Nguyên là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, GS. Nguyễn Minh Thuyết tham dự hội thảo cùng nhiều vị đại biểu tiền nhiệm và đương nhiệm khác. Và tham luận về quyền lực trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi của ông được mời trình bày ngay tại phiên thứ nhất của hội thảo.
Đề cập về điều 4 Hiến pháp, ông Thuyết phân tích, Hiến pháp Việt Nam năm 1980 có điều 4 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; Hiến pháp năm 1992 sửa thành: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Thuyết, một khi điều 2 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã khẳng định “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và toàn bộ mô hình tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước đã thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa trong bản Hiến pháp được toàn dân đồng tình qua trưng cầu dân ý rồi, thì dù không có điều 4 cũng không ai xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đặt vấn đề trong trường hợp xét thấy nhất thiết phải giữ điều 4 như thể hiện trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Thuyết cho rằng cần quy định rất rõ phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của Đảng để tránh tình trạng mất cân đối hiện nay: quyền và nghĩa vụ của nhân dân, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước được quy định rất cụ thể, trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo cả nhân dân lẫn nhà nước là Đảng lại được quy định một cách khá sơ sài.
Theo ông, những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà như quan niệm Hiến pháp thể chế hóa cương lĩnh của Đảng (chứ không phải một khế ước xã hội), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các nghị quyết của Đảng… và những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bố trí nhân sự và lãnh đạo công tác của toàn bộ bộ máy nhà nước… cần được quy định trong Hiến pháp để đảm bảo “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình”.
Nếu không có những quy định này, theo ông Thuyết, rất có thể dẫn đến xung đột quyền lực hoặc quyền lực của nhiều chủ thể mang tính hình thức.
Ví dụ được ông nêu ra là Hiến pháp quy định Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng ai cũng biết người thực sự thống lĩnh lực lượng này là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức Tổng bí thư. Hay Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhưng Chủ tịch nước không thể thực hiện được quyền này nếu không có nghị quyết của Bộ Chính trị hoặc Ban chấp hành Trung ương.
Cũng liên quan đến điều 4, nhận xét quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong dự thảo chưa cụ thể, ông Lê Tiến đề nghị nên thiết kế một chương riêng về Đảng với trách nhiệm cụ thể. Quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của Đảng cũng là đề nghị của một số ý kiến khác tại hội thảo
http://vneconomy.vn/2013022209445134P0C9920/hien-phap-can-lam-ro-hon-vai-tro-lanh-dao-cua-dang.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét