Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013
Tìm hiểu về Hội đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc
23:05
Hoàng Phong Nhã
No comments
Chính phủ Việt Nam đã chính thức
nộp đơn ra ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Điều này
đã gây ra sự ngạc nhiên và bất bình của những theo dõi và bảo vệ nhân
quyền ở trong cũng như ngoài nước. Để giúp quí vị tìm hiểu về Hội đồng
Nhân quyền của LHQ, Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam xin giới thiệu về Cơ quan
này.
Cơ
chế quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người chính là bộ máy các
cơ quan và các quy tắc, thủ tục về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người
trong hệ thống Liên hợp quốc.
Mặc dù có mục tiêu chung là để thúc đẩy
và bảo vệ quyền con người và chung một mái nhà là hệ thống Liên hợp
quốc, tuy nhiên, dựa trên vị thế pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của
chúng, các cơ quan quyền con người Liên hợp quốc được chia thành hai
dạng: các cơ quan được thành lập theo (dựa trên) Hiến
chương (charter-based organ hoặc charter bodies), và các cơ quan được
thành lập theo (hoặc dựa trên) một số công ước quan trọng về quyền con
người (treaty bodies). Một số tài liệu gọi hệ thống các cơ quan và thủ
tục này là cơ chế dựa trên Hiến chương (charter-based mechanism) và cơ
chế dựa trên công ước (treaty-based mechanism).1. Cơ chế dựa trên Hiến chương
Do bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người
được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc nên
cả 6 cơ quan chính (Đại hội đồng (General Assembly), Hội đồng Bảo an
(Security Council), Hội đồng Kinh tế và Xã hội (Economic and Social
Council – ECOSOC), Hội đồng Quản thác (Trusteeship Council) và Toà án
quốc tế (International Court of Justice – ICJ) đều có trách nhiệm trên
lĩnh vực này. Một số cơ quan chính thiết lập một mạng lưới các cơ quan
giúp việc về quyền con người, đồng thời xây dựng một quy chế để huy động
sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ (quốc tế, khu vực và
quốc gia) vào hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyên con người.
* Hội đồng Quyền con người của Liên hợp quốc
Bối cảnh và tiến trình thành lập
Hội đồng quyền con người của Liên hợp
quốc (UN Human Rights Council – HRC) là cơ quan mới được thành lập theo
Nghị quyết số 60/251 ngày 3/4/2006 của ĐHĐ để thay thế cho Ủy ban quyền
con người (CHR). Do CHR trước đây và HRC hiện nay đóng vai trò “đầu tầu”
trong bộ máy các cơ quan về quyền con người Liên hợp quốc nên sự kiện
này được nhiều tổ chức và chuyên gia đánh giá là hứa hẹn mở ra “một
trang mới” trong hoạt động của Liên hợp quốc trên lĩnh vực này.
Việc thành lập HRC thay thế cho CHR xuất
phát từ sự yếu kém trong hoạt động của CHR, mà ở góc độ nhất định, đồng
thời cũng là những hạn chế chung của bộ máy quyền con người Liên hợp
quốc trong những thập niên vừa qua, đó là thất bại trong việc cải thiện
tình hình và xử lý những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người diễn ra
ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Sự yếu kém của CHR được cho
là xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất, hoạt động của cơ quan này từ
lâu đã bị chính trị hóa nặng nề, thể hiện ở những vấn đề như tính cấu
kết khu vực (regional alliance), sử dụng chuẩn mực kép (double
standard), phân biệt đối xử trong lựa chọn và xử lý các tình huống, vấn
đề (selectivity), hay tình trạng lợi dụng khe hở của các thủ tục làm
việc để ngăn chặn việc thảo luận về những vụ việc bất lợi cho những quốc
gia nhất định, hoặc về những vấn đề bất đồng nhất định..;
Thứ hai, tình trạng “đánh trống buông
dùi” trong hoạt động, cụ thể là đưa ra nhiều khuyến nghị và nghị quyết
nhưng không có khả năng theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Vì tất cả những điều trên, CHR bị chỉ
trích là một cơ quan thiếu tính chuyên nghiệp và tin cậy. Trong một số
báo cáo công bố từ đầu thập kỷ 2000, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chỉ ra
những hạn chế cụ thể của CHR, và trong báo cáo công bố vào tháng 3 năm
2005, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chính thức đề xuất ĐHĐ bỏ phiếu thay
thế CHR bằng một cơ quan mới là HRC.
Trong Hội nghị thượng định thế giới tổ
chức vào tháng 9 năm 2005, ý tưởng về việc thành lập HRC được đa số các
quốc gia tán thành. Các khía cạnh về tính chất và cấu trúc của HRC sau
đó được đưa ra thảo luận thêm ở ĐHĐ trong suốt 5 tháng. Cuối cùng, dự
thảo nghị quyết về việc thành lập HRC được công bố vào tháng 3 năm 2006
và được thông qua bởi ĐHĐ vào ngày 3/4/2006, với 170 phiếu thuận, bốn
phiếu chống (Israel, Quần đảo Marshall, Palau, Hoa Kỳ) và ba phiếu trắng
(Belarus, Iran, Venezuela). Từ khi được thành lập đến nay, HCR đã họp
một số phiên, trong phiên họp lần thứ hai (tháng 6/2007), HRC đã thông
qua các cấu trúc, thủ tục và cơ chế hoạt động của cơ quan này.
Chức năng, nhiệm vụ
Theo Nghị quyết 60/251 của ĐHĐ, HRC có các chức năng, nhiệm vụ sau:
- Thúc đẩy các hoạt động giáo
dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực
về quyền con người ở các quốc gia,
- Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia,
- Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người,
- Đưa ra những khuyến nghị với Đại hội đồng về sự phát sự phát triển của luật quốc tế về quyền con người,
- Thực hiện việc đánh giá định kỳ toàn thể việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia,
- Thông qua đối thoại và hợp tác
để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp
thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người,
- Hợp tác chặt chẽ với các chính
phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ
chức xã hội dân sự trong các hoạt động về quyền con người,
- Báo cáo hàng năm về hoạt động với Đại hội đồng.
Cơ cấu tổ chức
Theo Điều 5 Nghị quyết 60/251
của ĐHĐ, HRC sẽ bao gồm 47 nước thành viên (CHR trước đây có 53 nước
thành viên). Các nước thành viên được bầu trực tiếp bằng phiếu kín bởi
đa số thành viên ĐHĐ, phục vụ với nhiệm kỳ 3 năm và chỉ được bầu lại sau
hai nhiệm kỳ kế tiếp. Các nước thành viên được phân bổ theo khu vực địa
lý, cụ thể như sau: Nhóm các nước châu Phi: 13 ghế; Nhóm các nước châu
Á: 13 ghế; Nhóm các nước Đông Âu: 6 ghế; Nhóm các nước Châu Mỹ Latin và
Caribe: 8 ghế; Nhóm các nước Tây Âu và các quốc gia khác: 7 ghế. Đứng
đầu HRC là một Chủ tịch phục vụ với nhiệm kỳ một năm, do các nước thành
viên của HRC bầu ra.
Cơ chế Đánh giá Định kỳ chung (hay phổ quát) (Universal Periodic Review – UPR)
Thay thế cho phương thức hoạt
động của CHR trước đây là hàng năm chọn ra các vụ việc nghiêm trọng nhất
về quyền con người xảy ra ở các quốc gia trên thế giới để đưa ra xem
xét, đánh giá, HRC tiến hành một thủ tục mới là UPR. UPR sẽ đánh giá
định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của tất
cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc dựa trên các báo cáo từ các
nguồn khác nhau. Để thực hiện UPR, một Nhóm công tác (working group) về
UPR do HRC thành lập sẽ tiến hành ba kỳ họp mỗi năm, mỗi kỳ họp kéo dài 2
tuần để đánh giá 16 quốc gia. Như vậy, mỗi năm UPR sẽ đánh giá được 48
quốc gia và phải mất bốn năm để hoàn tất thủ tục này với toàn bộ 192
quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (dự tính đến hết 2011, với 12 kỳ
họp mới có thể kết thúc vòng đánh giá đầu tiên theo UPR).
Tiến trình UPR về cơ bản bao gồm các bước như sau:
– Chuẩn bị thông tin làm cơ sở
cho việc xem xét: Trong bước này, các tài liệu cần chuẩn bị bao gồm: (i)
Báo cáo của quốc gia được xem xét (không quá 20 trang); (ii) Tổng hợp
của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người về tình hình ở
quốc gia được xem xét từ báo cáo của các cơ quan giám sát điều ước, các
thủ tục đặc biệt và các tài liệu khác…(không quá 10 trang); (iii) Bản
tóm tắt do Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người thực hiện
từ những báo cáo của các chủ thể liên quan khác (các tổ chức phi chính
phủ, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quyền con người quốc gia) (không quá 10
trang).
– Xem xét đánh giá: Được thực hiện ở
Geneva dưới dạng đối thoại trong ba giờ giữa quốc gia được xem xét với
các thành viên Nhóm công tác về UPR, các quốc gia thành viên và quan sát
viên của HRC.
– Kết luận, đánh giá: Nhóm công tác về
UPR sẽ thông qua văn bản kết luận (dưới hình thức một báo cáo) sau khi
kết thúc việc xem xét, đánh giá, trong đó tóm tắt trình tự xem xét, các
cam kết đưa ra bởi quốc gia liên quan và các kết luận, khuyến nghị với
quốc gia đó. HRC sẽ cân nhắc và thông qua báo cáo này, thường là vào kỳ
họp tiếp theo.
– Thực hiện các khuyến nghị:
Quốc gia được xem xét sẽ áp dụng các khuyến nghị nêu trong báo cáo kể
trên và thông báo về kết quả của việc áp dụng các khuyến nghị đó trong
lần báo cáo định kỳ tiếp theo của nước mình.
Ủy ban Cố vấn (Advisory Committee)
Tương tự như mô hình Tiểu ban thúc đẩy
và bảo vệ quyền con người của CHR trước đây, HRC thành lập một Ủy ban
cố vấn để hỗ trợ Hội đồng trong các hoạt động chuyên môn. Ủy ban này bao
gồm 18 chuyên gia được Hội đồng bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín từ danh
sách các ứng cử viên mà các quốc gia thành viên đề cử. Mặc dù vậy, các
chuyên gia thành viên của Ủy ban hoạt động với tư cách cá nhân. Nhiệm kỳ
của mỗi chuyên gia là 3 năm, chỉ được bầu lại một lần.
Cơ cấu của Ủy ban cố vấn được cân nhắc
để đảm bảo tính cân bằng về giới và về khu vực địa lý. Cụ thể, để đảm
bảo sự cân bằng về khu vực địa lý, thành phần của Ủy ban được phân bổ
như sau: Các quốc gia châu Phi: 5 ghế; Các quốc gia Châu Á: 5 ghế; Các
quốc gia Đông Âu: 2 ghế; Các quốc gia Châu Mỹ La tinh và Caribê: 3 ghế;
Các quốc gia Tây Âu và các quốc gia ở khu vực khác: 3 ghế.
Về hoạt động, Ủy ban cố vấn họp tối đa
2 kỳ một năm, mỗi kỳ tối đa 10 ngày, ngoài ra có thể họp các kỳ bổ sung
với sự chấp thuận của HRC. Về trách nhiệm, Ủy ban chịu sự điều phối của
HRC. Hội đồng có thể yêu cầu toàn bộ, một nhóm thành viên hoặc một cá
nhân thành viên của Ủy ban thực hiện những nhiệm vụ nhất định.
Cơ chế này được dựa trên các ủy
ban giám sát việc thực hiện một số công ước quốc tế về quyền con người
(treaty-based bodies)[1],
được thành lập theo quy định của chính các công ước đó (ngoại trừ Uỷ
ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được thành lập theo một nghị
quyết của ECOSOC).
Nếu như các cơ quan trong cơ chế
dựa trên Hiến chương có những chức năng đa dạng, bao gồm cả việc nghiên
cứu, xây dựng các dự thảo văn kiện, thẩm định, theo dõi, giám sát và
điều hành các chương trình, hoạt động về quyền con người…thì hệ thống uỷ
ban công ước có chức năng hẹp hơn. Các uỷ ban này được thiết lập chỉ để
giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con
người, thông qua việc nhận, xem xét và ra khuyến nghị liên quan đến các
báo cáo về việc thực hiện các công ước này của những quốc gia thành viên
(và với một số uỷ ban, còn thông qua thẩm quyền nhận, xem xét và xử lý
các khiếu nại về việc vi phạm các quyền con người được ghi nhận trong
một số công ước).
Hiện tại, có 9 công ước được coi
là điều ước quốc tế căn bản về quyền con người (core international
human rights treaties) của Liên hợp quốc. Một trong số đó chưa có hiệu
lực là Công ước về cưỡng bức đưa đi mất tích. Tám công ước còn lại được
giám sát bởi các uỷ ban giám sát và một cơ quan tương tự là nhóm công
tác. Cụ thể, các uỷ ban giám sát công ước đang hoạt động bao gồm:
1. Uỷ ban về xoá bỏ sự phân biệt
chủng tộc (thành lập theo Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân
biệt chủng tộc, 1965)
2. Uỷ ban Quyền con người (thành lập theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966)
3. Uỷ ban về Xoá bỏ sự phân biệt đối
xử với phụ nữ (thành lập theo Công ước quốc tế về xoá bỏ tất cả các
hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, 1979)
4. Uỷ ban chống tra tấn (thành lập
theo Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn bạo,vô nhân
đạo hoặc hạ nhục khác, 1987)
5. Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá (thành lập theo một nghị quyết của ECOSOC)
6. Uỷ ban về quyền trẻ em (thành lập theo Công ước về quyền trẻ em, 1989)
7. Uỷ ban bảo vệ quyền của tất cả
những người lao động nhập cư và các thành viên trong gia đình họ (thành
lập theo Công ước về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động nhập
cư và các thành viên trong gia đình họ, 1990)
8. Uỷ ban về quyền của người khuyết tật (thành lập theo Công ước về quyền của người khuyết tật, 2007).
Các ủy ban công ước bao gồm những
chuyên gia được thừa nhận là có uy tín, đạo đức và năng lực trong các
lĩnh vực của công ước liên quan. Các chuyên gia này được lựa chọn (thông
qua bỏ phiếu ở các ủy ban) từ những người được các quốc gia thành viên
đề cử (thường là công dân của nước mình). Tuy nhiên, khi được bầu là
thành viên các uỷ ban thì các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân.
Số lượng thành viên của các uỷ ban công
ước được quy định ngay trong mỗi công ước và có thể khác nhau, nhưng
thông thường không ít hơn 10 người và không nhiều hơn 30 người.
(Tham khảo Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người, Khoa Luật – ĐHQGHN, 2009)
NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN, 2006
Đại hội đồng
Ngày 3 tháng 4 năm 2006
Kỳ họp 60
Nghị quyết của Đại hội đồng
Tái khẳng định các mục đích và nguyên tắc
đã nêu trong Hiến chương của Liên hợp quốc, bao gồm phát triển quan hệ
hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc về quyền
bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, và nhằm đạt được sự hợp tác quốc
tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá
hay nhân đạo và nhằm thúc đẩy, khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và
tự do cơ bản cho tất cả,
Cũng tái khẳng định Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền[1], Tuyên bố Vienna và Chương trình Hành động[2], nhớ lại Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị[3], Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa3 và các văn kiện khác về quyền con người,
Tái khẳng định thêm rằng tất cả các quyền
con người là phổ quát, không thể chia cắt, quan hệ với nhau, phụ thuộc
và củng cố lẫn nhau, và rằng tất cả các quyền con người phải được đối xử
một cách công bằng và bình đẳng, trên cùng một vị thế và với cùng mức
độ coi trọng,
Tái khẳng định rằng, trong khi lưu ý đến
đặc thù quốc gia, khu vực và các bối cảnh lịch sử, văn hóa và tôn giáo
khác nhau, tất cả các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh
tế và văn hóa, có trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và
tự do cơ bản,
Nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các
nước, phù hợp với Hiến chương, tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản cho
tất cả mọi người, không có bất kỳ phân biệt nào về chủng tộc, màu da,
ngôn ngữ, giới tính hay tôn giáo, chính kiến hay quan điểm, dân tộc hay
nguồn gốc xã hội, tài sản, khai sinh hoặc trạng thái khác,
Nhận thức rằng, hòa bình và an ninh, phát
triển và nhân quyền là những trụ cột của hệ thống Liên hợp quốc và là
những nền tảng cho an ninh và hạnh phúc chung, và thừa rằng sự phát
triển, hòa bình, an ninh và nhân quyền liên kết với nhau và củng cố lẫn
nhau,
Khẳng định sự cần thiết cho tất cả các
quốc gia tiếp tục nỗ lực quốc tế để tăng cường đối thoại và mở rộng hiểu
biết giữa các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo, và nhấn mạnh rằng các
quốc gia, khu vực tổ chức, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan tôn
giáo và các phương tiện truyền thông có vai trò quan trọng trong việc
thúc đẩy khoan dung, tôn trọng và tự do tôn giáo, tín ngưỡng,
Ghi nhận các công việc được thực hiện bởi
Uỷ ban về Nhân quyền và sự cần thiết phải bảo tồn và xây dựng trên
thành tựu và khắc phục những thiếu sót của nó,
Cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc
đảm bảo tính phổ quát, khách quan, không chọn lọc trong việc xem xét vấn
đề nhân quyền, và loại bỏ các tiêu chuẩn kép và chính trị hóa,
Thừa nhận thêm rằng việc thúc đẩy và bảo
vệ quyền con người cần được dựa trên các nguyên tắc hợp tác, đối thoại
thực chất và nhằm mục đích tăng cường năng lực của các nước thành viên
để thực thi các nghĩa vụ của họ về quyền con người vì lợi ích của tất cả
mọi người,
Nhận thức rằng các tổ chức phi chính phủ
đóng một vai trò quan trọng ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, trong
việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền,
Tái khẳng định cam kết tăng cường cơ chế
của Liên Hợp quốc về quyền con người, với mục tiêu đảm bảo hưởng thụ
hiệu quả của tất cả các quyền con người, bao gồm các quyền dân sự, chính
trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm quyền phát triển, và nhằm đạt
được điều đó, quyết định tạo lập một Hội đồng Nhân quyền,
1. Quyết định thành lập Hội đồng Nhân
quyền, trụ sở tại Geneva, để thay thế Ủy ban Nhân quyền, như một cơ quan
cấp dưới của Đại hội đồng; Đại hội đồng sẽ xem xét lại địa vị của Hội
đồng trong thời hạn 5 năm;
2. Quyết định rằng Hội đồng có trách
nhiệm thúc đẩy sự tôn trọng toàn cầu đối với việc bảo vệ các quyền con
người và tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt nào và
theo một cách công bằng và bình đẳng;
3. Cũng quyết định rằng Hội đồng nên giải
quyết các tình huống vi phạm nhân quyền, bao gồm các vi phạm nghiêm
trọng và có hệ thống, và đưa ra các đề xuất. Nó cũng sẽ thúc đẩy sự phối
hợp hiệu quả và lồng ghép các quyền con người trong hệ thống Liên hợp
quốc;
4. Quyết định thêm rằng công việc của Hội
đồng sẽ được hướng dẫn bởi các nguyên tắc phổ quát, công bằng, khách
quan, không định kiến, đối thoại xây dựng và hợp tác quốc tế, nhằm tăng
cường thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, các quyền chính trị, dân
sự, kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm quyền phát triển;
5. Quyết định rằng Hội đồng, bên cạnh các công việc khác, phải:
(a) thúc đẩy giáo dục và học tập nhân
quyền cũng như các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực,
có tham vấn và với sự đồng ý của các quốc gia thành viên có liên quan;
(b) Phục vụ như một diễn đàn đối thoại về các vấn đề chuyên đề về tất cả các quyền con người;
(c) Đưa ra các khuyến nghị lên Đại hội đồng để phát triển thêm luật pháp quốc tế trong lĩnh vực quyền con người;
(d) Thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các
nghĩa vụ thực hiện quyền con người của các quốc gia và theo dõi các mục
tiêu và cam kết liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
đưa ra từ các hội nghị và hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc;
(e) Thực hiện một cơ chế kiểm điểm định
kỳ phổ quát, dựa trên các thông tin khách quan và đáng tin cậy, về việc
thực hiện bởi các quốc gia các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người
theo phương thức đảm bảo bao trùm toàn bộ và bình đẳng đối với tất cả
các nước; việc kiểm điểm là một cơ chế hợp tác, dựa trên một cuộc đối
thoại tương tác, với sự tham gia đầy đủ của các quốc gia liên quan và có
sự xem xét đến các nhu cầu xây dựng năng lực của quốc gia; một cơ chế
như vậy bổ sung và không trùng lặp công việc của các cơ quan giám sát
công ước; Hội đồng sẽ phát triển các phương thức và phân bổ thời gian
cần thiết cho cơ chế kiểm điểm định kỳ trong vòng 1 năm sau khi tổ chức
phiên họp đầu tiên;
(f) Đóng góp, thông qua đối thoại và hợp
tác, hướng đến việc phòng ngừa các vi phạm nhân quyền và đáp ứng kịp
thời các trường hợp khẩn cấp về nhân quyền;
(g) Kế tục vai trò và trách nhiệm của Ủy
ban Nhân quyền liên quan đến công việc của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền
Liên hợp quốc, theo quyết định của Đại hội đồng tại Nghị quyết 48/141
ngày 20 tháng 12 năm 1993;
(h) Làm việc với sự hợp tác chặt chẽ
trong lĩnh vực quyền con người với chính phủ các quốc gia, các tổ chức
khu vực, các tổ chức nhân quyền quốc gia và xã hội dân sự;
(i) Đưa ra các khuyến nghị đối với việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền;
(j) Đệ trình một báo cáo hàng năm lên Đại hội đồng;
6. Cũng quyết định rằng Hội đồng xem xét
và nếu cần thiết sẽ cải thiện và hợp lý hóa tất cả các nhiệm vụ, cơ chế,
chức năng và trách nhiệm của Ủy ban Nhân quyền để duy trì một hệ thống
thủ tục đặc biệt, chuyên gia tư vấn và một thủ tục khiếu nại; Hội đồng
phải hoàn thành xem xét việc này trong vòng một năm sau khi tổ chức
phiên họp đầu tiên;
7. Quyết định thêm rằng Hội đồng sẽ gồm
47 thành viên được bầu trực tiếp và theo cá nhân bằng cách bỏ phiếu kín
bởi đa số thành viên Đại hội đồng, các thành viên được phân bổ công bằng
theo địa lý, và số ghế được phân phối như sau giữa các nhóm khu vực:
Nhóm các nước châu Phi, 13; Nhóm các nước châu Á, 13; Nhóm các nước Đông
Âu, 6; nhóm các nước Mỹ Latinh và Caribe, 8; và nhóm các nước Tây Âu và
các quốc gia khác, 7; các thành viên của Hội đồng phục vụ thời hạn 3
năm và không được tái bầu ngay lập tức sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp;
8. Quyết định rằng tư cách thành viên Hội
đồng mở rộng cho tất cả các thành viên của Liên hợp quốc, khi bầu các
thành viên của Hội đồng, quốc gia thành viên sẽ xem xét đóng góp của ứng
viên đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cam kết tự nguyện
và lời hứa của họ; Đại hội đồng, bởi đa số 2/3 thành viên có mặt và
biểu quyết, có thể đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng của một thành
viên Hội đồng đã có các vi phạm quyền con người nghiêm trọng và có hệ
thống;
9. Cũng quyết định rằng các thành viên
được bầu vào Hội đồng phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong thúc
đẩy và bảo vệ nhân quyền, sẽ phối hợp đầy đủ với Hội đồng và được xét
lại theo cơ chế kiểm điểm định kỳ trong nhiệm kỳ thành viên của họ;
10. Quyết định thêm rằng Hội đồng sẽ họp
thường xuyên trong suốt cả năm và lịch trình không ít hơn 3 kỳ mỗi năm,
bao gồm một phiên họp chính, với tổng thời gian không ít hơn 10 tuần, và
sẽ có thể tổ chức phiên họp đặc biệt khi cần thiết, theo yêu cầu của
một thành viên của Hội đồng với sự ủng hộ của 1/3 thành viên của Hội
đồng;
11. Quyết định rằng Hội đồng sẽ áp dụng
các quy tắc thủ tục đã được thiết lập cho các ủy ban của Đại hội đồng,
như có thể được áp dụng, trừ khi sau đó có quyết định khác do Đại hội
đồng hoặc Hội đồng, và cũng quyết định về sự tham gia và tham vấn của
các quan sát viên, trong đó có quốc gia không phải là thành viên Hội
đồng, các cơ quan chuyên ngành, các tổ chức liên chính phủ khác và các
cơ quan nhân quyền quốc gia, cũng như các tổ chức phi chính phủ, sẽ được
dựa trên các thỏa thuận, bao gồm Nghị quyết của Hội đồng kinh tế và xã
hội số 1996/31 ngày 25 tháng 7 năm 1996 và theo thông lệ của Ủy ban Nhân
quyền, đồng thời đảm bảo sự đóng góp hiệu quả nhất của các chủ thể;
12. Cũng quyết định là các phương pháp
làm việc của Hội đồng sẽ minh bạch, công bằng và khách quan và sẽ cho
phép đối thoại thực chất, hướng đến kết quả, cho phép các cuộc thảo luận
tiếp theo sau các kiến nghị và việc thực hiện chúng, và cũng cho phép
tương tác về nội dung với các thủ tục và cơ chế đặc biệt;
13. Khuyến nghị Hội đồng kinh tế và xã
hội yêu cầu Ủy ban Nhân quyền kết thúc công việc của nó tại kỳ họp 62,
và ngưng hoạt động của Ủy ban vào ngày 16 tháng 6 năm 2006;
14. Quyết định bầu các thành viên mới của
Hội đồng; nhiệm kỳ của thành viên phải so le, và quyết định đó phải
được đưa ra lần đầu tiên bằng cuộc bầu cử rút thăm, có tính đến phân bổ
công bằng về địa lý;
15. Cũng quyết định là cuộc bầu cử các
thành viên đầu tiên của Hội đồng sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 5 năm 2006,
và rằng cuộc họp đầu tiên của Hội đồng sẽ được triệu tập vào ngày 19
tháng 6 năm 2006;
16. Quyết định thêm rằng Hội đồng sẽ xem
xét lại công việc và hoạt động của mình 5 năm sau khi thành lập và sẽ
báo cáo lên Đại hội đồng.
Phiên họp toàn thể thứ 72
Ngày 15 tháng 3 năm 2006