Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài đã được thành lập. Chủ tịch Tập đoàn Technocom (Ukraina) Phạm Nhật Vương cho rằng biết đoàn kết lại, doanh nhân Việt kiều có thể hỗ trợ nhau trong phát triển kinh doanh, bảo vệ cộng đồng trong giao thương kinh tế.
Và điều này đã được nhiều doanh nhân Việt kiều đồng tình. Theo Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary Lê Thanh Bình, với gần 800 nghìn người, cộng đồng người Việt tại Châu Âu sở hữu khoảng 3,6 tỷ USD và là một đối tác kinh tế lớn của nhiều nhà cung cấp như ô tô, xăng dầu, dịch vụ điện thoại, ngân hàng, bảo hiểm…
Sau khi liên minh lại để đàm phán với các nhà cung cấp, giá nhiều loại dịch vụ đã giảm đáng kể, ví dụ cước điện thoại giảm 40% cả nội mạng và quốc tế; giá ô tô giảm 19%; giảm đáng kể một số dịch vụ ngân hàng, lãi suất vay; giảm 30% chi phí nhiều loại hình bảo hiểm…
Sự đoàn kết và hợp tác của các cộng đồng Việt kiều đang ngày càng lan rộng. Trên cơ sở kinh nghiệm của Hungary, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Csech cũng đã đàm phán thành công với VODAFONE để giảm phí dịch vụ di động 25%; giảm đáng kể cước vận chuyển với VN-EUROPA…
Rất nhiều các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước Châu Âu khác như tại Balan, Slovakia… cũng đang đàm phán để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mình và cả cộng đồng.
Hình ảnh các doanh nhân Việt Nam cũng đang lớn dần trong mắt các bạn bè quốc tế. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài đã và đang xây dựng được vị thế đáng kế tại các nước sở tại nơi họ sinh sống và kinh doanh. Đã có những doanh nghiệp quy mô vốn lên đến hàng tỷ USD, chiếm thị phần chi phối một số ngành, lĩnh vực…
“Cộng đồng hơn 4 triệu người Việt Nam tại nước ngoài luôn hướng về đất nước”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết. Theo ông Sơn, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt kiều đã đầu tư về hơn 2 tỷ USD với khoảng 3.000 dự án. Trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động, nhưng năm 2008, lượng kiều hối chuyển về nước vẫn đạt trên 7 tỷ USD…
Theo Thứ trưởng, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của các doanh nhân Việt kiều đóng góp cho nền kinh tế trong nước. Những chính sách cho phép có hai quốc tịch, cho phép sở hữu nhà tại Việt Nam… là bằng chứng về việc Chính phủ khuyến khích doanh nhân Việt kiều có đóng góp nhiều hơn với đất nước.
Một lần nữa, thể hiện quan điểm về vấn đề này, Chính phủ đã cho phép thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài.
Tân Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Phạm Nhật Vượng cho biết, với việc hình thành một tổ chức của cộng đồng doanh nhân Việt kiều, Hiệp hội sẽ có điều kiện gắn kết hơn nữa hội viên với nền kinh tế trong nước, gắn kết Việt Nam với thị trường mở toàn cầu và nâng tầm thương hiệu Việt Nam với thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét