Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô 3

Phần 3: Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô

Tháng 3-1988, báo Nước Nga Xô Viết đăng bức thư của Nina Andreyeva, nữ giáo viên ở Học viện Khoa học kỹ thuật Leningrad, đầu đề là "Tôi không thể vứt bỏ nguyên tắc".

Thư viết một cách sắc bén rằng: “Từng dòng cái gọi là trào lưu suy ngẫm lại lịch sử nổi lên trong xã hội thực ra là dòng nước ngược, chủ trương tây hóa cả gói”. Bà còn nói, những bài báo gây xôn xao trên báo chí hiện nay chỉ có thể làm người ta mất phương hướng, là bôi đen Liên Xô XHCN.

Lá thư chỉ ra rất nhiều hiện tượng không bình thường lúc bấy giờ, như: hoạt động rầm rộ của các tổ chức bất hợp pháp được thế lực thù địch trong và ngoài nước ủng hộ; những luận điệu được giới truyền thông và các cuộc hội thảo tâng bốc vô tội vạ về thể chế nghị viện, thể chế đa đảng phương Tây, phủ định hoàn toàn địa vị lãnh đạo của Đảng CS và giai cấp công nhân, công kích độc ác đối với lịch sử Liên Xô và chế độ XHCN... Bức thư nhanh chóng được đăng tải trên báo chí. Ở một số địa phương, một số tổ chức đảng tiến hành thảo luận sôi nổi. Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô triệu tập hội nghị khẩn cấp để thảo luận đối sách ngăn chặn, đánh trả “thế lực chống đối cải tổ”. Kết quả, Gorbachev đã điều Ligachev, Ủy viên Bộ Chính trị, một người kiên trì chủ nghĩa Marx - Lenin, nguyên phụ trách ý thức hệ sang phụ trách nông nghiệp, và thay vào đó là Yakovlev.
Nina Andreyeva

Dưới sự chỉ đạo của Yakovlev, ngày 5-4, báo Sự Thật đăng bài phản kích đánh trả và đè bẹp hoàn toàn đối với Nina Andreyeva. Báo Sự Thật gọi bức thư của Nina Andreyeva là tuyên ngôn của phần tử chống cải tổ, gọi Andreyeva là kẻ thù của cải tổ, phần tử của chủ nghĩa Stalin, phái bảo thủ quan liêu, đại biểu quyền quý của Đảng. Sau đó, các loại ngôn luận, bài viết công kích, chửi bới Đảng CS Liên Xô và chế độ XHCN tới tấp tung ra. Trào lưu tư tưởng chống Chủ nghĩa Marx tràn ngập. Toàn bộ lịch sử Liên Xô bị miêu tả như một mớ đen ngòm. Từ đó, “con đê” công tác tư tưởng và ý thức hệ của Đảng CS Liên Xô đã rạn nứt, nhanh chóng sạt lở, đứng bên bờ vực sụp đổ.

A.N.Yakovlev sinh năm 1923, là một trong bốn học sinh đầu tiên được cử sang học tại Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tháng 7-1985, Gorbachev đề nghị Yakovlev làm ứng cử viên Trưởng ban Tuyên truyền T.Ư Đảng CS Liên Xô. Và Yakovlev được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách truyền thông. Yakovlev có sự thù hận đặc biệt đối với CNXH. Ông phủ định Cách mạng Tháng Mười, phủ định thành tựu xây dựng của Liên Xô. Trong mắt ông, những thứ mà Liên Xô đã có chỉ có thể là tội ác. Cái mà Liên Xô giành được chỉ có thể là sự nguyền rủa. Sau này, trong tác phẩm tiêu biểu của ông, Một cốc rượu đắng, Yakovlev viết: “Chủ nghĩa Marx không đứng vững trong cuộc sống hiện thực Cách mạng Tháng Mười, đã chà đạp phong trào tiến tới dân chủ, làm cải cách lại Liên Xô tức là phải thụt lùi”. Cửa quan, đập nước của ý thức hệ mà Đảng CS Liên Xô nắm giữ đã mở tung cho thế lực chống Cộng, chống Liên Xô là từ giờ khắc Gorbachev đưa ra “Tính công khai”. “Tính công khai” là từ mà Lenin sử dụng đầu tiên. Chủ ý của nó là con kênh để liên hệ chặt chẽ hơn nữa với quần chúng, kịp thời tìm hiểu dư luận xã hội và ý thức, nguyện vọng của nhân dân lao động. Còn đến Gorbachev, chủ ý và tính chất của nó đã có sự thay đổi căn bản.
Là người hận thù CNXH nhưng Yakovlev lại giữ trọng trách về tuyên truyền trong Đảng CS Liên Xô. Trong ảnh, "bộ đôi" Gorbachev và Yakovlev trên một chuyến bay.

Tháng 1-1987, tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành T.Ư Đảng CS Liên Xô, Gorbachev nêu ra phương pháp cải tổ thể chế cũ, tức tính công khai về mặt tư tưởng và dân chủ hóa về đổi mới xã hội. Điều này trở thành lệnh tổng động viên, thúc giục các phe đối lập trên toàn Liên Xô ra sức lên án Đảng CS Liên Xô. Thực chất của cái gọi là tính công khai và dân chủ hóa của Gorbachev là muốn công khai đối với thế lực và trào lưu tư tưởng thân phương Tây, chống Liên Xô, chống cộng sản, chống CNXH, chống chủ nghĩa Marx. Còn đối với ngôn luận bày tỏ bảo vệ Đảng CS Liên Xô, CNXH ở Liên Xô và Chủ nghĩa Marx - Lenin như Andreyeva thì phải tiêu diệt. Trào lưu tư tưởng chủ yếu nhất của tính công khai đưa ra đầu tiên là cái gọi là “Ngẫm lại lịch sử”. Tháng 1-1987, Gorbachev nêu ra, trong lịch sử Liên Xô, không nên có nhân vật và chỗ trống bị lãng quên. Kết quả là phong trào thẩm tra, xem xét lại, cho đến thanh toán toàn bộ Đảng CS Liên Xô và lịch sử Liên Xô XHCN ào ào, dấy lên như bão. Trào lưu tư tưởng phủ định hoàn toàn Stalin như lửa tàn bùng cháy trở lại, hừng hực. Họ ra sức vẽ ra số người bị Stalin giết hại trong các cuộc thanh trừng, bơm to gấp mấy chục lần số người bị giết nhầm thành hàng triệu, thậm chí hàng mấy chục triệu. Họ coi công nghiệp hóa đất nước của Stalin làm là vô tích sự. Họ ra sức xuyên tạc, khuếch đại sai sót của Stalin thời kỳ đầu chiến tranh, thậm chí phủ nhận thắng lợi của chiến tranh Vệ quốc. Trào lưu tư tưởng thanh toán này bắt đầu từ cuối năm 1987. Mũi nhọn phê phán từ chĩa vào cá nhân Stalin tiến tới chĩa vào CNXH ở Liên Xô từ những năm 20 tới những năm 50 của thế kỷ 20. Sau năm 1989, việc phê phán Stalin dần dần chuyển sang phê phán, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lenin và bản thân Lenin. Năm 1989, các ban ngành hữu quan của Liên Xô ra lệnh bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Marx - Lenin trong trường học, đổi giáo trình Chủ nghĩa Marx - Lenin ở cấp trung học thành môn Xã hội và con người. Một số bài viết nêu lên một cách úp mở, coi sai lầm của Stalin có liên quan tới Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lenin và bản thân Lenin. Được cổ vũ chính thức của nhà nước, cuộc phê phán này trong ý thức hệ tiến tới như một cơn lốc mạnh mẽ, lôi cuốn toàn bộ xã hội và ngày càng dữ dội.

Một số tờ báo và tạp chí đặc biệt cấp tiến như Họa báo, Tia lửa và Tin tức Moscow, dần dần bộc lộ bộ mặt thật của nó, mượn phủ định quá khứ, phủ định lịch sử Đảng CS Liên Xô, phủ định CNXH, để tiến tới công khai phất lá cờ cải tổ theo hướng TBCN. Một số tờ báo và tạp chí lớn lấy cớ bóc trần lịch sử, tiết lộ tài liệu ẩn giấu, đăng tải cái gọi là loại tiểu thuyết tư duy lại,… với lượng phát hành tăng vọt đột biến. Tạp chí Thế giới mới nhờ đăng tiểu thuyết Quần đảo Gulag của Solzhenitsyn mà lượng phát hành từ 420.000 bản tăng lên 2.500.000 bản. Sau đó, các loại ấn phẩm phi chính thức đua nhau ra đời. Mặt trận báo chí của Đảng CS Liên Xô dần bị đánh chiếm. Đảng CS Liên Xô đã mất quyền chủ đạo trong lĩnh vực tư tưởng và ý thức hệ, gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Tư tưởng của Đảng CS Liên Xô bị đảo lộn. Tư tưởng của nhân dân bị đảo lộn... Còn CNTB thì trở thành thiên đường tự do và giàu có. Năm 1994, nhà văn Boldarev khi nhìn lại tình cảnh của thời kỳ này đã nói: “Trong sáu năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 40. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”.
Dưới sự phóng tay của phần tử cơ hội trong bộ máy lãnh đạo ĐCS Liên Xô, guồng máy truyền thông mượn cớ cải tổ, tư duy lại phủ định lịch sử, phủ định CNXH. Trong ảnh, Solzhenitsyn, tác giả của Quần đảo Gulag, phát biểu tại ĐH Harvard (Mỹ) năm 1978.

Không chỉ có báo và tạp chí trở thành trận địa chống Chủ nghĩa Marx, chống CNXH mà đài truyền hình cũng không chịu kém. Phái đối lập ra sức chen vào truyền hình, đòi phát trực tiếp để thoát khỏi kiểm soát. Một số phóng viên trẻ mở chương trình chính luận, truyền hình trực tiếp trên kênh 1, công khai công kích, phê phán Đảng CS Liên Xô. Mùa xuân năm 1989, sau khi sửa đổi Hiến pháp cho phép tiến hành bầu cử đại biểu nhân dân trên toàn Liên Xô, phái đối lập nắm lấy cơ hội hoạt động tranh cử thông qua truyền hình, đã truyền bá khắp cả nước luận điệu chống Liên Xô, chống cộng sản một cách hợp pháp. Cái gọi là truyền thông cởi mở và phong trào tranh cử tự do trên thực tế đã lũng đoạn, đã làm gay gắt thêm cuộc khủng hoảng lòng tin, thành khởi đầu cho việc phủ định Đảng CS Liên Xô về chính trị và tổ chức.

Giới trí thức Liên Xô cũng trở nên hỗn loạn. Một số người Leninist từng kiên định trước đây, giây lát biến thành đấu sĩ chống lại cái gọi là “chủ nghĩa cực quyền”. Trào lưu tư tưởng cấp tiến trong đội ngũ trí thức Liên Xô lan ra nhanh chóng. Môn triết học Marxist trong trường đại học trở thành đối tượng chế nhạo. Nhiều phòng nghiên cứu, giảng dạy CNCS khoa học trên toàn quốc chỉ trong một đêm biến thành cơ sở truyền bá chính trị, học thuyết phương Tây. Một số khá đông phần tử trí thức nhân văn cúi đầu bái phục mô hình phương Tây, quay lại bày tỏ nỗi bất mãn đối với lịch sử và hiện tại nước Nga. Trong đó có số ít tinh hoa trí thức đã trở thành người cổ súy và đội tiên phong làm tan rã Đảng CS Liên Xô, lật đổ chế độ XHCN Liên Xô.

Vào giữa năm 1988, Liên Xô xuất bản một tập luận văn chính trị Không có sự lựa chọn nào khác do nhà sử học Anphanasiev chủ biên, lấy khởi xướng chế độ chính trị - kinh tế phương Tây làm mục tiêu chính. Tác giả của tập luận văn là một số người một thời là danh nhân trong giới trí thức Liên Xô. Trong số họ, có nhà kinh tế học Popov, nhà chính trị học Bolaski, nhà triết học Phlorov… Các nhân vật này phê phán Stalin, phê phán chế độ và thể chế của Liên Xô, sao chép, rập khuôn theo cái gọi là phương thuốc trị bệnh cho đời của phương Tây, cố đẩy Liên Xô càng đi càng nhanh, càng đi càng xa trên con đường sai lầm. Những người chỉ biết nói tiếng Anh hay mấy câu hoa mỹ mập mờ, khó hiểu của phương Tây thường thường được tâng bốc là “đại gia” tri thức cao siêu, không những được giới truyền thông tôn sùng mà không ít người còn một bước lên trời, từ chủ nhiệm phòng nghiên cứu, chủ nhiệm phòng giảng dạy hoặc chủ nhiệm phòng thí nghiệm bỗng chốc trở thành đại biểu nhân dân, thậm chí là bộ trưởng, phó thủ tướng...

Và ở đây, không thể không nhắc tới Yegor Gaidar, nhân vật hạt nhân của phái cải tổ thị trường. Tốt nghiệp nghiên cứu sinh kinh tế học Đại học Moscow và sùng bái chế độ TBCN, năm 1986, ông cùng với một nhóm nhà kinh tế học tâm đầu ý hợp, tổ chức một cuộc hội thảo kinh tế học ở ngoại ô Leningrad và hình thành một đoàn thể chính trị: “Phái cải cách trẻ”. Đây là nhóm học giả trẻ hoàn toàn tiếp thu lý luận chính trị kinh tế phương Tây. Vậy là, đội ngũ lý luận và tinh hoa tư tưởng của Đảng CS Liên Xô bao nhiêu năm chuyên tâm đào tạo, chỉ trong một đêm bỗng chốc quay nòng súng, cùng với một số quan chức Đảng, Chính phủ, cán bộ quản lý kinh tế, thế lực kinh tế mầu xám và cả thế lực xã hội đen trở thành người đào mồ chôn Đảng CS Liên Xô và chế độ XHCN Liên Xô.

Nguyên nhân gây ra tình hình này là rất phức tạp, nhưng cơ bản nhất là từ khi Đảng CS Liên Xô gỡ bỏ dấu ấn của Chủ nghĩa Marx - Lenin trong ý thức hệ, kết quả là đã thả ra lũ “âm binh” tiêu diệt lại mình. Tư tưởng sa sút làm cho Đảng CS Liên Xô đứng trước tai họa bị nhấn chìm. Đến năm 1991, khi dư luận chính thống hàng triệu lần lặp đi lặp lại rằng Đảng CS Liên Xô và thực tiễn CNXH ở Liên Xô thất bại, khi các giới truyền thông bôi đen hình ảnh các lãnh tụ đảng, sau khi đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân ngộ nhận, coi những lời nói hoang đường và luận điệu xằng bậy là chân lý…, thì trong giờ phút nguy cấp, các thế lực thù địch tuyên bố giải tán Đảng CS, lật đổ chế độ XHCN, không còn ai đứng lên để bảo vệ Đảng Cộng sản và CNXH. Đối với một đảng cầm quyền Marxist - Leninist, công tác tư tưởng mạnh mẽ chính là lý tưởng, là ý chí và là kèn lệnh liên kết lòng đảng, quy tụ lòng dân, dẫn dắt đảng và nhân dân mình thống nhất bước đi, dấn bước tiến lên. Khi kèn lệnh đó bị tước đoạt, khi lý tưởng và ý chí bị sụp đổ, đảng đó không thể tồn tại!

☼☼☼

Cung điện Smolnui, vệ binh Lobanov chặn Lenin lại. Một nhân viên liền nói: “Đây là đồng chí Lenin”. Lobanov trả lời, cả đồng chí Lenin cũng phải xuất trình giấy tờ. Sau khi đưa giấy tờ của mình, Lenin biểu dương chiến sĩ Hồng quân đã nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ.

Bên câu chuyện về lòng trung thành, chúng ta học được nhiều hơn là sự gương mẫu của lãnh tụ vô sản, là tác phong của đảng Bolshevik do Lenin sáng lập, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tác phong của một đảng cầm quyền liên quan đến sự quy tụ lòng người, thậm chí là sự sinh tử, tồn vong của đảng.

Trước khi giành được chính quyền, đảng Bolshevik do Lenin lãnh đạo với khẩu hiệu “Hòa bình - Ruộng đất - Bánh mì” đã kêu gọi nhân dân tập hợp lại dưới lá cờ cách mạng, bởi đảng đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân, dựa vào nhân dân, dẫn dắt nhân dân chiến đấu thực hiện lợi ích thiết thân nên mới giành được thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười.
Gần gũi, hòa mình vào quần chúng là tác phong của Lenin. Chính điều này tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa ĐCS Liên Xô và nhân dân, giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Sau khi thành lập chính quyền Xô Viết, nhân dân trở thành chủ nhân của đất nước. Sự ủng hộ của hàng trăm triệu người dân là cơ sở không thể xa rời, dù trong chốc lát, để một đảng cầm quyền củng cố địa vị cầm quyền. Lãnh tụ của Đảng phải hòa làm một với đảng viên bình thường. Đảng CS phải hòa làm một với đông đảo quần chúng. Bằng hành động của mình, Lenin đã nhắc nhở toàn Đảng rằng, chỉ dựa vào hai bàn tay của đảng viên để xây dựng xã hội CSCN là cách nghĩ ấu trĩ. Đảng viên chỉ là một giọt nước trong biển cả nhân dân. Lenin định ra quy tắc quản lý trong cơ quan Xô Viết: mỗi một cơ quan phải dán thông báo ngày, giờ và thời gian tiếp quần chúng. Phòng tiếp quần chúng cần phải đặt ở nơi có thể tự do ra vào và về cơ bản là không cần giấy ra vào. Mỗi một cơ quan Xô Viết đều phải có sổ đăng ký, phải ghi lại họ tên của người đến gặp, tóm tắt ý kiến chủ yếu của vấn đề. Ngày chủ nhật và ngày nghỉ cũng cần phải quy định giờ tiếp dân. Và bản thân Lenin cũng làm như vậy. Theo thống kê mà Phòng tiếp dân ghi chép, thì từ ngày 2-10 đến ngày 16-12-1922, Lenin đã tiếp 125 lượt người, bình quân mỗi ngày tiếp 2-3 người. Phóng viên Hoa Kỳ là Elbert William tận mắt nhìn thấy cảnh tiếp dân, gọi văn phòng làm việc của Lenin là phòng tiếp khách lớn nhất thế giới. Bởi Lenin biết rằng, nếu đảng không được nhân dân toàn tâm toàn ý ủng hộ thì Đảng Bolshevik đừng nói giữ chính quyền hai năm rưỡi, ngay cả hai tháng rưỡi cũng không giữ nổi.

Nhìn lại lịch sử của Liên Xô thế kỷ 20, có thể nói không có Lenin thì không có thắng lợi của Cách mạng XHCN, không có Stalin thì cũng không có cường quốc XHCN đầu tiên trên thế giới. Tên tuổi Stalin tượng trưng cho ý chí, sức mạnh, có sức truyền cảm, hiệu triệu to lớn. Ông đã cùng với đảng viên và nhân dân, bằng trí tuệ và sức mạnh chung, đã giành được thắng lợi vĩ đại trong Chiến tranh Vệ quốc, rồi thực hiện công nghiệp hóa XHCN ở một nước nông nghiệp lạc hậu. Trong thời kỳ xây dựng hòa bình, Stalin vẫn luôn giữ tác phong sinh hoạt giản dị. Lật lại tác phẩm của Stalin, có thể nhìn thấy trong phát biểu và bài viết của ông nhiều lần trích dẫn chuyện Antaeus trong thần thoại Hy Lạp. Antaeus có sức mạnh phi thường. Sức mạnh đó bắt nguồn từ người mẹ của ông, Gaia - Thần Đất. Antaeus bị đối thủ giết chết trên không trung bởi vì đôi chân của thần cách rời mặt đất, cũng tức là không thể nào được bổ sung, hấp thu dinh dưỡng và năng lượng. Qua thí dụ, Stalin muốn nói với mọi người rằng, Đảng CS cũng như Antaeus, quần chúng nhân dân chính là người mẹ Thần Đất. Sau khi Stalin trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng và nhà nước, đã xuất hiện tình trạng chủ yếu dựa vào nghe báo cáo, xem công văn, gửi chỉ thị, ra mệnh lệnh để tìm hiểu tình hình và giải quyết vấn đề, rất ít đi vào thực tế, tiếp xúc quần chúng. Rồi do thắng lợi của Chiến tranh Vệ quốc, uy tín quốc tế của Liên Xô tăng lên, tư tưởng sùng bái đối với Stalin trong Đảng cũng ngày càng nặng. Điều đó đã làm cho lãnh đạo lớp trên rất khó nghe được ý kiến của quần chúng, ý kiến của cấp dưới cũng khó đến cấp trên.
Lenin tạo ra cơ chế tốt nhất để quần chúng nhân dân có thể bày tỏ ý kiến.

Thời Khrushchev, tệ quan liêu, xa rời thực tế càng lan rộng. Thói xấu ba hoa, phô trương, bất chấp sự thật, tâng bốc lẫn nhau, a dua và nịnh bợ ngóc đầu dậy. Khrushchev nắm trong tay quyền lực của Đảng và nhà nước, phải chịu trách nhiệm đối với tình hình. Khrushchev phê phán sùng bái cá nhân đối với Stalin song lại tán thưởng, thậm chí cổ vũ người ta sùng bái ông ta. Ngày 14-10-1964, sắp bị hạ bệ, Khrushchev đọc bài diễn thuyết cuối cùng. Ông ta rơi nước mắt và nói: “Các đồng chí có mặt tại đây lâu nay không công khai, thành thực nêu ra bất cứ khuyết điểm và sai lầm nào của tôi. Lúc nào cũng hùa theo, bày tỏ sự ủng hộ đối với tất cả kiến nghị của tôi. Các đồng chí cũng thiếu tính nguyên tắc và dũng khí”. Lời nói của Khrushchev từ một khía cạnh nào đó đã phản ánh vấn đề nghiêm trọng là tác phong của Đảng CS Liên Xô.

Thời Brezhnev, trạng thái tinh thần của số đông cán bộ lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô là bằng lòng với hiện trạng, không muốn cải cách, không muốn tiến thủ. Đã có một câu nói “bí mật” lưu hành trong Bộ chính trị T.Ư Đảng CS Liên Xô lúc bấy giờ: “Không, chúng ta không cần thay đổi cái gì hết”. Alphanasiev, Tổng Biên tập báo Sự Thật, từng nhiều lần tham gia khởi thảo văn kiện quan trọng của đảng. Sau này, ông viết trong hồi ký, nói lên nỗi đau lòng trước tác phong của Đảng CS Liên Xô ngày càng trì trệ. Ông thí dụ: phương thức, phương pháp và trình tự dự thảo báo cáo của T.Ư Đảng trước đại hội đã định hình. Mở đầu luôn luôn là tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Khởi thảo văn kiện không yêu cầu có tư duy mới, chỉ cần khéo thay đổi hình thức mới cho những tư tưởng có tính tập quán đó, tìm ra phương thức diễn đạt mới.

Là người lãnh đạo tối cao Đảng CS Liên Xô, song Brezhnev thích hư vinh, thích nghe kẻ khác nịnh bợ, tâng bốc. Ông đặc biệt đam mê vinh dự và khen thưởng. Theo thống kê, trong thời gian Brezhnev cầm quyền, tổng cộng ông được tặng hơn 200 tấm huân chương các loại, kể cả huân chương Lenin, huân chương anh hùng Liên Xô. Trong hàng ngũ đưa tang sau khi ông chết, có tới 44 sĩ quan quân đội bưng bê các loại huân chương và bằng khen của ông. Một thời gian, tệ nạn tham quyền, hưởng thụ, mua danh bán tước, a dua, nịnh hót, tham ô, hối lộ, đặc quyền hoành hành trong Đảng CS Liên Xô. Nhiều người gia nhập Đảng CS không để cống hiến vì sự nghiệp xây dựng CNXH, vì lý tưởng CSCN, mà để kiếm chức tước, vun vén lợi ích cá nhân. Từ đó dẫn đến tác phong ngày càng tồi tệ.
Brezhnev

Tháng 3-1985, Gorbachev trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng CS Liên Xô. Nếu trước đó, vấn đề nổi bật tồn tại trong tác phong của Đảng CS Liên Xô là dần dần xa rời, rồi đi ngược lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, nhất là xa rời quần chúng nhân dân, thì đến thời Gorbachev, vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn. Gorbachev thích đi khắp nơi để xem xét tình hình, thích diễn thuyết, viết văn, và thích xuất hiện trước ống kính. Gorbachev không chỉ vứt bỏ lãnh đạo tập thể mà còn xa rời thực tế, xa rời nhân dân, không nghe thấy hoặc là không thèm nghe nỗi khổ và tiếng kêu của nhân dân, hoàn toàn dựa vào quyết sách chủ quan. Valeri Pulkin, thư ký của ông hồi tưởng lại như sau: Trong phòng làm việc của mình, Gorbachev thường xuyên đọc to những lời bình luận của nước ngoài về “cải tổ vĩ đại” của ông. Đôi khi ông đọc mấy giờ liền những bình luận đó. Và thời gian cứ từng phút trôi qua như thế mà khối lượng công văn cần chờ giải quyết gấp thì lại không xem. Ryrykov, từng là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, nói: Gorbachev không biết, không tin, cũng không muốn lắng nghe ý kiến của người khác, chỉ thích thao thao bất tuyệt, chỉ một mình ông ta huyên thuyên bất tận, tán dương hoa mỹ những tư tưởng cứng nhắc, trống rỗng, vô vị.

Không ít người Nga sau khi suy ngẫm lại đã cho rằng, chủ ý của Gorbachev là muốn khi lên cầm quyền thì lập nên công lao vĩ đại. Phong cách lãnh đạo của ông ta là bắt đầu bằng diễn thuyết, kết thúc bằng diễn thuyết. Gorbachev nói không đi đôi với làm, lái thuyền theo gió, tính toán mưu kế. Trước khi làm Tổng thống Liên Xô, Gorbachev nhiều lần tuyên bố: Đảng chính là tất cả của tôi. Tôi có thể từ bỏ chức vị Tổng thống Liên Xô bởi vì điều quan trọng nhất trong trái tim tôi là Đảng CS Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, ông ta nói trong một cuộc đối thoại với Tikida Daisaku: Tôi cảm thấy rất vinh hạnh, trong năm tháng cải tổ có thể xóa bỏ hậu quả tai hại do ảnh hưởng của CNCS gây ra cho ý thức của mọi người.
Lenin tiếp xúc với quần chúng để lắng nghe, còn Gorbachev tiếp xúc quần chúng để diễn thuyết.

Ligachev, nguyên Ủy viên Bộ chính trị T.Ư Đảng CS Liên Xô, nói một cách đau lòng: lúc đó trong Đảng, ngoài xã hội hình thành một thói xấu, nói một đằng, làm một nẻo. Đó là một nguyên nhân quan trọng làm cho khuynh hướng ly tâm trong Đảng CS Liên Xô phát triển. Chủ nhiệm Ban Biên tập Đài Truyền hình Moscow, nói như sau: Tôi từng là một đảng viên của Đảng CS quang vinh. Tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức đảng. Nhưng những người như Gorbachev phất lá cờ cải tổ, trên thực tế là để tranh giành quyền lực, không hề xem xét nguyện vọng, yêu cầu của đảng viên và nhân dân. Họ sớm trở thành một tầng lớp quan liêu đặc thù đứng trên cao. Người lãnh đạo đảng và tác phong của đảng tồi tệ như vậy làm thế nào có thể để chúng tôi đi theo họ được?

Sau khi bị hạ bệ, Gorbachev thừa nhận: mất đi sự ủng hộ của nhân dân thì mất đi tài nguyên chủ yếu, xuất hiện nhà mạo hiểm chính trị và nhà đầu cơ chính trị. Đó là sai lầm tôi mắc phải, sai lầm chủ yếu. Không, đâu phải là sai lầm. Đó là sự phản bội nhân dân. Ông ta lấy danh nghĩa nhân dân, phất lá cờ nhân đạo và dân chủ để làm tổn hại lợi ích cơ bản của nhân dân, và cuối cùng đối lập với nhân dân. Nhiều người trong ban lãnh đạo Đảng CS Liên Xô do Gorbachev đứng đầu đã phản bội nhân dân. Nhân dân có thái độ thờ ơ đối với Đảng vì Đảng đã không đại diện cho lợi ích cơ bản của họ vào giờ phút then chốt, sống còn. Sau sự kiện 19-8, lớp người chân chính trong Đảng CS Liên Xô vừa căm phẫn cực độ, vừa bất lực. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, nguyên soái S.F.Akhromeev, kết thúc đời mình bằng khẩu súng ngắn từng theo ông suốt cuộc đời. Trong bức thư tuyệt mệnh, ông để lại nỗi đau buồn, phẫn nộ và than thở, xót xa: “Tất cả những gì tôi phấn đấu cho Đảng đều đã tiêu tan”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét