Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

5 bí quyết tăng cường trí nhớ

Trí nhớ song hành cùng ta suốt cả cuộc đời, được con người sử dụng thường xuyên, mà lại ít được chăm sóc đến. Sau đây là 5 kỹ thuật tăng cường trí nhớ đã được chứng minh là rất hữu dụng:

1. Tạo ra những hình ảnh trong trí não
Khi một thông tin được tiếp nhận, bạn có thể tạo ra một bức tranh trí não về nó, đồng thời ghi âm lại bằng dạng ngôn ngữ nói. Một trong hai dạng phiên bản lưu giữ thông tin này có thể vượt trội hơn, tùy theo kiến thức của bạn về đối tượng. Chẳng hạn như khi nghe đến cái tên Tutankhamen, thì hình ảnh thể hiện qua ngôn ngữ nói mạnh hơn, nếu như bạn có một chút kiến thức về khảo cổ Ai Cập. Mặt khác, hình ảnh của Tổng thống Mỹ Feorge W.Bush sống động hơn là diễn đạt bằng lời nói.
Những hình ảnh trí não có thể được dùng theo chiến thuật sắp đặt có lợi cho trí nhớ, bằng cách tạo ra mối liên hệ giữa một vật thể và nơi chốn để kích hoạt trí nhớ của bạn về chính vật thể đó. Nếu như bạn thường xuyên để quên chìa khóa xe ở nhà, hãy cố liên kết nó với một nơi cố định, để lúc nào bạn cũng có thể thấy nó - chẳng hạn như chiếc bàn kê trong hành lang nhà, hoặc hộc tủ đựng ti vi trong phòng khách. Bạn cũng có thể áp dụng mẹo này để nhớ danh sách vật dụng, thức ăn cần mua sắm.
Hãy thực hiện một cuộc khảo sát bằng trí não khắp nhà, và tại từng nơi khác nhau, hãy cụ thể hóa bằng hình tượng cái mà bạn cần mua. Mối liên hệ càng giàu tính tưởng tượng, thì trí nhớ càng mạnh mẽ. Ví dụ: Để nhớ mua chai nước rửa chén, bạn hãy nghĩ đến chiếc bồn rửa trong nhà bếp.

Tăng cường trái cây trong khẩu phần ăn để cải thiện trí nhớ
Trái cây được xem như một loại nhiên liệu rất tốt kích thích sự hoạt động của não bộ. Ăn trái cây thường xuyên, trí tuệ của bạn sẽ được kích ứng hiệu quả và trí nhớ được cải thiện một cách rõ rệt.
5 bi quyet tang cuong tri nho
Một trong những thành phần cơ bản của trái cây là đường tự nhiên. Đây là chất có tác dụng kích thích sự hoạt động của não bộ, làm cho bộ não của chúng ta tiếp thu và giải quyết "yêu cầu" một cách nhanh nhất có thể, đặc biệt là khả năng hồi tưởng, nhớ lại. Vì thế, sẽ rất có lợi nếu sử dụng thật nhiều trái cây tươi trong chế độ ăn uống của học sinh trước các kỳ thi. Càng nhiều trái cây càng tốt, và nên tránh tối đa những thực phẩm không lợi cho hoạt động của não bộ như bột mì, đường tinh chế, thịt hay bơ. (K.Hoa)
2. “Chia để trị”
Một cách để áp đặt trật tự lên các thông tin cho dễ nhớ, dễ thuộc là chia thành từng nhóm. Ví dụ: Một số điện thoại di động bao gồm 10 con số: 0919507626 rất khó nhớ. Nhóm các con số thành từng cặp giúp bạn chỉ cần nhớ 5 yếu tố, đó là (0919) – 50 – 76 – 26.
Cũng tương tự như vậy, khi bạn cần nhớ nhiều chuỗi sự kiện, hãy bắt đầu bằng cách thành lập nhóm. Chẳng hạn như khi bạn phải liệt kê tên của các loại xương trong cơ thể, hãy nên bắt đầu từ xương sọ, rồi xương cổ, xương lưng, xương cánh tay v.v… còn hơn là nhớ chúng một cách lộn xộn. Cần phải chọn những tiêu chuẩn logic khi phân loại các thông tin bạn cần nhớ. Để tránh việc quên các món đồ trong danh sách đi mua hàng, bạn hãy chia chúng ra dựa theo vị trí xếp trên kệ ở cửa hàng. Và nhớ đừng để bị quá tải bởi quá nhiều tiêu chí phân loại. Các nghiên cứu về trí nhớ cho thấy: bạn sẽ nhớ nhiều hơn, nếu như bạn xếp các sự vật vào không quá 7 nhóm.
Nếu chỉ đơn giản là chia nhóm các thông tin, thì vẫn chưa hiệu quả, khi mà mỗi nhóm chứa quá nhiều yếu tố khác nhau. Bạn cần một phân lớp tổ chức, sắp xếp thông tin lần hai, chẳng hạn như theo thứ tự chữ cái, theo các tiêu chí phụ nhỏ hơn. Ví dụ: nhóm thực phẩm cần mua gồm có: Bí, Cà chua, Đậ đỏ…; nhóm vật dụng cần mua gồm có: Áo ấm, Bút chì, Com-pa v.v… (chia theo bảng chữ cái).
3. Liên kết các ký ức
Các thông tin mới nhận, muốn được lưu giữ, phải được chuyển hóa thành “ngôn ngữ nãobộ”, so sánh vớinhững thông tin khác trong ký ức, với phương thức vận hành giống như máy vi tính cập nhật các dữ liệu. Tiến trình này cho phép bạn thành lập mối liên kết giữa con người, vật thể, hình ảnh và ý tưởng có những điểm giống nhau, hoặc có cùng tính chất, qua đó mà tăng cường khả năng ghi nhớ tất cả. Ví dụ: để ghi nhớ ngày tháng của các sự kiện lịch sử, bạn có thể liên kết chúng với những ngày tháng có liên hệ với đời sống cá nhân, hoặc so sánh tương ứng với những con số thân thuộc về sức nặng và chiều cao của bạn.
4. Chiến thuật “bò gặm cỏ nhai lại”
Thông thường, chúng ta học thuộc một số thông tin nào đó để phục vụ cho nhu cầu gần trước mắt. Ví dụ: trước khi đi thi, thí sinh nào cũng cố nhồi nhét trong đầu một núi kiến thức. Tuy nhiên, kiểu học như vẹt không phải là cách tốt nhất để lưu trữ kiến thức về lâu về dài. Một khi “thời hạn nguy cấp” đã qua, ta cũng chẳng thèm bận tâm ôn lại những gì mình đã học. Quả vậy, nghiên cứu cho thấy chúng ta bắt đầu “quên ngay sau khi học”! Chỉ trong vòng vài giờ, ta không còn có thể nhắc lại 70-80% dung lượng thông tin một cách thông suốt dễ dàng. Để cài dữ liệu chắc chắn vào bộ nhớ, bạn cần tái khởi động ôn lại ngay. Với những dữ liệup hức tạp, thì nhắc đi nhắc lại vẫn là phương pháp củng cố đáng tin cậy nhất. Thông tin đã được nằm trong não sẽ được lấy ra, trả vào bộ nhớ, tạo cho nó “hạn sử dụng” lâu hơn.
Bạn có thể tăng cường khả năng lưu trữ lâu dài bằng cách học thuộc những dữ liệu đơn giản trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, bạn phải nhắc lại thông tin ngay lập tức vào sáng hôm sau, lúc tỉnh dậy.
5. Hãy nói về nó
Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta: chúng ta đã xem một bộ phim, nhưng chỉ vài ngày sau là quên béng mất tên của bộ phim. Nhiều người đâm ra hoảng vì lo sợ mình đã bị “vấn đề” gì đó về trí nhớ rồi. Nhưng thật ra, chúng ta hãy khoan vội phóng đại nỗi lo lắng, mà hãy tự hỏi: liệu chúng ta có thật sự thích bộ phim ấy và thấy nó rất thú vị? Mong muốn luôn nhớ một điều gì là một thành tố co bản của việc lưu trữ thành công các dữ liệu. Nếu bạn xem phim chỉ để thư giãn, “giết” thời gian, thì quên nó là chuyện bình thường.
Kể cho ai đó nghe về một cuốn sách hay, câu chuyện hay là một cách thông minh để nhớ về nó. Việc nói ra miệng sẽ giúp cho các thông tin được “mã hóa” dễ dàng hơn, hoặc liên kết dễ dàng hơn với những thông tin đã có sẵn trong bộ nhớ. Sử dụng khả năng này, trí nhớ của bạn không những truyền đạt đi những thông tin, mà còn chuyển tải những cảm xúc đa dạng, phong phú - thật khác xa với kiểu trí nhớ của máy tính: chất chứa vô số những thông tin, nhưng lại thiếu những cảm xúc mang tính nhân bản.

Theo Thúy Hân/Báo PN TP.HCM

Sự Nguy Hiểm của Vô Cảm: Những Bài học Rút ra từ Một Thế kỷ đầy Bạo động



Elie Wiesel

Thuyết trình ngày 12 tháng 4, 1999, Washington, D.C.
LGT. Elie Wiesel được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1986 qua những hoạt động chống lại bạo lực, đàn áp, và kỳ thị chủng tộc. Wiesel sinh năm 1928 tại  Romania; ông là người gốc Do Thái. Năm 1940, Đức Quốc Xã chia một phần lãnh thổ Romania cho Hungary. Thành phố Sighet nơi gia đình ông sinh sống bị chuyển sang cho Hungary, và năm 1944, Hungary cho phép quân đội Đức trục xuất những người Do Thái tại đây và giam họ trong trại tập trung Auschwitz. Mẹ và hai em của Wiesel bị đầy đọa và chết trong trại tập trung này. Wiesel và cha bị đưa sang trại Buchenwald, và người cha bị chết vì kiệt sức tại đây, chỉ vài ngày trước khi trại này được Quân Đoàn III của Mỹ giải phóng. Sau chiến tranh, Wiesel hành nghề ký giả, dạy học, và viết văn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, cuốn "Đêm Tối" khi phát hành lần đầu tiên không được dư luận chú ý. Xuất bản năm 1960, cuốn sách chỉ bán được hơn một ngàn ấn bản, nhưng sau đó đã được tái bản nhiều lần và in ra hàng triệu ấn bản. Năm 2006 cuốn "Đêm Tối" bán được sáu triệu cuốn chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này đã được dịch ra 30 thứ tiếng. Di cư sang Mỹ năm 1955, Wiesel đã viết hơn 40 cuốn sách gồm cả tiểu thuyết lẫn ký sự. Ông được tặng thưởng Huy chương Vàng của Quốc hội Mỹ và Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ năm 1985. Đây là bài phát biểu của Wiesel tại Tòa Bạch Ốc trong buổi tiệc đánh dấu một thiên niên kỷ sắp qua đi.

***
Ngày này, năm mươi bốn năm trước đây, một thiếu niên Do Thái thức giấc trong một thành phố nhỏ miền Cao nguyên Carpathian, một thành phố cách thành phố Weimar yêu dấu của Goethe[1] không xa lắm, trong một nơi mà cái tên của nó đã bị nguyền rủa muôn đời: trại tập trung Buchenwald. Cuối cùng cậu đã được tự do, nhưng sao trong tim cậu không có một niềm vui. Cậu nghĩ rằng có lẽ sẽ chẳng bao giờ vui được nữa. Được quân đội Mỹ giải thoát một ngày trước đó, cậu đã thấy những quân nhân này nổi điên lên trước những cảnh tượng mà họ chứng kiến trong trại tập trung. Và nếu cậu sống được cho đến khi thành một ông lão, cậu sẽ suốt đời cám ơn cơn điên đó của lính Mỹ, cũng như cám ơn lòng nhân hậu của họ. Dù cậu không hiểu được họ nói gì, nhưng ánh mắt của họ đã nói cho cậu rõ là chính họ sẽ mãi mãi ghi nhớ những hình ảnh này và là những nhân chứng sống.
Và ngày hôm nay, tôi đứng đây, trước mặt Tổng thống, người Tổng Tư lệnh của quân đội đã giải phóng cho tôi và hàng chục ngàn người khác, trong lòng tôi tràn ngập sự biết ơn sâu xa đến nhân dân Hoa Kỳ. "Lòng tri ân" là chữ mà tôi trân trọng. Lòng tri ân là điều xác định nhân tính trong con người. Và tôi xin ngỏ lời biết ơn tới bà Hillary, Phu nhân tổng thống Mỹ, về những điều bà đã nói và những điều bà đã làm cho trẻ con trên thế giới, cho những kẻ vô gia cư, cho những nạn nhân của bất công, cho những nạn nhân của số mệnh và xã hội. Và tôi xin cám ơn tất cả quý vị có mặt nơi đây.
Chúng ta đang đứng trước thềm một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới. Di sản của thế kỷ đang qua là gì? Ta sẽ nhớ đến thế kỷ đã qua như thế nào trong thiên niên kỷ mới? Một điều chắc chắn là nó sẽ bị phán xét, một cách nghiêm khắc, cả về phương diện đạo đức và siêu hình. Những sự thất bại này đã che phủ một bóng đen trên nhân loại: hai cuộc Đại Chiến, vô số cuộc nội chiến, một chuỗi những cuộc ám sát vô nghĩa lý (Gandhi, anh em Kennedy, Mục sư Martin Luther King, Tổng thống Sadat, Thủ tướng Rabin), những cuộc tắm máu ở Cambodia và Alegria, Ấn Độ và Pakistan, Ireland và Rwanda, Eritrea và Ethiopia, Sarajevo và Kosovo; sự phi nhân của trại tập trung Xô-viết và thảm kịch Hiroshima. Và, trên một bình diện khác, dĩ nhiên, còn có trại tập trung Auschwitz và trại Treblinka.[2] Có quá nhiều bạo động; có quá nhiều sự vô cảm.
Sự vô cảm là gì? Theo từ nguyên, nó có nghĩa là "không có cảm xúc." Đó là một trạng thái lạ lùng và trái tự nhiên, một trạng thái mà trong đó đường ranh giữa sáng và tối, bình minh và hoàng hôn, tội ác và hình phạt, tàn bạo và nhân đạo, tốt và xấu bị mờ đi. Tiến trình của vô cảm và những hậu quả không thể tránh được của nó là gì? Vô cảm có phải là một triết lý sống hay không? Có cái gọi là triết lý vô cảm hay không? Liệu ta có thể xem vô cảm là một đức tính không? Có phải đôi lúc chúng ta cũng cần áp dụng vô cảm để giữ cho mình không bị hóa điên, để sống một cách bình thường, để thưởng thức một bữa ăn và cốc rượu ngon, khi thế giới quanh ta đang trải qua những biến động tang thương?
Dĩ nhiên, vô cảm có thể trở nên hấp dẫn--hơn thế nữa, còn có sức mê hoặc. Tránh đừng nhìn nạn nhân thì vẫn dễ hơn. Tránh đi đừng để những cảnh tượng đó làm cản trở công việc của ta, giấc mơ và hy vọng của ta thì vẫn dễ hơn. Vì, thực ra, dính vào nỗi đau và sự tuyệt vọng của người khác vẫn là điều gây nên rắc rối và làm cho ta ngượng nghịu. Thế nhưng, đối với người vô cảm, hàng xóm của họ đâu có nghĩa gì đâu, cho nên, sự sống của họ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nỗi đau ngấm ngầm hay lộ liễu của họ chẳng ăn thua gì đến kẻ vô cảm. Sự vô cảm biến tha nhân trở thành một khái niệm trừu tượng.
Ở đó, đằng sau những cánh cổng đen của trại tập trung Auschwitz, cảnh tượng thê thảm nhất là cảnh của những tù nhân vẫn thường được gọi là "người Hồi giáo." Quấn mình trong những tấm chăn rách nát, họ ngồi hay nằm trên mặt đất, mắt nhìn trừng trừng vào cõi không, họ không biết họ là ai và đang ở đâu--họ là những người xa lạ với môi trường chung quanh. Họ không còn cảm thấy đau đớn, đói, khát nữa. Họ không sợ gì nữa. Họ không cảm gì nữa. Họ đã chết rồi mà chưa biết đó thôi.
Được nuôi dưỡng trong truyền thống Do Thái giáo, một số người trong chúng tôi cảm thấy rằng bị nhân loại từ bỏ chưa phải là điều chung cục. Chúng tôi cảm thấy rằng bị Chúa từ bỏ còn đáng sợ hơn là bị hình phạt của Ngài. Thà là chịu hình phạt của một Thượng Đế bất công còn hơn là có một Đấng Tối cao vô cảm. Đối với chúng tôi, bị Chúa chối từ là một hình phạt nặng nề hơn là trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ của Ngài. Người ta có thể sống xa Thượng Đế, nhưng không thể sống ở bên ngoài Thượng Đế. Thượng Đế ở cùng với chúng ta ở bất cứ nơi đâu. Ngay cả trong cơn khốn khổ. Ngay cả trong khi đau đớn.
Nói cách khác, vô cảm trước sự đau khổ của đồng loại chính là điều làm cho con người trở nên bất nhân. Vô cảm, thực ra, còn nguy hiểm hơn là thù hận và giận dữ. Sự giận dữ có khi cũng là nguồn cảm hứng của sáng tạo. Trong cơn giận, ta có thể viết lên những vần thơ tuyệt bút hay những bản hòa tấu tuyệt hảo. Ta đang tạo ra một điều gì đó đặc biệt cho nhân loại vì ta đang nổi giận trước những bất công mà ta đang chứng kiến. Nhưng sự vô cảm không bao giờ tạo nên sự sáng tạo. Ngay cả cơn thù ghét cũng có lúc tạo ra tác động. Vì thù ghét, ta chống lại nó. Ta phản đối nó. Ta vô hiệu hóa nó.
Sự vô cảm không gợi ra được một sự đáp ứng nào từ người khác. Sự vô cảm không phải là một sự đáp ứng. Sự vô cảm không phải là sự khởi đầu; nó là sự kết liễu. Và, vì vậy, sự vô cảm luôn luôn là bạn hữu của kẻ thù, vì nó làm lợi cho kẻ áp bức hung hăng, chứ không phải cho nạn nhân của những kẻ này; những kẻ mà nỗi đau được phóng đại lên nhiều lần khi họ cảm thấy bị quên lãng. Người tù chính trị ở trong xà-lim, những trẻ em đói khát, những người tị nạn vô tổ quốc--những người mà nếu ta không ngó ngàng gì đến cảnh ngộ của họ, nếu ta không cất đi nỗi cô đơn của họ chỉ bằng họ một tia hy vọng thôi, thì chính ta đã  xua đuổi họ ra khỏi ký ức của nhân loại. Và khi khước từ nhân tính của họ, ta đã phản bội nhân tính của chính mình.
Sự vô cảm, vì thế, không những là một tội lỗi, nó chính là một hình phạt.
Và đây chính là một trong những bài học quan trọng nhất của thế kỷ đang qua đi, một thế kỷ gồm vô số những thí nghiệm cả xấu lẫn tốt.
Ở chốn mà tôi đã ra đi, xã hội chỉ gồm có ba loại người: những kẻ sát nhân, nạn nhân, và những kẻ bàng quan. Trong những giờ phút đen tối nhất, bên trong những khu tập trung người Do Thái và trong những trại tử thần, chúng tôi đã cảm thấy bị bỏ rơi, và quên lãng. Hôm nay tôi rất vui khi thấy bà Clinton nói rằng chúng ta đang tưởng niệm lại cái biến cố đó, cái thời kỳ đó, và bây giờ ta có Ngày Tưởng Niệm Nạn nhân của Trại Tập trung Quốc Xã.
Trong những ngày đen tối đó, niềm an ủi khốn khổ của chúng tôi là niềm tin rằng trại Auschwitz và Treblinka là những bí mật được Quốc Xã bảo vệ chặt chẽ, rằng những nhà lãnh đạo của thế giới tự do không biết có những gì đang xảy ra sau những cánh cổng sơn đen và hàng rào kẽm gai, và rằng họ không biết gì về cuộc chiến chống lại người Do Thái của quân đội Hitler và đồng lõa của chúng gây ra chính là một phần của cuộc chiến chống quân Đồng Minh. Nếu những vị lãnh đạo này mà biết được, chúng tôi nghĩ như thế, chắc họ sẽ can thiệp dù phải nghiêng trời lấp biển. Họ sẽ dõng dạc lên án những hành động sát nhân đó. Họ sẽ ném bom xuống những đường xe hỏa dẫn đến nhà tù Birkenau[3], chỉ cần ném bom đường xe hỏa, một lần thôi.
Và bây giờ chúng tôi biết được, học được, khám phá ra được là Ngũ giác Đài và Bộ Ngoại giao biết.[4] Và nhân vật nổi tiếng cư ngụ trong Nhà Trắng lúc ấy, và cũng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất--tôi nói điều này với sự xót xa và đau khổ, vì, ngày hôm nay, đúng là ngày giỗ thứ 54 của ông--tổng thống Franklin Delano Roosevelt chết vào ngày 12 tháng 4, 1945. Cho nên ngày hôm nay ông vẫn còn hiện diện đối với tôi và với chúng ta. Ta không thể phủ nhận ông là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông đã động viên nhân dân Mỹ và cả thế giới để tham chiến, đã đưa hàng trăm ngàn những chiến sĩ can trường của Mỹ vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Phát-xít, chống chế độ độc tài, chống Hitler. Và cũng đã có rất nhiều thanh niên ngã xuống trên chiến trường. Thế nhưng, chân dung của ông trong lịch sử của dân Do Thái-tôi phải nói điều này-chân dung đó có khuyết điểm.
Câu chuyện não lòng của chiếc tàu St. Louis là một câu chuyện điển hình. Sáu mươi năm trước đây, hàng hóa chở trên chiếc tàu đó là những con người, gần một ngàn người Do Thái, và con tàu này đã bị buộc quay trở lại nước Đức Quốc Xã của Hitler. Và [đáng lưu ý là] chuyện này xảy ra sau khi đã có những cuộc bách hại người Do Thái, sau những cuộc tàn sát người Do Thái do nhà nước chủ trương với hàng trăm cửa tiệm của người Do Thái bị phá hủy, đền thờ bị đốt phá, hàng ngàn người bị nhốt vào trại tập trung. Và con tàu đó, đã cặp được vào bờ của nước Mỹ rồi, đã bị buộc quay trở lại. Tôi thật không hiểu nổi. Roosevelt là một người tốt, có trái tim nhân lành. Ông hiểu được những ai là ngưởi cần được giúp đỡ. Thế thì tại sao ông không cho phép những người tị nạn này được xuống tàu? Một ngàn người, có thấm vào đâu so với nước Mỹ vĩ đại, một quốc gia dân chủ và rộng lượng vào bậc nhất trong lịch sử hiện đại. Tại sao? Tôi không hiểu nổi. Tại sao lại lãnh đạm, vô cảm ngay tại thượng tầng quyền lực, trước những đau khổ của nạn nhân?
Nhưng cũng có những người cảm động trước thảm trạng của chúng tôi. Những người không phải là Do Thái; họ là những người theo Thiên Chúa giáo, những người mà chúng tôi gọi là "Những Dân Ngoại đạo Công chính," những người mà hành động quên mình và anh hùng của họ đã làm vinh danh cho đức tin của họ. Tại sao lại chỉ có ít người như thế? Tại sao lại có những nỗ lực lớn lao hơn để cứu những tên sát nhân SS[5] sau khi chiến tranh chấm dứt thay vì cứu những nạn nhân trong chiến tranh? Tại sao lại có những đại công ty của Mỹ tiếp tục giao thương với nước Đức của Hitler mãi cho tới năm 1942? Đã có những tin tức, và những tin tức này đã được chứng minh bằng tài liệu, là quân đội của Đức không có khả năng tấn công nước Pháp nếu không có xăng dầu do Mỹ bán. Ta giải thích sự vô cảm của họ như thế nào đây?
Thế nhưng, thưa quý vị, cũng có những điều tốt lành xảy ra trong thế kỷ tang thương này: sự bại trận của chủ nghĩa Quốc Xã; sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản; sự hồi sinh của nước Do Thái trên mảnh đất của cha ông họ; sự tiêu vong của chủ nghĩa Phân Chủng; hiệp ước hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập; hiệp ước hòa bình tại Ireland. Và ta hãy nhớ lại một phiên họp, đầy kịch tính và cảm động giữa thủ tướng Rabin và lãnh tụ Arafat mà chính Tổng thống Clinton đã triệu tập ngay tại phòng họp này. Tôi đã có mặt trong phiên họp đó và sẽ không bao giờ tôi quên được.
Và dĩ nhiên chúng ta phải nhớ tới quyết định chung giữa Hoa Kỳ và NATO để can thiệp vào Kosovo và cứu những nạn nhân, những người tị nạn, đã xua đuổi khỏi quê hương của họ bởi một người, một người mà vì những tội ác của y, phải bị buộc tội chống lại nhân loại.
Nhưng lần này, thế giới không im lặng nữa. Lần này, chúng ta đã trả lời. Lần này, chúng ta can thiệp.
Liệu điều này có nghĩa là ta đã học được bài học từ quá khứ chăng? Liệu điều này có nghĩa là xã hội đã thay đổi không? Có phải nhân loại đã trở nên bớt vô cảm và có tình người hơn không? Chúng ta đã có thực sự học được từ kinh nghiệm của chính mình chưa? Chúng ta đã bớt chai lì trước cảnh ngộ của những nạn nhân của sự tẩy rửa sắc tộc và những hình thức bất công khác đang diễn ra ở những nơi xa và ngay cả ở những nơi gần gũi với chúng ta không? Có phải sự can thiệp có chính nghĩa vào Kosovo ngày hôm nay, sự can thiệp do chính Tổng thống lãnh đạo, là một sự cảnh báo có tính cách trường kỳ, rằng sẽ không bao giờ những sự trục xuất, khủng bố trẻ con và cha mẹ của chúng, được dung túng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới không? Liệu điều này có làm cho những kẻ độc tài ở những nơi khác trên thế giới phải chùn tay không?
Thế rồi còn những đứa trẻ con thì sao? Ôi, ta thấy chúng trên truyền hình, ta đọc về chúng trên báo chí, với tấm lòng tan nát. Số phận của chúng là số phận thê thảm nhất, một số phận không thể tránh được. Khi người lớn gây chiến, trẻ con bị héo úa và tàn lụi. Ta thấy những gương mặt và đôi mắt của trẻ thơ. Ta có nghe thấy tiếng cầu xin của chúng không? Ta có cảm được nỗi thống khổ và sự đau đớn của chúng không? Mỗi phút lại có một trẻ thơ chết vì bệnh tật, bạo lực và đói khát.
Một số trẻ thơ này--ôi, có quá nhiều trẻ thơ--có thể được chúng ta cứu vớt.
Và do đó, một lần nữa, tôi nghĩ về cậu bé Do Thái từ phố núi Carpathian. Cậu đã cùng bước đi với tôi, người mà năm tháng đã biến thành một ông lão, đi qua những năm dài đấu tranh và kiếm tìm chân lý. Và cùng nhau, chúng tôi và chúng ta bước về thiên niên kỷ mới, mang theo một nỗi lo sợ sâu xa cùng một niềm hy vọng phi thường.
© Học Viện Công Dân 2012
Nguồn: http://www.americanrhetoric.com/speeches/ewieselperilsofindifference.html
 


[1] Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) là một đại văn hào và nhà bác học của nước Đức thời hiện đại (cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19). Tác phẩm nổi tiếng nhất của Goethe là vở kịch thơ trường ca Faust, một bi kịch của kẻ bán linh hồn cho quỷ Satan.
[2] Treblinka là trại diệt chủng do Đức Quốc Xã thành lập trên đất Ba Lan. 850 ngàn người Do Thái và Romania đã bị giết bằng hơi ngạt tại trại này.
[3] Birkenau là khu trại dành để giết tù nhân hàng loạt bằng hơi ngạt, nơi được Himmler mệnh danh là nơi thực hiện "giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái." Ba triệu người Do Thái bị giết trong trại này (hai triệu rưỡi bị giết vì hơi ngạt, 500 ngàn chết vì đói và bịnh tật).
[4] Ngũ Giác Đài (Pentagon): Bộ Quốc Phòng Mỹ.
[5] SS, chữ viết tắt của chữ Schutzstaffel, lúc đầu là lực lượng vũ trang bán quân sự để bảo vệ đảng Quốc Xã và Hitler, do Himmler chỉ huy, nhưng sau đã phát triển thành cấp sư đoàn. Đồng phục của SS là màu đen, và huy hiệu là Sọ người. Quân số của SS lên đến trên một triệu người vào năm 1945.

Bốn bài học kinh doanh từ bộ phim bom tấn “Đấu trường sinh tử

Khi cơ hội sống sót đang bị giành giật, con người ta cần đến những kinh nghiệm của Katniss để giành lại sự sống cho riêng mình. Và những kinh nghiệm này nếu được áp dụng trong kinh doanh thì cơ hội thành công của doanh nghiệp sẽ tăng lên bội phần.
1
Diễn viên Jennifer Lawrence trong vai Katniss Everdeen
Hai mươi tư "người hiến tế" trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi đã được chọn ngẫu nhiên từ các quận của Panem (một nhà nước độc tài toàn trị ở Bắc Mỹ đang dần khôi phục lại sau nhiều năm chìm trong nội chiến). Họ buộc phải tàn sát lẫn nhau cho đến khi chi còn duy nhất một người chiến thắng. Và chỉ người sống sót duy nhất này mới có được cuộc sống xa hoa đến suốt đời. Đó là nội dung của cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề “Đấu trường sinh tử” của Suzanne Collins. 
Toàn bộ cuốn sách là câu chuyện hư cấu về cô gái 16 tuổi - Katniss, người tình nguyện thế chỗ cho em gái mình, trở thành một trong 24 người hiến tế. Từ cô, chúng ta có thể rút ra những bài học chiến đấu để giành lại sự sống cho chính mình cũng như cho doanh nghiệp của mình.
1. Biết mình biết ta
"Lúc này, dây cung đã căng, mũi tên cũng đã sẵn sàng, chỉ cần hành động. Chính là tôi đây, tôi nghĩ. Giờ phút sống còn đã đến".
Katniss biết điểm mạnh của mình. Vốn là một thợ săn điêu nghệ, cô nhận ra vũ khí tốt nhất của mình chính là cây cung quen thuộc. Và dĩ nhiên, đó là lựa chọn khôn ngoan. Cũng giống như vậy, hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực mà bạn am hiểu và yêu thích. Nếu bạn không có kinh nghiệm với máy tính thì công nghệ ắt không phải là lĩnh vực bạn nên đầu tư. Tìm kiếm cơ hội trong những lĩnh vực mà bạn có kinh nghiệm sẽ giúp tăng cơ hội thành công của bạn lên nhiều.
 2. Tìm khoảng trống trong thị trường
"Trong túi tôi luôn có một chiếc túi nhựa nhỏ đựng các loại thuốc cần thiết. Mỗi khi cần, tôi chỉ cần mở nắp và đoán biết loại thuốc qua mùi hương".
Khi người chăm sóc cho Katniss thấy cô phải chịu nỗi đau khủng khiếp từ vết bỏng, họ nhanh chóng xác định ra loại thuốc cô cần. Ngay sau đó, họ cho cô dung loại thuốc mỡ làm dịu nhẹ cơn đau của mình. Trước khi bạn bắt đầu gây dựng doanh nghiệp, bạn phải xác định rằng công ty bạn sẽ tập trung vào lĩnh vực nào và lĩnh vực đó đã có nhiều đối thủ cạnh tranh hay chưa? Hãy xem xét thị trường và tìm ra một nhu cầu mà bạn có thể mang lại.
1
Poster phim Đấu trường sinh tử
3. Nắm vững những điều cơ bản
"... Anh ấy chỉ cho chúng tôi cách làm bẫy đơn giản mà tinh vi nhất. Chỉ cần đối thủ có chút lơ là, nó sẽ treo họ lủng lẳng trên cây. Chúng tôi chăm chú học hỏi trong suốt một tiếng đồng hồ, mãi cho đến khi chúng tôi có thể tự tay làm được".
Khi được đào tạo ở đấu trường, Katniss và người đồng đội của mình, Peeta, đã quyết định học tập từ những điều đơn giản nhất như làm bẫy và ngụy trang. Đây là một bài học quan trọng đối với mỗi doanh nhân. Trước khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của riêng mình, hãy học hỏi từ những điều cơ bản nhất, chẳng hạn như tham gia một khoá học kinh doanh và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Những bài học “vỡ lòng” này sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có trong công việc.
4. Luôn là chính mình
"Sau đó, tôi nhớ những lời tâm nguyện của Peeta: ... “Anh đã chiến đấu hết mình” ... Rue cũng đã chiến đấu hết mình, và tôi cũng vậy”.
Khoảnh khắc cao trào của bộ phim, Katniss nhận ra rằng cho dù kết quả của trận đấu sẽ như thế nào, cô cũng đã thể hiện đúng bản thân mình. Cô đã không chỉ là một dũng sỹ tuyệt vời mà còn là một người bạn trung thành. Cô chọn hành động để vinh danh Rue – người bạn đã ngã xuống của mình chứ không phải chạy trốn vào hoang mạc. Và hành động cao cả này được mọi người hoan nghênh, nhất là tại quê hương của Rue. Cũng như vậy, là một doanh nhân, bạn chớ nên e ngại khi thể hiện đúng bản chất con người mình.
Khách hàng tiềm năng sẽ tìm đến với những doanh nghiệp đáp ứng được những điều mà họ đang cần đến. Vì vậy, nếu bạn còn trẻ và nhiệt huyết, hãy cứ thể hiện mình. Và cũng giống như Katniss, bạn sẽ đạt được những thành quả xứng đáng.
Theo hoclamgiau

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Tìm thử chân dung CEO Việt





gtv20Chúng ta phải thừa nhận: CEO nào cũng muốn mình thành công, nhưng thử hỏi có bao nhiêu CEO thật sự thành công. Thực tiễn cho thấy, sẽ không bao giờ có một công thức chung cho mọi CEO ở mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, dựa vào mục tiêu dài hạn, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, sự mong đợi của nhà đầu tư, khách hàng và toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty, một CEO thành công không phải là tối đa hóa lợi nhuận mà là tối đa giá trị dài hạn cho cổ đông, nghĩa là CEO tạo ra và thâu tóm giá trị khách hàng một cách hiệu quả, và không bao giờ bằng lòng với giá trị mình tạo ra.

Thành công của một công ty bắt nguồn từ nhiều yếu tố và CEO là người chịu trách nhiệm về các yếu tố đó. Để tạo ra giá trị dài hạn cho cổ đông, hai yếu tố quan trọng và mang tính quyết định mà CEO phải làm cho bằng được: thứ nhất,  xây dựng và duy trì một mô hình kinh doanh thành công, thứ hai, xây dựng một tổ chức thật sự hiểu mình.

Mô hình kinh doanh thành công:

Chúng ta đều đồng lòng: sẽ không có một mô hình kinh doanh thành công chung cho mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một ngành nghề nào đó, hai công ty có thể có hai mô hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau, mô hình này ưu việt hơn mô hình kia rất nhiều. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh doanh tạp hóa, mô hình chuỗi cửa hàng rõ ràng ưu việt hơn mô hình cửa hàng đơn lẻ. Việc phân biệt mô hình kinh doanh đúng và không đúng là không dễ. Để có cái nhìn đúng hơn về mô hình kinh doanh thành công, CEO phải tự trang bị cho mình một tư duy toàn cầu.

CEO thành công không phải là tối đa hóa lợi nhuận mà là tối đa giá trị dài hạn cho cổ đông, nghĩa là CEO tạo ra và thâu tóm giá trị khách hàng một cách hiệu quả, và không bao giờ bằng lòng với giá trị mình tạo ra.

Mô hình kinh doanh thành công phải tạo ra giá trị cho các đối tượng có lợi ích liên quan khác nhau trong công ty, trong đó, phần giá trị lớn nhất được tạo ra là giá trị khách hàng, và nắm bắt giá trị này hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh. Một mô hình, trong đó lợi thế cạnh tranh bắt nguồn từ những động thái có chủ ý và được hiểu rõ, được phản ánh trên mọi phương diện của công ty. Ví dụ, DELL cốt lõi thành công là thật sự chú trọng vào khách hàng, gắng liền với mô hình kinh doanh trực tiếp. Điều này được hỗ trợ bởi các hệ thống trực tuyến tinh vi cũng như năng lực phân phối và lắp ráp hiệu quả.

Để đánh giá mô hình kinh doanh, CEO cần xem mô hình mình đang nhắm tới phân khúc thị trường hấp dẫn – tạo ra giá trị nếu phục vụ chúng, qui mô giá trị này là đáng kể. CEO phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để suy nghĩ và hành động. Khả năng tạo ra giá trị cho cổ đông phụ thuộc vào hai yếu tố: khả năng của nó trong việc duy trì lợi nhuận đầu tư trên vốn chủ sở hữu lớn hơn chi phí vốn chủ sở hữu; khả năng tăng trưởng mà không làm ảnh hưởng đến tỉ lệ lợi nhuận của nó.

Để tự tin vào mô hình kinh doanh thành công, một mặt, CEO cần thử thách liên tục các cơ sở giá trị và việc tạo ra giá trị của mô hình kinh doanh. Mặt khác, khi mô hình kinh doanh bắt đầu trở nên thành công một cách rõ ràng, bắt chước, sao chép của công ty khác sẽ xuất hiện và chính việc sao chép này làm giảm tính hữu hiệu của mô hình. Vì vậy, CEO phải liên tục phấn đấu nhắm đảm bảo rằng mô hình kinh doanh sẽ hoàn thiện theo thời gian để đảm bảo thành công.

Mô hình kinh doanh thành công phải được xây dựng trên thực tế của doanh nghiệp, phù hợp với các nguồn lực và năng lực thiết yếu của tổ chức. CEO phải nhận diện, phát hiện và bảo vệ những thành tố cốt lõi mà trên cơ sở đó mô hình kinh doanh trong tương lai được phát triển. Thành tố cốt lõi được chia làm 2 loại chính: nguồn lực và năng lực.

- Nguồn lực có thể được công ty khai thác theo nhiều cách khác nhau, nó bao gồm: tài sản hữu hình và vô hình; quan hệ với các bên liên quan (khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp…); vị thế trên thị trường.
Năng lực tạo ra thành tựa nổi bậc ở mọi khía cạnh quan trọng và là kết quả của việc khai thác các nguồn lực. Nguồn lực sẽ đóng góp cho mô hình kinh doanh thành công, nếu chúng làm nảy sinh khả năng nổi trội trong việc tạo ra hay nắm bắt giá trị khách hàng một cách hiệu quả.

Để làm được điều này, CEO phải quản lý tốt (đảm bảo các quyết định đưa ra là đúng – ra các quyết định phù hợp, logic, đề ra các chiến lược, quản lý thành tích, thiết kế các qui trình, phân bổ nguồn lực, ủy thác trách nhiệm), và lãnh đạo hiệu quả (đảm bảo các quyết định chuyển thành hành động – truyền cảm hứng cho cấp quản lý và nhân viên cũng như xây dựng cam kết thực hiện các kế hoạch của công ty). CEO phải giúp mọi thành viên hiểu cái gì là quan trọng, công ty đang nổ lực hướng tới đâu và vai trò cá nhân của họ trong việc giúp công ty đạt được mục tiêu đó.

CEO phải làm sao các bên có lợi ích liên quan tâm huyết tham gia thực hiện viễn cảnh và các mục đích do CEO đề ra. Thông qua nhận thức và hành xử một cách sáng suốt đối với nhân viên, khách hàng, cổ đông và không kém phần quan trọng với chính mình, CEO có thể lãnh đạo một cách tận tâm và hữu hiệu.

Vai trò của CEO là định hướng việc ra quyết định, chứ không tự mình đưa ra mọi quyết định. Để có sự cân bằng đó, CEO cần phải:


- Xây dựng một đội ngũ quản lý mà CEO có thể yên tâm tin tưởng vào việc ra quyết định của họ (bao hàm cả việc liên tục phát triển và lập kế hoạch nhân sự kế thừa kỹ lưỡng). Tiếp theo là xem xét sự phù hợp về kỹ năng và năng lực, cụ thể là phải nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của từng thành viên để bố trí công việc phù hợp và hỗ trợ lẫn nhau.
- Đưa ra các qui trình ra quyết định quản lý chính để hướng dẫn việc ra quyết định của đội ngũ quản lý và những người khác cho phù hợp với mục đích tối đa hóa kết quả trong dài hạn; ba qui trình quan trọng mà CEO nên có sự quan tâm đặc biệt: Hoạch định chiến lược; quản lý thành tích và đãi ngộ; các quan hệ với nhà đầu tư.
- Đảm bảo những kênh thông tin hữu hiệu giúp đội ngũ quản lý nắm vững tình hình thực tại của công ty; thực hiện vai trò lãnh đạo trong phần lớn quyết định của công ty.

Xây dựng một tổ chức hiểu chính mình:

Một tập thể gồm nhiều người, mỗi người hiểu vai trò của bản thân mình vẫn chưa đủ. Tổ chức nổi tiếng luôn sở hữu nhiều thuộc tính, phần lớn là vô hình, và những thuộc tính này cùng nhau đưa tổ chức đi tới thành công. Những thuộc tính này bao gồm: hoài bão, niềm tin, năng lực, hành vi, thương hiệu…

Không có mô hình kinh doanh, CEO không thể hy vọng mình thành công. Do đó CEO cần nhân viên của mình hiểu mô hình này và quản lý nó để tạo ra giá trị hứa hẹn. Như vậy, CEO cần phải nghĩ ra những thông điệp mình muốn truyền đạt và cách để quản lý hiệu quả tính thực tiễn của việc truyền đạt nội dung đó.

Nội dung của thông điệp phải phản ánh mô hình kinh doanh mà công ty hiện nay đang điều hành cũng như năng lực và nguồn lực mà nó đang gìn giữ nhắm xây dựng lại và làm trẻ hóa mô hình đó. Để truyền đạt những điểm chính về các vấn đề này một cách hữu hiệu, các CEO thành công tạo ra các thông điệp liên quan tới mục đích (xác định hướng phát triển và biến nó thành hiện thực), nhân cách (xây dựng đặc tính riêng biệt và đưa nó vào cuộc sống) và thành tích (liên hệ mục đích với hiện tại và làm nó có tác dụng).

Một công ty thật sự hiểu chính mình có trực giác về đường hướng phát triển và biết điều gì là đúng. Điều này giúp toàn công ty nhìn chung về một hướng. Nhân viên của công ty giải thích về mục đích và chiến lược của nó một cách cụ thể bằng ngôn ngữ của họ với niềm tin và sức thuyết phục. Những đặc tính riêng biệt của công ty được nổi bật hơn các công ty khác, và lôi cuốn nhân viên cũng như khách hàng. Để điều đó xảy ra, phải có nghị lực bên trong để chuyển các lời hứa thành hiện thực, để theo đuổi và liên tục đạt được thành tích cao. CEO phải làm sao để công ty mình điều hành luôn có sự tự tin và ngẩng cao đầu, mọi cán bộ nhân viên luôn tập trung và bền bỉ với mục đích chính mình. Họ biết mình đang làm gì, tin vào điều đó và hài lòng với chính mình.

Th. sĩ ĐỖ THANH NĂMChủ tịch - Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win-Win

Sự Khiêm Nhượng - Từ ngữ Đẹp nhất trong Anh ngữ




Bruna Martinuzzi
 
Nhiều năm trước đây , một vị thầy dạy tôi trên đại học nói rằng "thềm cửa sổ" được cho là danh từ đẹp nhất trong Anh ngữ. Là một nhà ngôn ngữ học tài tử, sự kiện nhỏ nhặt này tất nhiên nằm trong trí nhớ của tôi. Từ ngữ có uy lực to tát. Chúng có thể làm ta cười phá lên hoặc làm nước mắt dâng tràn bờ mi. Từ ngữ có thể gây ảnh hưởng, tạo cảm hứng, khiến ta hoạt động và làm ta chấn động. Từ ngữ có thể xây dựng và có thể phá hủy. Có những từ mang đến những ảnh hưởng khác nhau cho từng người. Một trong những từ ngữ có ảnh hưởng lớn lao như vậy là danh từ "sự khiêm nhượng." Đây là một trong các từ hiếm khi đem cảm giác quân bình đến cho người nghe. Một số người, có tôi trong đó, yêu danh từ này và mọi biểu tượng của nó. Các người khác gần như sợ nó và xem nó đồng nghĩa với sự thiếu tự tin hoặc tính nhút nhát.
Từ điển định nghĩa "sự khiêm nhượng" là sự khiêm tốn, không tự phụ khoe khoang, không tỏ ra rằng mình tài giỏi hơn người khác. Kèm thêm định nghĩa phụ là "Tự đánh giá thấp, hiền lành dễ bảo." Khi đọc quyển sách "Từ Giỏi Đến Tuyệt: Tại Sao Vài Công Ty Có Tiến Bộ Nhảy Vọt ... mà Các Công Ty Khác Không Thể" của Jim Collins, là lần đầu tiên tôi nghĩ đến danh từ "sự khiêm nhượng" trong phạm vi khả năng lãnh đạo. Trong quyển sách này, Collins nghiên cứu các công ty đã nhẩy vọt từ giỏi đến tuyệt qua sự duy trì được trong suốt 15 năm số lời [tính trên chỉ số chứng khoán] bằng với giá của thị trường, và sau giai đoạn chuyển tiếp đã mang lại lợi tức cao gấp ba lần giá thị trường chứng khoán trong vòng 15 năm kế tiếp.[1]
Những công ty này có đặc điểm khác biệt với các công ty khác ở chỗ họ có người lãnh đạo ở bậc thứ 5.[2] Các vị lãnh đạo này hướng cái tôi trong họ về mục đích dẫn dắt công ty phát triển ở tầm vóc vĩ đại, là những người có bản chất phức tạp mâu thuẫn, trộn lẫn giữa ý chí chuyên nghiệp mãnh liệt và sự nhún nhường tột độ. Họ tạo nên kết quả tuyệt vời nhưng lại tránh xa sự nịnh bợ tâng bốc, và không bao giờ thích khoe khoang. Người ta miêu tả họ là người khiêm tốn. David Packard, người đồng sáng lập công ty Hewlett-Packard, là điển hình cho cấp bậc lãnh đạo này; theo lời Jim Collins, Packard tự coi mình trước tiên là nhân viên hãng HP, rồi thứ nhì mới là Chủ Tịch. Ông là người của quần chúng, quản lý công ty bằng cách đi quanh quan sát. Xa lánh tất cả mọi hình thức nhận tán thưởng trước công chúng, ông Packard từng nói: "Không nên hả hê về những gì bạn đã làm được, hãy tiếp tục và kiếm chuyện khác tốt hơn mà làm."
Một vị lãnh đạo tuyệt vời khác là Patrick Daniel, Chủ Tịch Công ty Enbridge, một công ty về năng lượng và vận chuyển dầu hỏa tại Bắc Mỹ. Ông hội tụ hai cá tính lãnh đạo: sự quyết tâm tạo nên thành tích và sự khiêm nhượng, ông luôn tuyên dương sự đóng góp của người khác và không khi nào đặt mình làm trọng điểm. Ông từng nói, "Tôi học hỏi từ lối sống của các bậc lãnh đạo cao cả. Sự vĩ đại xuất phát từ tính khiêm nhượng và hành vi khiêm tốn."
Đối với những vị lãnh đạo này, cũng như với nhiều người khác tương tự như họ, khiêm nhượng rõ ràng không có nghĩa là hiền lành dễ sai khiến. Ngược lại, đó chính là sức mạnh của họ. Thế nhưng, trong nền văn hóa ganh đua của chúng ta, ta phải tranh đấu vất vả với ý niệm làm người khiêm tốn, vì hễ có dịp là ắt phải khua kèn đánh trống ca tụng chính mình, và ta không dám đi ra khỏi nhà nếu chưa chuẩn bị cho ngon lành bản quảng cáo về mình trong vòng một, hai phút.[3]
Chúng ta thường lầm lẫn giữa tính khiêm nhượng và tính rụt rè nhút nhát. Khiêm nhượng không có nghĩa là tự hạ mình hay tự chê bai. Khiêm nhượng có nghĩa là duy trì niềm tự hào về bản thân, về thành tích, về giá trị của mình - nhưng không hề kiêu căng - khiêm nhượng là đối nghịch của ngạo mạn; kiêu hãnh quá lố thường làm cho nhiều người lãnh đạo đi chệch đường rày, giống như tình trạng của những vị anh hùng bi tráng trong những tuồng cổ Hy lạp thường phạm phải. Khiêm nhượng tức là tự tin trong im lặng, không cần phải phô bày cái hào nhoáng bên ngoài. Đó là sẵn sàng để người khác khám phá những lớp lớp tài năng của mình mà chẳng cần mình khoe khoang về chúng. Đó là không kiêu ngạo, chứ không phải thiếu quả quyết khi theo đuổi mục đích.
Có một sự đối lập thú vị như sau: thường thường, một người càng thăng tiến, càng nhiều thành tựu, thì người ấy càng có chỉ số khiêm nhượng cao. Người đạt nhiều thành tích nhất là người ít khoe khoang nhất, và lòng tự tin của họ càng cao, thì họ càng khiêm tốn. "Giá trị thật sự, giống như một dòng sông, càng sâu, thì càng chảy êm đềm" (Edward Frederick Halifax). Tất cả chúng ta đều đã gặp và ngưỡng mộ những người như vậy,.
Tại sở làm, chúng ta cũng có những đồng nghiệp có khả năng, làm việc tích cực và khiêm tốn, họ không mời mọc sự chú ý của người khác. Hãy xem người nhân viên ở lại sở trễ để làm xong việc, hoàn toàn vì anh có tinh thần trách nhiệm cao, người thư ký ngồi lại một mình trong phòng làm việc, sau 5g30 chiều thứ Sáu, để chờ người giao hàng, hoặc người quản lý gác lại cuộc hẹn riêng tư để đáp chuyến bay đi công tác. Các hành động trên cũng tương tự như việc làm của một nhà từ thiện ẩn danh.
Lòng Khiêm nhượng cũng là một đại đức tính. Đức tính này liên hệ với nhiều nguyên tắc đạo đức. Thí dụ, ta có thể yên tâm tuyên bố rằng không thể có sự chân thật nếu không có tính khiêm nhượng. Tại sao? Bởi vì, chắc chắn sẽ có lúc chính người lãnh đạo cũng không thể giải quyết được một vấn đề nào đó. Phải có đức tính khiêm nhượng mới có thể thú nhận điều mình không biết và hỏi ý kiến người khác.
Phong cách cư xử là một đặc điểm khác của người lãnh đạo khiêm nhượng. Những người lãnh đạo này đối xử với mọi người một cách kính trọng, bất kể địa vị và chức vụ của đối tượng. Nhiều năm trước, tôi đọc được thành ngữ này: Đức độ của người quân tử được thể hiện ở cách họ đối xử với những người chẳng mang lại lợi ích gì cho họ.
Nhiều chuyện lý thú xảy ra khi ta đặt mình vào cuộc với cái nhìn khiêm nhượng: nhiều cơ hội mới chào đón khi ta chọn cái nhìn phóng khoáng và hiếu kỳ thay vì cố chấp bảo thủ với ý kiến của mình. Ta dừng lại lâu hơn trong khoảng không gian kỳ diệu của kẻ mới vào nghề, với cái tâm rộng mở để tiếp nhận những gì người khác cho ta. Ta chuyển từ đẩy ra sang thu vào, từ bấp bênh sang vững chắc, từ mưu cầu sự chuẩn nhận sang tìm kiếm sự giác ngộ. Ta quên đi việc cố gắng trở thành hoàn hảo và hân hoan sống trong hiện tại.
Đây là vài cách luyện tập tính khiêm nhượng:
1. Nhiều lúc, trong cuộc tranh luận phân chia thắng bại, dằn tự ái của mình xuống quả là điều rất khó, và mọi ý niệm khiêm nhượng tan biến. Khi đối mặt với trường hợp không có lợi cho bản thân như vậy, bạn hãy tìm cách nào nhằm tránh xảy ra hành động làm bạn mất đi phong cách của mình. Hãy thử ngưng nói và để mọi sự chú ý dồn về phía đối phương. Đây là một cách làm tâm trí ta thoải mái lại.
2. Ba chữ nhiệm màu sau đây sẽ mang lại nhiều yên tĩnh cho đầu óc hơn cả là đi tĩnh tâm một tuần tại khu nghỉ mát đắt tiền: "Bạn nói đúng."
3. Để ý xem bạn có vô tình lên giọng giảng dạy hoặc cho ý kiến trong khi người đối diện chưa cho phép - bạn đã thiếu tế nhị và ép người ta theo lối suy nghĩ của bạn chăng? Phải chăng bạn sửa sai người khác vì chính bạn cần tự xét lại mình?
4. Luôn hỏi ý kiến người khác về sự tiến triển của bạn trong lãnh vực lãnh đạo. Hãy hỏi "anh hay chị thấy tôi làm việc thế nào?" Cần có tính khiêm nhượng để đặt câu hỏi này. Và càng cần khiêm nhượng để lắng nghe câu trả lời.
5. Hãy khuyến khích mọi người trong sở làm luyện tập hành động khiêm nhượng bằng cách làm gương cho họ: mỗi lần bạn chia sẻ với người khác lời khen khi thành công vẻ vang, bạn củng cố thêm cái văn hóa tổ chức của công ty của bạn. Hãy nghĩ đến việc đào tạo khả năng lãnh đạo này cho các tài năng mới.
 
Việc luyện tập đức tính khiêm nhượng, lòng tự tại chân thật, mang lại nhiều bổ ích: giúp việc kết tình thân giữa mọi người, không kể thứ bậc, giảm đi sự hoang mang, khuyến khích mọi người cởi mở và điều này, lạ thay lại nâng cao lòng tự tin. Khiêm nhượng giúp ta mở cánh cửa sổ hướng tới tâm hồn cao thượng hơn. Đối với tôi, danh từ "sự khiêm nhượng" là danh từ đẹp nhất trong Anh ngữ, thế chỗ cho danh từ "thềm cửa sổ".
© Học Viện Công Dân 2010
Bài này được trích từ cuốn sách "The Leader as a Mensch: Become the Kind of Person Others want to Follow" của Bruna Martinuzzi. Bruna là một nhà giáo dục, tác giả, diễn giả và người sáng lập Công ty Clarion Enterprise Ltd, một công ty tư vấn và huấn luyện về sự thông minh cảm xúc, lãnh đạo, Myers-Briggs, và huấn luyện những kỹ năng về thuyết trình.
Nguồn: http://www.mindtools.com/pages/article/newLDR_69.htm

[1] Lợi nhuận tính bằng số thu hoạch từ chứng khoán (stock return) = tổng số tiền lời của toàn thể cổ đông. Một công ty có thể có lời (tính bằng tiền), nhưng trị giá chứng khoán của công ty đó có thể bị suy giảm
[2] Jim Collins xếp hạng khả năng lãnh đạo theo năm bậc từ 1 tới 5. Bậc 1 là những cá nhân có khả năng cao; bậc 2 là những cá nhân có khả năng cao cộng với khả năng hợp tác với những thành viên khác để đạt mục tiêu chung; bậc 3 là những nhà quản lý giỏi, có khả năng tổ chức, điều hành nhân lực, tài lực và đạt được mục tiêu một cách hữu hiệu; bậc 4 là những nhà lãnh đạo hữu hiệu có khả năng tiên kiến, vận động và khích lệ nhân viên làm việc đat tới tiêu chuẩn cao. Bậc 5 là những nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức tiến đến chỗ tuyệt hảo. Những nhà lãnh đạo này thể hiện được hai đức tính trái ngược nhau là khiêm nhượng và ý chí chuyên môn cao.
[3] "Elevator speech" hay "elevator pitch" là thuật ngữ dùng để chỉ phần giới thiệu về công ty, sản phẩm, hay hội đoàn của mình trong những buổi tiếp tân hay hội họp với những đối tượng có tiềm năng trở thành thân chủ hay người yểm trợ. Trong khung cảnh này, đối tượng thường không có thì giờ để nghe ta trình bày tỉ mỉ, cho nên ta phải đưa ra những ưu điểm của mình trong khoảng thời gian ngắn nhất chừng 1 hay 2 phút.

THƯ GỬI BẠN TA : Chuyện cái lưỡi mới

Ngày 17 tháng 12 năm 2012

Bạn ta,
Hạ tuần tháng trước, một người đàn ông ở thủ đô Áo đã được các y sĩ của bệnh viện thay cho một cái lưỡi mới sau khi cái lưỡi cũ của ông bị cắt bỏ vì  ung thư.
Người đàn ông 42 tuổi này, sau 14 tiếng đồng hồ trong phòng giải phẫu của bệnh viện, đã có cái lưỡi mới. Các y sĩ cho biết ông sẽ bình thường trở lại, sẽ ăn, sẽ nói được như thường và hiện nay, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy cơ thể của ông không thích cái lưỡi mới, đòi vứt nó đi, tống nó ra ngoài, không nhận nó, như một số các trường hợp giải phẫu ghép các bộ phận khác. Có điều là các y sĩ cho biết ông sẽ là người thực bất tri kỳ vị, ăn uống ngon cũng không biết và dở cũng … ăn hết, không phàn nàn chi cả.
Vài ba tuần nữa, khi những vết khâu lành lặn, người ta có thể sẽ biết cái lưỡi mới của ông sẽ ra sao, và đời sống của ông với nó, cái lưỡi mới đó, sẽ như thế nào.
Hãy khoan bàn đến chuyện nói. Vì có thể chuyện đó còn mất một thời gian nữa. Nhưng chuyện ông mất vị giác, đời sống của ông sẽ vui hơn. Ông sẽ không câu nệ về chuyện ăn uống nữa. Nấu gì ăn nấy, không phàn nàn, không chê ỏng chê eo dẫu cho bị quăng cho vài ba món nấu như ma mửa, vẫn ăn như thường. Mì gói do người đàn ông Á châu mời ông ăn cũng không khác gì Cordon Bleu nữa.
Nhưng cách ăn nói của ông chắc chắn sẽ khác. Những cái lưỡi thường, ăn nói tử tế thì phải khác những cái lưỡi át xít, như người Mỹ vẫn nói.
Ðúng như người hàng thịt trong truyện cổ đã lý luận, cái lưỡi là bộ phận quyết định những gì trở thành tiếng nói phát ra từ miệng.

Mồ cha con bướm trắng
Mồ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua
… (ca dao)

Nói điều chanh chua, độc ác, ngoa ngoắt là do cái lưỡi mà ra. Chẳng thế mà một trong những hình phạt dành cho những kẻ khi quân, khinh thế, ngạo vật, ăn nói bậy bạ là cắt lưỡi. Nhan Cảo Khanh chỉ vì không chịu về hàng sau khi Thường Sơn thất thủ, lại còn trừng mắt mắng chửi An Lộc Sơn nên bị cắt lưỡi rồi giết chết (Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh/ Thường Sơn chửi giặc chịu hình cũng ưng: Ngư Tiều vấn đáp)
Chuyện nói năng của ông chắc phải khác. Ông trở thành người mở miệng ra là gẫy cây, gẫy cối hay là toàn những lời dịu dàng dễ nghe tuỳ thuộc vào cái lưỡi mới.
Người Trung Hoa đã từng ví lưỡi như móc, môi như gươm -- câu thiệt, kiếm thần -- để ví lời nói khéo có thể hãm hại được người, hay thiệt kiếm, thần sang, lưỡi như gươm, môi như súng là nói năng ghê gớm mạnh mẽ lắm.
Chuyện này phải đợi khi lưỡi cử động mạnh mới biết được. Nhưng nếu quả thật thay cái lưỡi mới sẽ đổi được cách ăn nói, thì rồi đây, chuyện gắn cho cái lưỡi mới sẽ được ghi nhận thường hơn, không còn là thứ tin tức mà tất cả các hãng thông tấn từ AP đến UPI, Reuters, AFP… mấy ngày hôm nay làm ầm lên như người ta vừa thấy.
Nhiều khi cũng chẳng phải đi đâu xa, vợ chồng trao đổi cho nhau, vết thương lành lặn xong, gậy ông đập lưng ông, lưỡi bà nói bà nghe … thì lúc ấy mới hiểu người kia khổ thế nào.
Lúc ấy, nhờ thay lưỡi, các phụ nữ sẽ không còn mang cái tiếng xấu xa như câu thành ngữ Trung Hoa này nữa: phụ nhân trường thiệt vi tệ chi giai, đàn bà mà lưỡi dài, ăn nói ngoa ngoắt là bậc thang tai hại.
Thành công của các y sĩ Áo ở Vienne sẽ đem lại không biết bao nhiêu là thay đổi cho đời sống chúng ta là như vậy.

 Bùi Bảo Trúc

Vaclav Havel - Chủ nghĩa cộng sản tiếp tục dạy chúng ta những gì?

 Vaclav Havel - Chủ nghĩa cộng sản tiếp tục dạy chúng ta những gì?

Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ đầu Vaclav Havel (18/12/2011-18/12/2012)
Lễ kỉ niệm lần thứ 15 Cách mạng Nhung (ngày 17 tháng 11 năm 1989), cuộc Cách mạng đã đưa chế độ độc tài cộng sản ở Tiệp Khắc đến chỗ cáo chung, là cơ hội để suy tư về ý nghĩa của hành vi mang tính đạo đức và hành động tự do. Hiện nay chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nhưng nhiều người - không chỉ ở Cộng hòa Czech – vẫn tiếp tục tin rằng họ không phải là chủ nhân của số phận của mình. Họ đã đánh mất niềm tin rằng họ có thể thực sự có ảnh hường đối với những sự kiện chính trị, và còn có ít ảnh hưởng hơn đối với xu hướng phát triển của nền văn minh của chúng ta.


Trong giai đoạn cộng sản, đa số người dân đều tin rằng những cố gắng của cá nhân nhằm tạo ra thay đổi đều chẳng có ý nghĩa gì. Các nhà lãnh đạo cộng sản luôn luôn khẳng định rằng hệ thống đó là kết quả của những quy luật khách quan của lịch sử, những quy luật không thể nghi ngờ và những người không chấp nhận logic này đã bị trừng phạt – chỉ có thế thôi.
Đáng tiếc là, cách nghĩ được các chế độ độc tài cộng sản ủng hộ đó đã không biến mất hoàn toàn. Một số chính khách và học giả khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ sụp đổ dưới sức nặng của chính nó – một lần nữa, lại nhờ “những quy luật khách quan” của lịch sử. Một lần nữa, trách nhiệm cá nhân và hành động cá nhân bị coi nhẹ. Họ bảo chúng ta rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là một trong những ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây, chỉ cần chờ đợi ngày diệt vong của nó mà thôi.
Chính những người đó lại thường tin vào những lời tuyên bố về tính tất yếu của những quy luật của thị trường và “bàn tay vô hình” định hướng cuộc sống của chúng ta. Vì trong cách tư duy đó không có nhiều chỗ cho hành động mang tính đạo đức của cá nhân, cho nên những người phê phán xã hội thường bị chế nhạo, bị coi là những nhà đạo đức ngây thơ.
Đấy có thể là một trong những lí do vì sao 15 năm sau ngày sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản chúng ra lại phải chứng kiến thái độ lãnh đạm chính trị. Chế độ dân chủ ngày càng được xem như một nghi thức đơn thuần. Nói chung, xã hội phương Tây dường như đang trải qua một cuộc khủng hoảng của các đặc tính dân chủ và quyền công dân tích cực.
Có khả năng là những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là chỉ một sự thay đổi hệ hình, do công nghệ mới tạo ra, và không có gì phải lo lắng cả. Nhưng có lẽ vấn đề nằm sâu hơn: các tập đoàn toàn cầu, các tập đoàn truyền thông và các cơ quan nhà nước đầy sức mạnh, đang biến cải các đảng phái chính trị thành các tổ chức mà nhiệm vụ chính không phải là phục vụ xã hội mà là bảo vệ các thân chủ và quyền lợi cụ thể. Chính trị đang trở thành chiến trường cho những người vận động hành lang; các phương tiện truyền thông đại chúng biến những vấn đề quan trọng thành tầm thường; chế độ dân chủ trông giống như một trò chơi cho người tiêu dùng, chứ không còn là một công việc nghiêm túc dành cho những công dân nghiêm túc nữa.
Chắc chắn là chúng tôi, những người bất đồng chính kiến khi mơ về tương lai dân chủ, đã có một số ảo tưởng mà hiện nay chúng tôi đã nhận thức được một cách rõ ràng. Nhưng chúng tôi đã không lầm khi khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản không chỉ là một ngõ cụt của chủ nghĩa duy lí của phương Tây. Trong hệ thống cộng sản quá trình quan liêu hóa, thao túng theo kiểu nặc danh và nhấn mạnh vào thái độ phục tùng của quần chúng đã được đưa đến mức “hoàn thiện”, nhưng chính những mối đe dọa này hiện nay vẫn đang song hành cùng chúng ta.
Lúc đó chúng tôi đã biết chắc rằng nếu chế độ mà thiếu các giá trị và chỉ quy giản xuống còn là sự cạnh tranh giữa các đảng phái, tức là những đảng phái “cam đoan” có những giải pháp cho mọi vấn đề thì đấy có thể là chế độ hoàn toàn phi dân chủ. Đấy là lí do vì sao chúng tôi nhấn mạnh đến chiều kích đạo đức của chính trị và xã hội công dân đầy sức sống, coi chúng như là đối trọng đối với các đảng phái chính trị và các thiết chế của nhà nước.
Chúng tôi còn mơ về một trật tự quốc tế công bằng hơn. Sự cáo chung của thế giới lưỡng cực là cơ hội tuyệt vời cho việc thiết lập một trật tự quốc tế nhân bản hơn. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến quá trình toàn cầu hóa về mặt kinh tế, thoát khỏi sự kiểm soát chính trị; và nó đang tạo ra những tàn phá về mặt kinh tế cũng như tàn phá hệ sinh thái tại nhiều khu vực trên thế giới.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là cơ hội để tạo ra những thiết chế chính trị toàn cầu hiệu quả hơn – dựa trên các nguyên tắc dân chủ - những thiết chế có thể chặn đứng những thứ dường như là xu hướng – trong hình thức hiện thời – tự hủy của thế giới công nghiệp của chúng ta. Nếu chúng ta không muốn bị những lực lượng ẩn danh giày xéo thì những nguyên tắc của tự do, bình đẳng và đoàn kết - nền tảng của ổn định và thịnh vượng trong các chế độ dân chủ ở phương Tây – phải bắt đầu có hiệu lực trên bình diện toàn cầu.
Nhưng, trên hết – cũng như thời còn cộng sản – chúng ta không được đánh mất niềm tin vào những trung tâm tư duy thay thế và hành động dân sự. Xin đừng để người ta lèo lái dẫn đến tin rằng mọi cố gắng nhằm thay đổi trật tự “đã được thiết lập” và thay đổi những quy luật “khách quan” là việc làm vô nghĩa. Xin hãy cố gắng xây dựng xã hội công dân toàn cầu, và xin hãy luôn luôn khẳng định rằng chính trị không chỉ là công nghệ của quyền lực, mà nó cần phải có chiều kích đạo đức nữa.
Đồng thời, các chính khách trong những quốc gia dân chủ cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về những cuộc cải cách các thiết chế quốc tế, vì chúng ta rất cần những thiết chế đủ sức quản trị thế giới. Thí dụ, chúng ta có thể bắt đầu với Liên hiệp quốc, với hình thức như hiện nay tổ chức này chỉ là di vật của tình hình ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Nó không phản ánh được ảnh hưởng của một số siêu cường mới ở các khu vực, trong khi đánh đồng những nước mà những người đại diện được bầu một cách dân chủ với những nước mà những người đại diện, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ đại diện cho chính họ hay cho nhóm sĩ quan cầm quyền, là việc làm vô đạo đức
Người châu Âu chúng ta có một nhiệm vụ đặc biệt. Nền văn minh công nghiệp, nay đã lan ra toàn thế giới, có xuất xứ từ châu Âu. Tất cả những điều kì diệu, cũng như những mâu thuẫn làm người ta phải khiếp sợ của nó, có thể được lí giải như là hậu quả của một đặc tính có xuất xứ từ châu Âu. Vì vậy mà châu Âu thống nhất phải thiết lập một thí dụ về cách đối diện với những mối hiểm nguy và kinh hoàng khác nhau đang nhấn chìm chúng ta hôm nay cho phần còn lại của thế giới thấy.
Thực ra, nhiệm vụ như thế - tức là nhiệm vụ gắn chặt với sự thành công của sự hội nhập của châu Âu – sẽ là sự hoàn thành một cách xác thực ý thức trách nhiệm toàn cầu của châu Âu. Và nó sẽ là chiến lược tốt hơn hẳn so với việc đổ lỗi cho Mỹ về những vấn đề khác nhau của thế giới đương đại.
 Bài này được Vaclav Havel viết ngày 12 tháng 11 năm 2004
Bài đã đăng trên Bauxite Việt Nam
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/what-communism-still-teaches-us

Maxim Gorky – Con lợn vô ơn



Phạm Thị Hoài dịch

Cách đây vài ngày, một số kẻ ngu xuẩn chết tiệt vừa ra một bản án mười bảy năm tù cải tạo cho một thanh niên mười bảy tuổi, vì chàng trai này đã công khai và thành thực tuyên bố: “Tôi không thừa nhận Chính quyền Xô-viết”.
Tôi không nói tới việc có hàng triệu người đang sống tại Nga không thừa nhận quyền lực của các vị dân ủy và vì thế không tài nào mà giết hết được; song tôi thấy cần phải nhắc để những thẩm phán khắc nghiệt nhưng thiếu lí trí kia nhớ đến một điều: chàng thanh niên bị họ tròng vào cổ bản án tàn nhẫn và phi lí đó từ đâu mà ra.



Chàng trai đó là máu thịt của chính những con người cương trực và can trường suốt mấy chục năm trời trong một môi trường đầy phản trắc, mật thám và cảnh sát vây bủa đã bền bỉ góp phần phá tan cái nhà tù nghẹt thở của chế độ quân chủ Sa hoàng, bằng cách đặt cược cả tự do và tính mạng mình để truyền bá những ý tưởng về tự do, luật pháp và chủ nghĩa xã hội trong quần chúng công nông thất học. Chàng trai đó là hậu duệ tinh thần của những con người nếu bị bắt và rục xương trong tù thì đầy khinh bỉ cự tuyệt kẻ thù đang đắc thắng và không thèm nghe cảnh sát hỏi cung.
Chàng trai đó được nuôi dưỡng bằng tấm gương vĩ đại của những người Nga kiệt xuất nhất, những người đã bỏ xác ở chốn lưu đày, trong các nhà tù và trại cải tạo, hàng trăm và hàng nghìn người, và xương cốt của họ là nền móng cho chúng ta hôm nay dựng xây một nước Nga mới.
Chàng trai đó là một tâm hồn lãng mạn, một con người sống vì lí tưởng, ghê tởm tột độ nền “chính trị thực tế” của bạo lực và lừa gạt, nền chính trị của những kẻ cuồng tín giáo điều. Mà chính những kẻ này cũng phải thừa nhận rằng xung quanh họ rặt một lũ lang băm và lừa đảo.
Trong những điều kiện bỉ ổi của cuộc sống ở Nga, phải bỏ ra một công sức phi thường và mất gần một thế kỉ nỗ lực mới có thể nuôi dưỡng nên một thanh niên tử tế và dũng cảm. Vậy mà bây giờ, những kẻ đang thụ hưởng thành quả của công sức ấy lại không hiểu ra rằng một kẻ thù ngay thẳng tốt hơn một người bạn lèo lá, và họ kết án chàng thanh niên đó, vì anh, theo lẽ đương nhiên, không chịu thừa nhận một chính thể đàn áp tự do. Có một truyện ngụ ngôn rất thông minh về một con lợn và một cây sồi cổ thụ[1] – hi vọng những thẩm phán thông thái kia có dịp đọc. Họ rất nên rút ra bài học từ đó.
Nguồn: Новая Жизнь (Đời sống mới) số 82 (297) ngày 3-5-1918. Dịch từ bản tiếng Đức: Maxim Gorkij: Unzeitgemäße Gedanken über Kultur und Revolution. Suhrkamp 1974. Tr. 180-181. Nhan đề do người dịch đặt.
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra

[1] Đó là ngụ ngôn “Con lợn và cây sồi” của nhà văn Nga Ivan Krylov (1769-1844): Một con lợn chén kễnh bụng những quả sồi non, lăn ra ngủ dưới gốc sồi râm mát rồi duỗi cẳng bới tứ tung, bật cả rễ sồi.


Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Yoani Sanchez - Tại sao chúng tôi xấu hổ vì hộ chiếu Cuba?




Phạm Nguyên Trường dịch



Cuốn sổ hộ chiếu có 32 trang, bìa màu xanh và có dấu quốc huy. Hộ chiếu Cu Ba làm người ta dễ liên tưởng tới cái thẻ ra vào chứ không phải là chứng minh thư. Nó tạo điều kiện cho chúng tôi rời khỏi hòn đảo, nhưng có nó không có nghĩa là chúng tôi chắc chắn sẽ được ngồi lên máy bay.



Chúng tôi sống trong đất nước duy nhất trên thế giới mà để được nhận cuốn sổ nói trên chúng tôi phải thanh toán không phải bằng loại tiền mà người ta trả cho chúng tôi trong ngày phát lương. Giá của nó là “55 đồng Peso chuyển đổi được”: đối với người công nhân bình thường thì đấy là khoảng ba tháng lương. Mặc dù việc sở hữu cuốn sổ đó là quyền không thể tương nhượng của mỗi người dân sinh ra trên đất nước này, nhưng nó lại là đặc quyền của những người có đồng tiền mạnh. Đồng tiền này phải kiếm bằng cách khác chứ không phải như chính quyền vẫn hứa.




1970-1980: sự bất động của nhân dân Cu Ba



Dù sao mặc lòng, đầu thế kỷ XXI, một người Cu Ba có hộ chiếu đã là hiện tượng có thực, trong khi trong những năm 1970 và 1980 đây là sự kiện cực kỳ hiếm. Thời đó chỉ có một số ít quan chức là có thể có quyền ngồi vào máy bay và bay sang sân bay nước khác mà thôi. Chúng tôi trở thành dân tộc bất động, còn những người hiếm hoi kia, tức là những người có dịp đi ra nước ngoài, thì hoặc đấy là những chuyến công tác hoặc là vĩnh viễn bỏ nước ra đi. Đi ra khỏi biên giới là phần thưởng cho những kẻ đã leo lên được những nấc thang của quyền lực, còn đối với đa số những người “không đáng tin” thì rời bỏ hòn đảo chỉ là giấc mơ.



Những năm 1990: mở cửa cho khách du lịch



May là trong những năm 1990 tình hình đã bắt đầu thay đổi. Có thể làn sóng khách du lịch đã làm cho chúng tôi quan tâm tới thế giới bên ngoài, còn sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa thì cho chính phủ thấy rằng họ không thể cứ dùng mãi những “chuyến đi mang tính động viên” chỉ dành cho những người trung thành được nữa. Cái chính là trong những năm đó đã hình thành cơ chế đi ra khỏi hòn đảo. Cơ hội tiếp cận với đồng tiền chuyển đổi được (tiền do mình kiếm được một cách hợp pháp hay bất hợp pháp) cũng góp phần tạo điều kiện cho chúng tôi tìm ra những chân trời mới. Nhưng đa phần là nhờ họ hàng và bạn bè ở nước ngoài, đấy là những người gánh vác phần lớn chi phí cho chuyến đi.



Hiện nay chính phủ vẫn hạn chế nghiêm ngặt việc đi ra nước ngoài



Bây giờ không chỉ những người được lựa chọn mới có quyền đi du lịch, nhưng chính phủ vẫn nắm trong tay bộ lọc tư tưởng nhằm không cho những người phê phán họ được hưởng món quá quý giá đó. Hiện nay chính quyền vẫn hạn chế việc xuất nhập cảnh. Chúng tôi, tức là những người hiện ở trong nước không được đi vì không có “giấy phép xuất cảnh”. Mà giấy này lại được cấp theo các tiêu chuẩn chính trị. Ngoài ra, muốn trở về quê hương, kiều bào ở nước ngoài cũng phải trải qua những thủ tục như du khách vậy.



Quyết định cuối cùng (cả xuất lẫn nhập) là của cơ quan quân sự, họ có quyền từ chối mà không cần giải thích lý do. Như vậy nghĩa là trong những văn phòng, nơi người ta xin giấy phép xuất cảnh và lãnh sự, nơi người ta xin nhập cảnh, luôn luôn diễn ra những bi kịch của con người, còn những quyết định tùy tiện thì đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Những người lên tiếng phê phán, thuộc nhóm đối lập hay làm báo tự do, hiếm khi được phép xuất cảnh.



Các nhân viên y tế cũng bị kiểm soát rất ngặt nghèo, phải được phép của bộ chủ quản thì họ mới được phép xuất cảnh. Hoàn cảnh của những kiều bào này đúng là một bi kịch, sau khi ở nước ngoài một thời gian, họ không được về thăm gia đình hay con cái. Một số người phải chết nơi đất khách quê người mà không có cơ hội trở về hôn người mẹ già hay nhìn lại ngôi nhà xưa.



Cuốn hộ chiếu mà chúng tôi xấu hổ



Đảng cầm quyền và hệ tư tưởng tự giành lấy quyền quản lý dòng người ra vào như thể hòn đảo của chúng tôi không phải là ngôi nhà, không phải là Tổ quốc mà là nhà tù, trại giam hay chiến hào vậy. Những người may mắn, tức là những người được cho đi, bước vào giai đoạn thử thách đầy đau khổ. Họ phải ra sân bay và trình cái hộ chiếu đó, nhiều người nhìn nó với ánh mắt ngờ vực. Tháng nào cũng có nhiều người Cu Ba chạy trốn khắp thế giới, điều này có nghĩa là chúng tôi luôn luôn nằm trong danh sách những kẻ đáng ngờ mỗi khi nói đến chuyện cấp thị thực. Như vậy nghĩa là ngay khi những người đồng bào của chúng tôi định cư ở nước ngoài là họ thở phào vì có quyền sử dụng một chứng minh thư khác hẳn.



Một cuốn sổ với mấy trang giấy với cái bìa bằng da và quốc huy của nước khác có thể thay đổi mọi sự. Còn cuốn sổ màu xanh, chứng thực rằng chúng tôi sinh ra ở Cu Ba, thì được dấu kỹ trong ngăn kéo. Trong khi chờ đợi cái ngày mà nó sẽ trở thành niềm tự hào chứ không phải là sự xấu hổ.





Dịch từ tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20120828/197354486.html#ixzz24n0KTZgT

Peter J. Hill - Thị trường và đức hạnh



Nếu chỉ nói về khả năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thì đa số người đều đồng ý rằng chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn thắng lợi khi so sánh với những hệ thống kinh tế khác, thí dụ như chủ nghĩa xã hội. Ngay cả như thế thì nhiều người phê phán sở hữu tư nhân và thị trường cũng muốn có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn hay ít nhất cũng là giao vào tay chính phủ nhiều quyền lực hơn. Họ biện luận rằng mặc dù chủ nghĩa tư bản hoàn thành sứ mệnh theo nghĩa vật chất, nhưng không hoàn thành sứ mệnh theo nghĩa đạo đức. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa tư bản không đáp ứng được một số tiêu chuẩn về sự công bằng.


Tiểu luận này thách thức quan điểm như thế bằng cách khảo sát một số lĩnh vực, nơi mà đức hạnh nghiêng về phía thị trường. Điều đó không có nghĩa là xã hội dựa trên thị trường tự do là xã hội đức hạnh, trong thị trường tự do người ta có thể hành động phù hợp với đạo đức hoặc phi đạo đức, như trong các hệ thống khác mà thôi. Nhưng chủ nghĩa tư bản có một số sức mạnh đạo đức mà những hệ thống kinh tế khác không có.

Mặc dù “thị trường” thường được coi là đối chọi với kế hoạch hóa tập trung hay quyền sở hữu của nhà nước đối với tư liệu sản xuất nhưng nó không phải là trật tự mang tính định chế như là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta gọi xã hội dựa trên quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là chủ nghĩa tư bản hay thị trường tự do. Các cá nhân có thể sở hữu, mua hoặc bán sở hữu (kể cả sức lao động của họ), đấy là nói nếu họ không gian lận và họ có thể làm với tài sản của mình tất cả những gì họ muốn miễn là không phương hại tới những người khác. Các cá nhân có thể trao đổi tài sản của mình với người khác, và bằng cách đó tạo ra thị trường. Quá trình trao đổi không phụ thuộc vào ai và chỉ cần một hệ thống sở hữu tư nhân rõ ràng và được tôn trọng là nó có thể tồn tại được rồi.

Đặc trưng cố hữu trong chủ nghĩa tư bản là khả năng: bảo đảm cho người ta quyền tự do lựa chọn, thúc đẩy sự hợp tác, bảo đảm trách nhiệm, tạo ra tài sản cho số đông dân chúng và hạn chế việc sử dụng bạo lực một cách quá đáng.

Quyền tự do lựa chọn

Hệ thống thị trường quan tâm rất ít tới biện pháp lí tưởng trong việc tổ chức đời sống kinh tế. Các xã hội khác có thể ra lệnh cho người ta thành lập hợp tác xã hay công xã hoặc nghề thủ công hay có thể cấm đoán những việc như thế. Nhưng hệ thống tài sản tư nhân đưa ra một loạt hình thức tổ chức khả dĩ; nếu người ta muốn hợp tác xã thì họ có thể sử dụng hình thức này; nhưng người ta cũng có thể áp dụng những hình thức tổ chức sản xuất khác, nếu muốn. Và trên thực tế, những người không muốn thị trường hoặc muốn thiết kế những định chế khác cũng hoàn toàn được tự do làm như thế.

Trong suốt chiều dài của lịch sử đã từng có những nhóm người lựa chọn cách thức hợp tác bên ngoài thị trường. Một trong những nhóm như thế là người Hutterite, họ sống trong khu vực Bình Nguyên Lớn phía Bắc của Mĩ và Canada. Họ không phải là những người theo chủ nghĩa tư bản. Trừ những vật dụng tối cần thiết đối với cá nhân, tất cả tài sản trong khu vực của người Hutterite đều là tài sản chung. Tất cả thu nhập đều được đem chia đều cho những người sống trong khu vực, lao động không được trả lương.

Người Hutterite có thể thành lập các khu vực định cư của mình mà không cần bất cứ người nào trong xã hội cho phép. Không có ủy ban, không có các cơ quan nào của chính phủ hay một nhóm những công dân có thiện ý nào phải họp lại và quyết định xem cách sống của người Hutterite có phù hợp hay không. Tự do lựa chọn phương án như thế là đặc trưng của xã hội thị trường tự do.

Ngược lại, xã hội kế hoạch hóa tập trung không bảo đảm quyền tự do cho những người muốn tham gia buôn bán trên thương trường. Xã hội này ngăn chặn buôn bán để phục vụ cho những mục tiêu khác và không nghi ngờ gì rằng nó sẽ ngăn chặn những nhóm người tương tự như người Hutterite, nếu những nhà cầm quyền không thích hình thức tổ chức của người Hutterite.

Hợp tác thay vì xung đột

Hệ thống thị trường tự do, tài sản tư nhân thường được gán cho là hệ thống cạnh tranh. Nhưng một trong những ưu điểm chủ yếu của hệ thống thị trường là nó thúc đẩy hợp tác chứ không chỉ là cạnh tranh. Cạnh tranh quả thật có tồn tại trong xã hội dựa vào thị trường, nhưng khi có sự khan hiềm thì cạnh tranh sẽ thịnh hành, xã hội nào cũng vậy cả.  

Trên thương trường, người giành được chiến thắng là người hợp tác với những người khác trong xã hội hay là làm cho những người khác được thỏa mãn. Muốn thành công trong hệ thống sở hữu tư nhân thì các cá nhân phải đưa ra “thương vụ tốt hơn” những người cạnh tranh với họ. Họ không thể ép người khác mua sản phẩm hay dịch vụ của mình. Họ phải hướng sức sáng tạo và năng lực của mình nhằm tìm ra cách thức nhằm làm cho những người khác được thỏa mãn.  Người thành công trên thương trường là người làm điều đó một cách tốt nhất. Như vậy là, những người tham gia vào nền kinh tế thị trường – cả người mua lẫn người bán – đều liên tục tìm lĩnh vực mà họ có thể thỏa thuận, có thể làm ăn với nhau chứ không phải là tập trung chú ý vào những lĩnh vực có thể gây bất hòa, chẳng mang lại lợi ích gì cho ai.

Ngược lại, trong chế độ tập thể, càng hung hăng và càng không khoan nhượng thì càng dễ được tưởng thưởng. Với cách ra quyết định tập thể, những người có vị thế chính trị vững chắc sẽ chẳng cần phải tìm sự đồng thuận; nói chung, họ có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn bằng cách làm mất thể diện phe đối lập khi những người này tìm cách biện hộ cho quan điểm của mình, thỏa hiệp chỉ có thể xảy ra khi đối phương cũng mạnh mà thôi.

Thí dụ điển hình của sự bất hòa do quyết định tập thể gây ra là cuộc tranh luận về việc giảng dạy về nguồn gốc của loài người. Ban giám hiệu nhà trường – đấy là nói những ban giám hiệu phải đưa ra quyết định tập thể - nói chung phải quyết định dạy hoặc là con người là do Chúa sáng tạo ra hoặc là do tiến hóa mà thành. Những quyết định như thế bao giờ cũng chứa đầy xung đột. Những người không đồng ý với quyết định của ban giám hiệu thường viết thư đến báo chí, vận động hành lang, thuê luật sư, và nói chung là rất phiền phức. Đấy là điều hầu như không thể tránh được khi dính dáng đến những vấn đề nhạy cảm như thế vì mọi quyết định mang tính tập thể, kể cả những vấn đề được đa số quyết định bằng cách bỏ phiếu, cũng có vẻ như đi ngược lại ước muốn của thiểu số. Như vậy là, những người ra quyết định đã rơi vào tình trạng không thể thắng được. Nếu ban giám hiệu cho phép dạy theo thuyết sáng tạo luận thì những người theo thuyết tiến hóa sẽ nổi giận. Nếu họ dạy theo thuyết tiến hóa thì những người theo thuyết sáng tạo luận cũng sẽ giận dữ y như thế.

Ngược lại, xin xem xét quyết định trở thành người ăn chay hay ăn mặn. Ở đây cũng có những người cảm thấy giận dữ khi bị cản trở trong vấn đề này y hệt những người bị cuốn hút vào cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người vậy. Tuy nhiên, khó có khả năng là quyết định về khẩu phần ăn có thể tạo ra một cuộc tranh cãi công khai. Khẩu phần ăn không được quyết định bởi quá trình ra quyết định tập thể cho nên người ta có thể giải quyết với nhau một cách hòa bình hơn. Người tin rằng không ăn thịt thì có lợi hơn về mặt sức khỏe hoặc đúng hơn về mặt đạo đức có thể ăn như thế mà không cần tranh luận với những người ăn mặn. Còn những người ủng hộ cho việc ăn mặn cũng có thể tìm được các nhà sản xuất hay cửa hàng sẵn sàng đáp ứng mong muốn của họ. Trên thực tế, người ăn chay và ăn mặn có thể mua ở cùng một cửa hàng, có thể đẩy xe hàng của mình đi ngang qua nhau mà không hề có xung đột nào. Chính vì không cần quyết định tập thể cho nên sự gần gũi hòa bình như thế mới có thể xảy ra được.

Sự hài hòa xã hội do thị trường đem lại phải là mối bận tâm của những người lo lắng đến những vấn đề đạo đức. Những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, giá trị khác nhau và thế giới quan khác nhau có thể sống cùng nhau mà không hề thù oán nhau trong hệ thống thị trường và sở hữu tư nhân. Hệ thống thị trường chỉ đòi hỏi một sự đồng thuận tối thiểu về mục đích của cá nhân hay nhà-nước-xã-hội mà thôi.

Ngược lại, các chế độ khác có xu hướng ngả về những mục tiêu được quyết định từ bên trên. Mỗi chế độ như thế đều đòi hỏi phải có nhiều sự đồng thuận hơn về những điều được coi là “tốt” đối với xã hội. Hệ thống kế hoạch hóa tập trung, không dựa vào sự trao đổi tự nguyện lao động để lấy tiền lương, phải bắt các cá nhân làm việc hoặc thực hiện những mục tiêu cụ thể nào đó, những mục tiêu này có thể không phải là mục tiêu mà người lao động hay người tiêu dùng lựa chọn nếu họ được tự do. Thí dụ, ở Liên Xô người dân hầu như không có quyền tự do lựa chọn nơi làm việc và một khi đã được phân công một công việc nào đó thì rất khó chuyển đến vị trí làm việc khác.

Một nguyên nhân nữa làm cho hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư nhân thúc đẩy sự hài hòa xã hội là nó buộc người ta phải có trách nhiệm với những gì mình làm cho người khác. Trong chế độ sở hữu tư nhân, làm người khác bị thương hoặc làm hỏng tài sản của người khác thì phải bồi thường, tòa án buộc người ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Nhận thức rằng làm hỏng thì phải bồi thường làm cho người ta phải thận trọng và có trách nhiệm. Khi người ta đã nhận thức được trách nhiệm của mình thì con người có quyền tự do.

Ngược lại, hệ thống kế hoạch hóa tập trung làm cho người ta thiếu trách nhiệm hơn rất nhiều. Mặc dù về mặt lí thuyết thì chính phủ có trách nhiệm bảo đảm quyền của nhân dân, nhưng quyền trong hệ thống như thế được xác định một cách mù mờ và chính phủ có thể và quả thật đã đáp ứng nguyện vọng của những kẻ có quyền lực, nhưng lại ít quan tâm tới quyền và ước muốn của những người không có quyền lực. Ngay cả trong các chế độ dân chủ, nếu chính phủ có quyền giành ưu tiên cho những nhóm người nào đó thì những nhóm có nhiều quyền lực sẽ lợi dụng chính phủ để giành lấy những thứ họ muốn. Mà những thứ họ giành được có thể rất có giá trị đối với những người bị tước đoạt.

Thế giới quan tổng bằng không và thế giới quan tổng là một số dương

Những lời chỉ trích sở hữu tư nhân thường xoay quanh việc phân phối thu nhập. Những người có thiện chí thường nghĩ rằng thật là không công bằng khi một số người sống xa hoa trong khi một số khác lại sống trong cảnh bần hàn. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng về mặt đạo đức, những người sống sung túc phải chia sẻ với những người nghèo túng hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ là tổ chức phù hợp với công việc tái phân phối như thế.  

Nhiều người bất bình với địa vị của người giàu vì họ đã hiểu lầm về nguồn gốc của tài sản. Họ tin rằng những người sống xa hoa là những kẻ bóc lột những người sống trong cảnh bần hàn. Nói chung đấy là quan niệm sai lầm.

Thế giới không phải là tổng bằng không. Nghĩa là tài sản trên thế giới là không giới hạn cho nên nó phải được chia cho mọi người, một số người được nhiều hơn còn một số khác thì được ít hơn.  Có thể kiếm được tài sản bằng cách lấy của người khác, nhưng người ta cũng có thể tạo được tài sản bằng hành động với động cơ đúng đắn của mình. Khi làm như thế thì tài sản chính là sự gia tăng phúc lợi cho xã hội. Sự gia tăng đáng kể tài sản tính trên đầu người kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp trước hết là do tài sản được tạo ra chứ không phải là lấy của người khác.

Khi các quyền sở hữu được xác định một cách rạch ròi và được bảo hộ thì chỉ các giao dịch mà người dân tham gia vào mới có “tổng dương” hay có thể gọi là những giao dịch tạo-ra-tài-sản, điều đó xảy ra là vì tất cả các bên tham gia giao dịch đều tin rằng kết quả là họ đã cải thiện được hoàn cảnh sống của mình. Trong xã hội, nơi mà người dân được bảo đảm quyền sở hữu tài sản của mình thì họ sẽ chỉ trao đổi tài sản trên cơ sở tự nguyện và họ sẽ chỉ làm như thế khi nhìn thấy khả năng cải thiện được hoàn cảnh của mình mà thôi. Những người giao dịch với họ cũng làm đúng như thế - họ cũng chỉ tham gia giao dịch khi nghĩ rằng kết quả là họ sẽ cải thiện được hoàn cảnh sống của mình.

Thế giới có tổng bằng không, nơi người chỉ có thể tích tụ được tài sản bằng cách lấy bớt tài sản của người khác, chỉ có thể xảy ra khi không có quyền sở hữu. Trong thế giới như thế người dân – hoặc là trở thành kẻ cắp và kẻ cướp hoặc là lợi dụng quyền lực của chính phủ - mới có thể nắm được quyền quản lí các nguồn lực mà không có quyền của người chủ các nguồn lực đó.
  
Một số nhà phê bình biện luận rằng nhiều vụ giao dịch trên thương trường không phải là tự nguyện, một số người, do hoàn cảnh bắt buộc mà phải tham gia vào những giao dịch mà họ không muốn. Thí dụ, họ biện luận rằng người sử dụng lao động bóc lột người lao động bằng cách trả cho họ mức lương thấp nhất có thể được. Nhưng trong xã hội mà người dân hành động một cách tự nguyện, không bị ai ép buộc, thì việc chấp nhận mức lương như thế có nghĩa là không còn ai trả cao hơn nữa. Trên thực tế, người sử dụng lao động là người mở rộng cơ hội cho những người kém may mắn. Thí dụ, luật qui định mức lương tối thiểu là 4 USD, trên thực tế đã làm giảm cơ hội của những người với sức lao động chỉ đáng 2 USD mà thôi.

Chính phủ chỉ có một cách – ngược lại với khu vực tư nhân, tức là khu vục hành động thông qua đóng góp một cách tự nguyện – giúp đỡ những người này bằng cách cho họ tài sản đã tước đoạt của những người khác. Nhưng sự kiện là tài sản thường được chính những chủ sở hữu tạo ra đã làm giảm đáng kể giá trị đạo đức của việc tái phân phối như thế. Một người mà bằng những cố gắng mang tính sáng tạo của mình đã làm gia tăng số tài sản của mình mà không làm suy giảm hạnh phúc của người khác dường như có đủ lí do về mặt đạo đức trong việc sở hữu số tài sản đó.

Hơn nữa, trong hệ thống sở hữu tư nhân dựa trên thị trường, tài sản của một người tăng lên chứng tỏ rằng người đó đã làm cho tài sản của những người khác tăng lên. Trong hệ thống thị trường cách duy nhất để trở thành giàu là làm cho người khác hài lòng, muốn trở thành rất giàu thì phải làm cho đám đông hài lòng. Henry Ford đã cung cấp cho quần chúng những chiếc ô tô do ông sản xuất, đáp ứng yêu cầu đi lại với giá tương đối rẻ và ông trở thành một người cực kì giàu có. Ngược lại, Henry Royce chỉ phục vụ những người có thu nhập cao bằng cách sản xuất những chiếc ô tô đắt tiền và ông không giàu bằng Henry Ford. Trừng phạt những người có hành động tương tự như Henry Ford bằng cách tước đoạt phần lớn thu nhập của người ta là vô lí.

Đáng tiếc là quan niệm sai lầm cho rằng thế giới có tổng bằng không lại là quan niệm rất thịnh hành. Nhiều người tham gia vào những cuộc thảo luận về tình trạng nghèo đói trong Thế giới thứ III tin rằng nếu các nước giàu không giàu đến như thế thì các nước nghèo sẽ giàu hơn. Mặc dù chắc chắn là một số người có tài sản là do đã cướp đoạt của một số người khác, nhưng đây không phải là hiện tượng thường gặp.  Còn nếu có những trường hợp cướp đoạt như thế thì giải pháp phải là chuyển sang chế độ thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người dân.

Nực cười là quan niệm cho rằng thế giới có tổng bằng không lại thường làm cho điều kiện sống ngày càng xấu đi.  Những người đề xướng quan niệm tổng bằng không thường ủng hộ việc tái phân bố các quyền trên diện rộng. Việc tái phân bố như thế thường khuyến khích, thực ra là đòi hỏi, tất cả mọi người cùng tham gia vào cuộc xung đột. Chiến tranh là tốn kém, dù nó có xảy ra trên chiến trường hay trong phòng họp quốc hội thì cũng vậy mà thôi. Khi chính phủ có thể phân phát đặc quyền đặc lợi thì nhiều công dân sẽ cạnh tranh với nhau để giành những đặc quyền đặc lợi đó, trong khi những người khác lại kiên trì vận động nhằm giữ cho bằng được tài sản của mình. Thường thì kết quả chung cuộc là sau khi tái phân phối, tài sản sẽ còn ít hơn là trước khi tái phân phối.

Quyền lực

Những điều bất công nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người đã xảy ra khi một số người có quá nhiều quyền lực đối với những người khác. Đôi khi đấy là quyền lực kinh tế, lúc khác có thể là quyền lực chính trị, nhưng dù thế nào thì khả năng kiểm soát sự lựa chọn của người khác cũng gây ra nhiều đau khổ. Những định chế nào có thể phân chia quyền lực một cách hữu hiệu nhất và ngăn chặn được một số người, không để họ có quyền lực một cách quá đáng đối với cuộc sống của những người khác?

Chỉ có thể trả lời được câu hỏi này sau khi hiểu cách thức hoạt động của thế giới. Dù các định chế có như thế nào đi nữa thì một số ngưới cũng có nhiều quyền lực hơn một số người khác. Vấn đề không phải là bộ luật nào có thể giữ không cho một số người có bất kì sự kiểm soát nào đối với những người khác mà là những định chế nào có thể ngăn chăn một cách hữu hiệu nhất việc tích tụ quyền lực.

Lịch sử đầy những thí dụ về việc lạm dụng sức mạnh cưỡng chế nằm trong tay nhà nước. Vì vậy mà ta phải thận trọng trước những định chế tạo ra sự tập trung quá nhiều quyền lực vào tay nhà nước, ngay cả khi mục tiêu rõ ràng là uốn nắn lại những sự bất công trong nền kinh tế tư nhân. Những xã hội không có quyền tư hữu thường tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một ít người và quyền lực này thường bị lạm dụng một cách quá đáng.

Đấy là lí do để ta phải tạo ra trật tự pháp lí trong đó nhà nước buộc người ta phải tôn trọng những điều luật được xác định một cách rõ ràng nhằm nhằm ngăn chặn không chỉ một số người, không cho họ ép buộc người khác phải hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ, nhưng đấy còn là trật tự mà nhà nước cũng bị giới hạn, theo nghĩa là những hi sinh mà nó có thể áp đặt lên các cá nhân. Xã hội, trong đó chính phủ không chỉ có trách nhiệm xác định và thực thi quyền sở hữu mà vai trò của nó còn bị giới hạn bởi chính hiến pháp, là sự kết hợp có thể tồn tại một cách lâu dài. Hệ thống như thế sẽ phân chia quyền lực và ngăn chặn, không để một số người buộc người khác phải hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ.

Kết luận

Có nhiều lí do để lựa chọn hệ thống sở hữu tư nhân và thị trường. Hệ thống có nhiều đức hạnh hơn là hệ thống có thể buộc người ta phải chịu trách nhiệm trước các hành vi của mình và khuyến khích người ta giúp đỡ kẻ khác chứ không phải là cho phép người ta buộc người khác hi sinh mà không có sự chấp thuận của họ.

Đây không phải là khẳng định rằng hệ thống thị trường có thể thay thế cho xã hội trong đó người dân hành động trên cơ sở đức hạnh. Đức hạnh của cá nhân chắc chắn sẽ góp phần củng cố chủ nghĩa tư bản cũng như củng cố bất cứ hệ thống nào khác. Dù với thể chế nào thì tính trung thực, từ tâm và sự đồng cảm giữa người với người cũng làm cho thế giới của chúng ta trở thành dễ sống hơn. Chủ nghĩa tư bản không thù địch với những đức tính đó. Khi những hệ thống kinh tế khác được mang ra đánh giá trong khuôn khổ đức hạnh thì sẽ xuất hiện những lí lẽ vững chắc ủng hộ cho quyền tư hữu và thị trường. Thương trường và đức hạnh có thể được coi là những tác nhân bổ xung cho nhau trong việc giữ gìn xã hội công bằng.

Peter J. Hill là giáo sư kinh tế tại Wheaton College (Illinois) và cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế chính trị học (PERC) ở Bozeman, Montana.

Nguồn: http://www.thefreemanonline.org/columns/markets-and-morality/