Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (2)

Tháng 8 11, 2013

Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch
Xem kì 1
Về môi trường xã hội, hệ tư tưởng của những người cộng sản Trung Quốc bị cắt rời khỏi lịch sử, và kí ức của nhiều thế hệ thì hoàn toàn trống rỗng. Từ khi Đảng Cộng sản giành được chính quyền, dân chúng ở Đại lục Trung Hoa đã trải qua đủ kiểu thảm họa khó lòng hình dung, nhưng thế hệ sau 1989 là thế hệ tuyệt đối không phải mang nặng một kí ức nào về một thời cơ cực, không nếm trải sự đàn áp có hệ thống và nhà nước công an trị, chỉ thỉnh thoảng có chút kinh nghiệm trực tiếp của bản thân rằng “có tiền là xong hết” và “có quyền là có tiền”; còn để có được “ảnh hưởng xã hội” thì “không từ một phương tiện nào”, trong mắt họ người thành đạt là người trở thành tỉ phú qua đêm và tung tẩy như minh tinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì thế, hiển nhiên họ không có lấy một gram kiên nhẫn khi nghe kể về những thảm họa trong lịch sử và những bóng đen trong hiện tại. Họ cho rằng cứ lải nhải mãi về những kẻ hữu khuynh, về Đại nhảy vọt, về Cách mạng Văn hóa, về Sự kiện Lục Tứ, cứ suốt ngày phê phán chính phủ và triền miên vạch trần những mặt tối của xã hội thì nào có ích gì. Chẳng phải là chính họ, với đời sống đầy đủ tiện nghi và thông tin chính thống đủ loại do nhà nước cung cấp, đang là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc đó sao.
Ngoài mặt thì anh hùng, bên trong thì thỏ đế, đạo đức và lương tri thì hoàn toàn trống vắng.
Về môi trường gia đình, giới trẻ ngày nay phần lớn đều là con một, vì thế ở nhà họ là những ông “vua con”. Từ nhỏ đến lớn họ hưởng thụ một lối sống ích kỉ, chẳng bao giờ phải lo chuyện cơm áo. Họ không đích thân nếm trải sự cực nhọc mà thế hệ cha mẹ họ phải kinh qua để vươn lên. Họ được giáo dục thuần túy trong ý thức lấy mình làm trung tâm, tất cả đều phải chiều theo ý họ, họ thiếu hẳn cảm giác về những vấn đề của người khác. Nếu thi đỗ đại học, họ trở thành những chú chó cưng trong gia đình và những đứa trẻ được thường xuyên xoa đầu trong xã hội. Cho nên họ được gia đình nuông thành những kẻ tuyệt đối vị kỉ và được xã hội đẩy đến chỗ lấy tính toán thiệt hơn về thành công và tiêu thụ làm niềm vui sống. Cũng như vậy, bận tâm lớn nhất của đại đa số học sinh nông thôn thi đỗ vào các trường lớn không phải là làm cách nào giúp nông dân thoát nghèo và kì thị, mà là làm cách nào sau khi tốt nghiệp trở thành một siêu nhân thành thị thành đạt, để rũ bỏ hẳn kiếp lầm than của cha mẹ. Sinh viên ở những vùng nông thôn coi quan điểm đó là đương nhiên.
Những năm gần đây, cơn cuồng loạn của chủ nghĩa dân tộc trong xã hội dân sự ở Đại lục còn vượt xa thái độ chính thức của nhà nước; giới trẻ là những người hân hoan nhất với chủ nghĩa dân tộc; đặc biệt chủ nghĩa bài Mỹ, bài Nhật và phản đối sự độc lập của Đài Loan từ lâu đã trở thành những chủ đề quan trọng để thế hệ trẻ ở Đại lục bày tỏ ý thức dấn thân cho Tổ quốc và xả hận thù quốc gia. Vụ máy bay Mỹ đụng máy bay Trung Quốc [i], vụ thác loạn tập thể của người Nhật trong một khách sạn ở Châu Hải [ii], vụ sinh viên Nhật “nhục mạ Trung Quốc” tại Đại học Tây Bắc [iii], vụ Thủ tướng Nhật Koizumi viếng thăm Đền Yasukuni, vụ một phụ nữ người Hoa, bà Zhao Yan, bị cảnh sát Mỹ hành hung [iv], trận chung kết Cúp bóng đá châu Á giữa Trung Quốc và Nhật Bản [v] – tất cả những sự kiện đó đều là dịp để các nhà yêu nước trẻ tuổi hun nóng cảm xúc và phẫn nộ tập thể, và biến một con muỗi thành một con voi. Trong cái ngôn ngữ côn đồ ngày càng dữ dằn của chủ nghĩa dân tộc trên mạng, lòng ái quốc lẫn vào những lời chửi rủa văng mạng và tiếng la hét đòi nợ máu. Nhưng cái chủ nghĩa yêu nước đang trỗi dậy này không đủ sức để ngăn cản lối sống cơ hội, chưa nói đến sự im lặng phổ biến trước bạo lực từ phía chính quyền, còn bản thân chính quyền lại làm ngơ trước bạo lực xã hội. Bào mòn năng lực cảm thông và triệt tiêu ý thức về công lí đã trở thành một thứ bệnh thời thượng của xã hội; chẳng ai buồn đoái hoài tới người già gục ngã ven đường, chẳng ai cứu cô bé nhà quê trượt chân rơi xuống nước; cướp đường xông lên tàu, hành hung và hãm hiếp phụ nữ ngay tại chỗ mà không một ai trong số trai tráng tuổi từ 20 đến 40 ngồi chật toa đứng lên chống cự; du đãng bắt cóc và kéo lê hai thiếu nữ cả trăm mét cho thiên hạ thấy mà tất cả đều trố mắt đứng nhìn, không một ai giơ tay ra giúp… Những tin tức về hiện trạng xã hội khiến ta phải rùng mình như thế không phải là hiếm trên truyền thông ở Đại lục, ngay cả trong một số chương trình trên Truyền hình Trung ương.
Chủ nghĩa dân tộc của thế hệ những người Trung Quốc trẻ tuổi là thế: bề ngoài khua võ miệng, bề trong đớn hèn. Cô sinh viên đứng dậy hỏi ông Clinton một câu không mấy thân thiện và đầy tinh thần ái quốc khi ông đến Đại học Bắc Kinh diễn thuyết nhân chuyến thăm Trung Quốc năm nào, bây giờ đã kết hôn với một người Mỹ. Những câu chuyện kịch tính như vậy tất nhiên là đề tài cho truyền thông khai thác và cũng khuấy động dư luận một thời gian. Nhưng đáng buồn hơn nhiều là đối diện cái mâu thuẫn giữa lời nói và hành động ấy, giới trẻ không hề thấy rối trí hay phải tự hoài nghi gì hết; họ chửi Mỹ cũng thản nhiên như việc họ sang Mỹ du học. Khi chửi Mỹ, họ đầy lòng phẫn nộ thành thực. Khi ngồi trên máy bay thẳng hướng Boston họ vui như Tết, và niềm vui ấy cũng lại thành thực nốt.
Cách đây vài ngày tôi đọc trên mạng một lời mời kí tên leonphoenix, mở đầu như sau: “Tôi thích sản phẩm Mỹ, tôi thích phim bom tấn của Mỹ. Tôi thích tinh thần tự do của Mỹ. Tôi ngưỡng mộ sự vĩ đại và phồn vinh của Mỹ, nhưng suốt ngày tôi cùng bạn bè hô ‘Đả đảo bọn Yankee!!!’, vì đó là phản ứng bản năng tất yếu của đám đông nhu nhược.” Đó là sự thật về cái chủ nghĩa yêu nước vô liêm sỉ mà những con người này truyền bá nặc danh trên Internet.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số giáo sư có khuynh hướng cởi mở phải than rằng: sinh viên là những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của nền giáo dục theo hệ tư tưởng chính thống suốt thập niên 90.
Trong những vấn đề liên quan đến Đảng Cộng sản, thái độ của thế hệ trẻ cũng vô liêm sỉ chẳng kém. Tuy gần đây số sinh viên làm đơn xin vào Đảng tăng mạnh, nhưng số người thực sự tin ở chủ nghĩa cộng sản cũng hiếm như những người trong giới trẻ dám nói “Không” với tiến trình dã man hóa xã hội một cách hệ thống và đi liền với nó là bạo lực.
Cô sinh viên năm xưa ở Đại học Bắc Kinh, nay đã kết hôn với một người Mỹ, có từng là hay vẫn đang là đảng viên cộng sản hay không, tôi không biết. Nếu không thì thái độ của cô không hoàn toàn khớp với lối sống điển hình của giới trẻ ở Đại lục. Nếu có thì những phát ngôn của cô khi còn ở trong trường và lựa chọn sau khi tốt nghiệp là ví dụ hết sức điển hình cho giới trẻ ở Đại lục: một sự chú trọng những tính toán vật chất quá mức bình thường, một lối sống đặt tiêu điểm vào nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận cao nhất cho bản thân. Nói cho có phần nhẹ nhàng thì đó là sự bừng tỉnh của ý thức lợi nhuận ở các cá nhân, còn không thì có thể đơn giản gọi đó là bon chen cơ hội. Họ không tin ở chủ nghĩa cộng sản nhưng lại muốn vào Đảng, họ ngây ngất trong tinh thần ái quốc đả đảo Mỹ nhưng lại chạy theo mọi thứ mốt từ Mỹ tràn sang. Song điều đáng kinh ngạc nhất là: họ không hề thấy thái độ của mình có gì là mâu thuẫn và lại càng không hề thấy có gì phải băn khoăn. Trái lại, họ tự thấy mình rất ổn. Chừng nào còn kiếm chác được, họ còn thấy mình đã khôn ngoan chọn đúng đường.
(Còn tiếp)
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die geistige Landschaft in posttotalitärer Zeit”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 34-45. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Các chú thích đều của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra
Ảnh: Biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc 2012. Nguồn: New York Times

[i]  Ngày 1-4-2001, một máy bay do thám của hải quân Mỹ đụng độ một máy bay tiêm kích Trung Quốc ở không phận gần đảo Hải Nam.
[ii] Tháng 9-2003, một công ti xây dựng Nhật Bản tổ chức 15 năm ngày thành lập trong một khách sạn 5 sao tại Châu Hải, với 400 đàn ông Nhật và 500 gái điếm Trung Quốc ba ngày liên tục, đúng dịp 72 năm ngày Nhật chiếm đóng Mãn Châu.
[iii] Tháng 10-2003, một nhóm sinh viên Nhật tại Đại học Tây Bắc đeo dương vật giả và vú giả đến một buổi khiêu vũ, rồi thóa mạ rằng đó chính là hình ảnh của người Hoa.
[iv] Tháng 7-2004, bà Zhao Yan, một doanh nhân Trung Quốc bị nghi oan là tòng phạm trong một vụ buôn lậu cần sa và bị cảnh sát Hoa Kỳ hành hung thô bạo.
[v] Năm 2004, kết quả: Nhật chiếm giải vô địch châu Á

0 nhận xét:

Đăng nhận xét