Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013
Về nội hàm Văn hoá du lịch
00:23
Hoàng Phong Nhã
No comments
1. Quan hệ giữa văn hoá và du lịch
Nhiều năm qua ở nước ta, có một bài
học, một kinh nghiệm hết sức thuyết phục là văn hoá trong du lịch ở nước ta vừa
như là mục tiêu mang tính định hướng, vừa như là một quan điểm khẳng định rằng,
văn hoá là nội dung, là bản chất đích thực của du lịch Việt Nam, tạo nên tính
độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn nhất của các sản phẩm du lịch Việt Nam, góp phần tạo
dựng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
Du lịch là một hoạt động thực tiễn
xã hội của con người, nó được hình thành nhờ sự kết hợp hữu cơ giữa 3 yếu tố
người du lịch, tài nguyên du lịch và môi giới du lịch. Người du lịch là chủ thể
du lịch, tài nguyên du lịch là khách thể du lịch, ngành du lịch là môi giới
cung cấp sự phục vụ cho người du lịch. Xét theo phạm trù văn hoá xã hội, du lịch
là một hoạt động văn hoá cao cấp của con người. Bởi văn hoá là mục đích mà
du lịch hướng tới, là nguyên nhân nội sinh của nhu cầu du lịch. Dù người đi du
lịch nhằm mục đích gì (thăm thân, tìm hiểu, nghiên cứu, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng…)
hoặc theo phương thức nào (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không…)
thì mục đích cuối cùng là nhằm thoả mãn những nhu cầu của bản thân, để cảm
nhận, thụ hưởng những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra ở một xứ
sở ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Nói cách khác du lịch là hành vi
ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ lợi ích cho
họ và là hoạt động có lợi cho việc thúc đẩy phát triển trí tuệ của loài
người.
Đó là nhận định mang tính tổng quát
còn biểu hiện cụ thể của mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá và du lịch được thể
hiện qua các khía cạnh:
- Văn hoá là nguồn tài nguyên độc
đáo của du lịch (nguồn nguyên liệu để hình thành lên hoạt động du lịch). Khi
nói văn hoá là nguồn nguyên liệu để hình thành lên hoạt động du lịch, tức là
chúng ta nói đến vật hút / đối tượng hưởng thụ của du khách. Nguồn nguyên liệu
văn hoá có hai loại cơ bản: Văn hoá vật thể là những sáng tạo của con người tồn
tại, hiện hữu trong không gian mà có thể cảm nhận bằng thị giác, xúc giác,
chẳng hạn những di tích lịch sử văn hoá, những mặt hàng thủ công, các công cụ
trong sinh hạt, sản xuất, các món ăn dân tộc… Văn hoá phi vật thể như lễ hội,
các loại hình nghệ thuật, cách ứng xử, giao tiếp… Theo quan niệm của ngành du
lịch, người ta xếp các thành tố văn hoá vào tài nguyên nhân văn (đối lập với
tài nguyên tự nhiên như biển, sông hồ, núi rừng, hang động…) cụ thể là: Các di
tích lịch sử - văn hoá; hàng lưu niệm mang tính đặc thù dân tộc; ẩm thực; lễ
hội; các trò chơi giải trí; phong tục, tập quán, cách ứng xử, giao tiếp; tín
ngưỡng, tôn giáo; văn học - nghệ thuật.
Vì vậy mà văn hoá là điều kiện và
môi trường để cho du lịch phát sinh và phát triển. Cùng với tài nguyên tự
nhiên, tài nguyên văn hoá là một trong những điều kiện đặc trưng cho việc phát
triển du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương. Giá trị của những di
sản văn hoá: di tích lịch sử, các công trình kiến trúc, các hình thức nghệ
thuật, các tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… cùng với các thành tựu
kinh tế, chính trị, xã hội, các cơ sở văn hoá nghệ thuật, các bảo tàng… là
những đối tượng cho du khách khám phá, thưởng thức, cho du lịch khai thác và sử
dụng. Sự khai thác và thu lợi nhuận từ tài nguyên, việc xây dựng các khu điểm
du lịch đều phản ánh trí tuệ và sức sáng tạo của loài người. Chính những tài
nguyên này không chỉ tạo ra môi trường và điều kiện cho du lịch phát sinh và
phát triển mà còn quyết định quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả của hoạt
động du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương.
Di tích Ngọ Môn - Huế
Mối quan hệ giữa du lịch và văn hoá
còn được biểu hiện qua hành vi ứng xử, đạo đức trong phục vụ, hay trong giao
dịch kinh doanh du lịch. Thực chất của mối quan hệ giữa văn hoá với kinh doanh
nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng (hay vai trò của văn hoá trong phát
triển kinh tế) đã được khẳng định. Nói cách khác, hành vi kinh doanh muốn có được
thành công phải được thực hiện một cách văn hoá. Có thể gọi chung là nghệ
thuật kinh doanh hay văn hoá kinh doanh.
Xét ở một khía cạnh khác, mối quan hệ mật
thiết này được thể hiện: nếu muốn phát triển du lịch cần phải có một môi trường
du lịch tốt (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn - hai yếu tố
này không tách rời). Môi trường tự nhiên như không có rác bẩn, nguồn nước sạch,
không viết vẽ lên đá…môi trường nhân văn đó là di tích được giữ gìn, cư dân,
nhân viên làm việc ở nơi du lịch phải có văn hoá, tố chất văn hoá, cơ chế chính
sách, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh…
Tri thức, thông tin xã hội, cách
ứng xử, hiểu biết tâm lý du khách…là những động lực hữu hiệu thúc đẩy sự phát
triển du lịch.
Ngược lại đối với văn hoá, du lịch
cũng thể hiện một vai trò hết sức quan trọng trong mối quan hệ này. Du lịch trở
thành phương tiện để truyền tải và trình diễn các giá trị văn hoá của một địa
phương, một dân tộc để mọi khách du lịch trong nước và quốc tế khám phá, chiêm
ngưỡng, học tập và thưởng thức.
Nhờ có du lịch mà sự giao lưu văn
hoá giữa các cộng đồng, các quốc gia được tăng cường và mở rộng.
Du lịch còn là phương tiện để đánh
thức và làm trỗi dậy các giá trị văn hoá dân tộc đang bị chìm lắng hoặc mai một
dần theo thời gian trước những biến cố của lịch sử. Đấy có thể là các công
trình kiến trúc cổ, một tập quán sinh hoạt, một làn điệu dân ca, một món ăn dân
tộc... thể hiện trình độ mỹ thuật văn hoá, kỹ thuật của các thời đại đã qua.
Nhờ có du lịch mà các tài sản văn hoá đó được khôi phục, khai thác và tôn tạo,
phục vụ cho nhu cầu được thẩm nhận những giá trị của những di sản đó.
Du lịch tìm hiểu các giá trị văn hoá dân tộc
Xét ở góc độ kinh tế, nhờ có du
lịch đã tạo ra một nguồn thu nhập cho phép các địa phương tích luỹ và phát
triển kinh tế – xã hội; trong đó có văn hoá. Nhờ đó các tài sản văn hoá được
bảo vệ, tu sửa, tôn tạo đồng thời với việc xây dựng mới các cơ sở văn hoá và
làm phong phú thêm các giá trị văn hoá đương đại. Chính vì văn hoá và du lịch
có mối quan hệ tương tác/lẫn vào nhau như vậy nên văn hoá và du lịch không thể
tách rời nhau và càng không thể đối lập nhau.
Như vậy có thể xác nhận một luận
điểm: du lịch là một hoạt động văn hoá mang tính tổng hợp, hay nội hàm của du
lịch là văn hoá và tính văn hoá đó được thể hiện hoặc rõ ràng hoặc ẩn hiện
xuyên suốt các mặt hoạt động du lịch. Các hoạt động chủ yếu của du lịch bao
gồm: ăn, ở, du ngoạn, mua sắm, vui chơi giải trí (nhu cầu nội tại của con người...)
thì trong tất cả các hoạt động đó ngoài việc để làm thoả mãn nhu cầu đời sống
thiết yếu của mọi thành viên trong xã hội đều mang những đặc trưng văn hoá,
khát vọng về văn hoá - thể hiện sự ngưỡng mộ, theo đuổi đối với nền văn hoá của
nơi khác. Du khách có thể bỏ những căn phòng với tiện nghi cao cấp để được sống
trong các căn nhà sàn, nhà lá đơn sơ, có thể bỏ phương tiện giao thông hiện đại
để đi thuyền độc mộc, đi xe xích lô lọc xọc trên những đường phố cổ, có thể bỏ
những món ăn quen khẩu vị để thưởng thức những món “khó chơi”, sẵn sàng tiêu
tốn một khoản tiền lớn để mua đặc sản của nước khác...
“Những vật mà du khách có thể nhìn
thấy, ăn, sờ, cầm nắm được tuy là loại vật chất cụ thể nhưng trong đó đều bao
chứa loại văn hoá tinh thần nào đó mà du khách đi xem, đi mua, đi ăn, điều chủ
yếu nhất mà họ chọn không phải là bản thân vật chất mà ở chỗ thoả mãn nhu cầu
tâm lý tìm cái mới, cái lạ, cái đẹp” (1). Vì thế du lịch mặc dù là một ngành
kinh tế trong đó bao hàm nội dung hoạt động kinh tế, nhưng về tổng thể du lịch
là một hoạt động văn hoá - một sinh hoạt văn hoá xã hội của loài
người.
2. Văn hoá du lịch
“Văn hoá du lịch không phải là phép
cộng đơn giản giữa văn hoá và du lịch mà là sự kết hợp giữa du lịch và văn hoá,
là kết quả tinh thần và vật chất do tác động tương hỗ lẫn nhau giữa 3 loại: nhu
cầu văn hoá và tình cảm tinh thần của chủ thể du lịch (du khách), nội dung và
giá trị văn hoá của khách thể du lịch (là tài nguyên du lịch có thể thoả mãn sự
hưởng thụ tinh thần và vật chất của người du lịch), ý thức và tố chất văn hoá
của người môi giới phục vụ du lịch (hướng dẫn viên, thuyết minh viên, người
thiết kế sản phẩm, nhân viên phục vụ…) sản sinh ra” (2). Bất cứ một trong 3 yếu
tố này đều không thể đơn độc tạo thành văn hoá du lịch. Nếu tách khỏi khách thể
du lịch, thì du khách sẽ mất đối tượng tham quan thưởng thức, không thực hiện
được khát vọng văn hoá. Không có môi giới du lịch thì chủ thể và khách thể du
lịch không thể gặp nhau, không thể thực hiện được du lịch, mà không có du lịch
thì đương nhiên sẽ không thể nảy sinh ra văn hoá du lịch. Nếu không có du khách
và khách thể du lịch thì ngành du lịch lập ra chỉ có danh, thì không sản sinh
ra văn hoá du lịch mới, ngay cả thành phần văn hoá du lịch vốn có cũng không
thể thể hiện ra được.
Như vậy, văn hoá du lịch tức là nội
dung văn hoá do du lịch thể hiện ra - là văn hoá do du khách và người làm công
tác du lịch tích luỹ và sáng tạo ra trong hoạt động du lịch. Văn hoá du lịch
được sinh ra và phát triển lên cùng với hoạt động du lịch.
Tính văn hoá của chủ thể du lịch
thể hiện ở quá trình thưởng thức du lịch. Trên hết nó được bộc lộ qua ý thức
đối với nhu cầu du lịch bởi điều đó thể hiện rõ trình độ văn hoá nhất định và
nhu cầu xã hội về nhiều mặt của mọi người. Những quan niệm về giá trị, hình
thức tư duy, tính thẩm mỹ, tích cách, tình cảm… sẽ được bộc lộ trong hoạt động
du lịch và nó phản ánh tâm lý dân tộc. Ngoài ra nó còn được thể hiện qua hành
vi du lịch biết hướng tới cái đẹp, trân trọng và nâng niu cái đẹp. Đáng tiếc,
nhiều bãi biển, nhiều danh lam thắng cảnh đang ngày càng bẩn vì rác thải vứt vô
tội vạ, chưa kể những dòng lưu bút viết vẽ đủ kiểu, đủ loại trên các vách đá,
thân cây, thậm chí còn khắc trên bia cổ…
Khách thể du lịch là cơ sở vật chất
của văn hoá du lịch, các cơ sở này vừa cung cấp đối tượng để du khách tham
quan, thưởng thức du ngoạn, đồng thời cũng chỉ có dưới sự quan tâm của du lịch
mới có thể hoạt động được.
Tính văn hoá của khách thể du lịch
được thể hiện qua các giá trị mà tài nguyên du lịch có thể cung cấp cho du
khách, những giá trị về thẩm mỹ vệ sinh, môi trường về khả năng nâng
cao thể chất và tri thức cho du khách, chưa nói đến bản thân khái niệm các giá
trị rất rộng. Ví như một tài nguyên du lịch là một di tích lịch sử văn hoá, giá
trị thẩm mỹ ở đây là phải trân trọng tính xác thực, việc trùng tu, tôn tạo làm
biến dạng di tích, làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu của nó, vi phạm tính
nguyên gốc - tính xác thực lịch sử của di tích, đó có thể coi là một hành vi
không văn hoá. Điều đó không những không có tác dụng thu hút du khách mà ở một
chừng mực nhất định còn làm phương hại đến hình ảnh của điểm du lịch, hình ảnh
chung về nền văn hoá của cả quốc gia.
Tính văn hoá trong khách thể du
lịch cũng được coi là một tiêu chuẩn để xác định chất lượng sản phẩm du lịch.
Ngành du lịch vừa gồm các dịch vụ
du lịch, quản lý điểm du lịch, trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, cũng bao gồm
việc xây dựng các khu, điểm du lịch, thiết kế chương trình, bố trí các cơ sở
dịch vụ... Nhiệm vụ cơ bản nhất là bắc cầu giữa chủ thể và khách thể du lịch để
kiếm tìm cái đẹp và cung cấp cái đẹp. Tính văn hoá được thể hiện trong bộ phận
môi giới này là ngành du lịch khi thiết kế tuyến du lịch, xây dựng các khu điểm
du lịch, các cơ sở du lịch, dịch vụ… phải tạo được tính văn hóa. Phải có tác
dụng nâng cao được phong vị cuộc sống của du khách, khiến cho du khách cảm giác
an lành, thư thái, làm giàu thêm tri thức về thiên nhiên, con người và văn
hoá, cảm thấy được cái đẹp của thế giới tự nhiên, triết lý nhân văn và nền văn
hoá bản địa.
Cần đảm bảo sự hợp lý, tối ưu trong
đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng du lịch, nhưng ngoài thông lệ quốc tế,
còn phải có phần đặc thù của nó. Theo các tuyến, điểm du lịch đã được quy hoạch
chi tiết, phải từng bước xây dựng hệ thống đường xá, phương tiện vận chuyển, cơ
sở lưu trú: khách sạn, nhà hàng, nơi mua sắm; phương tiện thông tin liên
lạc...theo tiêu chuẩn quốc tế, càng hiện đại, càng thuận lợi càng dễ thu hút
khách. Tuy nhiên, bên cạnh phần thông lệ quốc tế, trong du lịch còn có những
phần cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc hấp dẫn
du khách. Ví như tại các danh thắng, các khu cảnh quan phải giữ được con đường
gập ghềng uốn khúc qua các sườn núi, ven sông, lên các hang động, chùa chiền
mới là du lịch. Không thể hoặc nhất quyết không được bê tông hoá/gạch hoá/ đá
hoá hoàn toàn những con đường quanh co, uốn lượn, đó là “phần hồn” của điểm du
lịch. Đánh mất phần hồn ấy, giá trị của của du lịch sẽ bị giảm sút và chất lượng du lịch cũng sẽ bị suy giảm.
Hay trong điểm du lịch là các ngôi làng, đô thị cổ, khi quy hoạch, xây dựng
phải đảm bảo không làm tổn hại đến không gian, bảo tồn những con đường cổ, nhà
cổ, cây cầu cổ, chợ, nơi sinh hoạt của cộng đồng cư dân thì điểm này mới khẳng
định được những giá trị đặc sắc, riêng có của nó một cách đầy đủ. Kể cả trong
trang thiết bị khách sạn, nhà hàng cũng vậy, ngoài phần quốc tế, phải tăng tỷ
lệ cơ sở vật chất, thiết bị hạ tầng mang phong cách riêng như tạo dáng kiến
trúc, trang trí nội thất, hoa văn trang trí, các vật dụng... làm từ các đồ thủ
công truyền thống như thêu ren, lụa, gốm, đá, cói...
Tính dân tộc trong trang trí kiến trúc
Tính văn hoá còn được biểu hiện bởi
thái độ ứng xử, hiểu biết rộng, thói quen chính xác khoa học của người môi giới
du lịch nhất là người thiết kế sản phẩm và đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch
- người trực tiếp đi cùng với khách du lịch/ chủ thể du lịch trong suốt chuyến
du lịch, là người có nhiệm vụ tìm kiếm cái đẹp và cung cấp cái đẹp cho du
khách.
Ngoài ra, phát triển được du lịch
phải có một môi trường du lịch tốt (bao gồm cả môi trường sinh thái tự nhiên
và môi trường xã hội nhân văn). Môi trường xã hội nhân văn gồm trình độ phát
triển xã hội, trình độ dân trí, mức sống, ý thức tôn trọng pháp luật, kể cả
toàn bộ hệ thống thiết chế, luật pháp, cơ chế chính sách. Môi trường xã hội
nhân văn thuận lợi, đặc biệt là môi trường pháp lý rõ ràng, phù hợp với thông
lệ quốc tế sẽ có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích du lịch phát triển.
Du lịch là một hoạt động có sẵn
tính văn hoá nhưng suy cho cùng nó vẫn
là một hoạt động kinh doanh cho nên các sản phẩm của nó cũng phải đảm bảo tính
văn hoá
Để có một hệ thống sản phẩm - hàng
hoá du lịch mang tính văn hoá thì nó phải được thể hiện trong toàn bộ chi tiết
từ tuyến du lịch, điểm du lịch, phương tiện du lịch và các dịch vụ… nói chung
phải xây dựng được sản phẩm đáp ứng được hai yêu cầu: Tính đặc sắc và tính
biểu trưng của nền văn hoá dân tộc.
Không phải bất cứ sản phẩm du lịch
nào được khai thác từ văn hoá dân tộc cũng đều mang sẵn tính độc đáo, mặc dù
văn hoá bản thân nó đã mang tính đặc thù cho mỗi quốc gia. Khai thác những yếu
tố mang tính bản sắc, đặc trưng của văn hoá dân tộc để hình thành các sản phẩm
du lịch chính là tạo nên những sản phẩm văn hoá đặc sắc, riêng biệt.
Du lịch tới các vùng dân tộc thiểu
số đang được thế giới quan tâm bởi ở đó du khách sẽ được quan sát, tìm hiểu
những tập tục, những lối sống cũng như những giá trị văn hoá đặc sắc, riêng có,
hiếm lạ. Nhiều nước trên thế giới có các dân tộc ít người sinh sống. Tuy nhiên,
ở Việt Nam
lại có những lợi thế so sánh trong phát triển du lịch đến với các vùng dân tộc
ít người. Lợi thế đó được thể hiện trong sự bảo lưu những nét sơ khai của văn
hoá các dân tộc, trong lối sống, tập tục, trong thói quen canh tác hay trong
kiến trúc, trang phục, trong sinh hoạt văn hoá nghệ thuật và nghề thủ công
truyền thống. Đặc biệt những nét văn hoá đó lại được hoà quện với không gian
sinh thái tự nhiên tuyệt đẹp, trong lành có sức cuốn hút du khách. Ngoài ra,
nét hấp dẫn của các nền văn hoá các dân tộc ít
người Việt Nam
chính là đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hoá dân tộc. Như vậy, đầu tư
để phát triển loại hình du lịch tới các vùng dân tộc thiểu số chính là tạo nên
một loại hình du lịch văn hoá độc đáo, đặc sắc của Việt Nam.
Du lịch đến các vùng dân tộc thiểu số
Quốc gia nào cũng có hệ thống các
đô thị nhưng khi khách đến thủ đô Hà Nội chắc chắn sẽ thấy thích thú, thậm chí
bất ngờ, khi đến đây, đến với đô thị, lại gặp những “làng” cổ truyền dân dã.
Đặc biệt nữa, là những nghề vừa hiếm lạ lại vừa lâu đời cổ kính với “công nghệ”
và “quy trình công nghệ” cùng những sản phẩm đặc biệt của nó - chính là sức
mạnh và sức hút quý báu cho du lịch/du khách. Thêm nữa, phần lớn những làng nghề đặc sắc như thế này, ở dạng
tổng thể, tổng hoà của nó, đều là những “làng văn hiến thi thư” với những phong
cảnh - phong tục (mà hàng đầu là lễ hội) phong phú và hấp dẫn. Du lịch chắc
chắn tìm được điểm lý tưởng ở đây: một sản phẩm
du lịch văn hoá đặc sắc đầy sức hấp dẫn.
Cũng như vậy, du lịch sinh thái
đang được cả thế giới quan tâm và hướng tới. ở nhiều quốc gia nguồn tài nguyên
tạo dựng loại sản phẩm này rất phong phú nhưng riêng chỉ ở Việt Nam mới thể
hiện hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn vùng nhiệt đới gió mùa vô cùng đa dạng,
độc đáo với những đồng ruộng, mảnh vườn, ao cá, cây trồng, vật nuôi… đi liền
với nó là những phương thức sử dụng, bảo vệ đất đai, nguồn nước, động thực vật,
cách thức nuôi trồng… cảnh sinh hoạt của những người dân, các phương tiện sản
xuất thô sơ và đó là một nguồn nguyên liệu đặc sắc để du lịch Việt Nam tạo nên
một sản phẩm du lịch độc đáo.
Bản sắc văn hoá của một quốc gia,
một địa phương là nền tảng cho việc tạo ra những sản phẩm biểu trưng có sức hấp
dẫn đối với khách du lịch. Rõ ràng không thể tạo nên những sản phẩm du lịch
biểu trưng của Việt Nam bằng việc sao chép, vay mượn từ hình mẫu các sản phẩm
du lịch của Băngcốc, Bắc Kinh hay Malayxia mà phải từ những giá trị văn hoá đặc
trưng của Việt Nam. Bởi lẽ văn hoá là nền tảng của xã hội, thể hiện tầm cao và
chiều sâu của sự phát triển dân tộc.Việc tạo những sản phẩm du lịch có tính
biểu trưng cho nền văn hoá quốc gia có một vai trò quan trọng trong việc xác
định hình ảnh của quốc gia đó và của ngành du lịch.
Văn hoá du lịch là một phạm trù
rộng, thể hiện những giá trị văn hoá của toàn bộ hoạt động du lịch. Tất cả
những hoạt động của từng bộ phận, những sản phẩm du lịch trong quá trình tạo
dựng đều hướng vào mục đích hình thành nên những nét đặc trưng riêng mang bản
sắc văn hoá dân tộc, sẽ giúp hình thành nên một văn hoá du lịch đặc trưng
riêng cho đất nước.
Như vậy, toàn bộ mối quan hệ tổng
hoà giữa khách du lịch, khách thể du lịch, môi giới du lịch, sản phẩm du lịch
và các thiết chế đã tạo ra một bộ phận văn hoá du lịch. Ngày nay, văn hoá du
lịch đã trở thành một thành tố mới trong phạm trù văn hoá của mỗi quốc gia.
Bài viết đăng
trên Tạp chí Du lịch - số 12/2009
Kỷ yếu hội
thảo khoa học toàn quốc, đào tạo nguồn nhân lực ngành văn hoá – du lịch trong
xu thế hội nhập và phát triển) tại TP Hồ Chí Minh tháng 11/2009
--------------------------------------
1, 2: Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi
Đình (2001), Kinh tế Du lịch và Du lịch học, Nhà xuất bản Trẻ T.p Hồ Chí Minh,
Tr. 325, 326.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét