Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013
Karl Marx, một nhà nhân văn lãng mạn
06:56
Hoàng Phong Nhã
No comments
Terry Eagleton
Phạm Thị Hoài dịch
Kỉ niệm
130 ngày mất (14-3-1883) của Karl Marx đã qua và kỉ niệm 195 ngày sinh
(05-5-1818) của ông sắp đến, lặng lẽ, trong quốc gia lấy chủ nghĩa Marx
làm nền tảng tư tưởng hiến định là Việt Nam. Không ở đâu Marx bị phá giá
như ở những nơi chủ nghĩa mang tên ông bị áp đặt bằng mọi giá. Sự “thấm
nhuần” chủ nghĩa Marx có lẽ đã khiến các học giả marxist chính thống ở
Việt Nam bội thực tư tưởng và không thể nói gì về Marx ngoài tuyên
truyền đãi bôi.
Bài viết
sau đây cũng của một học giả marxist, nhà nghiên cứu văn học người Anh,
ông Terry Eagleton, với tác phẩm gần đây nhất là Why Marx Was Right (Vì sao Marx có lí), Yale University Press, 2011.
Người dịch
______________
Ca ngợi Karl Marx có lẽ cũng khó lọt tai
như nói một điều gì dễ thương về Thiền vu Hung Nô Attila. Chẳng phải
những ý tưởng của Marx là đầu mối của độc tài, giết chóc quy mô lớn và
tàn phá kinh tế đó sao? Còn có gì để bênh vực cha đẻ của những học
thuyết từng dẫn thẳng đến các trại cải tạo và tệ sùng bái một gã nông
dân Gruzia hoang tưởng, được biết đến với cái tên Stalin? Chẳng phải một
học trò khác của Marx, Mao Trạch Đông, là thủ phạm gây ra vụ tàn sát
dân chúng có lẽ lớn nhất trong lịch sử hiện đại đó sao?
Nhưng bắt Marx phải chịu trách nhiệm về
Mao thì đại loại cũng giống như nhè đầu Jesus mà đổ cho tội của các Tòa
án Dị giáo La Mã. Tay của nền văn minh Thiên chúa giáo cũng vấy máu biết
bao nhiêu nạn nhân vô tội. Nhưng chúng ta không đem những điều kinh
hoàng đó ra để cáo buộc các tác giả của Kinh Tân ước, cũng hệt
như chúng ta không lấy nạn đói khổng lồ ở Ái Nhĩ Lan hay Đại chiến Thế
giới I để quy trách nhiệm cho các nhà tư tưởng cấp tiến vĩ đại đã góp
công lí giải xã hội tư bản hiện đại. Có nằm mơ Marx cũng không nghĩ rằng
nên dùng chủ nghĩa xã hội để bẩy những quốc gia nghèo mạt rệp, lạc hậu
về kinh tế, vọt lên xã hội hiện đại. Ông đã cảnh báo: Làm kiểu đó thì
rốt cuộc ta chỉ được thêm một lần nữa đống phân cũ mà thôi. Hậu quả sẽ
là cái mà Marx gọi là sự nghèo túng phổ cập.
Muốn tạo dựng các quan hệ xã hội chủ
nghĩa, phải tận dụng những ưu thế của chủ nghĩa tư bản, chế độ mà Marx
đã nhiệt liệt biểu dương. (Khác với một người hậu hiện đại, một người
marxist bao giờ cũng đầy lòng kính trọng di sản cách mạng của các giai
cấp trung lưu.) Chủ nghĩa xã hội đòi hỏi những nguồn vật chất, những
thiết chế dân chủ, một xã hội dân sự đua nở, những truyền thống khai
sáng cởi mở cũng như một đội ngũ công nhân được đào tạo tốt và có tay
nghề cao. Tất cả những điều đó không thể có được, nếu dân chúng đói ăn,
thất học và bị cai trị bởi những kẻ chuyên quyền. Tất nhiên những quốc
gia như vậy cũng có thể theo con đường xã hội chủ nghĩa, như những người
Bolshevik Nga đã chọn. Nhưng họ chỉ có thể thành công nếu được những
nước giàu mạnh hơn trợ giúp. Song ở trường hợp những người Bolshevik,
các nước giàu lại tràn vào xâm lăng nước Nga và dìm cuộc cách mạng vừa
mới lọt lòng trong một biển máu.
Tác phẩm của Marx quy về một vấn đề duy
nhất. Vì lẽ gì mà những nền văn minh thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân
loại lại đi liền với nhiều nghèo đói, bất công, lao động rẻ mạt và lầm
than như vậy? Đấy thuần túy chỉ là một sự bất hạnh đáng tiếc, hay nó nói
lên một điều gì đó về những mâu thuẫn mang tính cơ cấu của những chế độ
xã hội này? Như Freud, người đã khám phá hẳn một châu lục mới và đặt
tên khai sinh cho nó là “Vô thức”, Marx đã lột trần và đặt tên cho sự
vận hành của các hệ thống, đã nghiên cứu những nguồn gốc lịch sử của
chúng và miêu tả những điều kiện khiến chúng có thể suy vong. Kẻ Do Thái
tị nạn rách rưới ấy, người đàn ông có lần tự nhận rằng không ai viết
nhiều về tiền mà hiếm khi trong túi có tiền như mình, đã đưa bộ động cơ
biến tốc ẩn khuất của cái hình thái sinh tồn mà phần lớn chúng ta coi là
đương nhiên ra ánh sáng. Sau Marx, người ta không thể lẫn lộn hình thái
sinh tồn ấy với một sự phổ quát có tên là bản chất tự nhiên của con
người nữa. Ngày nay, thậm chí các nhà tư sản cũng băn khoăn về chủ nghĩa
tư bản. Đã đến mức ấy thì người ta biết rằng hệ thống này đang lâm vào
vấn nạn. Sự khủng hoảng nội tại đã tước đoạt tính chất tự nhiên của nó
và khiến nó trần trụi hiện ra đúng là mình.
Theo suy luận của Marx, không một hệ
thống xã hội nào trong lịch sử chứng tỏ tính cách mạng như hệ thống mà
chúng ta đang sống. Chỉ trong vòng vài thế kỉ, các giai cấp trung lưu
châu Âu đã tích lũy của cải vật chất và tinh thần, đã lật nhào các nhà
độc tài, giải phóng nô lệ, phá tan các đế chế, đem lại cho chúng ta dân
chủ và nhân quyền và đặt nền móng cho một hình thái nhân văn thực sự
mang tính toàn cầu. Với những ai ủng hộ giai cấp này, lịch sử là một tự
sự hấp dẫn về tiến bộ; nhưng với những ai phê phán nó thì đó không là gì
khác hơn một lịch sử của suy vong.
Marx thấy cả hai mặt đó. Với ông, lịch
sử hiện đại là một câu chuyện của giải phóng xã hội, nhưng đồng thời
cũng là một cơn ác mộng dài và khủng khiếp. Thêm vào đó, lại không thể
kể câu chuyện này tách khỏi câu chuyện kia. Marx cho rằng cả hai đều
xuất phát từ cùng những cơ chế xã hội ấy. Ông không hề phản đối những lí
tưởng tư sản mạnh mẽ về tự do chính trị, bình đẳng, tự do cá nhân và tự
định đoạt. Đó cũng là những lí tưởng của ông. Ông chỉ muốn tìm ra
nguyên nhân vì sao những lí tưởng ấy, cứ khi nào được thực hiện, lại có
xu hướng gây ra bạo lực, đàn áp, bất công và chủ nghĩa cá nhân tiêu cực.
Chủ nghĩa tư bản đã giúp con người vươn đến những sức mạnh và năng lực
vượt quá mọi thước đo từng biết. Nhưng nó không dùng những sức mạnh ấy
để giải phóng con người khỏi ách lao công. Con người trong những xã hội
thịnh vượng nhất địa cầu vẫn phải làm quần quật, chẳng khác tiền bối của
mình thời đồ đá mới. Lí tưởng của Marx không phải là nhọc nhằn, mà là
nhàn hạ. Nếu ông đã quá tập trung vào các vấn đề kinh tế thì chẳng qua
chỉ nhằm bẻ gãy quyền lực độc đoán của nó với chúng ta.
Marx là một nhà đạo đức theo nghĩa đẹp
nhất, truyền thống nhất. Ông chia sẻ với Aristotélēs, Hegel và Thomas
Aquinas quan điểm rằng một cuộc đời đáng sống không phải là một cuộc đời
của những bổn phận và trách nhiệm, mà là của hạnh phúc trong sự thực
hiện bản thân. Vì thế điều căn bản trong luân lí, theo ông, là học cách
phát triển những tư chất của bản thân, và ông cho rằng bản chất con
người được phát huy tốt nhất khi nảy nở cùng đồng loại và thông qua đồng
loại. Hoặc, như ông viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản:
khi con người vui hưởng một xã hội, trong đó “tự do phát triển của mỗi
người là điều kiện cho tự do phát triển của mọi người”. Khi con người
thấy mình thỏa nguyện trong sự thỏa nguyện của kẻ khác thì chúng ta gọi
đó là tình yêu. Marx nghiên cứu một triển vọng như thế ở bình diện chính
trị. Đồng thời, ông không buồn để tâm đến mọi bàn luận vô ích về một xã
hội không tưởng. Hoàn thiện hóa xã hội là điều Marx không hề quan tâm.
Marx nồng nhiệt tin ở cá nhân. Hết mình
là một nhà duy lí khai sáng, ông cũng hết mình là một nhà nhân văn lãng
mạn, tránh lí thuyết trừu tượng và thích tất cả những gì rung cảm, sờ
nắm được và độc đáo. Ông không cấp cho chúng ta bản thiết kế cho một
tương lai xã hội chủ nghĩa. Ông chỉ vạch ra rằng, chúng ta có thể giải
quyết những mâu thuẫn hiện đang ngáng trở một tương lai như thế bằng
cách nào là tốt nhất. Còn sau đó, điều gì sẽ đến, thì ông gần như không
thể nói gì hết. Ông không là một nhà tiên tri nhòm quả cầu thủy tinh mà
đoán tương lai. Ông là một nhà tiên tri theo nghĩa Do Thái xác thực,
người cảnh báo rằng chúng ta sẽ không có tương lai nếu không chọn những
con đường khác.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức: “Ein romantischer Humanist“, Zeit, 23-05-2011
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra
0 nhận xét:
Đăng nhận xét