Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

HÀNH XỬ CỦA TRÍ THỨC DƯỚI CHẾ ĐỘ CŨ

Nguyễn Ngọc Lanh


Chế độ phong kiến (và trước nữa) mọc lên từ nền văn minh nông nghiệp, trải hàng chục ngàn năm, nay đã hết vai trò lịch sử khi loài người chuyển sang nền văn minh công nghiệp dành cho một chế độ mới. Do quá trình tàn lụi kéo dài hàng thế kỷ, chế độ cũ vẫn để lại những tàn dư, biến tướng, kể cả trá hình, nhất là ở phương Đông. Đó là nơi chế độ phong kiến tồn tại quá lâu, hơn nữa nó bị lật đổ không phải bằng sự lớn mạnh của giai cấp tư sản, do vậy sự xoá bỏ khó mà triệt để - nhất là xoá bỏ nền kinh tế tiểu nông: nơi sản sinh và nuôi dưỡng ý thức hệ phong kiến.


“Thích làm quan”?
Có ý kiến chê trí thức thời nay mang tâm lý “thích làm quan”, mà ít nêu cao sĩ khí, ít dám phản biện. Nếu đúng vậy, té ra họ chẳng khác gì lớp tiền bối thời phong kiến – là thời các cụ ta đi học, đi thi, chỉ để làm quan. Từ đó, “thăng quan, tiến chức” phải là nỗ lực cả đời.
Xã hội xưa xếp người có học vấn cao vào giai tầng sĩ phu. Về mặt này, sĩ phu tương ứng với trí thức trong xã hội dân chủ. Tuy nhiên, còn có những khác biệt, khiến sĩ phu thời trước và trí thức thời nay chưa thật đồng nhất về khái niệm. Nhưng làm quan thời xưa hoàn toàn có thể so sánh với làm công chức cao cấp thời nay; do vậy có thể gọi chung họ là tầng lớp quan chức.
Chưa rõ trí thức thời nay có “thích làm quan” đến đâu, nhưng một sự thật là trong vòng nửa thế kỷ vừa qua hầu hết trí thức của chế độ ta đều “có chân” trong biên chế. Khi biên chế trở nên chật chội thì họ... “kiên trì phấn đấu” để chen chân vào. Cũng chưa rõ trí thức thời nay có “nêu cao sĩ khí” và “dám phản biện” hay không, nhưng rất gần đây vẫn có bài viết trên báo nêu thẳng thừng: Không có tư duy phản biện không đáng gọi là trí thức.
Dẫu vậy, sĩ phu hay trí thức đều tự biết: Đã là quan chức, xin hãy quên đi cái chuyện sĩ khí, hay phản biện. Bởi vì, ở đâu và thời nào cũng vậy, hệ thống quan chức phải có kỷ cương, trên, dưới. Nguyên tắc cao nhất là cấp dưới thực hiện chỉ thị của cấp trên và mọi cấp phải nói và làm theo cấp tối cao – ngày xua là vua, nay là một tập thể. Với quan chức, cao cả nhất là liêm khiết; dũng cảm nhất là dám từ quan để có thể giữ khí tiết và hành xử theo lương tâm. Thế thôi!
Do vậy, hơn ai hết, khi thấy mình bị phê là “thích làm quan” – hàm ý thủ tiêu sĩ khí, tránh né phản biện – nếu còn chút phẩm cách trí thức, họ không khỏi tự vấn. Nhưng, dựa trên hành động thực tế, họ cũng khó mà cãi lại.
Liệu tự thân có sửa được?
Nếu “thích làm quan” đã thấm vào máu thì nay khó sửa, nhưng nếu muốn vẫn sửa được – vì đó không phải tật bẩm sinh. Trái lại, nếu do chế độ phong kiến chỉ cho phép sĩ phu tiến thân trong chốn quan trường, thì nếu một khi còn chế độ này (hoặc tàn dư, biến thể của nó), trí thức vẫn chỉ có con đường làm quan, không sao sửa được.
Suy đi, nghĩ lại một chút...
Suy đi... Thời thuộc Pháp, phong kiến vẫn còn. Cụ Hồ nhận định: Xã hội Việt Nam (khi đó) là “thuộc địa, nửa phong kiến”. Vậy mà đa số trí thức đã không chọn con đường làm quan, dù làm quan với chính quyền “bảo hộ” hay với Nam Triều. Họ làm nghề tự do. Ví dụ, đa số bác sĩ khi đó sống bằng hành nghề tư, kể cả các vị sau này làm bộ trưởng trong chính phủ ta (Trương Đình Tri, Hoàng Tích Trí, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng...). Vậy, không phải trí thức vốn dĩ có “máu làm quan”.
Rồi nghĩ lại... Nhưng lạ thay, suốt 60 năm kể từ khi nước nhà độc lập, sách giáo khoa Lịch Sử khẳng định chế độ phong kiến ở miền Bắc đã bị xoá bỏ (1945 và 1955), vậy mà hầu hết trí thức – dù lớn hay nhỏ, cũ hay mới – đều... vào biên chế. Từ đó, suốt đời họ chỉ còn một hoài bão không mấy cao xa: mong “lên chức, lên lương”. Vậy thì, đổ tại chế độ phong kiến cũng chưa ổn. Hay là, thử đổ tại tàn dư của nó? Để rồi coi!
Con đường độc đạo của sĩ phu xưa
Thời phong kiến, sĩ phu được nhét vào giới trung lưu, chỉ biết một việc: đọc sách; chỉ có một nghề: làm quan. Thời đó không một ai nhờ đọc sách mà chiếm được vị trí thượng đỉnh (nếu muốn, phải bằng cách khác). Do vậy, trên đầu họ là giới thượng lưu; dưới chân họ là giới hạ lưu.
Thượng lưu gồm vua, tôn thất, công thần khai quốc hoặc tứ trụ... không cần đọc sách vẫn có địa vị thượng đỉnh, đầy quyền uy. Còn hạ lưu, dẫu “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” vẫn chưa đủ no, thử hỏi tiền đâu mua sách, thì giờ đâu đọc sách?
Giới trung lưu mưu đồ sự nghiệp bằng đọc sách, làm quan. Muốn hay không, địa vị của họ là phò tá thượng lưu và đè nén hạ lưu. Kịch bản cứ thế diễn đi diễn lại cả ngàn năm, trách gì chuyện “thích làm quan” chẳng thấm vào máu thịt?
Có thể nói, làm quan là con đường độc đạo để sĩ phu có cuộc sống vật chất ổn định; đặng nếu có tài thì trổ ra với đời. Thi thố tài năng là cái bệnh cố hữu của người có thực tài, do vậy mà Đào Duy Từ thà chết cũng cứ vượt đèo Ngang vào “đàng trong” phò chúa Nguyễn, mặc cho “đàng ngoài” gọi đó là “ngụy”. Còn Ngô Thì Nhậm bất chấp hiểm nguy cứ phục vụ “ngụy” Tây Sơn vì được vua Quang Trung biết tài. Không làm quan, chỉ còn cách “ở ẩn”, chờ thời – nghĩa là chờ “minh chủ” xuất hiện, để ra... làm quan. Khổng Minh và La Sơn Phu Tử đã từng ở ẩn, nhưng đâu có dễ. Ông trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng là xa lánh thế tục nhưng đã từng là vị quan to của triều Mạc.
Chế độ phong kiến cứ phải tồn tại đủ thời gian mà quy luật dành cho nó. Vua, quan là sản phẩm tự nhiên của chế độ này. Nhưng tại sao sĩ phu thời đó không chọn con đường khác?
Trả lời: Chưa có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Khi chế độ phong kiến bị xoá bỏ, thì...
Còn tuỳ, nó bị xoá bỏ đến mức nào, có triệt để? Hay vẫn tồn tại ở dạng khác?
Chế độ phong kiến phương Tây bị cách mạng tư sản xoá bỏ từ rất sớm, trước chúng ta nhiều thế kỷ. Đây là xoá bỏ đúng quy luật; do vậy, rất triệt để. Xoá bỏ chính quyền chỉ cần một tháng; xóa bỏ cơ chế kinh tế cần vài thập niên (cải cách điền địa, biến địa chủ thành tư sản kinh doanh nông nghiệp); nhưng xoá bỏ ý thức hệ cần nhiều thời gian hơn – dài hay ngắn tuỳ theo tốc độ phát triển công nghiệp và mức hoàn chỉnh của kinh tế thị trường. Mặt này, Tây thuận lợi hơn Ta.
Còn chế độ phong kiến phương Đông kéo dài quá lâu, vì giai cấp tư sản bị đạo Khổng thít cổ, không sao lớn đủ tầm vóc để thay thế vai trò lịch sử của giai cấp phong kiến.
Sự xâm lược và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tuy có tạo điều kiện để giai cấp tư sản nước ta hình thành, nhưng sau 80 năm mà nó vẫn quặt quẹo. Chính do vậy, giai cấp công nhân cũng chưa ra hình hài. Để tiêu diệt chế độ phong kiến, chúng ta đã dùng cách khác, mà không theo quy luật do Mác tìm ra.
Hễ kinh tế tiểu nông còn mênh mông, tất ý thức hệ phong kiến còn bám rễ và trường tồn. Trong hoàn cảnh đó, trí thức nước ta vẫn mang dáng dấp sĩ phu thời phong kiến về cả thân phận và cách hành xử, không thể so sánh với trí thức ở những nước đã trải qua cách mạng tư sản được.
Cụ Hồ từng nói ở một Đại hội Đảng (đại ý): Đặc điểm lớn nhất của cách mạng nước ta là “bỏ qua” giai đoạn tư bản chủ nghĩa, “tiến thẳng” lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình nhiều năm sau đó, tới 1986, chứng tỏ những người tận tai được nghe trực tiếp câu trên chỉ nhăm nhăm “bỏ qua” để “tiến thẳng”, mà không mấy ai hiểu đầy đủ thế nào là “đặc điểm lớn nhất” trong lời Cụ nói.
Thật vĩ đại, khi các bậc sĩ phu thời Đông Kinh Nghĩa Thục không những không làm quan mà còn nhận ra sức sống dai dẳng của ý thức hệ phong kiến đang là lực cản dân tộc ta tiến lên. Từ năm 1906, các cụ đã chủ trương phải để thanh niên trí thức nước ta được “tắm gội bằng gió Mỹ, mưa Âu”. Qua các sách “tân thư”, các cụ hiểu ra đa số trí thức bên trời Tây hành nghề trong đủ mọi lĩnh vực dân sự, chỉ một thiểu số làm quan chức. Nay thì ai cũng biết: Ở các nước này, một nhà khoa học đang ráo riết nghiên cứu để hoàn thành công trình “cả đời người” thì đố ai thuyết phục nổi ông ta “bớt chút thì giờ vàng ngọc” để làm bộ trưởng. Nếu đang là bộ trưởng, ông ta dám quẳng bỏ chức tước nếu có bất đồng chính kiến với thủ tướng hay tổng thống. Chế độ này mở ra vô số con đường cho mọi người tiến thân qua sự đánh giá của kinh tế thị trường.
Còn kinh tế tiểu nông trong chế độ phong kiến nặng về tự cung, tự túc; do vậy nó rất kỳ thị kinh tế thị trường. Nó gọi người làm nghề thương mại là “con buôn”. Do vậy, chế độ vua quan và kinh tế tự cấp tiểu nông là hai thanh ray khiến đoàn tàu sĩ phu chỉ có một ga đến: ga Làm Quan.
Vài điều lạ thời hậu phong kiến... nhưng dễ hiểu
Sách chính thức nói rằng chính quyền phong kiến ở nước ta bị thủ tiêu từ giữa thập niên 40, còn giai cấp địa chủ bị xoá bỏ giữa thập niên 50. Điều lạ là đến nay (thế kỷ XXI), vẫn còn thấy nhan nhản trường hợp trí thức thà bỏ nghiên cứu nếu có cơ hội làm quan. Có người ham làm quan tới mức dám đạo văn trong luận án tiến sĩ, thậm chí dám sử dụng bằng giả.
Nhưng lạ hơn nữa: Đã làm quan, sao không ngày đêm “lo việc quan” để mà thăng quan? Sao cứ dây dưa, luyến tiếc cái danh trí thức? Một bài nhan đề Trí thức là trí thức - Cán bộ là cán bộ có lẽ để phản ánh và phản đối tình trạng này.
Rất dễ lấy những ví dụ, đại loại như... Ông thạc sĩ này đã làm vụ trưởng, lại vẫn loay hoay lo kiếm cái bằng tiến sĩ ngay khi đang đương chức. Vị tiến sĩ kia được bổ nhiệm thứ trưởng vẫn “phấn đấu” để có cái danh phó giáo sư. Trong những hội nghị - dù không có ý nghĩa gì về khoa học (ví dụ, lễ trao huân chương: đang diễn ra khắp nơi) - người ta cứ vô tư “kính thưa giáo sư - bộ trưởng” mà người kính thưa và được kính thưa đều không cần ngượng. Cũng lạ chứ! Bởi vì, để hoàn thành công việc của cả hai chức vụ rất xa nhau này thì dẫu không ăn, không ngủ, vẫn phải có “tài thánh” mới làm nổi. Nhân tiện, dưới đây xin bàn vài lời về các vị “thánh”.
Nhưng càng lạ hơn... té ra, ở những cương vị “trăm công, ngàn việc” này, họ lại càng dễ dàng thăng danh về mặt khoa học mà một trí thức thật sự phải tốn vô số mồ hôi chưa chắc làm nổi.
Thần thánh: Một sản phẩm đặc trưng của tư tưởng tiểu nông, phong kiến
Chế độ phong kiến sinh ra một số sản phẩm tinh thần có vai trò chi phối cách hành xử của sĩ phu, quan chức.
Ví dụ, chủ nghĩa dân tộc. Một mặt, nó giúp củng cố tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, bảo vệ ngai vàng; nhưng khi trở thành cực đoan, nó sẽ bài ngoại, thậm chí kích động một dân tộc đi xâm lược dân tộc khác. Dân ta trải hàng ngàn năm là nạn nhân của chủ nghĩa này.
Trong nền kinh tế tiểu nông, những cá nhân lỗi lạc hoặc những lượng siêu nhiên dễ bị biến thành thần thánh, được đặt lên bệ thờ, hoặc đưa vào lăng tẩm. Phía dân chúng cần thần thánh để cầu xin ân huệ mong cải thiện số phận; nhưng phía thống trị cũng cần có thần thánh để giao nhiệm vụ phù hộ cho sự hưng vượng của đương triều. Do vậy, nếu thiếu thần thánh, cả hai phía đều có nhu cầu tạo ra thần thánh mới, kể cả nhập khẩu. Chúng ta đã có đức thánh Trần, đức thánh Gióng... mà vẫn rước cả đức thánh Quan tận bên Tầu sang. Các vị đều xuất thân đại danh tướng, lừng lẫy một thời. Còn thần thì nhiều vô kể.
Chỉ vua mới có quyền thay Trời phong thần, phong thánh. Do vậy, thần thánh cũng có nhiều phẩm trật, thứ bậc, và tất nhiên có nhiệm vụ với vua – như bất cứ ai được phong. Sẽ tới lúc việc phong thần thánh phải đi vào quy chế, giao cho bộ Lễ thực hiện. Ngoài trường hợp phong bất thường, đặc cách, bộ Lễ phải hàng năm lục tra các bản thần phả ở đình, đền, để vua xét công, đặng ban thêm chức mới, tước mới. Đây là cách để vua nhắc nhở uy quyền của mình trong lòng dân. Khi người dân tưng bừng mở lễ hội rước một sắc phong về đình làng, họ cũng kính cẩn nhiều lần tung hô “vạn tuế”. Cũng dễ hiểu, một triều đại mới lên (lòng dân chưa phục) hoặc một triều đại đang suy (lòng dân ly tán) thì càng phải lạm phát các sắc phong, thậm chí phải tạo ra vị thánh mới cho phù hợp với tình hình mới. Chính đây là dịp để sĩ phu tâng công với đức vua: Họ phải thảo ra những văn bản hết lời tán tụng; đồng thời họ cũng “giáo dục” để dân thấm nhuần ơn vua bằng những lễ nghi đón sắc thật trọng thể. Cuối cùng, họ giúp dân thảo ra lá sớ tạ ơn...
Chớ nên coi thường tàn dư của ý thức hệ phong kiến. Nước Đức vào giữa thế kỷ XX dù đã đạt trình độ công nghiệp hoá rất cao, vậy mà Hít-le vẫn lợi dụng được chủ nghĩa dân tộc cực đoan, từ đó dân Đức tôn tác giả lên bậc “thánh sống”, gây ra biết bao tai hoạ cho thế giới và cho chính dân Đức.
Một vị thánh vua cũng phải kính nể
Đó là đức thánh Khổng (Khổng Tử), xuất thân đại trí thức nên cũng thích làm quan như ai, nhưng vì không được trọng dụng mà sau khi mất đã được tôn thánh. Sinh thời, ngài sống long đong, không kém số phận lận đận của Các Mác – cũng là một đại trí thức, cũng sáng tạo học thuyết, cũng lưu lạc nhiều nước...
Khổng tử đi đi du thuyết các nước thì nói chẳng ai thèm nghe. Nhưng về sau, đám vua quan nhận ra học thuyết của ngài giúp phát triển và củng cố chế độ phong kiến, nên đề cao. Chế độ càng suy yếu, thuyết của ngài càng được đề cao.
Thuyết của đức thánh Khổng có thể chia nhiều phần:
• Phần dạy đạo đức cá nhân, cách ứng xử cá nhân (kể cả đạo đức cầm quyền): sẽ trường tồn vì hầu hết đúng với mọi nơi, mọi thời; nếu cần chỉ phải sửa đổi chút ít về khái niệm (ví dụ, câu kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: điều gì mình không muốn thì chớ có làm cho người khác - sẽ không bao giờ sai). Khái niệm về Đức và Tài của ngài được cô đọng bằng “Tiên học lễ, hậu học văn”; về sau có người đổi thành Hồng và Chuyên... v.v. Phụ nữ cần tứ đức: Dung, Công, Ngôn, Hạnh... v.v.
• Phần dạy tu dưỡng làm người để trở thành hiền nhân, quân tử: rất được sĩ phu, trí thức tâm niệm (ví dụ, làm người phải tu thân, tề gia...; phải có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Áp dụng cho người làm tướng, cụ Hồ đổi thành Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm).
• Phần dạy cai trị sao cho hợp đạo đức, được lòng dân...
• Phần dạy củng cố chế độ phong kiến. Điển hình, ngài dạy: Ái Quốc thì phải Trung Quân; rất được giai cấp thống trị truyền bá...
Dân thường, sĩ phu, vua quan xưa đều ca ngợi toàn phần hoặc từng phần học thuyết của Khổng Tử. Sau 1949, tại quê hương ngài, số phận học thuyết này cũng “ba chìm, bảy nổi”.
Khi quan niệm “trung quân – ái quốc” còn thịnh, giai cấp phong kiến đòi hỏi mọi người phải thấm nhuần rằng phò vua chính là giữ nước. Vua với nước là một; hễ vua còn thì nước còn. Do vậy, khi gian thần cướp ngôi thì trung thần mang vua đi trốn để có “danh chính” mà cướp lại ngai vàng. Dù quân xâm lược đã chiếm được nước nhưng chưa bắt được vua thì mưu đồ phục quốc chưa thể bị dập tắt. Tội phản quốc và tội bất trung được coi như nhau...
Học thuyết và chủ nghĩa bị biến thành “đạo”
Đây cũng là một đặc trưng của xã hội tiểu nông, phong kiến. Người thực hiện việc này không ai khác mà chính là tầng lớp sĩ phu dưới sự sai phái của vua. Vốn ham đọc sách, họ hào hứng tìm hiểu các học thuyết, bổ sung và phát triển chúng theo hướng củng cố quyền thống trị của giới thượng lưu. Là quan chức, họ phải tuân lệnh. Đổi lại, họ được giới thượng lưu tín nhiệm, gia ân.
Học thuyết là sản phẩm của những trí thức lớn. Học thuyết chính trị cũng vậy. Nhiều học thuyết chính trị được lớp trung lưu bổ sung, phát triển để thành một chủ thuyết (chủ nghĩa). Khi dân trí quá thấp, nhiều chủ nghĩa bị lợi dụng để biến thành “đạo” (tôn giáo), nhằm mê hoặc khối quần chúng khổng lồ.
Xa xưa nhất có các học thuyết xử thế mà tác giả là đức Như Lai, Giê-su, Ala... đã bị biến thành đạo (tôn giáo), thậm chí được giới thống trị coi là quốc đạo. “đạo”: đạo Phật (Phật giáo), đạo Gia Tô (Công giáo), đạo Hồi (Hồi giáo)...
Sau này có Khổng Tử, Mác, Tôn Trung Sơn, Lênin... là tác giả của những chủ nghĩa khác nhau, nhưng chỉ có thuyết của Khổng Tử biến thành đạo, vì nó ra đời trong chế độ phong kiến.
Trên giấy (tức là về mặt lý thuyết) mọi chủ nghĩa đều nêu lên các lý tưởng cao đẹp, nhân bản. Về cấu trúc: học thuyết nào cũng chặt chẽ, logic, đầy thuyết phục. Nó hứa hẹn cả tính hiện thực. Khi giác ngộ một chủ nghĩa, người ta dám hi sinh cả tính mạng để bảo vệ và thực hiện lý tưởng của nó. Nhưng khi bị biến thành một đạo, người sáng lập sẽ được tôn ngôi giáo chủ (hoặc thánh), học thuyết thành giáo lý (cứng quèo, khó ai dám sửa), mọi người xử sự như tín đồ...
Trong lịch sử, khi một chủ thuyết được coi là quốc đạo, các đạo khác thường bị đàn áp. Biểu hiện đặc trưng của một quốc đạo là nó được vào chương trình dạy trong trường như một môn bắt buộc.
Học thuyết Khổng tử
Dưới chế độ phong kiến phương Đông, học thuyết cao cả của Khổng tử đã bị biến thành “đạo”, gọi là Khổng giáo (đạo Khổng, hay đạo Nho), từng có có địa vị quốc đạo, độc tôn ở Trung Hoa và Việt Nam.
Trong chế độ phong kiến, giới thượng lưu có thể sùng đạo ở mức độ nào đó, nhưng không cần hiểu biết thấu đáo giáo lý, lại càng không phải là giới nghiên cứu phát triển giáo lý. Điều duy nhất cần thiết là họ nhận ra đạo này củng cố địa vị cầm quyền của họ. Còn việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển giáo lý, họ giao cho giới trung lưu, tức sĩ phu. Trong tình hình như vậy, sĩ khí là điều hiếm hoi; còn phản biện giáo lý là chuyện không thể có.
Tàn dư phong kiến
Thời Hùng Vương nếu chưa phải là phong kiến thì chế độ này bám rễ ở nước ta cũng không hề ngắn. Đến nay, nông nghiệp nước ta vẫn manh mún. Trí thức nước ta vẫn mang dáng dấp sĩ phu: thích và buộc phải làm quan. Không ai dám nói ý thức hệ phong kiến đã được gột sạch; có người còn nói nó chỉ biến tướng hoặc trá hình do những nhóm lợi ích thực hiện.
Do được du nhập từ phương Tây vào nước ta - vốn nặng căn phong kiến - nên chủ nghĩa Mác rất dễ bị biến thành “đạo”. Đó là điều giới lý luận nước nhà phải hết sức đề phòng. Phải đối xử với chủ nghĩa Mác như nó là một hệ thống lý luận khoa học; phải coi Mác là nhà khoa học, nhà cách mạng vô thần.
Tiến bộ ngoạn mục gần đây, ai cũng thấy: Nhờ sự hình thành cơ chế thị trường và sự ra đời của giai cấp tư sản mới (các nhà kinh doanh) mà bệnh “thích làm quan” trong giới trí thức, khoa học, đã giảm đáng kể.

Nguồn: Chungta.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét