Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013
NHỮNG BIẾN DẠNG CỦA CÁC VĂN BẢN HIẾN PHÁP CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
16:33
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguyễn Duy Vinh (TS Cơ khí động học về hưu và đang dạy học tại Châu Phi), theo BVN
Nhân mấy
hốm nay có nhiều bài viết về hiến pháp Việt Nam trên mạng, tôi đọc và
sửa lại đôi chút bài viết này để xin phát biểu cái nhìn của mình. Tôi
chỉ chú trọng đến những thay đổi cơ bản và đột ngột của các văn bản hiến
pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 và tôi sẽ không bàn đến tính cách hợp
hiến hay không hợp hiến cũng như giá trị pháp lý của những văn bản nêu
trên.
Trước tiên tôi cũng xin được phép nói qua
về hai chữ “hiến pháp”. Theo một số các chuyên gia về luật và các nhà
soạn thảo hiến pháp, hiến pháp của một quốc gia là một hợp đồng hay có
thể gọi nôm na là giao kèo giữa người dân và nhà cầm quyền. Giao kèo này
quy định việc gì mỗi bên được làm và không được làm, nhưng quan trọng
hơn hết là giao kèo đó giới hạn quyền lực của nhà cầm quyền trong khi
quản lý việc nước. Nhìn trên phương diện ba
quyền biệt lập (tam quyền phân lập) theo cấu trúc của sự phân chia
quyền lực minh bạch ở những nước dân chủ Tây phương (những quyền hành
pháp, lập pháp và tư pháp), quốc hội là cơ quan lập pháp quy tụ toàn thể
dân biểu đại diện dân có quyền soạn thảo, sửa đổi và bổ sung hiến pháp.
Tuy nhiên, ở đây phải nói ngay là hiến pháp dù có hay cách mấy mà không
được tôn trọng thì tính cách dân chủ hay việc giới hạn quyền lực của
nhà nước cũng bị lung lay.
Đi ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng
tư tưởng dân chủ và các cố gắng nhằm xây dựng một hiến pháp dân chủ cho
Việt Nam đã manh nha từ những năm đầu của thế kỷ thứ 20 (xin đọc lại
những tác phẩm của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, v.v.) và những tư
tưởng này đã từng là ngọn đuốc soi đường cho nhiều đảng phái chính trị
Việt Nam. Văn bản hiến pháp 1946 ra đời vào cuối tháng 11 năm 1946 có
thể coi là một điểm son trong quá trình xây dựng dân chủ ở nước ta.
Hiến pháp 1946 đã được xây dựng trên 3
nguyên tắc dân chủ có thể cho là tiến bộ vào thời điểm đặc biệt của cuộc
tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam: đoàn kết dân tộc, bảo đảm
các quyền tự do căn bản và xây dựng một nhà nước pháp trị. Bản hiến
pháp này có đủ những điều khoản ghi rõ quyền tự do bầu cử và ứng cử,
quyền tư hữu của công dân và nhất là quyền phúc quyết của người dân
(trưng cầu dân ý) về văn bản hoặc bất cứ điều khoản nào của hiến pháp.
Văn bản 1946 ghi rõ các quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ
chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và
ngoài nước. Ngoài ra khi tòa án (tức là quyền tư pháp) chưa quyết định
thì nhà nước không được bắt bớ và giam cầm người dân. Nhà ở và thư tín
của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật.
Tuy nhiên hiến pháp 1946 cũng có vài kẽ
hở. Một trong những kẽ hở quan trọng, theo các nhà chuyên soạn thảo
luật, là Hiến Pháp 1946 đã không đề ra một cơ quan có thẩm quyền phán
quyết về tính cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đaọ luật hoặc những
nghị quyết do nhà cầm quyền ban hành.
Kẽ hở thứ hai của hiến pháp 1946 là điều
khoản “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ
khi phạm tội phản quốc”. Điều khoản này đặt Chủ tịch nước lên trên cả
hiến pháp và hình như có tính cách sửa soạn sự “lên ngôi” của một lãnh
tụ đảng.
Và sự ra đời của hiến pháp 1959 của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể được xem như kết quả của một tư duy
cộng sản vẫn từng nhen nhúm âm ỉ từ lâu nhưng nay mới có cơ hội thành
hình. Các từ ngữ như Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam,
đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ, v.v. đã đột ngột xuất hiện trong hiến pháp
1959. Và hiến pháp 1946 hoàn toàn không còn dấu tích trong văn bản hiến
pháp 1959. Xin chép lại dưới đây một phần của văn bản 1959:
“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng Lao động Việt Nam, cách mạng
Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới. Cuộc đấu tranh bền bỉ đầy gian
khổ và hy sinh dũng cảm của nhân dân ta chống ách thống trị của đế quốc
và phong kiến đã giành được thắng lợi vĩ đại… Nhưng đế quốc Pháp được đế
quốc Mỹ giúp sức lại gây chiến tranh xâm lược hòng cướp nước ta và bắt
nhân dân ta làm nô lệ một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai
cấp công nhân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn
thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc cứu nước… Dưới sự
lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi
trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, nhất định sẽ giành được thắng lợi vẻ
vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện
thống nhất nước nhà”…
Rồi việc gì đến sẽ đến, sau năm 1979, tức
là sau cuộc xung đột đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đảng Cộng sản
Việt Nam đã cho ra đời hiến pháp 1980 với những lời nhập đề hoàn toàn
mới. Xin chép lại đây một đoạn của lời mở đầu:
“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đi
con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân ta đã lần lượt chiến
thắng bọn đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, hoàn thành
cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân… nhưng lại phải đương đầu với bọn bá
quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Campuchia. Phát
huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành thắng lợi
oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động
Campuchia ở biên giới Tây-Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên
giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh
thổ của mình….”.
Năm 1986, Tổng Bí Thư (TBT) Đảng Cộng sản
Việt Nam Lê Duẩn qua đời. Cùng năm đó đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt
Nam bầu ông Nguyễn Văn Linh làm TBT. Ông Nguyễn Văn Linh là một thành
viên kỳ cựu của chi nhánh Nam Bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Linh đã
từng bí mật sang Trung Quốc (TQ) gặp gỡ Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông
trong thời kỳ chiến tranh Nam Bắc Việt Nam trước 1975. Từ năm 1986 ông
Linh đã có những cuộc gặp gỡ với đại sứ TQ ở Việt Nam tại Hà Nội (Đại sứ
Trương Đức Duy) ngay sau khi lên chức TBT. Những cuộc gặp gỡ này không
ngoài mục đích sửa soạn cho một cuộc gặp gỡ bí mật giữa ông Nguyễn Văn
Linh và TBT Đảng Cộng sản TQ là ông Giang Trạch Dân vào năm 1991 tại
Thành Đô (Tứ Xuyên, TQ). Một năm sau cuộc gặp gỡ ở Thành Đô, TBT mới của
Việt Nam (thay ông Linh) là ông Đỗ Mười và ông Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng Võ Văn Kiệt chính thức công du Trung Quốc.
Hiến pháp 1992 ra đời ngay sau chuyến công du này và từ nay các từ ngữ ám chỉ đến bọn bá quyền TQ đã được hoàn toàn lấy đi:
“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện…
nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục chiến đấu, với sự giúp đỡ quí
báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các
nước láng giềng, lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là chiến
dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng hai
cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc, giải phóng đất nước,
thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân”.
Tháng 2 năm 1999, lãnh tụ hai nước Việt
Nam và TQ công bố một tuyên cáo chung xác định mối giao hảo mới giữa TQ
và Việt Nam trong đó 16 chữ vàng xuất hiện. Từ nay hai nước sẽ có một
mối quan hệ mới có tính cách “ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng
giềng hữu nghị, và hợp tác toàn diện”.
Những sự kiện xảy ra gần đây, từ việc lấn
áp của TQ trong việc chia cắt biên giới Việt Trung, cho đến những cuộc
xâm lấn biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy người bạn láng giềng
phương Bắc không phải là một người bạn tốt. Mộng bành trướng của đế quốc
TQ là một hiện thực.
Sự rụt rè và thiếu cứng rắn trong việc
chống đối những thao túng của TQ ở Biển Đông hiện nay của nhà cầm quyền
Việt Nam cho thấy có điều gì không ổn và vô cùng bí ẩn. Đó là chưa kể
việc cấm dân không được biểu tình chống đối TQ cũng như việc dùng công
an và côn đồ xã hội đen đàn áp những người tham dự các cuộc xuống đường
này. Về phía Bắc Việt Nam, những bia mộ tưởng niệm những chiến tích của
quân đội Việt Nam sau trận chiến đẫm máu với TQ năm 1979 cũng dần dà bị
nhà nước Việt Nam xóa đi.
Bản báo cáo hàng năm của cơ quan Human
Rights Watch năm 2012 (World Report 2012) về Việt Nam (Việt Nam ) ghi
nhận rõ ràng nhà nước Việt Nam có sách nhiễu và khủng bố những người lên
tiếng kêu gọi dân chủ và nhân quyền cũng như những người xuống đường
chống việc xâm chiếm biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa Việt Nam bởi TQ:
Chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có
hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa. Các nhà
văn, blogger và các nhà vận động nhân quyền độc lập – những người lên
tiếng chất vấn chính sách nhà nước, phát hiện quan chức tham nhũng hoặc
kêu gọi thay đổi chế độ độc đảng bằng các giải pháp dân chủ thường xuyên
bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao, bị giam giữ biệt lập trong
thời gian dài đồng thời không được tiếp cận với các nguồn trợ giúp pháp
lý, và bị xử với các mức án ngày càng nặng hơn với các tội danh mơ hồ về
xâm phạm an ninh quốc gia. Công an thường tra tấn can phạm để ép nhận
tội và, trong một số vụ việc, đã sử dụng vũ lực quá mức khi đối phó với
những cuộc biểu tình đông người phản đối việc cưỡng chiếm nơi ở, thu hồi
đất đai hay bạo hành của công an. Các cuộc biểu tình phản đối Trung
Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2011 bị công an giải
tán, những người tham gia biểu tình bị đe dọa, sách nhiễu, và một số
trường hợp bị tạm giam trong một vài ngày. Đại hội Đảng Cộng sản Việt
Nam lần thứ 11 tổ chức vào tháng giêng năm 2011 và cuộc bầu cử Quốc Hội
do nhà nước dàn dựng vào tháng Năm đã xác lập các vị trí lãnh đạo của
Đảng Cộng sản và chính phủ trong năm năm tiếp theo. Qua cả hai sự kiện
nói trên, không hề thấy có dấu hiệu của bất kỳ một sự cam kết nghiêm túc
nào nhằm cải thiện thành tích nhân quyền kém cỏi của Việt Nam. Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình vào tháng Bảy,
với sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Công an và những nhân tố bảo thủ khác.
Chỉ cần một đoạn văn ngắn của cơ quan
Human Rights Watch cho năm 2012 cũng đủ để nói lên một chuỗi liên tục
những ngày sống trong kềm kẹp và sợ hãi của người dân trong nước. Một
bất hạnh lớn cho cả một dân tộc.
Sự thao túng độc quyền về cách cai trị
cũng như những đàn áp đầy bạo lực gần đây nhất với các vụ cưỡng chế đất
đai cho thấy Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc là những khát vọng vẫn còn rất
xa vời.
Khảo sát sự thay đổi đột ngột của những
văn bản hiến pháp Việt Nam từ năm 1946, chúng ta có thể kết luận hiến
pháp Việt Nam hiện nay tùy thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh chính trị có
tính cách nhất thời. Sự thay đổi xoành xoạch này cho thấy hiến pháp Việt
Nam là một giao kèo lỏng lẻo và hời hợt. Thêm vào đó, cách quản lý độc
đoán với một nền cai trị pháp quyền dưới sự kiểm soát của nhà nước hiện
nay trong nước chắc chắn sẽ đưa đến những cuộc khủng hoảng xã hội trầm
trọng hơn trong tương lai.
Và nếu chúng ta đọc kỹ bài phát biểu của
TBT Nguyễn Phú Trọng (TBT NPT), đọc trước hội nghị của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng ngày 02 tháng 05 năm 2013 tại Hà Nội, chúng ta có thể
tiên đoán rằng những thay đổi sắp đến của Hiến pháp 1992, nếu có, như
nhà nước vẫn đang kêu gọi dân chúng đóng góp vào Dự thảo sửa đổi hiến
pháp 1992, sẽ chỉ đi vào những chi tiết nhỏ thôi. Phần quan trọng nhất
mà đa số các nhà trí thức trong và ngoài nước kêu gọi (tỉ dụ Kiến nghị
72), cũng như đa số các hội đoàn Công giáo và Phật giáo trong và ngoài
nước kêu gọi, sẽ không được nhà nước coi trọng và bàn đến. Tôi xin chép
lại một phần của bài phát biểu của ông TBT NPT dưới đây để chứng minh
cho điều tôi vừa viết:
Nhà nước ta, tiếp tục khẳng định Nhà
nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo;
tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nòng cốt là liên minh
giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực
nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các
cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp;
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Tiếp tục
kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước
đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết,
đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao. Đối với những
vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương cần xem xét,
trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp.
Những ai còn mơ về một cơ chế chính trị
đa nguyên đa đảng, trong đó không có chỉ một đảng cai trị như ở Việt Nam
hiện nay, xin cứ tiếp tục mơ. Vì lấy đi “Điều 4 của Hiến pháp 1992” sẽ
không được đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay chấp nhận.
Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 của nhà
nước Việt Nam nghe thì kêu to nhưng trong ruột thực ra trống rỗng. Ai
không tin chỉ việc đọc lại lời phát biểu của TBT NPT trước hội nghị
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 7 tại Hà Nội.
N. D. V.
_______
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét