Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012
Cả thế giới cải tổ ngân hàng thế nào?
08:39
Hoàng Phong Nhã
No comments
Hệ thống ngân hàng thế giới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đang tiến hành cải tổ sâu rộng như một yêu cầu tất yếu.
Cả thế giới cải tổ ngân hàng thế nào?
4 xu hướng phát triển
Xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng thế
giới trong những năm đầu thế kỷ 20 có thể tổng kết thành 4 xu hướng chủ đạo là:
- Phát triển hoạt động NHTM cung cấp các dịch vụ
truyền thống. Việc phát triển cung cấp các dịch vụ truyền thống theo hướng xác
định rõ định hướng phát triển đối với từng nhóm dịch vụ ngân hàng, trong đó
tính liên kết giữa dịch vụ, kể cả giữa các dịch vụ ngân hàng và giữa dịch vụ
ngân hàng với dịch vụ tài chính phi ngân hàng rất được chú trọng, nhằm tối ưu
hóa năng lực cung ứng dịch vụ của các ngân hàng và tạo ra chuỗi dịch vụ tài
chính hoàn chỉnh cho nền kinh tế.
- Phát triển hoạt động ngân hàng đầu tư bao gồm
các dịch vụ từ chứng khoán hóa tài sản, thực hiện các thương vụ mua lại, sáp
nhập và cơ cấu lại công ty thông qua việc bao tiêu, bảo lãnh phát hành, sắp xếp
CPH các công ty, chứng khoán hóa các khoản nợ.
- Phát triển mô hình ngân hàng đa năng. Ưu điểm
lớn nhất của mô hình ngân hàng đầu tư là “khả năng bù trừ rủi ro” và “mở rộng
cơ hội kinh doanh.” Một ngân hàng đầu tư có thể phân bổ chi phí vào nhiều đơn
vị kinh doanh chiến lược và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn nhờ vào việc cung cấp
một tập hợp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng. Việc đa dạng hoá các
hoạt động tới lượt nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng lớn
thường có xu hướng hoạt động như những ngân hàng đa năng, trong khi một số tổ chức
nhỏ hơn lại tập trung vào việc phát triển thành những NHTM chuyên biệt hoặc
ngân hàng đầu tư.
- Phát triển hoạt động ngân hàng xuyên biên
giới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc bùng nổ hoạt động ngân hàng
cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực này đã làm dấy lên nhu
cầu tất yếu của việc phát triển hoạt động ngân hàng xuyên biên giới thông qua
các hình thức như hợp tác, mua lại, sáp nhập và hiện diện thương mại.
Trước những xu hướng phát triển đó đòi hỏi phải
có sự phát triển đồng bộ bao gồm cải cách toàn diện khuôn khổ thể chế, tăng
cường năng lực điều hành chính sách và giám sát hệ thống ngân hàng của NHTW,
tăng cường năng lực hoạt động, năng lực tài chính và quản trị rủi ro của các
NHTM, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở
cửa thị trường dịch vụ ngân hàng. Nhưng sự phát triển của các nhân tố trên chưa
theo kịp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua. Đặc
biệt là sự phát triển nóng của các công cụ, sản phẩm phái sinh mới đã vượt qua
những tính toán thông thường và tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ khi không được quản lý
chặt chẽ.
3 nội dung cải tổ
Trong khi các xu hướng phát triển đó là tất yếu
và tiếp diễn trong giai đoạn hiện nay xuất phát từ những yêu cầu của nền kinh
tế, cải tổ hệ thống ngân hàng đã được tiến hành ở hầu hết các nước, thậm chí là
với nỗ lực của các nhóm nước, tập trung vào 3 nội dung chính sau:
Một là, sửa đổi bổ sung các quy định tài chính
theo hướng nâng cao vai trò của các cơ quan giám sát đối với hoạt động ngân
hàng và giám sát chặt chẽ các hoạt động phái sinh. Tại Hội nghị G20 tổ chức ở
London (Anh) ngày 2/4/2009, các nhà lãnh đạo các nước G20 đã thống nhất cho
rằng, trước mắt cần phải: (i) Quản lý và giám sát chặt chẽ các tổ chức tài
chính, thiết lập những quy tắc mới nhằm giám sát các quỹ đầu cơ (hedge funds),
kiểm soát các công ty xếp hạng tín dụng để tránh những trường hợp mâu thuẫn
quyền lợi hay thiên vị, có sự móc ngoặc giữa cơ quan đánh giá và giới đầu tư;
(ii) Tăng cường các quy định, quy chế quốc tế đối với các ngân hàng và các định
chế tài chính khác, buộc các ngân hàng giữ nhiều vốn hơn để đề phòng khả năng
tái diễn thua lỗ, giám sát tiền lương, tiền thưởng, hoàn thiện các tiêu chuẩn
kế toán quốc tế, trong đó có việc trích lập dự phòng và đánh giá rủi ro, tiêu
chuẩn hóa các sản phẩm phái sinh; (iii) Các ngân hàng từ thương mại đến đầu tư
sẽ bị thanh tra chặt chẽ hơn nhằm phát hiện sớm, phòng ngừa các hoạt động tín
dụng, đầu tư chứa đựng quá nhiều rủi ro, minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh,
chống che giấu nghiệp vụ hay lý lịch thân chủ; (iv) Đưa ra quy định mới và chế
tài nghiêm ngặt đối với các nước có chính sách thuế thông thoáng có thái độ bất
hợp tác trong việc giám sát tài chính quốc tế.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác quản lý rủi
ro và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng chủ động khởi
xướng và triển khai các biện pháp quản lý rủi ro theo những định hướng của
mình, chứ không chỉ quản lý rủi ro theo kiểu tuân thủ các quy định như thường
lệ. Bên cạnh đó, phương pháp quản lý tài sản nợ còn được triển khai để đánh giá
chính xác hơn tài sản do các tổ chức tín dụng nắm giữ nhằm ngăn chặn lặp lại
thất bại trong việc chứng khoán hóa các khoản nợ dưới chuẩn như nhiều nước
phương Tây đã gặp. NHTW Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã
đưa ra những hướng dẫn để các ngân hàng tuân theo những nguyên tắc quan trọng
nhằm đẩy mạnh việc quản lý tài sản một cách chặt chẽ.
Hiệu quả hoạt động vẫn là một trong những ưu
tiên hàng đầu đối với các tổ chức tín dụng trong khu vực châu Á - Thái Bình
Dương. Yêu cầu này liên quan đến một số vấn đề như quản lý chi phí hoạt động,
giảm bớt các thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý giao dịch. Việc củng cố tích
hợp các giải pháp công nghệ theo một nền tảng chung là yếu tố quan trọng đem
lại hiệu quả trong hoạt động.
Ba là, tái cơ cấu vốn và đòn bẩy tài chính. Đòn
bẩy tài chính được coi là một trong những nguyên nhân chính của hầu hết các
cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Tại Mỹ, theo quy định, ở các NHTM, tỷ lệ đòn bẩy thường bị khống chế ở mức 12
lần, nhưng ở các ngân hàng đầu tư, tỷ lệ này thường trên 20 lần. Theo một số
tính toán, đầu năm 2008, 5 “đại gia” phố Wall (Goldman Sachs, Merrill Lynch,
Lehman Brothers, Bear Stearns và Morgan Stanley) đều có tỷ lệ đòn bẩy tài chính
xấp xỉ hoặc hơn 30 lần. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi 2 “đại gia” bất động
sản Freddie Mac và Fannie Mae với đòn bẩy tài chính hơn 60 lần là những nạn
nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng.
Trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng cần có
sự cơ cấu lại đòn bẩy tài chính để nâng cao mức độ an toàn trong hoạt động ở
một số khía cạnh: hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy vào các tài sản không có
tính thanh khoản, đưa ra những quy định rõ ràng về tỷ lệ đòn bẩy cần khống chế,
các cơ chế kiểm soát việc sử dụng đòn bẩy tài chính cần được tuân thủ, các
nguyên tắc quản trị ngân hàng hiện đại cần được áp dụng triệt để.
Nguyễn
Thùy Linh, Viện Chiến lược Ngân hàng - NHNN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét