- Trước thềm Đại hội đầu tiên của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khai mạc ngày mai (10/8) tại Hà Nội, nhiều doanh nhân Việt kiều chia sẻ, bên cạnh niềm vui vẫn còn không ít tâm tư, thậm chí cả băn khoăn về hiệu quả của “nơi đoàn tụ” chính thức này.
Việt kiều còn nhiều cái ngại
Dưới con mắt doanh nhân, ông Calvin P.Tran - nguyên Hiệu trưởng Silicon Technology College tại Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP IMPACT tại Việt Nam đánh giá cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Calvin P.Tran: Hiệp hội cần cần đặt mình vào vị trí của hội viên.
Theo ông, “với tình hình kinh tế đang trì trệ trên toàn cầu, hiện tại Việt Nam là cơ hội rất tốt cho mọi người đầu tư. Nhất là những người Việt ở nước ngoài”.
Ông Phan Kế Đạt - Tổng Giám đốc Công ty DP Ventilation tại Đan Mạch cũng cho biết dù đầu tư về nước là “quyền lợi và trách nhiệm của mọi người Việt Nam ở xa Tổ quốc” nhưng nhiều bà con Việt kiều chưa hết ngần ngại.
Sự ngần ngại này rất “đặc trưng Việt kiều” mà theo ông Hoàng Văn Khẩn, thành viên BCH Hội DNVN tại Thụy Sỹ là “Việt kiều vẫn còn nhiều cái ngại, cái sợ khác với một người ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam”.
Một phần là bởi bà con xa xứ chưa hiểu hết được luật pháp đầu tư tại Việt Nam nhưng cũng có phần do bà con chưa thực sự thỏa mãn với những chính sách của Nhà nước.
Cụ thể hơn, ông Khẩn cho biết “sở dĩ chính sách đầu tư đối với Việt kiều có lẽ chưa thỏa mãn đại đa số vì chưa đánh giá đúng thực tế của đối tượng Việt kiều”.
Lý do ông đưa ra là, đại đa số Việt kiều là những người "ít tài chính nhưng nhiều năng khiếu" nhưng “Nhà nước còn thiếu chủ động, chọn lựa” nên chưa khai thác được hết “nguồn tài nguyên con người” này.
Chính vì thế, việc ra đời một hiệp hội dành riêng cho những doanh nhân Việt xa xứ rất được bà con kỳ vọng sẽ là một “tiếng nói chung” tháo gỡ mọi “cái ngại, cái sợ” vẫn còn đâu đó.
Nhận xét về sự kiện này, ông Calvin P.Tran bộc bạch “đúng ra thì hiệp hội này nên có sớm hơn nữa, nhưng dù sao muộn vẫn còn hơn không”.
Nhấn mạnh khía cạnh “danh chính”, ông Phan Kế Đạt cho rằng Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài sẽ là cầu nối tư vấn cho bà con mạnh dạn về nước đầu tư, đồng thời là một kênh hiệu quả để “đối thoại” với chính quyền khi có khúc mắc trong quá trình kinh doanh.
1 - 2 đại diện mỗi nước có đông người Việt
Sau khi đọc kỹ bản Điều lệ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và Phương hướng hoạt động HHDN do trưởng ban vận động đưa ra cũng như báo cáo về "Kết quả cuộc họp ngày 16 tháng 6 năm 2009”, ông Calvin P.Tran đặt khá nhiều kỳ vọng Hiệp hội.
Tuy nhiên, từ góc độ là người trong cuộc, ông vẫn còn không ít tâm tư.
“Liệu người lãnh đạo của Hiệp hội có đi đúng đường hướng đã được vạch ra hay không khi mà thành phần trong ban tổ chức, ban điều hành, đa phần là người trong nước, chỉ có vài người là doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài?”, ông Calvin P.Tran băn khoăn.
Ông Phan Kế Đạt cũng cho rằng để Hiệp hội thực sự là nơi “đoàn tụ của các doanh nhân Việt kiều”, cần có chủ trương và mục đích hoạt động rõ ràng, quy tụ được những doanh nhân tâm huyết lãnh đạo.
Cụ thể hơn, ông Hoàng Công Khẩn khẳng định, bà con Việt kiều mong muốn, Hiệp hội phải có được hướng hoạt động phù hợp với sự chờ đợi của hội viên, thí dụ tăng được số lượng và chất lượng hợp đồng, tăng được số lượng giao thương giữa VN và nước đối tác.
Hay nói như ông Calvin P.Tran, “Hiệp hội cần biết làm những gì mà hội viên đang cần, cũng như mang lại lợi ích cho họ. Đơn giản, chỉ cần đặt mình vào vị trí của hội viên thì hội viên sẽ ở lại với Hiệp hội lâu dài”.
Thực tế, mong muốn của những Việt kiều như ông Calvin P. Tran, ông Khản, ông Đạt… không dễ được thực hiện, với một hiệp hội có địa bàn hoạt động trên toàn thế giới. Thành viên của Hiệp hội cũng đa dạng với rất nhiều khác biệt về văn hóa kinh doanh lẫn các điều kiện khách quan khác.
Do vậy, ông Calvin P.Tran đề xuất, cấp lãnh đạo Hiệp hội cần có tối thiểu " từ một đến hai doanh nhân đại diện cho mỗi nước có đông người Việt đang sinh sống. Riêng ở Mỹ thì mỗi bang như California, Texas, Florida, Virginia… nên có một doanh nhân đại diện".
“Có như thế, Hiệp hội mới phục vụ thiết thực cho hội viên và vững mạnh trên đường phát triển”, ông nói.
Phan Hùng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét