Người dân sẽ đánh giá thị trưởng trên sự phát triển của thành phố... Ông Thị trưởng phải dám từ chức khi tình hình không được cải thiện.
LTS: Ngày 7/8, Thành ủy TP.HCM họp hội nghị bất thường cho ý kiến vào dự thảo tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu ý kiến của GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, xung quanh diễn tiến mới này.
Trước tiên, Hiến pháp phải "mở" Tổ chức chính quyền địa phương là một câu hỏi Hiến pháp, mà đã là câu hỏi Hiến pháp thì không có cái gọi là "thử nghiệm". Không nước nào làm thử nghiệm vậy cả, hoặc làm hoặc không. Cuộc thử nghiệm của chúng ta về việc bỏ HĐND quận, phường, huyện đến bây giờ chưa tổng kết được. Vậy nếu cuộc thử nghiệm Chính quyền đô thị (CQĐT) của TP.HCM cũng không phân thắng bại, đúng sai thì lại tiếp tục có cuộc thử nghiệm nữa hay sao?
Trong nhà nước pháp quyền, mọi người đều phải chịu trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, mà tối cao là Hiến pháp, kể cả thực thể chúng ta thành lập ra như chính quyền địa phương. Chúng ta thấy rất lạ khi nghe một chính quyền thành phố tiểu bang nước Mỹ phá sản. Nhưng tại sao lại không? Nó cũng là một thực thể, khi không hoạt động hiệu quả được nữa thì phải chịu trách nhiệm, phải phá sản. Ở TP.HCM cũng như ở nước ta hiện nay, một vấn đề rất lớn đặt ra là làm sao có tổ chức chính quyền địa phương minh bạch, nhanh nhạy, giảm phiền hà. Đó là tiêu chuẩn quan trọng trong nhà nước pháp quyền. Nhưng tổ chức đó cũng phải tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật, chứ không thể chỗ này thí điểm, chỗ kia thí điểm. Luật là chung cho tất cả mọi người, mọi chủ thể trên cả nước. Không thể có luật riêng, quy chế riêng cho ai. Thực tế, không phải địa phương nào cũng cần 4 cấp chính quyền như trước (TƯ đến tỉnh đến huyện đến xã). Trong nhà nước pháp quyền, với khả năng tự chịu trách nhiệm, có những nơi chỉ cần 2 cấp chính quyền, cấp TƯ rồi đến cấp cơ sở, hoặc cấp chính quyền trung gian thứ 3 nữa thôi. Chính quyền thành phố và nông thôn về mô hình không khác nhau nhiều, đều có cơ quan quyết định và cơ quan chấp hành. Nhưng nội hàm rất khác nhau. Thành phố là nơi có hạ tầng cơ sở thuận tiện và liên thông, tập trung rất nhiều người cho nhiều chuyên môn sâu khác nhau. Có trở ngại, vướng mắc, người thành phố đều giải quyết theo chuyên môn, tức là hoạt động căn cứ theo luật, quy tắc hành chính. Chính quyền đô thị (CQĐT) rất nặng về hành chính: quyết theo luật và sai thì đưa ra tòa kiện, không cần có sự bàn bạc, thông cảm để mà phải thành lập một hội đồng. Đó là lý do tại sao ở thành phố có vẻ vắng bóng các cơ quan Hội đồng. Trong khi đó, ở nông thôn về cơ bản thiếu những điều kiện như trên. Vì thế, khi giải quyết vấn đề, họ phải bàn bạc, phải quyết định nên rất cần các cơ quan quyết nghị ở đây. Điều này giải thích vì sao ở những vùng không phải đô thị lại cần phải tổ chức ra nhiều cấp HĐND. Vì vậy, trước tiên, Hiến pháp phải mở ra khả năng đa dạng hóa các mô hình tổ chức chính quyền địa phương, khả năng chính quyền địa phương tự trị, tự chịu trách nhiệm, có ngân sách riêng. Có như vậy, TP.HCM và các nơi khác mới tổ chức được mô hình mới, một cách chính thức, chứ không phải thí điểm. Thí điểm tức là một chủ chương chính sách của chúng ta nghĩ chưa kỹ, chưa chín nên phải làm thử. Và lẽ đương nhiên của sự làm thử phải có ưu tiên, do đó gây nên bất bình đẳng giữa địa phương này với địa phương khác. Đây là điều cần tránh của một chủ trương đúng đắn. Tòa án: Người "gác cửa" cuối cùng Khi thực hiện mô hình CQĐT, với vai trò người đi đầu, có một số điểm quan trọng mà TP.HCM cần lưu ý. Trước hết, ngân sách phải rõ ràng. Đâu là tiền TƯ, đâu là tiền địa phương. Đó là cái khó nhất. Cần có ngân sách tự trị. Cần làm rõ tiền của địa phương là tiền nào, và tiền nào cũng thu ở địa phương, nhưng thuộc về TƯ. Tiếp đến là vấn đề cán bộ phải chịu trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám thay đổi, thay đổi cả chủ trương, chính sách và cả con người. Mô hình tổ chức hiện đại mà con người không thay đổi, không dám làm gì cả thì vẫn thế thôi. Thứ 3, mô hình TP.HCM định xây dựng là mô hình hiện đại trong nhà nước pháp quyền, kèm theo đó phải là có con người trong nhà nước pháp quyền, có tính kỷ luật, tính chịu trách nhiệm. Và điểm quan trọng là ai sai ở đâu thì phải đưa ra tòa xử, chứ không thể bằng quyết định hành chính, kỷ luật nội bộ hay quyết định cấp ủy đảng được. Theo mô hình mới, quyền của người thị trưởng rất cao, mà tính trách nhiệm không cao, không có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công chức, công vụ thì nguy cơ lạm quyền rất cao, không có cửa nào giám sát. Nhất là trong khi hệ thống tư pháp của ta hiện còn rất yếu. Như vậy, dù làm gì chúng ta cũng phải tăng cường quyền lực cho tư pháp, tòa án. Không có một nhà nước nào phát triển mà tòa án lại kém cả. Người Mỹ nhận ra điều này sớm nhất. Ở Mỹ, tòa án xét sử suốt ngày đêm, họ còn làm việc cật lực gấp mấy lần các tập đoàn, doanh nghiệp. Tòa án là nơi tìm ra công lý, đúng sai trong các quá trình thực hiện, quyết định... Đó phải là người "gác cửa" cuối cùng của tự do. Khi chưa có cơ quan tư pháp như vậy, vẫn xử lý như hiện nay thì nguy cơ lạm quyền là rất lớn.
Nếu Đề án chính quyền đô thị của TP.HCM được thông qua, thành phhố sẽ có mô hình thị trưởng. Ảnh minh họa: dothi.net
Thị trưởng: Quyền to nhưng phải dám từ chức Trong mô hình CQĐT mà TP.HCM dự kiến tổ chức, thị trưởng là người chịu trách nhiệm trước người dân, thị trưởng không làm tốt thì dân sẽ bỏ phiếu bầu người khác. Qua lá phiếu, người dân bầu ra thị trưởng rồi giám sát luôn thị trưởng, người dân tín nhiệm thì bầu tiếp, không thì bầu người khác. Bản thân khái niệm thị trưởng đã cho thấy vai trò cá nhân, khác với ông chủ tịch Ủy ban. Đã là Ủy ban thì phải bàn bạc. Còn ở đây ông thị trưởng tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Nó tương tự như chế độ tổng thống Mỹ. Như vậy, trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, không thể thoái thác như ngày xưa, đổ cho quyết định của Ủy ban, hay Đảng ủy. "Nghề" điều hành thành phố là nghề vất vả, phải có kinh nghiệm. Người thị trưởng phải dám đưa ra các chủ trương chính sách mà người đó cho là tốt, được dân ủng hộ để hội đồng quyết. Trong trường hợp thị trưởng thực hiện không tốt, mặc dù là hội đồng quyết, nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về thị trưởng. Ông ấy phải ra đi, dám từ chức khi tình hình địa phương không được cải thiện. Vai trò mới của thị trưởng khắc phục tình trạng ai lên chủ tịch Ủy ban cũng không mang lại gì khác người trước. Những bước tiến tạo ra rất chậm chạp. Hoặc như hiện tượng có người làm bí thư tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ xong chuyển sang làm chủ tịch Ủy ban, hoặc ngược lại. Như vậy không tạo ra tiến triển nào, chủ trương chính sách vẫn thế, không có gì thay đổi, không tạo đà cho sự phát triển. Mô hình đó còn dung dưỡng cho tính không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Và ngay cả khi người đứng đầu không tạo được thành quả phát triển, người dân không còn tín nhiệm thì cũng không có cơ chế nào cho họ "phế truất" ông chủ tịch. Trong mô hình mới, vai trò của cấp ủy sẽ là giới thiệu người xứng đáng ra tranh cử để dân bỏ phiếu. Dự trù ra 2-3 phương án nhân sự. Nếu giới thiệu người không xứng đáng, dân không bỏ phiếu thì mất ghế đó. Như vậy, cấp ủy chỉ tham gia vào công tác giới thiệu nhân sự, chứ không tham gia công tác điều hành. Với người thị trưởng, người dân sẽ đánh giá ông ta trên kết quả thành công của thành phố, những tiến triển, phát triển của thành phố đến đâu. Thành phố không phát triển, trì trệ thì người dân có thể "phế truất" hoặc không bầu lại cho thị trưởng đó nữa. Chính ngay trong sự phân quyền này đã tạo ra cơ chế kiểm soát đối với vai trò của thị trưởng, quyền lực to hơn nhưng sự giám sát cũng chặt chẽ hơn. Rất nhiều "cửa" để giám sát, đặc biệt là vai trò giám sát của tòa án phải được tăng cường. Có như vậy mô hình thị trưởng mới phát huy hiệu lực tốt nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét