Sau trường hợp của Công ty Chứng khoán Hà Thành (HASC) cách đây hơn 1 năm khi nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty là ông Trương Duy Sơn đã lặng lẽ bỏ lại sau lưng khoản nợ 100 tỷ đồng, đầu tháng 8 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam lại rúng động khi nghe tin hai lãnh đạo cao nhất của Công ty Chứng khoán SME bị bắt tạm giam do có những dấu hiệu vi phạm về triển khai hợp đồng hợp tác đầu tư với một số đối tác.
Khi lãnh đạo phớt lờ quy định
Báo cáo theo dõi hoạt động và diễn biến tại Công ty Chứng khoán SME (SMES) hơn hai năm nay cho thấy, những sai phạm của SME là một quá trình dài.
Ngay từ tháng 8/2010, khi kiểm tra toàn diện hoạt động của SME, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu SME không được phép sử dụng những hợp đồng hợp tác đầu tư và phải tất toán hết. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với SME và yêu cầu công ty ngừng ký mới các hợp đồng cung cấp các sản phẩm tài chính hỗ trợ giao dịch chứng khoán khi chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Tháng 10/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại tiếp tục kiểm tra toàn diện hoạt động của SME và đã có công văn yêu cầu SME bổ sung thuyết minh chi tiết có xác nhận của kiểm toán về các khoản phải thu, phải trả, tình trạng hiện tại của các khoản nợ quá hạn và khoản phải thu quá hạn trong phần thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2011.
Để bảo vệ nhà đầu tư và khách hàng tại SME, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề nghị 2 sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) tăng cường quản lý, giám sát hoạt động với SME.
VSD đã đình chỉ tạm thời lưu ký chứng khoán của SMEs từ 7/11/2011 đến 7/1/2012 do SME thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thành viên lưu ký và để xảy ra tình trạng mất thanh khoản giao dịch chứng khoán. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã thông báo đưa cổ phiếu của SME vào diện kiểm soát. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với công ty kiểm toán để làm rõ một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của công ty kiểm toán đối với một số vụ việc liên quan đến SME...
Trước tình hình tài chính của SME có vấn đề (chủ yếu liên quan đến khoản nợ của công ty), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cảnh báo và thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký lưu ký chứng khoán cũng như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của công ty.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có nhiều nguyên nhân khiến SME liên tục có những hành vi vi phạm. Ngoài nguyên nhân khách quan là sự khó khăn của thị trường chứng khoán trong một thời gian dài còn phải kể đến các nguyên nhân chủ quan như: sự yếu kém trong quản lý rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ không được thực thi đầy đủ và sự dễ dãi trong việc thẩm định các khoản vay và cho vay của các đối tác liên quan tới SME...
Tăng cường quản lý rủi ro
Trên thực tế, các công ty chứng khoán đều nhận thức rất rõ vai trò của quản lý rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, từ nhận thức tới việc tuân thủ các quy định là một khoảng cách rất xa.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cả hai trường hợp sai phạm bị phát hiện kể trên đều cho thấy thực trạng yếu kém về quản trị công ty tại các công ty chứng khoán này. Điều này dẫn tới tình trạng người điều hành thao túng hoạt động công ty. Dù cả hai công ty đều có quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro nhưng việc thực thi và tuân thủ các quy trình này rất kém.
Để tăng cường minh bạch đối với hoạt động công ty chứng khoán, ngay trong tháng 8, sau khi tất cả các công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính soát xét quý 2/2012 và báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính có soát xét tại thời điểm 30/6/2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phân loại và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra về an toàn tài chính và khả năng thanh toán của các công ty chứng khoán. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát về vốn, hành nghề, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, tuân thủ pháp luật của các công ty chứng khoán. Trong năm nay, sẽ ban hành và áp dụng bộ tiêu chuẩn CAMELS để phân loại công ty chứng khoán và các quy định mới về quản trị rủi ro, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán, giảm thiểu rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư.
Một quy chế hướng dẫn công ty chứng khoán thực hiện quản lý rủi ro trong khuôn khổ công ty chứng khoán vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thành và trình Bộ Tài chính ban hành. Trong đó, điểm quan trọng nhất là công ty chứng khoán phải có ủy ban quản lý rủi ro. Hội đồng Quản trị với vai trò chịu trách nhiệm cao nhất đối với hoạt động quản lý rủi ro, sẽ phải xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro thích hợp cho công ty, gồm: quy trình hoạt động, văn hóa quản lý rủi ro, kế hoạch phân bổ vốn cần thiết để triển khai hệ thống quản lý rủi ro.
Mặt khác, Hội đồng Quản trị cần phải tính đến quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và các quy định liên quan khác trong việc lên kế hoạch phân bổ vốn.
Cũng trong quy chế này, vai trò, trách nhiệm của các vị trí quan trọng trong công ty chứng khoán cũng được đề cập.
Mục đích của quy chế này để công ty chứng khoán phải quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Hàng năm, công ty chứng khoán phải xây dựng và ban hành chính sách quản lý rủi ro làm cơ sở cho hoạt động quản lý rủi ro thường xuyên.
Chính sách quản lý rủi ro phải phản ánh chính xác mục tiêu của chiến lược hoạt động của công ty, khả năng chịu đựng rủi ro và bản chất của những rủi ro mà công ty phải đối mặt.
9 yếu tố cần phải được xem xét khi xây dựng chính sách rủi ro: chiến lược hoạt động của công ty, khả năng chịu đựng rủi ro của công ty, các công cụ tài chính chịu rủi ro, chất lượng của các thủ tục kiểm soát nội bộ, khả năng giám sát rủi ro và tính hoàn thiện của hệ thống quản lý rủi ro và các thủ tục liên quan, mức độ chuyên nghiệp về quản lý rủi ro, hoạt động quản lý rủi ro trong quá khứ, chính sách khen thưởng, quy định pháp lý...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét