-------------------
Hiến pháp Nhật Bản được ban hành ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực vào ngày 3 tháng 5 năm 1947. Bản hiến pháp này gồm 11 chương, 103 điều khoản. Nội dung chủ yếu của hiến pháp gồm những điểm sau đây:
- Quán triệt nguyên tắc hoà bình: “Nhân dân Nhật Bản ước mong thái bình vĩnh viễn...” (Lời nói đầu)
- Hoàng đế là biểu tượng của quốc gia và sự thống nhất của dân tộc. Mọi hoạt động của Hoàng đế phải diễn ra trong khuôn khổ của hiến pháp.
- Chủ quyền tuyệt đối thuộc về nhân dân.
- Nhật Bản phủ nhận vĩnh viễn chiến tranh như là một quyền tối cao của đất nước, từ bỏ đe doạ hoặc sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác (Nội dung điều 9)
-Các quyền cơ bản của con người được hiến pháp đảm bảo và là những quyền vĩnh viễn và bất khả xâm phạm.
- Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Quốc hội có 2 viện là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, trong đó Hạ nghị viện có thẩm quyền hơn Thượng nghị viện. Nghị sỹ của cả hai viện đều do dân bầu ra.
-Nội các thực hiện quyền hành pháp, chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội. Đây là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của chính phủ, lập ra chính sách và kế hoạch của chính phủ, chỉ đạo các Bộ, quản lý công tác đối nội và đối ngoại, nộp các đề nghị về lập pháp lên Quốc hội nhân danh tiểu ban thực hiện.
- Quyền tư pháp do Toà án tối cao và các Toà án cấp dưới sử dụng. Toà án tối cao có quyền quyết định cuối cùng tính hợp hiến của các đạo luật và các văn bản quy phạm.
- Chế độ tự quản địa phương được thiết lập rộng rãi. Các quan chức địa phương đều do dân cử và có nhiều quyền hạn hơn trong thuế và pháp luật.
Nguồn tin
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
-----------------
Dưới đây là phần trích giới thiệu bản Hiến Pháp Nhật Bản 1946 trong sách giáo khoa Lịch sử THPT “Lịch sử Nhật Bản B” (Nhà xuất bản Yamakawa, 2002. trang 332). Nhật Bản sau năm 1945 thực hiện chế độ kiểm định sách giáo khoa. Theo chế độ này các nhà xuất bản tư nhân có quyền tự chủ lựa chọn tác giả, tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo chương trình khung của Bộ giáo dục (thông thường cứ 10 năm thay đổi một lần). Sách biên soạn xong sẽ được trình lên Hội đồng kiểm định sách giáo khoa của Bộ giáo dục thẩm định. Nếu được hội đồng thông qua, cuốn sách sẽ chính thức được trở thành sách giáo khoa. Lựa chọn và sử dụng cuốn sách nào trong trường học sẽ do Ủy ban giáo dục địa phương đó và hiệu trưởng trường học quyết định. Các cuốn sách giáo khoa dạng này được gọi là “sách giáo khoa kiểm định”. Ở Nhật trước đó cũng đã từng tồn tại chế độ “sách giáo khoa quốc định” kể từ giữa thời Minh Trị trở đi. Trong chế độ này nhà nước (bộ giáo dục) nắm độc quyền từ biên soạn chương trình cho tới tổ chức biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Tất cả các trường học trên toàn quốc đều chỉ dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất của bộ giáo dục.
Trên thế giới ngoài chế độ sách giáo khoa quốc định, kiểm định nói trên còn có nhiều nước thực hiện chế độ tự do hóa sách giáo khoa như ở Bắc Âu .
Có lẽ ở Việt Nam tôi là người đầu tiên dùng các từ “Sách giáo khoa kiểm định”, “Sách giáo khoa quốc định” chuyển ngữ từ tiếng Nhật. Trong tương lai rất có thể các cụm từ này sẽ xuất hiện dày đặc khi nói đến giáo dục và cải cách giáo dục ở Việt Nam. Trước kia ở Nhật các từ như “dân chủ”, “hiến pháp”, “triết học”, “nhân quyền”… không hề tồn tại nhưng dần dần chúng trở thành các từ khóa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, văn hóa Nhật Bản. Có nên đến Cục sở hữu trí tuệ đăng kí bản quyền không nhỉ?!
Quốc dân Nhật Bản mong muốn hòa bình vĩnh cửu, tự giác sâu sắc lý tưởng cao cả bao trùm quan hệ tương hỗ giữa con người với con người vì vậy tin tưởng vào công lý và sự trung thực của các dân tộc yêu hòa bình và quyết chí duy trì sự an toàn và sinh tồn của chúng ta….
Điều 1: Thiên hoàng là biểu tượng của Nhật Bản và là biểu tượng thống nhất quốc dân Nhật Bản, địa vị này là dựa trên sự đồng ý của quốc dân Nhật Bản nắm chủ quyền.
Điều 9: Quốc dân Nhật Bản thành thực theo đuổi hòa bình quốc tế dựa trên nền tảng trật tự và chính nghĩa, từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh nhà nước phát động và sự đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực với tư cách là biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế.
Để thực hiện được mục đích của mục trước, Nhật Bản sẽ không duy trì hải lục không quân và các chiến lực khác. Không công nhận quyền giao chiến của nhà nước.
Điều 11: Quốc dân có quyền thụ hưởng tất cả các quyền con người căn bản. Những quyền con người cơ bản của quốc dân được hiến pháp này đảm bảo sẽ được đem đến cho quốc dân hiện tại và tương lai với tư cách là quyền lợi vĩnh viễn không thể xâm phạm
Điều 25: Tất cả quốc dân đều có quyền sống cuộc sống văn hóa, khỏe mạnh ở mức độ tối thiểu
Nhà nước phải nỗ lực xúc tiến, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và vệ sinh công cộng ở tất cả các phương diện của cuộc sống
Điều 28: Đảm bảo quyền đoàn kết, quyền thương thuyết tập thể và các hành động tập thể khác của người lao động.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét