Bài trên VietNamnet:
Hiến pháp ‘treo’ đến bao giờ?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Chưa bao giờ Hiến pháp được bàn thảo một cách sôi nổi như hiện nay.
Rất nhiều hội thảo, những tập sách dày.
Nhưng ta có thể nói đây là tất cả ý kiến nhân dân không?
Cả ngày hôm nay (27/5), QH thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến
pháp. Buổi sáng, tại tổ Đồng Nai, ĐB Dương Trung Quốc, thành viên Ban
biên tập dự thảo, đã có bài phát biểu dài 15 phút. Ông mở đầu với quyền
phúc quyết của người dân:
“Toàn nhân danh”
Quyền phúc quyết
đang trở thành một nguyên lý mà tất cả các bản hiến pháp đều hướng tới.
Nhưng theo tôi, hiện người dân chưa có công cụ để thực hiện quyền này.
Chưa bao giờ Hiến pháp được bàn thảo một cách sôi nổi như
hiện nay. Dù có rất nhiều thiện ý trong quá trình lấy ý kiến nhân dân
nhưng theo tôi, chúng ta vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định ta đã tập hợp hết ý kiến.
Rất nhiều cuộc hội thảo, rất nhiều cuộc sinh hoạt xã hội. Và những tập sách dày. Nhưng ta có thể nói đây là tất cả ý kiến nhân dân không?
Bản dự thảo lần thứ ba
về Hiến pháp đưa ra vào thời điểm vừa kết thúc thời gian sôi nổi lấy ý
kiến nhân dân. Chúng tôi đã tiếp nhận được một bản dự thảo phong phú với
tinh thần cởi mở, nhiều ý kiến khác nhau. Đó cũng là thời điểm mà đưa ra hai phương án đổi tên nước. Lần đầu tiên Chủ tịch QH khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án cho QH thảo luận và để người dân cùng chia sẻ.
Nhưng đến bản dự thảo cuối cùng, tất cả các vấn đề được gọi là nhạy cảm nhất, được xã hội quan tâm nhất đã trở lại như ban đầu.
Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất ta phải giải quyết là tình trạng “treo” Hiến pháp.
Trong các bản Hiến pháp đã đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến
quyền của người dân, trong đó có quyền dân thể hiện quyền phúc quyết của
mình. Vậy nhưng ta vẫn cứ treo suốt 68 năm qua. Không phải chuyện gì xa
lạ mà là những vấn đề rất gần mà ta đã nhiều lần đề cập.
Thứ nhất, quyền tự do hội họp và biểu tình như đã nêu ngay trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp nào cũng được nhắc tới. Rồi luật Biểu tình mà cho đến những kỳ họp gần đây nhất đã nhất trí soạn thảo, coi đó là công cụ quản lý xã hội và thể hiện quyền của người dân.
Thứ hai là quyền lập hội. Người dân phải có cơ hội và diễn đàn để
thể hiện quyền của mình. Dự thảo luật về hội chúng ta cũng đã bàn thảo
rất nhiều lần rồi. Sửa đi sửa lại không ít lần, mà giờ vẫn gác lại.
Thứ ba là trưng cầu dân ý, vấn đề phổ quát của toàn thế giới và
trong tất cả các văn bản đều đề cập tới. Tôi đã có cơ hội cùng các nhà
lãnh đạo đi khảo sát ở các nước, hình như cũng có cơ quan được phân công
chủ trì xây dựng luật. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa có công cụ ấy. Vậy
người dân thể hiện ý nguyện của mình ở diễn đàn nào, định lượng như thế
nào? Không có. Bất kỳ lúc nào ta cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân,
nhưng toàn là chuyện nhân danh cả thôi.
Tôi cho đây là các vấn đề cần phải khắc phục.
Trong chương trình xây dựng luật của QH không hề đề cập đến luật Biểu tình, đến luật về hội và câu chuyện trưng cầu dân ý.
Vậy thì chắc chắn nếu Hiến pháp này thông qua lại tiếp tục treo. Và
không biết treo đến bao giờ. Tôi cho rằng, lẽ ra QH nên trang bị các
công cụ này, có được những luật này thì việc lấy ý kiến nhân dân mới đi
vào đúng bản chất, chúng ta nắm bắt và định lượng được và chúng ta có
quyết định.
.
“Cỗ xe phải biết tiến, lùi”
Nhóm vấn đề thứ hai, về một số vấn đề ta gọi là nhạy cảm.
Bản Hiến pháp năm 1946
ra đời trong một bối cảnh lịch sử đặc thù. Khi đó, Đảng lãnh đạo cũng
phải rút vào bí mật. Nhưng có ai không nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng
đâu. Hiến pháp năm 1959 là bản thứ hai mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực
tiếp tham gia chỉ đạo và soạn thảo. Ta vẫn thấy thể hiện rõ sự tự tin
của người lãnh đạo. Như vậy, tuy không trực tiếp đề cập tới nhưng bản
chất sự lãnh đạo đó nằm ở định hướng và đường lối phát triển đất nước…
“Không vì cái trước mắt mà phải thông qua việc sửa đổi Hiến pháp có giá trị lâu dài”
Hiến pháp năm 1980 có những tình huống đặc thù. Với những nội dung
thể hiện việc phải xử lý tình huống ngay khi đó nên có phần duy ý chí và
bị tác động bởi hoàn cảnh….
Các vấn đề như điều 4
cũng bắt đầu được ghi từ bản Hiến pháp năm 1980. Vấn đề sở hữu toàn dân
cũng từ năm 1980, rồi đổi tên các cơ chế tổ chức của Chính phủ như Hội
đồng Bộ trưởng, Hội đồng nhà nước.
Nhưng bản Hiến pháp này cũng chỉ tồn tại được 12 năm, sau đó phải sửa bằng Hiến pháp năm 1992.
Đến lượt bản Hiến pháp năm 1992 được thông qua trong bối cảnh ta
đang đứng trước rất nhiều yếu tố chưa chín muồi, trong đó có cả yếu tố
hội nhập.
Sửa Hiến pháp cũng có kế thừa nhưng phải nhìn trong quan điểm lịch sử.
Như chuyện đổi tên nước.
Trong quá trình thảo luận, nhiều người sợ rằng đổi tên nước như thế thì
là thụt lùi. Nhưng cỗ xe phải biết tiến biết đi lùi thì mới điều chỉnh
để đi đúng hướng. Người lái xe cũng như vậy thôi, nếu cứ phăm phăm tiến
về phía trước thì liệu có đi qua nổi những lúc khó khăn. Vì vậy không
nên coi đó là lùi mà phải coi đó là sự trở lại với những giá trị ban
đầu.
… Sự lựa chọn không phải là chính đáng hay không chính đáng mà ở
chỗ phải được phân tích kỹ. Tôi rất băn khoăn ở chỗ ta đã đầu tư không
ít để lấy ý kiến nhân dân, nhân dân rất hào hứng để tham gia, vậy mà ta
lại chỉ nhân danh ý kiến nhân dân để điều chỉnh mà lại không thuyết phục
thì tôi cho là sẽ ảnh hưởng đến hiệu ứng xã hội.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là sửa đổi hay làm Hiến pháp là cả một cơ hội lịch sử, bởi nó sẽ chi phối hay điều chỉnh xã hội chúng ta ít nhất trong vài chục năm.
Tôi cho là phải suy nghĩ cẩn thận, đặc biệt là xây dựng cơ chế cho
người dân tham gia. Tôi mong rằng, với ý kiến hơi trái chiều một chút,
đó là phải chăng ta có thể chậm lại một chút, sớm khắc phục tình trạng
treo một số quyền cơ bản của công dân. Sau đó có thể làm một cách căn
cơ. Với những vấn đề đòi hỏi bức xúc của xã hội bây giờ, ta có thể điều
chỉnh bằng một số văn bản luật.
Không vì cái trước mắt mà phải thông qua việc sửa đổi Hiến pháp có giá trị lâu dài.
Lê Nhungghi - Ảnh: Lê Anh Dũng
Nguồn: VNN
Xem các tin, bài liên quan trên báo chí ngày hôm nay 27.5.2013:
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét