Định nghĩa về Quyền Con Người
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những định nghĩa đơn giản về Quyền Con NgườiQuyền (danh từ)
Những thứ mà pháp luật hoặc xã hội công nhận bạn được hưởng, được làm hoặc được đòi hỏi; sự tự do được đảm bảo.
Quyền Con Người (danh từ)
Các quyền mà bạn được hưởng vì lý do đơn giản rằng bạn là một con người.
Như đã nêu ở định nghĩa trên, quyền là một loại tự do. Nó là một cái gì đó mà bạn được hưởng bởi bạn là một con người.
Quyền Con Người dựa vào nguyên tắc tôn trọng cá nhân. Giả định nền tảng của nó là mỗi cá nhân là một thực thể có phẩm hạnh và lý trí đáng để được đối xử với sự tôn trọng. Các quyền này được gọi là Quyền Con Người bởi vì chúng có giá trị phổ quát. Trong khi các quốc gia hoặc nhóm người nhất định có thể được hưởng một số quyền đặc biệt dành cho họ, thì quyền con người là quyền mà mọi người đều được hưởng – không phân biệt họ là ai và họ sống ở đâu – mà chỉ đơn giản là vì họ là những con người còn sống.
Ấy thế mà rất nhiều người, khi được hỏi quyền con người là gì, chỉ đề cập đến quyền tự do ngôn luận hay tự do tín ngưỡng, hoặc vài ba quyền khác. Đây là những quyền con người quan trọng, không thể nghi ngờ điều đó, nhưng quyền con người rộng hơn thế. Quyền con người liên quan đến lựa chọn và cơ hội. Quyền con người có nghĩa là con người có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn bạn đời, lựa chọn cách nuôi dậy con cái v.v... Chúng bao gồm quyền được đi lại tự do và quyền được làm giàu cho bản thân mà không bị ai quấy nhiễu, lạm dụng hay đe dọa đuổi việc một cách tùy tiện. Chúng thậm chí còn bao gồm cả quyền được nghỉ ngơi.
Trong quá khứ, không có khái niệm quyền con người. Thế rồi ý tưởng nổi lên rằng con người phải có một số quyền tự do nhất định. Và ý tưởng đó, vào thời điểm Thế chiến lần thứ hai nổ ra, đã dẫn tới một văn bản gọi là ”Tuyên Ngôn Quốc Tế về Quyền Con Người” và trong đó đề cập đến 30 quyền mà tất cả mọi người trên thế giới đều phải được hưởng.
Lịch sử sơ lược của Quyền Con Người
Trụ cổ văn của vua Cyrus Ba Tư (539 năm trước Công Nguyên)
Năm 539 trước Công Nguyên, đội quân của Cyrus Đại Đế, vị vua đầu tiên của quốc gia Ba Tư cổ đại, chiếm thành phố Babylon. Nhưng hành động kế tiếp của ông đã đánh dấu một bước tiến vĩ đại của loài người. Ông trả tự do cho các nô lệ, tuyên bố rằng tất cả mọi người đều có quyền tự do lựa chọn tôn giáo của riêng mình, và xác lập bình đẳng về chủng tộc. Những tuyên bố này được chạm khắc lại trên một trụ gốm bằng ngôn ngữ Akkadian.Ngày hôm nay văn bản này được biết đến với cái tên Trụ Cyrus (Cyrus Cylinder), một tài liệu cổ được ghi nhận là hiến chương về nhân quyền đầu tiên của thế giới. Nó được dịch ra theo 6 thứ tiếng chính thức của Liên Hợp Quốc và các điều khoản của nó tương đương với bốn điều khoản đầu tiên của Tuyên Ngôn Quốc Tế về Quyền Con Người.
Sự lan tỏa của Quyền Con Người
Sau Babylon, ý tưởng về Quyền Con Người nhanh chóng lan tỏa sang Ấn Độ, Hy Lạp và cuối cùng tới La-mã. Ở đây khái niệm ”luật tự nhiên” (natural law) trỗi dậy, [cách đặt tên này] dựa theo quan sát thực tế rằng con người có xu hướng tuân theo những luật bất thành văn trong cuộc sống, và luật La-mã thường dựa trên những ý tưởng duy lý xuất phát từ bản chất tự nhiên của sự vật.Những văn bản xác nhận quyền cá nhân, như Hiến chương Magna Carta (1215), Thỉnh nguyện Đòi Quyền (Petition of Right, 1628), Hiến pháp Hoa Kỳ (1787), Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp (1789) và Tuyên ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ (1791) là những tiền thân của nhiều văn bản về quyền con người ngày hôm nay.
Hiến chương Magna Carta (1215)
Hiến chương Magna Carta, hay còn gọi là Đại Hiến Chương, được coi là có ảnh hưởng quan trọng và sớm nhất tới tiến trình lịch sử lâu dài đã dẫn đến sự cai trị bằng hệ thống luật hiến pháp ngày nay ở các nước nói tiếng Anh.Năm 1212, sau khi vua John vi phạm một số luật và tập quán lâu đời ở Anh, các thần dân đã ép ông ký bản Hiến Chương Magna Carta, trong đó liệt kê một số điểm mà sau này được nhìn nhận như là các quyền con người. Trong số đó là quyền của nhà thờ được tự do không phải chịu ảnh hưởng của nhà nước, quyền cho tất cả các công dân được sở hữu và thừa kế tài sản và được bảo vệ khỏi thuế khóa hà khắc quá đáng. Nó thiết lập quyền cho các quả phụ có tài sản không phải tái giá, và đặt ra quyền được xét xử theo đúng trình tự pháp luật (due process of law) và bình đẳng trước pháp luật. Nó cũng chứa đựng những điều khoản ngăn cấm hối lộ và cấm quan chức hành xử bậy bạ.
Được nhiều người nhìn nhận như là văn bản pháp lý quan trọng nhất trong tiến trình phát triển của nền dân chủ hiện đại, hiến chương Magna Carta là bước ngoặt lịch sử trong cuộc tranh đấu xây dựng nền tự do.
Thỉnh nguyện Đòi Quyền (Petition of Rights, 1628)
Cột mốc lịch sử kế tiếp trong quá trình phát triển của quyền con người là bản Thỉnh nguyện Đòi Quyền (Petition of Right), được Quốc hội Anh đưa ra vào năm 1628 và gửi tới vua Charles I như một đòi hỏi về tự do dân sự. Bị Quốc hội từ chối cấp kinh phí cho chính sách ngoại giao không được lòng dân của mình, nhà vua đã bắt buộc thần dân phải cho vay và cho quân đội đồn trú tại gia như một biện pháp giải quyết vấn đề thiếu kinh phí. Nhiều người phản đối chính sách trên đã bị bắt bớ và giam giữ một cách tùy tiện, điều này làm cho Quốc hội tỏ thái độ thù địch với vua Charles và George Villier, công tước của Buckingham. Bản Thỉnh nguyện Đòi Quyền, do hiệp sĩ Edward Coke khởi xướng, đã dựa trên những đạo luật và hiến chương tồn tại từ trước, để lập ra bốn nguyên tắc: (1) Không được áp dụng bất kể hình thức thuế nào mà không có sự đồng thuận của Quốc Hội, (2) Không thần dân nào có thể bị bỏ tù mà không chỉ ra lý do, tái khẳng định quyền được xét xử theo trình tự pháp luật (habeas corpus), (3) Quân đội không được phép đồn trú tại nhà dân, và (4) Không được sử dụng lệnh giới nghiêm trong thời bình.Tuyên ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (1776)
Vào ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tác giả chính của tuyên ngôn, Thomas Jeffeson, đã viết bản Tuyên ngôn này như một lời giải thích chính thức cho việc Quốc Hội đã bỏ phiếu tuyên bố độc lập khỏi Anh Quốc vào ngày 2/7/1776 - hơn một năm ngày Cách Mạng Mỹ nổ ra, và như là một lời tuyên bố rằng mười ba thuộc địa ở Bắc Mỹ không còn là một phần của Anh Quốc. Quốc Hội Hoa Kỳ phát hành bản Tuyên Ngôn Độc Lập này dưới nhiều hình thức. Ban đầu nó được ấn hành trên báo khổ lớn được phát tán rộng rãi và đọc trước công chúng.Về mặt triết học, bản Tuyên ngôn nhấn mạnh hai chủ đề: quyền của mỗi cá nhân và quyền được làm cách mạng [nếu chính phủ đi ngược lại nguyện vọng của đa số nhân dân]. Những tư tưởng này trở thành tư tưởng chung của nhiều người Mỹ, và lan rộng ra quốc tế, gây ảnh hưởng lớn nhất là tới cuộc Cách mạng Pháp.
Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ (1787) và Tuyên ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ (Bill of Rights, 1791)
Được viết vào mùa hè năm 1787 tại Philadelphia, bản Hiến Pháp của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là bộ luật đóng vai trò nền tảng cho hệ thống chính quyền liên bang Hoa Kỳ và là một cột mộc quan trọng đối với thế giới phương Tây. Nó là bản hiến pháp quốc gia cổ nhất vẫn còn được sử dụng và quy định cấu trúc của chính quyền và hệ thống tư pháp và đề ra các quyền căn bản của công dân.Mười tu chánh án đầu tiên của bản Hiến Pháp – gọi chung là Tuyên ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ (Bill of Rights) – có hiệu lực vào ngày 15 tháng 12 năm 1791, hạn chế quyền lực của chính quyền liên bang Hoa Kỳ và bảo vệ quyền con người của tất cả các công dân, ngụ cư trong hay đang ghé thăm lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và quyền được giữ và sử dụng súng, quyền tự do lập hội và quyền tự do thỉnh nguyện. Nó cũng cấm các hành vi lục soát và bắt bớ vô căn cứ, đối xử tàn bạo và bất thường, hay ép cung. Tuyên ngôn nhân quyền cũng hạn chế quyền của Quốc hội bằng cách cấm Quốc hội ban hành luật về thành lập tôn giáo và bằng cách cấm chính quyền liên bang tước quyền sống, quyền tự do hay tài sản của bất cứ người nào mà không thông qua tố tụng pháp luật. Trong trường hợp các án hình sự liên bang, nó yêu cầu phải có lời kết tội từ bồi thẩm đoàn đối với các tội ở mức tử hình hoặc ở mức bị tước bỏ quyền công dân, đồng thời đảm bảo phiên tòa công khai và nhanh chóng với với một bồi thẩm đoàn không thiên vị tại địa hạt mà tội ác diễn ra, và cấm kết án hai lần cho cùng một tội danh (double jeopardy).
Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp (1789)
Năm 1789 quần chúng Pháp đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và mở đường cho sự thành lập của nền Đệ Nhất Công Hòa. Chỉ sáu tuần sau khi chiếm ngục Bastille, và ba tuần sau khi tuyên bố xóa bỏ chế độ phong kiến, Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền (tiếng Pháp: La Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen) đã được Quốc Hội thông qua như bước đầu tiên tới xây dựng một hiến pháp cho nước Cộng Hòa Pháp.Bản Tuyên ngôn tuyên bố rằng tất cả các công dân đều được đảm bảo quyền “tự do, sở hữu tài sản, an ninh và chống lại sự áp bức”. Nó lập luận rằng nhu cầu về luật pháp sinh ra từ thực tế rằng “…việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân chỉ bị giới hạn sao cho các cá nhân khác trong xã hội cũng được hưởng những quyền tương tự”. Và như thế, Tuyên ngôn nhìn luật pháp như một “mong ước chung của cộng đồng”, với mục đích thúc đẩy sự bình đẳng về quyền và chỉ ngăn cấm “những hành vi có hại cho xã hội”.
Công Ước Geneva thứ nhất (1864)
Năm 1864, sáu quốc gia Châu Âu và một số bang của Hoa Kỳ dự một hội nghị tại Geneva, theo lời mời của Hội Đồng Liên Bang Thụy Sỹ, với sáng kiến tạo ra một Ủy Ban Geneva. Hội nghị ngoại giao này được tổ chức nhằm thông qua một công ước về việc đối xử với các binh sĩ bị thương trên chiến trường.Những điều khoản cơ bản đề ra trong Công ước này và được duy trì trong các bản Công ước Geneva sau đó tạo khung pháp lý để bắt buộc các bên phải cung cấp chăm sóc y tế cho những quân nhân bị ốm và bị thương, bất luận là của bên nào, và tôn trọng các xe chở nhân viên cứu thương và y cụ được đánh dấu rõ ràng bằng dấu thập tự đỏ trên nền trắng.
Liên Hợp Quốc (1945)
Thế chiến lần thứ hai kéo dài từ năm 1939 tới năm 1945, và khi cuộc chiến sắp kết thúc, các thành phố từ Âu sang Á nằm trong cảnh hoang tàn đổ nát. Hàng triệu người chết, hàng triệu người khác sống trong cảnh không nhà và thiếu đói. Lực lượng Hồng Quân đang tiến gần đến điểm kháng cự cuối cùng của Đức Quốc Xã tại Berlin. Trên Thái Bình Dương, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vẫn đang chiến đấu với lực lượng Phát xít Nhật cố thủ tại các hòn đảo như Okinawa.Vào tháng tư năm 1945, các đoàn đại biểu từ 50 quốc gia đã gặp mặt tại San Francisco với đầy hy vọng và lạc quan. Mục tiêu của Hội Nghị Liên Hợp Quốc về Tổ Chức Quốc Tế là để xây dựng một tổ chức quốc tế đóng vai trò thúc đẩy hòa bình và ngăn cản những cuộc chiến tranh trong tương lai. Ý tưởng về một tổ chức như vậy bắt đầu trong lời nói đầu của dự thảo Hiến chương Liên Hợp Quốc: “Chúng tôi, những công dân của Liên Hợp Quốc, đã quyết định cứu vớt những thế hệ kế tiếp khỏi sự tàn khốc của chiến tranh, đã hai lần trong cuộc đời của chúng tôi đem đến khổ đau không kể xiết cho loài người”.
Bản Hiến Chương của tổ chức Liên Hợp Quốc mới được thành lập có hiệu lực vào ngày 24 tháng 10 năm 1945, và ngày này được tưởng nhớ tới hàng năm như là ngày Liên Hợp Quốc.
Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền (1948)
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền đã truyền ý tưởng cho nhiều luật và hiệp ước bảo vệ nhân quyền khác trên khắp thế giới.Tới năm 1948, Hội Đồng Nhân Quyền mới ra đời của Liên Hợp Quốc đã nhận được sự chú ý của toàn thế giới. Dưới quyền chủ tọa đầy năng động của Eleanor Roosevelt – vợ góa của Tổng thống Franklin Roosevelt, một nhà hoạt động nhân quyền và đại biểu của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc – Hội Đồng này đã tiến hành soạn thảo bản dự thảo mà sau này trở thành Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Bà Roosevelt, là người truyền cảm hứng cho bản tuyên ngôn, đã so sánh bản Tuyên ngôn như một Hiến chương Magna Carta quốc tế cho toàn bộ nhân loại. Nó được thông qua bởi Liên Hợp Quốc vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.
Trong Lời nói đầu và trong Điều 1, bản Tuyên ngôn tuyên bố dứt khoát về quyền không thể tách rời của mỗi con người: “Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực được coi là khát vọng cao nhất của loài người… Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền.”
Các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc trịnh trọng cam kết làm việc cùng với nhau để thúc đẩy 30 điều khoản về quyền con người mà, lần đầu tiên trong lịch sử, đã được tập hợp và ghi thành luật lệ trong một tài liệu chung. Và kết quả là, rất nhiều những quyền này – dưới các hình thức khác nhau, ngày nay đã là một phần của hiến pháp và pháp luật ở các quốc gia dân chủ.
___________________________
Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945)
Ngay trong lời mở đầu của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư duy sắc sảo khi xem xét vấn đề quyền bình đẳng con người trong quan hệ biện chứng với quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Đề cập quyền con người, Hồ Chí Minh cho rằng “tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng”. Quyền bình đẳng con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có ranh giới phân biệt màu da, quốc tịch, châu lục. Người coi quyền bình đẳng về con người như lẽ tự nhiên, do tạo hóa sinh ra. Cũng ngay trong đoạn mở đầu của Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã rất khéo mượn lời trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) để suy diễn và nâng quyền bình đẳng con người lên thành bình đẳng dân tộc “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Với lối viết độc đáo “dụng lời Tuyên ngôn để công bố Tuyên ngôn” Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa làm cho quyền cơ bản của người dân Việt Nam bị tước đoạt, bị chà đạp là do âm mưu và hành động bạo ngược, giả nhân giả nghĩa của bọn đế quốc thực dân “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Người khẳng định hành động của chúng là trắng trợn vi phạm nghiêm trọng quyền thiêng liêng của con người. Người chỉ ra kẻ thù chiếm đoạt nền độc lập dân tộc, biến dân ta từ tự do thành nô lệ không ái khác chính là bọn thực dân đế quốc...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét