Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Luận cương của Lê-Nin với Chủ tịch Hồ Chí Minh


    Trên đường đi tìm đường cứu nước, khi Bác Hồ được đọc sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lê-nin, Người kể lại: Năm 1917, từ Anh trở về Pháp, Bác ở chung với các cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường tại thủ đô Pa-ri. Cả ba người đều gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Để kiếm sống, Bác vừa hoạt động vừa làm nghề thợ ảnh. Một buổi chiều đi làm về, cụ Phan Văn Trường nói với Bác:
    - Có bài báo hay lắm, đang để trên bàn, cháu đọc đi.
    Đó là bài báo số ra ngày 16 và 17-7-1920, đăng toàn văn sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin trên báo Luymalite (Nhân đạo), cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Pháp lúc đó. Bác vào trong buồng và đọc ngay tác phẩm này. Sau khi đọc, Luận cương của Lênin làm tôi bừng tỉnh, ngồi một mình trong buồng mà tôi muốn nói to lên như nói trước quần chúng đông đảo, hỡi đồng bào bị đọa đày, đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta! Đây là con đường để giải phóng cho chúng ta. Từ đó, tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ III - Luận cương của Lênin đã nêu lên cái mà Bác đang đi tìm mà chưa thấy, bây giờ đã thấy - con đường giải phóng dân tộc.
    Người bắt đầu trăn trở và ra đi khi bắt gặp những dòng mỹ miều trên lá cờ của nước Pháp: Tự do, bình đẳng và bác ái. Một câu hỏi lớn đặt ra cho Người: Tại sao người Pháp lại đến đây thống trị dân tộc Việt Nam? Người đến Pháp để chứng kiến tận mắt cái sự thật tự do, bình đẳng và bác ái ấy. Chưa hài lòng với sự thật ở Pháp, Người hành trình sang Mỹ, sang Anh và thấy:
    “Á, Âu đâu cũng lòng trong đục,
    Vàng, máu chia hai cảnh khổ, giàu”
    (Tố Hữu - Theo chân Bác)
    Nghĩa là: ở đâu người lao động cũng vô cùng cực khổ và ở đâu kẻ giàu có cũng vô cùng sung sướng trên mồ hôi, nước mắt của người lao động. Tất cả những điều hoa mỹ được ghi trên lá cờ của Pháp, được ghi trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đều là những điều không thật. Người trở lại Pháp và gặp được Luận cương Lênin với những điều hết sức giản đơn và là chân lý. Điểm thứ nhất trong sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin đó là quyền độc lập dân tộc của mỗi dân tộc. Một dân tộc này không có quyền áp đặt ý chí của mình lên một dân tộc khác, cho dù đó là một dân tộc nhỏ, yếu. Quyền độc lập dân tộc trước hết được thể hiện ở độc lập về chính trị, về chủ quyền  quốc gia và đó chính là quyền tự quyết dân tộc. Một dân tộc có quyền tự quyết định các vấn đề nội bộ của dân tộc mình, tự quyết về tổ chức bộ máy nhà nước, tự quyết khi tham gia hay không tham gia các hiệp ước quốc tế và khu vực, tự quyết trong các vấn đề tranh chấp nội bộ giữa các thành phần dân tộc liên quan đến các vấn đề thuộc về lợi ích dân tộc. Điểm thứ hai đó là quyền bình đẳng dân tộc. Lênin khẳng định quyền bình đẳng dân tộc giữa các dân tộc. Đã là quan hệ bình đẳng thì các dân tộc có sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở của quyền độc lập và tự quyết dân tộc. Quyền bình đẳng dân tộc thể hiện chính là ở sự tôn trọng các quyền dân tộc. Một dân tộc mà không tôn trọng dân tộc khác thì dân tộc đó đã không tôn trọng chính mình. Trong quan hệ dân tộc, một dân tộc không có quyền tự cho dân tộc mình là dân tộc văn minh để “khai hóa” cho dân tộc khác. Một dân tộc không có quyền miệt thị dân tộc khác. Điểm thứ ba đó là quyền liên hiệp các dân tộc. Lênin dự báo tương lai của sự phát triển của nhân loại theo tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người, khi lực lượng sản xuất và khoa học - công nghệ đã phát triển cao thì xu hướng liên hiệp các dân tộc là xu hướng mang tính tất yếu, hợp quy luật. Xu hướng này không mâu thuẫn với quyền độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân tộc và bình đẳng dân tộc, bởi vì đây là sự tự nguyện của mỗi dân tộc trên cơ sở bảo đảm các lợi ích dân tộc. Ngược lại, các dân tộc có quyền tách ra thành một dân tộc, một quốc gia độc lập và được các dân tộc khác tôn trọng các quyền độc lập và tự quyết đó.
    Những luận điểm cơ bản đó chính là những điều mà Bác đang đi tìm, dân tộc ta đang khao khát. Những luận điểm đó chính là những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa xã hội khoa học về vấn đề dân tộc. Chỉ có Chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết triệt để vấn đề dân tộc phù hợp với nguyện vọng của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ. Những điều mang tính chân lý này đã lập tức làm chuyển biến lập trường của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Người đã từ chủ nghĩa yêu nước chuyển sang lập trường của Chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa dân tộc chân chính và cách mạng. Trong thời đại ngày nay, quan điểm về quan hệ quốc tế của Liên hợp quốc cũng đã thể hiện những nội dung cơ bản và cốt lõi nội dung học thuyết về dân tộc của Lênin, đó là các quốc gia tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và đôi bên cùng có lợi.
    Dân tộc là một phạm trù lịch sử. Nhưng vấn đề dân tộc đã và sẽ tồn tại lâu dài cùng với quá trình phát triển của nhân loại. Nhân loại chỉ có thể phát triển trong hòa bình, hạnh phúc trên cơ sở các dân tộc tôn trọng nhau, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và bình đẳng. Khi còn có sự áp đặt ý chí của dân tộc này lên dân tộc khác hoặc can thiệp thô bạo vào chủ quyền của dân tộc khác, nghĩa là còn có sự bất bình đẳng dân tộc, phân biệt dân tộc thì còn có nguy cơ chiến tranh.
    Chỉ có theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, theo quan điểm đúng đắn của Bác Hồ kính yêu, nhân loại mới thật sự có hòa bình, hạnh phúc. Đó chính là con đường chắc chắn nhất, chân chính nhất.
ThS. NGUYỄN THẾ CƯỜNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét