Mỗi chế độ xã hội đều có tầng lớp lao động trí óc của mình với tiêu
chuẩn và tên gọi riêng. Nói một cách danh chính và chặt chẽ, trí thức đúng
nghĩa chỉ xuất hiện trong những xã hội đã có dân chủ, tự do; nhất là tự do
báo chí. Cách mạng tư sản Pháp thành công năm 1789, nhưng hơn một thế kỷ
sau mới ra đời từ trí thức; chính là vì phải đợi cho tự do, dân chủ phát
triển đạt yêu cầu. Nhưng ở thế kỷ XX, nhiều nước châu Á tuy rất nặng căn
phong kiến mà chỉ cần vài thập niên đã có đủ dân chủ, tự do để trí thức
“đúng nghĩa” xuất hiện. Thế kỷ XXI hẳn phải nhanh hơn nữa.
Để cho tiện, bài này xin được gọi một cách quy ước người chuyên lao
động trí óc ở mọi chế độ xã hội đều là “trí thức” - cho tới khi cần làm rõ
nội hàm của từ này.
Văn minh nào - chế độ ấy. Chế độ nào - trí thức ấy
Mỗi nền văn minh chỉ chấp nhận chế độ phù hợp với nó. Mỗi chế độ chỉ
sinh ra tầng lớp trí thức đặc trưng của mình. Như vậy, trí thức trong một
xã hội phản ánh bộ mặt của nền văn minh mà trên đó chế độ xã hội đang tồn
tại. Trí thức của chế độ phong kiến dựa trên nền văn minh nông nghiệp
không thể mang những phẩm cách của trí thức ở chế độ tư bản với nền văn
minh công nghiệp. Nếu dựa vào trình độ văn minh, đến nay nhân loại đã trải
qua 4 thời kỳ, khời đầu đương nhiên là thời kỳ “chưa văn minh”, được gọi
đúng tên là mông muội, hoang dã...
-
Thời kỳ mông muội trải nhiều triệu năm. Thích hợp với nó là chế độ
cộng sản nguyên thuỷ, trong đó con người sống theo nhóm, chật vật tìm
kiếm thức ăn có sẵn trong thiên nhiên: thu hái, săn bắt và… cướp bóc
nhau.
-
Khi chuyển từ hái lượm, săn bắt sang trồng trọt, chăn nuôi: Nền văn
minh nông nghiệp ra đời. Thích hợp với nó là chế độ chiếm hữu nô lệ và
sau đó là chế độ phong kiến.
-
Tiến lên nền văn minh công nghiệp là bước ngoặt lớn để chế độ tư bản
xuất hiện. Con người bắt đầu có các quyền dân chủ, tự do, tạo điều kiện
để tầng lớp trí thức đích thực - hay “đúng nghĩa” - được sinh ra.
-
Nay, người ta nói nhiều về nền văn minh hậu công nghiệp (văn minh
tin học hoặc trí tuệ); nhưng câu hỏi chế độ xã hội nào thích hợp với
nó vẫn chưa có đáp số được đồng thuận cao - nhất là sau biến cố “tự
sụp đổ” của cái mô hình danh nghĩa là XHCN, vì chế độ giả danh này ra
đời vội vã từ những nước chưa thật sự thoát khỏi nền văn minh nông
nghiệp. Vẫn cần ngẫm nghĩ lời Karl Marx dạy: Cách mạng vô sản chỉ thành
công đồng loạt ở những nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển hết mức.
Từ 50 năm trước, nghị quyết đại hội III đã nêu rõ: Nước ta quyết “bỏ
qua” chế độ tư bản đầy bế tắc, rủi ro. Tuy vậy, đến nay chúng ta vẫn đang
tìm tòi trên lý thuyết một mô hình chế độ mới, đương nhiên phải cao hơn
chế độ tư bản. Nhưng để thực hiện chế độ ưu việt này, đất nước ta cần có
một nền văn minh phù hợp. Hẳn đó là nền văn minh tin học?
Thời kỳ mông muội: Chế độ thích hợp là cộng sản nguyên thuỷ
Đó là xã hội của những con người vừa tách khỏi cuộc sống con vật nhờ sở
hữu hai bàn tay và khối óc. Đám con cháu trực hệ từ hai vị thuỷ tổ - Adam
và Eva – này vẫn còn phải tiến hoá về sinh học, do vậy không có gì lạ nếu
nói xã hội nguyên thuỷ về mức độ thô sơ có thể so sánh với xã hội loài
vật, ví dụ: ong, kiến, mối. Sự quần tụ của các cá thể mang nặng tính bản
năng. Ý thức về cá nhân, về tư hữu chưa thể có, hoặc hết sức mờ nhạt -
chẳng khác thân phận con ong, cái kiến trong xã hội của chúng.
Thời kỳ mông muội kéo dài
tưởng như vô tận mà nguyên nhân là sự tích luỹ tri thức quá chậm chạp.
Nếu căn cứ vào tuổi hoá thạch của những bộ hài cốt tìm được thì thời
kỳ này cách đây đã 4, hoặc 7 triệu năm. Trong khi đó nền văn minh cổ
nhất xuất hiện cách đây mới chỉ 10 hay 15 ngàn năm; đủ thấy thời kỳ
mông muội dài biết chừng nào. Riêng giai đoạn chưa biết sử dụng lửa
(“ăn sống, nuốt tươi”) cũng dài tới mấy triệu năm. Gọi là “tối tăm,
mông muội” quả không sai.
Cuộc sống cực nhọc và cướp bóc lẫn nhau khiến tỷ lệ sinh khó mà trội
hơn tỷ lệ chết khiến số cá thể tăng rất chậm. Những bộ lạc còn sót lại
tới gần đây có khi chỉ gồm vài chục cá thể, hãn hữu mới đạt một-vài
trăm. Sang thế kỷ XXI mà bộ lạc người Rục ở nước ta vẫn đứng trước
nguy cơ tự diệt vong nếu không được cộng đồng lớn ứng cứu.
Tên gọi cộng sản nguyên thuỷ là phù hợp. Chính vì “nguyên thuỷ” mà
phải “cộng sản”. Đây là xã hội còn quá nghèo nàn về tri thức, kinh
nghiệm, công cụ, của cải, vật dụng… buộc phải công hữu hoá mọi thứ.
Tóm lại, không “cộng sản” không xong. Một chuyện cổ tích (hay tiếu
lâm) có chi tiết tương tự: Hai vợ chồng quá nghèo chỉ có một cái quần
dài, do vậy đành công hữu hoá để ai có việc phải ra khỏi nhà thì có
quyền sử dụng.
|
Vài đặc trưng dưới đây cho ta chút khái niệm về “cộng sản”, “nguyên
thuỷ” và “trí thức” thời đó.
- Mọi người sống thân ái: Tất nhiên, vì họ là những người cận
huyết chung sống quần hôn nhiều thế hệ trong một cộng đồng nhỏ. Gọi là bộ
lạc hay bộ tộc đều được. Sự thân ái chỉ có trong nội tộc, mà không hẳn
phải có giữa các tộc; vì một nguồn sống quan trọng là cướp bóc lẫn nhau.
Truyện Robinson có nói các bộ lạc da đỏ cướp người của nhau để…
ăn thịt, coi như đi săn thú.
- Đó là một xã hôi thật sự bình đẳng. Người đứng đầu bộ lạc cũng
có nghĩa vụ và cũng hưởng thụ như mọi thành viên khác. Nguyên nhân không
phải do được ai “giác ngộ” cho, mà duy nhất là do làm không đủ ăn, không
có của thừa, khiến không ai có cơ hội chiếm đoạt hoặc được chia phần ưu
đãi. Nói thật, xã hội này làm quái gì có các quyền ngôn luận, báo chí, lập
hội, ứng cử… để mà tranh giành nhau.
- Đây cũng là một xã hội “làm theo năng lực” - tức là làm cật
lực, chết thôi. Buộc phải thế vì nếu không thì đói ngay, kể cả chết đói –
mà chẳng vì “lý tưởng cao đẹp” gì hết. Khi săn thú dữ bằng những phương
tiện quá thô sơ, nếu mọi người không dựa vào nhau và không dốc hết sức sẽ
về tay không mà còn có thể mất mạng.
- Ai cũng “hưởng theo nhu cầu”, kể cả trẻ em và người già,
nhưng với điều kiện: 1) nhu cầu phải cực thấp (chỉ cần no); 2) cộng đồng
phải kiếm đủ thức ăn. Thực tế, khi bộ lạc lâm vào nạn đói, hai đối tượng
“vô dụng” nói trên bị hi sinh đầu tiên. Ta có thể liên hệ hiện tượng khi
mùa đông đến (hiếm hoa, thiếu mật) vô số ong đực, ong già bị giết, hoặc bị
chết vì không được vào tổ…
- Đó cũng là xã hội mà tư liệu sản xuất “thuộc sở hữu toàn dân”.
Đương nhiên thế, vì con người chưa phát triển tới trình độ có ý thức về tư
hữu (con ong, cái kiến cũng vậy); và buộc phải thế, vì công cụ quá thiếu
thốn; đồng thời nhiều khi phải sử dụng tập thể mới hiệu quả. Một tấm lưới
bắt cá phải nhiều người mới sử dụng được. Rất lâu về sau công cụ cá nhân
mới phong phú – nhưng đó là lúc xã hội này đang chuyển sang chế độ chiếm
hữu nô lệ, tiến bộ hơn hẳn.
- Gia đình chưa xuất hiện, vì nam, nữ, già, trẻ đều được “công
hữu hoá” tất, và sống quần hôn không cần phân biệt thế hệ.
Nói thêm không thừa về
công hữu hoá khi xã hội đã vượt qua thời kỳ mông muội. Ở một nước láng
giềng với ta, có thời gian các nhà cách mạng cực tả đã triệt để “xoá
bỏ tư hữu”, biến tư liệu sản xuất và đất đai thành “sở hữu toàn dân”
với ý đồ thánh thiện là sớm đưa nhân dân lên… thiên đường. Lập tức, cả
nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên… chế độ cộng sản
nguyên thuỷ. “Nhân dân” thành con sâu, cái kiến.
|
- Săn bắt và hái lượm là phương thức kiếm ăn chủ yếu. Của trời
không ê hề để mọi người có thể làm giả ăn thật. Xã hội phải bỏ ra 90% thời
gian ban ngày và 90% sức lực để lo miếng ăn.
- Con người chưa thể có ý thức về cá nhân và quyền lợi cá nhân.
Nguyên tắc “hi sinh cá nhân cho tập thể” được thi hành triệt để. Không
phải do được giáo dục mà do sự cạnh tranh sinh tồn rất khốc liệt, con
người buộc phải hành động y như ong, kiến để cộng đồng có cơ hội sống sót.
Vậy mà số bộ lạc bị diệt vong vẫn rất lớn, dân số tăng rất chậm. Có bộ lạc
thực hiện nguyên tắc trên bằng cách… vứt bỏ vào rừng sâu những người ốm
yếu, già cả (để họ hi sinh cao cả vì lợi ích tập thể). Nhưng khi xã hội
phát triển cao, cũng là lúc các mối đe doạ giảm đi, ý thức cá nhân có điều
kiện nảy nở, khiến con người trở nên “người” hơn. Tuy nhiên, nếu một khi
cộng đồng lại lâm vào nguy cơ diệt vong thì nguyên tắc trên lại được áp
dụng - cho tới khi thanh toán được mối đe doạ. Như vậy, cái nguyên tắc này
giúp cho xã hội cơ may sống sót trước một nguy biến, nhưng cản trở sự tiến
hoá xã hội.
- Xã hội nguyên thuỷ chưa thể có giai cấp, vì sự phân công còn
quá sơ sài, ai cũng phải có năng lực “toàn diện”. Ai cũng biết đi câu,
trèo cây, đuổi thú... Tiến hoá xã hội thời đó không do đấu tranh giai cấp,
mà do tích luỹ kinh nghiệm và hiểu biết (tri thức). Tốc độ phát triển tuy
rất chậm chạp, nhưng sẽ tới lúc giai cấp phải xuất hiện để loài người
thoát khỏi thời kỳ mông muội.
“Trí thức” dưới chế độ cộng sản nguyên thuỷ
Xã hội nguyên thuỷ tối tăm và hoang dã nhưng vẫn có lớp người ít nhiều
mang dáng dấp trí thức, tuy họ vẫn phải vất vả tham gia lao động chân tay.
Đó là những người nhờ từng trải cộng với năng lực tư duy vượt trội nên
tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, nhiều hiểu biết, do vậy được cộng đồng
tín nhiệm mà tuân theo những chỉ dẫn. Ví dụ, “già làng, già bản” của xã
hội Việt Nam xa xưa. Họ là quyển “bách khoa toàn thư” của cộng đồng với số
trang ít ỏi đến thảm hại. Ấy vậy mà vị “trí thức” này, ngoài cách truyền
khẩu, không còn cách nào khác chuyển giao hiểu biết của mình cho đời sau.
Sự rơi vãi sẽ rất lớn vì trí nhớ cả người nói lẫn người nghe đều hữu hạn.
Ví dụ, một bộ lạc đã tồn tại 100 năm, qua 4-5 đời “già bản”, thì kho kiến
thức của vị đầu tiên với vị cuối cùng không khác nhau bao nhiêu. Rơi rụng
kiến thức là một nguyên nhân hàng đầu khiến xã hội tiến lên rất chậm. Đủ
hiểu ý nghĩa vĩ đại của sự sáng tạo chữ viết – phương tiện thay tiếng nói
ghi lại lâu dài các kiến thức.
Đáng chú ý, khi đưa một số trẻ em từ một bộ lạc (còn sót lại tới ngày
nay) vào môi trường giáo dục hiện đại, chúng tiếp thu khoa học và phát
triển tư duy không kém chúng ta. Từ đây, có thể thấy vai trò “đi tắt, đón
đầu” của giáo dục đối với những nước lạc hậu, nhưng mấy ai biết rằng triết
lý tiên tiến trong giáo dục mới là cái quyết định nhất để hiện thực hoá
“đi tắt, đón đầu”.
Cạnh “già bản” bao giờ cũng có “thầy mo” (hay nhân vật tương tự) với
chức năng đáp ứng nhu cầu tinh thần. Cụ thể, ông ta làm trung gian giao
tiếp giữa người và các thế lực siêu nhiên, mà công việc là dùng lễ vật và
nghi thức để cầu phúc và tránh họa. Vị thế trung gian buộc ông phải mạo
nhận là “phiên dịch hai chiều” giúp thần linh hiểu được lời cầu xin và
giúp người trần hiểu được lời phán bảo. Tuy nhiên, có thể nói, khi con vật
bắt đầu có niềm tin thì nó thành… con người, và đòi hỏi thoả mãn niềm tin.
Vậy, xã hội cần ông. Khỏi cần nói, niềm tin thuở sơ khai mang nặng tính mê
tín.
Văn minh nông nghiệp: Mảnh đất của chế độ chiếm hữu nô lệ và
phong kiến
Chế độ chiếm hữu nô lệ
Thời nay, quá dễ để lên án sự tàn bạo của chế độ này (nhất là khi cần
thể hiện lập trường cách mạng) vì không chủ nô nào còn sống để cãi lại.
Dẫu sao, chế độ này là tất yếu. Tất yếu ra đời vì có nhiệm vụ lịch sử; tất
yếu tiêu vong vì hết vai trò. Tất yếu, vì nó hơn hẳn xã hội nguyên thuỷ về
mọi mặt; ví dụ, dưới chế độ này con người không ăn thịt đồng loại nữa.
Đây là xã hội đã có “của ăn, của để” nhờ vậy tách ra được một lớp người
không cần lao động chân tay - mà đời sau coi là “bọn ăn bám”, hưởng lạc,
một số còn xa xỉ. Tiếng Việt ta rất đắc dụng với vô số từ ngữ biểu cảm
(khá dễ gặp trên báo chí nước nhà) để gọi họ là “chúng”, là “bọn”, là
“lũ”, “đồ”… cho thoả lòng căm tức. Bị kết tội gay gắt nhất là “lũ” chủ nô
và “bọn” tu sĩ, do vậy dưới đây sẽ có vài lời về “chúng”.
Những nghiên cứu về chế độ nô lệ cho thấy “lũ ăn bám” nói trên chính là
tầng lớp chuyên lao động trí óc, có công sáng tạo ra các ngành khoa học
(tự nhiên và xã hội), nghệ thuật, văn học, triết, tôn giáo... và tạo dựng
nên các nền văn minh cổ đại, rực rỡ một thời. Aristote (triết học),
Pythagore (toán học), Hippocrate (y học)… là những “kẻ” có tên trong “bọn”
nói trên.
Nói: Những kim tự tháp đồ sộ ở Ai Cập do công sức của hàng triệu nô lệ
xây nên. Rất đúng, kể cả về lập trường. Nhưng nói: Nếu không có người tính
toán, thiết kế, lập kế hoạch, chỉ huy, giám sát… thì dẫu có tăng số nô lệ
lên gấp đôi cũng không xây nổi nửa cái như thế. Cũng lại đúng.
- Dẫu sao, trí thức thời
nô lệ chưa tách khỏi nhóm quyền lực mà hoà trộn “như một”. Họ có mọi
quyền lợi như nhóm thống trị.
- Dưới chế độ phong kiến: Hai bên vẫn gắn kết vì quyền lợi chung,
nhưng đã có những tách bạch, ngày càng rõ. Ví dụ, có xếp loại đưa trí
thức (quan lại) vào tầng trung lưu, còn giới thống trị là thượng lưu.
Khi chế độ phong kiến suy tàn, lòng trung thành của trí thức suy giảm.
Một bộ phận ngày càng lớn đã chống lại triều đình bằng tư tưởng, ngôn
luận (ở châu Âu) hoặc bằng bạo lực (ở châu Á).
- Dưới chế độ tư bản; “Trí thức là trí thức, quyền lực là quyền lực”.
|
Chủ nô. Cách hiểu thiên lệch về giới chủ nô đưa đến
kết luận chắc nịch rằng “chúng” phải bị tiêu diệt càng sớm càng tốt, mà
quên rằng đây là những nhà quản lý thích hợp với xã hội. Nay, chúng ta
hiểu rằng xã hội chiếm hữu nô lệ là đoạn đường loài người phải trải. Xin
chớ nói chuyện vô duyên: “bỏ qua” chế độ này để “tiến thẳng” lên chế độ
phong kiến. Dưới chế độ này, dù lao động bị cưỡng bức bằng roi vọt, nhưng
cuộc sống vật chất, tinh thần, tuổi thọ, tỷ lệ sinh… của họ vẫn khác xa
con người ở xã hội nguyên thuỷ.
Không ai khác, chính là chủ nô đã “đào óc” tìm ra cách quản lý sao cho
phù hợp và hiệu quả với hoàn cảnh xã hội thời đó. Đó là cách lao động tập
thể, bị giám sát ngặt ngèo và bị thúc ép thô bạo. Nói vắn tắt, đó là kiểu
lao động “xô bồ và cưỡng bức”. Cách này còn được duy trì, nếu năng suất xã
hội còn tăng. Nếu (giả sử) có một vị thánh “nứt trời rơi xuống”, ban cho
quần chúng “quyền làm chủ tập thể” thì xã hội này trước sau sẽ quay về xã
hội nguyên thuỷ, rất gần xã hội loài vật. Lý giải không khó. Chịu nghe lời
lý giải mới khó.
Khi cách lao động “xô bồ và cưỡng bức” không còn hiệu quả nữa (kể cả đã
sử dụng cực hình), giới chủ nô buộc phải “vắt óc” để sáng tạo ra cách quản
lý mới. Cụ thể, đó là cách “khoán sản phẩm đến từng hộ nô lệ”. Chính là
nhờ cách này mà chủ nô chuyển hoá thành vua quan (sở hữu đất đai cả nước),
nô lệ thành nông dân tá điền (chỉ được trao “quyền sử dụng đất”, tất nhiên
có nghĩa vụ nộp tô thuế cho chủ. Và đất có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào).
Tóm lại, không cần đổ máu, chế độ chiếm hữu nô lệ “diễn biến hoà bình”
thành chế độ phong kiến. Cách đây nhiều ngàn năm, quần chúng nô lệ cũng
chỉ dám mong ước đến thế là cùng. Không ai trong số họ hình dung nổi sau
này con người lại có cả quyền tư hữu đất đai, để “con người ra con người”.
Tu sĩ. Cách hiểu tai hại của hậu thế coi tôn giáo chỉ
toàn là tiêu cực, khiến tu sĩ thành “bọn áp bức tinh thần” - đứng bên cạnh
chủ nô (bị coi là “bọn áp bức thể chất”). Quả thật là không thiếu ví dụ
tiêu cực do tôn giáo gây ra, nhất là khi nó cấu kết mờ ám với chính quyền
(như ở thời Trung Cổ), nhưng nói tôn giáo “toàn là tiêu cực” (với ý đồ
“xoá bỏ” nó) là một thiện ý rất tai ác.
Niềm tin, và nhu cầu thoả mãn niềm tin, là một đặc trưng rất “người”.
Do vậy tôn giáo tất yếu phải sinh ra. Xã hội chiếm hữu nô lệ phải có tu sĩ
thay cho “thầy cúng”. Từ niềm tin mê tín chuyển sang niềm tin tôn giáo là
bước chuyển biến rất vĩ đại trong đầu óc con người. Sự xuất hiện tôn giáo
- điều không thể có ở loài vật, thậm chí cả ở người nguyên thuỷ - là bước
tiến lớn.
Đã là tôn giáo, ắt phải có lý thuyết (tức giáo lý), phải dễ hiểu đối
với tín đồ. Chính nhờ vậy niềm tin bắt đầu có cơ sở, có lý lẽ, khác hẳn
với niềm tin do mê tín - thuần tuý do sợ hãi. Tôn giáo nào cũng đòi hỏi
mọi người sống hướng thiện. Điều này rất cần khi pháp luật thời nô lệ còn
sơ sài và chưa vươn đủ tới mọi ngõ ngách. Tồn tại đã hàng ngàn năm, tôn
giáo nào cũng bổ sung và hoàn thiện giáo lý, nghi lễ, cho phù hợp với cuộc
sống. Tôn giáo mở rộng, mê tín sẽ thu hẹp và tìm cách lẩn khuất vào tôn
giáo – mà các vị chân tu rất muốn loại trừ.
Có thể, tôn giáo có con đường tiêu vong riêng, nhưng chưa phải lúc nếu
số lượng tín đồ còn được tính bằng triệu và tỷ. Ý đồ tiêu diệt một tôn
giáo, dù dưới chiêu bài nào, thực chất đều đưa đến kết quả một tôn giáo
khác được áp đặt.
Trí thức dưới chế độ phong kiến
Chế độ phong kiến phù hợp với giai đoạn phát triển cao của nền văn minh
nông nghiệp - tức là nó đã hàm chứa cái mầm của nền văn minh công nghiệp
mà biểu hiện là giai cấp tư sản đang hình thành. Nhìn bằng con mắt hôm
nay, chế độ phong kiến không thiếu tội. Nhưng nếu (giả sử thôi nhé) có một
đấng cứu thế muốn thật lòng ban phát cho dân một chế độ “cao hơn phong
kiến” thì… chỉ sau vài hồi loanh quanh thực thi ân lệnh, “chế độ mới” vẫn
cứ hiện hình với một triều đình độc đoán được nguỵ trang bằng cái áo vì
dân. Dân vẫn bị áp đặt một tôn giáo mới thay cho đạo Khổng. Và trí thức
vẫn chỉ có con đường làm quan. Các cụ đã nói cấm có sai: Mọc lên vội vàng
từ nền văn minh nông nghiệp chỉ có thể là chế độ mang những đặc trưng
phong kiến.
Có những cái chung và riêng giữa trí thức Đông và Tây dưới
chế độ phong kiến.
Cái chung. Cùng có cơ sở là nền văn minh nông nghiệp,
do vậy thân phận và cách hành xử của trí thức dưới chế độ phong kiến cũng
tương tự như dưới chế độ nô lệ. Nghĩa là, họ được trọng dụng và trọng đãi
trong thời kỳ hưng thịnh của chế độ. Do vậy, hầu hết trí thức (sĩ phu)
tiến thân bằng con đường làm quan. Đổi lại, họ dốc sức phục vụ, xây dựng
và phát triển chế độ.
Bên trời Tây, do giai cấp
tư sản đã có mặt, khoa học phát triển và thành nhu cầu xã hội; nên trí
thức còn có thể “làm quan” trong các viện nghiên cứu, trường đại học.
Hoàng gia các nước Anh, Đức, Nga, Thuỵ Điển… thành lập nhiều Viện khoa
học, Viện hàn lâm... Ngoài hoạt động trong khu vực hành chính, trí
thức còn là những ông quan phục vụ chế độ bằng hoạt động khoa học, văn
học, nghệ thuật, triết lý. Các hoạt động này làm đẹp mặt chế độ, nhưng
cũng là một động lực đẩy chế độ phong kiến chuyển sang chế độ tư bản.
Sẽ tới lúc tư tưởng cấp tiến của trí thức làm triều đình lo ngại; còn
thành quả nghiên cứu của họ khiến tôn giáo bất an vì có thể trái giáo
lý. (Dễ cắt nghĩa, vì sao ở phương Đông chưa thể đạt tới trình độ
này). Nhà thờ đã kết hợp với triều đình hạn chế tự do tư tưởng, cấm
đoán công bố kết quả nghiên cứu khiến giới trí thức chịu đau khổ và
bực mình nhất. Sự phản ứng mạnh mẽ của trí thức được giai cấp tư sản
hậu thuẫn đã kết thúc thời Trung Cổ, chuyển sang thời Khai Sáng, tạo
tiền đề cho các cuộc cách mạng tư sản.
|
Cái riêng. Ở phương Tây, chế độ phong kiến đã phát triển hết mức, nghĩa
là giai cấp tư sản đã hình thành và có công lớn chuyển chế độ phong kiến
từ phân quyền sang tập quyền. Giai cấp phong kiến đương quyền, dù ghét,
vẫn không thể “bóp nghẹt” giai cấp tư sản (như ở phương Đông).
Còn với phương Đông, cụ Phan Khôi từng viết (ý): “An Nam ta chưa có
chế độ phong kiến” với cách hiểu là chế độ này chưa phát triển đủ mức
thì thực dân Pháp đã nhảy bổ vào đô hộ nước ta. Hành xử của trí thức Việt
Nam trong hoàn cảnh “thuộc địa, nửa phong kiến” này có những đặc trưng
riêng, sẽ được đề cập trong một bài khác. Còn họ hành xử thế nào dưới chế
độ phong kiến nói chung, xin xem ở một bài, nhan đề
Hành xử của trí thức
dưới chế độ cũ.
Bởi vậy, khi nói về trí thức phong kiến, phải phân biệt giữa phương
Đông và phương Tây.
Cái gốc khác biệt là:
- Một bên, trí thức vẫn còn răm rắp suy nghĩ và hành động theo chuẩn
mực vua ban (đạo Khổng), mà chưa có chút khái niệm gì về dân chủ, tự
do, Lời thề của quan lại dưới thời Lý (ghi trong Đại Việt Sử Ký):
“Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung xin quỷ
thần bắt tội”. Cũng từ thời Lý, nước ta có Văn Miếu thờ Khổng Tử
cho tới khi nhà Nguyễn mất ngôi. Phẩm chất cao nhất của trí thức
phương Đông là liêm khiết, bênh dân, dám can vua và dám từ quan. Chu
Văn An là tiêu biểu.
- Còn bên kia thì không như thế, và không chỉ có thế, vì trí thức đã
sớm biết Voltaire, Montesquieu hay Rousseau nói gì, và sẽ tới lúc họ
cảm nhận được tương lai thuộc về giai cấp tư sản...
Khi chế độ phong
kiến Phương Tây suy tàn (sớm hơn phương Đông vài-ba thế kỷ), trí thức
dùng kết quả nghiên cứu và lý luận chống lại ý thức hệ chính thống,
đòi tự do. Còn ở nước ta, phải tới đời Minh Mạng, Tự Đức, mới lẻ tẻ có
một số sĩ phu chống lại triều đình, nhưng chưa có giai cấp tư sản đủ
lớn hỗ trợ; do vậy, họ chỉ có thể lãnh đạo nông dân “làm giặc”. Nhưng
mục tiêu hai bên không như nhau: nông dân chưa có nhu cầu đòi tự do,
mà chỉ đòi cơm áo; còn trí thức thì ngược lại. Trống xuôi, kèn ngược,
tất yếu thất bại.
|
Trí thức dưới chế độ tư bản
Bài
Suy nghĩ về khái niệm trí thức
cho thấy danh từ trí thức xuất hiện ở nước Pháp vào đầu thế kỷ XX,
chỉ 20 hay 30 năm sau đã nhảy vào từ điển và được toàn thế giới sử dụng.
Trước đó, có nhiều từ ngữ khác nhau để chỉ những người có học vấn cao - mà
bài này gọi một cách quy ước là “trí thức”. Nay tới lúc cần làm rõ khái
niệm và nội hàm.
Intellectuel (Pháp) hay
intellectual (Anh) vốn là một tính từ, còn danh từ gốc của nó là
intellect (trí tuệ, trí thông minh). Nhưng một văn bản công bố năm
1906 - do nhà văn Zola ký tên đầu - lại được thủ tướng Pháp Clemenceau
(tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste
Des Intellectuels). Cách gọi này đã biến một tính từ thành một danh từ
mới, chưa có nội hàm xác định, càng chưa thể có trong các đại từ điển
thời đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa
1885-1902.
Có người nói, cụ Đào Duy Anh đã dịch Intellectuel sang tiếng Việt là
“trí thức”, còn người sử dụng từ này đầu tiên trong một bài viết là cụ
Phạm Quỳnh. Tuy cần xác minh thêm, nhưng rốt cuộc chúng ta có một từ
hoàn toàn mới với nội hàm không trùng khớp với các từ đã có, như: sĩ
phu, nho sĩ, hiền tài, học giả, trí giả, bác học…
Quả là trí thức là sản phẩm của nền văn minh công nghiệp mà các nền
văn minh trước đó không thể có.
|
Vụ Dreyfus (Dreyfus Affair): hoàn cảnh ra đời của từ
trí thức
Bà quét dọn (người Pháp) làm lao công ở sứ quán Đức được lệnh không đốt
giấy tờ ở sọt rác mà phải giấu kỹ, nộp cho cơ quan phản gián (nguỵ trang
dân sự). Người ta thu được một bản viết tay gạ bán bí mật quân sự. Phong
trào điên cuồng bài Do Thái, cộng thêm nguy cơ chiến tranh với Đức đã hiển
hiện khiến đại uý Dreyfus (gốc Do Thái) bị nghi là thủ phạm. Trong 5
chuyên gia giám định chữ viết, có 3 người coi đó chính là chữ của Dreyfus
cố ý viết khác đi. Thế là đủ để ông bị bắt khẩn cấp! Báo chí “yêu nước”
(bài Do Thái, chống Đức và tôn vinh tuyệt đối quân đội) hùa nhau kết tội,
nổi bật nhất là lập luận: “Hễ đã bị quân đội bắt giam, ắt là có tội”. Hai
phiên xử kín: kết án chung thân, đày biệt xứ. Nhưng có một bộ phận dân
chúng và báo chí nghi ngờ vụ án (xử kín, thiếu chứng lý, bị cáo dứt khoát
không nhận tội, gia đình bị cáo phản đối quyết liệt). Người ta tiến hành
điều tra riêng, sau một-vài năm, nghi vấn đổ lên đầu viên sĩ quan
Esterházy, gốc Hung, cùng đơn vị với Dreyfus. Toà án quân sự buộc phải xử,
nhưng cả hai phiên toà vẫn “nhất trí” để Esterházy trắng án - kể cả khi cô
nhân ngãi bị bỏ rơi của ông này công bố lá thư tình có nét chữ y hệt cái
bản “gạ bán bí mật quân sự” kia. Vấn đề là một nhóm quyền lực rất mạnh
không muốn sửa lại những quyết định bất nhân, bất công của họ. Khi biết
chuyện, nhà văn Zola đã dẫn đầu những người công minh chính trực, đầy uy
tín, “vào cuộc” với quyết tâm không lay chuyển. Nhưng đó cũng là lúc
Dreyfus đã bị đưa sang Guyane, biệt tăm mấy năm trời; vụ án tưởng đã an
bài, ngoài gia đình, mọi người đã quên ông. Không những Zola chống lại một
thế lực rất mạnh trong hệ quyền lực, mà còn chủ ý tự vi phạm cả những định
chế pháp luật mà quốc hội đã thông qua (vì nó đi ngược thời đại). Nghĩa là
ông chủ định làm bị can trước toà để có cơ hội tố cáo. Ông hoàn toàn ý
thức việc mình cố ý “vi phạm luật” vì nhiều mục đích: 1) phản đối để xoá
bỏ độc quyền xử kín của toà án quân sự; 2) toà án là nơi để ông nhắc lại
vụ Dreyfus, khỏi bị quên lãng; 3) lên án đám báo chí hùa theo dư luận sai
trái (bài Do Thái) hoặc bị quyền lực giật dây… Nhờ ông, cuộc tranh luận
bùng phát lại trên báo chí, kéo dài mấy năm, chia nước Pháp thành hai phe:
phe đòi “xét lại” vụ án và phe “chống xét lại” nó. Cả hai phe đều phải
dùng từ trí thức trong tranh luận, nhưng một bên tôn vinh, trọng thị, còn
một bên dè bỉu, mỉa mai. Điều thú vị là sự trái ngược này khiến người ta
phải định nghĩa trí thức.
Zola đã hai lần bị toà án kết 2 tội: vu cáo và vi phạm pháp luật. Ông
bị phạt tiền, phạt tù một năm (phải trốn sang Anh). Nhờ án phạt (rất đúng
luật, nhưng rất trái lương tri và đạo đức), sự phán đối bùng lên càng dữ
dội. Zola không khuất phục. Cuối cùng, ông mất (nghi bị ám sát) mà không
nhìn thấy ngày chính nghĩa toàn thắng. Hiện thi hài ông nằm trong điện
Panthéon, nơi chôn cất các danh nhân nước Pháp. Bài báo phản đối của ông
được đánh giá “hay nhất thời đại”, tiêu biểu cho báo chí chính trực.
Phẩm cách trí thức
Từ trí thức được
sử dụng theo thói quen để chỉ những người (ở bất cứ chế độ nào):
1) có học vấn cao; và 2) sử dụng học vấn để hành nghề.
“Học vấn cao” cũng được hiểu một cách rất quy ước: Thời kháng chiến
chống Pháp, tú tài đã là trí thức; gần đây, là cao đẳng hoặc cử nhân.
Đó cũng là nội dung của những định nghĩa phổ cập, thấy trong sách giáo
khoa và cả trong từ điển. Nếu như vậy, nền văn minh nào cũng có trí
thức.
Thật khó phản đối ngôn ngữ tuỳ tiện của đa số, đến nỗi từ điển cũng
đành phải theo đấy mà đưa vào nội dung của định nghĩa. Ví dụ, “bao tử”
không phải là tử cung hay dạ con, mà là dạ dày. Dẫu sao, nó cũng chưa
gây ra rắc rối nào đáng kể (mà còn thuận tiện), trừ khi cần làm rõ nội
hàm để khỏi gây tác hại.
|
Từ trí thức ra đời trong vụ Dreyfus, khiến người ta
phải thêm những phẩm cách mới mà “trí thức” trước đó chưa có (chưa thể có,
chưa dám có). Khi nêu phẩm cách trí thức, người ta nhìn vào hình mẫu Zola
và nhóm của ông để có cái nhìn cụ thể và đầy đủ hơn. Đó là:
- Phản đối, đòi sửa hoặc huỷ, các quyết định sai trái của quyền
lực. Biện pháp là phê phán bằng lập luận thuyết phục và cái tâm trong
sáng, khen chê công bằng. Nay gọi là phản biện - chuẩn số 1. Qua hình ảnh
Zola, ta thấy trí thức là người can đảm, công minh, chính trực, khiêm
nhường; nhưng cũng chính do vậy, trí thức biết lắng nghe để hiểu hết ý
kiến người đối thoại, biết chấp nhận lẽ phải và phục thiện.
Cách diễn đạt khác, chung hơn: Kiến tạo các giá trị Chân, Thiện, Mỹ
chưa đủ; là trí thức, anh còn phải kiên quyết chống lại sự xâm hại những
giá trị đó. Zola là vậy.
- Công khai và minh bạch mục đích để được mọi người phán xét,
đồng thời tranh thủ sự đồng tình rộng rãi. Qua đó, trí thức thực hiện sứ
mệnh nâng cao dân trí, giác ngộ quần chúng, đề cao chính nghĩa. Suy ra,
trí thức chỉ xuất hiện khi đã có tự do báo chí; báo chí đã trở thành quyền
lực thứ tư, cũng độc lập như 3 quyền kia.
- Liên kết, tập hợp, những người có cùng một mục tiêu cụ thể
(ví dụ, đòi xử trắng án cho Dreyfus), mà không nhằm tham vọng cá nhân. Do
vậy, sự liên kết không nhằm tạo ra “đội ngũ” mà là sự tập hợp của những
người tự do trên cơ sở đồng thuận về vấn đề mà họ đang tranh đấu đòi thực
hiện.
* * *
Như vậy, khái niệm “trí thức” - trải qua các nền văn minh khác nhau -
có sự kế thừa và phát triển. Nền văn minh trí tuệ đang hình thành nhất
định sẽ tạo ra lớp trí thức mới, với những phẩm cách mới. Các đợt sóng của
nền văn minh thứ ba - văn minh trí tuệ - với tiếng vỗ của nó đã văng vẳng
dội vào nước ta, cộng với một Nghị Quyết vừa ra đời liên quan tới trí
thức, liệu chúng ta có thể hi vọng một lớp trí thức mới sẽ xuất hiện thay
cho lớp cũ “thích làm quan”?
Bài phỏng vấn GS Nguyễn Huệ Chi
do báo Sinh Viên Việt Nam thực hiện thật đúng lúc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét