Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013
Phong cảnh tinh thần thời hậu toàn trị (3)
16:15
Hoàng Phong Nhã
No comments
Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch
Phần
lớn trong số những sinh viên bơi theo thời cuộc chính là những người
chủ động muốn vào Đảng. Không phải vì niềm tin lí tưởng, mà vì những mục
đích cá nhân. Bởi lẽ, những người cộng sản trước sau vẫn cầm quyền ở
Đại lục, vậy sau khi tốt nghiệp muốn làm gì chăng nữa, nếu muốn thật
nhanh thành đạt thì vào Đảng vẫn tốt hơn. Điều tra xã hội những năm gần
đây về khuynh hướng chọn nghề trong sinh viên cho thấy rõ: nguyện vọng
hàng đầu của sinh viên là vào Đảng và được tuyển làm công chức trong một
cơ quan nhà nước. Khi phát biểu về động cơ gia nhập Đảng, họ hoàn toàn
không dùng ngôn ngữ khẩu hiệu nhàm chán mà trái lại, họ cực kì hùng biện
và thực dụng.
Một sinh viên năm thứ ba mặt đỏ tía tai
tranh luận với tôi, nói như sau: “Ở Trung Quốc nếu muốn đạt được điều gì
thì phải vào Đảng; là công chức thì phải vào Đảng mới có cơ hội tiến
thân, phải vào Đảng mới thâu tóm nhiều quyền lực, mới đạt được điều mình
mong muốn. Vào Đảng thì có gì là xấu? Thành công chức và kiếm nhiều
tiền thì có gì là xấu? Vừa lo được cho mình, vừa giúp gia đình có địa
vị, lại cống hiến cho xã hội nhiều hơn bất kì người nào làm những nghề
bình thường.”
Lối sống của giới sinh viên trẻ giống
lối sống của những người cộng sản như hai giọt nước. Thoạt nhìn thì nó
không liên quan gì đến những lời rao giảng cộng sản, nhưng ai biết rõ
quy trình thẳng tiến tới quyền lực của những người cộng sản – tiếm
quyền, nắm quyền và giữ quyền – thì nhận ra ngay sự giống nhau nói trên,
giống nhau về bản chất và thường trực, trong tinh thần cơ hội, đặt lợi
ích của riêng mình lên trên tất cả và không từ một phương tiện nào.
Cho nên phương châm của họ đối với thiên
hạ gồm những châm ngôn đại loại: “giữ mình, chờ thời”, “ăn cơm chúa,
múa tối ngày”, “muốn quỳ thì phải cong”… Những châm ngôn trơ trẽn đó,
không hề xuất phát từ một khát khao siêu hình hay xác tín đạo đức căn
bản nào, vậy là lại xuyên qua bao nhiêu thế kỉ trong lịch sử để lặp lại
không một mảy may thay đổi. Những lí tưởng cộng sản thời Mao đã bị chôn
vùi trong thời “mèo đen – mèo trắng” thực dụng của Đặng Tiểu Bình, điều
đó thường được coi là một trong những khác biệt chính giữa hai giai đoạn
lịch sử. Nhưng sự thực thì toàn bộ chiến lược tồn tài và nguyên tắc
hành xử của Mao chỉ xoay quanh quyền lực. Lúc nào cũng giương cao ngọn
cờ lí tưởng và đạo đức, nhưng khẩu hiệu giải phóng nhân loại của Mao
chẳng hề khiến ông ta chùn tay hạch tội và sát nhân; thậm chí để nhuộm
đỏ cả hành tinh, Mao sẵn sàng nướng một phần ba nhân loại.
Nói cách khác, bất kể là ai, sinh viên
hay giới tinh hoa trí thức đang chen nhau vào Đảng để trở thành công
chức trong hệ thống hay doanh nhân trong kinh tế, từ khía cạnh đạo đức
thì gần như không một ai tán thành chế độ hiện tại, nhưng hành động
trong thực tế của họ lại giúp củng cố chế độ này.
Hiện tượng sống ung dung và tự hài lòng
trong tâm thế đạo đức bị xé rách ấy nhất quán với trạng thái phân thân
về tinh thần trong toàn bộ xã hội. Tấn trò lớn diễn ra ở Đại lục sau
Thiên An Môn gồm những thông tin không chính thức, những bài vè chính
trị nhạo báng, những chuyện tiếu lâm tục tĩu, qua đó người ta xả bất
bình, người ta chê cười chính trị, đồng thời điều hòa không khí lúc tiệc
tùng và giảm bớt căng thẳng. Trung Quốc quả thật đã bước vào một “thời
đại hí lộng”. Không kể các kiểu chương trình buổi tối, kênh giải trí,
hài kịch và những tiết mục hề trên truyền hình, giới lãnh đạo và bộ sậu
quan liêu chính là nguồn vô tận cung cấp chuyện cười và vè dân gian giễu
cợt; hầu như ai trong dân chúng cũng có sẵn một chuyện tiếu lâm tục tĩu
nhuốm mầu chính trị trên môi; ở địa phương nào cũng lan truyền những
bài vè nhạo. Tất cả những thứ đó là ngôn ngữ chung thực sự của dân chúng
Đại lục, công khai đối diện với ngôn ngữ trong vòng kiểm soát của nhà
nước trên các phương tiện truyền thông công cộng ở đầu bên kia trục
đường kính. Chỉ hấp thu những thông tin thường nhật trên truyền thông
nhà nước, ta tưởng đang sống trong thiên đường. Chỉ hàng ngày góp nhặt
thông tin từ những chuyện bàn tán vỉa hè, ta lại thấy đang ở trong địa
ngục. Bên này miêu tả toàn ánh sáng, bên kia chỉ trưng ra bóng đêm tăm
tối. Những thông tin trong nội bộ dân chúng không thể đem ra ánh sáng
công bố và truyền bá giữa thanh thiên bạch nhật, chúng dừng lại trong
phạm vi cá nhân hạn hẹp. Cấm đoán chính thức hay bán chính thức đủ mọi
kiểu của chính quyền sinh ra một hệ thống ngầm, nơi giới thống trị chia
nhau tài sản quốc dân và sắp đặt mưu mô chính trị sau cánh gà. Tin tức
phi chính thống lan truyền trong dân chúng cũng sinh ra một hệ thống
ngầm, lời đáp cho chế độ đàn áp, nơi nỗi bất bình của dân chúng tìm kênh
xả sau cánh gà. Trong cấu trúc kép của hệ thống ngầm ấy, tất cả dân
chúng Đại lục cùng tuân thủ những luật lệ như nhau, dù đó là những luật
lệ vô hình của một hệ thống chính quy.
Sống trong sự tương phản khổng lồ này,
những kẻ vô liêm sỉ không hề thấy có gì là thiếu nhất quán: chế độ cộng
sản bị nguyền rủa và phỉ nhổ sau lưng vẫn đứng vững, giới quan chức cộng
sản cao cấp bị toàn dân Trung Quốc chửi nát vẫn sống khỏe, bên bàn tiệc
đi kèm những phi vụ làm ăn người ta vẫn thi tài tiếu lâm chính trị, kể
chuyện bậy về lãnh đạo là thông lệ lúc cụng li.
Nếu uất ức, khổ đau, bất công và bức xúc
ở các tầng lớp dưới trong xã hội xuất phát từ cảm xúc thực thì sự căm
phẫn ở những người đang hưởng lợi từ hệ thống hiện tại (tức tầng lớp
thống trị, mọi giới tinh hoa và cổ cồn ở thành thị) biến hóa thành một
trạng thái tự sướng trong những buổi chiêu đãi tiệc tùng.
Nhưng bất bình và nhạo báng đã đánh mất
độ sắc nhọn và sức mạnh đạo đức thực sự của nó từ lâu. Tiệc tan thì nó
cũng tàn. Nó không có một tác động nhỏ nhất nào đến lối hành xử của
người ta trước công luận. Sự tự sướng ấy trong xã hội dân sự là một thứ
ma túy, công dụng là gây mê, người ta mê man trong tiếng lật bài xì phé,
trong tiếng lách tách của những quân mạt chược và trong những trận cười
bên bàn nhậu. Khổ đau, u tối và bất bình cũng là những món hàng tiêu
thụ. Song khi những trận cười qua đi thì mọi sự vẫn nguyên như cũ: Cần
nói dối thì nói dối, cần đê tiện thì đê tiện, cần thủ đoạn thì phương
tiện nào cũng không từ…
Trạng thái tinh thần ở Đại lục thời hậu
toàn trị vừa phân liệt, vừa thống nhất. Ứng xử trong hệ thống và ứng xử
ngoài hệ thống, ngôn ngữ chính quy và ngôn ngữ của xã hội dân sự, khoảng
cách giữa thái độ ngoài mặt và lời thậm thụt sau lưng, giữa hiện thực
bi đát và sân khấu hí lộng, tất cả đã đạt tới một quy mô kinh hoàng.
Nhưng sự phân liệt đó lại thống nhất một cách thần kì trong lối sống vô
liêm sỉ, khi hiện thực đau đớn được chuyển thành trò cười của toàn dân,
bất bình xã hội hóa thân thành tự mê man, nhạo báng giới thống trị thoái
hóa thành tự sướng. Ngoài hưởng thụ và tiêu thụ dường như chẳng còn lại
gì, trừ hình ảnh méo mó của “tư duy quản trị”: chà đạp lên tất cả để
tối ưu hóa lợi nhuận cho bản thân.
Viết tại nhà, Bắc Kinh ngày 15-9-2004
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die geistige Landschaft in posttotalitärer Zeit”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 34-45. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Các chú thích đều của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2013 pro&contra
Ảnh: Hàng chục ngàn thanh niên trong lễ kỉ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc tại Trùng Khánh. Ảnh: Tân Hoa xã
0 nhận xét:
Đăng nhận xét