Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013
Sự vặn vẹo của công lí – Ngải Vị Vị nói về phiên tòa thế kỉ ở Trung Quốc
16:14
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Phiên tòa xử Bạc Hi Lai vừa kết thúc sẽ
được nhớ đến như cột mốc chính trị quan trọng nhất trong lịch sử đương
đại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều năm sau khi Mao Trạch Đông mất
vào năm 1976, những phiên tòa có tính trình diễn là chuyện bình thường.
Do vai trò của họ trong Cách mạng Văn hóa, “bè lũ bốn tên” bị quy kết và
kết án đơn giản là “hoạt động chống Đảng”. Nhưng bây giờ, một vụ án
chính trị phải xem xét nhiều yếu tố hơn.
Khi Trung Quốc gánh vác vai trò quan
trọng hơn trong các hoạt động quốc tế và quảng bá về sự tăng trưởng kinh
tế nhanh chóng của mình trong suốt 30 năm qua, giới lãnh đạo đất nước
này tìm cách tạo cho mình uy tín trong việc trị quốc theo tinh thần pháp
trị. Với phiên tòa xử Bạc Hi Lai như một phép thử, ban lãnh đạo mới đã
nỗ lực giữ ảo tưởng đó và để có thể xuất hiện một cách cởi mở và tự tin
trước nhân dân nước mình. Nhưng cuối cùng, cố gắng của họ đã thất bại.
Các nhà lãnh đạo Đảng hẳn phải coi
trường hợp của Bạc là một khối u phát triển ngay cạnh động mạch cảnh –
chữa trị thì quá nguy hiểm mà để đó thì nó lại lớn quá nhanh. Tất cả
những người dính líu tới vụ này đều là thành viên của nhóm tinh hoa, cả
trên phương diện xã hội lẫn chính trị, bắt đầu từ cựu Ủy viên Bộ Chính
trị Bạc; vợ ông ta, bà Cốc Khai Lai; Giám đốc Công an Trùng Khánh, người
có thể là nhân tình của bà Cốc; một doanh nhân người Anh đã bị hạ sát;
các doanh nhân hàng đầu của Trung Quốc và nước ngoài; thậm chí ngay cả
cậu con trai của Bạc, có bằng tốt nghiệp Harvard’s Kennedy School.
Một vở kịch bị xuyên tạc
Nhằm trình diễn sức mạnh và chứng tỏ
Đảng đứng trên những âm mưu nhỏ nhen, chính quyền quyết định đưa ra một
bản tường thuật “trực tiếp” – nhưng rõ ràng là bị kiểm duyệt – về phiên
tòa. Bản tường thuật này chắc chắn đã cung cấp cho chúng ta một món giải
trí khá thú vị; không có kịch bản định trước nào có thể soạn cho một vở
kịch bị xuyên tạc thú vị đến thế.
Nhưng khi đưa ra một bản tường thuật đã
bị kiểm duyệt, các quan chức lại tạo ra nhiều câu hỏi hơn lời đáp. Còn
công chúng thì biết rằng họ không được thấy toàn bộ bức tranh, họ chỉ có
thể suy đoán về những phần chính của câu chuyện bị che giấu. Thậm chí
phản ứng của họ cũng bị kiểm duyệt: trong vòng một ngày, Tòa án Tế Nam
nhận được hơn 4.000 bình luận trên mạng Weibo – một phiên bản Twitter
của Trung Quốc – nhưng chỉ có 22 bình luận được phép hiển thị.
Kiểm duyệt vẫn là phản ứng đương nhiên
của chế độ trước mọi bùng phát của dư luận xã hội. Thí dụ như vụ này,
đấy là khi cần minh bạch thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể thực
sự cởi mở, hoặc làm sao để được dân chúng hiểu và có cảm tình với mình.
Không những thế, chính quyền tìm cách giữ bản tường thuật phiên tòa
trong giới hạn sao cho không làm lung lay nền tảng của Đảng.
Có lẽ chế độ nghĩ rằng có thể tránh
những câu hỏi khó chịu bằng cách tập trung vào những cáo buộc có tính
hình sự đối với Bạc, như thể đây là một phiên tòa bình thường, được tổ
chức theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đây là một trò hề mà không
một người Trung Quốc nào tin.
Do quá chú tâm nhằm duy trì ảo tưởng,
các công tố viên đã có những sai lầm rõ ràng về mặt thủ tục, họ sử dụng
những bằng chứng gian lận và đưa ra tòa các nhân chứng rõ ràng đã bị ép
phải làm chứng. Được tiến hành theo cách tự chuốc lấy thất bại như thế,
cả mục đích cũng như kết quả cuối cùng của phiên toà đều trở thành lố
bịch. Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ tin rằng Bạc được xử một
cách công bằng, vì họ biết rằng người ta chỉ đưa ra một phần sự thật mà
thôi.
Có thể Bạc quả thật mắc tội tham nhũng
và lạm dụng quyền lực, như tòa tin chắc. Nhưng một phần công lí không
phải là công lí. Chỉ có thể có công lí hoặc chẳng có tí công lí nào.
Ngay cả một trò chơi đơn giản nhất cũng cần những quy định rõ ràng. Nếu
không, cuộc chơi chỉ có thể được coi là “điên rồ”, như Bạc nói về lời
khai trên băng video của vợ mình.
Nếu chế độ đã không thể truyền tải được
thông điệp như dự kiến về phiên tỏa xử Bạc thì thông điệp nào đã được
truyền đi? Các cán bộ phải biết rằng hối lộ sẽ bị trừng phạt, dù chức vụ
có cao đến mức nào. Tuy nhiên, phiên tòa chẳng những không khuyến khích
đảng viên phải trung thực hoặc chăm chỉ mà lại dạy cho họ rằng trước
hết phải làm tất cả để có thể đứng chung hàng ngũ với ban lãnh đạo hiện
nay. Hiến pháp và pháp luật, thậm chí những đánh giá về mặt đạo đức, khó
có chỗ trong những tính toán của họ.
Không an toàn
Kết quả là tất cả các nhà lãnh đạo Trung
Quốc, từ cấp làng xã đến Bộ Chính trị đều cảm thấy bất an. Với luật
pháp tùy tiện như vậy, Đảng đang nuôi dưỡng não trạng ngầm phá hoại việc
đưa ra những quyết định có tính xây dựng và khả năng thay đổi. Chính
khách ở Trung Quốc có địa vị đáng buồn.
Người dân bình thường cũng không khá
hơn. Bạc xuất thân từ một gia đình có nguồn gốc cách mạng lâu đời và
ngay trước khi bị bắt, ông ta là một ngôi sao sáng trên bầu trời chính
trị Trung Quốc – một trong những nhân vật ủng hộ Mao nổi tiếng và hoạt
động khá tích cực, gọi là “Thế hệ đỏ thứ hai.” Ông ta là người đại diện
cho toàn bộ tư duy của ban lãnh đạo hiện nay; còn phong cách, kinh
nghiệm, năng lượng, niềm đam mê và lập trường của ông ta lại là những
nhân tố quyết định giá trị cốt lõi của “Giấc mơ Trung Hoa”. Ngay cả một
người như ông ta mà cũng bị tước mọi chức vụ như thế thì công dân bình
thường còn hi vọng gì? Khi các giá trị như quyền con người, tự do ngôn
luận và công bằng trong lĩnh vực tư pháp đều phải hi sinh vì quyền lợi
của nhóm chóp bu nắm quyền thì chẳng ai có thể an toàn.
Nhận thức đó giúp giải thích vì sao vụ
bắt giữ tôi năm 2011 thu được sự chú ý như thế. Tôi bị bắt và bị tra hỏi
vì tội lật đổ chính quyền, nhưng khi tôi được thả thì chính quyền không
kết án tôi vì bất cứ tội hình sự nào. Không những thế, họ còn kết án
công ty nơi tôi làm việc là phạm tội kinh tế. Vì các quan chức không bao
giờ có ý định điều tra công ty này về những tội như thế, họ đã phạm mấy
sai lầm và tạo ra một vụ án vô nghĩa.
Họ không lường trước sự quan tâm của dư
luận khi tôi đưa vụ này ra công khai. Rất nhiều người đã nhận ra rằng họ
cũng là những người bị chính quyền đối xử một cách tùy tiện như thế.
(Chế độ cũng không ngờ rằng tôi sẽ kiện họ.) Cuối cùng, họ quyết định
không theo đuổi vụ này nữa và im lặng bỏ qua toàn bộ trò hề này.
Mất niềm tin
Hiện nay người Trung Quốc đã có hiểu
biết nhiều hơn và chưa bao giờ họ mất niềm tin vào chính quyền đến như
thế. Đáng lẽ phải thừa nhận và giải quyết thực trạng đó thì chế độ lại
không chịu hợp tác với người dân của mình. Trong tài liệu gọi là “Văn
thư số 9”, bị rò rỉ ra ngoài trong thời gian vừa qua, các nhà lãnh đạo
cao cấp của Đảng Cộng sản đã liệt kê “7 mối đe dọa”, nói rõ rằng “Chế độ
dân chủ phương Tây” và “các giá trị phổ quát” là những mối nguy hiểm
đối với xã hội.
Vì chính quyền Trung Quốc khước từ bầu
cử thật sự, nên xã hội không bao giờ có cơ hội thể hiện ý kiến của mình
về ban lãnh đạo. Nền tảng cho bất kì cuộc giao tiếp, thảo luận hay tranh
luận – những đòi hỏi bắt buộc cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội
hiện đại – chưa bao giờ được thiết lập. Cả về đạo đức lẫn tư tưởng, Đảng
Cộng sản đều quá yếu để đối đầu với công luận.
Xã
hội Trung Quốc bị cái yếu kém đó làm cho biến dạng. Thật thú vị là ngay
lập tức, người Trung Quốc đã biến cử chỉ của Bạc trong một bức hình
chụp tại phòng xử án, với ba ngón tay như thể một lời chào, thành một
biểu tượng cảm xúc. Trong những xã hội mà bạn không thể nói lên sự thật
thì biểu tượng, ám chỉ và so sánh tràn đầy. Điều đó chỉ xảy ra dưới chế
độ độc tài và ngôn ngữ cũng như văn hóa Trung Hoa từ xưa đến nay đều như
vậy.
Người Trung Quốc đánh giá cao những hòn
đá nhân tạo và những cây bonsai có hình thù vặn vẹo, coi chúng như những
ẩn dụ về nền chính trị Trung Quốc. Khi điều kiện sống khắc nghiệt tước
đoạt không gian phát triển tự nhiên thì cuộc đấu tranh giành quyền sống
sẽ tạo ra những hình thức cong queo, vặn vẹo như thế.
Trong những năm sắp tới, có khả năng là
chính quyền cộng sản rốt cuộc sẽ phải đối mặt với những câu hỏi thực sự
về tính chính danh của mình và phải nhận ra rằng họ chỉ có thể cầm quyền
dựa trên hiến pháp và pháp trị chân chính. Nếu không, nếu tiếp tục loại
bỏ vai trò của công luận khỏi quá trình đưa ra quyết định và hi vọng
đánh lạc hướng người Trung Quốc bằng những vở kịch như kiểu vụ xử Bạc
thì chế độ chỉ tự lao nhanh đến chỗ cáo chung. Phiên tòa Bạc Hi Lai có
thể sớm kết thúc, nhưng chế độ vẫn tiếp tục đứng trước vành móng ngựa.
Nguồn: “Ai Weiwei on China’s Trial of the Century”, Bloomberg, 27-8-2013. Nhan đề bổ sung của pro&contra
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Nguyên Trường & pro&contra
0 nhận xét:
Đăng nhận xét