Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013
Bản chất của tin đồn và cách ứng phó
09:25
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tin đồn xuất hiện như thế nào và liệu có thể hạn chế tác động tiêu cực của nó tới đời sống xã hội?
- Dưới góc độ tâm lý học xã hội và truyền thông, theo ông, khi nào thì một tin đồn xuất hiện?
- Trong tâm lý học xã hội,
tin đồn được xem là những "lý giải” chưa được kiểm chứng về một sự kiện,
tình huống hay vấn đề mà công chúng quan tâm và nó được truyền từ người
này sang người khác. Nói cách khác, tin đồn là một nỗ lực hay hành vi
mang tính chất tập thể, nhằm lý giải một tình huống có vấn đề hoặc một
tình huống kích thích cảm xúc của công chúng. Xét cho cùng, tin đồn cũng
là một dạng giao tiếp/truyền thông xã hội loại đặc biệt, không chính
thức. Khi một tình huống có vấn đề, thu hút sự quan tâm của công chúng
nhưng lại thiếu vắng thông tin lý giải đã được kiểm chứng, chính thức và
thuyết phục thì cách lý giải chưa được kiểm chứng, không chính thức và
có phần “bán tín, bán nghi” sẽ là cơ sở để xuất hiện tin đồn.
Từ giữa thế kỷ trước, Knapp trong cuốn A Psychology
of Rumor (1944) đã xác định rất rõ ba đặc điểm cơ bản của tin đồn: Được
truyền miệng; cung cấp các "thông tin" về một người, tình huống hay câu
chuyện đang diễn ra; thể hiện và đáp ứng các "nhu cầu về cảm xúc của
công chúng/cộng đồng. Knapp cũng phát hiện ra rằng, các tin đồn tiêu cực
thường dễ được lan truyền hơn các tin đồn tích cực. Liệu có phải vì vậy
mà phần lớn các tin đồn đều mang tính chất "phá" nhiều hơn là "xây"?
- Các yếu tố tâm lý cơ bản làm tin đồn lây lan là gì, thưa ông?
- Tin đồn có thể xuất hiện
trong mọi tổ chức hay xã hội, ở các mức độ khác nhau. Nhiều nhà nghiên
cứu, sau này, đã xác định hai yếu tố mang tính chất tâm lý và tình huống
quan trọng dẫn đến tin đồn và lan truyền tin đồn: Sự bất định và lo
lắng. Bất định là trạng thái không xác định, nghi ngờ, không biết chuyện
gì sẽ diễn ra tiếp theo và sự kiện vừa diễn ra có nghĩa là như thế nào.
Khi thiếu thông tin để lý giải một cách có ý nghĩa tình huống có vấn
đề, con người cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Chờ đợi tin tức về việc một
số lãnh đạo ngân hàng mà mình gửi tiền bị bắt giam hay theo quy hoạch
mới nhà mình có bị giải tỏa hay không... là một quá trình rất nản lòng.
Về khía cạnh cảm xúc, sợ hãi hay lo lắng khi thiếu các thông tin thiết
thực là trạng thái có thể dẫn đến sự hình thành các tin đồn. Con người
cần hiểu rõ chuyện gì đã, đang và sẽ diễn ra để có thể hành động, xử lý
một cách hiệu quả.
- Đâu là "đất sống” của tin đồn, thưa ông?
- Trong điều kiện khủng hoảng, tin đồn càng
có đất sống bởi khi đó công chúng thường cảm thấy bất định và lo âu
nhất. Trong công trình The Psychology of Rumor (1947) đã trở thành kinh
điển của mình, Allport và Postman đã xác định hai điều kiện tác động tới
tin đồn (tạm gọi là T): Tầm quan trọng (tạm gọi là Q) của tin đồn đối
với công chúng và sự mơ hồ (M) của các dữ kiện/bằng chứng liên quan tới
tin đồn. Hai biến số này liên hệ với nhau theo công thức: T = Q x M. Có
nghĩa, số lượng và cường độ của tin đồn (T) càng tăng, nếu tầm quan
trọng của nội dung tin đồn càng cao đối với công chúng và sự mơ hồ của
các bằng chứng (như thông tin đa nghĩa, tối nghĩa, nhập nhằng) càng cao
và ngược lại. Khi lo sợ về những hệ quả của một tình huống, sự kiện nào
đó như tăng giá hàng hóa, thực phẩm độc hại, động đất... (ngược lại với
mong muốn của công chúng), các tin đồn sẽ xuất hiện nhiều với cường độ
lớn khi thông tin về các tình huống đó thiếu hụt hoặc mơ hồ.
- Thưa ông, công chúng thường phản xạ thế nào với các tin đồn?
- Trước một tin đồn, các cá
nhân trong công chúng thường thể hiện một trong ba loại định hướng: Phê
phán, không phê phán hoặc truyền tiếp. Với loại phê phán, cá nhân sử
dụng năng lực phê phán để phân định sự thật và giả dối trong tin đồn mà
anh ta nghe được. Việc này dễ xảy ra, nếu anh ta có kiến thức hay kinh
nghiệm về chủ đề đó. Nhưng quan trọng hơn là anh ta phát triển được tư
duy phê phán, phản biện. Còn với loại không phê phán thì cá nhân không
thể sử dụng năng lực phê phán để đánh giá mức độ thật giả trong các tin
đồn. Có thể, một số tình huống hay cảm xúc đã hạn chế việc sử dụng năng
lực phê phán, như trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai hay nhân
tai). Trong nhiều tình huống khác, các cá nhân không có đủ kiến thức về
vấn đề mà tin đồn đề cập và không có năng lực phê phán sẽ suy diễn hay
thêu dệt ý nghĩa của tin đồn, sao cho nó phù hợp với định khuôn, định
kiến hay thái độ của mình. Với loại thứ ba (thường thể hiện trong các
thực nghiệm tâm lý học xã hội), nội dung của tin đồn không liên quan đến
cá nhân, nên anh ta chỉ quan tâm đến việc truyền tiếp nó cho người
khác. Đôi khi, nó giống như một đứa trẻ được người khác cho biết một
“tin vịt”, nó chẳng hiểu gì lắm nhưng lại phấn khích truyền tin này cho
nhiều người khác vì nhiều động cơ khác nhau (thích thể hiện, kiếm chuyện
làm quà…).
- Xin hãy nêu một câu chuyện về tin đồn mà ông thấy có nhiều bài học đáng để ta suy ngẫm?
- Khi dịch cúm gia cầm H5N1
bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã
đưa ra một báo động về sức khỏe cho công chúng ở cấp độ quốc tế. Sau đó,
Văn phòng Khu vực Tây Thái Bình Dương của tổ chức này (WPRO) đã chỉ
định một viên chức giám sát tin đồn (rumor survaillance officer) để tìm
kiếm và theo dõi dấu vết về tin đồn cúm gia cầm. Trong vòng 5 tuần,
người ta phát hiện 40 tin đồn khác nhau về bùng phát cúm gia cầm ở các
nước trong khu vực. 9 trong số này (chiếm 24%) là các tin đồn, sau đó,
đã trở thành sự thật.
Bài học ở đây là trước các tin đồn (vốn thường phản
ánh mối quan tâm hay lo ngại của công chúng), thay vào việc phớt lờ hay
phủ nhận ngay lập tức như cách của nhiều tổ chức hay quốc gia có thể
làm, WHO đã chủ động giám sát và những kết quả/phát hiện của họ đã dập
tắt các tin đồn sai lệch và giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế
và tâm lý. Điều quan trọng hơn là WHO đã xác minh và khẳng định, gần ¼
tin đồn là xác thực, huy động những nguồn lực để ứng phó ở những nơi bị
ảnh hưởng.
Tất nhiên, trong các tin đồn nói chung có nhiều tin
đồn không xác thực, một số tin đồn xác thực, một số khác chứa dựng cả 2
yếu tố: Nhiều thông tin chi tiết trong tin đồn là sai lệch nhưng vấn đề
mà nó đề cập lại là có thật. Điều quan trọng là tin đồn báo hiệu cho
chúng ta, đặc biệt là những người quản lý tổ chức hay xã hội, biết rằng
có một chuyện gì đó đang diễn ra và đòi hỏi cần phải xử lý. Ngay cả khi
tin đồn là sai hoàn toàn thì nó vẫn chứa đựng một dạng "sự thật". Nó cho
ta biết một thông tin quan trọng là người dân đang nghĩ gì và tâm
trạng, thái độ của họ ra sao (những yếu tố tác động rất lớn đến hành vi
con người).
- Trước một tin đồn, thường thì người tiếp nhận rất hoang mang. Vậy, làm thế nào để có cách ứng xử đúng đắn?
- Từ công thức T = Q x M và
những gì đã được đề cập trên đây, có thể thấy, các cách thức xử lý với
tin đồn từ góc độ của người quản lý tổ chức hay xã hội và từ góc độ của
công chúng. Cách giảm T tốt nhất là giảm M. “Chìa khóa” đối với chiến
lược hay cách thức xử lý tin đồn là năng lực thực hiện ba yếu tố: Cơ chế
hay cách thức xác định các tin đồn; cách thức xác định tin đồn nào là
xác thực và tin đồn nào là sai lệch/giả dối; cơ chế hay cách thức hiệu
chỉnh các tin đồn không chính xác và thay thế chúng bằng các thông tin
tin cậy.
- Như vậy, cách tốt nhất để phòng ngừa và ngăn chặn việc lan truyền tin đồn lại chính là lan truyền thông tin xác thực?
- Thông tin tốt chính là
“thuốc giải độc” cho những tin đồn nhảm. Ngay cả khi người quản lý không
có thông tin tin cậy thì anh ta vẫn có thể thông báo ít nhất hai điều:
Tin đồn đang lan truyền nói rằng, XYZ và thông tin/bằng chứng tốt nhất
mà chúng tôi hiện có về XYZ là... Còn một điều nữa cũng rất có hiệu quả:
Khi biết rằng tin đồn là đúng thì hãy nói như vậy, cũng tương tự khi
tin đồn là sai hoặc vừa đúng vừa sai. Chính cách làm này sẽ giúp công
chúng giảm lo lắng hay hoảng sợ và vì thế giảm “nhu cầu cảm xúc” về tin
đồn hay giảm tính chất lây lan của tin đồn trong công chúng. Dù tin đồn
có thế nào, nhưng nếu người quản lý chia sẻ thông tin một cách trung
thực và minh bạch thì phần lớn công chúng đều cảm thấy "nhu cầu" phải
nói về tin đồn một cách vô trách nhiệm sẽ giảm. Trong tình huống hoang
mang “bán tín bán nghi”, việc cung cấp thông tin trung thực cho công
chúng chính là cách hiệu quả để lấy được lòng tin và sự hợp tác của họ.
Truyền thông thường đóng một vai trò quan trọng trong
kiểm soát/xử lý tin đồn bởi truyền thông có thể chỉnh sửa lại các thông
tin sai lệch và công bố các thông tin có cơ sở xác thực, đáng tin cậy.
Để phòng ngừa sự lan truyền các tin đồn sai lệch, các cuộc họp báo hoặc
cung cấp tin tức thường xuyên về tình huống “có vấn đề” và lý giải những
gì đang xảy sẽ rất có ích.
- Đó là từ phía người quản lý. Còn từ phía công chúng thì sao, làm sao tăng "sức đề kháng” trước tin đồn thất thiệt?
- Xét về mặt dài hạn và bền
vững, cần phát triển trong công chúng kỹ năng tư duy độc lập, tư duy
phê phán như một thành tố rất quan trọng mà hầu hết các nghề nghiệp đều
đòi hỏi. Văn hóa giáo dục ở Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của Khổng giáo
và nhiều yếu tố khác, dường như không khuyến khích điều này. Trong thời
đại Internet, xu hướng công chúng đọc báo mạng đang tăng và báo in đang
giảm, nhiều khi các tin tức chính thống, được kiểm chứng bị thay thế bởi
nhiều thông tin giải trí, giật gân, lá cải, chưa được kiểm chứng hay
sai lệch. Internet chứa đựng cả những điều có ích nhất lẫn những điều
độc hại nhất.
Như thế, những người tiếp nhận thông tin từ Internet
hay từ các nguồn khác mà không có năng lực tư duy độc lập hay phê phán
sẽ là những người dễ bị lẫn lộn, bị lừa dối hay bị tổn thương nhiều
nhất. Trong bối cảnh này, việc trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ
năng tư duy độc lập, phê phán, ngay từ khi còn đi học là cách làm nên
khuyến khích. Tư duy độc lập và phê phán giúp con người xét đoán, quyết
định tin hay không tin vào một điều gì đó bằng cách đặt ra các câu hỏi
về những kiến thức, dữ kiện hay ý kiến mà người đó nhận được. Đây cũng
là một cách thức quyết định xem, liệu một thông tin nói chung hay một
tin đồn nói riêng là đúng, đúng một phần hay sai lệch hoàn toàn. Phát
triển tư duy độc lập, phản biện cũng giống như cách thức "tiêm phòng”
vắcxin, là cách tự bảo vệ mình tốt nhất trước các tác động tiêu cực của
những thông tin xấu, tin đồn thất thiệt.
- Xin cảm ơn ông!
LÊ NGỌC SƠN (SINH VIÊN VIỆT NAM)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét