|
“Máu ấy đỏ chung trên lá cờ của chúng ta, phấp phới như một mảnh hồn chung”. Ảnh: Trần Việt Đức
|
Phỏng vấn GS. Cao Huy Thuần,
Lê Ngọc Sơn (thực hiện),
Nguồn: Sài gòn Tiếp thị Online,
đăng ngày 2/9/2013,
SGTT.VN - Từ Pháp, giáo sư Cao Huy Thuần chia sẻ những
hoài niệm của chính ông, một nhân chứng lịch sử của thời khắc tháng 8.
1945. Ông có những trăn trở chân thành của mình đối với sự phát triển
đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Thưa Giáo sư, cảm xúc của Giáo sư là thế nào khi nghĩ về ngày độc lập 2.9 của đất nước?
Tôi nghĩ đến bao nhiêu xương máu đã đổ ra để giành lại
độc lập và bảo vệ độc lập. Bài quốc ca của chúng ta có câu: "Đường vinh
quang xây xác quân thù". Đúng vậy. Nhưng đường vinh quang cũng xây xác
bao nhiêu chiến sĩ, bao nhiêu thường dân, bao nhiêu máu của cả dân tộc,
không phân biệt. Máu ấy đỏ chung trên lá cờ của chúng ta, phất phới như
một mảnh hồn chung, nhắc nhở chúng ta đừng quên: độc lập ấy là máu của
cả dân tộc từ Bắc chí Nam, vinh quang ấy là vinh quang của cả dân tộc từ
Nam chí Bắc.
Ngày độc lập có gắn với kỷ niệm nào của Giáo sư không?
Tôi thuộc thế hệ những người được sống với nền độc lập
1945. Năm ấy, tôi 8 tuổi, kỷ niệm đầy ắp. Là nhi đồng Cứu quốc trong đội
văn hóa của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tôi đi hát lưu diễn từ
huyện này qua huyện khác, có khi cả tuần không về nhà, ghẻ lở khắp lưng
vì không tắm rửa, vì ngủ sau sân khấu, vì ăn toàn mắm với cơm độn khoai.
Thay mặt thiếu nhi, tôi được vinh dự nhảy lên bục, hô
hào toàn quốc kháng chiến, "thưa đồng bào, quân Pháp đã đổ bộ lên Tân
Gia Ba", chẳng biết Tân Gia Ba là cái gì, ở đâu. Quảng Ngãi là đất màu
mỡ của cách mạng, nhiều anh học trò của cha tôi xung phong vào Nam ngay
từ khi mở mặt trận và chết ngay trong những trận đầu tiên, tuổi chưa
tròn mười tám. Tôi đã chảy nước mắt với chiếc khăn tang quấn trên đầu
chị vợ chưa cưới của một anh trong số đó. Chị đẹp làm tôi não nùng. Hình
ảnh đầu tiên về chiến tranh trong ký ức của tôi là như vậy: chị đẹp,
anh trẻ, và chiếc khăn tang.
Chiến tranh là bạo lực, hòa bình là pháp
luật. Chiến tranh là sa trường, hòa bình là nghị trường. Chiến tranh là
lạnh lùng của bộ máy, hòa bình là nồng ấm của hơi thở con người...
|
Lãng mạn chăng? Đúng vậy. Nhưng tôi đang nói đến bối
cảnh đặc biệt của 1945 và không khí tiểu tư sản trí thức chung quanh
tôi. Kháng chiến thuở đầu nhuốm đầy phong vị lãng mạn vừa trí thức vừa
anh hùng. Xung phong vào Nam, các anh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
"Một lần đi là không trở về", thiếu nhi chúng tôi cũng hát như các anh,
tất cả đều là Kinh Kha qua sông Dịch. Từ giã người yêu, chẳng ai nồng
cháy một cái hôn, chỉ lạnh lùng để khỏi vương vấn: "lạnh lùng vung gươm
ra sa trường". Sự thực, tôi chẳng thấy ai đeo gươm, chỉ đôi khi thầm
phục trái lựu đạn cài bên hông. Mà lựu đạn ấy cũng biết lãng mạn: có
trái không nổ. Tôi nghe nói có nhiều anh chết khi xung phong chỉ vì lựu
đạn không nổ. Nhưng sá gì! Các anh chết với nụ cười và bài hát trên môi:
"Quyết chiến sa trường. Sống thác coi thường. Mong xác trong da ngựa
bọc thân thể trai..."
Kháng chiến khởi đầu không thể hào hùng đến thế nếu
thiếu đi cái chất lãng mạn anh hùng ấy trong dòng máu thanh niên trí
thức, nếu thiếu đi những bài thơ trữ tình yêu người yêu nước trong balô
của anh bộ đội. Ít nhất là trong vòng các anh thanh niên mà tôi biết lúc
đó, có hai dòng máu lãng mạn chảy trong huyết quản: một dòng bắt nguồn
từ tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, một dòng bắt nguồn từ câu thơ trong
Chinh phụ ngâm: "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên theo
việc đao cung". Tại sao tôi dám nói thế? Tại vì, từ huyện này qua huyện
khác, tôi đã nghêu ngao một câu hát ấy mà về sau tôi không còn nghe ai
hát nữa ngoài anh Trần Văn Khê: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/ Xếp
bút nghiên coi thường công danh như phù vân/ Sơn hà nguy biến, tiến ta
tiến!/ Hèn thay đời nhàn cự, hèn thay vui yêu đương/ Lúc quê hương cần
người, dứt đường tơ vương, giã nhà lên yên..."
Không Chinh phụ ngâm thì là gì? Tất cả là thơ.
Kháng chiến là thơ. Mà làm gì anh bộ đội có những bài thơ hay thế trong
ba lô nếu không có Tự Lực Văn Đoàn khai hoa nở nhụy cho thơ mới? Tất cả
thanh niên trí thức chung quanh tôi thời ấy đều mang Nhất Linh, Khái
Hưng, Xuân Diệu trong hơi thở. Tất cả đều là tình nhân của cô Loan, cô
Thoa.
Tôi muốn nói thêm: cái chất lãng mạn anh hùng của thời
45 ấy truyền thừa cho đến các anh chị sinh viên miền Nam chúng tôi thời
63 và sau đó. Giọt máu - và bây giờ giọt nước mắt - mà các anh chị thấm
vào trang sử thời ấy, các anh chị thử ngửi xem, có phải nó thơm mùi thơ,
mùi văn, hương đồng gió nội rất lãng mạn? Nếu không phải thì tại sao
các anh thích hát Trăng mờ bên suối ở những dịp nghiêm trang? Tất cả các
anh thanh niên trí thức thời 45, tất cả, hoặc gần như thế, các anh chị
sinh viên thời Huế-Sài Gòn năm xửa năm xưa, tất cả đều là thi sĩ dù có
làm thơ hay không, bởi vì tất cả đều mang chất thơ của văn hóa Việt Nam
trong máu. Đừng quên rằng cái lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn cũng là cái
lãng mạn phản kháng. Phản kháng một tư tưởng cổ hủ xiềng xích tự do của
con người. Chất thơ văn trong máu các anh chị buộc các anh chị phải phản
kháng, từ 45 cũng như từ 63. Trước bạo lực, cường quyền, bất công, các
anh chị không khuất phục. Như thế hệ trí thức 45 đã không khuất phục.
Ngày 2.9 năm nay, tôi hướng về cái chí khí thanh niên đó.
Theo Giáo sư, vì sao một dân tộc từng ngẩng cao đầu
trong những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giữ nước, nhưng lại là
một dân tộc quẩn quanh với mệt nhoài ở những chặng hòa bình tìm kế bứt
phá vươn lên?
Chiến tranh có quy luật của chiến tranh. Hòa bình có
quy luật của hòa bình. Trở về lại với bài quốc ca, năm 1945 chúng tôi
hát: "Thề phanh thây uống máu quân thù" mà chẳng thấy gì ghê rợn. Bây
giờ chúng ta hát: "Đường vinh quang..." Thế là "văn hóa" của chiến tranh
đã khác với văn hóa của hòa bình rồi! "Mỗi ngày anh du kích giết được 3
thằng Tây, vậy 10 ngày anh giết được bao nhiêu thằng?", ấy là bài toán
đố lớp tiểu học hồi 1950.
Bây giờ không ai ra toán kiểu đó nữa. Tuy vậy, chiến
tranh vẫn chưa ra khỏi cái đầu và thực tế chính trị. Như một quán tính,
chiến tranh vẫn đè nặng trên tư duy. Ta và địch vẫn mãi đánh nhau trong
đầu óc, với căm thù, thủ đoạn và bạo lực, ngăn cản mọi suy nghĩ về sự
cần thiết tất nhiên của cạnh tranh chung sống trong hòa bình. Có cần
phải nhắc lại rằng chiến tranh không có văn hóa? Không ai nói "văn hóa
chiến tranh". Chỉ có văn hóa hòa bình.
Đừng áp dụng quy luật của thời chiến vào giai đoạn của
thời bình. Một bên là nước mặn, một bên là nước ngọt. Chiến tranh là chỉ
huy, hòa bình là nghe ý kiến. Chiến tranh là mệnh lệnh, hòa bình là
biện luận. Chiến tranh là đại bác, hòa bình là cây bút. Chiến tranh là
sắt thép, hòa bình là tơ lụa. Chiến tranh là thù địch, hòa bình là đối
thủ. Chiến tranh là cưỡng bức, hòa bình là thuyết phục. Chiến tranh là
lý lịch, hòa bình là vua Trần xí xóa. Chiến tranh là bạo lực, hòa bình
là pháp luật. Chiến tranh là sa trường, hòa bình là nghị trường. Chiến
tranh là lạnh lùng của bộ máy, hòa bình là nồng ấm của hơi thở con
người. Chiến tranh là nhất cực, hòa bình là đối trọng. Chiến tranh là
con ó quắp mũi tên nơi móng, hòa bình là con bồ câu lông trắng, chân
son, và mắt ôi là bồ câu.
Hòa bình mà cứ dùng khí giới của chiến tranh để đối
thoại thì "văn hóa" ấy không phải là động lực của phát triển. Đó là cản
trở phát triển. Cản trở về mọi mặt, mọi lĩnh vực.
Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển đất nước hiện nay là gì, thưa Giáo sư?
Là chưa có tư duy hòa bình như tôi vừa nói.
Theo Giáo sư, trong giai đoạn hiện nay, cách thức nào hạn chế những thách thức đó để đưa dân tộc đi lên?
Chỉ có một phương thức duy nhất thôi là dân chủ. Ở đâu
cũng vậy và ở thời nào cũng vậy, quyền lực lâu ngày của một chế độ sẽ
hao mòn tính sắc bén với thời gian, người Pháp nói rõ hơn: le pouvoir
s'use, ta có thể dịch là quyền lực bị lão hóa. Ngày xưa, khi mới đánh
đuổi ngoại xâm và lên ngôi, ông vua thường là minh quân. Một đời, hai
đời, vài đời, tính sắc sảo ban sơ dùi mòn đi, cuối cùng là hôn quân hắc
ám. Giới tinh hoa quan chức không có động lực gì thúc đẩy để thay đổi,
chỉ ham địa vị, cũng từ từ rữa nát theo ông. Tất cả chế độ chỉ dựa trên
ông vua và hầu cận tả hữu mà vua thì hôn quân, quan thì nịnh thần, tất
loạn, không Hồ Quý Ly thì Mạc Đăng Dung phải soán ngôi để thiết lập trật
tự mới. Chế độ quân chủ ngày xưa không tìm ra được một nguyên tắc để
ngăn cản tính lão hóa tất yếu của quyền lực, để quyền lực chuyển mình
thay đổi trong hòa bình. Ngày nay, chính thể dân chủ có nguyên tắc, có
kinh nghiệm để mài giũa lại quyền lực cho sắc bén, hữu hiệu, để quyền
lực tự củng cố, tự sửa đổi. Ông Khổng Tử ngày xưa bảo thủ như vậy mà
cũng nói: Học cũng như chèo thuyền nước ngược, không tiến tất thoái. Cai
trị cũng vậy.
Nhân ngày độc lập, tôi cũng xin nói thêm, hay nói cho
đúng, cũng xin hát thêm - hát những bài hát mà chúng tôi đã hát hồi
1945. Bài Bao chiến sĩ anh hùng tận cùng như thế này: "Thề phục quốc,
tiến lên Việt Nam!/ Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam!/ Đài hạnh phúc đắp
xây tự do!/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm".
Triệu người Việt Nam như một đều đang nói: chúng ta
đang gặp ngoại xâm. Triệu người Việt Nam như một đều đang thề: thề phục
quốc. Triệu người Việt Nam như một đều đang hô to: lập quyền dân. Triệu
người Việt Nam như một đều đang ước mơ tự do, hạnh phúc. Chúng ta đang
sống năm 2013 hay năm 1945?
Triết lý phát triển nào cho Việt Nam phù hợp với bối cảnh hiện nay, thưa GS?
Tôi xin mượn một chuyện khoa học để trả lời câu hỏi của
anh. Hồi thế kỷ 18, nhiều nhà hóa học, nhất là Stahl, nghĩ rằng nếu cái
bàn, cái ghế, bất cứ cái gì cũng có thể cháy được thì như vậy hẳn phải
có một tố chất gì đó chung cho tất cả những vật thể có thể cháy ấy. Tìm
tòi mãi mà không chiết ra được cái tố chất chung ấy, họ gọi cái chất hãy
còn vô hình đó là phlogistique. Như thế cho đến Lavoisier. Lavoisier
đảo ngược cách suy nghĩ. Chắc gì cái tố chất chung ấy nằm ở trong bản
thề cáí bàn, cái ghế, mọi vật có thể cháy? Biết đâu nó nằm ở bên ngoài?
Đảo ngược cách suy nghĩ như vậy, Lavoisier khám phá ra cái mà bây giờ
trẻ con cũng biết: cái ấy là ôxy. Có ôxy thì cháy. Ôxy ở bên ngoài.
May mắn cho Lavoisier là rốt cục các nhà hóa học không
còn kết án ông là diễn biến... khoa học. Không làm một cuộc đổi mới tư
duy thì xin anh đừng nói phát triển.
Giáo sư có tin rằng mỗi dân tộc có một số mệnh riêng?
Tôi là Phật tử nên không tin ở số mệnh. Đạo Phật dạy
tôi: tất cả đều do hành động của ta. Hành động tốt thì kết quả tốt, hành
động xấu thì kết quả xấu. Các câu hỏi của anh là hành động. Trả lời của
tôi là hành động. Nó nhỏ như hạt mưa. Nhưng triệu triệu hạt mưa thì
chấm dứt hạn hán.
Lê Ngọc Sơn (thực hiện)
Posted in: Góc nhìn pháp luật và cuộc sống
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét