Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP: TẠO ĐIỀU KIỆN CHO NGƯỜI DÂN THỰC THI TỰ DO
16:31
Hoàng Phong Nhã
No comments
Đảng Dân chủ Việt Nam:Khi
các trí thức, luật gia và dư luận đòi hỏi các quyền tự do của công dân
và của con người, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không thể từ chối ghi rõ các
quyền tự do đó vào bản Hiến pháp sửa đổi. Tuy vậy, phát biểu của ông
Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên cho thấy Đảng Cộng sản và Nhà nước
Việt Nam đang và sẽ không thật tâm trong việc thực thi các quyền đó.
Giới lãnh đạo đã chọn “cấp độ bảo hiến thấp nhất” – một “hội đồng bảo
hiến thuộc Quốc hội”. Đối với sự lựa chọn này, họ không tính đến hiệu
quả thực thi các quyền tự do của công dân, mà chỉ tính đến các “tiền đề”
được gọi là “một đảng duy nhất cầm quyền” và “Quốc hội được Đảng khẳng
định là cơ quan quyền lực cao nhất”. Trong khi đó, “quyền lực cao nhất”
mà vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản thì rõ ràng chồng chéo, áp
đặt. Tuyên bố này vẫn biểu hiện não trạng độc tôn chính trị. Trao quyền
bảo hiến cho Quốc hội do một đảng lãnh đạo thì cũng như không có cơ chế
bảo hiến: tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” và bánh vẽ nhân quyền sẽ
tiếp tục mà thôi. Các nhân sĩ trí thức và dư luận cần hiểu rằng, dù các
điều khoản nhân quyền có tiến bộ đến mấy, việc thực thi và bảo vệ các
quyền này sẽ không có gì tiến triển với cơ chế bảo hiến “cấp độ thấp” mà
bản Hiến pháp sửa đổi dự định thiết lập.
***
Phân định rõ hơn “quyền con người” và “quyền công dân” là một nét tiến bộ của dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Ngày 10-12, tại Hải
Phòng, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý cho báo cáo nghiên cứu, đề xuất
sửa đổi Hiến pháp trước khi các cơ quan chức hoàn thiện bản dự thảo HP
1992 sửa đổi để công bố lấy ý kiến nhân dân.
Đạo luật gốc
Thứ trưởng Tư pháp Hoàng
Thế Liên, thành viên Ban Tổng kết Hiến pháp của Chính phủ và Ban Biên
tập Hiến pháp sửa đổi, cho biết: “Trước đây, ta coi đó là tuyên ngôn
chính trị, pháp lý. Cho nên đưa vào Hiến pháp rất nhiều quy định mang
tính mục tiêu, định hướng, phấn đấu. Nay thống nhất coi đó là luật gốc,
tức có giá trị áp dụng trực tiếp thì phải thu gọn lại. Cái gì là cơ bản,
là quan trọng, cốt lõi nhất, phải thực hiện ngay mới đưa vào hiến
định”.
Với nhận thức mới ấy, bản
dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã viết lại rất nhiều về nhóm quy định quyền
con người, quyền cơ bản công dân. Kỹ thuật lập hiến xử lý theo hướng
quyền của công dân thì có kèm theo từ “công dân”, còn quyền con người
thì được thể hiện bằng tiền tố “mọi người”. Hàm ý là những quyền con
người ấy không chỉ áp dụng cho công dân VN mà cả người nước ngoài sinh
sống, làm ăn hay đang có mặt tại VN.
Tuy nhiên, theo TS Trần
Ngọc Định – giảng viên ĐH Luật Hà Nội, sẽ có những quyền không thể áp
dụng đồng đều cho mọi đối tượng. Ví dụ, quyền tự do đi lại thì giữa công
dân VN và người nước ngoài tại VN được điều chỉnh bằng những văn bản
khác nhau, mức độ kiểm soát, hạn chế khác nhau. Tương tự, quyền “tự do
kinh doanh” cũng không thể công bằng cho cả người VN và người nước
ngoài.
Tự do – thuộc tính của con người
Phân
định rõ hơn “quyền con người” và “quyền công dân” là một nét tiến bộ
của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. “Nhưng con người có rất nhiều quyền và
công dân cũng rất nhiều quyền thì chọn những quyền nào để đưa vào Hiến
pháp? Và “tự do” khác gì với “quyền” – PGS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ
Pháp luật dân sự – kinh tế Bộ Tư pháp, nêu câu hỏi để mọi người cùng
thảo luận.
PGS Thái Vĩnh Thắng,
chuyên gia hiến pháp và lịch sử tư tưởng nhà nước – pháp luật thuộc ĐH
Luật Hà Nội, chia sẻ: “Theo tôi hiểu, tự do là quyền con người tự thân,
là thuộc tính của con người. Nhà nước không cần tổ chức cho người dân
thực hiện và cũng không được can thiệp vào lĩnh vực đó. Đã là quyền tự
do thì chỉ có thể điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo;
quy phạm pháp luật chỉ là để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực
thi tự do”.
Với lập luận như vậy,
nhiều chuyên gia đồng tình với phạm vi thể hiện trong dự thảo Hiến
pháp sửa đổi, khẳng định một số quyền con người như quyền tự do ngôn
luận, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do báo chí.
Không thể dùng luật để triệt tiêu quyền cơ bản
Một điểm tích cực nữa ở
dự thảo Hiến pháp sửa đổi là khẳng định các quyền con người, quyền cơ
bản của công dân chỉ bị hạn chế bởi “luật do QH ban hành”, thay vì như
Hiến pháp 1992, quy định chung chung là hạn chế bởi “pháp luật” – tức cả
văn bản quy phạm dưới luật do Chính phủ, bộ ngành, địa phương ban hành.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị
Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hành chính – hình sự Bộ Tư pháp, chỉ ra
là vẫn có những nguy cơ luật được ban hành tùy tiện để hạn chế quyền
con người, quyền cơ bản của công dân. Dẫn kinh nghiệm lập hiến của CHLB
Đức, bà Thoa cho rằng cần ràng buộc trong Hiến pháp những nguyên tắc lập
pháp, buộc luật ban hành không được triệt tiêu giá trị nguyên thủy của
các quyền hiến định đó. Chẳng hạn, QH có thể ban hành luật về biểu tình
nhưng là để hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền hiến
định đó chứ không được chứa đựng những nội dung gây khó, tước đoạt quyền
biểu tình của người dân.
Cơ chế bảo hiến?
Thứ
trưởng Hoàng Thế Liên cho biết sau buổi họp Ban Biên tập Hiến pháp sửa
đổi cuối tuần trước, dự thảo Hiến pháp đã được sửa đổi, bổ sung cấp độ
thấp nhất về bảo hiến. Từ ba mô hình tòa bảo hiến, hội đồng bảo hiến độc
lập và hội đồng bảo hiến thuộc QH, nay đã chọn mô hình thứ ba, theo
hướng hội đồng sẽ phán quyết về những trường hợp vi phạm Hiến pháp, báo
cáo QH quyết định. Đây là giải pháp đáp ứng hai tiền đề quan trọng của
đặc thù VN: một đảng duy nhất cầm quyền và QH được Đảng khẳng định là cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Nghĩa Nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét