Có câu rằng lính không chọn được sếp, giống như con cái không chọn được cha mẹ, nhưng thực ra sếp cũng đâu có chọn được quân cơ chứ. Đi tìm cả ngày, cả tháng cũng không thể kiếm đâu ra một văn phòng mà từ tướng đến sĩ đến tốt đều “chuẩn” tuốt tuồn tuột. Và không ít người than thở vì nhân viên kém quá. Sếp cũng phải kêu khổ – khổ vì làm sếp của kẻ đần.
Sếp to thì chịu khổ kiểu sếp to, sếp bé cũng có những nỗi-đau-nhân-viên của riêng mình. Với cơ quan nhà nước, lại là chỗ “mát mẻ”, thì thực tế đó quá rõ bởi nhiều đối tượng muốn chen chân. Đành rằng trên nguyên tắc là thi tuyển đàng hoàng, nhưng thử hỏi có bao nhiêu phần trăm đi làm theo đường “chính ngạch” này? Nơi nào khá thì tỷ lệ có lẽ là 50-60%, số còn lại đến từ muôn ngả.
Một ông vụ trưởng trong cơ quan có đứa cháu mới ra trường, học hành cũng được, “bố mẹ nó ở quê cả, tôi cũng như cha, cậu xem thế nào giúp hộ” – thế là ông vụ trưởng kia chặc lưỡi nhận. Bác lái xe thâm niên đã mấy chục năm, chỉ còn hai năm nữa là lĩnh sổ, đến vật nài: “Nhà tôi có mỗi mình cháu sáng dạ, cho học hành tử tế, là chỗ dựa cho gia đình sau này” – nghe đã thấy rưng rưng, cả nể lại gật. Rồi con cái của bạn bè nữa chứ. Ra trường xong là biệt vô âm tín đến cả ba chục năm, thế mà bỗng dưng một ngày lù lù xuất hiện gọi đi uống bia, mới tới cốc thứ hai đã lè nhè “này, chỗ thân tình, tớ là cứ nói thẳng...” Lại mất vài đêm vắt óc tính toán thu xếp sao cho bạn đừng chửi mình cạn tình. Không thể không nhắc đến những suất “nhân viên ngoại giao” để trao đổi với đối tác hoặc các cấp quản lý cao hơn. Bây giờ ít có cái kiểu thẳng tưng nhận bừa nhưng nếu thi cử có đuôi đuối tí chút thì cũng cố mà xốc nách cho “cháu nó” đứng dậy. Và đương nhiên, còn phải trừ hao thêm một số suất chạy chọt tiêu cực.
Tại các công ty tư nhân thì sao? Xin nói luôn là loại nhân viên thân quen đầy cả mớ. Những công ty “hoành tráng” làm ăn thành đạt cũng chịu chung cảnh nhờ vả chẳng kém gì cơ quan nhà nước, công ty nho nhỏ thường chật những người nhà, ban đầu với ý nghĩ là giúp đỡ nhau, tiết kiệm chi phí, nhưng dần dà mới thấy là còn tốn hơn thuê nhân viên lương cao. Mang tiếng là công ty hữu hạn với cổ phần, đuổi việc chẳng dễ chút nào. Loại nhân viên là cháu của vợ ông anh nhà bác con bà chị ruột ông nội còn khó hất cẳng, nói gì đến loại cháu ruột với em rể.
Với một tỷ lệ nhân viên mà việc nhận vào cơ quan, công ty không dựa trên trình độ như thế, thử hỏi sếp nào không đau đầu. Khổ nỗi, sếp to nhận vào thì ấn cho sếp nhỏ, sếp to mà bực lên thì có thể cho nghỉ hay không thèm nhìn mặt, chứ sếp vừa vừa với sếp nho nhỏ thì trước hết cứ phải cắn răng mà lo việc đã chứ.
“Thà làm lính thằng giỏi còn hơn làm sếp thằng ngu” – không ít vị đã phải bật ra câu đó khi thấy mọi nỗ lực với anh nhân viên đầu óc không sáng láng cho lắm – là nói tránh đi thôi, chứ nhiều khi gọi luôn là “loại bã đậu” – hoàn toàn vô ích. Bảo chụp tập tài liệu để đi họp, khi đến nơi mới biết là trang cuối với dấu son đỏ vẫn đang.... nằm trong máy photocopy. Giao cho lên Bộ làm giấy tờ xuất nhập khẩu, đánh đường cả trăm cây số, đến nơi thấy vị quan chức đi họp vắng bèn tức tốc quay về báo: Không gặp được, họ hẹn lần sau trở lại. Đưa cho cái công văn đơn giản của đối tác nước ngoài, bảo dịch gấp để chuyển sang Ủy ban Nhân dân, lúc nhận lại thì thấy “Dear Mr...” được dịch là “Ngài X thân mến”. Tức điên chứ còn gì, dẫu đây mới là những ví dụ đơn giản nhất và thô thiển nhất về cái gọi là không làm được việc, bởi còn loại chuyên làm hỏng việc nữa kia.
Tuy rằng tỷ lệ hoàn toàn “cầm tinh con ếch” trong mỗi cơ quan, văn phòng không phải là nhiều nhưng việc sếp điên đầu với đối tượng này chỉ tính bằng thời gian và mức độ chứ không thể không có. Khi công việc thủng thẳng thì thấy cũng chẳng sao, việc chuyên môn không làm được thì sai vặt chút việc lẻ, chẳng hạn xuống Tài vụ lĩnh lương, đi mua cơm hộp phục vụ đồng nghiệp ăn trưa, hoặc thậm chí rửa chén cũng là được một cái việc. Nhưng lúc bấn lên, muốn nhờ đóng gáy tập hồ sơ có khi cũng không nên chuyện, bảo chạy ra ngoài mua thêm một vỉ pin thì đi đến nửa tiếng rồi quay lại hỏi rằng mua pin xịn hay là pin Trung Quốc!? Có chị tốt nghiệp thạc sĩ đàng hoàng, vào chỗ đúng ngành đúng nghề hẳn hoi, nhưng làm việc không bằng cái anh mới xong cao đẳng, giao việc gì sếp cũng không yên tâm, phải rà đi soát lại, để ngồi không làm cảnh cũng chẳng ổn vì chị này lại thuộc “tuýp vô duyên”.
Ở đời dường như ít nghe sếp than về quân hơn là ngược lại. Tất nhiên, vì quân bao giờ cũng... đông hơn, cái sự ca cẩm về sếp cũng là chuyện đương nhiên hơn, giống như con dâu than vãn về mẹ chồng. Cứ thử đi ngang qua chỗ mấy cô nhân viên túm tụm buổi trưa hoặc bàn bia của mấy anh lúc tan tầm xem nào, thế nào cũng nghe thấy “Úi giời, lão sếp chỗ tao...” hoặc “Thằng cha ấy biết quái gì, không đáng mặt chỉ đạo anh em mình” và những câu đại loại như thế. Trong số đó, oái oăm lại có cả những anh những chị mà chính sếp luôn trăn trở trong đầu xem “tống đi đâu cho khuất mắt”.
Ác thay, loại đã không làm được việc thì dường như lại càng khiến sếp thấy quẩn chân hơn. Không nhìn thấy thì thôi, đã hiện diện ở cơ quan thì dù không động chân động tay cũng khiến sếp thấy chướng chướng, thêm phần bực dọc thế nào ấy. Và thế là dẫn đến hai kiểu đối xử: một đằng là nơi trút nỗi bực dọc của sếp, lơ mơ là bị quát nạt thậm tệ, mắng mỏ không ra gì, đằng kia thì trở thành “có cũng như không”, rõ ràng là tồn tại chình ình.... một đống mà chẳng được giao việc gì hết, theo quan điểm “Tốt nhất là không thèm dây!”
Nhưng làm sếp thì phải có quân, không thèm dây thì chẳng lẽ quan kiêm luôn việc của lính? Quát lác, nạt nộ hay “gặp nhau làm ngơ” đều không phải là cách quản lý đúng đắn. Tỷ lệ nhân viên “ếch” trong phòng, trong vụ, trong ban mà thấp thì xem ra công việc còn tạm ổn, chứ tỷ dụ chiếm đến phân nửa thì chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn đến nhiều chuyện lục đục, ít ra lại cái chuyện người khá làm việc thay người kém không thể kéo dài. “Nó chẳng làm việc gì cả mà lương cũng chẳng kém em là bao” – vài lời phàn nàn như thế là sinh chuyện nội bộ.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng làm thay việc cho nhân viên là cách quản lý tồi tệ nhất. Có anh trưởng phòng ở một cơ quan thiết kế, nhân viên vẽ kém quá, không đạt chất lượng, thế là anh trằn ra vẽ trắng đêm. Có bà kế toán trưởng điên tiết vì cô nhân viên mới vào tính toán sai bét, mắng cho một trận như hát hay rồi bắt một kế toán viên khác cùng mình làm lại bảng biểu cả hai ngày cuối tuần. Rồi mấy nhân viên ở một tòa báo dịch bài kém quá nên suốt ngày chỉ được giao vài cái tin bé bằng... bao diêm. “Để khỏi phải sửa chữa,” người hiệu đính ở báo đó hân hoan với cái sáng kiến giúp ông ta giảm nhẹ khó khăn.
Thực ra, nếu đã không có quyền không nhận nhân viên kém thì cách tốt nhất đối với sếp là phải “nâng cấp” những đối tượng này để họ trở nên hữu dụng hơn. Các sếp thường mở miệng là chỉ đòi nhân viên tốt mà chẳng nghĩ rằng loại nhân viên bậc trung cũng làm được khối việc. Ừ thì ai chẳng biết rằng bộ xử lý Pentium IV là chạy nhanh, nhưng để soạn thảo văn bản thôi thì Celeron là tốt chán, mà có khi chiếc máy tính 486 cách đây 10 năm vẫn dùng được. Không hề có trường hợp nào mà đầu lại... toàn bã đậu, đến nỗi không thể nhồi nhét một chút kiến thức nào. Nếu cứ vẽ thay, tính thay nhân viên thì bao giờ họ khá lên được, suốt ngày bắt dịch những bài bằng bao diêm thì trình độ ngoại ngữ của họ chỉ càng cùn đi mà thôi. Trong công việc gì cũng có những phần việc giản đơn và phức tạp, nhân viên tầm tầm đảm trách những phần việc đơn giản thì cũng là cách đỡ đần cho những nhân viên giỏi giang. Điều quan trọng là sếp phải đặt nhân viên vào đúng chỗ của họ và biết khơi dậy trong họ cái chí tiến thủ, kể cả những người vốn bị coi là đần, là chậm, là vô tích sự.
Các sếp chịu khó đào tạo, uốn nắn nhân viên, khổ lúc ban đầu thì mai sau sẽ nhàn. Khi ấy đã không cực thân, lại còn có thể ngồi vuốt râu mà rằng “Đen như mực vào tay tôi thì cũng sáng trưng ra hết.”
Theo SAGA
Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013
“Thà làm lính thằng giỏi còn hơn làm sếp thằng ngu”
10:27
Hoàng Phong Nhã
No comments
0 nhận xét:
Đăng nhận xét