Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Hồ sơ: Trung Quốc thực hiện "quyền lực mềm" ở châu Âu -Ồ ạt đổ tiền

TTCT - Đổ tiền vào châu Âu khốn khó, giờ đây người Trung Quốc đã biết kèm theo điều kiện để đạt lợi ích cao nhất. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã cho phép họ "nâng bậc" khả năng sản xuất của mình.

Du khách Trung Quốc đang là "thượng đế" đúng nghĩa ở châu Âu - Ảnh: luxe.planet.fr
Một hiện tượng giờ đây quen thuộc với người dân Pháp ở khu trung tâm thủ đô Paris: những đoàn xe nườm nượp đổ du khách da vàng xuống các khu mua sắm danh tiếng Galeries Lafayette, Printemps hay các cửa hàng đồ hiệu đắt tiền Hermes, Louis Vuitton. Họ là những du khách Trung Quốc với túi tiền mặt euro dày cộp.

Mua và mua

Khi châu Âu thật sự bước vào vòng xoáy khủng hoảng nợ, cái phao cứu sinh "made in China" nằm trên cửa miệng mọi người. Nhưng giờ đây những đồng tiền cứu chuộc ấy luôn kèm theo điều kiện rõ ràng: Trung Quốc cũng phải có lợi, không về kinh tế thì cũng về chính trị, hoặc cả hai.
Chưa rõ họ mua sắm cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân hay cho mục đích mua đi bán lại thu lợi, nhưng họ xồng xộc vào các cửa hàng đồ hiệu vì giá cả các mặt hàng này tại Paris rẻ hơn 20-30% so với ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Cảnh mua hàng hiệu đông như kiến ấy xảy ra tương tự tại London, Milan và vô số "thủ đô mua sắm" cao cấp khác ở châu Âu. Điều đó khiến các trung tâm này phải tuyển gấp những đội chào hàng và hướng dẫn khách hàng với yêu cầu "phải nói rành tiếng Quan Thoại"!

Cách đây mươi năm, hiện tượng đó đã xuất hiện và bản thân tôi từng được một số du khách da vàng lảng vảng trên đường nhờ vào mua hộ một món hàng cao cấp khi tôi lang thang ngắm dãy cửa hiệu hào nhoáng trên đại lộ Champs-Élysées (Paris). Họ ngỡ tôi là người Trung Quốc nên xổ ra một tràng tiếng Hoa và tay xòe xấp tiền mặt với ngụ ý mua giúp món hàng sẽ được hậu tạ một số tiền nhỏ. Chẳng là khi ấy các cửa hàng còn áp dụng điều kiện chỉ bán số hàng hạn chế cho khách.

Giờ đây thì mọi chuyện đã đổi khác khi kinh tế khó khăn và các cửa hàng phải rộng cửa đón khách rủng rỉnh tiền mặt trong túi. Người Trung Quốc tỏ ra đáp ứng yêu cầu đó ở đất châu Âu đang khốn khó tài chính. Những dòng du khách đại diện cho nhóm trung lưu thị thành mới của Trung Quốc là sự phản ánh cho một phần nguồn tài chính kinh khủng mà quốc gia này đang nắm giữ. Theo các số liệu đáng tin cậy, đất nước khổng lồ ở châu Á này đang nắm giữ 2.500 tỉ USD dự trữ tài chính - tương đương giá trị tài sản của cả nước Pháp. Nếu tính cả nguồn dự trữ của Hong Kong thì nguồn tiền của Trung Quốc lên đến 3.600 tỉ USD - số tiền đủ khiến vô khối quốc gia thèm muốn trong thời buổi "gạo châu củi quế" hiện nay.

Ngày 3-3-2012, trước mặt các chủ doanh nghiệp Đức đến thăm Quảng Đông, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố: "Trung Quốc không có ý định cũng như không có khả năng mua đứt châu Âu!" (1). Ít nhất cho đến lúc này thì tuyên bố đó vừa đúng, vừa sai.

Năm 2002, số tiền đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) là 1 tỉ euro, đến năm 2009 là 3 tỉ và năm 2011 là 10 tỉ. Tức là trong ba năm, tiền đầu tư đã tăng gấp ba lần. Con số chưa từng có trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay! Vậy mà Ủy ban Ngoại thương của EU còn dự báo đến năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU sẽ lên đến con số 800 tỉ euro.

Dự báo này không phải không có cơ sở vì hiện tổng số tiền Trung Quốc đưa ra nước ngoài đầu tư, bao gồm cả tiền đầu tư trực tiếp lẫn tiền cho vay cấp chính phủ cũng như tiền bỏ vào các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư đã lên đến con số 65 tỉ euro trong năm 2012 này, chưa kể số tiền 81 tỉ euro của Hong Kong. Thậm chí theo báo cáo công bố ngày 5-7-2012 của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), đầu tư của Trung Quốc và Hong Kong trên thế giới có thể lên đến 2.400 tỉ euro từ năm 2016 trở đi!

"Thế kỷ Trung Quốc" lên bìa số đặc biệt của Le Monde
Trung Quốc đầu tư vào đâu?

Tiền đầu tư của Trung Quốc có chủ đích rõ ràng. Ở châu Phi và Nam Mỹ, tiền đổ vào nguyên liệu và đất nông nghiệp. Ở châu Âu họ nhắm vào công nghệ cao, đặc biệt các lĩnh vực rất nhạy cảm và tiên phong như công nghệ hàng không, công nghệ động cơ và công nghệ sinh học - vốn là những lĩnh vực Trung Quốc còn yếu. EU đã buộc phải lên tiếng cảnh báo và quyết định đưa các khoản đầu tư của Trung Quốc ở lĩnh vực công nghệ cao vào tầm ngắm theo dõi kỹ lưỡng.

Thật sự là cho đến lúc này đồng tiền của Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao cũng chưa tạo thành công như mong muốn, bởi lẽ chính phủ các nước châu Âu cũng ngấm ngầm thuyết phục các doanh nghiệp từ chối nguồn đầu tư từ nước ngoài. Giải pháp này rõ ràng đi ngược lại các nguyên tắc giao thương tự do của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhưng người ta cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: sự kháng cự của các doanh nghiệp châu Âu có thể kéo dài được bao lâu khi mà trong yêu cầu cạnh tranh để tồn tại hiện nay, các doanh nghiệp thật sự đói tiền mặt để phát triển, để đổi mới và chinh phục thị trường quốc tế? Bản thân Trung Quốc cũng là một thị trường khách hàng lớn, quan trọng hàng thứ ba đối với các doanh nghiệp châu Âu, chỉ sau thị trường Mỹ và bản thân thị trường nội địa châu Âu.

Khi châu Âu thật sự bước vào vòng xoáy khủng hoảng nợ, cái phao cứu sinh "made in China" nằm trên cửa miệng mọi người. Nhưng giờ đây những đồng tiền cứu chuộc ấy luôn kèm theo điều kiện rõ ràng: Trung Quốc cũng phải có lợi, không về kinh tế thì cũng về chính trị, hoặc cả hai. Mà nói cho đúng ra thì Trung Quốc ra tay "cứu vớt" cựu lục địa cũng vì lợi ích rõ ràng của chính Trung Quốc: châu Âu hiện đang tiêu thụ đến 22% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc, tức là khách hàng hàng đầu của quốc gia châu Á này. Châu Âu phải sớm thoát khỏi khủng hoảng thì mới có thể tiếp tục tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc.

Trên bề mặt đối ngoại, dù vậy Trung Quốc đã biết cách gây áp lực bằng đồng tiền. Tháng 2-2012, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các cuộc điều tra chống phá giá của EU nhắm vào các doanh nghiệp từ Trung Quốc, và gợi ra khả năng các cuộc điều tra đó có thể làm "ngăn dòng tiền" sang châu Âu.

Trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc viết như sau: "Khi nền kinh tế thế giới còn chưa ra khỏi khủng hoảng tài chính, khi mà nhiều quốc gia châu Âu còn đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ, (thì) các quốc gia nên có thái độ hợp tác, cởi mở và rộng lượng (với Trung Quốc) để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này (...). Cuộc điều tra chống phá giá của châu Âu phát đi cho toàn thế giới thấy một tín hiệu xấu của chủ nghĩa bảo hộ gây nguy hại cho những nỗ lực chung của Trung Quốc và châu Âu trong cuộc đối phó với khủng hoảng" (2).

Làm hàng Âu cho người Âu

Mộng thâu tóm châu Âu của Trung Quốc càng được thúc đẩy sớm hơn nhờ cuộc khủng hoảng. Họ thấy gót chân Achilles của châu Âu nằm ngay Hi Lạp. Cảng Pirée gần thủ đô Athens đã được mua đứt để trở thành cảng trung chuyển chính cho hàng Trung Quốc thâm nhập cựu lục địa. Công ty Vận tải hàng hải Trung Quốc (COSCO) đã nắm hai bến tàu của cảng Pirée từ năm 2009. Tính đến năm 2011, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc qua đây đã tăng thêm 50%.

Không dừng lại ở đó, người Trung Quốc còn muốn bỏ tiền vào Hi Lạp trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, sản xuất ôtô, thiết bị đường sắt, bất động sản... Như đã nói, đó chỉ là bước đầu vì bước chân xa hơn mà người Trung Quốc nhắm đến là biến hàng hóa "made in China" thành "made in EU" cho thị trường châu Âu.

Không chỉ có Hi Lạp, người Trung Quốc còn "bủa vây" phần Tây Âu bằng cách bơm tiền vào các quốc gia Đông Âu đang hăm hở phát triển kinh tế. Bulgaria là một ví dụ. Ngày 21-2 vừa qua, Tập đoàn Great Wall Motors (với 10.000 công nhân, có 12 nhà máy lắp ráp ở nước ngoài như Nga, Ukraine, Ai Cập, Việt Nam, Iran, Indonesia, Nigeria...) của Trung Quốc và đối tác Litex Motors của Bulgaria đã khánh thành một nhà máy lắp ráp ôtô tại thung lũng Bahovitsa, phía bắc Bulgaria. Nhân dịp đó, một lãnh đạo của Litex Motors hào hứng giải thích: "Đây là nhà máy đầu tiên của nhà sản xuất ôtô Trung Quốc để làm ra những chiếc xe tại châu Âu cho người tiêu dùng châu Âu" (3). Tuyên bố đó chắc không cần giải thích gì thêm.

Mục tiêu của tập đoàn Trung Quốc là sản xuất khoảng 50.000 ôtô/năm. Nhưng hiện tại nhà máy sẽ cho ra đời vài ngàn xe giá mềm ở mức 8.200-14.600 euro. Toàn bộ phụ tùng sẽ được nhập từ Trung Quốc và nhà máy tại Bulgaria chỉ có nhiệm vụ lắp ráp thành xe. Cách này giúp xe Trung Quốc né thuế nhập khẩu vào châu Âu!

Tại Pháp, người Trung Quốc cũng biết chọn đúng nơi đúng chỗ: vùng khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp nặng Châteauroux, cách Paris 275km về phía nam. Theo dự kiến, người Trung Quốc sẽ đổ tiền vào để biến nơi khốn khó đó thành "Châteauroux Business District" bắt đầu từ năm 2015 với mục tiêu trở thành khu công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc trên lãnh thổ EU. Sản phẩm xuất xứ từ đây sẽ mang nhãn mác "made in Europe" dễ lấy niềm tin của khách hàng khó tính tại châu Âu hơn. Ông Hervé Solignac Lecomte - giám đốc thương mại

quốc tế thuộc Ngân hàng HSBC (chi nhánh Pháp) - phân tích: "Các doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn phá bỏ hình ảnh hàng hóa chất lượng thấp. Vì thế họ muốn nhảy vào lĩnh vực hàng hóa cao cấp, dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ nhà máy của mình sang châu Âu" (4).

Hợp đồng Châteauroux vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi tại Pháp nhưng áp lực "tạo ra công việc mới" rõ ràng đang buộc nhiều tiếng nói phản ứng phải im lặng. Những câu chuyện tương tự không phải chỉ xảy ra ở Pháp...

Ảnh: Ceic Data, Centre de Prévision de l' Expansion
Châu Âu trông cậy vào "Chủ nghĩa yêu nước kinh tế"

"Đối với Trung Quốc, tất cả các lĩnh vực - từ kinh tế, tài chính, thông tin cho đến văn hóa… - đều có thể trở thành chiến trường hoặc hệ thống vũ khí, hoặc cả hai; hành động quân sự không nhất thiết phải là sự thể hiện duy nhất của sức mạnh quân đội quốc gia".
KIỀU LƯƠNG và VƯƠNG TƯƠNG TUỆ trong La Guerre hors limites (xuất bản tại Pháp năm 2003)
Cho đến hiện nay, chính quyền các quốc gia châu Âu vẫn đang chống chọi với sự xâm lấn đại trà của "sức mạnh mềm" Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm liên quan quốc phòng và an ninh quốc gia, nhưng rõ ràng là họ không thể can thiệp gì nhiều đối với khối doanh nghiệp tư nhân ngoại trừ cách gây sức ép để các doanh nghiệp này không bán mình cho quốc gia châu Á. Mà cũng phải gây sức ép khéo léo và kín đáo nếu không muốn vi phạm luật tự do kinh doanh của WTO hoặc bị mang tiếng là bảo hộ mậu dịch.

Ngoài ra, một giải pháp khác đang được thực thi là chính phủ các quốc gia châu Âu "hà hơi tiếp sức" cho các nhà đầu tư nội địa giữ lại doanh nghiệp bằng cách giãn thuế hoặc các khoản hỗ trợ tài chính kín đáo khác. Chuyện kêu gọi "người châu Âu dùng hàng châu Âu" giờ đây cũng bắt đầu nổi lên như phong trào mà người ta còn đặt cho cái tên mỹ miều là "chủ nghĩa yêu nước bằng kinh tế".

Có vẻ châu Âu và Mỹ, dù trong cuộc khủng hoảng, vẫn còn khả năng kháng cự lại sức mạnh Trung Quốc. Trả lời TTCT, nhà báo Pháp - chuyên gia kinh tế Jean Denier phân tích: "Trước hết phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính, đầu tư thêm nữa vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để luôn đi trước Trung Quốc và cũng phải áp dụng chính sách lược quyền lực mềm lại đối với Trung Quốc. Cũng không thể quên chống lại nạn tình báo kinh tế và chiến lược của Trung Quốc".

Thương trường giờ đây khốc liệt chẳng khác chiến trường. Điều này người Trung Quốc đã công khai từ cả chục năm trước. Trong cuốn sách xuất bản tại Pháp năm 2003 La Guerre hors limites (Cuộc chiến không giới hạn), hai tác giả - hai đại tá quân đội Trung Quốc là Kiều Lương và Vương Tương Tuệ - viết không giấu giếm: "Đối với Trung Quốc, tất cả các lĩnh vực - từ kinh tế, tài chính, thông tin cho đến văn hóa… - đều có thể trở thành chiến trường hoặc hệ thống vũ khí, hoặc cả hai; hành động quân sự không nhất thiết phải là sự thể hiện duy nhất của sức mạnh quân đội quốc gia".

Mục tiêu của Trung Quốc tại châu Âu được nhà phân tích Jean Denier nhận diện: "Trung Quốc muốn đạt hai mục tiêu tại châu Âu. Một là hình thành cầu cảng khổng lồ cho phép họ chống lại mọi ý định bảo hộ của châu Âu. Hai là phát triển một khu vực gây ảnh hưởng chính trị - tài chính với việc dùng đồng tiền mua các quan điểm, các lựa chọn, các quyết định và cuối cùng là mua các nhà lãnh đạo chính trị lẫn lãnh đạo kinh tế".

Cho đến lúc này, có thể nói "phần còn lại của thế giới" đang chống lại làn sóng "made in China" bằng chính sách "dựng đê" như thời chiến tranh lạnh trước đây. Tháng 9-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố về cái gọi là "Quan hệ đối tác chính phủ mở" (OGP). Quan niệm này nhằm tạo ra sự tách bạch giữa nền dân chủ mở (mô hình Mỹ) và nền dân chủ đóng (mô hình Trung Quốc).

Washington đang đặt cược vào khả năng sẽ không thể hoặc không bao giờ muốn đi theo mô thức châu Âu trong cách điều hành chính trị của Trung Quốc. Động thái đầu tiên của OGP là lập ra các tiêu chuẩn EITI (Extractive Industries Transparency Initiative, tạm dịch "Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng") nhằm "cải thiện tính minh bạch trong nguồn thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên".

Bà Clara Short, chủ tịch của EITI, giải thích rằng "với tiêu chuẩn EITI, nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được điều hành vì lợi ích của các dân tộc sinh sống trong môi trường đó". Như thế nó sẽ tạo ra kiểu "người tốt" và "người xấu" trong kinh tế và "người xấu" thì đương nhiên sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay!

VÕ TRUNG DUNG (Paris)
THANH LIÊM (chuyển ngữ)
___________

0 nhận xét:

Đăng nhận xét