Chương VI: Địa vị pháp lý - hành chính của công dân - GS.TS Phạm Hồng Thái và GS.TS Đ
Chương VI: Địa vị pháp lý - hành chính của công dân - GS.TS Phạm Hồng Thái và GS.TS Đinh Văn Mậu CHƯƠNG VI. ĐỊA VỊ PHÁP LÝ - HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG DÂN I - Quy chế pháp lý - hành chính của công dân
Để nâng cao tính tích cực chính trị của công dân thu hút đông đảo nhân
dân lao động tham gia quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội, Hiến
pháp có xu hướng mở rộng quyền tự do của công dân trong quản lý hành
chính nhà nước(1). Đó là một bộ phận quan trọng trong quy chế pháp lý
của công dân. Quy chế pháp lý - hành chính của công dân, trước
hết, là các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến
pháp, trong các đạo luật và những văn bản pháp luật khác của các cơ
quan quản lý hành chính nhà nước. Nhiều quyền và nghĩa vụ của
công dân được cụ thể hoá trong các văn bản của các cơ quan quản lý.
Trong một số trường hợp, văn bản của cơ quan quản lý hành chính nhà nước
chứa đựng những quy phạm mới có tư cách là quy phạm gốc, đầu tiên, mà
trước đó chưa được quy định trong Hiến pháp và các luật. Vì vậy, để xem
xét quy chế pháp lý - hành chính của công dân không chỉ dừng ở những quy
phạm Hiến pháp, các đạo luật, mà phải xem xét các quy phạm trong các
văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước.
Như vậy, quy chế pháp lý hành chính của công dân là tổng hợp quy định
về quyền, tự do, nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực quản lý hành chính
nhà nước, được quy định trong Hiến pháp, luật và những văn bản dưới
luật. Công dân chỉ trở thành chủ thể của các quan hệ pháp luật
hành chính, khi họ có năng lực pháp luật hành chính. Năng lực pháp luật
hành chính của công dân xuất hiện từ khi công dân sinh ra và chấm dứt
khi người đó chết. Năng lực pháp luật hành chính của công dân
là năng lực thực tế của họ về các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong lĩnh
vực quản lý hành chính nhà nước được Nhà nước thừa nhận. Về
nguyên tắc, mọi công dân đều có năng lực pháp luật hành chính như nhau,
nghĩa là có các quyền và nghĩa vụ như nhau trong quản lý hành chính nhà
nước. Trong một số trường hợp, theo quy định của pháp luật, năng lực
pháp luật hành chính của một số công dân có thể bị hạn chế. Tuy
pháp luật quy định năng lực pháp luật hành chính của công dân như nhau,
nhưng việc thực hiện năng lực ấy trên thực tế lại khác nhau tuỳ thuộc
vào khả năng của mỗi một công dân như: sức khoẻ, trình độ, lứa tuổi
v.v... có nghĩa là tuỳ thuộc vào năng lực hành vi hành chính.
Năng lực hành vi pháp luật hành chính của công dân là khả năng thực hiện
các quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân trên thực tế được pháp luật
thừa nhận. Trong các văn bản pháp luật, không có quy định thống
nhất về thời điểm nào được coi là có năng lực hành vi pháp luật hành
chính. Tuỳ theo từng lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước mà pháp luật
quy định thời điểm có năng lực hành vi pháp luật hành chính. Ví dụ,
trong lĩnh vực trách nhiệm hành chính thì khi công dân từ đủ 14 đến 16
tuổi chỉ chịu trách nhiệm hành chính về những vi phạm hành chính do cố
ý, từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hành chính về mọi hành vi vi
phạm hành chính do cả cố ý và vô ý (năng lực hành vi - hành chính đầy
đủ). Còn trong lĩnh vực bầu cử và ứng cử, chỉ phát sinh khi đủ 18 tuổi
và 21 tuổi. Những người mắc bệnh tâm thần và những bệnh thần
kinh khác, không nhận thức được và không điều khiển được hành vi của
mình thì coi là không có năng lực hành vi pháp luật hành chính.
Như vậy, năng lực pháp luật hành chính là cơ sở của năng lực hành vi
pháp luật hành chính. Năng lực hành vi pháp luật hành chính, một mặt,
thể hiện khả năng thực hiện các quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân,
mặt khác, là điều kiện làm phát sinh các quan hệ pháp luật - hành chính,
mà người có năng lực hành vi pháp luật - hành chính đó là chủ thể quan
hệ pháp luật. II - Các quyền, tự do, nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước Quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp, các đạo luật và cả những văn bản dưới luật. Thông thường, các quyền, tự do, nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước được phân thành ba nhóm: - Các quyền, tự do, nghĩa vụ trong lĩnh vực hành chính - chính trị; - Các quyền, tự do, nghĩa vụ trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội; - Các quyền, tự do cá nhân. 1. Các quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực hành chính - chính trị
Theo Hiến pháp 1992, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã
hội (Điều 53). Quy định này chưa được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, và
Hiến pháp 1959. Điều đó không có nghĩa là trước đây công dân không có
quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Việc quy định quyền này trong
Hiến pháp là sự thừa nhận về mặt nhà nước tầm quan trọng của nó trong
đời sống chính trị của công dân, là cơ sở pháp lý cho sự phát triển
quyền đó trong các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước khác nhau, nhằm
nâng cao tính tích cực chính trị của mỗi công dân. Quy định này
được cụ thể hoá ngay trong Hiến pháp 1992 tại Điều 54: Công dân, không
phân biệt dân tộc... thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có
quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... Thông qua việc bầu cử, và có thể
được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, công dân đã trực tiếp tham
gia quản lý nhà nước. Cùng với quyền bầu cử, công dân có quyền
tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị
với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý.
Một bộ phận quan trọng của các quyền chính trị là quyền tự do ngôn
luận, hội họp, báo chí, lập hội, mít tinh. Công dân có quyền phát biểu ý
kiến của mình về tình hình đất nước, thế giới, có quyền được thông tin
qua báo chí về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới, được tiếp
xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo, gửi tin, bài,
ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ
chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đó
(Điều 4 Luật Báo chí do Quốc hội thông qua ngày 28-12-1989). Để
đảm bảo cho các quyền, tự do của công dân trong mọi lĩnh vực quản lý
hành chính nhà nước, góp phần vào việc hoàn thiện, làm trong sạch đội
ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, Hiến pháp 1992 quy định quyền khiếu nại,
quyền tố cáo của công dân là một bộ phận quan trọng trong các quyền, tự
do, nghĩa vụ thuộc lĩnh vực hành chính - chính trị. Ngoài ra, pháp luật
còn quy định những bảo đảm pháp lý để công dân thực hiện quyền này,
bằng cách định ra các chế tài pháp lý đối với hành vi xâm phạm tới quyền
khiếu nại, tố cáo. Công dân có nghĩa vụ là không lợi dụng các
quyền tự do, làm mất trật tự xã hội, chống đối chính sách, gây thù hận
dân tộc, chia rẽ mất đoàn kết trong nhân dân, làm giảm uy tín của Đảng
và Nhà nước, tuyên truyền chiến tranh chống loài người và v.v... 2. Các quyền, tự do và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội
Trong lĩnh vực này, lao động là quyền và nghĩa vụ quan trọng nhất của
công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ra ngày càng nhiều việc làm
cho người lao động. Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định
của pháp luật (Điều 57, Hiến pháp 1992). Đây là quyền hoàn toàn mới
trong Hiến pháp. Nó chỉ xuất hiện trong điều kiện nền kinh tế nhiều
thành phần vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất, phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh.
Cùng với quyền và nghĩa vụ lao động là quyền được nghỉ ngơi, được trả
lương theo lao động, được hưởng chế độ bảo hiểm, có quyền sở hữu về thu
nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản
khác trong doanh nghiệp... quyền được học tập, bảo vệ sức khoẻ...
Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế,
sáng kiến cải tiến kỹ thuật... tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà
nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Công dân
sử dụng các quyền này, một mặt, nhằm thoả mãn các nhu cầu, sở thích cá
nhân, mặt khác, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng nếp
sống văn minh, lành mạnh. Bên cạnh các quyền, trong lĩnh vực
này công dân có nghĩa vụ bảo vệ di tích văn hoá, lịch sử, các tác phẩm
văn hoá, truyền thống dân tộc. Những hành vi tuyên truyền lối
sống, văn hoá đồi truỵ, các ấn phẩm văn hoá không lành mạnh, trái với
lối sống mới, truyền thống dân tộc đều bị xử lý tuỳ theo tính chất, mức
độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Như vậy, công dân có nghĩa vụ không
thực hiện những điều do pháp luật cấm và phải đấu tranh phòng, chống
những vi phạm pháp luật. 3. Các quyền, tự do cá nhân của công dân
Hiến pháp quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bất khả xâm
phạm về thân thể, không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án
nhân dân, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân
phẩm; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; bí mật thư tín, điện thoại, điện
tín được bảo đảm. Những quyền, tự do cá nhân được cụ thể hoá, phát triển trong các đạo luật và các văn bản dưới luật khác. III - Địa vị pháp lý - hành chính của người nước ngoài, người không có quốc tịch Việt Nam
Người nước ngoài là người có quốc tịch của một quốc gia khác đang lao
động, công tác, học tập hoặc đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không thừa nhận người mang nhiều quốc tịch. Người không có quốc tịch là người không có quốc tịch của một quốc gia khác và không gia nhập quốc tịch Việt Nam.
Người nước ngoài và người không có quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ
Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, được hưởng
các quyền, tự do theo quy định của pháp luật Việt Nam, như mọi công dân
Việt Nam. Nhưng pháp luật cũng hạn chế một số quyền và miễn một số nghĩa
vụ đối với họ. Trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, họ
có quyền lao động, nghỉ ngơi, bảo vệ sức khoẻ, có nhà ở, quyền học tập,
tự do tín ngưỡng; bất khả xâm phạm về tính mạng, tài sản, danh dự, nhân
phẩm, về nhà ở và những quyền tự do cá nhân khác. Pháp luật
Việt Nam quy định người nước ngoài, người không có quốc tịch không được
phép làm một số ngành nghề, mà hoạt động của nó có liên quan tới an ninh
quốc gia, bí mật nhà nước... Người nước ngoài và người không
có quốc tịch không có quyền bầu cử, ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà
nước. Nhưng họ có thể được tuyển dụng vào làm việc trong bộ máy nhà nước
đối với những công việc không liên quan đến bí mật quốc gia và an ninh
quốc phòng. Pháp luật quy định một số hạn chế tự do đi lại đối
với họ. Một số quy định pháp luật cấm người nước ngoài, người không có
quốc tịch đến những nơi có cơ sở quốc phòng và nơi thuộc phạm vi bí mật
quốc gia. Việc đi lại trên lãnh thổ Việt Nam phải có giấy phép do cơ
quan có thẩm quyền Việt Nam cấp. Họ được miễn nghĩa vụ quân sự, trừ trường hợp tự nguyện phục vụ trong lực lượng vũ trang.
Các quy tắc xã hội, phong tục tập quán của người Việt Nam là những quy
tắc xã hội, những người nước ngoài, người không có quốc tịch có nghĩa vụ
tuân thủ chúng. Đối với những cống hiến của người nước ngoài
và người không có quốc tịch trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân
được Nhà nước khen thưởng. Địa vị pháp lý của người nước ngoài
được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao được quy định trong các điều ước
quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia được nhà nước ta tôn trọng. IV - Sự bảo đảm pháp lý - hành chính các quyền, tự do, nghĩa vụ của công dân
Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền của công dân và tự do của công
dân. Đó là những đảm bảo kinh tế, chính trị, tư tưởng, tổ chức, pháp lý.
Những đảm bảo pháp lý được hiểu là hệ thống các biện pháp, phương pháp
pháp lý, nhờ đó mà các cơ quan nhà nước (bao gồm cả Toà án, Viện kiểm
sát) thông qua hoạt động của mình ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, bảo
vệ các quyền, tự do công dân, thiết lập trật tự, pháp chế trong quản lý
hành chính nhà nước. Những đảm bảo pháp lý bao gồm việc định ra các chế
tài, các hình thức cưỡng chế nhà nước và hoạt động có tính tổ chức như
kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những hoạt động
ấy bao gồm: - Các cơ quan quyền lực nhà nước có vai trò quan
trọng trong việc kiểm tra hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính
nhà nước. Tại kỳ họp của mình, các cơ quan quyền lực xét báo cáo hoạt
động của cơ quan quản lý cùng cấp, chất vấn những người có chức vụ trong
cơ quan quản lý về những việc làm vi phạm các quyền, tự do của công
dân, xét các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của nhân dân. Cơ quan quyền
lực có thể bãi bỏ những quyết định quản lý của cơ quan chấp hành cùng
cấp nếu những quyết định đó vi phạm các quyền, tự do của công dân;
- Đại biểu các cơ quan dân cử có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước,
các đơn vị vũ trang, các tổ chức xã hội chấm dứt những việc làm trái
pháp luật của cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc nhân viên nhà nước. Ngoài
ra, các đại biểu có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển các khiếu nại, tố
cáo và kiến nghị của nhân dân cho các cơ quan nhà nước hữu quan, đôn đốc
và theo dõi việc giải quyết. Cơ quan nhà nước hữu quan phải thông báo
về kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cho đại biểu biết;
- Các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện kiểm tra theo chiều
dọc có quyền đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ quyết định hành chính,
đình chỉ những hành vi hành chính vi phạm quyền, tự do của công dân của
các cơ quan hành chính cấp dưới trực tiếp; - Theo Pháp lệnh
thanh tra ngày 29-3-1990 các cơ quan Thanh tra Nhà nước có quyền yêu cầu
cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết cho
việc thanh tra; cung cấp tài liệu, báo cáo, trả lời chất vấn; đình chỉ
việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân; cảnh cáo,
tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức nhà nước cố ý cản trở việc thanh
tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị hoặc quyết định của tổ chức
thanh tra hoặc thanh tra viên; chuyển hồ sơ về việc vi phạm pháp luật
sang cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền giải quyết nếu xét thấy có
dấu hiệu cấu thành tội phạm. Những quyền hạn đó của cơ quan Thanh tra
Nhà nước được thực hiện trong thực tế là những bảo đảm pháp lý quan
trọng đối với quyền tự do của công dân; - Toà án nhân dân thông
qua hoạt động xét xử thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật và quyền, tự
do của công dân. Quyền, tự do của công dân có thể bị xâm hại từ phía các
cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và các cá nhân -
công dân. Vì thế, để bảo vệ các quyền, tự do ấy phải có các Toà án có đủ
quyền lực, thẩm quyền, uy tín xã hội và đặc biệt là độc lập trong hoạt
động xét xử. Việc hoàn thiện hệ thống toà án trong quá trình cải cách bộ
máy nhà nước hiện nay là một trong những bảo đảm về tổ chức - pháp lý
cho quyền, tự do công dân; - Viện kiểm sát nhân dân thực hiện
kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố. Qua đó giám
sát gián tiếp hoạt động quản lý hành chính nhà nước. (1) Xem Chương II, Hiến pháp 1946; Chương III, Hiến pháp 1959, Chương I, Hiến pháp 1980; Chương V, Hiến pháp 1992.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét