Hạnh
phúc là gì? Nói tới hạnh phúc, người ta thường nghĩ tới nhóm chữ: Độc
Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Ba thuật ngữ vừa kể là ba mặt của một khối tam
giác đều. Thiếu đi một mặt, khối tam giác biến mất.
Độc lập là lời khẳng định: “Xin đừng ai
chạm tới tôi”. Để thể hiện độc lập, con người cần tự do, muốn làm gì thì
làm. Độc lập và tự do là đôi cánh của hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc
là hạnh phúc trong xã hội và với xã hội. Không có xã hội, không thể có
hạnh phúc. Vì vậy hạnh phúc của một người phải “hợp tấu” với hạnh phúc
của muôn người. Đó là “mạng lưới” của hạnh phúc.Thế nào là cơ cấu của hạnh phúc?
Nhằm giúp cho ý niệm “cơ cấu của hạnh
phúc” trở nên cụ thể và dễ hiểu, trước tiên, chúng ta hãy nghĩ tới cơ
cấu của mạng lưới giao thông trên các xa lộ. Muốn cho mạng lưới này được
vận hành ổn định:
1) Đường xá, cầu cống phải kiến tạo vững chắc và an toàn.
2) Luật lệ giao thông cần qui định với những tiên liệu đầy đủ chi tiết, hợp lý và nghiêm minh.
3) Tài xế lái xe đủ sức khoẻ, có bằng lái xe hợp pháp.
4) Các loại xe lăn bánh trên xa lộ cần đạt mức toàn hảo về mặt cơ khí.
Bốn thành tố vừa nêu tạo thành cơ cấu của mạng lưới giao thông. Bây giờ hãy nói tới cơ cấu của hạnh phúc.
Không thể có loại hạnh phúc của cá nhân
sống đơn độc trên núi lạnh, trong rừng sâu. Đời người chỉ ổn định chừng
nào hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội thường hằng giao thoa nhưng
cũng thường hằng không va chạm, không xâm lấn lẫn nhau. Làm thế nào có
được hai cái “thường hằng” kia? Trả lời câu hỏi này, con người đứng
trước bức tranh cơ cấu của hạnh phúc. Mạng lưới hạnh phúc là mối liên hệ
song phương và xoay chiều giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội
nhìn một cách tổng quát. Đó là tranh sơ phác của hạnh phúc. Chi tiết hoá
tranh sơ phác để nhận ra những cơ phận tinh vi giúp cho hạnh phúc cá
nhân và hạnh phúc xã hội có khả năng hợp tấu. Đó là tranh chân dung của
hạnh phúc, còn gọi là cơ cấu của hạnh phúc. Bảo vệ sự ổn định cho cơ cấu
của hạnh phúc là đối tượng tối cao mà vận động của xã hội nhằm đạt tới.
Muốn vậy, xã hội phải nhờ tới bàn tay của luật pháp: “ở đâu có xã hội, ở
đó có luật pháp”. Luật pháp là công cụ duy nhất hữu hiệu trong việc
điều hành dòng sống của xã hội, điều hành cơ cấu của hạnh phúc.
Trước khi có luật pháp, xã hội loài người
đã có tâm lý yêu chuộng công bằng và lẽ phải, đã có phong tục, tập
quán. Như vậy, phong tục tập quán là hình chụp cơ cấu của hạnh phúc.
Một cách căn bản nhất, luật pháp chính là phong tục tập quán được pháp
lý hoá. Nhìn thực trạng xã hội, con người hình dung được luật pháp.
Ngược lại, đọc luật pháp, con người thấy được thực trạng xã hội. Năm
1993 tại Vienna, Aó quốc, 170 quốc gia cùng với 1000 tổ chức phi chính
phủ (NGO) đã cùng nhau biểu quyết: luật quốc tế nhân quyền bao gồm Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và hai Công ước Quốc Tế Nhân Quyền về Dân
Sự-Chính Trị và về Kinh Tế-Xã Hội 1966. Bài viết này xin chọn Tuyên Ngôn
Quốc Tế Nhân Quyền 1948 như một văn kiện nhân quyền căn bản để đặt câu
hỏi: Bằng cách nào luật quốc tế nhân quyền tổ chức và điều hành cơ cấu
của hạnh phúc cho từng cá nhân và cho toàn xã hội?
Luật quốc tế nhân quyền bao gồm 30 (ba
mươi) điều khoản đã truyền đi hai loại mệnh lệnh: lệnh cấm làm và lệnh
buộc phải làm. Mặt khác, khi tuyên xưng Quyền sống tự do và bình đẳng
của con người (điều 1), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mặc nhiên đòi hỏi
mỗi người có Nghĩa Vụ phải tôn trọng quyền sống tự do và bình đẳng của
những người chung quanh. Với “nội dung kép” như vừa trình bày, mặc dầu
mang tên gọi là Tuyên Ngôn Nhân Quyền nhưng trong thực chất, văn kiện
pháp lý này có hàm ý đồng loạt minh xác nghĩa-vụ-làm-người và
quyền-làm-người.
Với văn thức hai loại mệnh lệnh, với nội
dung kép, với sự đồng thuận mạnh mẽ của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc,
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 đã nêu bật bốn thành tố sau đây trong
bức tranh cơ cấu của hạnh phúc:
1) Nghĩa vụ làm người:
Đã là con người, một cách bẩm sinh, ai cũng muốn thực thi nghĩa vụ làm
người, đó là sự thể hiện nhân cách. Vì vậy điều (1) Tuyên Ngôn Quốc Tế
Nhân Quyền (TNQTNQ) xác định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng
về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri và phải đối xử với
nhau trong tình bác ái”. Phẩm cách của con người chẳng là gì khác
hơn là nỗ lực liên tục và bền bỉ thượng tôn nhân tính của chính mình và
của những người chung quanh. Thông qua lý luận của triết học chọn con người làm tiền đề và nhất là thông qua những ghi nhận thực tại đời người lấy ra từ Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhân tính gồm bốn yếu tính:
- Tính thứ nhất là tính xây dựng và sống với gia đình. Nam nữ trung thành song phương và bình đẳng trên mọi lãnh vực của đời sống.Điều (16) TNQTNQ: “
(a) Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia
đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ
có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly
hôn. (b) Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do
của những người kết hôn. c) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của
xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.”
- Tính thứ hai là tính tự vệ: Khi quyền sống bị xâm phạm, con người không được phép tự ý sử dụng bạo lực để trả đũa. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng thương nghị hoà bình hoặc nhờ sự phân xử của toà án. Điều (8):
“ Ai cũng có quyền yêu cầu toà án quốc gia có thẩm quyền can thiệp
chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và
luật pháp thừa nhận”
- Tính thứ ba là tính thoả mãn nhu yếu: Mỗi người phải tôn trọng quyền bình đẳng về cơ hội (không bị chèn ép, không bị đối xử bất công) trong hoạt động kinh tế của mọi người. Điều (22): “
Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền hưởng an
sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã
hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá nhân của
mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ
chức cùng tài nguyên của quốc gia.”
- Tính thứ tư là tính xã hội: Cá nhân hưởng những tiện ích do xã hội cung ứng. Đáp lại cá nhân có nghĩa vụ hợp tác với xã hội để xây dựng và phát triển xã hội. Điều (21):
“ (a) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc
trực tiếp hoặc do các đại biểu do mình tự do lựa chọn.(b) Ai cũng có
quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.”
2) Quyền làm người.
Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, đương nhiên cha mẹ có quyền quở
phạt con cái. Quyền là công cụ giúp con người thực thi nghĩa vụ. Quyền
và nghĩa vụ là hai mặt của một bàn tay. Như đã trình bày ở trên, nghĩa
vụ làm người có tính bẩm sinh, ai cũng như ai. Vì vậy, không phân biệt
chủng tộc, màu da, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chính kiến… mọi người
đều có quyền làm người như nhau. Tuy nhiên, chế độ độc tài các loại do
âm mưu toàn trị để dễ bề tham ô đã viện dẫn các lý do khác nhau nhằm thủ
tiêu nhân quyền của người dân. Lý do rằng: Mỗi dân tộc có một nền văn
hoá riêng, cần được giải thích nhân quyền theo nghĩa riêng và rằng tuyên
ngôn quốc tế nhân quyền là sản phẩm tư tưởng của các nước phương Tây,
nó có tính đề cao cá nhân chủ nghĩa, điều này không phù hợp với công
việc tổ chức và điều hành xã hội phương Đông. Dĩ nhiên các luận điểm vừa
nêu hoàn toàn vô căn cứ, không có dẫn chứng cụ thể và khoa học.
Xin chớ quên rằng: thủ tiêu quyền làm
người đồng nghĩa với hành động ngăn cản con người thực thi nghĩa vụ làm
người, nghĩa vụ thượng tôn nhân tính. Sự thể này sẽ nhanh chóng biến
quan hệ giữa con người với con người trở thành quan hệ giữa động vật này
với động vật kia, quan hệ mạnh được yếu thua, quan hệ “mắt đổi mắt,
răng đổi răng”. Lúc bấy giờ nhà cầm quyền độc tài sẽ viện lý do dân trí
thấp, lý do “an ninh trật tự công cộng là nhu cầu sống còn của xã hội”
để biến xã hội loài người thành một chuồng động vật đặt dưới quyền khống
chế cực kỳ hà khắc của guồng máy công an trị.
3) Văn hoá nhân văn.
Trong trường hợp nhân quyền được tôn trọng toàn phần, nhân tính được
thượng tôn: gia đình hạnh phúc, kinh tế vận hành trên nguyên tắc bình
đẳng cơ hội, mọi va chạm đều được giải quyết trong thương nghị hoà bình,
cá nhân hợp tác hoà hài với xã hội. Do nhân tính được thượng tôn, do
lòng thương yêu và tôn kính lẫn nhau, người dân tự giác tôn trọng luật
pháp của quốc gia. An ninh trật tự xã hội được vận hành trên tinh thần
tự giác của người dân là chân ý nghĩa của thiên hạ thái bình. Xã hội
thái bình là môi trường cần yếu giúp văn hoá nhân văn thăng hoa.
4) Dân chủ nhân quyền.
Nghĩa vụ làm người là nghĩa vụ bẩm sinh
của người dân. Nhân quyền vừa là quyền bẩm sinh của người dân vừa là
công cụ giúp người dân thực thi nghĩa vụ làm người. Văn hoá nhân văn
thăng hoa là công trình được vươn lên từ tim óc của người dân. Do ba sự
kiện “của người dân” vừa nêu, chế độ chính trị điều hành đời sống của
quốc gia hiển nhiên phải là chế độ do dân làm chủ. Dân chủ ở đây chắc
chắn không là “dân chủ tập trung” kiểu Cộng Sản, dân chủ “đảng cử, dân
bầu”. Dân chủ ở đây là dân chủ tam quyền phân lập, trong đó mọi thao tác
dân chủ đều được giải thích minh bạch thông qua sự viện dẫn nghiêm
chỉnh từng điều khoản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày
10/12/1948. Điều (21) khoản (c) TNQTNQ minh xác: “Ý nguyện của quốc
dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia, ý nguyện này
phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo
phương pháp phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự
do tương tự”.
Điều 21, khoản (c) vừa trích dẫn: dân chủ
đích thực là phương pháp luận của nhân quyền. Dân chủ biến tư tưởng
nhân quyền thành hành động sống cụ thể. Không có dân chủ, không thể có
nhân quyền.
Kết luận.
Nhân quyền không hề là một tài liệu đề
cao cá nhân chủ nghĩa. Nhân quyền là sản phẩm tư tưởng được hợp soạn
và/hoặc được nhìn nhận bởi toàn bộ xã hội quốc tế văn minh. Nhân quyền
không mảy may gây tác hại cho an ninh trật tự xã hội như các chế độ độc
tài xuyên tạc. Ngược lại chính nhân quyền đã sản sinh ra môi trường an
ninh trật tự tự giác bằng cách cung cấp cho xã hội một lớp người thượng
tôn nhân tính, lớp người tự giác. Kỷ luật hoàn toàn dựa vào sự canh
chừng của cảnh sát là loại kỷ luật của những xã hội chưa trưởng thành.
Xã hội vận hành trong trật tự không vì tâm lý khiếp sợ công an và toà án
mà vì tính tự giác của con người, đó là xã hội văn minh thượng đẳng.
Mãi cho tới đầu thế kỷ 21 nhân quyền vẫn
chỉ là ước mơ chưa thành của loài người. Tuy nhiên, nhân quyền không thể
đơn phương vận động và phát triển. Nhân quyền phải gắn bó chặt chẽ
với một hạch tâm gồm bốn “điện tử”: nghĩa vụ làm người + quyền làm người
+ văn hoá nhân văn + dân chủ nhân quyền. Nhân của hạch tâm là hạnh
phúc của con người. Bốn điện tử kia không điện tử nào được xem là lãnh
đạo. Không điện tử nào có khả năng tồn tại bên ngoài hạch tâm. Cả bốn
điện tử đều phải hỗ tương tác động để cùng nhau vận động và phát triển,
cùng nhau lấy hạnh phúc của đời người làm đối tượng để phục vụ. Hạch tâm
vừa mô tả được gọi là cơ cấu của hạnh phúc. Có thấy được và hiểu được
cơ cấu của hạnh phúc, con người mới có cơ hội và khả năng để cùng nhau
thực hiện giấc mơ hạnh phúc: hạnh phúc cho xã hội và cho chính mình. Ý
chí biến giấc mơ hạnh phúc trở thành hiện tượng sống cụ thể của đời
người chính là lời chúc hạnh phúc mà bài viết này xin trân trọng kính
gửi tới mỗi Quý Độc Giả nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền
10/12/2012.
Đỗ Thái Nhiên
Posted in: Công Ước Quốc Tế,Nhân Quyền
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét