Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013
THU HỒI ĐẤT: DỰ THẢO HIẾN PHÁP LẠI “THỤT LÙI SÂU SẮC”
16:33
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Chí Dũng, theo RFA
Khi Chủ nhiệm ủy ban pháp luật quốc
hội Phan Trung Lý xuất hiện với bộ mặt căng đầy “vẫn thu hồi đất cho các
dự án kinh tế xã hội”, người ta lại có thể nhận ra một sự thụt lùi sâu
sắc về mặt tư duy, không khác mấy từ ngữ tương tự mà người Mỹ thường
dùng để ám chỉ những quốc gia vi phạm nhân quyền một cách tệ hại.
Vỡ làng!
Với tiêu đề hiếm có trên, Nông nghiệp
Việt Nam – một tờ báo “lề phải” nhưng đã có nhiều bài phản biện xã hội
sắc sảo, trong số ra ngày 22/5/2013 đã chuyển tải những dòng phóng sự
quá đỗi đau xót đến người đọc.
Tam Cường (Tam Nông, Phú Thọ) là một
điển hình cho sự “vỡ làng” đau đớn ấy. Người già ở đây bảo cuộc cải cách
ruộng đất dù đã trôi qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn âm ỉ đau khổ thì nay
vấn đề ruộng đất lại gây ra cho Tam Cường những đau khổ, day dứt không
kém.
Năm 2008, Cty Cổ phần Hóa dầu và
Nhiên liệu sinh học dầu khí lấy đất làm nhà máy cồn nhiên liệu sinh học ở
địa bàn 3 xã Cổ Tiết, Văn Lương và Tam Cường với tổng diện tích 51 ha,
phần nhiều trong đó là đất hai lúa thuộc diện “bờ xôi, ruộng mật”. Dù
nhiều người dân của xã Tam Cường kịch liệt phản đối, yêu cầu chuyển dự
án lên đồi rừng tránh lấy đất hai lúa của họ nhưng không được đáp ứng.
Người dân yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân về giá cả nhưng
cũng không được chấp nhận mà chỉ áp đền bù ở mức 15 triệu đồng/sào. Gần
100 hộ dân ở khu 3 của thôn Tự Cường kiên quyết phản đối chuyện lấy đất.
Dự án vẫn tiếp tục. Nhiều đoàn thể đến từng nhà dân vận động ký vào
biên bản “Hỗ trợ bồi thường tái định cư” mà họ gọi là ký đối soát. Việc
ký đối soát được thực hiện cả ngày lẫn đêm.
Lão nông Phạm Công Lưu ở Khu 3 bảo:
“Chưa bao giờ quê tôi tan nát như thế này. Trước giặc Pháp đóng ở Gành,
các vùng khác theo tề, riêng dân Tam Cường mỗi người hai cây tre góp
nhau rào làng kháng chiến đến lúc thắng lợi. Tình yêu Tổ quốc nói đâu
xa, từ chính tình yêu con sông, cái suối, gốc đa, giếng làng, yêu bà con
chòm xóm. Giờ quê tôi ăn cưới chia hai dãy mâm, bên phản đối bán đất,
bên nhận tiền đền bù. Lắm đám cỗ cưới ế sưng vì bà con không thèm đến,
đám ma vắng lạnh phải huy động cả đoàn thể đi để cho người chết đỡ tủi.
Anh em không nhìn mặt nhau, bố con từ nhau cũng chỉ vì người nhận đền
bù, người không chịu. Ông trưởng họ đồng ý bán đất, cả họ từ mặt…”.
Quốc hội?
Cùng với “vỡ làng”, một tan vỡ khác cũng
vừa xảy đến, nhưng lần này ứng vào niềm tin đối với những người đại diện
cao nhất của Quốc hội.
Trong những ngày đầu của kỳ họp Quốc
hội lần thứ 5 khóa XIII vào tháng 5/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến
pháp (DTSĐHP) của cơ quan dân cử cao nhất này bất ngờ tung ra một “phán
quyết”: việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã
hội là cần thiết.
Ngay trước kỳ họp Quốc hội trên,
trong bản dự thảo mới nhất của Luật đất đai sửa đổi, Bộ tài nguyên và
môi trường vẫn đưa ra hai phương án về vấn đề thu hồi đất đối với các dự
án phát triển kinh tế xã hội. Phương án thứ nhất giữ nguyên quan điểm
thu hồi đất cho các dự án kinh tế, xã hội. Phương án thứ 2 không quy
định việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhưng lại
chia các dự án vào các nhóm được thu hồi đất vì mục đích lợi ích quốc
gia, lợi ích công cộng, phục vụ an ninh, quốc phòng. Theo đó, các dự án
như làm khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới… do Thủ tướng hoặc
Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư … đều được nhà nước thu
hồi đất.
Nhưng lại có nhiều ý kiến lo ngại
rằng luật mới như vậy vẫn để ngỏ “cửa” cho những cuộc chạy chọt dự án
cho các nhà đầu tư sau này.
Trên tờ báo điện tử Dân Trí, ông Đặng
Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, đã một lần nữa
vạch rõ: Dự án phát triển kinh tế xã hội là một khái niệm không mạch
lạc. Đã gọi là dự án xã hội, hoặc kinh tế – xã hội kết hợp thì thường sẽ
thấy được mục đích vì lợi ích công cộng.
Theo ông Võ, chỉ cần tách ra nhóm dự
án vì mục đích thuần túy kinh tế; và cần loại bỏ hoàn toàn các dự án
kinh tế ra khỏi cơ chế Nhà nước thu hồi đất.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ nói thẳng:
Phần chúng ta cần chống lại, không chấp nhận là cơ chế Nhà nước thu hồi
đất cho lợi ích riêng của nhà đầu tư. Việc Nhà nước có quyền rút quyền
lợi, tài sản của người này đưa cho người khác thì xã hội đó thực sự
không phải là một xã hội văn minh, dân chủ và công bằng; ở đó tiềm ẩn
nguy cơ tham nhũng của quản lý và khiếu kiện của dân.
Kiểu dự án đó không thể được xếp là
vì mục đích công cộng. Đó là vì mục đích “kiếm ăn” ở một khu dân cư nào
đó, khu đô thị nào đó.
Do giá đất đai trong đô thị rất cao,
tiềm năng thu lợi lớn nên nhà đầu tư mong muốn Nhà nước thu hồi đất để
giao cho mình. Lợi dụng quyền thu hồi đất của Nhà nước để phục vụ lợi
ích kinh tế đơn thuần của nhà đầu tư trong trường hợp này là không đúng.
Song nhiều cuộc tranh luận và lấy ý
kiến cử tri về trường hợp “các dự án kinh tế xã hội” như trên dường như
đều bị “thu hồi” chính kiến.
Như để tránh cái “không đúng” liên
quan đến tình trạng thu hồi đất tràn lan mà ông Đặng Hùng Võ và nhiều cử
tri khác bức xúc, Dự thảo hiến pháp lại quy định “Việc thu hồi đất phải
có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp
luật”.
Thụt lùi sâu sắc!
Từ nhiều năm qua, “theo quy định của pháp
luật” vẫn là một cụm từ trừu tượng đến mức luôn có thể làm phát sinh vô
số vi phạm hết sức cụ thể ở các địa phương.
Một trong những vi phạm điển hình đã
được đưa lên bản đồ nhân quyền thế giới là vụ cưỡng chế trái phép đất
của gia đình “Người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, gây nên
một chấn động đủ lớn và cũng đủ làm nên một dấu mốc về phản ứng của
nông dân đối với chính quyền, tính từ sau cuộc “cách mạng” Thái Bình năm
1997.
Chỉ sau vụ việc Đoàn Văn Vươn, các
nhà lập pháp và cả hành pháp mới bắt buộc phải xem xét đến khả năng điều
chỉnh Luật đất đai theo hướng sở hữu cá nhân, thay cho điều được gọi là
“sở hữu toàn dân” luôn bị khép chặt.
Thực ra, đã có một hy vọng cho dân
chúng và đặc biệt cho tầng lớp nông dân áo mộc khi Luật đất đai được hứa
hẹn đổi khác theo hướng đa sở hữu tích cực, cũng như đem lại sắc thái
công bằng hơn và dĩ nhiên làm giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước trong
việc giải quyết làn sóng khiếu tố đất đai – vốn đang mỗi lúc một dâng
cao và quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, bầu không khí công dân –
đang manh nha hơi hướng tự do, bỗng trở nên hụt hẫng vào những ngày gần
diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5/2013, khi những lời hứa hẹn vụt trở nên
thâm trầm đến mức khó hiểu.
Không còn mấy quan chức nhắc đến câu chuyện “đa sở hữu”.
Thay vào đó, khi chủ nhiệm ủy ban
pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý – xuất hiện với bộ mặt căng
đầy cùng phát ngôn “vẫn thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội”, người
ta lại có thể nhận ra một sự thụt lùi sâu sắc về mặt tư duy, không khác
mấy từ ngữ tương tự mà người Mỹ thường dùng để ám chỉ những quốc gia vi
phạm nhân quyền một cách tệ hại.
Không có một cải cách xứng đáng nào
được đưa ra liên quan đến Luật đất đai. Trái ngược với mong mỏi của
người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, Dự thảo hiến
pháp vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn
đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở
hữu.
Xem ra, Đoàn Văn Vươn và những người
thân của mình đã phải đi tù một cách uổng phí. Cũng sau hình ảnh không
thể quên của người nông dân này, hình như các cơ quan hữu trách vẫn chưa
rút ra được một bài học nào về trách nhiệm trong hành xử với giai tầng
nông dân trong cái xã hội đầy tiềm ẩn động loạn này.
Chỉ có một sự kiện dường như mang
tính ngẫu nhiên và có thể an ủi phần nào cho dư luận: trước kỳ họp Quốc
hội 3 ngày, Chính phủ phát đi một văn bản về hoàn thiện 7 nhóm vấn đề
của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, rất đáng chú ý là một đề xuất
của cơ quan hành pháp này: “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong
trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích
quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu
hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế
xã hội””.
Tất nhiên, khi các đại biểu quốc hội
chưa bấm nút thông qua, bất kỳ một đề nghị nào, dù của Chính phủ hay từ
phía Ủy ban DTSĐHP, cũng chỉ mang tính số ít.
Nhưng lẽ nào vào lần này, Quốc hội muốn “phản công” Chính phủ?
Hai phe!
Trong khi những người đại diện cho dân
chúng vẫn mải mê với cuộc tranh luận thiếu lối ra, câu chuyện bị o ép
thu hồi đất đai ở xã Tam Cường ở tỉnh Phú Thọ và những nơi tương tự vẫn
không ngừng tái hiện.
“Phản đối ư?” – báo Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi.
Rồi tờ báo này cũng tự tìm ra câu trả
lời đắng ngắt: những gia đình có công nông bị giữ xe, bảo phải ký vào
biên bản đền bù đất mới cho chạy nhưng chạy được mấy hôm lại phạt, phải
bán xe. Những cây xăng mi ni đều bị lập biên bản và bắt đình chỉ nếu
không ký vào biên bản nhận đền bù. Các giấy tờ liên quan đến chính quyền
rất khó được giải quyết.
Như con ông Phạm Công Lưu ở khu 3 đi
đăng ký kết hôn không được giải quyết, sau đó phải về cơ quan đăng ký.
Như con những nhà xin giấy tờ đi học bị phê thẳng vào hồ sơ gia đình
không chấp hành chủ trương đường lối của địa phương. Trong đại hội Hội
Người cao tuổi xã có ba đảng viên trên 70 tuổi bị đuổi ra khỏi hội
trường vì không ký. Đến ngay cả ông Hoành, ông Lý đi bệnh viện huyện
cũng bị bác sĩ hỏi gia đình đã ký bán ruộng chưa. Loa phóng thanh ra rả
suốt ngày rằng những người không ký bán ruộng là kẻ xấu, là thoái hóa
biến chất, là lầm đường lạc lối…
Do phản đối chính sách lấy đất ruộng 2
đảng viên bị khai trừ, 18 đảng viên bị cảnh cáo (nhiều người 50-60 năm
tuổi đảng, bệnh tật), 3 đại biểu hội đồng nhân dân bị bãi nhiệm, 1
trưởng khu bị cách chức, 1 cán bộ khuyến nông bị bãi nhiệm, 1 Chủ tịch
Hội Người cao tuổi bị cách chức…, mấy người bị giam trên huyện. Tất cả
cũng đều từ lý do phản đối chuyện dự án lấy đất ruộng của mình.
Gia đình anh Hán Văn Thanh ở khu 3
thôn Tự Cường là một điển hình về chia rẽ đến nỗi chia cả bàn thờ, chia
cả ngày giỗ cha, giỗ mẹ. Anh bảo: “Nhà tôi có mười anh em giờ chia hai
phe, bố tôi, mẹ tôi tôi cúng, bố anh mẹ anh anh cúng. Cùng cha mẹ mà nay
ra ngõ không nhìn mặt nhau. Nhớ thời bầm bủ tôi còn sống vẫn thường
khuyên con cái rằng: “Củ sắn chia đôi, bắp ngô bẻ nửa, nhà ta anh em
đông nhưng no đói phải đùm bọc nhau” mà đau lòng!””.
_______
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét