Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Đi tìm giải pháp cho thị trường


SGTT.VN - Diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ 3 do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Công thương và UBND TPHCM, đã khai mạc 8h30 sáng nay (19.4.2012) tại trung tâm hội nghị White Palace, TP.HCM. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 17 năm thành lập báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Bà Phó Nam Phượng, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), tặng hoa các nhà tài trợ cho diễn đàn kinh doanh lần 3. Ảnh: Trần Việt Đức
Gần 500 khách mời là các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã tham gia sự kiện này để cùng bàn về các giải pháp tạo lập thị trường ra sao để vượt qua khó khăn, từ nghệ thuật tìm kiếm nguồn vốn, cách thức phát triển thị trường cho đến phương thức kinh doanh và quản trị, tầm nhìn về chuỗi cung ứng… Các vấn đề được đặt ra nhằm tìm kiếm sự gắn kết giữa các thông điệp chính sách và thực tiễn kinh doanh trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn và nhiều biến động.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Minh, quyền Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, chia sẻ: "Chúng ta có mặt tại diễn đàn này khi khủng hoảng tài chính như một cơn sóng thần quét qua nền kinh tế toàn cầu trong suốt bốn năm qua, và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự khốc liệt đó. Trong bối cảnh đó, cộng đồng hơn 350.000 doanh nghiệp Việt Nam những năm qua đã phải chống đỡ với các khó khăn về vốn, thị trường, thời điểm này lại đối mặt với sức mua cạn kiệt. Những tác nhân đó khiến 79.000 doanh nghiệp phá sản năm 2011, theo số liệu của tổng cục thống kê. Riêng ba tháng đầu năm, 2.200 doanh nghiệp phải giải thể và 9.900 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động, theo báo cáo của bộ Kế hoạch đầu tư. Nền kinh tế từ chỗ nhập siêu chuyển sang xuất siêu trong quý I, là dấu chỉ sản xuất và xuất khẩu trong sắp tới có thể suy giảm. Vì vậy, giải pháp thị trường và giải pháp vốn đang là vấn đề nóng hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Trần Việt Đức
Khủng hoảng là cuộc sàng lọc khắc nghiệt nhưng cũng chỉ ra các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thực sự và khả năng thích ứng. Việc quy tụ đại diện của gần 500 doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, giới hoạch định chính sách tại sự kiện này là cơ hội để chúng ta cùng trao đổi các vấn đề thời sự trong đời sống kinh doanh, các vấn đề liên quan chính sách, cũng như kinh nghiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp. Là tờ báo thời sự thị trường, báo Sài Gòn Tiếp Thị cam kết đồng hành với doanh nghiệp, làm cầu nối chuyển tải thông tin chính sách, ghi nhận thực tiễn kinh doanh, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh".
Tại diễn đàn lần này, dự kiến có các tham luận của các chuyên gia kinh tế và các quan chức các Bộ ngành: TS.Võ Trí Thành - phó viện trưởng viện Kinh tế Trung ương: Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2012: góc nhìn chính sách. Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Nguồn tài chính và vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. TS.Alan Phan - chủ tịch quỹ đầu tư Viasa: Quản lý đồng vốn và quản trị trong doanh nghiệp nhỏ. Bà Virginia Foote, chủ tịch công ty Bay Global Strategies, chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt – Mỹ: Cách ứng xử với các rào cản thương mại khi làm ăn với Mỹ...
TS.Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương trình bày tham luận: Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2012: góc nhìn chính sách Ảnh: Trần Việt Đức
TS Võ Trí Thành: Doanh nghiệp hãy bươn chải và trưởng thành
Mở đầu Diễn đàn, TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Quản lý Kinh tế trung ương, trình bày tổng quan về kinh tế Việt Nam và thế giới 2012 dưới góc nhìn chính sách.
Kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng thấp: Ông Thành nhận định tình hình kinh tế thế giới năm nay rất khó dự đoán nhưng tình hình chung là vẫn sẽ tăng trưởng thấp và rủi ro bất định vẫn còn. Các dự báo tăng trưởng của WB đã phải thay đổi liên tục, từ 3,3% cách nay sáu tháng, đến đầu năm nay là 3% và vài ngày trước là 3,5%.
Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, châu Âu đánh tín hiệu lạc quan nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Khủng hoảng nợ công châu Âu là câu chuyện rất lớn, phức tạp chứ không như ở Mỹ, chỉ là chuyện thâm hụt ngân sách liên bang với quy mô vài ngàn tỉ USD. Riêng Mỹ cũng còn đang đối mặt với vấn đề là nhiều bang đang trong tình trạng phá sản.
Bong bóng tài chính thế giới quá lớn và chưa thoát khỏi khủng hoảng, nên dòng vốn chu chuyển phức tạp, không chủ yếu vào đầu tư mà là để giải quyết thanh khoản. Các rủi ro còn kéo dài do mất cân đối giữa các nước phát triển và đang phát triển về luật chơi.
Kinh tế Việt Nam trì trệ, đình đốn: Rủi ro bất ổn vĩ mô lớn nhất của Việt Nam, theo ông Thành, hiện nay không phải ở lạm phát, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán hay dự trữ mà chính là hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam. Trong tháng 4, lạm phát tính theo tháng có thể giảm xuống còn 12%.
Gần 500 khách mời là các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã tham gia sự kiện này. Ảnh: Trần Việt Đức
Tuy đánh giá nền kinh tế chưa đến mức suy thoái vì tăng trưởng GDP trong quý I năm 2012 khoảng 4% nhưng thực sự nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ, đình đốn ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều bình diện. Những chỉ dấu rõ nhất mà ông Thành dẫn chứng, đó là, chưa bao giờ Việt Nam thừa điện và trong quý I năm 2012, nhập khẩu xăng dầu giảm 20%. Bên cạnh đó, là những số liệu thống kê: sức mua giảm liên tục trong 7 tháng qua, tồn kho tăng liên tục. “Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam khó khăn như bây giờ!”, ông Thành khẳng định.
Theo nhận định của ông Thành, đáy của sản xuất kinh doanh năm nay có thể là quý II. Tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt mục tiêu 6%, sự đồng thuận ở mức 5,5%. Về trung hạn Việt Nam đang muốn ổn định lạm phát năm nay 5-6% nhưng rủi ro được cảnh báo là việc nới lỏng lãi suất không phù hợp thì lạm phát năm sau có thể quay về 13-14%.
Trong bối cảnh này, việc ổn định đồng tiền chặt chẽ, tái cấu trúc đầu tư công và khối doanh nghiệp nhà nước là cực kỳ khó khăn vì nó liên quan đến sự phân cấp trung ương và địa phương, về quyền lợi nhóm, về năng lực điều hành…, đòi hỏi cách thức quản trị, xử lý thông tin và hệ thống.
Sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Ông Thành cho biết, trong tuần qua đã có ba cuộc họp ở cấp Chính phủ. Theo đó, sẽ có các giải pháp hỗ trợ như giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA; xem xét bỏ lãi suất, giảm lãi suất, giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng và xử lý ngân hàng yếu kém. Sau đó, trần lãi suất có thể được xóa bỏ. Hay mở ra việc khoanh nợ, cơ cấu nợ, tạo dựng quỹ ngân sách bão lãnh cho các doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, sẽ có hàng loạt chính sách nới lỏng về cho vay tiêu dùng, bất động sản.
Các cơ quan quản lý cũng đang xem xét mở room cho nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán hơn mức 49% hiện nay. Khoản chi cho xúc tiến đầu tư thương mại cũng sẽ tăng. Theo ông Thành, sẽ có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không phải gói giải cứu cho doanh nghiệp mạnh mẽ, toàn diện như trong năm 2009 do nguồn lực Nhà nước hiện không bằng 2009.
Ông Thành được phóng viên kinh tế các báo đài vây quanh đặt nhiều câu hỏi trong giờ nghỉ giải lao.
Ảnh: Trần Việt Đức
Thông điệp mà ông Thành đưa ra cho doanh nghiệp là hãy bươn chải và trưởng thành. Doanh nghiệp hãy thay đổi cách nhìn, nếu muốn thật sự làm ăn dài hạn và bài bản thì phải tập trung vào tất cả những ý tưởng mới về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thân thiện với xã hội. Một vấn đề máu thịt: lòng tin của người tiêu dùng là sự sống còn của doanh nghiệp. Thứ hai, muốn cạnh tranh thì phải cố giữ lấy những nhân tố dễ dịch chuyển như thông tin, ý tưởng và người lao động có tư duy và tay nghề cao. Vàng và đất đai không phải là tương lai của thế giới vì những quốc gia không có nhiều tài nguyên vẫn phát triển.
Doanh nghiệp muốn cạnh tranh thì phải có sự kết nối vì cạnh tranh trên thương trường luôn khắc nghiệt nhưng biết kết nối (là mạng, là chia sẻ, là chuỗi giá trị) thì sẽ gia tăng sức mạnh.
Làm kinh doanh, doanh nghiệp phải hiểu bong bóng tài chính, phải hiểu cách chơi cả cái xấu xa và đẹp đẽ của nó để có thể phát triển.
Cần hiểu được giá trị công nghệ, công nghệ đang làm thay đổi tất cả, quả bóng công nghệ truyền thông có tích cực và mặt trái nhưng người giỏi sẽ biết sử dụng nó để tạo ra thị trường, bán cái mình có, tạo ra giá trị gia tăng. Chưa bao giờ chúng ta có thể tạo dựng thị trường bằng các công nghệ truyền thông như hiện nay.
"Qua khó khăn, nước mắt của chúng ta là thật, doanh nghiệp, chính phủ và ngân hàng sẽ hiểu nhau hơn", ông Thành bày tỏ.
Ông Cao Sỹ Kiêm: Giải pháp cần là kiểm soát lạm phát ở mức nào  
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước, chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì: Chưa bao giờ thị trường vốn của chúng ta có vấn đề méo mó, phức tạp như bây giờ. Suốt ba năm qua, ta trong tình trạng quay vòng của giảm phát, lạm phát rồi giảm phát. Quá trình đó đã gây ra những hệ lụy khiến thanh khoản ngân hàng, thanh khoản doanh nghiệp và toàn thị trường thiếu hụt trầm trọng, chi phí các loại tăng lên, tồn kho tăng lên, sức mua của thị trường giảm sút và cạn kiệt, số doanh nghiệp phá sản vì thế đang ngày càng tăng . "Giống như trước đây cao huyết áp, giờ giảm huyết áp", nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ chết, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông Kiêm so sánh.
Ông Cao Sỹ Kiêm với tham luận "Nguồn tài chính và vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa". Ảnh: Trần Việt Đức
"Vậy giải pháp cần là kiểm soát lạm phát ở mức nào?", ông Kiêm đặt câu hỏi. Theo ông, nếu năm tới có 9% vẫn còn rất cao so với thế giới. Vấn đề nữa là phải cứu sản xuất, làm sao để sự phá sản doanh nghiệp nằm ở ngưỡng có thể chấp nhận được. Nếu càng nhiều, lao động giảm theo, doanh nghiệp phá sản khiến người lao động thất nghiệp tăng lên gây ra tai họa cho cả xã hội.
Ông Kiêm cho rằng vấn đề vẫn phải chống lạm phát, lộ trình kéo xuống 4-5% ngang với măt bằng thế giới sẽ phải diễn ra như thế nào. Việc điều chỉnh chính sách và quan điểm chỉ đạo phải được đặt ra, chọn lại trọng tâm, vai trò chính là chính sách tài khóa, sắp xếp lại chi tiêu, dự án, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, hành chính, tiền qua kênh ngân sách cần đưa vào hoạt động thật sự và hiệu quả.
Ngân hàng là yếu tố tích cực. Bên cạnh đó, cần khôi phục thị trường chứng khoán, làm sống lại thị trường hàng hóa và sức mua. Điều này dựa vào cách thức chúng ta điều hành đồng tiền. Cần cứu sản xuất để giảm phá sản, tạo thêm thời cơ cho doanh nghiệp trụ lại và vượt qua để tìm ra nhân tố phát triển. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ở thời điểm khó khăn nhất, doanh nghiệp vượt qua thì nền kinh tế vượt qua.
Ông Kiêm cho rằng để làm được những việc này thì:
- Doanh nghiệp cần xác định lại công nghệ, nguồn nhân lực và xác định thị trường, ý thức cộng đồng trong doanh nghiệp và ngành hàng. Đây là bài học cổ điển nhưng đúng ở mọi thời điểm và có tác dụng rất mạnh đối với sự tồn tại của doanh nghiệp.
- Các cơ quan quản lý cần xem việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình là dịch vụ để chia sẻ, gánh vác và hợp tác với doanh nghiệp để cùng chạy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thuận lợi.
- Một lần nữa, ông Kiêm nhấn mạnh yêu cầu kiên trì chống lạm phát, đảm bảo mục tiêu 8-9%, nếu xuống quá thấp hay quá cao đều tạo ra nguy hiểm. Cùng với đó, phí, thuế và lãi suất phải phải có giải pháp chính sách phù hợp. Liên quan đến việc này, cần giảm và miễn thuế để tạo khoảng không cho doanh nghiệp chống đỡ với khó khăn; giảm phí đầu vào cho doanh nghiệp chứ không cộng thêm vào; giảm chi phí cũng là cách để tăng sức mua.
- Cần phân bổ lại vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, giải quyết các nút thắt của nền kinh tế trong dài hạn là hạ tầng, nhân lực và thị trường để vượt qua khó khăn mới phát triển bền vững.
Các chuyên gia, diễn giả trả lời các câu hỏi từ các doanh nghiệp tham gia diễn đàn. Ảnh: Trần Việt Đức
TS Trần Vinh Dự: M&A sẽ tích cực, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ để tận dụng cơ hội
Đề cập về kinh nghiệm huy động nguồn đầu tư trong doanh nghiệp, TS.Trần Vinh Dự, tổng giám đốc TNK Investment dẫn số liệu của Stop Plux năm 2011, năm thị trường tài chính u ám nhưng hoạt động M&A doanh nghiệp tăng lên, chứng tỏ dòng vốn đang có sự khả quan nhất định.
Ông Dự nói: "Thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi từ đầu năm đến nay cho thấy tín hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp đang được định giá thấp so với các chỉ số giá theo mặt bằng chung của khu vực cũng tạo ra sức hút nhất định. Các quỹ đầu tư vài năm gần đây đang chịu áp lực lớn về câu chuyện thoái vốn và năm 2012 sẽ có những đà cản cho sự tăng lên của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên các quỹ mới từ châu Âu đang tham gia vào Việt Nam cùng với các nhà đầu tư năng động khác đến từ Nhật và Hàn Quốc là tín hiệu đáng mừng. Theo tôi, xu hướng M&A sẽ diễn biến tích cực trên thị trường thời gian tới".
Vấn đề theo ông Dự, là doanh nghiệp cần quy trình huy động vốn ra sao, kế hoạch sử dụng đồng vốn ra sao, công ty sẽ thay đổi như thế nào. Trong tất cả các bước của lộ trình này thì vai trò của các cố vấn về luật và tài chính là hết sức quan trọng và không thể thiếu. Nhà đầu tư thường cảm nhận rủi ro rất khác so với cách nhìn của doanh nghiệp. Họ nhìn vào rủi ro và cơ hội ở thời điểm hiện tại chứ không phải trước đó. Họ còn cần đủ lòng tin vào doanh nghiệp.
Ông Dự cho rằng, doanh nghiệp khi tìm đến thị trường tài chính, nơi luôn có nhiều rào cản, nhưng lại thường nóng vội. Vì thế cần biết rằng dòng tiền sẽ luôn chảy về doanh nghiệp nào sử dụng nó hiệu quả nhất. Việc huy động này là một quá trình lâu dài. Sự chuẩn bị thật kỹ mới giúp giảm được thời gian huy động và giảm đi các thương vụ thất bại.
TS Alan Phan: Điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân là "lười biếng" trong tìm kiếm vốn
TS.Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa. 
TS Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, cho rằng điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân là "lười biếng" trong tìm kiếm vốn, thường trông chờ vào "sổ đỏ" thế chấp khi vay vốn, mà không năng động, và không biết mình đang thật sự cần điều gì. Người đi vay thường biết rất ít về nhà đầu tư trong khi tiền vay là đòn bẩy. Theo ông, doanh nghiệp cần biết rõ nhu cầu của nhà đầu tư, tiêu chí mà họ muốn cho vay, ngành nghề họ ưa thích và phương thức hoàn trả, thoái vốn như vì thế nào. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang còn tư duy theo cách: đi kiếm miếng đất, xây nhà xưởng, rồi kế hoạch 10 năm tới, khi cần vốn thì dựa vào nhà xưởng, thiết bị… là những thứ có giá trị không cao trong giá trị doanh nghiệp hay giá trị thị trường.
Ông Lý Xuân Hải: Ngân hàng khó hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng Á Châu. Ảnh: Trần Việt Đức
Từ kinh nghiệm của một người làm ngân hàng, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB), thừa nhận rằng việc đầu tư và cho vay không hiệu quả, tăng trưởng của doanh nghiệp thời gian qua đang dựa vào vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, dựa vào tài nguyên… Thị trường khó khăn đang dồn các gánh nặng lên doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp tư nhân đang chiếm 95% số lượng doanh nghiệp, tăng trưởng liện tục hàng năm 30% và tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế, và tạo ra động lực cho ngân hàng thương mại. Dù các ngân hàng thương mại xem đây là đối tượng khách hàng quan trọng nhưng có được sự hợp tác không dễ. Theo một khảo sát của ACB, 30-35% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, 30% cho rằng khó tiếp cận, 30% không hề tiếp cận được.
Theo ông Hải, vấn đề chính với các doanh nghiệp là lãi suất cao, không có khả năng tiếp cận, thủ tục khó khăn rườm rà tạo ra tâm lý e ngại. Ông Hải phân tích nguyên ngân của tình trạng này. Về phía ngân hàng, thì nhân viên không đủ kỹ năng, cách hành xử máy móc, đưa ra tiêu chuẩn như là tiêu chuẩn doanh nghiệp lớn, tư duy máy móc rằng doanh nghiệp lớn tốt hơn. Chào mời tín dụng mà không đưa ra giải pháp. Sản phẩm của ngân hàng không phù hợp mà "may một cái áo" cho tất cả các loại hình doanh nghiệp cùng mặc.
Về phía doanh nghiệp, ông Hải cho rằng doanh nghiệp thiếu sự minh bạch về thông tin tài chính, không thẳng thắn khi vay và thường tô hồng bức tranh của mình mà không cung cấp thông tin trung thực. Doanh nghiệp cũng không có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, cách quản lý tùy tiện mang tính gia đình, kinh doanh theo ngẫu hứng và cơ hội. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có điểm mạnh và uyển chuyển theo thị trường, thay đổi nhanh nhưng đó cũng chính là điểm yếu trong phát triển: tùy tiện trong đầu tư hay sử dụng đồng tiền. Trong khi, mỗi doanh nghiệp đều cần một ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Về cơ chế nhà nước, theo ông Hải, dù chúng ta cam kết không có sự phân biệt giữa các khối doanh nghiệp nhưng thực tế là có. Thiếu cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia để ngân hàng dễ dàng tiếp cận với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp ngân hàng lượng hóa được năng lực và rủi ro trong doanh nghiệp. "Bản thân ngân hàng và doanh nghiệp tự tìm ra giải pháp chứ không thể chờ. Chữ tín là vấn để lớn trong cam kết tài chính", ông Hải nhấn mạnh.
Doanh nghiệp nên làm gì trong tình hình hiện nay?
Doanh nghiệp phải học làm quen với các cú sốc về thị trường, sốc chính sách, sốc với các biến động 
Trong phiên tọa đàm với các doanh nghiệp, TS Võ Trí Thành chia sẻ rằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang được đặt ra nhưng chắc chắn không có gói kích cầu như năm 2009 vì đây là giai đoạn cần cách thức chơi mới, phát triển mới. Thời điểm này thế giới còn đầy rủi ro thì doanh nghiệp phải học làm quen với các cú sốc về thị trường, sốc chính sách, sốc với các biến động. Cần tăng cường các công cụ phòng chống rủi ro nhưng không phải là để tạo thêm lợi nhuận mà là để giảm tính bất định, tăng tính xác định. Doanh nghiệp phải học không phải 6 hay 18 tháng mà phải theo một nguyên tắc là biết sống với nợ nần và luôn chứng minh về khả năng trả nợ.
Trong tình hình đó, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, doanh nghiệp không được chờ đợi hay xem xét mà phải tranh thủ vượt lên. Ví dụ vốn đang khó nhưng vốn đâu chỉ bằng tiền, mà còn là tiềm năng, là con người, là môi trường, năng lực công nghệ hay cả sự vớt vát thất bại cũng có thể xem là yếu tố tích cực. Trong lúc này, nếu vượt qua được thì từng doanh nghiệp sẽ tự rút ra cho mình kinh nghiệm để vươn lên.
Chia sẻ với đề nghị của một doanh nghiệp: làm sao để giảm lãi suất để dòng tiền đi vào sản xuất, thậm chí phải chấp nhận lãi suất không thực dương, ông Kiêm cho rằng lãi suất dương thì dòng tiền mới đi vào thực chất, theo nguyên tắc thị trường phải có lãi suất dương thì doanh nghiệp và người dân mới chấp nhận. Năm 2009 chúng ta bù lãi suất, theo ông, đó là bài học. Về lãi suất, ông đưa ra ba giải pháp. Theo đó, nếu cần, khống chế trần cho vay sẽ hợp lý hơn; về lâu dài thì cần bỏ trần lãi suất, tự do hóa lãi suất.

Bà Virginia Foote
Với kinh nghiệm tư vấn cho các công ty Mỹ làm ăn với đối tác nước ngoài, bà Virginia Foote, chủ tịch công ty Bay Global Strategies, Chủ tịch hội đồng thương mại Việt – Mỹ, cho rằng chi phí không phải là vấn đề tiên quyết giải quyết các yếu tố liên quan đến các vấn đề thương mại. Các công ty Mỹ nghĩ đến cách cùng làm ăn như thế nào chứ không phải chỉ mua cái doanh nghiệp Việt Nam đang bán. Họ mong muốn nhận được sự yên tâm về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, họ muốn biết cả thói quen xấu gì bạn đã tạo ra cho chính mình. Các chính sách kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tổng thể nhưng các vấn đề vi mô thì chính doanh nghiệp phải tự thân giải quyết. Doanh nghiệp không thể đổ lỗi mà chịu trách nhiệm với nó. Giai đoạn kinh tế đi xuống như thế này là cơ hội bỏ qua các thói quen xấu, tạo cơ hội kinh doanh và tìm kiếm các mối quan hệ mới.
TS Thành nói “khi thị trường hứng khởi mình phải biết sợ hãi”. Tổng cung tiền/GDP vẫn là 100%. Những thương vụ lớn nhất là bất động sản vẫn là doanh nghiệp Việt. Nhưng vòng quay đồng tiền quá thấp, hiện nay chỉ 0,8 lần trong khi trước đây là 2,5 lần. Nợ xấu có nguyên nhân lớn nhất là cho vay theo chỉ định, đối với nhà nước chỉ định này liên quan đến doanh nghiệp nhà nước nước. Ngoài ra, còn có vấn đề sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng.
Ông Nguyễn Quang Bình, giám đốc công ty CPI đề cập về việc lãi suất ngân hàng đang xuống 12-13% nhưng về thực chất vẫn là "lãi suất ngầm" và đặt câu hỏi thực tế này do dâu. Câu trả lời của ông Thành là, lãi suất phản ánh độ khan hiếm của vốn. Về lý thuyết hệ thống tài chính (lãi suất) bị kìm nén sẽ không phản ánh đúng, làm méo mó thị trường vốn, nguồn lực phân bổ không hiệu quả. Nền tài chính Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, tự do lãi suất, chặn trần lãi suất… Ngân hàng dựa vào dòng tiền, các rủi ro, vậy cần có sự công bố minh bạch để gây sức ép cho ngân hàng về sự bất hợp lý.
Theo ông Huỳnh Bửu Quang, phó tổng giám đốc ngân hàng HSBC, chúng ta đang thiếu bài học quản lý rủi ro, thiếu sự được tư vấn về quản lý rủi ro. Tất cả những biện pháp hành chính nhằm tạo sự bình ổn thị trường tạm thời. Ngân hàng Nhà nước chắc chắn có những giải pháp căn cơ và phải mất khoảng thời gian, dù trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng doanh nghiệp đang muốn phải nhanh. Cơ chế thị trường thì lãi suất đầu vào giảm, đầu ra giảm nhưng phải đồng loạt. Tất cả các ngân hàng đều có cơ chế quản trị rủi ro nhưng quá trình phát triển nhanh của doanh nghiệp Việt Nam thời gian đang tạo ra những thách thức lớn. "Nền kinh tế còn non trẻ nên chắc chắc sau giai đoạn sàng lọc này sẽ có những chuyển đổi phù hợp", ông Quang kết luận.
Khơi thông thị trường cho doanh nghiệp
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng bộ Thủy sản. 
Bên cạnh những giải pháp về thị trường vốn đã đề cập, các giải pháp khai thông thị trường cho doanh nghiệp cũng được bàn luận thông qua kinh nghiệm xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu, các rào cản thương mại và quản trị chuỗi cung ứng nhằm gia tăng năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng bộ Thủy sản, bài học phát triển thị trường của ngành thủy sản cũng là bài học cho tất cả các ngành nông nghiệp Việt Nam. Từ kinh nghiệm của ngành thủy sản, bà Minh cho rằng khả năng thâm nhập thị trường của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi thương mại còn yếu. Cho đến nay không có doanh nghiệp nào có khả năng tiếp cận đến trực tiếp người dùng; một số vẫn đang tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu của các doanh nghiệp khác. Sự phát triển đó chưa thật sự dựa được trên sức mạnh liên kết của cộng đồng với sự phối hợp và hỗ trợ của nhà nước "Doanh nghiệp hiện nay chỉ nghĩ đến vốn mà không nghĩ đến khâu tiếp cận thị trường lâu dài sẽ mãi mãi khó khăn và người nông dân vẫn nghèo", bà Minh nói.
Quản trị chuỗi cung ứng làm sao hiệu quả?
Ông Thiều Phương Nam, phó tổng giám đốc IBM Vietnam cho rằng thách thức của doanh nghiệp Việt Nam là phải đối mặt với việc quản trị chuỗi cung ứng trước thực tế các nhà cung cấp ngày càng đa dạng đa kênh, biến đổi về chi phí vận tải và các biến động kinh tế nói chung. Các mô hình tiếp thị truyền thống không còn phù hợp, vấn đề đặt ra là làm sao để tận dụng hiệu quả công cụ công nghệ để có thể tiếp cận mọi người mọi lúc. Người mua hàng ngày nay tiếp cận rất nhiều kênh thông tin công nghệ. Điều này đang làm thay đổi từ cách thức tìm vốn, sản xuất và phân phối các sản phẩm, làm cho công việc kinh doanh vốn phức tạp trở nên đơn giản hơn.
Để xây dựng thành công chuỗi cung ứng, cần tập trung vào các năng lực chủ đạo với công cụ phân tích thông tin khách hàng, sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Cần biết chính xác chất lượng, số lượng và địa điểm của hàng hóa trong tất cả các khâu. Tạo ra chuỗi cung ứng linh hoạt để tối ưu hóa hàng tồn kho trên tất cả các kênh. Cần giải quyết được lượng thông tin lớn. Việc kết nối với khách hàng trở nên chặt chẽ để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.

Tuyết Ân – Mỹ Lệ (ghi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét