Các nhà nghiên cứu thu thập số liệu từ 7000 người tại 28 quốc gia. Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà khoa học nghiên cứu sự ảnh hưởng của đặc tính hướng ngoại của toàn xã hội (societal extraversion) trên mối tương quan giữa đặc tính hướng ngoại của từng người tham gia (individual extraversion) và thành quả cuộc sống của họ (tình trạng chung, các cảm xúc lạc quan, sự hạnh phúc). Đặc tính hướng ngoại của toàn xã hội được đo bằng cách phân tích số liệu khi mọi người đánh giá lẫn nhau trong khi đặc tính hướng ngoại và thành quả cuộc sống của từng người tham gia được chính người đó đánh gia.
Trong thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu kết hợp các chỉ số của sự thay đổi trong cuộc sống (locomotion), sự thăng tiến (promotion) và sự hướng ngoại (extraversion) để tạo một thang đánh giá xã hội mới. Họ xem xét tầm ảnh hưởng của thang đánh giá này trên sự tương quan giữa từng ba tính cách (locomotion, promotion, extraversion) và sự tự đánh giá cao bản thân của từng người tham gia (self-esteem). Tất cả các thang điểm người tham gia tự báo cáo. Các nhà khoa học cũng tiến hành xử lý số liệu để đảm bảo không có sự sai lệch kết quả do sự khác biệt văn hóa.
Kết quả cho thấy sự tương quan gữa một đặc tính và sự tự đánh giá cao bản thân khá mạnh mẽ ở những xã hội thể hiện các đặc tính này rõ ràng. Ví dụ trong thí nghiệm một, sự tương quan giữa đặc tính hướng ngoại của một cá nhân và tình trạng chung của ta (hạnh phúc, cảm xúc tích cực) rất cao nếu thang điểm đánh giá mức độ hướng ngoại của xã hội đó cũng đồng thời cao.
Kết quả của thí nghiệm này cho chúng ta thấy con người sẽ sống hạnh phúc hơn và tự tin hơn nếu sống trong những môi trường cũng đánh giá cao đặc tính của anh ta. Điều này giải thích tại sao các công ty lớn dần tuyển dụng người địa phương thay vì gửi các nhân viên từ tập đoàn mẹ. Thí nghiệm này đồng thời giải thích hiện tượng khá nhiều người không thể hòa nhập với môi trường mới. Trước đây, đặc biệt tại xã hội Hoa Kì, những người nhập cư thường bị chỉ trách cá nhân là lười biếng và phụ thuộc. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm cho thấy nguyên nhân sâu xa có thể thuộc về đặc tính môi trường. Vì thế, các chương trình hỗ trợ người nhập cư nên chú trọng vào việc giới thiệu văn hóa thay vì chỉ dạy ngoại ngữ. Một điểm yếu của thí nghiệm là việc lấy số liệu chủ yếu từ sinh viên. Vì vậy, các nhà nghiên cứu có thể tăng độ chính xác và tin cậy của kết quả bằng việc thu thập số liệu từ các thành phần khác nhau của xã hội.
Vấn đề "môi trường tính cách" rất quan trọng khi một người xác định mục tiêu tương lai của mình. Nếu bạn là một người thích làm việc với từng công đoạn rõ ràng, các quy trình chi tiết, tốc độ làm việc chậm mà chắc, mạng lưới đồng nghiệp rộng khắp, quy mô công việc tầm cỡ, bạn là một người thích hợp với công ty, tập đoàn lớn và lâu đời. Nếu bạn là một người thích làm việc với tốc độ nhanh, quy trình còn mới và cần nhiều sự sắp xếp, mạng lưới đồng nghiệp thân và nhỏ, quy mô công việc nhỏ nhưng nhiều tiềm năng phát triển vũ bão, bạn là một người thích hợp với các công ty khởi nghiệp (start-up).
Trong nhiều trường hợp, tính chất công việc chiếm vai trò quan trọng hơn năng lực cá nhân trong việc quyết định mức độ hạnh phúc. Một người giỏi nhưng không phù hợp với tính chất công việc tại các tập đoàn lớn cũng đồng thời rất dễ rơi vào trầm cảm và mất đi sự tự tin, trong khi người đó hoàn toàn có thể phát huy năng lực tại một nơi phù hợp hơn. Hãy nghiên cứu kỹ để biết rõ năng lực của mình sẽ được phát huy tối đa ở đâu và mình sẽ trở nên hạnh phúc tại công ty nào. To lớn không phải tốt nhất, tập đoàn không phải sự lựa chọn duy nhất, đối với nhiều người, khởi nghiệp hoàn toàn có thể là một lựa chọn phù hợp hơn.
LAN T (VIET PSYCHOLOGY)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét