Tháng 8 15, 2013
Nguyễn Hữu Đang
pro&contra
– Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 sắp kết
thúc trong tháng tới. Chúng tôi giới thiệu lại bài viết này, nhân kỉ
niệm 100 năm sinh của Nguyễn Hữu Đang (15-8-1913 – 08-2-2007), như ý
kiến cách đây gần sáu mươi năm của một nhân dân đã có mặt ngay trong
những ngày đầu thiết lập chính quyền của mình, ở vị trí tiên phong. Bài
viết này đăng trên trang nhất ở vị trí xã luận trên tờ Nhân văn số 5, ra ngày 20-11-1956, số cuối cùng của tờ báo [i].
_______________
Hiến pháp 1946 của ta, sau khi được Quốc
hội thông qua liền bị hoãn thi hành vì tình hình trong nước nghiêm
trọng. Nhưng từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tình hình miền Bắc, mặc dầu còn
có nhiều khó khăn kinh tế và cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất gay go
phức tạp, cũng phải coi là đã trở lại bình thường rồi. Vậy chúng ta có
thể đề ra hoặc việc thi hành Hiến pháp 1946 sửa đổi lại, hoặc việc đặt
một Hiến pháp mới.
Có những người nói: „Ta hãy chờ thống
nhất xong đất nước, khi đó sẽ có Quốc hội mới, Hiến pháp mới. Miền Nam
đã đặt Hiến pháp riêng [ii], nếu miền Bắc cũng lại ban bố Hiến pháp riêng nữa thì công cuộc thống nhất đất nước càng khó khăn.“
Tôi không biết những người nói thế thành
thực tới mức nào. Tôi chỉ biết Đảng, Chính phủ và toàn dân miền Bắc đã
đồng ý với nhau nhận định là cuộc đấu tranh thống nhất sẽ lâu dài. Nếu
trong thời gian lâu dài đó mà miền Bắc không ban bố một Hiến pháp tạm
thời, nghĩa là không có một nền tảng cho cái lâu đài pháp trị xây dựng
lên trên, thì mọi việc còn xộc xệch. Như thế thì củng cố làm sao được
miền Bắc để tranh thủ miền Nam?
Nhất định phải ban bố Hiến pháp.
Toàn bộ một Hiến pháp thích hợp với hoàn
cảnh miền Bắc ngày nay phải thế nào, tôi không bàn trong bài này. Ở đây
tôi chỉ muốn cả quyết một điều là dù Hiến pháp sẽ được ban bố có nội
dung thế nào đi nữa, cái phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản
vẫn không thể thay đổi so với Hiến pháp 1946. Vì đó là một điều kiện
„không có không được“ của một chính thể dân chủ.
Hiến pháp 1946 ghi:
ĐIỀU THỨ 10: Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra ngoài nước
ĐIỀU THỨ 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư từ của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.
Hôm nay tôi nhắc lại vài điều của Hiến
pháp 1946 hẳn có bạn nghĩ: Hiến pháp 1946 là cả một sự nhân nhượng chiến
thuật với bọn Quốc dân Đảng. Việt Nam được quân đội Quốc dân Đảng Trung
Hoa giúp đỡ và những tầng lớp nhân dân mà đại bộ phận lúc ấy chưa ngả
theo cách mạng. Mức độ của nó so với ngay hoàn cảnh nước ta năm 1946
cũng chưa đủ, huống nữa là so với hoàn cảnh nước ta ngày nay, chính
quyền nhân dân đã tiến những bước khổng lồ. Ngày nay lực lượng công,
nông đã lớn mạnh, lẽ tất nhiên phải chuyên chính hơn chứ không thể lui
lại trình độ gần với dân chủ tư sản như năm 1946.
Thật không còn tư tưởng nào phản dân chủ
hơn tư tưởng đó. Và nguy hiểm nhất là nó lại khoác áo “lập trường cách
mạng”, lớn tiếng “vì công nông”.
Nghĩ như thế là không nắm vững cái kim
chỉ nam trong mọi vấn đề chính sách và pháp trị là: dân chủ với nhân
dân, chuyên chính với kẻ địch.
Nắm vững phương châm đó, ta thấy rằng
những tự do dân chủ là ban bố cho các tầng lớp nhân dân (gồm công nhân,
nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc) thì càng ngày càng phải được
tăng cường, mở rộng theo sát bước tiến của cách mạng.
Hãy lấy trình độ nước Cộng hoà Nhân dân
Trung Hoa làm mức sẽ tiến tới của chúng ta. Có phải trình độ cách mạng ở
Trung Hoa năm 1954 cao hơn trình độ cách mạng ở Việt Nam 1946 thì quyền
tự do dân chủ trong Hiến pháp Trung Hoa 1954 thu hẹp hơn trong Hiến
pháp Việt Nam 1946 không?
Không!
Hiến pháp Trung Hoa 1954 ghi:
ĐIỀU 87: Công dân nước Cộng hoà
Nhân dân Trung Hoa đều có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, hội họp, tổ
chức tuần hành thị uy. Nhà nước cung cấp những điều kiện vật chất thuận
lợi cần thiết và đảm bảo cho công dân hưởng thụ những quyền kể trên.
ĐIỀU 89: Thân thể người công dân
Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Bất luận công dân nào, nếu không có
quyết định của Pháp viện Nhân dân và phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân
dân, thì không thể bị ai bắt giam được.
ĐIỀU 90: Công dân nước Cộng hoà
Nhân dân Trung Hoa được pháp luận bảo đảm nhà cửa không bị xâm phạm, thư
từ được giữ bí mật. Công dân nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có quyền
được tự do cư trú và đi lại.
Đọc đoạn trên này ta thấy Hiến pháp Trung Hoa 1954 buộc Nhà nước phải cung cấp những điều kiện vật chất cần thiết để
đảm bảo cho công dân hưởng thụ đầy đủ những quyền tự do dân chủ. Như
thế là vừa rộng rãi hơn vừa thiết thực hơn Hiến pháp Việt Nam 1946. Điều
đó chứng tỏ chế độ càng tiến bộ, dân chủ càng mở rộng.
Liên hệ những điều bảo đảm tự do dân chủ
trong Hiến pháp Việt Nam 1946 và Hiến pháp Trung Hoa 1954 với thực tế
miền Bắc bây giờ chúng ta thấy gì?
Chúng ta thấy các quyền tự do dân chủ bị
hạn chế quá nhiều. Và chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh nghị quyết của
Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động đã nhấn mạnh sự cần
thiết phải mở rộng tự do dân chủ [iii].
Nhưng tại sao việc đó mới đề ra chứ chưa
thực hiện được phần nào mà đã lại có ngay một luồng dư luận chống đối,
hình như muốn chuyên chính hơn nữa? Sự thay đổi đột ngột ấy làm cho quần
chúng hoang mang, lo ngại.
Chuyên chính với địch thì bao nhiêu cũng
chưa đủ và từ trước tới nay có phút nào chúng ta buông lỏng đâu mà phải
hô hào? Còn chuyên chính với nhân dân thì cần xét kỹ. Nếu không, hậu
quả sẽ tai hại lớn. Nguyên nhân sâu xa của những biến cố ở Ba-lan và
Hung-ga-ri là vì thiếu dân chủ, tại sao lại hiểu ra là vì thiếu chuyên
chính?
Nhưng dù biện luận thế nào đi nữa thì
cũng không thể vứt bỏ được cái nguyên tắc mà ông Lưu Thiếu Kỳ đã nêu ra
trong bản Báo cáo về Hiến pháp đọc tại phiên họp đầu khoá thứ nhất của
Quốc hội Trung Hoa ngày 15-9-1954:
“Chế độ chính trị của chúng ta tập trung đến cao độ nhưng sự tập trung cao độ ấy căn cứ trên một nền dân chủ cao độ”.
Nói chi dân chủ cao độ, ngay dân chủ
trung bình ta cũng còn phải bồi bổ thêm nhiều, thế mà lại muốn chuyên
chính hơn nữa thì không có lợi.
[i] Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí
Sắc lệnh báo chí 282/SL, để ngay hôm sau, ngày 15-12-1956, Ủy ban Hành chính Thành phố Hà Nội ra quyết định đình bản và cấm lưu hành báo
Nhân văn. Một
bài viết trên báo Quân đội Nhân dân, kỉ niệm 50 năm Sắc lệnh này nêu rõ bối cảnh: „
Miền
Bắc tiến hành Cải cách Ruộng đất nhưng đã vấp phải một số sai lầm. Một
số tờ báo và cá nhân đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc sự thật, khoét
sâu những sự việc nhỏ thành to, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan đối với
chế độ, với Đảng và nhân dân, gây chia rẽ nội bộ… Trước tình hình đó,…
ngày 14-12-1956, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký
sắc lệnh số 282/SL về báo chí…“ Như vậy ông Hồ, người cũng có sáng
tác văn thơ, đóng một vai trò rất đáng chú ý trong vụ Nhân văn-Giai
phẩm. (Các chú thích là của pro&contra.)
[iii] Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng, tháng 9-1956, về mở rộng quyền tự do dân chủ và tăng cường chế độ pháp trị dân chủ thừa nhận: „
Trong
tình hình gay go và phức tạp của cuộc kháng chiến và của thời kỳ mới
lập lại hoà bình thì việc phải hạn chế dân chủ trong một phạm vi nào
đó là cần thiết và đúng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, việc xây
dựng chính quyền dân chủ nhân dân của ta cũng có nhiều thiếu sót: việc
thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân chưa được đầy đủ; việc bảo đảm
chế độ pháp trị dân chủ chưa được chú ý, như trong cải cách ruộng đất,
chỉnh đốn tổ chức, quản lý hộ khẩu, v.v… Đảng lãnh đạo chính quyền có
phần thì bao biện, có phần thì buông lỏng.“
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét