Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Tiểu luận : Tính minh bạch của pháp luật




I. KHÁI QUÁT CHUNG

1. Khái niệm pháp luật

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hện trong xã hội.

Mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có một kiểu Nhà nước và một kiểu pháp luật tương ứng. Lịch sử xã hội loài người đã có các kiểu pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Pháp luật hoàn toàn không phải là sản phẩm thuần túy của lý tính hay bản tính tự nhiên phi giai cấp của con người như học thuyết pháp luật tự nhiên quan niệm. Pháp luật, như Mác – Ăng – ghen phân tích, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, có Nhà nước; bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật cũng mang tính xã hội, bởi vì ở mức độ nhất định, nó phải thể hiện và bảo đảm những yêu cầu chung của xã hội về văn hóa, phúc lợi, môi trường sống… Về mặt này, pháp luật xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất giữa tính giai cấp và tính xã hội.

Pháp luật còn là một bộ phận quan trọng của cấu trúc thượng tầng xã hội. Nó do cơ sở hạ tầng quyết định, nhưng có tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng. Nếu pháp luật phản ánh đúng đắn các quy luật vận động và phát triển của xã hội, nhất là các quy luật kinh tế thì pháp luật sẽ có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, pháp luật sẽ kìm hãm sự phát triển đó.

Theo Lênin, “một đạo luật là một biện pháp chính trị”. Trong lịch sử, bất cứ giai cấp cầm quyền nào cũng dựa vào pháp luật để thể hiện và thực hiện chính trị của giai cấp mình. Pháp luật trở thành hình thức thể hiện tập trung, trực tiếp chính trị của giai cấp cầm quyền, là một công cụ sắc bén thể hiện quyền lực của Nhà nước thực hiện những yêu cầu, mục đích, nội dung chính trị của nó. Do đó, Nhà nước nào, pháp luật ấy. Những thuộc tính cơ bản của pháp luật là tính quy phạm, tính cưỡng chế, tính khách quan, tính Nhà nước, tính hệ thống và tương đối ổn định.

2. Vai trò của pháp luật

- Là phương tiện thể hiện đường lối chính sách của Nhà nước.

- Là công cụ quyền lực của quản lý nhà nước.

- Thể chế hóa và bảo vệ quyền làm chủ của giai cấp.

Nghiên cứu những đặc điểm và mối quan hệ giữa pháp luật và các nhân tố khác trong xã hội, chúng ta có thể thấy pháp luật có vai trò quan trọng trên các bình diện (i) Pháp luật là cơ sở để củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước (ii) Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lý kinh tế xã hội (iii) Pháp luật góp phần tạo dựng những quan hệ mới (iv) Pháp luật tạo ra môi trường ổn định cho việc thiết lập các mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia.

3. Khái niệm tính minh bạch

Minh bạch là một khái niệm khá trừu tượng. Để đo lường tính minh bạch là một công việc hết sức khó khăn. Nhiều người vẫn thường hiểu minh bạch đồng nghĩa với công khai. Thực ra, khái niệm minh bạch là khái niệm rộng hơn, nó bao gồm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy, nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin.

Tính minh bạch trong pháp luật là: pháp luật phải thống nhất, nhất quán; đảm bảo rõ ràng, chính xác, dễ hiểu. Bên cạnh đó, là nguồn tin cậy được, lường trước được, phải có thể đoán trước được; đồng thời pháp luật công khai, dễ dàng truy cập với mọi người dân

4. Những tiêu chí xác định tính minh bạch

Sẽ được phân tích trong phần II của đề tài.

5. Vai trò của Minh bạch hóa pháp luật

“Minh bạch hoá pháp luật” có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi quốc gia vì nó giúp cho các đối tượng bị tác động bởi các luật pháp đó nắm vững, hiểu được pháp luật để áp dụng, tránh những tranh chấp có thể xảy ra. “Minh bạch hoá pháp luật” là điều kiện quan trọng để tạo niềm tin và là cơ sở để mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế. Nhờ đó mà nhà nước quản lý xã hội một cách tốt hơn, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, đẩy mạnh tăng trưởng đầu tư, tăng việc làm, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và dịch vụ và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước.

Trong nhà nước pháp quyền, “Minh bạch pháp luật” còn là nguyên tắc cơ bản trong quá trình lập pháp và hành pháp, theo nguyên tắc này thì “Pháp luật phải được công chúng biết trước, ổn định theo thời gian, rõ ràng và không mập mờ và được áp dụng một cách thống nhất và không tùy tiện bởi một hội đồng xét xử độc lập và quyết định đưa ra sẽ được xem xét lại bởi cơ quan tư pháp”.

Ở chừng mực mỗi quốc gia thành viên cho phép, “Minh bạch hoá pháp luật” còn giúp cho công dân và pháp nhân của các quóc gia thành viên khác góp ý kiến trong việc xây dựng luật và các văn bản luật liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại và sở hữu trí tuệ.

Đối với xã hội, minh bạch sẽ giúp phân bổ nguồn lực xã hội một cách hiệu quả. Khi minh bạch, về nguyên tắc, tài sản và nguồn lực của xã hội sẽ có cơ hội tìm đến người sử dụng nó hiệu quả nhất. Chắc chắn rằng, việc đấu giá đất công khai sẽ chọn ra được ông chủ sử dụng một cách hiệu quả hơn nhiều so với cơ chế giao đất, phân đất “trong bóng tối”.

Đối với nhà đầu tư, sự minh bạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm thiểu chi phí, giảm rủi ro cho DN và nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư dễ dàng trong tiếp cận thông tin, nhanh chóng trong thực hiện các thủ tục hành chính, tiên liệu được các thay đổi về chính sách thì rõ ràng có động lực để quyết định đầu tư lớn và lâu dài.

Đối với bộ máy nhà nước, như ánh sáng mặt trời đối với vi trùng, minh bạch có vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu tham nhũng. Đòi hỏi về minh bạch còn tạo ra được sức ép để bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn. Như ý kiến của giáo sư Stiglitz (người đoạt giải Nobel về kinh tế), việc quan chức muốn che giấu thông tin không chỉ là che giấu chuyện tham nhũng mà cả sự bất lực của mình.

II. PHÂN TÍCH TÍNH MINH BẠCH CỦA PHÁP LUẬT

Để hướng tới xây dựng một nền pháp luật tiên tiến với hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ và toàn diện. Nhằm đáp ứng cho việc quản lý kinh tế-xã hội của nhà nước một cách hiệu quả, cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch.

Tính minh bạch trong pháp luật là: pháp luật phải thống nhất, nhất quán; đảm bảo rõ ràng, chính xác, dễ hiểu. Bên cạnh đó, là nguồn tin cậy được, lường trước được, phải có thể đoán trước được; đồng thời pháp luật công khai, dễ dàng truy cập với mọi người dân.

1. Pháp luật phải thống nhất, nhất quán.

Một hệ thống pháp luật được coi là hoàn thiện trước hết phải đảm bảo được tính thống nhất trong chính hệ thống pháp luật đó.

- Pháp luật phải là một hệ thống lô gích chặt chẽ, không tự mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau. Yêu cầu này, được đặt ra với cả hệ thống pháp luật, đối với từng lĩnh vực luật, và ngay cả đối với từng loại văn bản pháp luật hoặc quy định pháp luật.

Ví dụ: Trong luật doanh nghiệp của chúng ta hiện nay, tính không nhất quán biểu hiện rất rõ: mỗi loại hình doanh nghiệp có một loại luật, có rất nhiều loại hợp đồng (dân sự, kinh tế, thương mại). Khi giao dịch thương mại khó phân biệt.

- Các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật không được mâu thuẫn với đạo luật mà chúng đang dựa vào, các quy định trong cùng một văn bản không được trái ngược nhau hoặc triệt tiêu nhau.

- Ban hành văn bản pháp luật phải tuân thủ đúng thẩm quyền, thủ tục xây dựng. Điều này rất quan trọng, bởi nó tạo ra một trật tự thứ bậc chặt chẽ, thống nhất trong cả hệ thống pháp luật. Tính pháp lý của văn bản pháp luật sẽ ngày càng được củng cố khi các quy định liên quan đến hình thức tuân thủ nghiêm ngặt.

2. Pháp luật phải rõ ràng, chính xác và dễ hiểu.

Việc đảm bảo tính minh bạch về nội dung trong pháp luật yêu cầu trình độ lập pháp phải cao và được hoàn thiện không ngừng. Yêu cầu về kỹ thuật văn bản là phải đảm bảo rõ ràng, ngôn ngữ sử dụng chính xác, phổ thông. Cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu trong các văn bản luật, pháp lệnh.

- Văn bản pháp luật là công cụ vô cùng quan trọng và đắc lực trong hoạt động quản lý nhà nước và có tác động to lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy nên văn bản pháp luật được xây dựng với những yêu cầu chặt chẽ cả về nội dung và hình thức. Trong đó, yêu cầu về ngôn ngữ là yêu cầu cơ bản và có ý nghĩa thực tiễn.

Văn bản pháp luật yêu cầu về ngôn ngữ như sau:

+ Ngôn ngữ VBPL là ngôn ngữ viết.

+ Ngôn ngữ VBPL là ngôn ngữ Tiếng Việt.

+ Ngôn ngữ VBPL là ngôn ngữ được nhà nước sử dụng chính thức.

- Đặc thù của VBPL là mang tính quyền lực nhà nước nên ngôn ngữ VBPL là ngôn ngữ chuẩn quốc gia được nhà nước sử dụng chính thức. Hệ thống ngôn ngữ trong VBPL phải thỏa mãn những yêu cầu nhất định do nhà nước đề ra. Sự đặc thù của ngôn ngữ được biểu hiện ở những khía cạnh sau:

+ Ngôn ngữ trong VBPL phải đảm bảo tính nghiêm túc:

Khi soạn thảo văn bản người viết không được sử dụng khẩu ngữ, tiếng lóng, từ thô thiển, hạn chế tối đa các yếu tố ngôn ngữ mang tính chất biểu cảm, lối viết sáo rỗng. Vì VBPL là phương tiện thực hiện quyền lực nhà nước nên buộc phải có tính nghiêm túc thể hiện sự uy quyền, tạo tâm lí tôn trọng pháp luật của đối tượng chịu sự tác động. Đồng thời tính nghiêm túc ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị của VBPL.

+ Ngôn ngữ trong VBPL đòi hỏi tính chính xác:

Sử dụng từ ngữ phải đúng chính tả (âm, vần, tiếng, từ,…).

Chính xác về nghĩa của từ, sử dụng từ ngữ một nghĩa (không sử dụng từ ngữ đa nghĩa, từ ngữ ẩn dụ,…). Vì điều này có ảnh hưởng to lớn tới sự lắm bắt nội dung văn bản.

+ Ngôn ngữ trong VBPL đòi hỏi tính thống nhất: là sự thống nhất về nghĩa cho tất cả các từ, ngữ được sử dụng để chỉ cùng một khái niệm trong các VBPL khác nhau.

+ Ngôn ngữ pháp luật cần có tính phổ thông: là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong phạm vi toàn quốc, đễ hiểu đối với tất cả mọi người không phân biệt trình độ học vấn, các vùng miền, dân tộc. Ngôn ngữ thể hiện tính đại chúng, gần gũi với nhân dân.

3. Pháp luật phải công khai và dễ dàng truy cập đối với mọi người dân.

Như chúng ta đã biết, pháp luật là hệ thống các quy tắc xử xự do nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Việc xây dựng, ban hành và thực hiện pháp luật phải được tiến hành công khai, tạo điều kiện cho mọi lực lượng trong xã hội bảo vệ và cân bằng lợi ích của mình. Sau khi ban hành, luật của quốc gia phải được công bố trên công báo, văn bản hành chính của các cơ quan hành pháp phải được công bố bởi các phương tiện thông tin dễ dàng truy cập đối với người dân. chỉ sau khi được công ố trên các tờ công báo như vậy, luật pháp mới có giá trị thi hành.

Công khai, minh bạch pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, nó giúp cho các đối tượng bị tác động bởi các luật pháp đó lắm vững, hiểu được pháp luật để áp dụng, tránh những tranh chấp có thể xảy ra. Nhờ đó mà nhà nước quản lý xã hội tốt hơn.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, đa dạng hóa các phương tiện thông tin đại chúng, là cơ sở thuận lợi để nhà nước công khai pháp luật đến với mọi người dân.

4. Pháp luật phải tin cậy được và dự đoán trước được.

An toàn pháp lý là một dịch vụ công cộng mà người dân chờ đợi ở nhà nước. Muốn vậy, pháp luật phải đáng tin cậy, phải là những đại lượng tượng trưng cho công bằng và lẽ phải. Xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật không được gây ra những cú sốc, ngạc nhiên, bất ngờ cho đối tượng bị áp dụng. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật phải được loan báo công khai trước một thời hạn hợp lý để người dân có thời gian chuẩn bị.

Để đảm bảo cho tính thống nhất của hệ thống pháp luật, một yêu cầu quan trọng đó là phải bảo đảm sự phù hợp trình độ lập pháp với trình độ phát triển của xã hội, làm cho sản phẩm của hoạt động lập pháp tương thích, không quá cao cũng không lạc hậu so với mức độ phát triển của xã hội.

Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí của nhân dân, vì vậy các cơ quan nhà nước với vai trò là đơn vị hành pháp, giám sát pháp luật phải đảm bảo tính nghiêm minh, dân chủ, bảo vệ quyền lợi và công bằng cho người dân.

Việc phân tích và giám sát pháp luật là khâu rất quan trọng trong việc đảm bảo tính phù hợp của pháp luật trong thực tế điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội.

5. Ưu điểm khi minh bạch PL trong thực tiễn ở nước ta.

- Đối với xã hội, minh bạch sẽ giúp phân bổ nguồn lực xã hội một cách hiệu quả. Khi minh bạch, về nguyên tắc, tài sản và guồn lực của xã hội sẽ có cơ hội tìm đến người sử dụng nó hiệu quả nhất.

- Đối với nhà đầu tư, sự minh bạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm thiểu chi phí, giảm rủi ro cho DN và nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư dễ dàng trong tiếp cận thông tin, nhanh chóng trong thực hiện các thủ tục hành chính, tiên liệu được các thay đổi về chính sách thì rõ ràng có động lực để quyết định đầu tư lớn và lâu dài.

- Đối với bộ máy nhà nước, như ánh sáng mặt trời đối với vi trùng, minh bạch có vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu tham nhũng. Đòi hỏi về minh bạch còn tạo ra được sức ép để bộ máy nhà nước vận hành tốt hơn.

- Công khai minh bạch giúp chống tham nhũng: Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, công khai, minh bạch là vấn đề cốt lõi nhất của chiến lược phòng chống tham nhũng, bởi càng công khai, minh bạch, càng kiểm soát được tình hình, nhất là công khai hoạt động của bộ máy nhà nước...

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền thì một trong những định hướng quan trọng là phải cải cách thủ tục hành chính vì thủ tục hành chính chính là mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước và đặc biệt là với các cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tục phải đơn giản, thuận tiện cho dân nhưng ngược lại, phải chặt và kín để đảm bảo quyền lực thuộc về Nhà nước chứ nếu không thì người thực thi sẽ lợi dụng.

- Thủ tục phải minh bạch, rõ ràng đến mức nếu Nhà nước không thực hiện thì người dân sẽ có phương tiện để đấu tranh. Chẳng hạn, trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nếu thủ tục minh bạch, rõ ràng thì rất tốt để người dân đấu tranh lại những biểu hiện tiêu cực từ phía Nhà nước.

6. Nhược điểm khi tính minh bạch PL còn hạn chế hiện nay ở nước ta

- Người dân thực hiện pháp luật rất khó khăn.

- Nếu không minh bạch PL, khó chống được tham nhũng.

- Là lực cản làm cho nền kinh tế nước ta mãi mãi "kém phát triển" vì làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi cho tham nhũng hoành hành; là dư địa cho sự cấu kết để đục khoét tài sản quốc gia…

III. LIÊN HỆ THỰC TẾ HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRONG VẤN ĐỀ TÍNH MINH BẠCH

1. Tính thời sự của việc minh bạch trong pháp luật việt Nam

Minh bạch hóa hệ thống pháp luật ở Việt Nam – là yêu cầu từ thực tiễn
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế thế giới, thời gian vừa qua, việc đảm bảo tính minh bạch của hệ thống pháp luật ở nước ta được đề cập đến nhiều như là một trong những yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động của nhà nước và là yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Là thành viên của WTO, cũng như các nước khác, Việt Nam phải đảm bảo pháp luật của nước mình phù hợp với những tiêu chuẩn chung của WTO. Do đó, các yêu cầu về tính minh bạch hệ thống pháp luật trong các Hiệp định và thỏa thuận của WTO trở thành các tiêu chuẩn mà pháp luật Việt Nam cần phải bảo đảm. Tương tự, Việt nam cũng phải bảo đảm thực hiện các quy định về minh bạch hóa trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và các thỏa thuận song phương hoặc đa phương khác mà Việt Nam đã ký kết.

Bởi thế, việc phân tích, làm rõ các khía cạnh của yêu cầu về minh bạch hóa hệ thống pháp luật trong các cam kết quốc tế; đánh giá thực trạng việc thực hiện minh bạch hóa trong hoạt động xây dựng, thực thi và áp dụng pháp luật ở nước ta; từ đó, đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi vấn đề minh bạch hóa của hệ thống pháp luật luôn là một việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Minh bạch hóa trong khuôn khổ chính sách của Đảng và Nhà nước ta:
Trong số những mục tiêu và phương hướng phát triển của đất nước ta trong giai đoạn từ 2005 đến 2010 được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ X có hai mục tiêu quan trọng là: phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Cả hai mục tiêu này đều đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải thực hiện quá trình minh bạch hóa hệ thống pháp luật của nước ta, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Minh bạch hóa là một thuật ngữ pháp lý mới, được nhắc đến nhiều sau khi Việt Nam ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và trong quá trình đàm phán, gia nhập Tổ chức thương mại thế giới như là một yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, yêu cầu minh bạch hóa hệ thống pháp luật của Việt Nam không phải chỉ xuất phát từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian gần đây mà còn xuất phát từ nhu cầu nâng cao hiệu quả của việc quản lý nhà nước, đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động của nhà nước. Thực tế, ngay từ thời kỳ đầu, nhà nước Việt Nam cũng đã có những chính sách đảm bảo tính công khai của hệ thống pháp luật cũng như đảm bảo quyền của nhân dân trong việc tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, thể hiện tính dân chủ của nhà nước mới theo chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xác định bao hàm ý nghĩa đề cao vai trò pháp luật trong đời sống xã hội, mở rộng dân chủ, công khai hóa các lĩnh vực hoạt động nhà nước, trừ những lĩnh vực liên quan tới bí mật, an ninh quốc gia. Đồng thời, minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước cũng là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa và phòng chống hiệu quả tệ nạn hối lộ, tham nhũng...

Việc cần phải công khai, minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước xuất phát từ những lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo tính dân chủ của nhà nước theo đó người dân có quyền được biết về các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước;

Thứ hai, chính sách và pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành đều xuất phát từ thực tiễn, phản ánh thực tiễn và ngược lại, ảnh hưởng của các chính sách đó đến thực tiễn đòi hỏi các đối tượng chịu tác động của chính sách phải nắm bắt được nội dung của chính sách;

Thứ ba, cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi không chỉ các cơ quan quản lý cần thông tin mà các doanh nghiệp, thể nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phải cập nhật thông tin nhiều hơn để phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tính minh bạch của các quy định của pháp luật còn bị chi phối bởi các điều ước quốc tế mà các quốc gia đã ký kết hoặc gia nhập;

Thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đòi hỏi Nhà nước không thể khép kín phạm vi hoạt động của mình trong nội bộ các cơ quan mà phải mở rộng phạm vi thông tin đến các đối tượng có liên quan, đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các chính sách;

Thứ năm, công khai, minh bạch được thừa nhận là công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa và phòng chống hiệu quả những tệ nạn của bộ máy quản lý nhà nước như hối lộ, tham nhũng…

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại hóa cũng đề ra nhiều biện pháp về minh bạch hóa như: hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho người dân; bảo đảm sự tham gia có hiệu quả của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật; tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với văn bản trước khi ban hành; các văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải trên công báo hoặc yết thị, đưa tin để công dân và các tổ chức có điều kiện tìm hiểu, thực hiện; thông tin công khai cho người dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính công.

Ngoài ra, chính sách dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị số 30-CT/TW cũng nhằm mục tiêu đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị ở cơ sở theo đó chính quyền cấp xã, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm nhân dân trong xã, cán bộ, công chức trong cơ quan, người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước phải được biết, được tham gia ý kiến, được tham gia quyết định trực tiếp, được giám sát, kiểm tra một số vấn đề nhất định trong tổ chức.

Khuôn khổ pháp luật về minh bạch hóa và nỗ lực thực thi ở Việt Nam:
Thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và trong khuôn khổ các văn bản pháp lý của WTO, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật về minh bạch hóa. Cụ thể, nội dung minh bạch hóa đã được thể chế ở nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Nghị định về Công báo năm 2004.

Về cơ bản, khuôn khổ pháp luật của nước ta ở chừng mực nhất định đã phù hợp với các yêu cầu của cam kết quốc tế như: quy định về quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4, Điều 33, Điều 35, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), quy định các văn bản quy phạm pháp luật chỉ có hiệu lực sau khi đăng công báo (Điều 77, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), quy định về việc công bố các điều ước quốc tế trên Công báo (Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế), quy định về tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử (Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự).

Các thiết chế nhà nước cũng có nhiều nỗ lực trong việc minh bạch hóa hoạt động của mình. Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội đã cố gắng thiết lập cơ sở pháp lý của việc minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền với người dân.

Hoạt động của Quốc hội cũng từng bước được công khai, minh bạch. Trong hoạt động lập pháp, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo, đăng tải văn bản trên công báo và dịch văn bản ra các ngôn ngữ khác; trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là việc Quốc hội thảo luận tập thể, công khai vấn đề phân bổ ngân sách trung ương. Trong hoạt động giám sát, những phiên chất vấn của Quốc hội tại hội trường đã thường xuyên được tường thuật trực tiếp trên truyền hành, truyền hình, góp phần làm minh bạch hoạt động của Quốc hội cũng như hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.

Đối với Chính phủ, việc công khai các chủ trương, chính sách về quản lý đất nước, quản lý xã hội là một trong những nhiệm vụ được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định về lề lối, phương thức làm việc của từng bộ, ngành của Chính phủ. Bên cạnh đó, đề án xây dựng Chính phủ điện tử đang được dần dần hoàn thiện; các quy trình, thủ tục hành chính được từng bước tin học hóa nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công cho nhân dân và doanh nghiệp được thuận tiện, nhanh gọn; việc cung cấp thông tin về địa phương, thực hiện đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được công khai ở nhiều địa phương. Ngoài ra, Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chính phủ quản lý ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng, trở thành công cụ hữu hiệu thể hiện tính công khai, minh bạch các chính sách pháp luật và các quyết định quản lý của bộ máy nhà nước.

Ngành tòa án cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc minh bạch hóa hoạt động xét xử. Điểm nổi bật trong những năm vừa qua là việc rà soát, đăng tải một số bản án điển hình trên tạp chí của ngành nhằm mục đích tăng cường sự thống nhất trong việc áp dụng luật pháp cũng như tăng cường khả năng dễ dự đoán của pháp luật đối với các đối tượng tham gia vào nền kinh tế, và củng cố thêm niềm tin của nhân dân, của các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng quốc tế vào các chính sách của Việt Nam. Cùng với đó, các cấp toà án đã tăng cường công khai hoạt động xét xử, nâng cấp, mở rộng phòng xử án, trang bị thiết bị truyền tin tạo điều kiện cho người dân có thể tham dự phiên toà. Luật sư được tạo điều kiện tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án ngay từ đầu. Việc tranh luận tại phiên toà được đổi mới theo hướng bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan, phán quyết của Toà án chủ yếu căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà.

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng có nhiều cải thiện hướng tới mục tiêu minh bạch. Đó là việc bảo đảm quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến môi trường kinh doanh, đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp; là việc Thủ tướng Chính phủ tổ chức những cuộc gặp gỡ thường xuyên với các doanh nghiệp. Đối với đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc minh bạch hóa các cơ hội đầu tư, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy phép đầu tư (theo Luật đầu tư mới là Giấy chứng nhận đầu tư), minh bạch hóa hoạt động quản lý của nhà nước về đầu tư nước ngoài.

2. Các vấn đề đặt ra trong việc thúc đẩy minh bạch hóa ở Việt Nam

Những thành tựu trên đã minh chứng cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và trong so sánh tham chiếu với các cam kết song phương và đa phương của Việt Nam, nhất là với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ và với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới, đặt ra một số vấn đề cần phải khắc phục để nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở nước ta phù hợp với mục đích xây dựng nhà nước pháp quyền và yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Trước hết, chưa có quy định rõ ràng về việc xác định thế nào là văn bản có giá trị áp dụng chung; chưa có quy định chặt chẽ và ràng buộc về việc văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải công khai trên Công báo thì mới có hiệu lực; chưa có các quy định cụ thể và rõ ràng về nghĩa vụ đăng tải các điều ước quốc tế trên công báo; chưa có các quy định rõ ràng về việc công bố số liệu thống kê, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất; chưa có cơ chế để tổ chức cho nhân dân thường xuyên tham gia góp ý kiến vào việc soạn thảo văn bản, và đang tồn tại quá nhiều lần dự thảo luật, pháp lệnh trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đối với hoạt động của Chính phủ, hiện tại chương trình xây dựng Chính phủ điện tử còn gặp một số khó khăn nhất định như: chưa có khuôn khổ pháp luật cho việc xây dựng Chính phủ điện tử theo đó người dân có thể dễ dàng truy cập đến các thông tin của Chính phủ và giao lưu trực tuyến với các cơ quan của Chính phủ; còn thiếu các chuyên gia, các chuyên viên về công nghệ thông tin để triển khai, vận hành; vấn đề “chia sẻ thông tin, chia sẻ văn hoá” chưa được nhận thức một cách toàn diện; các Bộ, ngành thường có xu hướng giữ thông tin cho mình, không muốn trao đổi, sử dụng công nghệ thông tin; mức độ sẵn sàng điện tử (e-readiness) của Việt Nam chưa cao.

Đối với hoạt động của Tòa án, cơ chế “tranh tụng”, một trong những cơ chế để tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xét xử, chưa được quy định như là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử. Quy trình xác lập chứng cứ chưa được minh bạch hóa đầy đủ. Việc thực thi pháp luật tố tụng liên quan đến tính minh bạch của hoạt động toà án còn có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến việc tổ chức các phiên tòa xét xử công khai. Trong thực tiễn tố tụng còn một số cán bộ toà án còn ngại minh bạch hoá hoạt động xét xử. Việc công khai bản án, quyết định của toà án, pháp luật mới dừng lại ở việc tuyên án công khai tại phiên toà và giao bản án cho những người có liên mà chưa tạo điều kiện cho giới nghiên cứu khoa học pháp lý muốn tiếp cận bản án, quyết định của toà án một cách thường xuyên, thuận tiện.

3. Một số kiến nghị

Để tiếp tục nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật và tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các chính sách và khuôn khổ pháp luật.

Trước hết, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần xác định rõ những thể loại văn bản có giá trị áp dụng chung; quy định rõ tiêu chí những dự án luật, pháp lệnh bắt buộc phải được công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân hoặc xây dựng cơ chế để công chúng có thể thường xuyên tham gia ý kiến vào các dự án, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; quy định các điều ước quốc tế phải được đăng tải công khai (chứ không phải “được” như hiện nay), trừ một số trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, quy trình ban hành các văn bản pháp quy cũng cần được hoàn chỉnh để ngăn chặn việc ban hành các văn bản trái quy định chung hoặc thực hiện không nghiêm các quy định của Chính phủ. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng liên quan đến hoạch động xét xử của tòa án theo hướng rõ ràng, rành mạch, minh bạch hoá việc xác lập chứng cứ và hoàn thiện chế định tranh tụng tại phiên toà.

Thứ hai, cần có những giải pháp thực thi có hiệu quả những quy định của pháp luật trên thực tế. Cần thực hiện tốt việc phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các dự án văn bản được công bố lấy ý kiến; tổ chức địa điểm liên lạc để liên hệ, tiếp nhận thông tin, xử lý các ý kiến góp ý kiến, nhất là đối với các dự thảo pháp luật thương mại có liên quan đến nhiều nước khác nhau.

Tổ chức và hoạt động của Công báo cũng cần phải cải tiến nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong việc công bố và đăng văn bản quy phạm pháp luật trên Công báo. Hệ thống Công báo ở các địa phương cũng cần được nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện. Hiện tại, thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBDN, một số tỉnh đã bắt đầu xây dựng hệ thống công báo của địa phương để đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương như Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, công cụ thông tin qua mạng Intranet và xác lập mối quan hệ tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với Chính phủ thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xét xử. Trong nhóm giải pháp này, yêu cầu cấp thiết nhất vẫn là việc triển khai việc đăng tải các bản án, quyết định của Toà án. Để thực hiện được vấn đề này, cần phải có chính sách đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác công bố các văn bản của toà án; chuẩn hoá hình thức soạn thảo của tất cả các loại quyết định; định ra các yêu cầu và loại quyết định về loại vụ việc nào của toà án cần được công bố; tỷ lệ các quyết định phải được công bố từ cấp Hội đồng Thẩm phán tới toà án cấp huyện.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường tính minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh. Việc minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đặc biệt đối với môi trường đầu tư, là một yêu cầu cấp thiết và là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Để làm được điều đó, trong thời gian tới Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch trong việc xây dựng quy hoạch phát triển các ngành và vùng lãnh thổ; cần công bố rõ ràng các lĩnh vực cấm đầu tư để các nhà đầu tư được đầu tư vào tất cả các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế mà pháp luật không hạn chế hoặc cấm; bảo đảm tính minh bạch và hiệu qủa trong việc áp dụng các ưu đãi đầu tư; tiếp tục cải tiến thủ tục đầu tư và nâng cao hiệu quản lý nhà nước về đầu tư, nâng cao trách nhiệm và tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành, công khai mọi quy trình, thời hạn, trách nhiệm xử lý các thủ tục đầu tư nước ngoài.

Nhóm 14B - Luật 3A - Đại học Luật TP.HCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét