Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Đan Mạch: Nền giáo dục vì trẻ em 'vô điều kiện'

Một đất nước như vậy mới đích thực là một đất nước hạnh phúc, bất chấp nó từ đâu tới, bất chấp quá khứ, truyền thống của nó là thế nào.
Sự ra đời của nhà trường và giáo dục quốc dân là một tất yếu lịch sử. Tính chất tất yếu này không chỉ bao hàm nhu cầu truyền dạy tri thức ngày càng lớn tới mức đòi hỏi phải có một phương thức GD hoàn toàn mới mẻ, gắn liền với sự hình thành nhà nước- dân tộc.
Không bắt buộc dùng chung một bộ SGK
Khó lòng phân định rành mạch thời điểm ra đời này, song nhà trường xét như là một thiết chế nghiêm chỉnh, độc lập đã ra đời khi việc GD trẻ em được giao hẳn cho một tầng lớp chuyên trách.
Sự xuất hiện của nhà trường và tầng lớp được gọi  là "giáo viên" đã làm thay đổi hoàn toàn khái niệm "thầy" và cũng phần nào làm chạnh lòng ông thầy đạo mạo kiểu "thầy đồ" của những ngày tháng xa xưa êm đềm, tưởng như có "tôn ti trật tự" chỉ bởi một điều đơn giản, đó là những thời đại có rất ít sự thay đổi!
Câu hỏi không phải là nhà nước chịu trách nhiệm đến đâu về GD quốc dân. Câu hỏi là nhà nước chịu trách nhiệm theo cách nào.
Câu hỏi không phải là các bậc cha mẹ có nên cho con cái họ đến trường hay không dù họ thấy nhà trường là vô ích. Câu hỏi nằm ở chỗ: Họ có được phép làm như thế không?
GD quốc dân sẽ vĩnh viễn tồn tại đối với mỗi dân tộc và mãi mãi dứt khoát thuộc trách nhiệm của nhà nước. Trẻ em đi học là một sự tất yếu. Nhưng hạnh phúc của trẻ em cũng là điều tất yếu. Trường học của đất nước Đan Mạch là một bài học đáng để suy ngẫm.
Đạo luật GD của Đan Mạch được phê chuẩn năm 1814 và cho tới nay chỉ được sửa đổi có năm lần (vào các năm 1903, 1937, 1958, 1975, 1993) ghi rằng GD đối với trẻ em là mang tính cưỡng bách (compulsory).
Song cha mẹ có quyền tự do lựa chọn hình thức trường học cho con cái của mình. Các bậc cha mẹ có ba quyền lựa chọn: Trường công (miễn phí hoàn toàn). Trường tư (được nhà nước tài trợ gần như hoàn toàn, điều này đã được luật hóa từ năm 1899!). Và học ở nhà.
GD phổ thông ở Đan Mạch thuộc thẩm quyền của Bộ Trẻ em và GD (Ministry of Children and Education) còn GD đại học thuộc thẩm quyền của bộ Khoa học, Công nghệ và Phát triển (Ministry of Science, Technology àn Development).
Tất cả các loại hình trường học, dù công lập, tư thục hay học tại nhà, đều phải tuân thủ văn bản hướng dẫn do Bộ Trẻ em và GD ban hành.
Dựa trên văn bản này, mỗi trường học (hoặc mỗi gia đình, nếu con mình học tại nhà) có quyền điều chỉnh, bổ sung thêm các mục tiêu miễn sao đáp ứng được các yêu cầu của văn bản hướng dẫn này.
Tính chất "quốc dân" của nền giáo dục nằm ở chỗ đó. Tính chất quốc dân không nằm ở sự bắt buộc toàn bộ nền GD phải dùng chung một bộ sách giáo khoa duy nhất!
Đạo luật GD của Đan Mạch ghi rằng GD đối với trẻ em là mang tính cưỡng bách
Trường công ở Đan Mạch (tiếng Đan Mạch gọi là folkskole) gồm: 1) Một năm mẫu giáo; 2) 10 năm giáo dục cơ bản (basic education); 3) Một năm lớp 10; hoặc hai năm THPT (Gymnasium) dành cho những em muốn học lên đại học; hoặc 2-3 năm GD nghề nghiệp và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Ở Đan Mạch muốn làm thợ nề thì một em học sinh sau khi kết thúc 10 năm GD cơ bản phải học nghề ba năm và trên thực tế thu nhập của một thợ nề đôi khi còn cao hơn một kỹ sư bình thường!
GD cơ bản cho tất cả trẻ em của đất nước gồm các môn học bắt buộc sau: Tiếng Đan Mạch; tiếng Anh (từ lớp 3-9); môn Lịch sử (từ lớp 3-9); các môn học Xã hội (social studies) cho lớp 8-9.
Các môn học mang tính thực hành/sáng tạo (practical/creative) gồm Thể dục, Âm nhạc, các môn nghệ thuật thị giác (visual arts), thiết kế (design), mộc, kinh tế gia đình (home economics) cho lớp 4-7.
Các môn khoa học gồm Toán, Khoa học Tự nhiên/Công nghệ cho lớp 1-6, Địa lý cho lớp 7-9, Sinh vật cho lớp 7-9, Vật lý/Hóa học cho lớp 7-9. Các môn học không bắt buộc bao gồm luật giao thông đường bộ, giáo dục giới tính.
Trường tư không phải để thu lợi nhuận
Trường tư ở Đan Mạch có truyền thống rất lâu đời. Trường Herlfsholm chẳng hạn, tọa lạc trên khu vực rộng hơn 100 hec ta nằm cách Thủ đô Copenhagen khoảng 100 km nơi người viết bài này có hai cô cháu gái đang theo học, được thành lập từ năm 1565.
Điểm đáng chú ý là tất cả các trường tư ở Đan Mạch đều được hưởng sự tài trợ của nhà nước. Việc tài trợ được thực hiện như sau: Tài trợ cho chi phí hoạt động tính trên mỗi học sinh mỗi năm (per pupil per year).
Khoản tài trợ này nhằm đảm bảo sao cho tất cả trẻ em Đan Mạch dù học ở bất cứ loại trường nào cũng đều được hưởng sự giúp đỡ tài chính như nhau của nhà nước. Tài trợ chi phí hoạt động, trong đó bao gồm cả thuê, xây dựng, bảo trì cơ sở vật chất trường học. Các khoản tài trợ khác, chẳng hạn, tài trợ cho các trường có những trẻ em tật nguyền.
Tài trợ được thực hiện theo cách trọn gói và không ràng buộc điều kiện (block grant), tức là các trường có toàn quyền sử dụng tiền tài trợ miễn là cho mục đích và nhu cầu hoạt động giáo dục chứ không phải dùng để kinh doanh vì mục đích kiếm lợi nhuận.
Tác dụng của tài trợ nhà nước được thể hiện rất rõ ngay ở mức đóng học phí. Học sinh ở các trường tư chỉ phải đóng học phí ở mức 30% mức chi phí thực tế bởi vì 70% chi phí là do nhà nước tài trợ cho trường. Trường Herlufsholm được nói tới ở trên, hàng năm còn dành ra một khoản tiền cho Quỹ Herlufsholm để giảm học phí cho một số trường hợp.
Như một gia đình có hai con cùng học ở trường này (con thứ hai được giảm học phí tới 35%), giảm 70% tiền học phí cho những gia đình có thu nhập dưới mức thu nhập bình quân đầu người ở Đan Mạch (dưới 35.000 đôla/năm theo mức năm 2011) và những gia đình gặp những điều kiện khó khăn khác.
Trên thực tế tỉ lệ tiền học phí đúng nghĩa trên tổng số tiền phải đóng, do được nhà nước tài trợ, là không đáng kể bởi hầu hết số tiền phải đóng đều là để chi trả cho cuộc sống hàng ngày của em học sinh.
Một đất nước đáng yêu không hẳn vì ở đó có những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ được cả thế giới công nhận. Một đất nước đáng yêu còn bởi vì đất nước có những người trẻ tuổi đại diện cho ngày hôm nay nhờ được hưởng một nền GD quốc dân tuyệt đối vì trẻ em, và vì trẻ em một cách vô điều kiện.
Chẳng hạn, niên học 2011/2012 tiền phải đóng ở trường Herflusholm là khoảng 20.000 đôla Mỹ/năm đối với một em học sinh ở nội trú (đã bao gồm tiền sách vở, ăn, ở, giặt là, chăm sóc sức khỏe). Với số tiền này thì nếu em đi học ở một trường công và sống ở nhà thì cha mẹ cũng phải chi cho em một số tiền tương đương (với học sinh không ở nội trú thì là 42.300 krone, tương đương với gần 8.000 đôla Mỹ).
Tức là người mở trường tư không phải là để thu lợi nhuận "bỏ túi" cho mình. Mặt khác, luật pháp Đan Mạch cấm một người với tư cá nhân (private individual) mở trường tư.
Ngoài ra, tất cả trẻ em Đan Mạch bất kể học ở trường nào hoặc học ở nhà sau tuổi 18 đều có quyền nộp đơn xin cấp học bổng của nhà nước. Nguồn tiền này được lấy từ Quỹ Giáo dục Nhà nước (State Education Fund).
Trên thực tế, hầu hết các đơn đều được chấp nhận. Mức cơ bản (theo số liệu năm 2010) dành cho mọi học sinh là 1.192 krone /tháng (tương đương 200 đôla Mỹ). Mức tối đa có thể lên tới hơn 5.000 krone/tháng (tương đương 1000 đôla Mỹ).
Nền GD vì trẻ em "vô điều kiện"
Một điểm độc đáo nữa của hệ thống giáo dục phổ thông của Đan Mạch là hệ thống các trường được gọi là efterskole (dịch sang tiếng Anh là afterschool). Sau 10 năm giáo dục cơ bản, các gia đình Đan Mạch (chủ yếu là các gia đình có con học ở trường công lập) thường cho con cái họ "nghỉ ngơi" một năm.
"Efterskole" là các trường tư thục và cũng được nhà nước tài trợ, phụ huynh chỉ phải đóng 30% chi phí. Sau 10 năm học tập mệt mỏi, thậm chí buồn tẻ, các bậc cha mẹ muốn con cái họ đổi gió để có những trải nghiệm mới và có thời gian để suy ngẫm về quãng đời đã qua và quãng đời sắp tới.
Học sinh vào học efterskole phải ở nội trú xa gia đình nhưng ở đó chúng có dịp được làm quen, kết bạn và học hỏi lẫn nhau. Chương trình học chủ yếu là các hoạt động tập thể, vui chơi, thể thao, đi dã ngoại.
Sau một năm ở efterskole, các em có thể tiếp tục học nốt mấy năm trung học. Người viết bài này có biết trường hợp một em sau khi rời efterskole thì không muốn tiếp tục học lên cao nữa. Em xin vào làm nhân viên thiện nguyện của một tổ chức nhân đạo hoạt động ở tít tận châu Phi. Rốt cuộc, em đã tìm thấy mục đích sống hữu ích cho mình, như thế chẳng phải là đủ hay sao?
Đan Mạch, nơi tổ tiên là những người Viking giỏi nghề đi biển mà cũng nổi tiếng vì nghề cướp biển, nay là một đất nước vô cùng yên bình, hiền hòa, như một câu trong quốc ca Đan Mạch, "Der er et yndigt land" (There is a lovely country - có một đất nước đáng yêu).
Một đất nước đáng yêu không hẳn vì ở đó có những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ được cả thế giới công nhận. Một đất nước đáng yêu còn bởi vì đất nước có những người trẻ tuổi đại diện cho ngày hôm nay nhờ được hưởng một nền GD quốc dân tuyệt đối vì trẻ em, và vì trẻ em một cách vô điều kiện.
PHẠM ANH TUẤN (TUẦN VIỆT NAM)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét