảng phải lãnh đạo tất cả các tổ chức khác của nhân dân lao động.”[23]
Về mối quan hệ giữa Đảng và cá nhân hay
các tổ chức, thiết chế khác trong xã hội, Hồ Chí Minh cũng đã dặn dò các
đảng viên của mình như thế này: “… Nếu gặp khi lợi ích chung của
Ðảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy
sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Ðảng. Khi cần đến tính mệnh của
mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Ðảng.”[24] Và Hồ Chí Minh khái quát: “Muôn việc lấy Đảng làm gốc, Đảng là gia đình của người cộng sản.”[25]
Về nhiệm kỳ lãnh đạo đối với xã hội, đất nước, ngay từ năm 1941 ĐCSVN đã thẳng thắn như thế này:
“Đảng là kẻ lãnh đạo vô sản kiến
thiết đi đến cộng sản chủ nghĩa đến lúc hết giai cấp, hết chính phủ thì
đảng mới hết trách nhiệm.”[26]
Ý chí thống soái xã hội, cũng như độc
tôn quyền lực mãi mãi này của ĐCSVN thực ra chỉ là sự tuân thủ, kế thừa
đúng tính chất Lenin trong cái gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin – chủ nghĩa
mà ĐCSVN từ trước đến tận ngày nay vẫn lấy làm “nền tảng tư tưởng”. Theo
Samuel P. Huntington[27], học thuyết của Lenin (Leninism) nhằm “tạo
ra một tổ chức của những người cách mạng để lãnh đạo cuộc đấu tranh của
giai cấp vô sản. Sự trung thành của các thành viên trong những lực
lượng cách mạng tương lai đó phải vượt qua hết thảy mọi lợi ích trước
mắt của các lực lượng xã hội đó… Vì vậy tổ chức chính trị – đảng – đã tự
trở thành chí thiện và cứu cánh cho chính nó, nó cần phải vượt lên hết
tất cả những lương tâm, mong muốn của từng thủ lĩnh, thành viên hay
thành phần của xã hội. Đối với Lenin, sự trung thành tối cao không phải
thuộc về gia đình, dòng tộc, bộ lạc, quốc gia hay thậm chí cũng không
phải là giai cấp: mà là thuộc về đảng.”[28]
Như vậy trên cả ba phương diện triết lý
(lý luận) chính trị của Đảng, tư tưởng chính trị của lãnh tụ sáng lập và
thực tế cầm quyền, kể từ khi nắm được quyền lãnh đạo đất nước (trên một
nửa hay toàn đất nước Việt Nam) đến nay, ĐCSVN luôn chủ xướng và tìm
mọi cách để duy trì sự độc tôn về quyền lực và tính chất thống soái của
mình và dùng mọi cách để ngăn cản, triệt phá các lực lượng chính trị có
quan điểm đối lập hay chỉ đơn giản là các cá nhân, tổ chức có thể ảnh
hưởng đến hai tính chất độc tôn và thống soái đó.
Dĩ nhiên, tính chủ nghĩa hay tính lý
tưởng của học thuyết Marx- Lenin làm sao có thể sống sót được ở những
con người chỉ thích ngồi Mercedes hay chỉ dứt khoát gửi con cháu đi du
học ở Mỹ, ở Tây Âu nhưng cái lõi quyền lực chính trị độc tôn và những
phương pháp để duy trì sự độc tôn đó vẫn tỏ rõ là cái “dĩ bất biến ứng
vạn biến” đối với ĐCSVN.
Ngày nay không còn ai nghe hay nhìn thấy
những khẩu hiệu như “Vô sản các nước liên hiệp lại” hay “Chủ nghĩa
Mác-Lênin vô địch muôn năm” nhưng nếu Lenin sống lại chắc sẽ phải sửng
sốt khi nhìn thấy loại khẩu hiệu như thế này: “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình”.
Tính chất tối cao của Đảng, như Lenin dạy, chẳng những không bị xa rời
mà còn trở thành sự hăm dọa, cột chặt cuộc đời của đảng viên vào Đảng.
Có thể bối cảnh thế giới hiện tại với
những bước tiến lớn của khoa học, công nghệ không còn giúp cho Đảng duy
trì tính thống soái dễ dàng như xưa kia nữa nhưng việc Đảng vẫn chẳng từ
ai, chẳng từ một thủ đoạn nào, từ tế nhị, thô thiển cho đến hoang dã,
chỉ để phá tan những khát khao tập hợp của người dân và cũng mới chỉ là
những tập hợp còn rất gần với Đảng hoặc còn tin Đảng chứ chưa phải là
những tập hợp có tính đối lập, là những điều cho thấy cái quán tính
thống soái một cách man khai của Đảng vẫn còn vô cùng nặng. Còn những
quan điểm được Đảng đã phát ra rõ ràng và liên tục như “bỏ Điều 4 là tự sát”, “kiên quyết không để hình thành các tổ chức đối lập” hay “lực lượng công an là thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ”
thì chắc chắn người mơ mộng hay thích đùa nhất cũng phải hiểu đó là
những cảnh báo rất nghiêm túc rằng Đảng đến nay (ít nhất là thế) không
chấp nhận bất kỳ thách thức hay chia sẻ, cộng tác nào đối với quyền lực
độc tôn của mình.
Trên tấm thảm đỏ độc tôn và thống soái
đó, không biết đã có bàn chân nào nhích ra ngoài hoặc nhấc nhẹ lên chưa,
nhưng vẫn luôn thấy đủ tất cả các bàn chân, lớn bé, dài ngắn, guốc
giầy, Nam Bắc, thân hữu hay đối nghịch, của cái trung tâm quyền lực lớn
nhất của ĐCSVN – Bộ Chính trị.
Sự kiên định, đồng thuận trên cái lõi
độc tôn và thống soái đó đồng nghĩa với việc Đảng sẽ còn chưa chịu chia
sẻ “ngọn cờ chống ngoại xâm”– bảo bối cho quyền lực độc tôn của Đảng. Do
đó việc Đảng đã thể hiện dứt khoát không dung thứ, tán thành những hành động yêu nước, chống ngoại xâm ngoài sự kiểm soát của Đảng
là một logic. Quyết tâm đó, ý chí đó sẽ còn tiếp tục chừng nào Đảng vẫn
chưa thừa nhận nền chính trị văn minh nhất, thanh thản nhất và được tôn
trọng nhất là nền chính trị hợp tác với những người có quan điểm khác
biệt.
Thực tế còn cho thấy quyết tâm đó của
Đảng, không chỉ chưa thấy sa sút hay mệt mỏi, mà còn khá táo bạo và tinh
vi hơn. Chúng ta hãy cùng nhau xem ba thông tin nhỏ dưới đây:
Đó là kiến nghị
đáng chú ý của cử tri Long An được tổng hợp qua 21 cuộc tiếp xúc cử tri
của Đoàn đại biểu QH Long An gửi tới kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII (dự kiến
khai mạc vào 21-5 tới). Cụ thể, liên quan đến diễn biến tình hình giải
quyết tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam – Trung Quốc, cử tri đề
nghị Nhà nước cần công khai cho nhân dân biết về chính sách, đường lối
chủ trương trong giải quyết vấn đề biển Đông. Ngành giáo dục nên nghiên
cứu đưa chủ quyền về Hoàng Sa – Trường Sa vào chương trình giảng dạy
trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc
gia của thế hệ trẻ… (Pháp luật TPHCM, 10.5.2012)
Có những người con
đất Việt vì nhiều lý do khác nhau, đã sống xa quê hương hơn 36 năm qua.
Ngày trở về của họ, thật bất ngờ lại diễn ra trong một không gian, thời
gian đặc biệt: tại quần đảo Trường Sa. Nơi đây hằn sâu ký ức của biết
bao thế hệ tổ tiên người Việt trong việc gìn giữ, xây dựng và khẳng định
chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. (Đại Đoàn kết, 08.5.2012)
Với Phó Nhòm Bolsa
thì món cháo thật tuyệt vời. Vừa ăn cháo, vừa ngắm biển, ngắm sao và vừa
thương nhớ những người đã hi sinh và hãnh diện với quê hương trời mây,
đất biển bao la bát ngát. Vâng tôi ngồi đây bình an giữa trời bêỉn mênh
mông chính là những người đã “biết chết” để hi sinh bảo vệ quê hương và
biển đảo. Gương hi sinh đầy kiêu hãnh và anh hùng vậy mà đã bị những
người hải ngoại (một số nhỏ) cố tình xuyên tạc và im lặng không hề nhắc
đến khi kết tội nhà nước Việt Nam đã bán đất bán biển. Đất nước tôi kia,
biển đảo tôi kia vẫn còn đó ghi chiến công cuả những người đã hi sinh
bảo vệ sao các anh nỡ lòng nào cố tình xuyên tạc sự thật chỉ vì lòng ích
kỷ nhỏ nhen vì hận thù chủ nghiã? Phó nhòm Bolsa mong rằng những người
hải ngoại vẫn còn tị hiềm xuyên tạc, hãy cho mình một chút ít can đảm
nên về một lần ra thăm Trường Sa cho biết. Nước còn đó sao gọi là mất,
nhà còn kia sao gọi là tan? Nước chưa mất nhà chưa tan, sao các anh chị
không về gom góp một bàn tay xây dựng cho thế hệ mai sau? (KBC Hải ngoại, 19.5.2012)
Trong khi đó những người Việt khác như bà Phạm Thanh Nghiên, ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Cù Huy Hà Vũ hay ông Việt Khang…
vẫn chưa biết ngày nào sẽ được rời khỏi nhà tù để về nhà chấp hành
“quản chế tại nơi cư trú” hoặc, đơn giản hơn nữa, chỉ mỗi việc xuống
đường để thể hiện lòng yêu nước, bày tỏ sự bức xúc, phản kháng một cách
ôn hòa trước sự xâm phạm của Trung Quốc vẫn còn là một việc đầy hồi hộp,
lo âu cho sự an nguy và bình yên của cá nhân và gia đình.
Nay anh không về, đừng lo nhé nghe em
Hãy cứ coi như anh đi làm trả nợ
Nợ của Vua Hùng, nợ từ tiên tổ
Cho chúng mình non nước Việt hôm nay.
Có gì đâu, anh đi vắng một ngày
Hay thêm nữa, làm sao mà sợ hãi
Anh tắm gội, cạo râu, thay quần áo mới
Nhỡ có bề gì, đỡ vất vả cho em.
Tiền đừng lo, còn đồng đội thân quen
Anh ở nơi đâu, bạn cũng tìm ra được
Có kết tội, tội anh là yêu nước
Chẳng bạo tàn nào ngăn cản được em ơi.
Đừng cho anh nói gở, ngắt ngang lời
Thời buổi nhiễu nhương, điều gì mà không thể
Anh “về muộn” mấy lần, dẫu em lo đến thế
Thêm một lần thì cũng có sao đâu.
Cả một thời tuổi trẻ đã qua mau
Lo trấn ải, quên rằng mình bạc tóc
Giờ lại lũ giặc quen từ phương Bắc
Hãy để anh đi, còn chút sức cuối cùng.
01/7/2012
Nguyễn Tường Thụy
Ngày mai sẽ có
các nhân sỹ trí thức Hà Nội tham gia rất đông… Kính đề nghị bà con và
nhất là các bạn trẻ hãy áp sát để bảo vệ các bác trí thức lớn tuổi…
Khi tập hợp lực lượng, đề nghị mọi người chưa tung biểu ngữ ra ngay,
chưa hô to gì cả… hay đi vòng vòng quan sát liên tục… công an sẽ không
thể bắt mọi người nếu không hô và chăng cờ… chỉ đến khi tạp hợp thành
một đoàn người thật đông cỡ 200-300 người… lúc đó mới đồng loạt chiến…
Nếu công an xông vào bắt một ai đó…. hãy dùng số lượng lớn xúm vào cứu… cứu người là cứu mình…
Hãy dũng cảm lên bà con!
Hai động thái tiến bộ
Như vậy, cả về lý luận, truyền thống,
lẫn thực tế hiện thời, ĐCSVN vẫn coi lòng yêu nước, tinh thần chống
ngoại xâm của nhân dân chỉ là một công cụ cho quyền lực độc tôn của Đảng
và Đảng vẫn đang cố hết sức cho mục đích đó bằng nhiều thủ thuật, thủ
đoạn khác nhau. Nhưng công bằng, chúng ta phải thừa nhận trong cái tinh
thần “thủ đoạn” đó, ĐCSVN đã có hai động thái tiến bộ trong thời gian
vừa qua.
Thứ nhất, ĐCSVN vừa tạo ra một văn bản
chính thức, công khai khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa: Luật
Biển. Thứ hai, các quan hệ với Mỹ đang có chiều hướng ngày càng được mở
rộng và chặt chẽ thêm.
Về Luật Biển: Trong một chế độ
độc tài, như Montesquieu đã nhận xét cách đây gần 300 năm hoặc như thực
tế Việt Nam đã chứng tỏ, mọi tuyên bố thành văn hay không thành văn của
kẻ cầm quyền đều rất ít có giá trị để cho ta tin cậy. Hơn nữa, dù ý
nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Luật Biển như thế nào cũng
không thể so được với ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Hiến
pháp (luật mẹ của các luật khác) – những điều mà cho đến nay ĐCSVN vẫn
luôn bất chấp. Nhưng Luật Biển ít nhất cũng thể hiện ý chí nói chung của
ĐCSVN đã có một thay đổi theo chiều hướng tự tin hơn (hoặc ít hèn yếu
hơn) trong quan hệ với Trung Quốc. Khi sự tự trọng được nhen nhóm lại
hoặc được coi trọng hơn thì bất kể con người đó là ai và trước đó như
thế nào đều là biến đổi tích cực cho chính bản thân cá nhân đó và cho
tất cả các mối quan hệ liên đới khác – bạn hữu, ruột thịt hay giữa kẻ
thống trị và người bị trị. Quan hệ với một người còn ít nhiều sự tự
trọng luôn là điều đỡ bất trắc và dễ chịu hơn nhiều so với những kẻ đã
vứt hết hay không để ý gì đến hai chữ tự trọng. Dĩ nhiên sự tích cực đó
vẫn còn hoàn toàn nằm trong màn đêm đầy toan tính của hai chữ “thủ đoạn”
chừng nào ĐCSVN còn coi lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của
nhân dân chỉ là một công cụ cho sự độc tôn quyền lực của mình.
Về quan hệ với Mỹ: Nhìn lại
lịch sử ngoại giao của ĐCSVN, có thể thấy ĐCSVN có truyền thống không
được các đối tác quốc tế tin cậy, kể cả “anh cả” hay người bạn “răng
môi” trong phe Xã hội Chủ nghĩa cũ cũng chỉ coi Việt Nam (đúng hơn là
ĐCSVN) như một con cờ để sử dụng chứ không phải là đối tác được tôn
trọng.[29]
Hơn nữa việc tìm kiếm một sức mạnh từ nước ngoài (Mỹ) trong việc đối
phó với những đe dọa từ Trung Quốc nhưng lại coi khinh một sức mạnh nền
tảng và luôn vô địch trong mọi cuộc chiến chống xâm lăng là Nhân dân thì
sự tìm kiếm đó đã tự bộc lộ chỉ là một thủ đoạn để giữ quyền lực cho
riêng ĐCSVN mà thôi. Nhưng dù thế nào thì việc ĐCSVN đã xúc tiến nhiều
hoạt động có chiều hướng thắt chặt hơn với Mỹ – một quốc gia không chỉ
mạnh về sức mạnh vật chất và quân sự mà, và là điều quan trọng hơn, còn
là một nhà nước cộng hòa (hiện đại) đầu tiên, là một trong những nền dân
chủ trưởng thành, vững chắc nhất của thế giới, là một chiều hướng tiến
bộ. Ít nhất ĐCSVN, và đương nhiên cả xã hội Việt Nam, sẽ có cơ hội gần
gũi hơn với nền văn minh dân chủ, cũng đồng nghĩa với việc tránh xa hơn
nền văn minh kiểu “ăn thịt người” hay nền chính trị kiểu “Siberie”.
Nhưng tất cả những cơ hội tiến bộ (còn nhiều ở dạng tiềm năng) đó có thể
sẽ trở nên vô dụng nếu ĐCSVN không dứt được hẳn với truyền thống “hai
mặt” trong quan hệ ngoại giao. Dĩ nhiên trong mọi quan hệ, các kỹ thuật
giao tế và sự cẩn trọng để tránh bị lợi dụng, hiểu lầm hay coi thường
luôn là điều cần thiết, nhất là khi còn ở một vị thế yếu kém hơn hẳn gần
như về tất cả mọi mặt. Nhưng sự chân thành là cái tối thiểu cần phải có
cho một mối quan hệ đứng đắn. Nhưng, rất đáng tiếc, với những thông tin như kiểu sau đây thì làm sao có thể khiến người khác nghĩ tới được sự chân thành:
Lịch sự kiểu “Huê Kỳ”
Ngay sau khi xác định được đối thủ trong cuộc đua song mã quyết
liệt, ông B.Ô-ba-ma đã gọi điện thoại “chúc mừng” ông M.Rôm-ni. Nhưng
rồi, lập tức đội ngũ tranh cử của ông Ô-ba-ma bắt đầu công kích mãnh
liệt vào các điểm yếu cốt lõi của đối thủ đảng Cộng hòa, như khi là chủ
doanh nghiệp đầu tư, ông M.Rôm-ni đã sa thải công nhân một cách không
thương tiếc hay còn “khờ khạo” trong lĩnh vực đối ngoại…
Ðáp lại, Ủy ban tranh cử của Ðảng Cộng hòa đang tìm mọi cách tô
vẽ hình ảnh một ông Ô-ba-ma không thể điều hành nền kinh tế lớn nhất
thế giới, đã phung phí tiền của người đóng thuế và rằng ông Ô-ba-ma là
người sinh ra ở nước ngoài, không đáp ứng điều kiện tối thiểu ra tranh
cử Tổng thống Mỹ…
Vì một chiếc ghế ông chủ Nhà trắng, hai gương mặt sáng giá nhất
nước Mỹ “vạch áo” lẫn nhau, công kích và chê bai nhau. Cử tri Mỹ liệu có
suy nghĩ gì về người lãnh đạo cao nhất của đất nước mình trong bốn năm
tới(!?) Rõ là lịch sự kiểu “Huê Kỳ”. (Nhân dân, báo giấy ngày 01.6.2012)
Thiếu sự chân thành, quan hệ, dù phát
triển đến đâu, cũng sẽ chỉ quẩn quanh trong tấm lưới âm mưu và lợi dụng.
Đương nhiên dư lợi chung cuộc không bao giờ thuộc về người thiếu chân
thành và lại ít thông minh hơn – vì lại nghĩ có thể thao túng, lợi dụng
được người đã đi trước mình hàng thế kỷ.[30]
Nhưng tính hai mặt, sự thiếu chân thành
của ĐCSVN trong quan hệ với Mỹ là điều tất yếu chừng nào ĐCSVN còn chưa
chia tay với triết lý chính trị độc tôn, và hệ quả tất yếu, còn sợ các
giá trị dân chủ và chống lại các quyền cơ bản của nhân dân mình.
Tinh thần chống ngoại xâm và tinh thần dân chủ
Trong một đất nước mà trường lịch sử
hàng ngàn năm gần như chỉ là sự nối tiếp của các cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm hay đối với một dân tộc mà sự tự hào gần như duy nhất có thể
làm cho mọi dân tộc khác phải nín lặng, nhưng chưa chắc đã kính nể, là
đã “chiến thắng mọi đế quốc hùng mạnh nhất thế giới”, thì sẽ không có gì
ngạc nhiên nếu như tinh thần chống ngoại xâm là thứ tình cảm có khả
năng lớn nhất trong việc huy động sức mạnh hay sự đoàn kết của toàn dân
tộc.
Nhưng nếu như tinh thần chống ngoại xâm
trở thành cái duy nhất có thể gắn kết chặt chẽ nhất, có thể huy động
được nhiều nhất sức mạnh của một dân tộc thì đó là một điều rất quan
ngại. Vì tinh thần chống ngoại xâm luôn là một thứ tinh thần thụ động.
Trong một thế giới luôn biến động với vô vàn các yếu tố ngoại lai không
thể lường trước và với một đặc tính bất biến là luôn cạnh tranh thì tinh
thần chống không thể là tinh thần chủ động hay thuận lợi cho
phát triển. Cho dù là cá nhân hay dân tộc thì việc bảo vệ, bảo toàn
những chủ quyền của mình trước sự đe dọa hay xâm phạm chủ quyền cũng đều
là một trong những việc hệ trọng, cấp bách nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ
đến chống, chỉ nơm nớp lo sợ bị xâm lấn, cướp đoạt hay lúc nào cũng nghi
kỵ, sợ hãi sự xâm lấn từ bên ngoài thì cá nhân hay dân tộc đó không thể
phát triển được hết tiềm năng của bản thân. Cá nhân hay dân tộc như thế
có thể vẫn trường tồn, không bị tiêu diệt, nhưng không thể là một cá
nhân hay một dân tộc tự tin. Vậy vấn đề chính không phải là tinh thần
chống mà là tinh thần phải làm sao để trong sự tương tác, va chạm với
thế giới phong phú, đa dạng với đặc tính bất biến cạnh tranh (chế ước,
kiểm soát, kìm hãm thậm chí lấn át, thôn tính lẫn nhau) như thế các yếu
tố ngoại lai khó có thể trở thành yếu tố xâm hại hay thù địch với bản
thân. Chỉ khi đó cá nhân hay dân tộc đó mới có thể tồn tại một cách tự
tin, mạnh mẽ.
Nhìn vào lịch sử của riêng Việt Nam
chúng ta cũng thấy mọi cuộc xâm lấn từ phương Bắc hay từ phương Tây đều
chỉ là hệ quả của một hoặc hai vấn đề (nguyên nhân) chính: 1. Nội lực
quốc gia suy yếu. 2. Chính sách ngoại giao thiếu khôn ngoan. Và chừng
nào nếu còn nguy cơ cho một trong hai nguyên nhân này thì trước sau kiểu
gì, trong một thế giới cạnh tranh là mãi mãi, cũng sẽ có chiến tranh
với nước ngoài hoặc bị nước ngoài xâm lấn, khống chế. Nghĩa là nếu muốn
không có ngoại xâm hoặc muốn không phải liên tục chống ngoại xâm thì
Việt Nam phải quyết tâm xây dựng được một thể chế chính trị, một xã hội
mà mọi trí tuệ của dân chúng phải được khuyến khích, tham khảo, sử dụng
cho việc chung, bất kể nguồn gốc, địa vị, sắc tộc hay chính kiến. Cho
đến nay, nhân loại mới chỉ tìm thấy một mô hình chính trị đáp ứng được
những đòi hỏi đó. Đó là thể chế chính trị dân chủ, hay một cách chuyên
môn hơn là thể chế Dân chủ Tự do (liberal democracy).
Dĩ nhiên đạt được thể chế chính trị đó không thể là chuyện dễ dàng hay
có thể thực hiện trong sớm chiều nhưng đó phải là đích đến của chúng ta.
Chỉ khi đó chúng ta mới có thể có được hay giành lại được những quyền
được nói, được viết, được đi lại, được gặp gỡ, bàn luận, được tổ chức,
được cùng nhau chia sẻ đức tin, thổ lộ những khao khát riêng chung, hay
bày tỏ những bức xúc của con người một cách tự do. Ít nhất như thế chúng
ta mới có thể làm cho sự lên xuống của những người lãnh đạo quốc gia
phải chạy theo sự dao động của lá phiếu trong tay ta chứ không phải lá
phiếu được nhét vào tay ta cứ phải bám theo họ hoặc chỉ là những mảnh
giấy vô giá trị. Dưới ánh sáng văn minh của nhân loại ngày nay chúng ta
cần phải đồng thuận thừa nhận rằng giá trị của một tờ báo tư nhân hay
một quyền được tự do hội họp cũng không kém giá trị của một hòn đảo, một
vùng lãnh thổ của tổ quốc. Chúng ta phải cùng nhau nhận rõ một qui luật
đã hiển nhiên là sự trói buộc hay thương yêu của quyền lực độc đoán nội
tộc cũng nguy hiểm không kém sự hung hãn hay vỗ về của những kẻ xâm
lược ngoại bang. Chỉ khi nhận thức được như thế đất nước mới có thể có
một nội lực đủ mạnh làm chùn mọi ý đồ xâm lấn từ ngoại bang và chính
quyền mới có thể đủ sáng suốt, đủ tử tế để không phớt lờ hay chống lại ý
muốn bảo toàn danh dự, giữ vững chủ quyền của chúng ta. Chỉ khi đó
chúng ta mới không phải rón rén, lén lút hay lạy lục, van xin, khôn khéo
để được yêu nước, để được bày tỏ phẫn uất đối với quân xâm lược.
Với tình hình thời sự hiện nay, khi nhìn vào nhóm các nước[31]
đang phải đối mặt trực diện với tham vọng bá quyền của Trung Quốc như
Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia,
Malaysia, thì chỉ thấy Việt Nam là nước tỏ ra lúng túng nhất, yếu ớt
nhất và bị sỉ nhục nhất. Sự khác biệt đó cũng rất tương hợp với mức độ
dân chủ của chế độ chính trị ở các nước đó: Việt Nam là nước duy nhất
trong nhóm bị xếp hạng là phi dân chủ (độc tài). Ngay Philippines, một
nước có nền dân chủ yếu nhất[32]
(trong số những nước còn lại), cũng đã tỏ ra chủ động và tự tin hơn rất
nhiều Việt Nam trong việc đối phó với những hăm dọa từ Trung Quốc. Như
thế, chính chế độ dân chủ đã làm cho các quốc gia nhỏ bé trở nên mạnh
mẽ, không bị cô lập trước sự đe dọa của Trung Quốc chứ không phải vị trí
địa lý hay truyền thống chống ngoại xâm hào hùng. Một cách ngắn gọn có
thể nói rằng Dân chủ không sợ Trung Quốc hay Trung Quốc không thể làm gì
được Dân chủ.
Do đó, điều cơ bản muốn bảo toàn được
chủ quyền quốc gia một cách chủ động, bền vững, muốn đất nước, dân tộc
phát triển, hưng thịnh và luôn đủ khả năng để đối phó, hóa giải một cách
chủ động mọi yếu tố xâm hại từ bên ngoài thì cần phải thay đổi triệt để
quan niệm, tinh thần từ chống ngoại xâm sang tinh thần xây dựng dân chủ.
Đương nhiên trong những tình thế cấp bách, tinh thần chống ngoại xâm
phải được đặt lên hàng đầu nhưng xét về lâu dài, và có thể ngay cả những
lúc cấp bách, tinh thần dân chủ vẫn phải là tinh thần xuyên suốt và cơ
bản nhất. Hơn nữa, tinh thần dân chủ không chỉ giúp cắt rời được những
lợi dụng, thao túng của các thế lực cầm quyền dân tộc độc đoán như đã và
đang xảy ra mà còn giúp cho tinh thần dân tộc tránh được những cực
đoan, giúp dễ dàng cho sự hội nhập, biết tôn trọng, tiếp thu các dị biệt
của các cá nhân, các dân tộc khác để cùng sống hòa bình và đóng góp
tích cực cho sự phát triển chung của nhân loại.
Dĩ nhiên, việc chuyển đổi tinh thần cơ
bản của dân tộc từ chống ngoại xâm sang xây dựng dân chủ không thể là
một quá trình dễ dàng. Sự nan giải đó bởi hai lý do chính. Thứ nhất,
tinh thần chống ngoại xâm không chỉ là một truyền thống sâu đậm từ hàng
ngàn năm qua mà tinh thần này vẫn được đào luyện, thao túng thêm bởi chế
độ chính trị hiện tại. Lý do thứ hai, có thể còn khó khăn hơn lý do thứ
nhất, vì tinh thần chống ngoại xâm là thứ tinh thần xuất phát chủ yếu
từ tình cảm tự nhiên của con người, còn tinh thần dân chủ lại là thứ
tinh thần, ngược lại, gần như hoàn toàn thuộc về lý trí, là thứ tinh
thần đòi hỏi phải có sự chủ động, khổ công tìm hiểu, đào luyện về kiến
thức và tư duy dân chủ. Nhưng vấn đề chuyển đổi tinh thần đó cũng không
phải là việc thay thế hoàn toàn tình cảm chống ngoại xâm bằng lý trí dân
chủ mà chỉ là cần phải bổ sung thêm và tạo cho tình cảm yêu nước, chống
ngoại xâm một nền tảng lý trí, một sự hiểu biết thấu đáo về dân chủ.
Một tình cảm yêu nước hay một tinh thần chống ngoại xâm được tựa vững
trên một nền tảng dân chủ, một tinh thần dân chủ. Đó có thể gọi là công
thức chung cho tất cả các quốc gia văn minh, tiến bộ và bền vững nhất
hiện nay.
Nếu nhìn vào công thức đó, người Việt
chúng ta cũng có thể tự hào rằng trong di sản của cha ông để lại cũng đã
có một tư tưởng như thế. Đó chính là tư tưởng của Phan Chu Trinh
(1872-1926).
Có thể nói trường lịch sử chống ngoại
xâm hàng ngàn năm của Việt Nam từ thời lập quốc cho đến tận giữa thế kỷ
20, Việt Nam chỉ duy nhất có một người xem xét công cuộc bảo vệ, giành
lại độc lập cho đất nước từ tay ngoại xâm hoàn toàn bằng lăng kính dân
chủ. Đó là Phan Chu Trinh. Năm 1925, Phan Châu Trinh đã chỉ ra lý do căn
bản của cái lịch sử triền miên mất nước của Việt Nam: ”Một nước bao
nhiêu triệu dân mà chỉ giao phó quyền chính cho một ông vua thì chẳng
là ngu xuẩn lắm ư? Gặp được ông vua thông minh còn lo chưa hết bổn phận
thay, huống là gặp phải anh vua u mê làm ròng những sự độc ác, cấm dân
có ăn học không được lo việc nước, thì dân khốn khổ biết bao, và còn có
ai dám ra mà gánh vác Một nhà không ai lo chủ trương, một nước không ai
lo chủ trương, thì nhà nước ấy làm sao mà không tan không mất được.”[33] Và Phan Chu Trinh đã gợi ra cái điều hệ trọng nhất cần phải thay đổi nếu muốn thoát khỏi tình trạng mất nước triền miên đó: “… Còn
như theo cái chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật
lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế
nào thì làm thế ấy. Dù không có người ta giỏi làm cho hay lắm, cũng
không đến nỗi phải đè đầu khốn nạn làm tôi mọi một nhà, một họ nào. Xét
lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự lợi
ích chung của mình, thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn
dân nào ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua ở
quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào trong tay một người,
hay là một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động,
không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy còn khốn khổ mọi đường.”[34]
Sinh thời Phan Chu Trinh rất tâm đắc với những suy nghĩ, tư tưởng như thế này:
“Quí quốc không phải lo không có ngày độc lập mà chỉ lo quốc dân không đủ tư cách độc lập.”, “Kế hoạch giành lại nước mấu chốt có mấy điều nhưng thực lực trong nước là chủ yếu.”, “Quí quốc chớ lo không có cơ hội độc lập mà chỉ lo không có nhân tài và không chụp được cơ hội.”[35]
Chính vì có tư tưởng như thế mà Phan Chu
Trinh đã phản đối quan điểm phải giành ngay độc lập từ người Pháp bằng
mọi giá của những người như Phan Bội Châu[36] hay anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Hồ Chí Minh sau này)[37]
Những biến động lịch sử gần một trăm năm qua tại Việt Nam và thế giới
đã cho thấy quan điểm, tư tưởng của Phan Chu Trinh là đúng đắn và hết
sức sáng suốt.
Như vậy, dù cho quá trình chuyển hóa tư
tưởng, tinh thần cơ bản của dân tộc từ “chống ngoại xâm” sang “xây dựng
dân chủ” là một công việc nan giải và lâu dài đến đâu chúng ta cũng phải
xác định bắt buộc phải thực hiện. Vì trước sau chúng ta cũng phải thực
hiện công cuộc đó nếu chúng ta còn muốn đất nước hưng thịnh, còn muốn
lịch sử của dân tộc không phải quay cuồng với nạn ngoại xâm hay chìm đắm
trong cảnh nồi da xáo thịt chỉ vì bất đồng chính kiến.
Lạc quan đen
Nếu nhìn sự tồn vong của đất nước Việt
Nam hiện nay dưới góc độ quyền con người hay chủ quyền quốc gia thì có
thể nói không ai có thể lạc quan, nếu không muốn nói thẳng ra là chúng
ta đã mất nước. Có một đất nước nào còn chủ quyền mà chính người dân
của đất nước đó lại bị đối xử thấp hơn hẳn so với công dân của một nước
khác? Liệu quyền lãnh đạo quốc gia có còn thuộc về người dân của nước đó
khi những nơi xung yếu nhất về an ninh quốc gia đều có sự hiện diện âm
thầm hay lộ liễu của những kẻ đã tỏ rõ ý đồ muốn thôn tính quốc gia đó?
Có một dân tộc nào còn “Nước” không khi người dân phải lén lút bày tỏ
lòng yêu nước?
Nhưng nếu nhìn tương lai, tiềm năng của
một dân tộc, một quốc gia trong sự chuyển hóa về ý thức dấn thân cho
việc chung của người dân, về tính độc lập trong tư duy của xã hội, ở mức
độ tuân phục cường quyền hay say mê lãnh tụ, trong khả năng nhận thức
được cái tiến bộ/lạc hậu của thời đại hoặc ở nồng độ đối địch với văn
minh của giới cầm quyền v.v. thì chúng ta vẫn có thể có cảm giác như
thấy những tia sáng lóe lên trong một đường hầm đen đặc của những câu
hỏi khắc khoải ở trên.
Tuyệt vọng không phải là điều con người
mong muốn nhưng là một trong những cảm giác tự nhiên của con người.
Tuyệt vọng cũng không chỉ toàn sự tồi tệ. Sự phi thường vẫn thường vụt
ra từ tuyệt vọng. Dĩ nhiên đó phải là loại tuyệt vọng không đầu hàng.
© 2012 pro&contra
[1] Huỳnh Kim Khánh,
Vietnamese Communism 1925-1945, Cornell University Press, 1982, tr. 19
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 7, trang 148-153
[3] Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 418.
[4] “Tình hình và chủ trương ngày 3/3/1936”.
Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 44, 45.
[5] “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chí Minh”.
Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 160.
[6] Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980 và 1992) Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, trang 7.
[7] Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980 và 1992). Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, trang 27, 28.
[8] Văn kiện Đảng về chống Mỹ cứu nước, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, trang 447.
[9] “Diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần III do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 5 tháng 9 năm 1960”.
Văn kiện Đảng về chống Mỹ cứu nước, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, trang 426.
[10]
Ông Trương Như Tảng, sáng lập viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam
Việt Nam, Bộ trưởng Tư pháp của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam
Việt Nam. Năm 1978 ông đã vượt biên ra nước ngoài bằng đường biển trên
một chiếc thuyền nhỏ.
[11] Truong Nhu Tang, David Chanoff and Doan Van Toai,
A
Vietcong Memoir, an inside account of the Vietnam War and its
Aftermath, Vintage Books, New York, 1985, trang 276, 277, 282, 288.
[12] Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 1980, Nxb Pháp lý, 1981, trang 5, 10.
[13] Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980 và 1992). Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, trang 135.
[14] “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)“,
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 03/2011, trang 7
[15] “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)“,
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 03/2011, trang 25.
[16] Sách đã dẫn, trang 27.
[17]
Lần duy nhất ĐCSVN (Mặt trận Việt Minh) hợp tác, chia sẻ quyền lực với
các nhóm chính trị đối lập khác của người Việt là lúc ĐCSVN mới bắt đầu
cầm quyền vào năm 1945. Nhưng đó chỉ là một chiến thuật tạm thời của
ĐCSVN hay như Hồ Chí Minh nói đó là ”
sách lược của Việt Vương Câu Tiễn” (Vũ Như Khôi,
80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, những chặng đường vẻ vang,
Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, trang 158). Quãng thời gian hợp tác duy
nhất đó cũng khá ngắn ngủi, tạm tính từ 01/01/1946 – ngày công bố Chính
phủ Liên hiệp Lâm thời (sau khi Hồ Chí Minh đồng ý để chính phủ lâm thời
có thêm thành phần thuộc các đảng phái phi cộng sản như Nguyễn Hải
Thần, Trương Đình Tri thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Nguyễn
Tường Long thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng), đến ngày 12/07/1946, ngày xảy
ra vụ án “Ôn Như Hầu” – Việt Minh thực hiện các cuộc đột kích, tấn công
vào trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng và các lực lượng đối lập quan
trọng khác. Từ đó đến nay, chưa bao giờ ĐCSVN tỏ ra chấp nhận các tư
tưởng, tổ chức chính trị đối lập.
[18]
Trong các cuộc tiếp xúc giữa Mặt trận Việt Minh với người của Cục Công
tác Chiến lược Mỹ (OSS) – tiền thân của CIA, từ năm 1944 đến cuối năm
1945, đại diện của Việt Minh (Hồ Chí Minh hoặc những nhân vật khác) đều
bày tỏ được công nhận là tổ chức chính trị duy nhất đại diện cho người
Việt Nam (Archimedes L.A.Patti,
Why Vietnam?, University of California Press, 1980).
[19]
Lúc đó có những tổ chức yêu nước khác như Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt
Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Chính phủ Trần Trọng Kim, các nhóm chống
Pháp của đạo Cao Đài, Hòa Hảo, v.v.
[20] Tài liệu sưu tầm – Cuộc kháng chiến thần thánh của Nhân dân Việt Nam, T1, Nxb Sự Thật, Hà nội, 1960, trang 15, 16, 17.
[21] Jean Lacouture,
Ho Chi Minh, Penguin Books, 1968, trang 130. Độc giả có thể tham khảo thêm thông tin trên mạng
ở đây.
[22] Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 155.
[23] Hồ Chí Minh với bút danh Đ.X viết trong
Thường thức Chính trị, Nxb Sự Thật, 1953. In lại trong
Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb Công an Nhân dân, 2002, trang 115.
[24] Trích
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr. 251, NXB CTQG, Hà Nội, 2002.
[25] Võ Nguyên Giáp kể lại: “
Bác thường nói: ‘Muôn việc lấy Đảng làm gốc, Đảng là gia đình của người cộng sản.’”. Võ Nguyên Giáp, “Từ nhân dân mà ra”, trong
Tổng tập Hồi ký (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nxb Quân đội Nhân dân, 2011, in lần thứ 3 (theo bản in lần đầu năm 1964), trang 54.
[26] Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 155.
[27] Samuel P.Huntington (1927-2008), học giả chính trị người Mỹ có ảnh hưởng tầm thế giới, với những tác phẩm như
Political
Order in Changing Societies (1968), The Third Wave: Democratization in
the Late Twentith Century (1991), The Clash of Civilaztions and the
Remaking of World Order (1996) (bản tiếng Việt
Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động, 2005
).
[28] Samuel P. Huntungton,
Political Order in Changing Societies, New Haven and London, Yale University Press, 1968, trang 337, 339.
[29]
Ở đây chỉ dẫn chứng về mối quan hệ giữa ĐCSVN và Đảng Cộng sản Liên
bang Xô-viết cũ, còn sự bất tín và đầy âm mưu trong mối quan hệ giữa
ĐCSVN và ĐCS Trung Quốc thì xin phép không dẫn chứng ở đây vì đó là vấn
đề đã quá rõ. Trong hồi ký của mình, Khrushchev đã dành một phần để nói
về quan hệ với ĐCSVN. Đây là một trích dịch từ hồi ký đó: “
Nhưng
thông tin về một số sự kiện đến với tôi đã chỉ ra rằng mọi điều (trong
quan hệ giữa Liên bang Xô-viết và Việt Nam) không được trôi chảy như báo
chí và TV đã phản ánh. Theo thông tin của tôi thì phía Việt Nam đã có
một sự cầm chừng nào đó đối với nhà nước Liên bang Xô-viết và Đảng
Xô-viết. Điều đó chắc chắn rằng đã có một số phần tử thân Trung Quốc ở
trong Đảng Lao động Việt Nam. Nhìn bề ngoài thì dường như tình hữu nghị
và sự thông hiểu lẫn nhau giữa Việt Nam và Liên bang Xô-viết đang phát
triển. Nhưng rất có thể đó chỉ là vẻ bề ngoài được các lãnh đạo Việt Nam
cố ý tạo ra – và rất có thể được sự đồng ý của phía Trung Quốc – để họ
không bị mất đi sự trợ giúp từ Liên bang Xô-viết và các Đảng Cộng sản
anh em khác. Tôi rất hy vọng sự thật không phải như vậy cho dù tôi vẫn
cho điều đó là vẫn có thể. Tôi muốn tin rằng Việt Nam thực sự mong muốn
có quan hệ tốt với Liên bang Xô-viết, nhưng tôi không nghĩ là Trung Quốc
có thể nhả Việt Nam khỏi móng vuốt của họ. Hơn nữa các phần tử thân
Trung Quốc tại Việt Nam vẫn tỏ ra mạnh mẽ. Chắc họ sẽ còn cố làm mọi thứ
có thể để Việt Nam ngoạm vào miếng ăn từ bàn tay Trung Quốc… Những tài
liệu giúp tôi có cơ sở để dự báo hoặc ít nhất là để phỏng đoán về diễn
biến tương lai trong quan hệ với Việt Nam là bản Di chúc của Hồ Chí Minh
và bài phát biểu nổi tiếng của Lê Duẩn. Tôi đã đọc cả hai tài liệu đó
đến hai lần với sự chú tâm để cố gắng hiểu đúng những gì họ viết. Trong
bản Di chúc, Hồ Chí Minh đã không nói một tý gì về sự giúp đỡ to lớn và
quên mình của Liên bang Xô-viết đã dành cho Việt Nam. Sự trợ giúp của
chúng tôi là hết sức quan trọng vì thiếu chúng thì Việt Nam không thể
nào sống sót được trong một cuộc chiến hiện đại và không thể có khả năng
chống lại được một đối thủ giàu có và hùng mạnh như Mỹ được. Để có được
những vũ khí cần thiết, Việt Nam chả còn lựa chọn nào khác là phải dựa
vào Liên bang Xô-viết. Và để chiến thắng họ phải có những vũ khí thích
hợp và những vũ khí đó chỉ có thể có từ Liên bang Xô-viết… Đến nay cuộc
chiến tàn bạo vẫn tiếp tục và chiến thắng vẫn còn khó khăn. Nhưng ánh
sáng chiến thắng của Việt Nam đối với đế quốc Mỹ đã có thể nhìn thấy lấp
ló từ phía xa. Vì vậy chúng ta không được lùi lại. Chúng ta cần phải
huy động tất cả cho chiến thắng cuối cùng đó của Việt Nam… Người Việt
Nam đã phải đổ nhiều xương máu cho phong trào cộng sản thế giới rồi.
Liệu những người kế thừa Hồ Chí Minh có đủ khôn ngoan cho chiến thắng đó
không? Chỉ có thời gian mới trả lời nổi.” Trước đó, chính
Khrushchev đã thuật lại việc Stalin không tin Hồ Chí Minh tới mức Stalin
phải cho người bí mật lấy lại một tờ tạp chí Xô-viết có thủ bút của
Stalin (theo đề nghị của Hồ Chí Minh), mặc dù theo Khrushchev, Hồ Chí
Minh đã tỏ ra rất sùng kính Stalin trong suốt cuộc trò chuyện.
Khrushchev,
Remembers, translated and edited by Strobe Talbott, Little, Brown and Company, 1970, trang 481, 485, 486.
[30]
Có thể cảm nghĩ và đánh giá của Lý Quang Diệu (cựu Thủ tướng Singapore)
về giới lãnh đạo Việt Nam (ĐCSVN) thời kỳ 1975-1990 là một trong những
điển hình của lãnh đạo thế giới nhìn nhận về lãnh đạo của ĐCSVN. Sau đây
là trích dịch một phần về đánh giá đó vào giai đoạn khi ĐCSVN bắt đầu
tiến hành những tiếp xúc đầu tiên với khối ASEAN (trong đó có Singapore)
sau khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đổ vỡ. “
Người Việt
Nam là những chuyên gia về trình diễn. Bước đầu tiên là Phan Hiền (thứ
trưởng ngoại giao) sang gặp chúng tôi để đưa một vẻ mặt đáng yêu của
nước Việt Nam cộng sản ra chào. Sau đó là Phạm Văn Đồng tới (ngày
16/10/1978) để chỉ cho chúng tôi thấy ông ta là một người cứng rắn, gai
góc như thế nào. Trong hai giờ rưỡi đồng hồ trao đổi, chúng tôi chỉ đưa
ra được những lời khách sáo và tránh né. Cuộc nói chuyện chỉ thực sự bắt
đầu thẳng thắn khi chúng tôi lên xe đi từ sân bay về. Tôi bắt đầu bằng
cử chỉ hoan nghênh ý muốn của Việt Nam muốn hợp tác với chúng tôi vì hòa
bình, ổn định và thịnh vượng, nhưng khi nghe Radio Hà Nội và đọc báo
Nhân dân thì chúng tôi buộc phải dè chừng. Họ không hề thân thiện, thậm
chí còn tỏ ra đe nẹt. Phạm Văn Đồng tuyên bố Việt Nam là quốc gia xã hội
chủ nghĩa và ông ta là một người cộng sản. Học thuyết của ông ta là chủ
nghĩa Marx-Lenin. Ông ta đến Singapore với tư cách là Thủ tướng của
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Việt Nam đã phải đóng góp cho
sự nghiệp cách mạng và hòa bình ở khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới
rồi. Nhưng những điều đó lại chả liên quan gì tới Singapore của chúng
tôi cả… Tối đó, khi tôi đi cùng ông ta tới chỗ ăn tối, ông ta nói là
Việt Nam không thể trao đổi thương mại với Singapore được nhưng cần
Singapore giúp đỡ. Singapore đã được lợi từ cuộc chiến Việt Nam rồi (qua
việc bán phương tiện chiến tranh cho Mỹ) nên trách nhiệm của chúng tôi
là phải giúp đỡ họ. Tôi gần như ngã ngửa người ra vì thái độ ngạo mạn và
hiếu chiến đó… 12 năm sau, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Võ
Văn Kiệt, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, đã đề nghị được gặp
tôi. Ông ta hy vọng có thể xếp các khác biệt lớn sang một bên để chúng
tôi bắt đầu hợp tác. Tôi cảm thấy rất tiếc là thời gian đã bị mất quá
nhiều kể từ khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia từ tháng 12/1978. Chừng
nào cuộc xung đột đó chưa được giải quyết thì sẽ chả có một quan hệ cấp
chính phủ nào cả. Võ Văn Kiệt nói rằng ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội
đầu tư hấp dẫn và ông ta đã cấp hơn 100 giấy phép đầu tư cho các công ty
nước ngoài rồi. Tôi đáp lại rằng dù có là 100 hay 1000 giấy phép như
thế thì kinh tế Việt Nam cũng chả thể ngóc đầu được nếu như Hoa Kỳ không
ra dấu để Ngân hàng Thế giới (World Bank) được cấp vốn vay tái thiết
cho Việt Nam và nếu các công ty Hoa Kỳ không xác định Việt Nam là một
thị trường có thể đầu tư… Trong báo cáo với chính phủ, tôi đã mô tả Việt
Nam là một đất nước kinh khủng mặc dù lúc đó họ đã mở cửa được 6 năm
rồi. Năm 1975, thành phố Hồ Chí Minh có thể so sánh được với Bangkok,
thế mà lúc này (năm 1992) nó đã bị tụt lại so với Bangkok phải tới hơn
20 năm.” Lee Kuan Yew,
From Third World to First, Harper Collins Publishers, 2000, trang 310, 312, 314.
[31]
Bắc Triều Tiên, nằm sát ngay cạnh Trung Quốc, nhưng vì có những yếu tố
hết sức đặc biệt nên tôi không đưa vào trong sự liệt kê này.
[32] Philippines theo
xếp hạng của EIU năm 2011
thuộc nhóm Dân chủ khiếm khuyết (flawed democracy) đứng thứ 74/167.
Việt Nam thuộc nhóm các chế độ độc tài (authoritarian regimes) hạng
140/167.
[33] Thế Nguyên,
Phan Chu Trinh, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1956, trang 156
.
[34]Sách đã dẫn, trang 127.
[35] Trao đổi của Lương Khải Siêu (1873-1929, nhà cách mạng và tư tưởng dân chủ của Trung Quốc) với Phan Bội Châu. Lê Thị Kinh,
Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng 2001, trang 109.
[36] Phan Chu Trinh đánh giá Phan Bội Châu: “
Phan
Bội Châu là con người khẳng khái, dám làm, không kể thân mình, sức tự
tin rất sâu, tôi cũng vậy,… chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau, chỉ
ý kiến là khác nhau…” Lê Thị Kinh,
Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng 2001, trang 105.
Còn Phan Bội Châu viết về Phan Chu Trinh: “
Cụ
thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, dựa
vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người
Pháp, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc gì khác. Vì thế mà
đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. Chính kiến của hai
người rất phản đối nhau. Bởi vì cụ với tôi vẫn cùng một mục đích, mà thủ
đoạn thì xa nhau…” Sách vừa dẫn, trang 93.
[37] Theo Thụy Khuê, Phan Chu Trinh đã bày tỏ quan điểm về đường lối giành độc lập cho đất nước của Nguyễn Tất Thành như thế này:
“Tôi biết anh hấp thụ được cái chủ nghiã của ông Mã Khắc Tư [Karl Marx]
ông Lý Ninh [Lénine]
nên
tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh rõ. Cứ xem hai
ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu
đất người mà làm quốc sự cho mình, như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn
thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe tôi mà về quảng cáo cho quốc dân
đồng bào.” “… Tôi (Phan Chu Trinh) đã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10
năm trước đây mà tôi thấy anh chủ trương cách mệnh triệt để quá táo bạo
nên tôi không thể theo anh được, và anh cũng không chấp nhận đường lối
của tôi. (…)”. Xem thêm
tại đây
Posted in: Chính Trị,Đổi Hiến Pháp
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét